Chương 2

     ai chiếc xe ca mỗi chiếc chở hai mươi lăm đứa trẻ của tầu Exodus tiến vào thung lũng Houleh. Con lộ lên cao, quanh co, theo sườn núi, sau mỗi khúc quanh, mọi người lại nhìn rõ hơn những cánh đồng xanh tươi của các kibboutz và moshav, các khoảng vuông chói sáng của các ao nhân tạo dùng cho việc chăn nuôi dọc theo bờ lầy lội của những hồ nước.
Xe chạy chậm lại để băng qua làng Abou Yesha. Ở đây, các trẻ em trên xe không hề nhận thấy vẻ thù nghịch chúng đã nhận thấy trong tất cả các làng Ả-rập khác. Khi xe chạy qua, dân làng giơ tay vẫy, cười và la lên những lời chúc mừng thân hữu.
Con đường vẫn tiếp tục leo lên cao nữa. Khi đến một tấm bảng chỉ dẫn ghi độ cao sáu trăm thước, con đường chạy thẳng đến tận trung tâm thanh niên Dafna. Hai chiếc xe dừng lại trước một thảm cỏ rộng ở giữa trại. Trại nằm trên một khoảng phẳng lớn có hai con đường chạy ngang chia ra làm bốn khu. Chỗ nào cũng đầy những cây hoa và một thảm cỏ. Chính giữa thảm cỏ có dựng tượng Dafna to bằng thật, thiếu nữ trẻ tuổi đã chết thảm cho chính nghĩa mà tên nàng đã được chọn đặt cho trung tâm thanh niên này. Dong dỏng cao, kiêu hãnh, súng carbine cầm tay, nàng đứng nhìn xuống thung lũng trong dáng điệu hẳn nàng đã có ở Ha Mishmar ngày mà quân Ả-rập ám sát nàng.
Các trẻ em được người sáng lập trung tâm ra đón tiếp. Đó là một người nhỏ bé, hơi gù, hút một ống điếu cong và to. Qua một vài lời, bác sĩ Liebermann kể lại cho các trẻ nghe, sau khi rời Đức quốc năm 1934, ông đã làm thế nào để đến Gan Dafna năm 1940, trên khoảng đất do Kammal, vị cố moutak làng Abou Yesha, đã hảo tâm tặng cho. Rồi ông trà trộn vào trong đám trẻ, nói với từng em một bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Karen, đang quan sát ông, có cảm tưởng mơ hồ là hình như đã được gặp ông ở đâu rồi. Ông giống như các giáo sư đại học thường đến chơi nhà ba má nàng ở Cologne. Nhưng chuyện này quá xa trong quá khứ, cách không biết bao nhiêu năm tháng, qua biết bao nhiêu biến cố nên nàng không thể nhớ lại nổi một cách chính xác.
Mỗi trẻ em có một nhân viên trại chờ đợi sẵn. Karen được một cô gái gốc Ai-cập nhiều tuổi hơn nàng một chút đón tiếp.
- Karen Clement phải không? Tôi là Iona. Hai đứa chúng mình sẽ ở chung. Lại đây tôi chỉ cho phòng của bọn mình.
Karen la lớn báo cho Dov biết nàng sẽ gặp chàng sau rồi theo Iona đưa nàng qua khu hành chánh, trường học đến một khu nhà nằm hai bên một con đường có trồng cây nhỏ. Iona cắt nghĩa:
- Chúng ta gặp may đấy. Khu nhà này dành cho lớp tráng niên.
Căn buồng giản dị đơn sơ, nhưng đối với Karen, quả là chuyện thần tiên: một chiếc giường trải ra trắng tinh, một bàn làm việc, một ngăn tủ, một ghế bành - tất cả dành cho nàng!
Mãi đến tối nàng mới gặp lại Dov. Sau cơm chiều, các trẻ em dự một buổi trình diễn trên cỏ. Karen lảng xa để gặp Dov trước tượng của Dafna. Lần đầu tiên từ nhiều tuần, nàng mới thấy thèm được khiêu vũ, ca hát. Không khí miền núi lành mạnh và trong lành, và trại quả thật là một thiên đàng trên thế gian! Chưa kể tới thú vị về phương diện y phục - Karen tự thấy mình rất đẹp trong một chiếc quần mầu xanh ô-liu, một chiếc áo trắng kiểu thôn nữ và đôi dép da hoàn toàn mới.
- Ôi anh Dov! Một ngày thần tiên! Tôi chưa bao giờ sung sướng đến như thế!
Trong cơn vui lộ ra ngoài, nàng lăn ra cỏ. Nhăn nhó, Dov vẫn sững như cây cột. Nàng nắm tay Dov kéo xuống ngồi cạnh. Dov lầu nhầu:
- Thôi, để mặc tôi.
Nhưng nàng cứ năn nỉ, và sau cùng Dov cũng nhượng bộ. Nhưng khi Karen định ngã đầu vào vai chàng, Dov tránh sang một bên.
- Anh Dov, xin anh... hãy cố sung sướng, cả anh nữa.
- Không ai thèm lo tới tôi có sung sướng hay là không...
- Anh nhầm rồi. Tôi, tôi thắc mắc lo lắng về anh.
- Nếu thế thì em nghe đây: em cứ lo cho em thôi...
- Tôi không có quên anh đâu, đừng có vội...
Nàng quỳ trước chàng, hai tay nắm lấy vai chàng.
- Anh đã thấy phòng của anh, giường, ghế của anh chưa? Đã bao năm rồi anh không có một căn phòng như vậy?
Ngượng nghịu vì tay nàng chạm đến thân thể mình, Dov cúi đầu. Karen nói tiếp:
- Anh không chịu hiểu gì hết sao? Bây giờ là hết trại tạm cư, hết tầu phá phong tỏa. Giờ đây chúng ta đã được ở quê hương chúng ra, một xứ sở còn đẹp hơn tôi thường tưởng nữa.
Dov gỡ tay Karen ra, đứng dậy, quay lưng lại phía nàng, lầu nhầu.
- Nếu chỗ này làm em thích, càng tốt. Còn tôi, tôi có các dự định khác.
- Xin anh quên các dự định đó đi. Anh nghe này! Ban nhạc bắt đầu chơi rồi. Chúng ta hãy lại coi trình diễn đi anh.
Chiếc Fiat vừa rời Tel-Aviv, Kitty đã cảm thấy tâm trí nàng lại căng thẳng như bầu không khí của Palestine. Khi đi qua thành phố hoàn toàn Ả-rập Ramlé, nàng cảm thấy hàng trăm cặp mắt hận thù đang nhìn theo chiếc xe. Còn Ari chàng có vẻ như không biết tới những người Ả-rập cũng như sự hiện diện của Kitty bên cạnh mình. Từ lúc khởi hành, chàng không nói với nàng một lời.
Tuy vậy nỗi khó chịu của nàng giảm dần. Ngay sau các khúc quanh co của các quả đồi vùng Judée, sự quyến rũ thần diệu của Jérusalem đã xâm chiếm nàng trọn vẹn. Trong cái khung cảnh nặng nề đè nén một sự im lặng hư ảo, nàng bắt đầu hiểu cái nghĩa được sống ở Đất Thánh là như thế nào. Và khi từ trên một đèo cao, nàng trông thấy ở phía xa bức tường thành đô thị của David, nàng không còn chống cự nổi nữa với một niềm hân hoan thánh thiện đã dâng lên trong mình.
Họ đi qua Tân thành do người Do-thái xây cất, xuống con đường huyết mạch thương mại mới của khu vực đường Jaffa, dọc theo tường thành của Cổ thành đến khách sạn Đức vua David. Tòa nhà này có các kích thước lớn lao đáng chú ý - kiến trúc theo kiểu nặng nề của những năm 1900 - nhưng sự đối xứng đã bị hỏng vì cánh bên trái đã bị sập - cựu Bộ Tư lệnh của Anh - mà bây giờ người ta mới bắt đầu dọn những đống gạch đổ nát đi.
Đến giờ cơm trưa, Kitty là người đầu tiên xuống phòng ăn. Nàng đi thơ thẩn trên thềm từ đó ta nhìn thấy được tháp David, và bên kia một thung lũng nhỏ, một phần của dẫy tường thành. Từ trong phòng ăn ra, Ari đứng sững lại trên ngưỡng cửa: “Nàng thực đẹp!” Dầu sao trong chiếc áo mỏng nhẹ kiểu mặc trong buổi chiều, với chiếc mũ kiểu Florentine và đôi bao tay dài trắng, nàng có vẻ xa cách quá với vũ trụ của chàng - nàng, cô gái phù hoa đỏm đáng của La-mã hay Ba-lê, sống trong một thế giới mà các người phụ nữ thường hành động một cách khó hiểu, ít nhất cho một người như chàng. Cả một năm ánh sáng chia cách giữa Kitty và Dafna... Nhưng trời ơi, nàng đẹp làm sao!
Hai người ngồi xuống một chiếc bàn.
Ari nói:
- Tôi vừa điện thoại cho Harriet Salzman. Ăn xong, chúng ta sẽ đi gặp bà ta liền. Bà ấy sẽ làm cô cảm thấy dễ chịu ngay. Trước hết, đó là một đồng hương của cô, thứ hai là tại bà là một người rất đặc biệt. Chắc bà hiện giờ cũng tới hơn tám mươi tuổi rồi. Nếu Do-thái giáo có chuyện phong thánh, chắc bà sẽ là vị nữ thánh đầu tiên của chúng tôi. Cô nhìn đây, ngọn đồi ấy - đó là ngọn Scopus. Các tòa nhà chạy bao quanh đỉnh là trung tâm y khoa tối tân nhất Trung Đông. Tài chính thì do các phục quốc Hoa-kỳ tài trợ, trong một tổ chức do Harriet thành lập sau đệ nhất thế chiến.
- Như vậy bà quả là người đáng chú ý.
- Đó chỉ là một phần công cuộc của bà. Khi Hitler lên cầm quyền, chính bà đã đứng ra thành lập các trung tâm thanh niên của Mossad Aliya Bet. Nhờ có bà, hàng ngàn thanh thiếu niên nam nữ đã được sống một cuộc đời đáng sống.
Trong khi nói chàng đã liếc mắt nhận thấy một người nhỏ bé, nước da xám xanh, vừa xuất hiện trước lối vào. Chàng đã nhận ra hắn là ai: Bar Israël là một đoàn viên của Macchabée. Nhận thấy Ari đã nhận ra mình, Bar Israël gật đầu rồi đi ra. Ari nói:
- Xin lỗi cô một chút.
Chàng tiến ra tiền sảnh, mua thuốc lá, và đứng trước gian hàng báo, chàng lấy một tạp chí lật ra coi. Bar Israël uể oải tiến lại gần và giả vờ chú ý đến các bưu ảnh, rồi thì thào.
- Chú Akiba của anh hiện đang ở Jérusalem. Ông muốn gặp anh.
- Tôi có một cái hẹn ở Quỹ Lập nghiệp Do-thái. Sau đó tôi hoàn toàn rảnh.
- Hãy đến kiếm tôi ở khu Nga.
Bar Israël nói xong, rời xa.
Khu nhà của Quỹ Lập nghiệp nằm trong đại lộ King Georges. Một lối đi dài dẫn vào cửa chính.
- Shalom, Ari.
Harriet Salzman, với một vẻ linh hoạt trái với tuổi mình, đứng lên ra tiếp đón khách. Bà nhón chân, vòng tay ôm cổ Ari và hôn lên má chàng.
- Để thưởng cho công tác tốt đẹp chú đã làm ở đảo Chypre! Chú khá lắm.
Nhận thấy Kitty đang đứng chờ bên cửa, bà nói:
- Như vậy chắc cô là Katherine Fremont. Con ạ, con thật đẹp và duyên dáng.
- Xin cám ơn bà Salzman...
- À không được! Không có “bà Salzman” gì hết, lối xưng hô ấy chỉ tốt cho người Anh và người Ả-rập thôi. Cô gọi tôi như thế làm tôi già đi quá! Mời hai cô chú ngồi. Tôi sẽ gọi mang trà hay là cô chú thích ly cà-phê hơn?
- Cháu xin bà ly trà.
- Tốt lắm.
Tinh nghịch, bà Harriet Salzman quay lại phía Ari.
- Chú thấy không, các cô gái Mỹ như vậy đó.
- Cháu tin chắc rằng không phải tất cả các cô gái Mỹ đều xinh đẹp như Kitty. Bây giờ, chắc là bà không cần đến cháu, cháu xin rút lui. Kitty ạ, nếu tôi trở lại không kịp để đón, cô vui lòng lấy taxi về nhé.
Bà già nói:
- Đi đi chú. Bọn tôi không cần chú đâu. Tôi và Kitty sẽ ăn cơm tối với nhau.
Ari mỉm cười rồi đi ra. Harriet Salzman nhận xét:
- Một thanh niên ưu tú. May mắn thay chúng tôi có được một số người như vậy. Họ làm việc nhiều quá, và chết quá trẻ.
Bà châm một điếu thuốc và đưa bao mời Kitty việc
- Cô người vùng nào ở Hoa-kỳ?
- Indiana.
- Tôi, tôi người San Francisco.
- Thành phố đó đẹp lắm bà. Cháu đã tới thăm một lần cùng chồng cháu xưa kia. Cháu vẫn hy vọng được trở lại đó.
- Tôi cũng vậy. Tôi có cảm tưởng càng ngày càng nhớ không khí Hoa-kỳ. Từ mười lăm năm nay, tôi không ngừng thề với tôi rằng ngay khi nào có cơ hội đầu tiên đưa tới, tôi sẽ về Hoa-kỳ nghỉ một thời gian, nhưng khổ một nỗi ở đây công việc không lúc nào hết. Chắc tôi già yếu hẳn rồi!
Kitty cãi:
- Ồ, chắc chắn là không rồi!
- Tôi cũng chẳng hiểu rõ tôi nữa. Cô nghĩ coi, được làm người Do-thái và đóng góp vào công cuộc phục sinh quốc gia Do-thái là điều hay, nhưng làm người Hoa-kỳ cũng tốt nữa. Cô bé ạ, đừng có bao giờ quên điều ấy nhé. Kể từ vụ Exodus, tôi sốt ruột mong được biết cô, và tôi phải nói thẳng rằng tôi cảm thấy ngạc nhiên ghê lắm. Thế mà tôi cứ tưởng trên đời không còn gì làm tôi ngạc nhiên được nữa...
Mặc dù bị quyến rũ vì vẻ tử tế dễ mến của bà lão, Kitty cũng ý thức được rằng bà lão đang cân nhắc xét đoán mình. Vả lại, sau vài phút trao đổi các kỷ niệm về Hoa-kỳ, bà đã bàn thẳng đến vấn đề sự hiện diện của Kitty ở Palestine.
- Nếu tôi không lầm, cô thích cộng tác với chúng tôi?
- Vâng. Đáng tiếc hôm nay cháu không mang các chứng chỉ đến...
- Cô chẳng cần chứng nhận chứng chỉ nào cả. Chúng tôi đã được biết rõ cô, chúng tôi đã có năm hay sáu báo cáo về cô trong hồ sơ của chúng tôi. Xin cô đừng để ý tới chuyện đó: trong hoàn cảnh của chúng tôi, chúng tôi bắt buộc phải biết rõ đang phải đối diện với ai. Tôi cũng xin thú thật là tôi đã đọc lại báo cáo đó trước khi tiếp cô hôm nay. Nhưng đọc đi đọc lại các giấy tờ đó cũng không làm tôi hiểu tại sao cô đến với chúng tôi.
- Cháu tưởng không có gì khó hiểu cả: cháu là nữ điều dưỡng và bà thì đang cần... điều dưỡng.
Harriet lắc đầu.
- Đó không phải là một lý do đầy đủ cho một người Ki-tô giáo. Chắc cô phải có một động lực khác. Phải chăng cô tới Palestine vì Ari Ben Canaan?
- Không đâu bà. Dù rằng cháu thấy rất có cảm tình với anh...
- Đó cũng là ý kiến một nhiều phụ nữ khác cũng đồng ý. Chỉ khác mỗi một điểm là cô là người đàn bà duy nhất Ari có cảm tình thôi.
- Thế thì cháu ngạc nhiên đấy.
- Thế hả... tôi hy vọng là đối với cô mọi sự là như thế. Có cả một thế giới cách biệt giữa các kibboutz của chúng tôi và tiểu bang Indiana. Ari là một sabra, điều đó có nghĩa là chỉ một nữ sabra mới hiểu được Ari mà thôi.
- Một sabra?
- Đó là từ ngữ dùng để chỉ những người Do-thái sinh trưởng trong xứ Palestine. Sabra là tên trái cây cactus (xương rồng) dại ở Palestine đâu cũng có. Dưới một vỏ ngoài rất cứng, bên trong là múi rất mềm rất dịu. Ari, cũng như tất cả các sabra khác, hoàn toàn không có ý niệm nào về quan niệm của cuộc sống Hoa-kỳ - cũng như cháu không thể hiểu được cuộc sống của Ari. Cháu thấy không, cháu không phải là Do-thái, cháu cũng chẳng cảm tình gì với phong trào phục quốc của Do-thái. Cháu chỉ là một cô gái Hoa-kỳ duyên dáng ngơ ngẩn phân vân trước cách xử sự của dân Do-thái, tương tự nhà du lịch phân vân ngơ ngẩn trước cách xử sự của các bộ lạc man rợ vùng Amazone. Bởi thế tôi hỏi lại cháu lần nữa: tại sao cháu lại đến xứ này?
- Vì một lý do chẳng có gì bí mật cả: cháu thương mến một cô gái đã về xứ này bằng tầu Exodus. Cháu quen biết em ở đảo Chypre, trong trại Caraolos. Em hy vọng kiếm lại được người cha nhưng cháu e rằng nó sẽ thất vọng. Nếu người cha còn sống, cháu sẽ rút lui. Nhưng nếu ông ta đã chết hay mất tích, cháu muốn nhận em đó làm con nuôi để có thể cùng cháu về Hoa-kỳ.
- Bây giờ mọi sự mới rõ ràng sáng tỏ. Giải quyết điểm này rồi, bây giờ hai ta bàn đến công việc. Tôi có thể dành cho cháu một chân nữ điều dưỡng tại Gan Dafna, một trong các trung tâm thanh niên của chúng tôi ở phía bắc Galilée. Một chỗ có cảnh đẹp. Giám đốc trung tâm, bác sĩ Lieberman là một trong những bạn thân nhất của tôi. Trung tâm chứa chừng bốn trăm trẻ, đa số là những đứa sống sót khỏi các trại tập trung. Tôi không giấu cháu là công việc ở đó sẽ nhiều lắm. Ngược lại, cháu sẽ được ăn ở tiện nghi và lương bổng cao...
- Cháu mong được biết... Cháu muốn hỏi thăm về...
- Về Karen Hansen phải không?
- Bà biết cả tên cô bé đó sao?
- Chúng tôi là một cộng đồng nhỏ nên sau cùng rồi cái gì ai cũng biết. Karen Hansen lại đang ở Gan Dafna.
- Cháu không biết cám ơn bà ra sao...
- Cháu phải cám ơn Ari mới đúng. Chính chú ấy đã dàn xếp tất cả. Ari sẽ đưa cháu đến đó. Trung tâm chỉ cách kibboutz của Ari có vài cây số thôi. Bây giờ cháu cho tôi khuyên cháu một điều chót nhé?
- Xin bà cứ nói.
- Cháu ạ, tôi lo săn sóc trẻ mồ côi từ 1933 đến giờ. Lòng quyến luyến của các trẻ này đối với xứ sở này sâu đậm đến nỗi cháu khó có thể hiểu nổi. Một khi chúng đã được thở không khí tự do nơi đây, một lòng ái quốc xâm chiếm lấy chúng, chúng sẽ rất khó mà từ bỏ được Palestine. Đa số những đứa đã rời xứ này không bao giờ thích ứng được với môi trường mới. Ở Hoa-kỳ, người công dân coi khung cảnh hiện tại của cuộc đời mình như vĩnh cửu. Còn ở đây, mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng tôi lại tự hỏi kết quả của những nỗ lực của chúng tôi liệu có bị mất hết trong ngày hôm nay không nữa. Người Do-thái Palestine bắt buộc phải nghĩ đến xứ sở mình từ sáng đến tối. Đó là điểm hội tụ của toàn thể cuộc đời họ, đó là ý nghĩa sống của họ.
- Như vậy có phải bà muốn nói rằng cháu sẽ không thể thuyết phục nổi Karen về Hoa-kỳ với cháu?
- Tôi chỉ nói rằng cháu phải đo lường những trở ngại lớn lao mà cháu sẽ phải gặp.
Có tiếng gõ cửa và David Ben Ami tiến vào văn phòng.
- Shalom, Harriet. Shalom Kitty. Anh Ari gửi tôi tới đây. Tôi hy vọng là không làm phiền hai bà chứ?
- Không có chi. Chúng tôi đã giải quyết xong công việc rồi. Tôi sẽ gửi Kitty tới Gan Dafna.
- Tôi nghĩ là chị Kitty sẽ thích lúc khởi đầu của ngày sabbat. Tôi có thể sẽ đưa chị tới coi đường Mea Shearim.
Bà Harriet tán đồng:
- Ý kiến hay đó! Sau đó chú nhớ đưa Kitty trở lại dùng cơm tối với tôi. Rồi, chúng ta sẽ gặp lại...
Ra đến đường, Kitty nắm lấy tay người thanh niên.
- Chắc gia đình anh hận tôi vì đã giữ anh ở đây.
David cãi:
- Chị không hề làm phiền gia đình tôi chút nào hết. Gia đình tôi khá phân tán vào lúc này. Tôi có sáu anh em thì bốn đã ở trong Palmach. Dĩ nhiên là tất cả chúng tôi sẽ hội họp nhau một bận để mừng tôi trở về... Tất cả, trừ một người...
- Anh đó đau sao?
- Không, anh ấy là đặc công. Nói cho chính xác hơn, anh thuộc đoàn Macchabée. Ông bố tôi cấm anh không được về nhà nữa. Anh ở dưới quyền Ben Moshé, cựu giáo sư của tôi ở đại học đường Do-thái.
David đưa tay chỉ ngọn Scopus.
- Ở trên kia kìa, đàng sau là Trung tâm Y khoa. Những khối nhà trắng đó.
- Anh nhớ học hành lắm phải không?
- Vâng. Mong rằng một ngày kia tôi sẽ có dịp đi học lại.
Một âm thanh trầm nổi lên, nghe như một tiếng kèn ở xa. Các tiếng người gọi nhau dọc theo các đường phố đang chìm dần vào hoàng hôn.
- Sabbat! Lễ Sabbat!
David đội lên đầu một chiếc mũ tròn màu đen bao phía trên đầu. Rời bỏ đại lộ Các Bậc Tiên tri, chàng đưa Kitty về đường Mea Shearim, Bách môn của những người Do-thái chính thống.
- Tôi không thể đưa chị vào các giáo đường, bởi ở khu này các giáo đường chỉ dành cho đàn ông thôi. Nhưng chị có thể nhìn thấy bên trong qua các cửa sổ. Chị sẽ nhận thấy các cách cầu nguyện khác nhau. Thí dụ như người Yemen lắc lư đều đều như ngồi trên lưng lạc đà. Đó là cách họ thực hiện bình đẳng vào các thời kỳ những người Do-thái không có quyền được cưỡi lạc đà, làm như thế đầu họ sẽ cao hơn đầu những người Hồi giáo.
Kitty nói nhỏ:
- Thật kỳ lạ.
- Hay như những người Do-thái gốc Tây-ban-nha. Giáo hình đã bắt họ cải sang đạo Ki-tô, nêu không sẽ bị xử tử. Được rửa tội theo Ki-tô rồi, họ cầu nguyện lớn tiếng bằng la-tinh, nhưng thêm vào cuối mỗi câu một lời cầu nguyện bằng tiếng hébreu nói nhỏ như hơi thở. Ngày hôm nay họ vẫn còn chấm dứt cầu kinh bằng một tưởng niệm tới Thượng đế trong im lặng.
Ngay khi họ rẽ vào đường Mea Shearim, Kitty có cảm tưởng bước vào một thế giới khác. Giữa hai dẫy nhà thấp có bao lơn sắt uốn, một đám đông đủ mầu sắc đang vội vã đi. Do-thái Trung Âu râu rậm, đội những chiếc mũ tròn có viền lông thú, mặc những chiếc áo khoác dài bằng sa-tanh đen. Do-thái Yémen quấn khăn trắng. Do-thái Kurdistan, Boukharie, Ba-tư mặc áo lụa mầu thật chói mắt. Phố phường vắng rất nhanh trong khi các giáo đường đầy chật các tín đồ. Qua các cửa sổ nhỏ có chấn song, Kitty thấy những người gần như điên cuồng xúm xít trước cuốn kinh Torah, vừa khóc vừa rên la, những người già người cứ lắc lư đàng trước ra đàng sau, đọc bằng một giọng đều đều các bài kinh bằng tiếng hébreu. Họ thật khác xa với những người đàn ông khỏe mạnh, lực sĩ mà nàng đã gặp ở Tel-Aviv. David cắt nghĩa:
- Ở Palestine chúng tôi có đủ loại người Do-thái. Tôi đưa chị đến đây bởi vì tôi biết Ari sẽ không làm thế. Anh Ari cũng như đa số các sabra đều khinh bỉ những di tích của một thời đại này, những kẻ ăn hại không chịu cầy cấy, từ chối mang vũ khí. Dầu vậy, khi người ta sống ở Jérusalem, như tôi, người ta sẽ học biết khoan dung với họ hơn, đoán hiểu được những sự khủng khiếp xưa kia đã giam họ trong lòng cuồng tín như thế.
Ari đứng đợi ở lối vào khu Nga, gần nhà thờ Hy-lạp. Chàng bắt đầu sốt ruột thì Bar Israël xuất hiện, như ở dưới đất chui lên. Ari theo Bar đến một xe taxi đậu trong một ngõ hẻm. Khi chiếc xe mở máy, Bar lấy trong túi ra một chiếc khăn tay lớn. Ari có một cử chỉ lảng tránh.
- Quả thực tôi có phải chịu cái trò trẻ em đó không?
- Cá nhân tôi thì tôi tin anh, nhưng lệnh là lệnh.
Mắt bị bịt, Ari phải nằm dài xuống sàn xe, đầu gối một cái chăn. Chiếc xe chạy trong hơn hai mươi phút, quẹo cả trăm vòng trước khi dừng lại trước một nhà ở khu Katamon. Bar Israël đẩy người bạn đồng hành vào trong nhà, đưa vào một căn phòng rồi tháo khăn bịt mắt.
Ánh sáng chập chờn của một ngọn nén cho phép Ari nhận ra một chiếc ghế, một chiếc bàn trên có để một chai rượu mạnh và hai cái ly, và sát tường là hình dáng ốm yếu của chú là Akiba. Vị chỉ huy của các Macchabée đã già đi rất nhiều. Râu và tóc đã bạc trắng như tuyết, vai đã còng, mắt đầy nếp nhăn. Với một cử chỉ chậm chạp cố tình, Ari tiến về phía ông.
- Chào chú.
- Cháu Ari!
Hai người ôm nhau. Rõ rệt là Akiba cố nén một xúc động mạnh. Ông cầm nến đưa lại gần mặt cháu.
- Cháu có vẻ đương phong độ lắm, Ari. Chú có lời khen cháu về công tác tốt đẹp cháu đã hoàn tất được ở Chypre.
- Cám ơn chú. Thế còn chú, chú khỏe chứ?
Akiba nhún vai.
- Khỏe đến mức tối đa có thể khỏe được khi phải sống trong vòng bí mật. Thế mà chú không gặp cháu tới hai năm rồi đấy! Hồi trước khi em Jordana còn học ở đại học, chú ít nhất mỗi tuần gặp nó một lần. Nếu chú không nhầm, chắc con bé giờ hai mươi tuổi rồi chứ? Nó vẫn yêu cái anh chàng... chú không nhớ nổi tên là gì nữa...
- David Ben Ami. Vâng, họ vẫn yêu nhau say mê như ngày đầu gặp gỡ. David đã có bên cạnh cháu ở Chypre. Đó là một trong những hy vọng tương lai của chúng ta.
- Cháu có biết một đứa anh của nó là Macchabée không? Hắn thuộc khu của Ben Moshé. Jordana gia nhập Palmach rồi phải không?
- Vâng. Em cháu đặc trách các thiếu nhi ở Gan Dafna. Đôi khi các đài phát thanh lưu động di chuyển tới vùng này, Jordana cũng cộng tác với các chương trình phát thanh.
- Ở Gan Dafna? Chỗ này rất gần Ein Or, kibboutz cũ của chú. Thế con bé có nói với cháu về kibboutz này không?
- Chắc chắn là có chứ chú. Ein Or vẫn là một thiên đàng nhỏ.
- Có lẽ một ngày kia chú sẽ có thể trở về đó.
Akiba ngồi xuống, và bằng bàn tay run run, rót rượu vào đầy ly.
- Uống với chú ly rượu chứ...
- Xin vâng thưa chú. Hôm qua cháu có được gặp Avidan. Ông đã cho cháu coi lệnh hành quân của người Anh. Chú có biết không?
- Biết chứ. Chú cũng có các bạn ở trong Cơ quan Tình báo Anh.
Akiba đứng dậy để đi đi lại lại trong buồng.
- Haven-Hurst đã quyết định thanh toán một lần cho xong các Macchabée. Hắn cho tra tấn những người của chú mà hắn bắt được, treo cổ họ và đã lưu đầy toàn thể bộ chỉ huy của các Macchabée luôn. Các Macchabée một mình chống lại người Anh đã rồi, đàng này còn trầm trọng hơn nữa là còn phải khó khăn chống lại với những kẻ phản bội trong chính hàng ngũ chúng ta nữa. Than ôi, đúng vậy! Chú biết là Haganah đang bán các Macchabée cho người Anh...
- Sai chú!
- Đó là sự thực!
- Không! Mới ngay sáng nay thôi, ở trụ sở của “Trung ương”, Haven-Hurst đã yêu cầu chính người Do-thái tiêu diệt hệ thống Macchabée, và một lần nữa các cấp lãnh đạo của chúng ta đã không chịu.
- Từ chối cao thượng nhỉ! Vậy người Anh từ nguồn tin nào đã kiếm được những tin tức của họ? Các tên gà chết ở “Trung ương” đã để mặc bọn chú làm tất cả các công việc bẩn thỉu này, chúng để bọn chú hy sinh tính mạng, đồng thời còn phản bội bọn chú nữa. Ồ, chắc chắn là mấy ông nội đó tự cho mình là thông minh, kín đáo... Nhưng họ phản bội bọn chú.
Đột nhiên Akiba ngừng nói, ý thức được sự vô lý cơn giận của mình. Ông hạ giọng:
- Bây giờ nói về bố cháu đi. Bố cháu có biết đôi khi cháu, Jordana và cả Sarah gặp chú không?
- Có thể lắm.
- Thế... Có bao giờ bố cháu hỏi thăm về chú không?
- Thưa không.
Akiba nở một nụ cười không vui, buông mình ngồi xuống chiếc ghế, rót thêm một ly rượu nữa, nói nhỏ:
- Thật là một nghịch cảnh! Bao giờ chú cũng là người giận hờn và Barak là người tha thứ. Cháu Ari ạ, chú cảm thấy mệt, rất mệt. Chắc chú chỉ còn sống được một năm, hai năm nữa là cùng. Barak phải tìm sự ước muốn cùng sức lực để phá vỡ sự im lặng này. Cháu hãy nói với bố cháu... nói với bố cháu là phải tha thứ cho chú, dù rằng chỉ làm thế vì nhớ đến linh hồn ông nội mà thôi.