- 2 -

     ưới cái hầm của ngôi biệt thự ở gần Phú Lâm, nơi mà bọn đợt sống mới thường kéo nhau đến nhảy lậu, Trần Đại tạm trú tại đó. Đêm qua, khi ăn đủ đạn của cảnh sát, Trần Đại mò mẫm về nhà cũ. Hắn đã gặp James Dean Hùng.
James Dean Hùng quanh quẩn gần căn nhà mướn của Trần Đại xem đứa nào đã chỉ điểm cho cảnh sát. Nó chưa biết đứa khốn nạn ấy. Nhưng cảnh sát đã bố ráp nhà Trần Đại lục soát rất lâu. Khi cảnh sát bỏ đi, James Dean Hùng trở vào thu dọn “chiến trường”. Và nó tính ngủ luôn một giấc đến sáng mai gặp Trần Đại sẽ bàn tính sau.
Nó không ngờ Bốn lơ xe bị phản bội, chết oan nghiệt bằng lưỡi dao của nó. Trần Đại bị rượt bắn què cẳng lại liều lĩnh về nhà mình. May mà hắn gặp James Dean Hùng. Công việc đầu tiên của James Dean Hùng là tìm một người y tá cùng ngõ chích thuốc cầm máu, băng bó vết thương cho Trần Đại. Tờ mờ hôm sau, nó đưa Trần Đại sang Phú Lâm.
Chủ nhân tiệm nhảy đầm lậu thường bị bọn du đãng tép riu nhảy quỵt và uống nước gỡ. Mụ nhờ người kiếm James Dean Hùng giao phó nhiệm vụ “an ninh” nơi tiệm nhảy, mỗi tháng mụ trả lương ba ngàn. James Dean Hùng đang ở vào thời kỳ đói rách. Nó nhận lời. Thuê được nó, mụ chủ tiệm nhảy đầm lậu không còn sợ nạn nhảy quỵt nữa. James Dean Hùng nghĩ rằng, tối tối chỉ ghé tới độ nửa giờ, nhảy vài bản biểu diễn để bọn du đãng tép riu thấy nó luôn luôn có mặt mà ăn ba nghìn lương, ngon chán. Lúc Trần Đại bị thương trở về, James Dean Hùng mới sực nhớ cái hầm nhảy lậu này. Giá nó nhớ sớm hơn thì Trần Đại khỏi tai nạn và Bốn lơ xe đâu đã chết. Cả Trần Đại cũng không nhớ, mặc dù hắn đã từng đưa người yêu tới đó nhảy nhót. Bây giờ nhớ ra, James Dean Hùng bèn chở Trần Đại nương náu ở đó. Nó cho rằng nơi này an ninh nhất. Nhảy lậu không việc gì thì du đãng tạm trú trị bệnh dễ chi đã bị khám phá. Vì thế Trần Đại đến Phú Lâm. Hắn nằm trên chiếc ghế bố mới. Cơn sốt kéo dài liền hai tiếng đồng hồ. Mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt bảnh trai bướng bỉnh của hắn. Vết thương bắt đầu đau nhức. Trần Đại trở mình nhăn nhó. James Dean Hùng đứng bên hỏi:
- Anh thấy thế nào?
Trần Đại mệt mỏi đáp:
- Nhức quá. Không hiểu đạn có nằm trong thịt không?
- Chắt không.
- Sao chú dám chắc?
- Vì anh vẫn còn chạy được.
Trần Đại khẽ xua tay:
- Không chắc đâu, việc này chỉ có bác sĩ mới đủ thẩm quyền.
James Dean Hùng long lanh đôi mắt:
- Hay em đi mời bác sĩ nhé!
Trần Đại gượng cười:
- Khó lắm.
- Mình có tiền mà!
- Có tiền mà nhưng chú đi thì hỏng việc.
James Dean Hùng chưa hiểu Trần Đại nói hỏng việc là hỏng việc gì. Thì Trần Đại đã vẫy tay áo cho nó tới gần:
- Anh nhờ chú một việc khác vậy.
James Dean Hùng ngạc nhiên:
- Thưa anh, anh đang bị sốt...
Nhếch mép cười thông cảm, Trần Đại nói nhỏ:
- Chú lo dùm anh nhiều quá. Phải chi gia đình ta...
Trần Đại không nói tiếp. Nước mắt hắn tự nhiên ứa ra. Khiến James Dean Hùng phải quay đi chỗ khác, che giấu sự xúc động từ đáy lòng mình. James Dean Hùng móc miếu xì gà “Havatampa” bóc giấy và châm lửa. Nó cắm vào đôi môi mấp máy đang định nói điều gì của Trần Đại. Để xua đuổi nỗi buồn riêng của Trần Đại, James Dean Hùng khoe:
- Mới mua tặng anh hai hộp “Havatampa” Nhờ con Hồng Hảo bồ của chú Mẽo đấy đàn anh ạ! “En” bảo hai đôn rưỡi. Nhưng lấy em có hai bò...
Trần Đại bỗng phì cười:
- Chú tài quá!
James Dean Hùng nhún vai:
- Tài gì đâu, “En” lợi dụng cái “mác” du đãng của em để các “khứa” nhãi khỏi quấy rầy. Đời chó má thật!
Trần Đại đùa:
- Được người đẹp lợi dụng chú còn kêu ca gì nữa?
James Dean Hùng búng tay tách một cái. Từ kiểu búng tay đến kiểu nhún vai, James Dean Hùng đều bắt chước Trần Đại. Tên du đãng chiếu nhì nheo mắt:
- Kêu ca gì đâu, em cũng lợi dụng cái “mác” Mẽo của nó để nhờ mua “Havatampa”.
Rồi nó hỏi:
- Lúc nãy anh định nhờ em việc gì?
Trần Đại hít một hơi thuốc thật đầy. Hắn phả hơi từ từ ra đằng mồm rồi lại hít hết vào mũi. Đoạn hắn nhả ra một vòng tròn lớn và những vòng tròn nhỏ tiếp theo luồn qua vòng tròn lớn trông rất đẹp mắt. Gẩy chút tàn thuốc vô ly sữa uống chưa hết. Trần Đại nói:
- Việc hơi khó.
- Phải dùng dao?
- Không.
- Thế dùng gì?
- Tùy ý chú. Anh muốn nhờ chú tìm dùm Tường Vi và đưa nàng tới đây.
James Dean Hùng sửng sốt:
- Để làm gì?
- Để nàng đưa anh đi gắp viên đạn ra. Chú bằng lòng chứ?
- Vâng.
- Chú kiếm bút cho anh viết vài hàng cho bà phước.
- Như thường lệ ạ?
- Ừ, như thường lệ. Nhớ kiếm cho cái phong bì nữa nhé!
- Vâng.
James Dean Hùng bỏ Trần Đại nằm một mình trong hầm bật sáng điện. Nó đẩy cửa toan bước ra, Trần Đại gọi với:
- Chú Hùng...
James Dean Hùng bước nhanh trở lại:
- Anh cần dặn gì em nữa.
- Chú cho anh nghe vài đĩa của Nat King Cole.
James Dean Hùng biết rằng, lúc này đây, đàn anh của nó đang cô đơn lắm. Sự cô đơn làm rơi nước mắt của kẻ xem thường cái chết, coi thường ngục tù. Cô đơn đến nỗi Trần Đại phải tìm người yêu trong cơn thất thế. Bất giác, James Dean Hùng thương Trần Đại hơn cả bao giờ.
Nó tới giàn máy hát, lắp một chồng đĩa của Nat King Cole, cho máy chạy. Rồi, chẳng cần nói thêm lời nào với Trần Đại, nó rời khỏi căn hầm.
Tiếng nhạc trỗi lên nghe dịu dàng và tha thiết. Âm thanh nổi lại không thoát được ra ngoài căn hầm, nên nhạc “Blue” mơ hồ như một thứ nhạc thần tiên hòa hợp cùng ma quỷ. Giọng của Nat King Cole róc vào tai Trần Đại từng lời rõ rệt và êm ái:
- Anh yet we were not too young to know
this love will last the years may go
Anh then, some day they may recall
we were not too young at all...
Trần Đại xòe bàn tay xoa cầm. Hắn nói thầm:
- Đời đã cắm nhiều chông lên mảnh vườn tuổi trẻ của mình quá. Râu ria lởm chởm như ông cụ non...
Rồi hắn hát bài hát “Too young” theo Nat King Cole:
- We were not too young at all...
Trần Đại nghe hết bài “Autumn leaves” thì điếu “Havatampa” cũng cháy tới mẩu gỗ. Hắn vẫn ngậm không chịu vất đi. Âm nhạc dịu dàng và sự im lặng giúp Trần Đại bớt trống trải tâm hồn. Hắn đang muốn tìm lại một hình ảnh đẹp nào đó trong cuộc đời du đãng. Thì James Dean Hùng đã về. Nó đưa giấy bút cho Trần Đại:
- Anh gượng người dậy được không?
- Không cần, chú kiếm cho anh cái đồ kê. Lấy chiếc đĩa hát được đấy.
James Dean Hùng làm y như lời Trần Đại. Hắn nằm ngửa, viết giấy xin phép cho người yêu ra khỏi nội trú và viết thư cả cho người yêu nữa. Trần Đại hỏi James Dean Hùng:
- Có bản “Smoke gets in your eyes” không chú?
- Dạ có.
- Cho anh nghe đi, anh thích nhất bài này, thích tới khi nhắm mắt. Có lẽ, ban “Platters” đi sâu vào lòng người mộ điệu là nhờ bài này...
Trần Đại đã bớt sốt. Âm nhạc làm hắn quên cả vết thương ray rứt. Hắn ném mẩu gỗ thay píp của điểu “Havatampa” cất tiếng hát:
- Yet today my love has flown away. I am without my life...... when a lovely flame dies smoke gets in yours eyes...
Dứt câu hát, Trần Đại bảo James Dean Hùng:
- Chú đưa Tường Vi lại đây ngay nhé!
- Vâng.
- Bảo nàng anh bị ốm nặng. Chú còn tiền xe pháo không?
- Còn.
- Nhiều hay ít?
- Em mới lãnh lương của mụ Tám Thơm.
- Chú cho anh mượn hai ngàn.
James Dean Hùng móc ví đưa tiền cho Trần Đại:
- Anh dùng tạm cả ba ngàn đi, em mới “chộp” được cái áp phe cũng đủ tiêu rỉ rả mươi hôm.
- Càng tốt. Thôi chú cầm lấy thư đi giùm anh đi!
- Thưa anh có cần cho bọn nó biết anh nằm ở đây không ạ?
- Tùy chú.
James Dean cầm hai lá thư bỏ vào túi ngực. Trần Đại nói:
- Chú tắt máy hát và bớt ánh sáng đi một chút.
Căn hầm trở nên im lặng. Dưới ánh đèn xanh huyền ảo Trần Đại nằm cô độc trên chiếc ghế bố. James Dean Hùng đã đi rồi. Một lát nữa, có thể chừng tiếng đồng hồ, Tường Vi sẽ tới với hắn. Trần Đại chưa biết nên nói gì với người yêu.
Hơi trở mình nghiêng nghiêng, hắn thò tay vào túi quần sau rút cái ví lấy ra một tấm ảnh ngắm nghía. Trần Đại lẩm bẩm:
- Nàng khổ hơn mình...
Nỗi sầu đùn lên mắt tên du đãng. Hắn nhét vội tấm ảnh vào ví rồi rút điếu “Havatampa” châm lửa hút. Khói thuốc thơm lan tỏa. Mùi thơm của xì gà “Havatampa” quyến rũ vô cùng Trần Đại mở tròn mắt nhìn khói thuốc bay. Hắn mường tượng thấy Tường Vi và chuỗi ngày đơn độc sống heo hút trong một nội trú nhỏ ở Hòa Hưng của nàng.
Trần Đại tự hỏi không biết nàng buồn đến thế nào khi bị giam cầm tuổi con gái? Hẳn sống ngoài vòng cương tỏa của gia đình, xã hội mà còn cảm thấy buồn nôn thì nỗi buồn của nàng phải gấp hai, ba lần nỗi buồn của hắn! Trần Đại thở dài. Kỷ niệm hiện về cùng với cơn sốt sắp sửa dầy vò hắn...

 

Quán cà phê “Gió Nam” ở giữa phố Phan Đình Phùng. Quán khai trương chừng tuần lễ thì nổi tiếng ngay. Quán được các văn nghệ sĩ chiếu cố rất đông đảo. Người ta đến đó để uống cà phê và để ngắm cô Tường Vi, con gái của chủ quán. Cà phê “Gió Nam” ngon nhất Sài gòn. Cô Tường Vi đẹp như các nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn tình cảm.
Nghiễm nhiên, quán “Gió Nam” trở thành một thứ quán của nghệ sĩ. Người ta dùng nó làm cái “trụ sở” riêng để hẹn hò nhau tới bàn chuyện nghệ thuật. Một ly cà phê phin hay một ly ca phê phin đá, dăm đồng thuốc lá thơm, hoặc sang hơn, vài ba điếu ba con năm, ba con chín, người ta có quyền ngồi hàng giờ, dọn đường đi vào văn học sử. Người ta nói thật to, tỏ cho cuộc đời, và tỏ cho cô Tường Vi biết rằng, người ta là các văn nghệ sĩ.
Người ta chia từng nhóm - Mỗi bàn là một nhóm - thảo luận về các chiều tư tưởng của văn chương thế giới hiện đại. Mỗi ông bê một chồng sách tây tới quán. Có ông vác sách của Satre, có ông vác sách của Camus, có ông vác sách của Kafka. Cũng có ông vác sách của bà Tùng Long, Dương Hà, Trọng Nguyên... Thỉnh thoảng có ông ôm kè kè một cuốn rất dầy. Tưởng là cuốn trường giang tiểu thuyết của Tolstoi, của Dostoievski... ai dè nó lại là cuốn tự điển Việt Anh, Anh Việt tiêu chuẩn của Lê Bá Kông! Tuy có “hiện tượng” văn nghệ đó, nhưng cà phê “Gió Nam” vẫn ngon vẫn nổi tiếng. Những nhà làm văn nghệ chính cống thì mang một mặc cảm tự tôn tới quán. Còn những nhà không làm văn nghệ thì mang mặc cảm tự ti, ít dám bước vào quán. Quán “Gió Nam” vì vậy hiếm những bộ mặt sạch sẽ. Toàn những bộ mặt nham nhở, lập dị, những kiểu đầu rối bù ba bốn tháng chưa thèm cắt tóc; những con mắt ngái ngủ bởi thức trắng nhiều đêm sáng tác và những ngón tay vàng khè bởi hút quá nhiều thuốc lá.
Cà phê, thuốc lá là nguồn rung cảm thứ hai. Nó liên đới với nguồn rung cảm tâm hồn. Người ta nghĩ rắng, dẫu ý văn trà trề, dẫu tứ thơ dàn dụa mà thiếu cà phê, thuốc lá, khó mà viết hay được. Bởi vậy đã là văn nghệ sĩ phải biết hút thuốc lá và uống cà phê. Và điều này nữa, phải biết la cà ở các quán bán cà phê, để tìm nguồn rung cảm. Vì cái định luật trên mà quán “Gió Nam” mới đông khách văn nghệ.
Chủ quán sẵn tài đấu hót. Ông ta cũng bằng lòng để khách đấu hót con mình nên càng hợp “gu” nghệ sĩ. Mỗi người đồn một tiếng, quán “Gió Nam” trở thành nơi lý tưởng, nơi mơ ước của mầm non văn nghệ. Xa Sài gòn ít lâu, khi trở về, người ta tới quán “Gió Nam” đã, mọi việc tính sau. Người ta tương tư bộ ria mép lưu manh của ông chủ quán và tương tư khuôn mặt đẹp não nùng của cô Tường Vi.
Nhưng cô Tường Vi rất đoan trang. Cô là nữ sinh, trường Trưng Vương. Cha cô hồi ở Bắc khá giả. Di cư vào Nam không còn vốn để kinh doanh mới tính chuyện “buôn thất nghiệp lãi quan viên”. Cái dáng phong lưu quá khứ chưa tàn phai trên vầng trán thông minh của cô Tường Vi. Cha cô bị cái mặc cảm “bán cà phê” nên thích đấu hót với khách đủ mọi vấn dề văn hóa, chính trị xã hội. Nhất là văn chương nghệ thuật... Ông cố tỏ cho khách hiểu rằng ông là thứ “người biết quá nhiều” mặc dù, đôi khi, cái biết quá nhiều của ông chẳng biết một tí gì cả.
Vì chủ quán mang cái mặc cảm “bán cà phê”, vì cô Tường Vi là nữ sinh Trưng Vương và chỉ ngồi ở quầy tiền làm cảnh thôi, thành thử nhiều chàng chết mệt. Có anh uống cà phê thường trực. Có anh uống ngày ba xuất. Anh nào anh ấy nói toàn truyện vá biển lấp trời. Nói thật lớn để người đẹp Tường Vi nghe lọt vô tai.
Giai đoạn văn nghệ sĩ chính cống chiếu cố quán “Gió Nam” chấm dứt, nhường chỗ cho giai đoạn sinh viên, học sinh. Các ông văn sĩ cảm thấy tán mãi không ăn cái giải gì, bảy tám đồng một ly cà phê hơi đắt, xoay tiền đâu mà kéo dài sự chiêm ngưỡng đôi bàn tay ngà ngọc của cô Tường Vi thường trực được. Họ bèn rủ nhau đi uống cà phê túi. Mỗi ly có hai đồng rưỡi. Quán “Gió Nam” nhờ thế chấm đứt một hiện tượng văn nghệ bằng... mồm.
Đến lượt các cậu học sinh, sinh viên chiếm cứ quán “Gió Nam” thì “hiện tượng” thứ hai xảy ra. Đó là “hiện tượng”... trí thức. Các cậu vác sách luật, sách thuốc, sách dược vào quán, bàn cãi bô bô ra cái điều ta là sinh viên. Nhiều cậu học sinh lập dị hơn, chọn một cái bàn trống gần quầy tiền, dở sách toán lý hóa làm hết con tính này đến con tính khác. Miệng phì phèo thuốc lá tay viết lia lịa. Thỉnh thoảng vờ liếc người đẹp Tường Vi xem phản ứng của nàng ra sao.
Mỗi “hiện tượng” phát hiện ở quán “Gió Nam” khá lâu đủ thời giờ để chủ quán nhét tiền chặt túi. Sang giai đoạn thứ ba tức là giai đoạn của các thi văn toàn xâm nhập “Gió Nam” mùi văn nghệ bốc hung hơn bao giờ hết. Năm cậu một đoàn, một nhóm. Mỗi nhóm một bàn vừa uống cà phê vừa sáng tác ngay tại chỗ. Các mầm non văn nghệ viết lách nhanh như điện. Ba phút một bài thơ tự do. Chín mươi chín phần trăm các cô cậu trong thi văn đoàn thích làm thơ. Làm thơ xong, tác giả ngâm vang lên để bạn bè phê bình. Quán “Gió Nam” giá có “hiện tượng” đàn địch nữa, chắc chắn sẽ biến thành phòng trà ca nhạc phước thiện.
Đôi bận người ta gặp vài chú nhãi, tóc rậm rối bù, đeo kính trắng, ôm một chồng bản thảo hiên ngang bước vào quán. Chú nhãi chỉ chồng bản thảo khoe với các bạn đồng nhóm rằng đó là bản thảo của thiên trường giang tiểu thuyết viết về kháng chiến! Chú nhãi đem bán nhưng nhà báo trả ít tiền quá lại thôi. Chú nhãi vỗ ngực nói ầm ỹ là mình được nhà văn nọ khen, nhà thơ kia khuyến khích, coi chú như một thứ thiên tài chưa xuất hiện. Chú nhãi nói xong, nhìn nàng Tường Vi. Thì thấy người đẹp đang cắt móng tay một cách rất hững hờ. Chú nhãi thở dài, thất vọng.
Bèn gọi cà phê thuốc lá uống và hít để tiêu sầu trên những bài thơ tự do...
Mỗi ngày, Tường Vi nhận được vài chục lá thơ tình. Nàng chưa yêu ai nên không hiểu trong những bức thơ đó những người ái mộ nàng đã viết những gì. Tường Vi muốn bóc ra coi nhưng ông bố nàng vội chộp lấy, kiểm duyệt một lần trước khi đút những tác phẩm ái tình của các văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh vào bếp.
Rồi “hiện tượng” thi văn đoàn cũng tàn lụi, quán “Gió Nam” không còn phải là nơi độc quyền cho một giai cấp nào trong xã hội nữa. Khách của quán “Gió Nam” gồm đủ hạng người biết thưởng thức cà phê. Chủ quán càng ngày càng phát đạt. Riêng Tường Vi nàng cảm thấy cuộc đời không thơm như khói thuốc ba con chín và đẹp như những giọt cà phê dìu dịu rơi xuống đáy tách nữa. Một kẻ nàng không yêu đã phá vỡ cánh cửa tuổi thơ đi vào tâm hồn nàng.
Người ấy là một sinh viên y khoa. Chàng, thoạt tiên cũng là một người khách uống cà phê. Chàng say mê nàng ngay từ buổi đầu quán “Gió Nam”. Ông bố của nàng mến chàng lắm. Bề ngoài chàng rất đứng đắn, tư cách. Trong những câu chuyện với bố nàng, chàng luôn luôn tỏ vẻ khiêm tốn. Những người khiêm tốn rất khó tìm trong các quán cà phê có cô hàng kiều diễm. Bởi thế, bố Tường Vi mới quý chàng. Chàng lại cho biết chàng là sinh viên năm thứ sáu trường thuốc, sắp ra trường. Ông Tường Vi hả hê ra mặt. Ông ban riêng cho chàng cái ân huệ được tán tỉnh Tường Vi bất cứ lúc nào.
Mộng của “Người biết quá nhiều” hơi giản dị. Ông ta nghĩ rằng, nếu chàng sinh viên y khoa kia lấy Tường Vi, chẳng lâu la gì, ông sẽ biến quán “Gió Nam” của ông thành cái phòng thăm mạch. Mộng đó khiến ông chủ quán cà phê trẻ thêm mấy tuổi. Cả bà vợ kế của ông, dì ghẻ của Tường Vi, vốn ghét nàng thậm tệ, khi hay giấc mộng của chồng, cũng thay đổi lòng dạ, quý hóa Tường Vi hết chỗ nói. Bà thường gọi đùa “cô đốc” mỗi lần bà trách yêu Tường Vi làm cho nàng xấu hổ và khó chịu vô cùng. Nàng không rõ tại sao bố nàng nỡ dùng nàng làm bậc thang để ông leo lên cái giấc mộng tầm thường kia.
Chàng có xe hơi. Xe hơi cũ. Ông chủ quán “Gió Nam” bỏ tiền lãi cà phê sắm tặng chàng chiếc xe khá hơn. Tường Vi đi học chàng đưa nàng tới trường. Tường Vi tan học, chàng rước nàng về nhà. Chàng đẹp trai, học giỏi tương lai tràn trề, thừa xứng với nàng. Nhưng không hiểu tại sao nàng khó cảm nổi chàng, dù tim nàng chưa trao gửi cho một người nào khác. Được bố nàng cho phép, chàng đã đi quá vội vàng, càng khiến Tường Vi chán nản. Chàng ôm ấp nàng. Trong vòng tay thương mến ấy Tường Vi có cảm giác như chàng lợi dụng sự khờ dại của nàng, sự mù quáng của bố nàng triệt để. Và Tường Vi phát tởm. Những chiếc hôn ăn cướp của chàng, Tường Vi không kịp đề phòng, nàng thường quay mặt đi nhổ nước miếng.
Mới lớn lên, Tường Vi rất khao khát chuyện yêu đương. Nhưng tình yêu đi vào tâm hồn người con gái còn trong trắng không thể hối thúc, cuồng nhiệt, phũ phàng, đốt cháy giai đoạn như kiểu ân ái tây phương. Mà nó bắt buộc phải đi bằng những bước chân nhẹ nhàng trên con đường đầy hoa đầy mộng phải có những giận hờn, những tiếng thở dài, những giọt nước mắt tưởng vỡ tan mộng ước, những đêm không ngủ nghĩ đẹp cho nhau những bức thư viết xong rồi lại đem xé; những chiếc hôn môi ngập ngừng không dám chỉ lướt nhẹ trên trán người yêu, những bàn tay đan lấy bàn tay và những con mắt long lanh ngước nhìn vu vơ để che giấu sự bối rối sự rung động xao xuyến cõi lòng...
Tường Vi thèm niềm mến yêu mõng manh nắng lụa của thủa ban đầu. Song nàng đã thất vọng. Chàng chỉ là một tên vũ phu, thô bạo. Tên vũ phu vác gạo bóp nát trái tim nàng, bóp nát mộng đẹp của nàng.
Tường Vi buồn khôn tả. Đêm đêm trên căn gác nhỏ nàng thường khóc âm thầm. Bất giác, nàng nhớ mẹ. Giá mẹ còn sống, đời nàng đâu còn tủi nhục thế này. Tường Vi chán nản học hành. Nàng muốn tự tử nhưng chưa có can đảm. Suy nghĩ mãi, nàng viết cho chàng một bức thư, van xin chàng buông tha nàng. Chàng đâu chịu. Bức thư của nàng, chàng trình bố nàng.
Giấc mộng bố vợ ông bác sĩ sắp thành mà con gái chực phá vỡ, ông chủ quán cà phê “Gió Nam” nổi giận. Ông đã trút sự giận hờn xuống thân thể mảnh mai của cô con gái. Người dì ghẻ về hùa với chồng, chửi rủa nàng thậm tệ. Ông bố Tường Vi bắt nàng thôi học. Ông mướn một căn gác, bầy biện khá lịch sự bắt nàng sống chung cùng chàng sinh viên y khoa.
Tường Vi phục dịch chàng như một con ở hầu hạ chủ. Nàng không ngờ bố mình lại bỉ ổi đến thế. Lòng nàng nguội lạnh. Con chim khuyên vừa mới ra ràng đã lọt cạm bẫy. Tường Vi kinh tởm bộ mặt khả ố của chàng. Thế mà, nàng bị sống chung cùng phòng, ăn uống cùng bàn, ngủ cùng giường với chàng. Kết quả của sự giàn xếp của ông chủ quán “Gió Nam” thành công. Ba tháng sau, nàng có bầu với chàng. Sự thể đã lỡ, nàng ngậm ngùi oán trách thân phận và hy vọng rằng sống lâu bên chàng, nàng sẽ đổi tâm tính để cảm nổi chàng. Và đứa con nàng may ra sẽ tạo cho nàng một chân trời hạnh phúc mới.
Bố nàng hả hê nhất. Kế hoạch của ông chu tất quá. Ông đã buộc chân chàng sinh viên y khoa vào chân con gái mình. Ông mường tượng quang cảnh một hôm trời đẹp nào đó, ông đứng chứng kiến phu phen hạ cái biển quan cà phê “Gió Nam” xuống và trưng cái biển phòng mạch của bác sĩ X... lên, mặt ông ngời sáng, bộ ria của ông rung ring.
Nhưng đùng một cái, chàng sinh viên y khoa tốt nghiệp lấy liền tay một cô con gái nhà giầu khác. Ông chủ quán cà phê “Gió Nam” chết lặng người. Giấc mộng của ông nổ tung. Ông chợt tỉnh ngộ. Muộn quá rồi. Vợ ông cho rằng con gái ông không biết cư xử nên chàng bác sĩ mới thay dạ đổi lòng. Ông chủ “Gió Nam” nổi trận lôi đình, đánh trả thù con gái, những trận đòn thập tử nhất sinh. Những thanh củi tạ tới tấp nện vào người Tường Vi. Nàng xin, nàng lạy. Vô ích, bố nàng mất cả chì lẫn chài thì phải đánh nàng gỡ nợ.
Mỗi ngày chịu mấy trận đòn thù, Tường Vi chịu không nổi. Chiếc bào thai hơn một tháng băng hư. Người bố nhẫn tâm hơi chột dạ, vội vàng đưa đứa con gái khốn nạn tới nhà thương. Hơn hai tuần sau, Tường Vi trở về nhà cũ. Tủi thân, nàng đã uống năm ống “Optalidon” để kết liễu cuộc đời. Nhưng số nàng chưa chết. Gia đình biết sớm cứu chữa kịp. Hai năm liền, Tường Vi không hề bước xuống khỏi căn gác nhỏ. Người nàng xanh mướt, đáng thương. Bố nàng thua canh bạc đời bớt giận nàng. Dì ghẻ nàng sợ nàng tự tử, cũng thôi chửi bới.
Vào những ngày tháng nỗi buồn của Tường Vi tiêu tan dần, quán “Gió Nam” đột nhiên khởi sắc. Khách tới “Gió Nam” uống cà phê toàn là thanh niên đợt sống mới trên dưới hai mươi tuổi. Đây là giai đoạn chót. Giai đoạn của du đãng ngự trị quán “Gió Nam”.
Là du đãng, nhưng đám người tuổi trẻ này tỏ ra hết sức đứng đắn. Họ chưa hề uống quỵt một ly cà phê hay buông lời chọc ghẹo chủ quán. Họ cũng chưa hề đập lộn ở quán “Gió Nam”. Bởi vậy ông chủ quán rất hài lòng. Cô Tường Vi nằm dài trên gác nhỏ ôm nỗi sầu vô hạn mãi cũng chán, cô đã xuống quầy hàng thu tiền, làm công việc của hơn hai năm về trước. Quán “Gió Nam” có bóng Tường Vi chẳng khác gì cơn râm trong buổi trưa nắng. Cà phê đậm đà hơn. Hương thuốc lá thơm tho hơn. Bài “Cô hàng cà phê” của Canh Thân có ý nghĩa hơn. Những cặp mắt du đãng đăm đăm nhìn nàng. Du đãng đa tình lắm. Tuy nhiên du đãng rất kính trọng các thiếu nữ đẹp. Trước một mối thù cần thanh toán, đôi mắt tên du đãng đỏ ngầu, sôi sục. Trước người đẹp, nếu người đẹp là nữ sinh, đôi mắt tên du đãng ngẩn ngơ, tha thiết và chứa đựng cả một chân trời tình ái.
Du đãng không thích ba hoa, bốc thối trong các tiệm cà phê, trừ bọn du đãng hạ cấp. Thì bọn này lấy tiền đâu mà uống cà phê “Gió Nam”? Trần Đại ở trong đám khách du đãng đó.
Hắn tới quán “Gió Nam” là do James Dean Hùng hẹn. Hôm đó, cần thanh toán một thứ “chì” mới xuất hiện ở Phan Đình Phùng. Thứ “chì” này tên là Sinh ống nước. Sinh ống nước “bắt địa” của bạn James Dean Hùng chiếc Vélosolex. Bạn James Dean Hùng cầu cứu. James Dean Hùng nghe bạn tả hình dáng Sinh ống nước và chỉ số nhà Sinh ống nước đang làm mướn, nó sôi ruột.
Trên đời này James Dean Hùng chỉ thờ Trần Đại. Còn nó chê hết thiên hạ. Nó mời Trần Đại chờ nó ở quá “Gió Nam” đợi nó hạ thằng Sinh ống nước xong, sẽ dẫn Trần Đại đi xem một phim cao bồi ngoại hạng có Yul Brynner, James Coburn và Steve McQueen đóng. Trần Đại rất thích xem phim cao bồi. Hắn đang buồn nên James Dean Hùng rủ là đi ngay. Nghe James Dean Hùng ca ngợi cà phê “Gió Nam” hắn bèn kêu cà phê uống thử.
Ngoài xì gà “Havatampa”, Trần Đại không nghiện một thứ gì khác. Bởi thế hắn chẳng cần biết ở Sài gòn có những quán cà phê nào ngon. Quán “Gió Nam” khai trương đã ngót ba năm mà hôm nay, Trần Đại mới biết.
Lúc ấy Trần Đại đang ngồi gần quầy tiền của Tường Vi. Hắn nhìn những giọt cà phê ra chiều mơ mộng lắm. Trên đôi môi hắn lúc nào cũng có điếu “Havatampa”. Trần Đại hướng mắt ra đường trông chờ James Dean Hùng. Khác hẳn tất cả những khách đã tới “Gió Nam”, hắn không thèm liếc nhìn Tường Vi. Nhưng Tường Vi thì đăm đăm nhìn Trần Đại.
Tên bồi lấy cái phin ra và bỏ đá vào cà phê của Trần Đại. Hắn xúc thêm đường, ngoáy lia lịa. Xong, hắn hít đầy hơi “Havatampa” thả một vòng tròn dầy đặc. Vòng khói này theo sự điều khiển của Trần Đại, từ từ xuống ly cà phê. Gặp chất đá lạnh, vòng khói tụ lại và tan trên mặt ly. Nhiều chú nhãi trông thấy Trần Đại biểu diễn trố mắt nhìn. Tường Vi buột mồm khen:
- Đẹp quá!
Trần Đại quay lại. Hắn gặp đôi mắt long lanh tình cảm nhìn mình. Trần Đại xao xuyến tâm hồn. Từ ngày bỏ nhà đi làm du đãng, lòng hắn chỉ chở chất những căm hờn. Hắn chưa yêu ai, trừ những mối tình tạm bợ với mấy cô ca sĩ, mấy nàng vũ nữ. Trần Đại gọi những mối tình tạm bợ đó là “tình hộ tống”. Các nàng mê hắn vì biết hắn là du đãng thứ chiến. Đi với hắn, không đứa nào dám phá hoại cuộc đời ái tình và sự nghiệp của các nàng.
Trần Đại mỉm cười ngầm cám ơn Tường Vi đã khen mình. Hắn nhả vòng khói thứ hai. Vòng khói này bay thẳng lên mặt Tường Vi. Nàng nghiêng đầu tránh. Khói ùa vào tóc nàng, tản mạn dần nom như khói sương bốc lên từ một khu rừng cây. Tường Vi trách nhẹ.
- Ông suýt làm tôi ho đấy nhé!
Trần Đại nhún vai:
- Tôi xin lỗi, vì tưởng cô thích khói “Havatampa”.
Tường Vi vẫy nhẹ bàn tay xua khói thuốc:
- Đâu có thích khói thuốc, tôi thích cái vòng tròn ông thổi cơ. Ông thổi nữa đi!
Trần Đại lắc đầu. Tường Vi hỏi:
- Sao thế ông?
- Tôi chưa bao giờ thổi vòng khói thứ ba ở mỗi điếu thuốc.
Vẫn giọng nói ngây thơ, dễ cảm, Tường Vi nheo mắt:
- Sao thế ông?
- Vì khai thác điếu thuốc quá, nó kiện...
Tường Vi cười khúc khích. Nàng như đám rừng cuối thu, tình cảm chết mục cơ hồ những chiếc lá. Còn linh hồn chơ vơ giống hệt như những cành cây khô. Nhưng nhân gian không phải có một mùa thu. Và đám rừng cuối thu tàn tạ đã nhú lộc non xanh khi mùa xuân tới. Trần Đại chưa là mùa xuân, Trần Đại mới chỉ là cánh én từ rừng đồi xa xăm đưa tin về rằng mùa xuân sắp trở lại. Mùa xuân sắp trở lại với mùa xuân cuộc đời của Tường Vi. Quá khứ sắp tiêu tan quá khứ sẽ tiêu tan hẳn. Mắt nàng đen hơn, tóc nàng xanh hơn. Tim nàng lại rung động nhịp cũ như thủa còn trong trắng. Nàng ngượng ngập nói:
- Này ông, nếu ông không thổi vòng khói thứ ba thuốc lá mới kiện ông.
Trằn Đại nâng ly cà phê uống một ngụm:
- Có thể lắm, nhưng thổi vòng khói thứ ba ở đây thì thà tôi chịu bị kiện còn hơn.
Tường Vi ngạc nhiên:
- Sao thế ông?
- Khó nói quá cô... Cô gì nhỉ?
- Dạ, Tường Vi.
- Tên cô làm tôi nhớ bài hát của Hoàng Quý.
- Bài gì đấy ông?
- Bài “Cô láng giềng”. Cô đã nghe bài này lần nào chưa?
Tường Vi lắc đầu:
- Bài mới hở ông?
Trần Đại búng tàn thuốc lá cười hóm hỉnh:
- Khó nói quá cô Tưởng Vi ạ!
- Sao thế ông?
- Vì...
- Vì sao hở ông?
- Vì... cô cứ gọi tôi bằng ông...
Tường Vi thẹn đỏ mặt. Khuôn mặt hiền hậu sau chuỗi ngày sầu muộn của nàng xanh rớt như lá non tưởng chừng vừa được phép mầu làm thắm hồng lại. Nàng đặt ngón tay út giữa hai hàm răng, cắn lia lịa:
- Vì...
Trần Đại bắt chước câu hỏi của nàng:
- Vì sao hở cô?
- Vì mới gặp... anh lần đầu...
Trần Đại thổi vòng khói tròn. Như vòng khói thứ nhất, vòng khói này từ từ bay xuống miệng ly cà phê. Trần Đại nâng ly, uống cả cà phê lẫn khói thuốc. Tường Vi suýt xoa:
- Anh tài quá!
- Cô làm lôi ngượng,
- À... anh gì nhỉ?
- Đại.
- Họ gì?
- Không có họ.
- Sao lạ thế?
- Tôi có hỏi cô Tường Vi họ gì đâu?
Tường Vi đưa tay vuốt tóc mai:
- Thua anh rồi.
- Cô thắng tôi đấy chứ!
- Thắng gì hở anh?
- Thắng lời thề của tôi.
- Anh đã thề gì?
- Thề không để các cô gái đẹp “sùy” mình.
Tường Vi tròn dôi mắt:
- “Sùy” là gì hở anh?
Trần Đại vội vàng nói:
- Xin lỗi cô nhé! Tôi quen nói tiếng lóng. À, “sùy” là... là... bảo mình thổi khói thuốc ấy mà...
Tường Vi cười:
- Anh thổi đẹp ghê. Có lẽ anh là người thổi khói đẹp nhất thế giới.
Trần Đại nhún vai rất kiểu cách:
- Tôi thổi hạng nhì thôi.
- Ai nhất?
- Một tài tử trẻ trong phim “Les demi-sel”. Cô coi phim này chưa?
- Chưa.
- Hèn chi cô bầu tôi hạng nhất.
- Tường Vi chưa xem “Les demi-sel” thì chỉ cần biết anh là đủ.
Trần Đại có cảm giác Tường Vi đã dành cho hắn nhiều cảm tình lắm rồi. Tự nhiên lòng hắn xốn xang một nỗi niềm thương nhớ. Một cô con gái có học, ngoan ngoãn xưng tên với hắn, gọi hắn bằng anh. Thân mật quá. Giá Tường Vi xưng em với Trần Đại, chưa chắc hắn đã sung sướng. Tiếng em, Trần Đại nghe đã nhàm tai, bắt buồn mửa. Một con điếm mạt hạng, chỉ cần đón mối bằng tô phở tái và chai xá xị cũng “em em, anh anh” với hắn. Một con vũ nữ già cốc đế, gần bằng tuổi mẹ hắn cũng “em em, anh anh” với hắn... Hai tiếng “em, anh” hầu chết hẳn ý nghĩa đẹp đẽ rồi. Trần Đại phát tởm khi nghe bất cứ một đứa con gái nào xưng “em” trước mặt hắn.
Chỉ có Tường Vi là không xưng “em”. Trần Đại bỗng ước ao một điều. Hắn sẽ chinh phục Tường Vi. Dĩ nhiên, không bằng dao con chó mà bằng tình cảm chân thật của hắn. Nhưng, Trần Đại hứa sẽ không để Tường Vi thất vọng, khi nàng biết hắn là một tên du đãng ngoại hạng. Trần Đại quay hẳn người lại đối diện với Tường Vi. Giọng của hắn chĩu nặng tình yêu mến:
- Tường Vi chắc thế chứ?
- Tại sao không hở anh? À, anh tập thổi hồi nào đấy?
- Hồi mới hút thuốc.
- Anh hút thuốc lá nặng lắm hở?
- Sao Tường Vi biết?
- Vì Tường Vi thấy anh hút xì gà. Tập thổi khói tròn lâu không anh?
- Tùy.
- Tùy gì?
- Tùy có khiếu hay không có khiếu.
- Thổi khói cứ tập mãi cũng phải được, cần chi khiếu?
- Tường Vi quên rằng, thổi khói là một nghệ thuật à!
Hai người say sưa bàn chuyện khói thuốc, ríu rít y hệt đôi chim mới ra ràng. Họ không chú ý cái cảnh thơ mộng đó đã lọt vào cặp mắt tràn ngập sự ghen hờn của tên du đãng. Nó mặc áo ca rô đỏ, ngồi uống cà phê trước cả lúc Trần Đại tới quán “Gió Nam”. Là một tay “chì”, đồng vai vế với Sinh ống nước, nhưng nó có học. Nó trồng cây si ở “Gió Nam” mấy tháng rồi. Vì muốn chinh phục Tường Vi nên chúng nó nhịn nhau. Và quán “Gió Nam” nhờ thế, chưa xảy ra một vụ đập lộn nào. Một phần cũng bởi Tường Vi đứng đắn, không thèm hứa hẹn với cậu nào hết.
Hôm nay thì khác, tên du đãng mặc áo ca rô ngứa mắt lắm rồi. Sự ghen tuông làm mờ mắt nó. Trước khi hỏi tội kẻ tình địch, nó biểu diễn vài đường cho Trần Đại rụng rời. Tên du đãng hắng giọng. Nó hạch người bồi:
- Nè, bớt đá đi, “lạnh” lắm đó cha nội ạ!
Nghe danh từ của “hội”, Trần Đại ngoảnh lại nhìn nó. Tên du đãng lẳng lặng đứng lên. Nó rời bàn của nó, sang bàn khác có hai cậu nhãi mới lớn lên đua đòi cà phê thuốc lá. Nó vỗ vai một cậu mặc áo ràn ri, hất hàm hỏi:
- Vải nào chú mày mua ở tiệm nào?
Trần Đại theo dõi cảnh này, Tường Vi nói nhỏ:
- Đừng nhìn nó anh...
Trần Đại vờ sợ hãi:
- Thằng nào đó?
- Tường Vi không biết tên. Nhưng nó ghê lắm, bố nó làm gì to lắm đấy. Anh nhìn nó, nó sẽ gây sự đánh anh cho mà coi. Đừng nhìn nó anh nhé!
Trần Đại lè lưỡi:
- Sợ quá ai dám nhìn.
Tuy nói thế chiều Tường Vi, Trần Đại vẫn liếc mắt theo dõi. Cậu nhãi mặc áo ràn ri mặt không còn hột máu, lắp bắp:
- Em may ở tiệm...
Tên du đãng hỏi dồn:
- Tiệm nào trả lời mau lên!
- Dạ, tiệm... Văn Quân...
Tên du đãng ca rô gật đầu khen:
- Ăn chơi đó, may áo ở Văn Quân. Vải đẹp thật. Cho anh tí làm mẫu nghe chú mày!
Nó không đợi cậu nhỏ lép vế nói thêm, móc túi lấy lưỡi dao cạo, cắt một mẩu vải trước ngực cậu nhỏ. Tên du đãng bĩu môi:
- Đừng giận nhé!
Khách uống cà phê trong quán “Gió Nam” bị nghẹt thở. Vài cậu đứng lên định chuồn. Nó muốn sỉ nhục Trần Đại có người chứng kiến, nên lạnh lùng nói:
- Các bạn ở lại xem Tony Hải “chơi” xi nê! Cấm ra khỏi quán.
Tony Hải đảo mắt ra lệnh. Hai tên đàn em của nó ngáng chân chắn cửa. Khách đành thúc thủ, ngồi chờ sự gay cấn thứ hai. Trần Đại ném mẩu gỗ ở cuối điếu “Havatampa” xuống đất. Hắn rút điếu khác, lấy một que diêm quẹt vào đế giầy châm hút. Hắn làm bộ như chưa thấy việc gì xảy ra cả. Cao hứng hắn thổi một vòng khói rồi nhếch mép cười. Khiến Tony Hải càng cáu tiết. Nó gọi bồi:
- Cho hai chai la de đi!
Bồi khui la de. Hai cái nút bắn về phía Trần Đại. Hắn cúi xuống lượm hai cái nút, đặt vô giữa lòng bàn tay phải cái thứ nhất. Trần Đại bóp bẹp. Hắn ném ra chỗ hai tên đàn em của Tony Hải chận cửa. Chẳng thèm để ý bọn các ké ngạc nhiên. Trần Đại bóp cái nút thứ hai. Hắn lại ném ra chỗ hai tên đàn em của Tony Hải.
Tony Hải hơi gờm địch thủ. Trần Đại biết chắc, giờ mà hắn xưng hắn là Trần Đại thì bọn Tony Hải co vòi ngay. Song, hẳn muốn giấu cái sự nghiệp du đãng trước Tường Vi. Nên hắn chịu lặng im để Tony Hải làm trò. Tony Hải hằn học bâng quơ:
- Hừ cái tài vặt, tưởng hay hớm à?
Tường Vi lo ngại giùm Trần Đại. Nàng so sánh hắn với Tony thì thấy hắn nhỏ thó hơn. Đối địch với du đãng khét tiếng, hắn sẽ bị Tony Hải hạ nhục. Nghĩ thế, nàng giả đò gọi người bồi:
- Này anh Tám, anh nhịn đi!
Người bồi không rõ “mưu mô” của nàng, ngơ ngác giây lát. Trần Đại thổi vòng khói tròn đền đáp lại sự lưu tâm của nàng. Muốn kết thúc chóng vánh, hắn móc tiền đặt lên bàn. Tony Hải gầm lên:
- Thằng kia!
Trần Đại nhún vai:
- Bạn gọi tôi hả?
- Phải.
- Để làm gì? Tôi uống cà phê chứ có thất lễ với ai đâu?
Tony Hải cười khinh khỉnh:
- Bộ mày dám thất lễ ư?
Trần Đại chậm rãi lắc đầu. Tony Hải hỏi:
- Mày ở khu nào?
- Ở Sài gòn.
- Tới đây làm gì?
- Uống cà phê.
- Sao không chỉ uống cà phê?
- Tôi có làm gì khác nữa đâu, thưa bạn!
- Có
- Bạn chỉ giúp xem tôi đã làm gì nhỉ?
Tony Hai nhấc chai la de đập mạnh lên cạnh bàn.
Chai la de gãy đôi. Nửa dưới vỡ tan tành, nửa trên nằm trong tay Tony Hải. Các tay đợt sống mới du đãng và du đãng hình thức giật mình. Tony Hải hạch tội:
- Mầy đã dám...
Trần Đại hít xong một hơi thuốc, nhả khói rồi mới hỏi:
- Dám gì?
Tony Hải dằn giọng.
- Dám tán tỉnh người đẹp!
Trần Đại vờ ngớ ngẩn:
- Tán tỉnh người đẹp thì đã sao?
Tony Hải cứng lưỡi, chưa biết trả miếng tình địch bằng đòn nào để vừa chế ngự được tình địch, vừa làm đẹp lòng Tường Vi. Thì Trần Đai đã gọi bồi:
- Cho một chai la de 33 đi!
Trần Đại dóc hết chai bia vào ly. Chai bia rỗng không. Hắn cầm vỏ chai, vỗ mạnh bàn tay vào miệng chai. Sức ép của cú vỗ dồn nén khiến cái đáy chai bung ra. Tiếng thủy tinh vỡ vụn trên sàn gạch nghe rờn rợn. Tony Hải nóng mặt. Nó không ngờ tình địch của nó luyện được nhiều tài vặt quá. Muốn sỉ nhục nó, Tony Hải còn cách chơi võ “giang hồ” nghĩa là đánh hội đồng.
Tony Hải ra lệnh ngầm cho hai tên đàn em sửa soạn đối phó. Nó lặng lẽ ngồi xuống ghế cơ hộ đã chịu thua. Bất thình lình, Tony Hải ném nửa chai bia vỡ sang phía Trần Đại. Đã đề phòng trước, Trần Đại né người tránh. Chai bia trúng quầy tiền của Tường Vi. Nàng hét lớn. Hãi hùng.
Trần Đại nheo mắt hỏi:
- Còn trò gì khác hơn không hở ông Tô tô Hải?
Tony Hải nghiến răng ken két:
- Còn đòn “giang hồ”.
Trần Đại hất hàm:
- Sao chưa giở nốt ra?
Tony Hải đứng dậy, ghếch chân lên ghế rất cao bồi:
- Mày biết đòn “giang hồ” là gì chưa?
- Chưa.
Nó rút dao con chó khỏi túi quần:
- Là cái này!
Trần Đại đùa:
- Cái đó để làm gì?
- Để cắt thịt hôi thối của mày.
Tony Hải bấm lưỡi dao. Nó toan tiến gần lại chỗ Trần Đại thì James Dean Hùng tới. Nó ngạc nhiên thấy Tony Hải đang hoa dao. Nhưng nó chưa biết thằng du đãng này sắp “chơi” ai. Trần Đại nhác trông James Dean Hùng, ngơ ngác bèn giải thích:
- Này chú Tô tô Hải, chú nên cất dao con chó của chú vào túi và cút đi...
Tony Hải gầm như sư tử rống:
- Tao phải cắt thịt hôi thối của mày, phải cắt gân mày nghe chưa thằng khốn nạn.
Trần Đại hút thuốc, phà khói:
- Sợ quá nhỉ?
Nó bảo James Dean Hùng:
- Ra tay đi chứ!
Nhưng Tony Hải tưởng Trần Đại khích mình. Nó bước tới. Không khí quán “Gió Nam” lúc ấy nghẹt thở y hệt một quán rượu miền Texas trong phim cao bồi khi hai tay cao thủ súng sắp thanh toán nhau. Những tay có máu đấm đá chăm chăm theo dõi. Tường Vi lo ngại cho số phận Trần Đại. Nàng run rẩy:
- Anh... anh... nguy rồi...
Trần Đại nhìn nàng. Đôi mặt hắn mênh mông đại dương thương mến. Hắn khẽ lắc đầu ngầm nói với Tường Vi rằng cứ yên trí, đừng sợ. James Dean Hùng lững thững bước tới chỗ Hải. Bất chợt, nó vỗ vai Tony Hải. Tony Hải quay lại. James Dean Hùng phóng luôn một trái thẳng vào mặt Tony Hải. Đồng thời, nó hất cánh tay Tony, bóp mạnh đến nỗi con dao rơi khỏi bàn tay Tony.
James Dean Hùng cũng biết Tony Hải không phải là đối thủ của nó, song quần nhau ở chỗ ngổn ngang bàn ghế này thật bất lợi. Nên nó lợi dụng phút bất thần, đánh Tony Hải liên tiếp. Những trái đấm nẩy lửa đánh trúng mặt Tony Hải. Tên du đãng hoa cả mắt không đấm trả địch thủ được trái nào. Hai tên đàn em của nó sợ Trần Đại can thiệp, không dám nhào vô cứu đàn anh. James Dean Hùng rảnh tay, nó đấm một trái vào bụng Tony Hải. Tên du đãng cắc ké gục. Máu trào ra hai bên mép.
James Dean Hùng xốc nó đứng lên:
- Mày vừa hỗn gì đấy?
Tony Hải chối bai bải:
- Em có hỗn gì với anh đâu.
- Mày định chơi đòn “giang hồ” với ai?
Tony Hải chỉ Trần Đại:
- Thằng kia sinh sự trước.
Trần Đại lên tiếng, cốt để James Dean Hùng lờ mình.
- Ông Tô tô Hải vu oan cho tôi đấy hiệp sĩ ạ!
Quay nhìn Tường Vi, hắn phân trần:
- Cô Tường Vi làm chứng cho tôi nhé!
James Dean Hùng liếc qua Tường Vi. Nó nghĩ thầm:
- Bố Trần Đại mết rồi, mết là phải.
Nó vờ hỏi:
- Anh ta nói đúng không, thưa cô?
Tường Vi gật đầu. James Dean Hùng kéo mạnh Tony Hải một cái. Thằng du đãng cắc ké lao đao. Nó xô bàn ghế đổ ngổn ngang, James Dean Hùng lại xốc nó lên:
- Mày vừa làm gì?
Tony Hải thở hổn hển:
- Em xin anh...
James Dean Hùng quát:
- Tao có bảo mày van đâu? Mày vừa làm gì?
- Em... mới... ném chai... la de... vào thằng kia... nhưng... nhưng... không trúng...
- Riêng tội đó đủ rạch mặt mày rồi.
Tony Hải đưa cánh tay áo quệt máu ứa ra hai bên mép. Giọng nó hết sức thiểu não:
- Em... trót... dại...
James Dean Hùng bợp tai nó một cái đau điếng:
- Để tao làm cho mày khôn ra nhé!
- Em lạy anh...
- Tên mày là gì?
- Tony Hải.
- Tên nghe công tử quá. Mày có mấy miếng “nghề” mà dám làm du đãng?
Tony Hải lắc đầu:
- Em lạy anh...
- Mày hoạt động ở khu này chắc mày biết thằng Sinh ống nước chứ?
- Dạ biết ạ!
- Mày là đàn em nó hả?
- Em là bạn nó.
- Tao vừa rạch mặt nó xong. Những thằng khốn nạn chuyên bắt địa của con nít tha sao được. Chúng mày liệu thần hồn. Ti toe mấy miếng võ quèn đã học đòi hỗn. Tao mà thấy mày còn “hành nghề” sẽ cắt gân đa! Mày sạch sẽ thế này sao không lo học hành hở thằng khốn?
Trần Đại nói trống không:
- Bắt đền giùm chiếc áo của chú nhỏ đi!
James Dean Hùng tát Tony Hải thêm cái nữa:
- Mày vừa bắt địa chú nhỏ nào?
Tony Hải chối:
- Em không bắt địa.
- Thế mày làm gì?
- Em... em... xin nó miếng vải mẫu.
James Dean Hùng nhe răng cười. Nó búng tay tách một cái:
- Chú nhỏ nào vừa bị thằng này bắt nạt đấy?
Cậu du đãng hình thức mặc áo rằn ri đứng lên:
- Thưa em đây ạ!
James Dean Hùng ngắm cái áo rằn ri bị khoét nhột mảng trước ngực. Nó vung tay tát Tony Hải lia lịa. Đến nỗi Trần Đại phải xin:
- Tha cho nó.
James Dean Hùng hạch Tony Hải:
- Ai dạy mày chơi trò này?
Tony Hải không dám nhìn James Dean Hùng nữa. Nó cúi gầm mặt khẽ đáp:
- Sinh ống nước!
James Dean Hùng cười gằn:
- Mày học lớp mẩy?
- Dạ, đệ tam.
- Trường nào?
- Dạ trường Tây ạ!
- Mày có biết Sinh ống nước là thằng nào không?
- Dạ biết.
- Nó là thằng nào?
- Thưa anh nó là thằng sửa ống nước.
- Nó có đi học như mày không?
Trần Đại lẳng lơ nhìn Tường Vi. Hắn nói khẽ đủ để nàng nghe:
- Hắn sắp giảng “luân lý” cho ông Tô tô Hải đấy.
Tường Vi ngạc nhiên:
- Hắn là lính hở anh?
- Không.
- Thế hắn là ai?
Trần Đại nhả khói “Havatampa” vào mái tóc Tường Vi lần nữa:
- Hắn là du đãng!
Không đợi nàng hỏi thêm, Trần Đại nói tiếp:
- Là du đãng thứ nổi loạn tâm hồn, thứ bất mãn gia đình, học đường, tổ quốc. Thứ du đãng dám khinh miệt cuộc đời vì cuộc đời cứ coi nó là du đãng.
Tường Vi khó nhọc suy nghĩ. Mà cũng không hiểu Trần Đại muốn nói gì. Nàng tròn đôi mắt:
- Làm du đãng thì đời liệt vào du đãng đúng rồi còn bất mãn chi nữa?
Trần Đại xua nhẹ bàn tay ngầm bảo Tường Vi hãy theo dõi bài “luân lý” của James Dean Hùng.
- Nó không đi học như mày tức là nó ngu hơn mày phải không?
- Dạ.
- Nó có gì “trội” hơn mày không?
- Có.
- Thí dụ!
- Nó dám đánh địch thủ vỡ đầu bằng ống nước...
James Dean Hùng nối lời Tony Hải:
- Và bắt địa xe Solex, đồng hồ, bút máy của trẻ con nữa hả?
Tony Hải ngượng nghịu:
- Dạ.
- Mày có học mà đi học những “trò chơi” hèn hạ của một thằng vô học. Mày làm cho đời càng ngày càng tởm du đãng. Chúng tao đang cố gắng bắt đời phải hiểu chúng tao để hết khinh bỉ chúng tao. Thì chính bọn mày lại nhổ những bãi đờm nhầy nhụa lên hai tiếng du đãng khiến đời càng tởm du đãng hơn. Tao ban cho mày một cái ân huệ cuối cùng là tha rạch mặt mày. Nhưng mày phải về với gia đình, học hành ngoan ngoãn. Tao nhìn khuôn mặt mong sữa của mày, tao thương hại mày lắm. Mày chưa xứng đáng làm du đãng đâu, đừng đua đòi. Du đãng đâu có hành động như chúng mày. Du đãng như chúng mày là du đãng chó ghẻ. Làm du đãng như chúng mày, đến thuở nào mới rửa nhục được hở ranh con?
Tony Hải chợt tỉnh ngộ. Nó chấp tay:
- Thưa anh...
James Dean Hùng dịu giọng:
- Gì?
- Thưa anh, em xin lỗi anh.
- Chú mày biết nhận lỗi đáng khen đấy.
- Thưa anh...
- Gì, chú muốn gì?
- Thưa anh, anh cho em biết tên anh.
- James Dean Hùng!
Tony Hải cúi đầu tạ tội:
- Anh là James Dean Hùng mà em hằng sợ hãi, không ngờ hôm nay được anh “chiếu cố”. Em xin ghi nhớ lời anh.
James Dean Hùng vỗ vai Tony Hải, an ủi:
- Chú bỏ qua chuyện vừa rồi nhé! Anh xin lỗi chú.
Tony Hải đâu dám tin rằng trên đời lại có những thằng trên nước nó, trên tài nó, vừa xỉ nhục nó và có quyền cắt gân nó lại nhũn nhặn như James Dean Hùng. Nó mới sáng con mắt và hiểu thấu bài “luân lý” du đãng mà James Dean Hùng vừa giảng giải cho nó nghe. Nó trở nên hiền lành, ngoan ngoãn:
- Em phải xin lỗi anh, chứ anh có lỗi gì...
James Dean Hùng chìa tay bắt chặt tay Tony Hải:
- Hân hạnh gặp chú.
Rồi nó chỉ tay về phía cậu nhỏ bị khoét miếng vải, bảo Tony Hải:
- Chú làm vui lòng cậu nhỏ đi!
Tony Hải tiến tới gần cậu nhỏ, phân thiện:
- Em may áo này bao nhiêu tiền?
- Dạ, ba trăm.
Tony Hải rút bóp, lấy ba trăm trao cho cậu nhỏ.
- Tôi đền em. Đừng giận tôi nữa. Tôi hối hận việc tôi làm lắm.
Cậu nhỏ phân vân. James Dean Hùng khuyên:
- Cậu đi may áo khác, kẻo về ba má rầy. Còn nhớ không nên la cà ở các quán cà phê. Đừng hút thuốc lá hại phổi.
Tony Hải dúi tiền vào túi quần cậu nhỏ. Nó bước lại sát James Dean Hùng:
- Anh ở đâu?
James Dean Hùng nhún vai, kiểu nhún vai của Trần Đại.
- Vô gia cư.
- Tìm anh chỗ nào?
- Chú cần tìm anh làm gì?
Tony Hải rầu rầu nét mặt:
- Ba em mới lấy vợ kế, bà này không ưa em. Em chán gia đình muốn đi hoang...
- Chú tưởng đi hoang sướng lắm hả? Nếu muốn gặp anh thì đi xi nê với anh.
James Dean Hùng nói lớn, cố ý cho Trần Đại nghe.
- Chúng mình tới Đại Nam coi “Les Sept Mercennaires” nhé! Mua vé trên lầu.
Chợt nhớ ra điều gì cần thanh toán, James Dean Hùng hỏi Tường Vi:
- Ông chủ đâu thưa cô?
Chủ quán “Gió Nam” miễn cưỡng ra tiếp James Dean Hùng.
- Có việc chi đó cậu?
- Ông tính tiền giùm số ly tách, chai bể...
Chủ quán nuốt giận xuề xòa:
- Đáng bao nhiêu, thôi bỏ qua đi cậu...
- Không được, chúng tôi gây phiền phức cho ông chủ quá. Xin để tôi đền.
James Dean Hùng đặt hai trăm bạc lên mặt bàn. Rồi chẳng đợi cho chủ quán nói năng thêm, nó kéo tay Tong Hải chuồn khỏi quán.
Đám khách đợt sóng mới nhìn theo nó, cảm phục sát đất.
Trần Đại vờ khen:
- Có vẻ hiệp sĩ quá.
Tường Vi hỏi:
- Anh quen hắn đấy à?
- Sẽ quen. À, mình đang nói chuyện gì cô Tường Vi nhỉ?
Tường Vi chúm chím cười:
- Đang nói về cái tên Tường Vi.
Trần Đại nâng ly bia nốc một hơi. Hắn vỗ nhẹ năm ngón tay lên trán, ra điều vừa nghĩ tới một chuyện gì.
- Phải, tên Tường Vi làm tôi nhớ lại “Cô láng giềng” của Hoàng Quý.
Rồi như quên hẳn rằng đã hỏi Tường Vi, Trần Đại nhắc lại:
- Cô biết bài này không?
- Không.
- Tiếc nhỉ?
- Bài ấy hay đến thế cơ à?
- Hay vừa vừa thôi. Nhưng vì cô tên là Tường Vi và vì tôi vừa quen cô nên hai tiếng Tường Vi trong bài hát của Hoàng Quý, đối với tôi, có lẽ, đã thành bất tử.
Trần Đại nói bay bướm quá. Khiến Tường Vi lắng tai nghe. Nàng muốn mỗi lời hắn nói là một thanh kẹo “Chewing-gum” để nàng vừa nuốt chất ngọt vừa nhai chất dai dẳng! Mặc kệ bố mình đứng la hét bọn gia nhân kê lại bàn ghế, thu quét miểng chai, miểng cốc, tách, Tường Vi chỉ chăm chú nghe chuyện của Trần Đại. Nàng dục:
- Anh thử hát một câu cho Tường Vi nghe xem nào!
- Tôi không biết hát.
- Cần gì biết, anh tưởng Tường Vi thích nghe anh hát như ca sĩ hả?
- Cô thích nghe giọng tôi à? Giọng tôi tồi lắm.
- Chưa chắc đã tồi. Có điều, đối với Tường Vi, ca sĩ chỉ là thứ thợ.
Trần Đại rút điếu “Havatampa” khác. Hẳn mồi thuốc xong, vui vẻ nói:
- May quá, tôi không có máu ca sĩ trong người. Vậy tôi hát cho một mình cô nghe thôi nhé!
Tường Vi chặn hỏi:
- Anh đã hát cho bao nhiêu cô nghe rồi?
Trần Đại thành thực:
- Với những đào khác, tôi không cần hát.
- Thế anh cần gì?
- Tôi chỉ cần búng tay tách một cái thôi...
Tường Vi ửng hồng đôi má. Không hiểu nàng sung sướng hay nàng xấu hổ.
- Anh nói thật chứ?
- Thật mà.
- Tại anh sợ giọng mình tồi hay các cô không đáng nghe giọng anh?
Trần Đại nhả vòng khói tròn:
- Cô nêu giả thuyết thì cô tin cái nào?
Tường Vi hóm hỉnh:
- Tường Vi không tin cái nào cả.
- Thế thì tôi không trả lởi cô đâu cô Tường Vi ạ.
- Nhỡ Tường Vi tin một trong hai cái?
Trần Đại khe khẽ huýt gió:
- Thì tôi trả lời ngoài câu hỏi của cô.
- Nghĩa là...
- Lần đầu tiên trong đời, tôi hát cho một người con gái nghe. Người ấy là cô. Cô tin không?
Tường Vi chớp mắt thật mau. Nàng se sẽ gật đầu. Trần Đại vờ nhìn ra nơi khác. Giây phút xao xuyến thoáng qua Tường Vi dục dã:
- Anh hát đi anh!
Trần Đại đứng hẳn lên. Hắn sát gần đầu Tường Vi thầm thì:
-... “Nhớ ngày nào anh bước chân ra đi. Đôi ta cùng đứng bên bờ tường vi, em có nói rằng, em sẽ chờ đợi tôi...”
Trần Đại chỉ hát một câu. Giọng hắn trầm ấm đầy tình cảm. Tường Vi nhìn hắn. Bốn con mắt gặp nhau. Long lanh một ý nghĩ. Chợt Trần Đại phá tan giấc mộng nhẹ của Tường Vi:
- Tôi có việc cần về bây giờ.
Tường Vi than thở:
- Anh về bây giờ à?
- Vâng, tôi về bây giờ. Ở đây không có bờ tường vi song tôi đã đứng bên quầy của cô Tường Vi. Cô có nói sẽ đợi tôi lần gặp gỡ thứ hai không?
Tường Vi bẻ ngón tay để che giấu sự xúc động. Nước mắt nàng tự nhiên ứa ra. Nàng vội vã nói:
- Tường Vi sẽ đợi anh...
Trần Đại không dặn dò gì thêm. Hắn đặt tiền lên mặt bàn rồi rời khỏi quán. Tường Vi nhìn theo. Lòng nàng thổn thức.
Sau hôm đó, Tường Vi bị hình ảnh Trần Đại ám ảnh. Người con trai mặt mày sảng sủa, lịch sự, bay bướm, học khá đã làm nàng ăn không ngon, ngủ không yên. Tường Vi đâm ra sợ hãi. Nàng đã một lần tủi nhục, có thể thêm một lần thất vọng ê chề nữa không? Chàng hứa sẽ trở lại hay chỉ giải tỏa nỗi sầu trong chốc lát?
Tường Vi nghĩ ngợi mung lung. Một tuần trôi qua. Rồi hai tuần. Người yêu lý tưởng của nàng đã trở lại quán “Gió Nam”. Vẫn những cái nhún vai kiểu cách, những vòng khói tròn đẹp mắt, những điếu “Havatampa” quyến rũ, Trần Đại mang đến cho Tường Vi một trời mộng ước.
Buổi chiều hôm Trần Đại tới uống cà phê ở “Gió Nam” lần thứ hai, trời mưa tầm tã. Quán vắng. Vợ chồng chủ quán đi ăn giỗ. Chỉ có cô con gái là Tường Vi, ngày nào cũng ngồi ở quầy tiền nhìn ra cửa mong ngóng Trần Đại nên quán mới không đóng cửa.
Như lần trước, Trần Đại kêu cà phê. Tường Vi đích thân pha và bưng ra cho chàng. Nỗi vui nhảy múa trong lòng nàng. Mãi khi Trần Đại mở đầu:
- Cô vẫn đợi tôi hở cô Tường Vi?
Thì nàng mới trách nhẹ:
- Tường Vi đợi anh lâu quá...
Lời trách của nàng cơ hồ một lặng gió mát rượi thổi vào tâm hồn nóng bỏng của Trần Đại. Hắn có cảm tưởng lời trách của Tường Vi như trái dừa tươi giữa sa mạc. Mà hắn là kẻ lạc giữa sa mạc mênh mông. Trần Đại chịu tội:
- Tôi... tôi nhớ cô lắm... Tôi muốn tới ngay. Nhưng...
Tường Vi cướp lời:
- Nhưng sao hở anh?
Trần Đại muốn nói “nhưng sợ hại đời cô”. Hắn lại thôi, bỏ lửng câu nói. Trần Đại mến Tường Vi vô cùng. Hắn chỉ là thằng du đãng. Du đãng đã từng làm cho gia đình, xã hội, tổ quốc thất vọng, thì du đãng mong gì mang hạnh phúc cho một người con gái. Tuy du đãng muốn vươn lên song cuộc đời trót ghê tởm, phỉ nhổ, cuộc đời không chịu nhượng đất cho du đãng. Cũng như, không ai để phần cơm mời những đứa trẻ đi hoang. Trần Đại đã nghĩ thế, và hắn đành nén sự mong nhớ, không chịu lại tìm Tường Vi nữa. Rồi không hiểu sức mạnh cửa tình ái lôi cuốn tên du đãng ngoại hạng bằng cách nào, Trần Đại đã mò tới quán Tường Vi. Ngước nhìn Tường Vi đang thắc mắc tiếng “nhưng” Trần Đại nói:
- Nhưng chỉ e cô không...
- Không gì?
- Không có nhà...
Tưởng Vi bỗng xịu mặt:
- Này anh?
- Gì thế cô?
- Anh gọi Tường Vi thân mật hơn đi.
- Tôi quý mến cô là đủ, sự xưng hô kể chi.
Tường Vi không dám nhìn Trần Đại, nàng ngồi xuống ghế cùng bàn hắn, thả mắt ra ngoài đường, nghĩ ngợi xa xôi. Giọng nàng tha thiết:
- Với anh thì không cần chứ với Tường Vi thì cần lắm anh ạ! Tường Vi thèm sự thân mật. Anh biết không, Tường Vi cô độc, Tường Vi bị hất hủi, Tường Vi sống bằng dĩ vãng nhục nhã, bằng những giấc mộng triền miên hãi hùng. Tưởng Vi cần anh... Em van anh...
Trần Đại xúc động mạnh. Hẳn cố nói một câu ngắn làm vui lòng Tường Vi:
- Cô tin tôi đi.
Nhưng Tường Vi chỉ van nài:
- Em xin anh, Tường Vi khổ lắm anh ạ!
- Thế cô suy nghĩ kỹ chưa?
- Em không cần suy nghĩ.
- Cô không suy nghĩ nhỡ tôi là du đãng thì sao?
- Tường Vi bất kể anh là ai!
Trần Đại nắm cánh tay ngà ngọc của Tường Vi:
- Tường Vi...
Tiếng nàng nhỏ nhẹ:
- Dạ.
- Anh yêu em. Chỉ có Tường Vi, gọi em bằng “em” anh mới thấy cuộc đời còn nhiều ý nghĩa sống.
Nước mắt Tường Vi ứa ra, đầm đìa trên khuôn mặt hoa. Nàng thổn thức:
- Có muộn không anh?
Trần Đại hơi ngạc nhiên:
- Muộn gì?
Tường Vi đã khóc thành tiếng. Nàng để nguyên Trần Đại nắm chặt tay mình. Tường Vi cảm giác như tình yêu của Trần Đại đang truyền sang cơ thể mình. Ấm áp. Nước mắt dàn ra khiến mắt nàng mờ đi. Song vẫn trông rõ Trần Đại đang ái ngại dùm mình. Tường Vi cũng nắm lấy một cánh tay của Trần Đại:
- Em yêu anh... Có muộn không anh?
- Muộn gì hở Tường Vi?
- Anh sẽ ghét em.
- Không bao giờ.
- Anh nói thật nhé!
- Ừ, anh nói thật.
Tường Vi quay lại khúc phim một chuyện lừa gạt ái tình một cuộc mua bán bỉ ổi cho Trần Đại xem. Nét mặt Trần Đại đăm đăm. Hắn dụi điếu “Havatampa”, giận dữ:
- Bây giờ thằng ấy ở đâu hở em?
Tường Vi không trả lời câu hỏi của Trần Đại. Nàng thăm dò:
- Anh đã ghét em chưa?
Trần Đại muốn ôm người yêu vào lòng, âu yếm nói:
- Anh càng thương yêu em hơn...
Nhưng hắn ngần ngại, chưa dám ôm Tường Vi, vuốt tóc nàng an ủi nàng. Hắn buông tay nàng ra:
- Em đau khổ như thế, anh ghét em sao được. Chúng mình là những người thù hận cuộc đời, phải tìm nhau thương yêu nhau cho mối thù vợi đi em ạ! Nhưng bây giờ thằng khốn nạn ấy ở đâu hở em?
- Anh hỏi nó làm gì?
- Nó làm em nhục nhã thì anh sẽ làm nó nhục nhã. Luật đời mà.
- Anh quên nó đi.
Trần Đại nghiến răng:
- Quên sao được. Anh nói thí dụ em đừng giận anh nhé!
Tường Vi lau nước mắt:
- Vâng.
- Thí dụ anh không gặp em ở đây, anh gặp em ở nơi chơi bời ti tiện hơn. Em có nghĩ rằng, kẻ dẫn em đến chỗ ti tiện là thằng khốn nạn kia không?
Tường Vi gật đầu. Nước mắt nàng lại ứa ra. Trần Đại nói tiếp:
- Vì thế anh không quên nó, anh sẽ bắt thằng khốn nạn quỳ dưới chân anh. Anh sẽ xỉ nhục nó, sẽ rạch mặt nó, cho nó một di tích sự trả thù tàn bạo của cuộc đời.
Tường Vi muốn khóc to, khóc thật to... Nàng ngờ đâu Trần Đại lại yêu nàng tha thiết đến thế. Tường Vi long lanh đôi mắt đẫm lệ nhìn Trần Đại:
- Anh...
Trần Đại rút nùi xoa thấm nước mắt cho nàng.
- Em...
- Em yêu anh.
- Anh yêu em...
Bên ngoài trời mưa lớn. Nhưng nắng ở hai tâm hồn trẻ...
Họ đã yêu nhau. Vào đúng dịp đó, nghĩa là hai năm sau, tưởng con gái mình đã quên chuyện cũ, bố Tường Vi gả nàng cho một ông Trúng úy. Dì ghẻ nàng tán đồng ý kiến. Nhưng lần này, có Trần Đại, Tường Vi phản ứng mãnh liệt. Nàng khăng khăng từ chối.
Trót nhận lời với ông Trung úy, bố nàng thấy sượng mặt. Bèn trút sự sượng sùng vào Tường Vi. Nàng lại bị bố đánh đập, bị dì ghẻ xui bố coi nàng như kẻ thù. Họ canh chừng nàng, không cho nàng đi đâu. Khiến những cuộc dạo chơi với Trần Đại bị chấm dứt.
Trần Đại tới quán “Gió Nam” uống cà phê luôn. Bây giờ thì hắn đã nghiện cà phê do Tường Vi pha và hít “Havatampa” thú nhất, ngang với sự thú khi hạ gục kẻ thù.
Gia đình Tường Vi biết chắc kẻ phá đám lần này không phải là Tường Vi mà là Trần Đại.
Ông bố Tường Vi gờm Trần Đại. Dì ghẻ nàng ghét Trần Đại ra mặt. Mỗi lần Trần Đại tới uống cà phê, bố nàng thường kiếm cách gọi nàng lên gác và giam nàng cả giờ ở trên đó. Khiến Đại chán nản phải bỏ về. Nhưng vì Tường Vi, Trần Đại vẫn cứ tới. Dì ghẻ Tường Vi đứng trong nhà chửi bới vu vơ. Không biết Trần Đại là hạng người nào, song căn cứ vào vụ đập lộn giữa James Dean Hùng và Tony Hải, bà ta réo du đãng xỉ vả.
Nhiều bận, Tường Vi cưỡng ý muốn của bố, ra ngồi nói chuyện với Trần Đại. Thì sau khi Trần Đại về, những thanh củi tạ tới tấp vụt trên thân thể nàng để cảnh cáo nàng rằng không được yêu “thằng du đãng” đó nữa. Giá không có Trần Đại, nàng tự vẫn lần nữa. Nàng cố nhịn nhục cố chịu đựng mọi hình phạt, đay nghiến cũng chỉ vì nàng tin tưởng Trần Đại đền được nàng chuỗi ngày hoa mộng mà cuộc đời khốn nạn đã cướp giật của nàng. Chỉ Trần Đại mới chữa nổi vết thương một kỷ niệm bỉ ổi hằn lên tâm hồn nàng. Phải, nàng đang yêu, đang khao khát sống, đang thèm những phút giây rung động, những giây phút xốn xang của ái tình.
Tường Vi đã viết bao nhiêu thư cho Trần Đại. Nàng kể hết nỗi mềm, nàng mong Trần Đại mang nàng thoát khỏi chốn “địa ngục” để nàng được sống tự do bên hắn một ngày, một tháng, một năm hay vài giờ, nàng cũng mãn nguyện lắm rồi. Nàng ghê tởm sự sắp đặt của gia đình, nàng thù hận cha nàng, dì ghẻ nàng. Nếu Trần Đại ngoảnh mặt làm ngơ trước sự cầu cứu bi thảm của nàng, Tường Vi sẽ chết...
Trần Đại suy nghĩ hai ba hôm liền. Hắn hỏi ý kiến James Dean Hùng:
- Chú nghĩ sao về những bức thư của Tường Vi?
James Hùng đáp:
- Nghĩ sao bây giờ? Anh có thực yêu nàng không đã chứ?
Trần Đại buồn bã:
- Chú chưa hiểu anh à? Mấy bữa nay anh tự hỏi mình sẽ cứu mạng nàng bằng cách nào. Ta vô nghề nghiệp. Cuộc đời từ chối sự có mặt của mình. Xã hội ruồng bỏ. Gia đình khinh bỉ. Chúng ta sống ngang tàng và đế vương thật. Nhưng tiền mình kiếm không đổ một giọt mồ hôi. Anh cũng biết, xã hội ta đang sống, thiếu gì những thằng kiếm tiền bằng mọi cách bất lương. Nhưng để nàng sống vô thừa nhận như chúng mình được không?
James Dean Hùng nói:
- Anh muốn lấy nàng hay chỉ muốn giúp nàng thoát khỏi nơi bẩn thỉu của gia đình nàng?
Trần Đại thở dài:
- Muốn giúp nàng sống bình yên trước đã.
- Vậy lo gì.
- Chú có cách nào?
- Em tưởng nên gửi nàng vào nội trú là ổn nhất. Anh em mình đóng góp lại cũng đủ số tiền “lương thiện” trả tiền trường cho nàng. Anh đồng ý không?
Trần Đại búng tay tách một cái:
- Tạm được rồi. Anh tối óc hơn chú. Mà lương thiện hay bất lương, mình dùng trong việc lương thiện, chẳng đứa nào trách nổi mình. Chấp kinh phải tòng quyền, phải không Hùng?
Sau khi thảo luận với James Dean Hùng, Trần Đại tới quán “Gió Nam”. Hắn thấy mặt Tường Vi sưng búp, dáng người thiểu não. Thì đoán ngay nàng bị đánh đập tàn nhẫn. Trần Đại gọi Tường Vi tới, nói nhỏ quyết định của hắn. Trần Đại hẹn nàng chỗ hắn đứng đón nàng. Muốn khỏi đổ bể, hắn khuyên nàng đừng mang theo một thứ gì. Và trước nên viết một lá thư báo cho cảnh sát biết để đề phòng sau này gia đình nàng hết vu vạ ăn cắp đồ đạc đi theo giai.
Trần Đại đang dặn dò Tường Vi thì bố nàng xăm xăm ra lôi nàng vào nhà trong, đánh túi bụi. Dì ghẻ nàng lôi “du đãng” đào cha bới ông, ngầm chửi Trần Đại. Máu giang hồ nổi dậy, Trần Đại đưa tay gạt hết ly tách trên bàn. Chủ quán “Gió Nam” hung hăng bước ra gây sự. Nóng mắt, Trần Đại phóng một đấm trúng cầm, chủ quán té nhào. Bà vợ gầm lên chỉ mặt trần Đại la lối. Hắn vớ chiếc ghế liệng đúng cái thân hình béo tròn của mụ rồi lẳng lặng rời khỏi quán. Trần Đại phòng xe “Rumi” tránh sự can thiệp của cảnh sát.
Đã có chủ định, hắn đi kiếm James Dean Hùng vì trước lúc tới tìm Tường Vi hắn đã nghĩ ra một kế hoạch giúp Tường Vi. Chở James Dean Hùng đến phòng mạch bác sĩ Nguyễn Lưu Niệm, Trần Đại nháy mắt bảo đàn em:
- Có tiền lương thiện giúp Tường Vi làm lại cuộc đời rồi.
James Dean Hùng ngơ ngác:
-Tiền ở đâu?
- Của bác sĩ Niệm!
Trần Đại kể sơ qua âm mưu lừa gạt bố Tường Vi của bác sĩ Niệm hồi ông ta còn là sinh viên nội trú bệnh viện. Hắn cũng nói ngay rằng bác sĩ Niệm đã gây sự khốn khổ cho Tường Vi khiến nàng tủi hổ quá phải tự vẫn sau khi bố nàng bắt nàng phá cái thai, cái “tác phẩm ái tình” của bác sĩ Nguyễn Lưu Niệm. James Dean Hùng nghe xong chửi thề:
- Mẹ kiếp, không “bắt địa” thằng bác sĩ lưu manh này thì chưa xứng đáng làm du đãng. Anh nghĩ kế giỏi thật.
- Cũng nhờ Hùng đưa ý kiến trước. Hôm nghe Tường Vi nhắc lại vụ này, anh sôi máu muốn xin tên lưu manh cái tai. May quá, để xin hắn ít “địa” trước đã.
Trần Đại bảo James Dean Hùng:
- Chú cùng vào với anh. Hễ thấy anh búng tay thì đẩy cửa vô phòng hắn nhé!
Hai tên du đãng bước vào phòng mạch. Lúc ấy, gần trưa phòng mạch đã vắng bệnh nhân. Trần Đại xin số đợi chừng 15 phút thì tới lượt. Bác sĩ Niệm chỉ hắn ra giường nằm. Bác sĩ vén áo hắn đặt ống nghe, rờ rờ khắp lưng, khắp ngực hắn. Bác sĩ bảo hắn há miệng rọi đèn xem xét rồi hỏi:
- Ông có nhức đầu không?
- Nhức lắm ạ!
- Có lạnh không?
- “Lạnh” lắm.
Bác sĩ Niệm không hiểu tĩnh tự “lạnh” của Trần Đại, hỏi thêm:
- Có đắng miệng không?
- Hơi hơi...
- Ông bị cúm từ hôm qua.
Trần Đại chửi thầm:
- Mẹ kiếp, bác sĩ như mày mà cũng trưng biển mở phòng mạch. Vừa học vừa lo phá đời con gái thiên hạ hèn chi dốt như bò. Ông nội mày khỏe như vâm, vừa đấm một thằng cha bất lương một con mẹ lăng loàn mà mày dám bảo ông nội mày cúm!
Tuy thế, hắn vẫn đóng kịch:
- Dạ tôi khó chịu từ đêm qua. Có lẽ đi chơi khuya về trúng gió.
Bác sĩ Niệm đọc tên thuốc. Trần Đại nghe được ngay. Hắn nghĩ:
- Chích “Xanh coóc tin” càng... bổ thận! Mình đang mệt, nên chích một phát cho lại sức.
Cô y tá chích xong Trần Đại tới bàn bác sĩ Niệm lấy đơn thuốc. Hắn rút bút nguyên tử, viết vội lên mặt sau cái đoạn thuốc bằng tiếng Pháp:
- “Bác sĩ ông đuổi cô y tá ra, tôi có việc riêng muốn nói với ông. Việc nguy hiềm cho ông”.
Trần Đại trao cái đơn cho bác sĩ Niệm. Đọc qua, mặt bác sĩ Niệm biến sắc. Ông ta hỏi bằng tiếng Pháp:
- Việc gì đó?
Trần Đại hất đầu về phía cô y tá đương rửa ống chích.
- Cô kia nghe được tiếng Pháp không?
- Không.
- Được, khỏi cần đuổi nữa. Tôi nói bằng tiếng Pháp cho chuyện bớt phần bỉ ổi!
Bác sĩ Niệm vốn nhiều vết đen trong hồ sơ đời, nên giật mình đánh thót một cái. Ông ta lộ vẻ lo sợ:
- Thưa ông, cần lắm không ạ.
Trần Đại nhếch mép cười đắc chí. Hắn rút điếu “Havatampa” nhẩn nha bóc làn giấy bọc ngoài, ngậm miệng, châm lửa hút. Hắn biểu diễn một vòng khói tròn mơ màng nhìn “tác phẩm nghệ thuật” của mình rồi mới nhìn bác sĩ Niệm:
- Dĩ nhiên là cần.
Trần Đại tấn công địch thủ ngay:
- Bác sĩ được mấy cháu rồi?
Bị kẻ lạ mặt hỏi một câu ngớ ngẩn, bác sĩ Niệm càng bối rối:
- Dạ mới có một đứa.
- Bác sĩ lấy được người vợ con nhà danh giá quá. Đẹp giai học giỏi như bác sĩ, lấy vợ giầu như bỡn.
- Ông quá khen.
- Tôi nghe hình như bác sĩ phu nhân khó tính lắm phải chăng bác sĩ?
Bác sĩ Niệm cơ hồ lạc vào rừng sương mù. Ông không hiểu kẻ đối diện mình là hạng người nào. Mật vụ hay Việt Cộng? Hắn nói tiếng Pháp trôi chảy, giọng hắn đủ chứng tỏ hắn học ở trường pháp. Nhận xét về tài năng pháp văn của Trần Đại của bác sĩ Niệm rất đúng. Vì hắn học trường Jean Jacques Rousseau, đậu tú tài phần nhất. Bác sĩ Niệm cố trấn tĩnh, đợi kẻ lạ mặt vào vấn đề chính. Ông ta mỉm cười gượng gạo:
- Thưa ông, đàn bà ai cũng khó tính cả.
Trần Đại ngó đồng hồ:
- Chết chửa, bác sĩ còn mấy con bệnh nữa?
Bác sĩ Niệm hiểu ý Trần Đại, ông ta bảo cô y tá:
- Ra nói bác sĩ mệt, chiều tới khám.
Trần Đại buột mồm khen:
- Bác sĩ thông minh ghê!
Bác sĩ Niệm bắt chước Trần Đại ngó đồng hồ:
- Ồ, gần 12 giờ rồi. Thưa ông xin ông cho biết việc riêng của ông.
Trần Đại nhún vai y hệt tài tử màn ảnh:
- Bác sĩ vội vàng thế? Vâng, đành chiều ý bác sĩ vậy. Thưa bác sĩ, lúc nãy tôi nghe không rõ, bác sĩ nói bác sĩ được mấy cháu rồi nhỉ?
- Dạ một.
- Bác sĩ có quên không?
Bác sĩ cười, mỉa mai:
- Ai lại quên ngu xuẩn thế được hở ông?
- Thế mà vẫn có người quên đấy bác sĩ ạ! Bác sĩ có biết người ấy là ai không?
Bác sĩ Niệm hơi chột dạ:
- Không ạ.
Trần Đại bất chợt nói một câu triết lý vụn:
- Trong đời minh, đôi khi cũng nên quên những việc mình trót lỡ làm. Nhưng những người hứng chịu việc trót lỡ của mình thì không bao giờ quên mình cả. Như một đôi vợ chồng rắn độc, con cái bị người ta đập nát đầu, con đực có bổn phận phải đi tìm kẻ đập nát đầu người yêu mình và phun nọc độc vào nó. Thưa bác sĩ, tôi là con rắn đực.
Bác sĩ Niệm tuy lo sợ nhưng vẫn chưa hiểu kẻ đối diện muốn gì, ám chỉ ai. Trần Đại nói tiếp:
- Bác sĩ Niệm, ông còn nhớ những việc ông đã làm hai năm về trước không?
Bậc sĩ Niệm lắc đầu:
- Việc nhiều quá làm sao nhớ hết dược.
Cô y tá sắp sửa về. Trần Đại bảo:
- Bác sĩ ông nên giữ cô ấy lại.
Bác sĩ Niệm tự nhiên tuân lệnh Trần Đại rắm rắp. Trần Đại bĩu môi:
- Ông quên cả một người con gái sống vất vưởng, khốn nạn vì ông hở bác sĩ?
Bác sĩ Niệm to tiếng:
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì?
Trần Đại dụi điếu thuốc lên mặt bàn của bác sĩ Niệm:
- Được lắm tôi sẽ làm ông hiểu. Ông còn nhớ cô Tường Vi con ông chủ quán cà phê “Gió Nam” ở đường Phan Đình Phùng không?
Bác sĩ Niệm há hốc miệng. Trần Đại muốn nhét điếu xì gà hút dang dở vào cái miệng nhơ bẩn ấy. Nhưng hắn đã nén cơn giận.
- Ông nhớ chưa?
Như cái máy, bác sĩ Niệm gật đầu. Trần Đại quẹt lửa mồi lại điếu thuốc vừa dụi tắt:
- Ông nhớ, ông còn nhớ thì tôi cũng tha thứ cho ông phần nào. Vậy tôi nói để ông biết thêm, ông có hai đứa con. Một với Tường Vi và một với người vợ danh giá của ông.
Trần Đại nói tới đó, cơn ghen nổi lên. Hắn nhìn bác sĩ Niệm như muốn nuốt sống ăn tươi kẻ tình địch. bác sĩ Niệm ấp úng:
- Thưa... ông... ông... muốn... gì?
Trần Đại mím môi:
- Ông thử đặt ông vào trường hợp Tường Vi xem ông muốn gì!
- Tường Vi... phá... thai... rồi mà!
Trần Đại nổi nóng:
- Đồ khốn kiếp, câm mồm lại!
Trần Đại ngại cô y tá bỏ đi cầu cứu cảnh sát vì cô thấy bệnh nhân dám to tiếng với bác sĩ chăng. Nên hắn búng tay. James Dean Hùng xô cửa vào. Trần Đại vẫy tay.
- Khép dùm cửa ngoài và ngồi đó chờ anh.
Bác sĩ Niệm bị kẹt. Trần Đại đứng lên:
- Ông phá hại đời nàng, ông rũ áo ra đi yên ổn, không đoái hoài tới nàng, sao ông biết nàng phá thai?
Trần Đại trừng trừng con mắt. Khiến bác sĩ Niệm khiếp đảm:
- Thưa ông... tại nàng... không... yêu tôi...
- Không yêu ông, ông biết thế sao còn cứ cố hại nàng. Ông bịp một thằng bố ham danh vọng, hiếp đáp một cô gái yếu đuối để thỏa mãn thú tính của ông để thỏa mãn tự ái “bác sĩ sắp ra trường” của ông. Ông là thằng mặt mo, một thằng khốn nạn, làm nhơ bẩn cả xã hội. Tôi ghét ông, tôi thù ông vì chính ông làm bẩn xã hội mà xã hội vẫn trọng vọng ông, xã hội giải chiếu hoa trí thức mời ông ngồi. Còn những thằng bịp bợm vì dốt nát, vì nghèo đói thì xã hội khinh chúng nó, coi chúng nó như những con chó ghẻ.
Như công tố viện buộc tội bị can, Trần Đại hằn học kết án bác sĩ Niệm chán chê, đoạn hắn hỏi:
- Bây giờ ông nghĩ sao?
Bác sĩ Niệm nói bừa:
- Tôi... tôi hối hận lắm.
Trần Đại cười gằn:
- Một trăm thằng đàn ông sở khanh đều muốn đời bớt ghê tởm chúng bằng câu nói đầy sám hối sau khi đã gây đủ tội lỗi. Bác sĩ Niệm, tôi mong rằng bác sĩ không ở trong số một trăm thằng thí dụ của tôi.
Từ nãy, bác sĩ Niệm đã nhịn nhục Trần Đại vì ông ta chưa hiểu rõ Trần Đại muốn gì. Giờ theo dõi mấy cử chỉ của hắn, ông ta đoán rằng, Trần Đại muốn làm “săng ta” trong vụ này thì ông không nể nang Trần Đại nữa. Lấy lại sự hách dịch thông thường, bác sĩ Niệm nói:
- Ông muốn gì cứ nói phứt đi?
Trần Đại gật gù:
- Được rồi, tôi nói phứt đây: Tôi muốn đem đứa con hoang của ông trả vợ ông!
Bác sĩ Niệm hỉnh hỉnh mũi:
- Ông cần mấy nghìn tiêu đỡ, xin đề cập ngay, cần chi phải đem ngáo ộp ra dọa.
Trần Đại đá tung cái ghế. Hắn đổi giọng nói và nói bằng tiếng Việt:
- Tao đâu khốn nạn như mày hở thằng sở khanh! Tao sẽ đặp vỡ mặt mày ra.
Bác sĩ Niệm run cầm cập. Ông ta sợ lộ tẩy, xuống nước:
- Xin lỗi ông, xin ông dùng tiếng Pháp kẻo cô y tá của tôi hay chuyện. Tôi nhầm, xin ông bỏ qua.
Chưa nguôi cơn giận, Trần Đại ném bốp mẩu thuốc vào tường:
- Ông biết tôi là ai không?
Bác sĩ Niệm xum xoe:
- Dạ không.
- Tôi quên chưa giới thiệu với ông, tôi là bạn rất thân của cô Tường Vi.
Im lặng giây lát, Trần Đại tiếp:
- Ông biết tôi gặp ông làm gì không?
- Dạ không.
- Tôi chẳng cần giấu ông làm chi nữa. Tôi gặp ông vì cô Tường Vi, vì con ông.
Bác sĩ Niệm cuống quýt:
- Thưa... thưa... cô Tường Vi nhờ ông?
Được dịp chửi bác sĩ Niệm, Trần Đại dằn giọng:
- Không, không bao giờ Tường Vi nhờ tôi gặp ông đâu. Cô ta ghê tởm bộ mặt ông từ những ngày đầu, ông quên rồi à?
Trần Đại cười thầm trong bụng:
- Cá đã cắn câu rồi. Mày không biết gì về Tường Vi từ ngày mày gieo sầu thảm cho đời nàng rồi cút mất tăm, càng dễ dàng cho ông nội mày “bắt địa” con ơi.
Hắn liếc nhìn bác sĩ Niệm. Thấy mặt ông ta ngớ ngẩn đến phát ghét. Trần Đại xét rằng không nên kéo dài thời gian “mồ hôi lạnh” cho bác sĩ Niệm nữa, hắn rút điếu “Havatampa” khác, ngậm miệng rồi nói thẳng:
- Tôi cần món tiền hai chục ngàn...
Trần Đại phà khói thuốc:
- Nói trắng để bác sĩ hiểu là hai chục ngàn cho con ông hoặc cho danh dự của ông. Danh dự của một ông bác sĩ có hai chục ngàn, rẻ quá, bác sĩ bằng lòng chứ?
Bác sĩ Niệm chưa kịp nói. Thì Trần Đại giải thích:
- Người hiệp sĩ lãnh nuôi con ông chẳng may bị thất nghiệp mấy tháng rồi. Hắn vay nợ để cứu mạng con ông. Ông có biết mỗi tháng thằng ngu ngốc đó tốn bao nhiêu tiền về đứa trẻ bạc phước đó không? Ba ngàn. Sáu bảy tháng nay, tên hiệp sĩ ngu ngốc kia chịu tiền nhà thương. Bây giờ nếu không tiền trả, chắc chắn nó phải đem con ông trả lại ông. Và nhờ bà nhà ta thanh toán tiền nong rồi ẵm “đứa con rơi” của chồng về. Bác sĩ muốn đằng nào?
Bác sĩ Niệm nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu vô cùng. Trần Đại đoán được ý nghĩ của ông ta, gật đầu:
- Thôi để nhờ bác sĩ phu nhân vậy. Tôi xin kiếu ông.
Nhưng bác sĩ Niệm đã thay đổi thái độ. Ông ta vồn vã:
- Mời ông đứng lại chút nữa đã.
Trần Đại dứt khoát:
- Tôi chỉ còn mười lăm phút.
Bác sĩ Niệm suy nghĩ lát rồi nói:
- Ông hứa sau khi lãnh đủ hai chục ngàn rồi đừng làm phiền tôi nữa không?
Trần Đại lắc đầu:
- Tôi không hứa gì cả.
- Tại sao ông không dám hứa?
- Tại vì, hai chục ngàn của ông mới chỉ đủ trả nợ tiền nhà thương nuôi con ông. Hứa thì sau đó, tiền đâu nuôi con ông?
Bác sĩ Niệm cắn muốn nát môi:
- Chiều mời ông tới, tôi sẽ thỏa mãn ông.
Trần Đại cười khanh khách:
- Bác sĩ Niệm, ông coi tôi có phải con nít không?
- Dạ đâu dám.
- Chiều tôi tới để cảnh sát thộp cổ tôi à?
- Ông làm gì mà cảnh sát dám thộp?
Trần Đại nhìn bác sĩ Niệm, khinh bỉ:
- À, lúc ấy bác sĩ sẽ bảo rằng tôi tống tiền bác sĩ.
Bác sĩ Niệm xấu hổ, vội lấp liếm:
- Tôi là người trí thức, đâu phải hạng vu khống.
Trần Đại xỏ ngọt:
- Tôi tởm những thằng trí thức như ông lắm, bác sĩ ạ! Ông là thằng hèn hạ, tôi tin ông sao nổi.
Bị chửi rủa, bác sĩ Niệm cáu tiết chịu không nổi:
- Này, tôi nói cho ông biết, tôi nhịn ông hơi nhiều rồi đấy nhé!
Trần Đại khiêu khích:
- Ông thử không nhịn nữa xem sao, bác sĩ Niệm!
Bác sĩ Niệm xẵng giọng:
- Nói tóm lại, ông muốn gì?
- Tôi nói tóm rồi, bác sĩ kém thông minh quá.
Bác sĩ Niệm nóng máu:
- Nếu tôi không đưa tiền...
Trần Đại cướp lời bác sĩ Niệm:
- Thì tôi trả con hoang ông.
- Nếu tôi không sợ đứa con hoang làm mất danh dự?
Trần Đại xán tay áo lên:
- Thế thì càng dễ giải quyết. Tôi sẽ “bắt địa” ông vậy.
Bác sĩ Niệm trố mắt:
- Ông là...
Trần Đại nhún vai:
-... Trần Đại, du đãng mà cảnh sát phải kiêng mặt. Tôi nhắc lại: tôi là du đãng. Du đãng vì tôi không thích làm bác sĩ kiểu như ông.
Muốn trêu bác sĩ Niệm, Trần Đại búng tay James Dean Hùng chạy vào:
- Anh cần chi ạ?
Trần Đại nháy mắt:
- Bác sĩ Niệm bảo anh rằng bác sĩ muốn thử tài của Hùng đấy.
James Dean Hùng lững thững tiến gần bác sĩ Niệm. Nó lắc đầu mạnh một cái. Bác sĩ tưởng James Dean Hùng đánh mình, vội lùi về phía sau, đụng lưng vào tường. Trần Đại khuyến khích đàn em:
- Bác sĩ nhường Hùng đó.
James Dean Hùng rút con dao ra. Nó bấm lưỡi, hoa mua:
- Bác sĩ đẹp giai quá, xin bác sĩ cái tai nhé!
Nó định chụp đầu bác sĩ Niệm. Cô y tá rú lên. Khiếp đảm. Bác sĩ Niệm sợ xón vó. Mặt xanh lè. Trần Đại chậm rãi nói:
- Thưa bác sĩ, ông còn khoái đặt điều kiện nữa không?
Bác sĩ Niệm run rẩy:
- Tôi... tôi... đâu... dám... đặt... điều... kiện...
Trần Đại bảo đàn em:
- Hùng ra canh cửa đi.
Rồi hắn hỏi bác sĩ Niệm:
- Ông biết Trần Đại chứ?
- Dạ biết.
- Biết qua báo chí hở?
- Dạ vâng....
- Bác sĩ đừng dạ vâng với tôi nữa. Báo chí chẳng hiểu gì về tôi cả. Họ coi tôi là thằng vô học, quân đầu đường xó chợ. Mấy anh ký giả ấm ớ ngồi nhà viết phóng sự du đãng thì hiểu cóc gì. Tôi đâu cần họ. Tôi cần tôi và cần những việc tôi làm. Bác sĩ ông có nghĩ rằng tôi vô học không?
- Ông học khá lắm.
- Cám ơn ông, ông hơi nịnh tôi đấy nhé!
Bác si Niệm ngượng ngùng. Trần Đại tấn công liền.
- Luật pháp không biết rõ tội ác của ông để bắt ông vào khám. Lương tâm ông là thứ lương tâm của rết. Đời này, công lý không đem lại cho kẻ bị áp bức một chút an ủi nào. Ông cậy ông nhiều tiền, nhiều thủ đoạn, muốn làm ai khổ sở thì làm. Vậy, nếu công lý không trừng phạt ông không bênh vực nổi cô Tường Vi thì tôi, tôi là du đãng tôi tình nguyện đảm nhận công việc bênh vực cô Tường Vi và trừng trị ông. Tôi có thể phóng mũi dao trúng tim ông. Tôi có thể cắt tai ông, rạch mặt ông làm cho tàn tật suốt đời. Ông muốn thế không?
Bác sĩ Niệm đứng chôn chân cơ hồ một chú học trò không thuộc bài đứng trước mặt thầy giáo. Ông ta nói:
- Lúc nãy tôi chưa hiểu, xin ông bỏ qua.
Trần Đại đưa tay vuột mái tóc:
- Tôi sẽ bỏ qua hết, nhưng ông chịu bỏ tiền nuôi con ông không?
- Vâng, tôi chịu.
- Ông đưa hai chục ngàn hôm nay và mỗi cuối tháng tôi sẽ cho đàn em tới lãnh ba ngàn.
Bác sĩ Niệm bị dồn vào ngõ bí, đành tạm nhận lời. Ông ta hy vọng, thoát khỏi sự uy hiếp của Trần Đại, sẽ tính lại sau với bọn du đãng khốn kiếp này. Đoán được ý nghĩ phản bội của bác sĩ Niệm, Trần Đại chặn trước:
- Tôi có ngót ba trăm đàn em. Thích đi tù thích ở trại Tế Bần thì có chừng hai trăm đứa. Ngồi tù vừa được nuôi ăn vừa có thành tích, đứa nào cũng khoái. Tôi khuyên bác sĩ đừng trình báo cảnh sát. Tôi không ngán cảnh sát nhưng sợ phải giết ông thì lấy ai cung cấp tiền nuôi con ông. Ông muốn sống với vợ đẹp con khôn, hưởng cảnh giàu sang phú quý, chớ đùa du đãng, du đãng rất ghét bị đùa, hình phạt của du đãng nặng lắm. Chẳng tin sau đây, bác sĩ cứ đi trình báo đi. Hai mươi bốn tiếng sau, bác sĩ sẽ thấy đàn em của tôi ra tay ngay.
Bác sĩ Niệm chột dạ. Hồi sáng ông mới lãnh cái “séc” mười lăm ngàn. Ông lấy tiền khám bệnh bù thêm trao cho Trần Đại. Hắn chưa thèm cầm, thong thả nói:
- Ông đưa tiền để gột dần tội lỗi của ông đấy nhé! Tôi không “bắt địa” ông đâu. Địa mập và hèn như ông, bắt hai chục ngàn thấm thía gì. Nhân danh công lý của du đãng, tôi rất hài lòng đã bênh vực được kẻ bị áp bức là cô Tường Vi. Ông nhớ giùm nghe. Mỗi cuối tháng, vào ngày 28, tôi cử “đại sứ” của tôi đến lãnh tiền. Tôi không cần ông gửi thêm đồng nào và cấm ông không được thiếu dù năm cắc.
Trần Đại đắc ý. Hắn cầm nắm tiền, nhét vào túi, coi hai chục ngàn của bác sĩ Niệm như nắm giấy vụn. Điệu bộ khinh bạc đó, khiến bác sĩ Niệm tuy căm giận hắn nhưng chẳng dám khinh bỉ. Ông chỉ hơi lạ lùng, tại sao tên du đãng “đặc biệt” này lại biết chuyện riêng của ông mà can thiệp. Trần Đại chìa tay bắt tay bác sĩ Niệm:
- Sẽ có dịp gặp ông. Tôi hy vọng một ngày kia sẽ hoàn lại số tiền của ông. Nếu ông muốn lấy lãi tôi cũng trả.
Bác sĩ Niệm thoái thác:
- Chả là bao, ông đừng lo trả nợ. Nhiệm vụ của tôi.
Trần Đại chỉ đợi bác sĩ Niệm nói câu ấy. Hắn nhắc lại:
- Bác sĩ coi việc đài thọ hàng tháng là nhiệm vụ của ông, xin đừng quên đa!
Rồi hắn đẩy cửa phòng mạch, điềm nhiên bước ra. James Dean Hùng khẽ kéo cánh cửa sắt bên ngoài. Hai tên du đãng chở nhau bảng xe “Rumi” biến mất.
Ngay buổi tối hôm ấy, Tường Vi tới chỗ hẹn của Trần Đại. Nàng làm đúng lời dặn của người yêu, không mang hành lý theo và trước khi đi đã viết thư cho cảnh sát biết lý do rời bỏ gia đình của nàng. Tường Vi dứt bỏ dĩ vãng và đi tìm tương lai bằng hai bàn tay. Con chim bồ câu còn non tuổi nhưng già vì buồn đã bay khỏi căn chuồng hôi hám, đê tiện. Cuộc đời rộng và rất nhiều phù thủy giăng lưới, Tường Vi chẳng mấy ngại ngùng. Vì nàng biết nàng không cô đơn nữa. Đi bên cạnh nàng đã có Trần Đại.
Hắn dẫn nàng đi sắm những đồ dùng cần thiết. Một chiếc va ly nhỏ gọn. Trần Đại bắt đầu gây gia tài cho nàng. Tường Vi sự thực đã bước sang cuộc sống mới, đầy mộng ước. Nàng đã tìm thấy những bước chân nhè nhẹ lướt trên đường hoa tim, những tiếng thở dài trách yêu, những bàn tay đan lấy bàn tay e ấp và bốn con mắt nhìn nhau muốn nói nhiều mà vẫn ngập ngừng. Hành lý của Tường Vi đấy. Bằng tình yêu mến, người con gái tưởng muốn nôn mửa vào cuộc đời, lại được nhìn lại giấc mơ của thời đôi tám.
Tường Vi chợt gai một nỗi sợ dĩ vãng. Nàng nắm chặt cánh tay Trần Đại ngơ ngác:
- Đêm nay mình ngủ đâu anh?
Trần Đại đang phân vân chuyện đó. Đến tối, nội trú đóng chặt cửa rồi. Thuê khách sạn thì Trần Đại không muốn. Suy nghĩ mãi, hắn đưa Tường Vi về nơi trú của hắn để nàng ngủ tạm một đêm, mai sớm hắn sẽ dẫn nàng vào nội trú. Trần Đại sống chung với James Dean Hùng. Đêm đó James Dean Hùng biết đàn anh cần tâm sự cùng người yêu nên nó la cà suốt đêm ở tiệm nhảy. Sự vắng mặt của James Dean Hùng khiến Trần Đại bối rối hết sức. Hắn coi bọn con gái như cỏ rác. Nhưng với Tường Vi thì khác, trong niềm yêu thương, Trần Đại còn kín trọng Tường Vi nữa. Hắn chẳng có mặc cảm gì cả. Hắn đã ghê tởm xã hội, thù ghét gia đình hắn bất chấp đạo đức lễ nghĩa, những thứ đạo đức giả vờ, lễ nghĩa lỗ miệng. Tuy nhiên, Trần Đại vì thù ghét bọn đạo đức giả mà hắn không muốn giống bọn đạo đức giả. Hắn cũng không muốn để Tường Vi xếp hàng vào loại bác sĩ Nguyễn Lưu Niệm mặc dù ở cái xã hội trọng vọng bằng cấp, trọng lễ nghĩa liệng này, bác sĩ Niệm là tấm gương sáng chói của mọi gia đình có con trai con gái. Còn hắn, hắn chỉ là tên du đãng khốn nạn. Thằng bác sĩ dầu hèn hạ cách mấy, dẫu đáng phỉ nhổ cách mấy, vẫn là thằng bác sĩ thừa thãi điều kiện để được đời trọng vọng, để được đời ao ước địa vị của nó. Ngược lại, thượng du đãng dẫu cao thượng cách mấy, dẫu đáng ca ngợi cách mấy vẫn là thằng du đãng thừa thãi những vết nhơ bẩn để đời đi gót giầy lên.
Trần Đại hiểu rõ thân phận của những thằng du đãng hơn ai hết. Hắn biết vì những nguyên nhân nào du đãng không rửa gột sạch được mối hận đời. Chính hắn cũng không muốn gội rửa sạch. Vì Trần Đại nghĩ rộng, du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng, đòi bắt du đãng, đòi nhốt du đãng vào trại Tế Bần, đòi đầy đọa du đãng... Trần Đại đã từng thức trắng nhiều đêm suy tư. Và nó thấy, hiển nhiên, du đãng chưa hề bán nước hại dân, chưa hề đục khoét công quỹ quốc gia, chưa hề lừa thầy phản bạn. Sự đập lộn phá phách, đi hoang của du đãng khởi sự từ bầu nhiệt huyết nóng hổi. Đời không biết khai thác sự nóng hổi, không biết dùng tinh thần hào hiệp của tuổi trẻ. Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp đó biến thành tinh thần du đãng. Thế nhưng, lại vẫn án tòa án đời, kết án tuổi trẻ. Các ông chánh án đời đã học thuộc lòng những bài luân lý rẻ tiền cũ rích luận tội du đãng. Du đãng không thèm nghe. Du đãng sống tách riêng ra một xã hội. Như hệt cái xã hội đạo đức giả, xã hội du đãng cũng phân biệt đẳng cấp. Nhiều đứa rất mất dạy vô giáo dục. Nhiều đứa con nhà khá giả, đứng đắn. Nhiều đứa muốn ngụp lặn trọng tội lỗi. Nhiều đứa lại muốn ngóc đầu lên. Điểm đẹp sáng ngời của xã hội du đãng ăn đứt xã hội đạo đức giả là, ở xã hội du đãng, chúng nó thiết thương nhau, biết dùng bọc nhau.
Trần Đại tin tưởng thế nên hắn cố xử sự đẹp hơn những thằng đạo đức giả loại bác sĩ Niệm. Hắn không sợ đời khinh hắn nhưng hắn sợ Tường Vi coi thường hắn. Cũng như Tường Vi, Trần Đại đã tìm được tình yêu để cho tâm hồn mình bớt se sắt.
Đêm xa nhà đầu tiên, Tường Vi ngủ trên ghế bố của Trần Đại. Nàng ngủ ngon, yên giấc. Trần Đại ngồi hút “Havatampa” thức suốt đêm. Sáng sau, thức dậy, nàng thấy Trần Đại dựa lưng vào tường ngủ. Cạnh chỗ hắn tàn thuốc lá bừa bãi. Bất giác, Tường Vi khóc rưng rức. Tiếng khóc của nàng lám Trần Đại tỉnh ngủ. Hắn ngạc nhiên:
- Sau em khóc. Nhớ nhà hở Tường Vi?
Nàng thổn thức:
- Không anh ạ!
- Thế sao lại khóc?
- Tại em sung sướng quá.
Trần Đại thở phào khoan khoái. Tường Vi hỏi:
- Đêm qua anh không ngủ à?
- Anh vẫn thức thế.
Nàng đưa môi dưới vào giữa hai hàm răng, cắn muốn nát ra:
- Anh...
- Gì em?
- Anh đừng khinh em nhé!
- Khinh gì?
- Em sắp nói một điều.
- Em nói đi?
- Anh đừng khinh em nhé!
Trần Đại định rút thuốc. Nhưng thuốc đã hết. Hấn vươn vai đánh trống lảng:
- Ngủ cũng đủ giờ chán.
Tường Vi hiểu Trần Đại muốn lờ chuyện mình sắp nói, nàng lau nước mắt:
- Anh hứa nhé?
- Ừ, hứa...
- Hứa gì anh nhắc lại Tường Vi nghe nào?
- Hứa đừng khinh em.
Trần Đại mỉm cười:
- Ai dám khinh em thì đứa ấy lớn gan thật.
Tường Vi nũng nịu:
- Em chỉ sợ nói anh khinh em thôi.
- Anh hứa rồi mà.
- Thế...
- Thế gì?
- Thế từ tối nay anh ngủ...
- Được rồi, anh sẽ ngủ trên ghế bố của anh.
Tường Vi nhìn Trần Đại đắm đuối:
- Không, Tường Vi không muốn thế.
- Vậy em muốn gì?
Nàng thở dồn dập. Trái tim đập mạnh, tiếng nói run rẩy như đang thú tội:
- Em muốn... anh... ngủ chung giường với... em cơ...
Trần Đại đưa bàn tay xoa mặt để che giấu sự bối rối. Im lặng. Lúc lâu, Tường Vi mới rụt rè:
- Anh khinh em hở anh? Em xin lỗi anh nhé!
Trần Đại không trả lời thẳng Tường Vi. Hắn hơi cúi đầu, giọng nói trầm xuống:
- Lát nữa anh đưa em vào nội trú.
Tường Vi thở dài. Nước mắt nàng lại ứa ra:
- Em tưởng...
- Tường Vi tưởng gì?
- Em tưởng sẽ sống chung với anh.
Trần Đại lắc đầu:
- Chưa được đâu em ạ!
- Tại sao chưa được.
- Em chưa hiểu gì anh cả, chưa hiểu gì về cuộc đời anh cả.
Tường Vi rút khăn thắm nước mắt:
- Em chẳng cần hiểu gì đời anh. Em chỉ hiểu anh thương em. Thế thôi....
Tường Vi đã nói đúng. Nàng chưa hề hỏi Trần Đại về gia đình, sự nghiệp của hắn. Trần Đại thấy hắn cần phải nói cho nàng hiểu qua cuộc sống hiện tại của hắn để nàng vui lòng vào nội trú cho hắn rảnh rang xoay xở cuộc đời hắn sau. Trần Đại bước gần tới Tường Vi, ngồi cạnh nàng:
- Em có yêu anh không?
- Không yêu anh thì sao em dám giã từ gia đình theo anh.
- Anh hiểu. Vậy em có thương anh không?
Tường Vi gật đầu, Trần Đại nắm chặt bàn tay người yêu:
- Thương anh em phải nghe anh. Bây giờ anh chưa lấy em làm vợ được. Anh chưa có việc làm chắc chắn, chưa có mái nhà trú nắng mưa, chưa có gì cả. Nhưng anh sẽ có. Vì em, anh phải có, dù anh không có gia đình và dù cuộc đời đang sẵn sàng đạp anh gục ngã. Em hiểu chứ?
- Dạ.
- Chúng ta sẽ có con. Con chúng mình không thể chở chất sầu hận như mẹ nó, không thể chở chất căm thù như bố nó. Con chúng mình phải sống hồn nhiên, sung sướng và không để đứa nào ghê tởm nó. Em hiểu chứ?
- Thưa anh, em hiểu.
- Vậy em nên nghe anh. Em vào nội trú, nối tiếp lại sự học bị dứt đoạn, nối tiếp lại đời học sinh bị dang dở. Một năm, hai năm, hay bốn năm năm, anh tin rằng tương lai chúng mình sẽ sáng sủa. Em hiểu chứ?
- Dạ, em hiểu.
- Em đừng nghĩ ngợi gì cả. Rán lo học hành. Tiền trường tháng tháng anh đóng cho em. Em hãy lo dần cho con chúng mình bằng cách chăm chỉ học hành. Rồi em đỗ đạt. Chân trời tương lai phải nứt tung cửa đón chúng mình.
Trần Đại không muốn Tường Vi băn khoăn vơ vẩn. Hắn vui vẻ hỏi:
- Trước em học đến lớp mấy hở Tường Vi?
- Dạ, đệ Nhị
- Em học lại đệ Nhị. Trường mới khai giảng hơn một tháng. Thì giờ còn rộng chán. Cuối năm em thi đỗ Tú Tài nhất, sang năm thi Tú Tài hai. À, thi đậu em định học gì?
Tường Vi tươi hẳn nét mặt:
- Em học sư phạm.
Trần Đại đùa:
- À, em tôi thích làm cô giáo. Được lắm, anh bằng lòng lắm. Đước lấy một cô vợ giáo sư còn hạnh phúc nào hơn nữa. Em đi dạy học, anh ở nhà nấu cơm.
Tường Vi bĩu môi:
- Anh mà biết nấu cơm chỉ ba hoa...
- Em không tin à?
- Không.
- Vậy em thử làm cô giáo tài, lúc ấy em sẽ biết tài nấu cơm của anh.
- Anh vẽ tương lai đẹp quá. Cứ như văn sĩ tả cảnh ấy.
Trần Đại cười:
- Em chưa biết rằng anh sắp làm văn sĩ à?
Tường Vi ngỡ thật, hỏi rối rít:
- Anh viết văn đấy à? Anh có làm thơ không?
Trần Đại nhún vai:
- Có chứ, làm thơ dễ ẹc mà.
- Anh làm được mấy bài rồi?
- Mới một bài!
Tưởng Vi thắc mắc:
- Sao lại mới một bài? Anh sáng tác bài ấy lâu chưa?
- Mới.
- Bao giờ?
- Đêm hôm qua. Anh làm bài thơ đầu tiên vì em, cho em...
Tường Vi rút bàn tay khỏi tay Trần Đại đưa cả đôi bàn tay xòe ra ôm lấy ngực để trái tim đừng vụt mất vì quá sung sướng. Đôi mắt đen long lanh chớp mau. Nàng nhỏ nhẹ:
- Anh có viết ra giấy không?
- Không, anh chỉ viết trong óc.
- Anh ngâm cho em nghe đi anh!
- Anh không biết ngâm.
- Thế anh đọc vậy.
Trần Đại trách vêu:
- Em làm nũng quá. Ừ, để anh đọc cho em nghe.
Hắn tới đống tàn thuốc lá, cố kiếm xem có mẩu thuốc nào còn hít được vài hơi, nhưng thất vọng. Những điếu “Havatampa” chỉ trơ lại những mẩu gỗ thay píp. Trần Đại tiếc rẻ:
- Hoài của quá, giá có một mẩu thuốc.
Tường Vi ngây thơ:
- Mẩu thuốc để làm gì hở anh?
- Để lấy hứng đọc thơ.
- Chả cần hứng đâu, anh đọc đi.
Trần Đại trở lại ngồi trên ghế bố, cạnh Tường Vi. Hắn trầm ngâm một lát rồi khe khẽ đọc:
Nhà anh ở bây giờ
Mùa xuân hoa chưa nở
Chăn chiếu của người ta
Đắp hồn hoang đi trọ
Sao em năng tới lui
- Vì cổng then cài ngõ
- Vì không phải bấm chuông
- Vì không nuôi chó dữ
- Vì em sợ anh buồn
Vườn anh trồng thương nhớ
Nuôi chim bằng tình yêu
Lồng tre ba bốn cửa
Anh lười chả muốn gài
Chiều kia chim ướt rũ
Anh nhóm lửa hong hồn
Khói làm chim cay mắt
Chim khóc anh buồn hơn
Ru chim anh khẽ thở
Thấy Chim thiu ngủ
Anh ngồi anh ước mơ
Nhà anh ở bao giờ
Mùa xuân hoa đua nở
Anh thôi đời đi tro
Sẽ nghĩ chuyện làm thơ
Viết kín mười quyển vở
Anh đan một chim lồng
Nhốt kín em trong đó
- Vì anh cũng biết ghen
Chim chẳng còn ướt rũ
Cuộc đời rụng trái sầu
Giọng Trần Đại, Tường Vi đã mê từ hôm nghe hắn hát một câu trong bài “Cô láng giềng” của Hoàng Quý. Hắn đọc bài thơ chứa chân tình cảm của hắn, giọng hắn càng gợi cảm, đầm ấm. Tường Vi thấy đôi mắt hắn ngập buồn. Và chính nàng, nàng cũng cảm thương tâm sự u hoài của hắn. Tường Vi hỏi:
- Anh đặt tên bài thơ là gì hở anh?
Trần Đại xòe đôi bàn tay:
- Định đặt là “Âm giai la thứ”?
Tường Vì tròn mắt:
- Tên gì nghe lập dị thế?
- Bài thơ buồn không?
- Dạ, buồn lắm.
- Những bản nhạc buồn thường được viết bằng những âm giai la thứ. La mineur đó mà em.
Tường Vi chợt nhớ ra:
- À... Bài thơ của anh, do vậy mới mang tên là “Âm giai la thứ” hở?
- Ừ.
- Sao anh không làm thật nhiều thơ đăng báo.
- Để làm gì?
- Cho thiên hạ đọc.
- Anh chỉ cần đọc cho một người nghe thôi.
- Em biết người ấy rồi. Từ nay, người ấy cũng chỉ nghe thơ anh thôi anh ạ!
Nắng bây giờ đã hắt vào căn phòng qua cánh cửa sổ. Trần Đại dục người yêu:
- Muộn rồi, em sửa soạn đi, anh sẽ đưa Tường Vi tới nội trú.
Tường Vi mở căng mắt để thu hình ảnh Trần Đại. Nàng thấy chưa bao giờ nàng được nhìn một hình ảnh đẹp như thế. Tường Vi muốn bộc lộ một lời chân thành. Nhưng nàng chỉ nói nổi một tiếng:
- Anh...
- Gì em?
- Anh đưa em vào nội trú nào?
- Em muốn vào nội trú nào?
- Vào nội trú nào cũng được.
Đôi mắt Tường Vi chớp mau, chực khóc. Trân Đại an ủi:
- Em đừng buồn, trong nội trú thiếu gì bạn gái tốt, em không sợ cô đơn đâu.
Tường Vi gượng cười:
- Thưa anh, em không sợ cô đơn nữa.
- Thế thì sửa soạn đi. Anh đưa em tới nội trú của các bà phước ở Chí Hòa. Nội trú này vắng vẻ, nghiêm nhặt lắm không sợ dĩ vãng tìm bắt em, đầy đọa em vào “địa ngục” nữa. Sống với các bà phước, em sẽ thấy thiên đường của chúng ta rất gần.
Tường Vi nghe Trần Đại an ủi đã bớt buồn. Nàng đùa:
- Các bà phước lặng lẽ thế, sao em thấy gần thiên đường của tuổi trẻ được?
Trần Đại nói:
- Các bà phước gác giùm thiên đường của chúng mình.
Tường Vi chợt hiểu. Nàng tủm tỉm cười:
- Nhưng các bà nghiêm thế anh có thăm em luôn được không?
Trần Đại gật đầu lia lịa:
- Được chứ. Mà thăm luôn làm gì, để em học hành. Mỗi tuần chúng mình đì chơi với nhau trọn ngày Chủ nhật thôi.
Tường Vi nũng nịu:
- Một tuần gặp anh một ngày ít quá.
Trần Đại bắt đầu lúng túng. Với một cô gái như Tường Vi hắn thấy vất vả quá. Giải thích thế nào, Tường Vi cũng cố tình quên đi để được hỏi lại. Trần Đại vỗ vai Tường Vi:
- Em quên những lời tâm huyết của anh rồi à?
- Thưa anh không.
- Em thử nhắc lại xem nào?
- Thưa anh... Sẽ không đứa nào có quyền ghê tởm con chúng mình...
- Vậy phải làm gì?
Tường Vi hơi thẹn thẹn:
- Thưa anh, phai hy sinh.
Trần Đại vuốt nhẹ mớ tóc chưa chải của người yêu:
- Ừ, phải hy sinh. Tương lai chúng mình đắt giá lắm đấy em ạ! Thôi sửa soạn đi kẻo muộn, Tường Vi...
Tường Vi không hỏi han thêm. Nàng chẳng muốn làm phiền lòng Trần Đại nữa. Tường Vi rửa mặt, thu xếp lại hành lý mới sắm tối qua, ngồi chờ Trần Đại. Hắn mặc quần áo xong, dẫn nàng đi ngay.
- Em có phải sắm thêm gì không?
- Để em nghĩ xem đã.
- May thêm quần áo chẳng hạn?
Tường Vi cười:
- Món này mất thì giờ lắm, đưa em đi chọn vải anh sẽ sốt ruột. Thôi để em đi một mình vậy.
- Em đi một mình đứa nào tán em thì sao?
Tường Vi trách Trần Đại:
- Anh chỉ nghĩ nhảm.
Họ gọi chiết tắc xi xuống Chí Hòa. Tới nội trú, Trần Đại hỏi:
- Em họ gì nhỉ?
Tường Vi ngạc nhiên:
- Sao hôm nay anh mới hỏi?
- À, hôm nay anh mới cần.
- Để làm gì?
- Để nhận em là em gái mà không sợ lúng túng trước các bà phước.
Tường Vi nhõng nhẽo:
- Đố anh biết Tường Vi họ gì?
Trần Đại nhún vai:
- Anh chịu thua luôn.
- Em họ Trần.
Trần Đại suýt buột mồm nói:
- Anh cũng họ Trần.
Nhưng hắn kịp ngừng lại và bảo:
- Thì anh cũng nhận bừa anh là họ Trần.
Hai người đẩy cổng bước vào. Theo thủ tục của nội trú, Trần Đại nhận Tường Vi làm em ruột mình. Hắn ghi tên đóng tiền và xin thẻ thăm viếng Tường Vi. Tới lúc bà phước dẫn Tường Vi lên lầu nhận phòng của mình, Trần Đại mới lợi dụng cơ hội trao gói tiền cho nàng. Hắn hiểu rằng vào lúc bất ngờ đó, Tường Vi không bắt hắn giải thích món tiền hắn đưa cho nàng và cũng không lấy cớ gì từ chối được. Trót đóng vai em gái hắn, một cử chỉ gì khác lạ, có thể các bà phước sẽ biết mà từ chối không nhận Tường Vi nữa. Nên nàng chẳng dám hỏi nhiều, chỉ đưa mắt nhìn Trần Đại ngầm hỏi hắn xem cái gì gói kỹ bằng tờ giấy trắng muốt thế.
Trần Đại lờ đi. Hắn thọc hai tay vào túi quần, chờ nói vài lời từ biệt. Mười phút sau, Tường Vi xuống. Bà phước để anh em tự do nói chuyện. Tường Vi hỏi:
- Anh vừa trao gói gì cho em đó?
Thấy nàng không mang gói tiền theo, Trần Đại yên dạ trả lời:
- Tiền lẻ để em tiêu vặt.
- Em đi đâu mà tiêu vặt?
- Anh xin phép bà hiệu trưởng rồi. Em muốn ra ngoài học thêm hay đi xi nê cũng được. Em sẽ cần tiền. Thôi để anh về
Tường Vi sững sờ giây lát rồi nói:
- Những ngày ở nội trú sẽ dài lắm anh nhỉ?
Trần Đại khuyến khích người yêu:
- Rán chịu đựng nhé em!
Tường Vi ứa nước mắt:
- Vâng, em rán chịu. Nhưng...
- Gì em?
- Thỉnh thoảng buồn em sẽ gặp anh ở đâu?
Trần Đại dỗ dành:
- Yêu nhau đâu phải để nhìn nhau hở em? Khi buồn em hãy nghĩ đến tương lai của anh em mình, anh tin chắc em sẽ đỡ buồn. Mỗi Chủ nhật anh sẽ đến đón em ra. Rảnh, anh sẽ tới thăm em luôn đừng lo. Sợ mỗi ngày anh đến thăm em vài lần, bà phước đuổi em ra thì nguy. Anh sắp dọn nhà đi chỗ khác. Ít khi anh ở nhà lắm, em tìm anh không gặp anh đâu. Thôi, anh về em nhé!
Tường Vi níu tay Trần Đại lại:
- Nhớ đến thăm em luôn nhé!
- Ừ, anh sẽ đến luôn.
- Mua kẹo “Dragée” cho em nhé!
- Ừ, anh sẽ mua.
- Đừng thức khuya nữa anh nhé! Thức khuya nhỡ ốm thì Chủ nhật ai tới đưa em ra...
Trần Đại hứa đủ điều với Tường Vi, nàng mới để hắn ra về. Bước khỏi cổng nội trú, hắn thở phào khoan khoái. Hắn đã nhốt dược con chim bồ câu của hắn vào cái chuồng thơm tho, sạch sẽ. Con bồ câu vào chuồng mới sẽ thay lông đổi mã. Những vết bùn nhơ dính trên bộ lông trắng muốt của nó, chắc chán sẽ được tẩy sạch. Để, một tháng hay một năm, rời khỏi chuồng, nó lại trong trắng như thời xa xưa.
Trần Đại ao ước ở nội trú, Tường Vi quên hẳn được một dĩ vãng tủi nhục. Nàng sẽ bớt khóc. Mắt nàng đen hơn và môi nàng hồng hơn... Hắn tự nhủ mỗi Chủ nhật.