Dịch giả: THẾ UYÊN
Chương 5

     ark và Kitty, nhịp thở hơi dần dập, trở lại bàn mình. Nàng nói, giọng đùa nghịch:
- Theo ý anh, bản samba chót của tôi cổ đến bao nhiêu năm?
- Cũng không tệ lắm đối với một cô gái ở tuổi em.
Chàng đưa mắt nhìn căn phòng, một vài du khách lẫn vào đám đông các sĩ quan Anh: lục quân mặc đồ kaki, hải quân mặc màu trắng. Người hầu bàn chêm thêm đồ uống, hai người cụng ly, trao đổi với nhau một nụ cười.
- Uống mừng Kitty, cho mãi mãi, dù em ở bất cứ nơi nào! Mà này em, em sẽ định cư ở đâu đây sau kỳ nghỉ này!
Nàng nhún vai.
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Công việc của tôi ở Salonique đã xong rồi. Hơn nữa, tôi muốn thay đổi không khí. Tôi đang do dự trước cả chục đề nghị làm việc dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc khắp Âu châu.
Chàng lầu nhầu:
- Dĩ nhiên là thế rồi. Cuộc chiến tranh chẳng ra gì này đã tạo ra triệu đứa con mồ côi.
- Thực ra, mới ngày hôm qua thôi, thiên hạ đề nghị với tôi một công việc rất hay, ở ngay đây thôi.
- Sao? Ở Chypre?
- Đúng thế. Trong vùng Famagouste có nhiều trại dân tị nạn. Hình như nhà ở rất chật chọi, nên người Anh tính thành lập thêm các trại khác trên con đường đi Lamarca. Ba người Mỹ liên lạc với tôi ấy đề nghị tôi giữ chức vụ điều khiển trại mới. Đó là một lý do làm tôi không thể tới phi trường đón anh được. Chiều nay tôi đã phải tới Famagouste để trả lời.
- Em có thể cho biết em trả lời sao không?
- Từ chối. Tại nơi đó dự trù dành cho các trẻ con Do Thái. Lũ trẻ này chắc cũng giống như mọi đứa trẻ khác, dù chúng theo Ki tô giáo hay Hồi giáo, nhưng tôi không muốn dính dáng đến chuyện ấy. Mọi người nói với tôi rằng các dân Do Thái lưu giữ ở Chypre đặt ra một vấn đề chính trị nghiêm trọng, hơn nữa, họ không thuộc thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc.
Mark giữ im lặng suy nghĩ. Sau chừng một phút, Kitty ném ra một cái nhìn ranh mãnh và khua một ngón tay trước mũi chàng.
- Anh dẹp cái vẻ thê thảm ấy đi. Anh không tò mò muốn biết lý do thứ hai đã ngăn cản tôi đến phi trường đón anh sao?
- Em không say qua đấy chứ?
Nàng phì cười.
- Tôi bắt đầu có cảm tưởng thế. Này, ông Mark Parker ạ, không giấu gì ông hết: tôi bị kẹt ở Famagouste cũng còn vì để chúc thượng lộ bình an ông bồ theo đuổi chung thủy của tôi. Điều này chắc hẳn không làm anh ngạc nhiên quá đáng... Một người tình ra đi bằng tàu thủy, thì một người tình khác đến bằng máy bay.
- Hay lắm - Chàng tức giận - Nhân tiện em nói tới vụ đó, tôi xin hỏi em luôn... cái anh chàng đi cùng em đến Chypre, hắn là ai đấy?
- Đại tá Howard Hillings của Quân lực Anh.
- Giữa em và hắn không xảy ra điều gì phải giấu chứ?
Nàng bĩu môi.
- Chắc chắn là không rồi! Hắn cư xử đứng đắn đến phát ghét lên được.
- Em câu được anh chàng đó ở đâu vậy?
- Ở Salonique. Hắn đứng đầu phái bộ Anh. Khi tôi đứng ra coi cô nhi viện, bọn tôi thiếu thốn đủ thứ: giường, thuốc men, chăn mền, thực phẩm... nghĩa là thiếu thốn tất cả. Tôi đã có được cái may mắn là tới thăm hắn, và hắn tận lực giúp đõ, vượt qua mọi luật lệ, bỏ ngoài mọi công chức... Từ đó phát sinh một tình bạn vững chắc nhất: không nói giỡn, đó quả thực là một tình yêu.
Mark chế riễu:
- Nặng đến thế kia sao? Kể tiếp đi em, em ngừng ngang xương ở đúng chỗ câu chuyện bắt đầu hấp dẫn.
- Cách đây vài tuần, thiên hạ báo cho hắn biết là hắn sắp phải đổi sang Palestine. Trước khi đáo nhiệm sở mới, hắn được nghỉ phép. Hắn yêu cầu tôi tới sống vài ngày giải trí nghỉ ngơi cùng hắn ở Chypre. Đề nghị nghe được: tôi đã làm việc vất vả đến nỗi trong 18 tháng vừa qua, tôi quên không nghỉ tới một ngày. Dẫu sao, mọi sự cũng không kéo dài: hắn bị gọi khẩn cấp xuống tàu ngay hôm nay đi Haifa.
- Điều đó không cấm em làm đại tá phu nhân trong tương lai chứ?
Nàng lắc đầu.
- Thú thật tôi có khá nhiều cảm tình với hắn. Anh chàng tội nghiệp... vất vả đưa tôi tới tận Chypre cốt tìm một khung cảnh thuận tiện để cầu hôn tôi! Nhưng chỉ vì... tôi yêu Tom, chắc anh hiểu chứ, tôi yêu anh Tom đến mức độ điên lên được, và chắc chẳng bao giờ tôi cảm thấy được một mối tình sâu xa đến như vậy nữa.
- Thôi xin cô! Luận cứ của cô không vững tí nào. Cô hiện hai mươi tám tuổi, tuổi tốt đẹp nhất để hưởng nhàn!
- Nhưng tôi lại không vội vã như thế. Tôi đã có may mắn là kiếm được một công việc hợp ý. Quan trọng nữa.
Chàng lầu nhầu:
- Đúng đấy, quả thực là quan trọng.
Bối rối, Kittty đổi đề tài câu chuyện.
- Chàng đại ta đó đi Palestine, anh cũng đi Palestine và nhiều sĩ quan ở đây cũng sắp bị gửi đi Palestine nốt. Theo ý anh, chuyện đó có ý nghĩa gì?
- Ở xứ đó sắp xảy ra chiến tranh.
- Chiến tranh? Nhưng tại sao? Tôi không hiểu.
Mark nở một nụ cười không vui.
- Vì cả đống lý do. Trước hết, nói một cách tổng quát, thì tại hàng triệu người trong toàn thể thế giới đột nhiên quyết định rằng họ sẽ tự quyết định vận mạng họ. Em sẽ thấy các thuộc địa trong thế kỷ này càng ngày càng trở thành lỗi thời. Người Anh, ở Chypre cũng như ở nhiều nơi khác, đang ngoan cố lao vào một cuộc chiến tranh cầm chắc phần thua - Chàng rút trong túi ra một tờ giấy bạc và giơ lên - Đây, đây là tên lính của đế quốc mới, và người Mỹ gởi hàng sư đoàn những thứ lính này đến mọi nơi xa xôi khuất nẻo nhất trên thế giới. Một cuộc chinh phục hòa bình của một đạo quân viễn chinh ghê gớm nhất trong lịch sử... Ngoài ra còn vì Palestine đặt ra một vấn đề riêng biệt nữa. Ở xứ đó đang xảy ra những điều không thể tin, ghê gớm: một nhóm nhà tiên tri muốn gây dựng lại một quốc gia đã chết từ hai ngàn năm nay. Một công cuộc không tiền khoáng hậu, nhưng lại dám thành công lắm. Đó là những người Do Thái, chính những kẻ Do Thái mà em đang ghét đó.
Kitty cãi:
- Tôi chưa bao giờ nói là tôi ghét Do Thái cả!
- Thôi chúng ta đừng làm mất vui buổi tối của chúng ta bằng cách cãi nhau về vấn đề ấy. Ngược lại, vì em đã có thì giờ đi lang thang trong đảo Chypre này... Em có trông thấy hay nghe thấy gì bất thường không? Em nghĩ lại kỹ đi, lục trí nhớ coi: em sẽ giúp ích nhiều cho anh đấy.
- Tôi ấy à, tôi chẳng thấy gì nhiều đáng chú trọng cả ngoại trừ các trại giữ dân di cư. Theo một số người đồn, những người này phải ở chật chội khổ sở lắm. Nhưng tại sao anh lại hỏi tôi việc ấy?
Mark, vẻ suy tư, ngắm nghía chiếc ly của mình.
- Tôi cũng không biết nữa. Nhưng linh khiếu của anh cho biết sắp xảy ra những biến cố quan trọng trong cái đảo thơ mộng này đây. Vả lại, không phải chỉ vì trực giác của người làm báo mà thôi. Chắc em biết mặt anh chàng thiếu tá Caldwell sĩ quan tùy viên của tướng Sutherland...
-... Anh chàng nói nhiều, chán ngắt. Tôi đã phải chịu trận với anh chàng đó trong buổi tiếp tân của ông Thống đốc.
- Đúng cái anh đấu láo chán ngắt như em nói ấy đã đến thăm tôi ở khách sạn, trước khi em đi Famagouste về. Lạ không em? Cái gì đã làm hắn nhảy bổ tới tôi lẹ như vậy. Cô bé cứ tin tôi đi, tụi anh đang lo lắng kinh khủng về vấn đề... Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thuyết, nhưng tôi cá với em một xu ăn mười đồng là sự lo lắng của họ có liên quan tới các trại giữ người di cư Do Thái. Nghe đây em, em có chịu giúp đỡ tôi bằng cách nhận làm việc ở đó trong khoảng hai hay ba tuần lễ không?
- Được chứ. Nếu quả anh tha thiết tới vụ đó...
Chàng cười:
- Tốt lắm. Thôi, dẹp chính trị lẫn báo chí sang một bên! Dẫu sao chúng ta cũng đang nghỉ hè mà. Ra nhảy đi em!