Chương 9

     ật vụ của Kemal Pacha khám phá ra nơi trú ẩn của Sarah Ben Canaan hai tuần trước ngày nàng sinh. Không thèm để ý tới tình trạng thai nghén, chúng bắt nàng lúc nửa đêm, đẩy vào trong một xe bít bùng, đưa đến đồn cảnh sát Tibériade..
Cuộc thẩm vấn đầu tiên kéo dài hai mươi bốn giờ không một phút nghỉ.
- Chồng bà trốn nơi nào? - Hắn đã làm thế nào để chạy thoát được? Bà liên lạc với hắn bằng cách nào? - Bà do thám chúng tôi cho tụi Anh - đừng cãi vô ích chúng tôi biết rõ hết... Ai là những người cung cấp tin tức cho bà trong vùng?
Không hề bối rối, Sarah nhận Barak đã trốn vì những cảm tình thân Anh, những cảm tình từ trước đến giờ chàng cũng không bao giờ giấu diếm. Nàng ở lại xứ Palestine chỉ cốt đợi đứa con ra đời. Còn về lời kết án làm gián điệp nàng phủ nhận hoàn toàn trước sự giận dữ của thanh tra điều khiển cuộc thẩm vấn. Sau hai mươi bốn giờ thẩm vấn này, Sarab rõ ràng là người trầm tĩnh nhất trong văn phòng nhỏ bé ấy.
Nhưng nàng không thoát thân dễ dàng được. Mọi người lôi nàng sang phòng bên cạnh. Trong phòng một ngọn đèn dầu với khói đen bám vào, được treo trên trần, lắc lư phía trên một cái bàn bằng gỗ trắng. Bị năm cảnh binh đè ngửa ra giữ chặt, tên thứ sáu tháo giày nàng ra. Rồi thay phiên nhau, chúng lấy roi gân bò đánh vào gan bàn chân. Và những câu hỏi cũ lại được nhắc lại, nhưng lần này kèm với những lời chửi rủa và đe dọa.
- Mày liên lạc với Barak Ben Canaan theo cách nào? - Những cán bộ tình báo trong hệ thống của mày là những ai? Tên họ của chúng là gì? Các địa điểm gặp gỡ ở đâu?
Nỗi đau đớn rất ghê khiếp. Sarah đau quá không thể nói được nữa. Mồ hôi tầm tã, hàm răng xiết chặt, nàng kìm được những tiếng kêu rên. Lòng can đảm của nàng làm tụi Thổ điên giận hơn nữa. Chúng đánh mạnh gấp đôi: chưa chi chân nàng đã bị rách nát và máu ứa ra.
- Mi có nói không, con Do Thái bẩn thỉu này! Nói đi thú đi, đàng nào rồi mi cũng chết!
Nàng ngất đi và bị đổ cả một thùng nước vào mặt cho tỉnh. Tỉnh rồi, đòn tra tấn và các câu hỏi lại tiếp tục. Nàng lại xỉu nữa và rồi lại tỉnh dưới làn nước lạnh giá. Các cảnh binh đổi phương pháp, kéo dang hai tay nàng ra, nhét đá nóng bỏng vào dưới nách. Và các câu hỏi lại tiếp tục với các lời chửi rủa la hét...
Chúng tra tấn nàng trong ba ngày ba đêm liên tiếp. Nàng không hé răng. Sau cùng, thán phục lòng can đảm ấy, chúng thả nàng ra. Ruth, trong suốt thời gian ấy đã cầu khẩn biện hộ cho Sarah ở bên ngoài, đưa chị dâu lên một chiếc xe do lừa kéo về Shoshanna.
Chỉ mười ngày sau, khi cảm thấy cơn đau đẻ đầu tiên, Sarah mới để cho sự đau đớn bộc lộ. Tất cả những tiếng kêu đau đớn mà cảnh sát Thổ không làm nàng thốt ra được, bây giờ nàng kêu lên với một niềm tuyệt vọng. Rồi các tiếng kêu yếu dần. Trong kibbotuz, không một ai tin được nàng sẽ sống nổi.
Nàng sinh ra một đứa con trai thật đẹp và mạnh khỏe. Nói cho đúng hơn, nàng ở giữa sự sống và chết trong rất nhiều tuần lễ. Nàng, một thiếu phụ bé nhỏ, từ miền xa xôi Silesie Barak, đã tiếp tục chống trả, đẩy lùi được bóng tối của cái chết.
Thời kỳ hồi sức của nàng rất lâu, hết sức khó khăn. Sau nhiều tháng nàng có thể đứng lên nổi, và một thời gian nữa nàng mới có thể bước đi được với đôi chân bị tra tấn. Từ những thử thách khốn khổ ấy, nàng có một dáng đi khập khễnh không chữa khỏi được.
Sau cùng, đến mùa xuân 1917, quân Anh đủ sức để mở các cuộc tấn công. Xuất phát từ các vị trí ở Ai Cập, họ đã đẩy lùi được quân Thổ, với nhiều thiệt hại nặng, qua bán đảo Sinai trước, rồi kế đó đuổi luôn được địch ra khỏi xứ Palestine. Trước đêm Noel một hôm, quân đội Anh tiến vào Jérusalem.
Vài tháng sau Barak Ben Canaan cùng em là Akiba trở về xứ sở. Ngày mà hai anh em vượt qua hàng rào của Shoshanna, các bông hồng vừa nở giữa những thảm cỏ xanh tươi.
Sarah đợi chồng trước căn nhà nhỏ mà ban quản trị nông trường đã cấp phát. Đã có những sợi bạc trắng trong bộ râu hung đỏ của Barak. Và mái tóc đen của Sarah cũng đã điểm một vài sợi bạc. Nhưng khi chàng ôm nàng vào trong tay, tất cả những khổ đau của bốn năm chiến tranh đều được tan biến. Sarah, vẫn nhỏ bé mảnh khảnh, nắm lấy tay ông chồng khổng lồ, khập khễnh dẫn chồng vào nhà. Trên giường, một đứa bé ba tuổi khỏe mạnh kháu khỉnh đang quay đầu lại ngó người lạ mặt.
Barak quỳ gối và đưa hai tay mạnh mẽ bồng đứa bé đưa lên nói nhỏ:
- Con tôi! Con trai của tôi!
Sarah cúi xuống phía chàng:
- Tên con là Ari...
Bản tuyên ngôn Balfour được năm mươi nước phê chuẩn.
Ở Palestine, cuộc khủng bố của Thổ đã thanh toán hết một nửa dân số Do Thái tại xứ này. Bên Trung Âu, các rối loạn thời hậu chiến đã làm cho các vụ pogrom gia tăng trở lại. Xét theo một chiều hướng nào đó thì hai hiện tượng đó bù trừ cho nhau: chạy trốn các vụ bạo hành, một đợt sóng di dân thứ ba đổ vào xứ Israel và bù đắp cho những người đã bị tàn sát ở Palestine.
Một trong những hậu quả đầu tiên sự ủy trị của Anh quốc tại xứ này là việc hủy bỏ cấm mua đất cát do người Thổ trước kia ban hành để ngăn cản sự xâm nhập của Do Thái. Cơ quan Tài trợ Lập nghiệp của phong trào phục quốc lợi dụng cơ hội này để thực hiện một tham vọng ôm ấp từ nhiều năm: mua một vùng đất rộng trong thung lũng Jezreel bao gồm cả phần phía nam Galilée. Nhờ ở vụ mua đất này, lớn lao chưa từng có, mọi người có thể thành lập hàng loạt kibboutz mới.
Sự kiện này gây ra cả một niềm hăng hái kỳ lạ. Từ khắp mọi nơi, các tay khai hoang cựu trào từ bỏ các tiện nghi đã đạt được một cách khó khăn trước đây để tới trợ giúp cho việc xây dựng các cộng đồng mới. Akiba và Ruth mang theo đứa con gái Sharona mới sinh, rời bỏ tiện nghi (tương đối, nhưng không thể chối cãi là có tiện nghi) ở Shoshanna để mang sức và kinh nghiệm của mình giúp cho một nhóm người sắp tới lập nghiệp ở phía bắc Rosh Pinna, trong một nông trường mang tên Ein Or (Suối ánh sáng).
Trong thời gian ấy Tel-Aviv cùng các thành phố khác phát triển mạnh. Ở Haifa, người Do Thái bắt đầu mua nhà trên sườn núi Carmel. Ở Jérusalem, các nhà của họ xây cất đã vượt quá cái khung chật hẹp tạo bởi các tường thành cũ. Về phía người Anh, họ mở các con đường giao thông mới, thành lập các trường học, nhà thương, cải tổ các tòa án. Lord Balfour đích thân tới Jérusalem để đặt viên đá đầu tiên cho một Viện Đại học Do Thái trên ngọn Scopus.
Để tiến hành nhanh thêm sự tiến đến thành lập một Quốc gia thực sự, các Do Thái ở Palestine bầu ra một ủy ban đại diện, được gọi là “Trung ương” một thứ chính quyền đặc trách việc điều đình với người Anh và người Ả Rập. Trong những nhân viên của ủy ban này, Barak Ben Canaan được hưởng một uy tín xứng đáng với quá khứ cũng như các đức tính cá nhân của mình.
Nhưng chưa chi ma quỷ đã nhảy vào quậy phá. Không những còn xa mới được hưởng hòa bình mong ước, Palestine lại còn bị trở thành trung tâm cho một vụ tranh chấp quốc tế rộng lớn.
Dấu hiệu mở đầu cho tranh chấp này, kỳ dị thay, lại do Cộng sản Nga, các chủ nhân ông mới của các nước Nga ban hành. Khám phá thấy trong văn khố của sa-hoàng bản văn thỏa ước bí mật Sykes-picots trong đó Pháp và Anh chia nhau Trung Đông, điện Kumlin cho đăng tải tài liệu đó để gây rắc rối cho Anh và Pháp.
Mục đích này đã đạt được quá mức mong ước bởi vì thỏa hiệp trên mâu thuẫn quả tang với các lời hứa hẹn cho các dân Ả Rập độc lập của Anh Pháp. Trong các thủ đô Hồi giáo, các tiếng la ó vang lên dữ dội. Các biến cố xảy ra đã biện minh cho sự la ó này là đúng: tại hội nghị San Remo, Luân Đôn và Ba Lê chia cắt Trung Đông như cắt bánh. Người Pháp chiếm Syrie, kéo dài thêm bằng ống dẫn dầu từ các mỏ ở Mossoul tới, còn người Anh, họ chiếm phần sư tử bằng cách chiếm tất cả những gì còn lại. Nghĩa là một phần rất ngon lành.
Một mặt là hai vương quốc bù nhìn: Irak, tên mới của xứ Mésopotamic, ngai vàng được trao cho Faycal, con của émir thành Mecque, để thưởng công cho đã điều khiển, hầu hết bằng mồm thôi, các bộ lạc Ả Rập nổi dậy chống lại quân Thổ; và Transjordanie, tạo ra bằng cách lấy một phần của Palestine (Luân Đôn cũng chẳng buồn xin phép Hội Quốc Liên về việc cắt xén này nữa), gán ghép với các phần đất khác rồi đem trao cho Abdullah, em của Faycal, kẻ cũng đang sốt ruột mong được hưởng phần thưởng vì đã giúp người Anh những công tác khó xác định - và có lẽ là không thể nào xác định nổi.
Một mặt khác, Luân Đôn chiếm đóng trực tiếp Ai Cập và kênh Suez, Mossul với các giếng dầu, và Palestine, lãnh thổ được Hội Quốc Liên trao quyền ủy trị cho Anh. Đó là chưa kể cả chục “xứ bảo hộ” khác chung quanh bán đảo Arabie.
Tuy vậy Paleitine đặt ra một vấn đề đặc biệt. Bản Tuyên ngôn Balfour đã được toàn thể thế giới chấp nhận, Luân Đôn không thể cưỡng buộc xứ đó phải chịu nhận một chính quyền theo ý Anh quốc được. Hơn nữa những điều khoản ủy trị đã bắt buộc nước Anh phải thành lập một Quê Nhà Do Thái. Nắm vững tình thế này, tiến sĩ Weizmann cùng các lãnh tụ phục quốc khác, trong đó có Barak Ben Canaan, đã điều đình thẳng luôn với Faycal, lúc đó là phát ngôn viên không ai chối cãi được của thế giới Hồi giáo. Các cuộc thương thuyết dẫn tới một hiệp ước thân thiện trong đó Do Thái cùng Ả Rập cùng chấp nhận sẽ tôn trọng những nguyện vọng của nhau. Phía Ả Rập công nhận các quyền về lịch sử của Do Thái ở Palestine, ngoài ra còn tuyên bố rõ ràng rằng văn minh, tinh thần chủ động cùng các vốn liếng do Do Thái mang tới đã đóng góp thuận lợi cho sự phát triển xứ này.
Bây giờ, cần phải triệu tập “một hội nghị bàn tròn”. Nhưng không may là nếu phía Do Thái có được qua “Trung ương” một chế độ đại diện vừa dân chủ vừa được ủy nhiệm đủ quyền hành, thì phía Ả Rập, họ chỉ là một đám vô định hình hỗn độn. Một vài triều đại của các effendi ấy chỉ có thể nhân danh chính họ, nghĩa là cho một thiểu số rất nhỏ dân chúng mà thôi.
Một trong những triều đại mạnh nhất loại đó, là gia tộc El Husseini, sở hữu chủ của rất nhiều địa hạt rộng lớn trong vùng Jérusalem. Tộc trưởng là Hadj Amine trước đây đã có dự tính lợi dụng sự sụp đổ của Đế quốc Thổ để chiếm lấy quyền hành ở Palestine. Để đạt tới mục tiêu này, ông xoay xở để được bổ nhiệm làm mufti Jérusalem, một địa vị mang lại cho ông hai phương diện hành động. Một mặt Jérusalem là thành phố thánh thứ ba của Hồi giáo, sau La Meeque và Medine, nên ông sẽ có thể lợi dụng các số tiền lớn quyên được khắp trong thế giới Hồi giáo để bảo vệ các thánh địa. Một mặt khác, trong một đại chúng thất học mù chữ tới chín mươi chín phần trăm, các bài giảng trong các buổi lễ là khí cụ duy nhất để tuyên truyền trong quần chúng. Dụng cụ càng nguy hiểm hơn nữa là vì các fellah có khuynh hướng trở thành điên rồ sau bất cứ kích thích nào.
Dĩ nhiên là muốn làm mufti, cần phải là con cháu đích tôn của vị tiên tri xưa kia. Nhưng Hadj Amine không thắc mắc nhiều vì thế: ông cưới một cô gái thuộc giòng dõi Mahomet và tuyên bố rằng qua cuộc hôn nhân này, ông đã thực hiện được điều kiện nói trên.
Tới đây, thì vị mufti già được gọi về chầu đấng Allah. Trong cuộc bầu cử người thay thế, Hadj Amine mà các tham vọng ai cũng biết, chỉ đứng hạng tư. Ông không chịu nhận thất bại vì thế: cả tộc bộ của ông, toàn các tay chuyên cắt gân người không, đã hoạt động tích cực đe dọa ba ứng cử viên trên đến nỗi cả ba đành rút lui thì hơn. Hadj Amine thắng cuộc bầu cử làm mufti chỉ vì các ứng viên khác không ai dám nhận chức.
Đối với vị tân mufti này thì chướng ngại chính trên con đường dẫn tới quyền bính là cộng đồng các người khai hoang Do Thái. Phải tấn công đánh họ ngay. Ngày lễ mừng Đản sinh của Moise, ông đọc một bài giảng dữ dội chống lại người Do Thái. Đám đông quần chúng rách rưới nghèo đói nghe xong là nổi cơn điên lên ngay, thế là có pogrom.
Dẫu sao cơn giận của quần chúng Ả Rập cũng không đủ mạnh để thúc đẩy họ đến chỗ tấn công các thành phố cùng các Kibboutz, nơi mà người Do Thái thừa đủ khả năng để tự bảo vệ. Dân Ả Rập thích tấn công các cộng đồng chính thống giáo ở Safed, Tibériade, Hébron và Jérusalem hơn, để tàn sát các cụ già vô phương chống cự.
Ngày hôm đó Ruth cùng con gái Sharona lại có mặt ở Tibériade. Bị tràn ngập trong cơn sóng man rợ, cả hai mẹ con đều bị giết.
Khi biết tin, Akiba chìm đắm trong tuyệt vọng hoàn toàn. Barak vội vàng tới Kidboutz Ein Or để đưa em về nhà mình ở Tel-Aviv. Trong nhiều tuần lễ, chàng và Barak phải canh chừng hai mươi bốn trên hai mươi bốn, sợ Aliba sẽ tự tử. Mất nhiều tháng, Akiba mới tỉnh lại được. Nhưng đau đớn để lại trong lòng chàng một vết sẹo không bao giờ lành được.
Kể từ khi có chế độ ủy trị, đa số những cộng đồng Do Thái đã trao vũ khí cho các nhà cầm quyền Anh, kẻ chịu trách nhiệm duy trì trật tự. Bây giờ dân Do Thái đợi người Anh dẹp yên các vụ rối loạn và kết án những kẻ đầu tiên. Cao ủy Anh quả thực có chỉ định một ủy ban điều tra, ủy ban này đã quy trách cho Hadj Amine. Hadj Amine sau đó được... thứ lỗi!
Vài ngày sau, Thuộc địa vụ tại Luân Đôn cho công bố một Bạch thư giới hạn sự nhập cảnh của người Do Thái xuống “một phân xuất phù hợp với khả năng hấp thụ về phương diện kinh tế của xứ sở”. Đó cũng là lúc Churchill chọn để cắt phân nửa lãnh thổ ủy trị để tạo ra Transjordanie. Đối với phong trào phục quốc Do Thái, đến đây là chấm dứt một thời kỳ, sự sụp đổ tan tành của cả một giấc mộng đẹp.
Trong một buổi hội nghị bí mật triệu tập ở Tel-Aviv chừng năm mươi lãnh tụ phục quốc hiện diện. Có mặt: tiến sĩ Weizmann từ Luân Đôn tới, Barak Ben Canaan cùng em là Akiba, một người mang tên David Ben Gourion người thấp nhưng vai rộng, và một kẻ mang tên Avidar nào đó có thân thể vững chắc và đầu trọc lại làm người ta nhớ tới người chiến binh oai hùng đương sự đã từng trước kia trong quân đội sa-hoàng.
Ngay lúc vừa mở đầu thảo luận, ba khuynh hướng khác nhau đã biểu lộ. Tiến sĩ Weizmann cùng các bạn ông thì cho rằng, vì người Anh là chức quyền duy nhất hợp pháp trong xứ, việc duy trì trật tự - trong trường hợp này, là dẹp yên các vụ rối loạn - phải là nhiệm vụ của quân lực Anh. Đối với nhóm thứ hai, chủ hòa cực đoan thì mọi nỗ lực võ trang người Do Thái đều sẽ bị dân Ả Rập coi như là khiêu khích họ. Còn các tay tích cực do Akiba đứng đầu thì họ chủ trương trả đũa chớp nhoáng và tàn nhẫn. Họ khẳng định rằng cảm tình cũng như sự bảo vệ của người Anh chỉ có trên giấy tờ, còn trên thực tế, người Anh chỉ hành động cho quyền lợi của họ. Còn đối với dân Ả Rập, thì không có một lý luận nào, kết án nào làm cho họ suy nghĩ hữu ích bằng một khẩu súng chĩa thẳng vào họ.
Sau đó, các thảo luận sôi nổi kéo dài rất khuya trong đêm. Sau cùng, những kẻ ủng hộ một giải pháp vừa thực tế vừa thận trọng đã thắng thế. Đa số đã chấp thuận một đề án do Ben Gourion, Ben Canaan và Avidan đưa ra. Ba người này, vừa công nhận người Do Thái cần phải võ trang, vừa muốn củng cố lập trường Do Thái bằng những phương cách hợp pháp. Hậu quả là mọi người sẽ thành lập và huấn luyện một đoàn dân vệ bí mật hoàn toàn chỉ có mục đích tự vệ mà thôi. Các cơ cấu đại diện cho cộng đồng Do Thái, trên lập trường chính thức sẽ coi như không biết tới sự hiện hữu của đoàn này, nhưng khuyến khích đoàn một cách bí mật. Nhờ những trận chiến trong bóng tối như thế, ta sẽ dễ kiềm chế dân Ả Rập và điều đình với người Anh hơn.
Quyết định sau cùng là bổ nhiệm Avidan vào chức vụ tư lệnh đoàn dân vệ sẽ được gọi là Haganah, hay Tự Vệ đoàn.