Chương 7

     au khi người Do-thái đã thành công trong việc chận đứng được xâm lăng của các đạo quân Ả-rập, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bắt hai bên chấp nhận một cuộc ngưng chiến tạm thời. Nói thực ra, cả hai bên đều mong có ngưng chiến này. Bên Ả-rập, tủi nhục vì các thất trận liên tiếp, muốn lợi dụng ngưng chiến để tổ chức lại lực lượng. Bên Do-thái, để kiếm thêm vũ khí và gia tăng tiềm năng tấn công.
Dẫu sao, ở ngay bên trong Bộ tư lệnh tối cao của Israël, còn có nhiều khó khăn. Quyền hành của chính phủ lâm thời đối với Palmach, Macchabée và Chính thống giáo cực đoan vẫn còn bấp bênh lắm. Nhưng Palmach còn hiểu được vài lý lẽ: các lữ đoàn của Palmach bị đe là sẽ bị loại trừ ra khỏi lực lượng xung kích nếu họ cứ tiếp tục bàn cãi lệnh thượng cấp nên sau cùng đã chịu sát nhập vào quân lực. Các Macchabée cũng chịu đưa các đơn vị đặc công của họ vào quân lực chính quy với điều kiện là được duy trì các cấp chỉ huy cũ. Bướng bỉnh bất trị nhất là các Chính thống giáo, rất cuồng đạo, hiểu các lời trong kinh thánh một cách máy móc, nhất định ngoan cố chờ Đấng Cứu thế tới.
Nhưng dù thế nào, sự thống nhất tối cần thiết cho quân lực sắp sửa hoàn tất thì một biến cố thê thảm làm vấn đề phải đặt lại. Ở Hoa-kỳ, các cảm tình viên của Macchabée đã thu thập được một số lượng vũ khí tối tân và đã mua một máy bay chở hàng đặt tên là Akiba. Đồng thời, hàng trăm thanh niên tình nguyện cũng chuẩn bị lên đường tới với các tiểu đoàn Macchabée. Các điều kiện đình chiến dĩ nhiên là cấm cả hai bên tăng viện rồi, nhưng cả Ả-rập lẫn Do-thái đều coi nhẹ điều khoản này, cùng nỗ lực một cách bí mật nhiều hay ít để củng cố các vị trí của mình.
Được các điệp viên bên Âu châu báo cho biết, chính phủ Israël đòi chiếc Akiba cùng mọi vũ khí do máy bay này chuyên chở phải được đặt dưới quyền chính phủ: xét cho cùng thì các Macchabée cũng thuộc về quân lực. Các Macchabée không chịu, viện lý là theo những người tặng thì các vũ khí này đặc biệt chỉ gửi tới cho các đơn vị của họ mà thôi. Chính phủ liền viện lý mình là kẻ thích ứng hơn ai hết để đưa các vũ khí ấy nhập nội bí mật theo một cách thế như thể nào để bề ngoài vẫ giữ được vẻ tôn trọng các điều khoản ngưng chiến. Ngay lập tức, các Macchabée trả lời là họ độc lập với cơ quan lãnh đạo trung ương và không hề muốn tôn trọng ngưng chiến. Mỗi ngày qua, cuộc tranh luận lại càng trở thành cay độc hơn.
Trong thời gian đó, Akiba đã cất cánh. Chính phủ, dù biết rằng mình rồi cũng được xử dụng vũ khí cùng các thanh niên tình nguyện do phi cơ này chuyên chở, cũng vẫn phải yêu cầu các Macchabée hủy bỏ chuyến bay đó. Vụ này đã lộ ra ngoài, và việc phi cơ này đáp xuống lãnh thổ Palestine sẽ là một vi phạm trắng trợn đình chiến. Như ta có thể đoán biết trước, các Macchabée không thèm nghe lời.
Phi trường mà chiếc Akiba sẽ hạ cánh hôm đó lại có nhiều quan khách: các viên chức cao cấp của Israël, các lãnh tụ của Macchabée, các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc. Chính phủ cho gửi tới phi công lời cảnh cáo chót qua vô tuyến điện: Phải quay lại, không được đáp xuống Palestine. Phi công không chịu nghe, các khu trục liền được lệnh cất cánh: chiếc Akiba bị chặn đường, bắn hạ.
Vài trận đánh dữ dội liền xẩy ra giữa lực lượng chính phủ và lực lượng Macchabée. Sau cùng, các lãnh tụ Macchabée liền rút các đơn vị của mình ra khỏi quân đội. Xét cho cùng, thảm kịch này thanh lọc được một bầu khí đã trở thành quá khó thở. Dưới chế độ ủy trị, các Macchabée đã đóng góp rất nhiều vào việc làm cho quân Anh phát ngán xứ Palestine. Nhưng bây giờ người Anh đã đi rồi, chiến thuật khủng bố vô giới hạn đã mất đối tượng. Đồng thời các Macchabée lại tỏ ra không sao chấp nhận được kỷ luật tối cần thiết khi hành quân. Mặc dù đã chứng tỏ được một lòng can trường đáng kính phục và một hy sinh tuyệt đối, họ lại tỏ ra phản động với bất cứ một quyền bính nào không phát xuất từ các cấp chỉ huy của họ. Bởi thế sau vụ Akiba, họ thu mình vào trong một cách cô đơn gầm gừ, tạo thành một nhóm cực đoan chỉ biết tới có một giáo điều: đó là bạo lực tàn nhẫn, giải pháp duy nhất cho tất cả mọi vấn đề.
 Trong thời gian này, những người hòa giải của Liên Hiệp Quốc, bá tước Bernadotte và người Hoa-kỳ phụ tá là Ralph Bunche, cố gắng một cách tuyệt vọng để hòa giải Do-thái, Ả-rập. Nhưng vô ích: bốn tuần lễ thương thuyết không thể nào xóa bỏ được ba mươi năm hận thù chồng chất. Sau cùng, người Ả-rập lại khởi chiến không cần đợi đến khi hết hạn kỳ đình chiến.
Về phía Ả-rập đây là một lầm lẫn ghê gớm bởi vì quân Israël phản công ngay lập tức. Sau khi đã làm các chuyên viên quân sự trên toàn thế giới ngạc nhiên về khả năng kháng cự, lần này Do-thái làm mọi người sững sờ trước sự tấn công chớp nhoáng của họ.
Để mở đầu, không lực Israël oanh tạc Le Caire, Damas và Amman để làm cho người Ả-rập hiểu rằng tốt nhất đừng có nên gửi phi cơ bay tới vòm trời Tel-Aviv và Jérusalem nữa. Một cảnh cáo thật là minh bạch lắm bởi vì từ đó không gian trên các thành phố Do-thái vắng bóng phi cơ địch. Trên bộ, các kibboutz vùng Ein Gev, sau khi đã chống lại một cuộc vây hãm trong nhiều tháng, đã đẩy lui được quân Syrie và chiếm lại được bờ bên phía Israël của hồ Tibériade. Tại vùng Trung Galilée, Ari Ben Canaan dẹp tan được quân không chính qui của mufti và chiếm được Nazareth, vị trí then chốt của tỉnh. Trong miền “hành lang” của Jérusalem, lữ đoàn 2 của Palmach mở rộng thêm được phòng tuyến và tiến về phía Bethléem. Trong thung lũng Sharon, các lực lượng Do-thái, xử dụng hàng trăm xe jeep, đã chiếm được các thành phố thuần Ả-rập là Lydda và Ramle, những đồn địch nằm trên đường về Jérusalem, chiếm phi trường Lydda, đẩy lui quân đội Irak, mở một gọng kìm để bao vây Latrun.
Tới lúc đó quân Ả-rập, hoảng sợ vì cả loạt thảm bại trong vòng mười ngày, khẩn thiết kêu gọi đình chiến lần thứ hai.
Lần này Bernadotte và Bunche ít nhất cũng có một lý do để hy vọng. Vua Transjordanie là Abdullah đã hiểu gió thổi về chiều nào rồi. Sau khi hòa đàm mật với chính phủ Do-thái, ông chấp nhận giữ Liên đoàn Ả-rập đứng ngoài cuộc chiến, và nhờ thế quân lực Do-thái mới có thể tập trung chống lại Ai-cập. Để đổi lại, bên Israël cam kết sẽ không tấn công các vị trí của Liên đoàn trong cổ thành của Jérusalem và ở Samarie. Thỏa hiệp này có chấm dứt huyền thoại được duy trì cẩn thận cho tới giờ là liên minh “cho tới chiến thắng sau cùng” của các quốc gia Ả-rập. Xẩy ra sau đó nhiều vụ biện giải đầy sóng gió, nhiều lời kết tội tàn tệ, chửi rủa, bôi nhọ khôi hài kỳ cục. Sau cùng Abdullah bị các tín đồ Hồi giáo cực đoan bắn hạ khi ông rời khỏi giáo đường Omar trong Cổ thành. Một lần nữa các chính trị gia Ả-rập lại dùng đến các phương pháp họ ưa thích, đó là âm mưu và ám sát.
Bây giờ quân lực Israël đã được tập trung lại, có thể dồn hết sức mạnh của mình để chống lại Ai-cập. Trong những ngày đầu của chiến dịch, quân lực Israël chiếm được trong sa mạc Néguev pháo lũy quan trọng Suweïdan mà địch đã xử dụng từ bao nhiêu tháng nay để đe dọa những dân khai hoang sa mạc. Xa hơn một chút, tại Faloujah, một “cái túi” Ai-cập, đã được quân lực Do-thái bỏ qua không đánh chiếm vì còn vội tiến nhanh khai thác chiến thắng. Đạo quân Ai-cập đồn trú tại điểm này sau đó đã rút được đi nhân một dịp ngưng chiến. Trong những sĩ quan của đạo quân Faloujah, có một đại úy trẻ tuổi sau này sẽ giữ vai trò chính yếu trong vụ truất phế vua Farouk, đó là đại úy Gamal Abdel Nasser.
Một vài giờ trước khi có “ngưng bắn” cục bộ này, tuần dương hạm Farouk, niềm kiêu hãnh của hải quân Ai-cập, đã định pháo kích một vị trí của Israël. Nhưng chính chiến hạm này lại lãnh đủ: ngay lập tức, một tiểu đĩnh chở đầy chất nổ, bánh lại chặn cứng, phóng hết tốc lực lao vào nổ tung đánh chìm luôn chiếc Farouk.
Mùa thu 1948, bằng một trận đánh bất ngờ, quân Israël chiếm được thành phố được phòng vệ rất kỹ là Beersheba. Muốn tránh một cuộc tấn công chính diện chắc chắn tổn thất nhiều, quân Israël đã mượn một con đường khuất nẻo có từ thời Abraham để bọc ra phía sau pháo lũy Ai-cập. Bị đánh bọc hậu, các chiến binh anh dũng của Farouk vứt vũ khí để chạy nhanh hơn.
Đến đây là mạnh ai người ấy chạy. Lao về phía trước truy kích quân Ai-cập, quân Israël để dải đất Gaza ở lại phía sau không đánh, tiến luôn vào Sinaï, băng qua bán đảo này, tiến gần đến kênh Suez. Lo sợ cho con kênh, người Anh yêu cầu Tel-Aviv ngưng ngay các cuộc hành quân lại, và để nhấn mạnh sự khẩn thiết của đòi hỏi này, quân Anh cho ngay một phi đội khu trục Spitfire bắn xuống các tiền quân của Israël. Vụ này gần như một biểu tượng: những phát đạn sau cùng của chiến tranh. Giải phóng của Do-thái là nhằm vào người Anh. Không lực Israël liền bắn hạ sáu phi cơ Anh, rồi sau đó cái Quốc gia trẻ trung này, nhượng bộ trước áp lực quốc tế, đành chấp nhận để tàn quân Ai-cập tẩu thoát về châu thổ sông Nil. Những tàn quân này đã lợi dụng cơ hội đó để tập họp lại, và với một sự can đảm không mấy có ngoài chiến trường, họ dám tổ chức một “Diễn binh Chiến thắng” vĩ đại ở Le Caire!
Israël đã chiến thắng! Một mình chống lại cả một liên minh các kẻ địch, dân tộc Do-thái, sau khi trả giá bằng máu và nước mắt, đã hoàn toàn chinh phục dứt khoát được xứ sở mà lương tâm toàn thế giới đã phân phối một cách hợp pháp cho họ. Lá cờ Ngôi sao David, sau khi hai ngàn năm khuất bóng, lại phất phơ bay từ Hồng hải tới Địa trung hải.
Trong những hậu quả không thể tránh được của chiến tranh là thảm kịch những người tị nạn Ả-rập tìm nơi ẩn trú nương thân ở các nước láng giềng. Các cuộc thảo luận về vận mạng của các kẻ đáng thương này chưa chi đã sa lầy ngay vào sự hỗn độn đạo đức giả, quốc gia chủ nghĩa mù quáng, quyền lợi phe đảng cùng các toan tính bẩn thỉu - cả một trái bom nổ chậm mà Liên Hiệp Quốc cố gắng gỡ ngòi một cách vô ích.
Barak Ben Canaan, được chính phủ trao phó việc lập một tờ trình về tình hình có vẻ không lối thoát này, đã viết như sau trong phần kết luận của bản văn:
“Vấn đề do các dân Ả-rập tị nạn của Palestine đặt ra đã trở thành vũ khí chính trị chính của các quốc gia Ả-rập. Họ không bỏ sót một điều gì không làm để mô tả cảnh khổ của những nạn nhân chiến tranh này, và họ cũng không từ một điều gì không làm để ngăn cản tất cả mọi giải pháp giải quyết cho những kẻ khốn khổ đó. Người Ả-rập muốn các trại tị nạn tồn tại và tiếp tục tồn tại để chứng tỏ với thế giới sự độc ác của những người Do-thái. Chắc chắn là nhiều quan khách tới viếng các trại đó đều xúc động vì bao nỗi khốn cùng của các nơi này.
“Vậy mà chính những người Ả-rập đã tạo ra vấn đề này: tháng 11-1947, ngay khi Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết chia cắt Palestine, các nhà cầm quyền Do-thái đã không ngừng yêu cầu các dân Hồi giáo Palestine hãy bình tĩnh, giữ một thái độ thân hữu cùng tôn trọng những quyền lợi hoàn toàn hợp pháp của người Do-thái. Sáu tháng sau, Quốc gia Israël, trong bản tuyên ngôn độc lập, đã long trọng đưa tay kết giao với các quốc gia Ả-rập láng giềng và vào ngay lúc chính các quốc gia này sắp sửa xâm phạm biên thùy Israël.
“Sự kiện nhiều ý nghĩa là: đa số những người Ả-rập Palestine đã chạy đi ngay trước khi có xâm lăng. Ở Jaffa, ở Haïfa, ở Galilée, hàng bao ngàn người Ả-rập đã lên đường tiến về biên giới trong khi những trận giao tranh chưa có gì là gay go, quan trọng.
“Nguyên nhân đầu tiên của hiện tượng này hiển nhiên là lòng sợ hãi. Trong mấy chục năm nay, một số lãnh tụ tham vọng và thiếu lương tâm của Ả-rập đã khai thác sự ngu dốt, mê tín cùng lòng cuồng đạo của các fellah, đã nhồi nhét vào đầu họ ý tưởng về một cuộc tàn sát tập thể. Chính thứ sợ hãi vô lý này đã đưa những người Ả-rập Palestine vào con đường lưu đầy. Sự sợ hãi này có thể biện minh bằng các sự kiện không? Chắc chắn là không. Ngoại trừ một trường hợp đặc biệt - một nhầm lẫn đáng tiếc đã gây ra một vụ tàn sát không tha thứ được - không có một làng Ả-rập trung lập nào lại bị quân Israël tấn công hay phải chịu một biện pháp khó khăn nào.
“Nguyên nhân thứ hai của tình trạng hiện tại - một nguyên nhân đã được nhiều tài liệu chứng tỏ là đúng - là sự khai thác bóc lột quá đáng mà các lãnh tụ Ả-rập đã làm và hiện còn đang làm. Các lãnh tụ này muốn thường dân Ả-rập rời khỏi Palestine. Trước hết bởi vì sự hiện diện của những thường dân này sẽ làm ngáng trở công cuộc dự trù là diệt chủng dân tộc Do-thái. Thứ hai bởi vì họ cần một phương tiện để minh chứng “xử sự phi nhân” của Do-thái, những kẻ đã cưỡng bách những kẻ khốn khổ đó phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đi.
“Liên Hiệp Quốc đã thành lập một quỹ hai trăm triệu đô-la để tái lập nghiệp cho những người tị nạn của Palestine. Không hề thiếu đất mầu mỡ và thiếu dân trong mười triệu cây số vuông của thế giới Ả-rập. Miền thung lũng sông Tigre và Euphrate chẳng hạn, bao hàm nhiều vùng có thể nói là mầu mỡ nhất trong những vùng đất cần khai hoang. Trong lúc này, các vùng đó chỉ chứa một nhóm nhỏ bé Bédouin. Vùng thung lũng nói trên không thôi thừa sức nuôi mười triệu người, trong khi tổng số những người tị nạn mới có chừng nửa triệu.
“Một mặt khác, Israël, một xứ ít mầu mỡ rộng có mười ngàn cây số vuông mà thôi, mà một nửa là đất sa mạc, đã phải tiếp nhận nửa triệu người tị nạn Do-thái từ khắp các nước Ả-rập chạy về. Và chúng ta còn phải chuẩn bị tiếp nhận thêm từng ấy nữa...
“Các lãnh tụ Ả-rập quả quyết rằng Quốc gia Israël nuôi những tham vọng đế quốc. Tôi mong mỏi rằng mọi người sẽ cắt nghĩa cho tôi hiểu làm sao một quốc gia chưa có tới một triệu dân lại có thể theo đuổi một chính sách bành trướng lãnh thổ đối với 50 triệu dân khác được.
“Thực ra, toàn thể các dân tộc Ả-rập cần phải có một thế kỷ hòa bình. Và cũng cần phải có những lãnh tụ không phải là những cheik có hàng ngàn ngàn nô lệ, không phải là những kẻ cuồng đạo tù hãm trong các ý tưởng thời trung cổ, không phải là tập đoàn quân phiệt, mà là những người đủ can đảm, đủ sáng suốt để tấn công cái nghèo khó, sự ngu dốt và các bệnh tật địa phương. Nhưng bất hạnh thay, những người hiếm hoi thuộc thành phần này đều bị ám sát chết mỗi khi xuất hiện. Những lãnh tụ Ả-rập hiện nay không muốn giải quyết vấn đề dân tị nạn, và cũng chẳng hề muốn có hòa bình.”