Chương 7

     iệc thất bạl hoàn toàn của các nông trường đã tạo ra một tình trạng thê thảm. Mặc dù sự nhập nội các người trẻ và lòng hăng hái gia tăng đáng kể, xứ này vẫn chưa ra khỏi được tình trạng điêu tàn mà hai em Rabinsky đã thấy cách đây hai mươi năm.
Đã từ lâu rồi, Jossi cùng vài chiến hữu đã ý thức được cụ thể ra, không thể nào khai thác tốt các trại cá nhân được. Các khó khăn rất nhiều: vấn đề an ninh vấn đề dốt nát của người Do Thái trong địa hạt canh tác, và nhất là tình trạng của đất đai đã bị bỏ hoang từ thế kỷ.
Hiển nhiên vấn đề bây giờ phải làm sao thoát ra được tình trạng hỗn loạn ấy: nghĩa là phải thành lập các làng mà dân đinh tự mình canh tác lấy, lập chế độ trồng tỉa đa loại để có thể tự túc về thực phẩm, và đủ khả năng bảo vệ chính mình bằng các phương tiện cố hữu. Hậu quả là tổ chức phục quốc Do Thái phải là sở hữu chủ của tất cả đất đai, và chỉ cho phép lập nghiệp những ai cam kết sẽ tự mình canh tác lấy, vậy không được mướn nhân công Do Thái hay Ả Rập.
May mắn thay một số di dân trong đợt hai lại sẵn sàng làm việc cho sự khẩn hoang xứ sở, không tìm bất cứ một lợi lộc cá nhân nào. Một quan niệm báo hiệu trước sự thành lập của các nông trường tập thể về sau cùng. Ưu điểm đáng nhấn mạnh là: các trại tập thể đó không hề là hậu quả của một ý thức hệ hay một cương lĩnh xã hội nào mà chỉ là kết quả của một nỗ lực sáng suốt để cứu vãn công cuộc phục quốc. Phương cách duy nhất để sống còn trong một xứ đang hấp hối.
Bây giờ, cần phải thí nghiệm. Năm 1909, tổ chức Trung ương phục quốc đã mua một vùng đất rộng ở phía nam Tiberiade, chỗ cửa sông Jomdrin chảy vào biển Galilée. Một ít cát với rất nhiều đầm lầy. Mọi người chỉ định hai mươi thanh niên và thanh nữ lo việc khai hoang, cấp cho ngân khoản và thực phẩm một năm, cùng đồ trang bị và tiền mặt. Jossi đi cùng với họ, giúp họ cắm lều dọc theo các đầm. Nông trường tương lai này sẽ mang tên là Shoshanne (sậy) để kỷ niệm loại cây đã tạo thành cả một khu rừng ven các hồ.
Họ khởi đầu bằng cách xây cất ba nhà lớn: một dùng làm nhà ăn, một dùng làm kho, và một dùng làm phòng ngủ cho mười sáu đàn ông và bốn phụ nữ.
Trong mùa đông thứ nhất, các tòa nhà bị bão rung chuyển, bị lụt soi mòn, đã sụp đổ cả chục lần. Các đường lộ biến thành các con sông bùn nên họ bị cô lập với thế giới bên ngoài nhiều tuần lễ liền. Sau cùng, các người khai hoang phải rút vào một làng Ả Rập trú ẩn đợi mùa trở lại.
Đến mùa xuân, họ có thể bắt đầu làm việc. Công cuộc khai hoang có vẻ như vượt ngoài sức con người: phải đẩy lùi các đầm lầy từng bước một. Mọi người trồng hàng trăm cây khuynh diệp Úc để chúng hút cho khô nước ướt sũng, phải đào bằng sẻng các mương dẫn thủy. Đàn ông và đàn bà làm việc quần quật từ rạng đông cho tới khi trời tối, và thường thường thì một phần ba tổng số phải nằm liệt giường vì sốt rét. Để chống lại, họ dùng phương pháp Ả Rập (họ chẳng còn biết phương pháp nào khác): trích máu ở hai trái tai. Dưới ánh mặt trời khắc nghiệt về mùa hè, họ còng lưng xuống bùn ngập tới ngang lưng hôi thối mà làm việc.
Sau hai năm, họ đã có thể tự hào về thành quả đầu tiên: Một vài khoảng đất - ta chưa có thể gọi là cánh đồng - đã được làm cho khá khô nước. Bây giờ, các con lừa phải kéo những tảng đá đi trong khi các đàn ông đốn cây và cắt các bụi rậm. Vài tháng nữa là có thể nghĩ đến, việc gieo hạt. Giây phút gay go đã tới: hầu hết mọi người trong nhóm chưa biết phải trồng gì và trồng ra làm sao. Họ đều phải vất vả lắm mới phân biệt được một con gà mái với một con gà trống. Họ đành phải thử vậy, và vì lầm lẫn, họ thường thu hoạch được những hoa mầu làm họ chưng hửng ngạc nhiên. Họ không biết gieo hạt cũng như không biết bừa cho thẳng hàng, họ chưa từng bao giờ vắt sữa một con bò hay trồng một cái cây. Đối với họ, đất là cả một bí mật vĩ đại.
Dầu vậy họ phải giải quyết cả ngàn vấn đề canh tác với tinh thần quyết thắng như khi họ tìm cách chiến thắng các đầm lầy. Sau khi dẫn thủy xong các nước tù, bây giờ phải lo dẫn thủy nhập điền. Lúc đầu, họ chuyển nước từ sông vào bằng lừa. Rồi họ làm một thí nghiệm không mấy thành công với một máy đập nước kiểu Ả Rập, rồi kế đó, họ đào các giếng. Sau cùng, họ mở các hố điều thủy và xây cất cả một hệ thống đập để giữ nước mùa đông tràn xuống.
Dần dần, đất không còn là bí mật đối với họ nữa. Trong những chuyến thăm viếng xảy ra khá thường, Jossi hết sức thán phục lòng can trường của những kẻ khẩn hoang ở Shoshanna. Những thanh niên thanh nữ này chỉ có những gì họ mang trên người, và ngay cả những áo và quần bằng vải thô ấy cũng thuộc về cộng đồng trại. Thực phẩm của họ giản dị khắc khổ, và nơi ngủ của họ chỉ là căn nhà vách ván bào không kỹ. Nhưng họ thì có một tinh thần sắt thép.
Từ các vùng chung quanh, Ả Rập và Bédouin quan sát những tiến triển chậm chạp của nông trại với các cặp mắt không thể tin nổi. Khi các Bédouin nhận thấy diện tích đất đai canh tác đã được tới mức hai trăm hectare, chúng quyết định sua đuổi những người Do Thái đi.
Kể từ ngày đó, các người khai hoang chỉ có thể làm việc bên ngoài dưới sự che chở của vũ khí. Ngoài vấn đề bệnh tật và lao lực, lại còn thêm vấn đề muôn thủa là an ninh nữa. Đàn ông, đàn bà, sau một ngày làm việc ngoài đồng lại còn đành phải thay phiên nhau gác suốt đêm nữa. Mặc dù cô lập, họ tiếp tục bám chắc, mặc dù sự ngu dốt căm thù cùng các đe dọa của người Ả Rập, mặc dù sức nóng giết người, sốt rét, và cả mười thứ thiên tai thảm họa khác nữa, họ vẫn bám chắc lấy Shoshanna.
Rồi tới một ngày đó, họ tới nông trại thấy hai người mới tình nguyện gia nhập nữa. Một người là Yakov Rabinsky, một người là Joseph Trumpledor, cựu sĩ quan của quân đội Nga hoàng, anh hùng của trận Nga Nhật đại chiến - trong trận đó ông đã cụt một tay. Chính vì tiếng kêu gọi của chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã đưa ông tới Palestine, và gương hy sinh vì lý tưởng đã đưa ông tới Shoshanna. Nhờ ở dự trả đũa có tổ chức của hai tay chuyên viên đập lộn này, các vụ đột kích của dân Bédouin giảm dần rồi sau cùng hết hẳn.
Tuy vậy đời sống cộng đồng đặt ra nhiều vấn đề hơn là các tay khai hoang đã tưởng. Nguyên tắc cai trị dân chủ khó hòa hợp được với tinh thần độc lập truyền thống của người Do Thái cùng lòng khoái bàn cãi quá mức của họ. Sự phân công, các vấn đề vệ sinh, giáo dục đều là các khó khăn phải giải quyết cả. Chưa kể đến các xích mích cá nhân không thể tránh được trong một lối sống chung chật chội suốt ngày.
Nhưng dẫu thế nào dân ở Shoshanna cũng có được một điểm chung: thù ghét tất cả những cái gì xưa kia có thể làm cho họ thành dân Do Thái ghetto. Bởi vì họ đã khổ công để xây dựng một tổ quốc mới, họ còn ngại gì mà không phá hủy, nhổ sạch, bôi xóa đến tận kỷ niệm về thời kỳ thê thảm ghê khiếp ấy. Đến nỗi rằng Shoshanna có một nền đạo đức riêng, luật lệ riêng. Kể từ giờ hôn nhân sẽ thành hình - hoặc tiêu hủy - tùy theo sự thỏa thuận của hai vợ chồng. Các tục lệ cổ xưa trước đây đã gây ra bao chướng ngại cho cuộc đời, đều bị hủy bỏ trong mọi địa hạt. Chính vì thế, từ lòng khiếp sợ đàn áp kinh niên và lòng ao ước tự do, đã nảy sinh ra một giai cấp mới, một giai cấp nông dân Do Thái ý thức rõ và kiêu ngạo về giá trị của mình. Họ ăn mặc như nông dân, nhảy điệu hora quanh ánh lửa trại. Họ chẳng trở về với đất để làm cao quý nghề nông hay sao? Chưa chi những luống hoa, những cây cảnh, những bãi cỏ đã xuất hiện chung quanh những căn nhà nhỏ cho các cặp vợ chồng, thành lập một thư viện, và mướn y sĩ tới tận nhà.
Chính giữa các hoạt động có trật tự ấy đã bùng ra cuộc nổi dậy của phụ nữ. Của một phụ nữ là đúng hơn. Ruth một cô gái khỏe mạnh nhất và xấu nhất trong bốn người con gái khai hoang. Một cô gái có miệng lưỡi rất sắc, và nàng đã xử dụng đến nó để tuyên bố trong các buổi họp của cộng đồng là các phụ nữ không lao đầu vào cuộc phiêu lưu di cư ấy để rồi lại trở thành tôi tớ cho đàn ông. Hăng hái, khéo léo, Ruth đã thành công trong việc làm giảm bớt những cấm đoán ngày xưa, đến nỗi rằng sau vài tháng, tất cả phụ nữ đều tham dự vào tất cả mọi công việc, kể cả việc cày bừa. Đòi hỏi trách nhiệm, họ độc chiếm chuồng gà vịt và vườn rau, học xử dụng súng và nhận phiên gác đêm.
Tuy thế, Ruth chẳng những không bằng lòng với các chiến thắng như thế, nàng còn nuôi những tham vọng lớn hơn. Mục tiêu lớn của nàng là kiểm soát năm con bò sữa, thành phần gia súc chính của trại. Nhưng lần này, đàn ông nhất định không chịu thua. Mấy cô này hẳn đã tiến xa quá lố rồi! Yakov, kẻ hăng hái xông xáo nhất trong giới đàn ông, được cử ra để thuyết phục Ruth nên biết điều. Nàng phải biết bò cái là một con vật nguy hiểm không thể trao phó cho nữ nhi yếu liễu đào tơ chứ! Chưa kể sự kiện đàn gia súc này là niềm kiêu hãnh của nông trường, của cải quý nhất của nông trường, tất nhiên việc coi sóc đương nhiên phải thuộc về các chủ nhân mà Thượng đế đã sáng tạo ra là... đàn ông.
Trước sự ngạc nhiên của toàn thể, Ruth nhượng bộ dễ dàng. Trong một tháng liền, nàng tránh bàn cãi vấn đề tế nhị này. Ngược lại, nàng lợi dụng tất cả mọi cơ hội để chạy đến làng Ả Rập gần nhất để học hỏi nghệ thuật vắt sữa. Và trong những lúc nhàn rỗi hiếm hoi, nàng nghiến ngấu đọc tất cả những sách báo về kỹ thuật sữa mà nàng tìm thấy ở thư viện.
Một buổi sáng nọ, Yakov khi đi tuần tiễu về, không hiểu sao lại nghĩ tới chuyện liếc vào chuồng bò một cái. Điều này chàng bắt gặp quả tang Ruth đang vắt sữa Jézabel, con bò cái đẹp khỏe nhất trong năm con!
Ngay ngày hôm đó, một phiên họp đặc biệt được triệu tập để xử vụ bất phục tùng của thiếu nữ. Như ta có thể đoán được, lời kết án bị nàng “quạt” bay đi hết. Trang bị những bảng so sánh và các biểu đồ, nàng đã chứng tỏ hai năm rõ mười là nàng đang làm gia tăng mức sản xuất sữa. Dĩ nhiên là muốn đạt được gia tăng ấy, mà các đàn ông rõ ràng và hoàn toàn là không có khả năng. Nàng nói nhiều và nói hay đến nỗi các đàn ông sau hóa ngượng nghịu và ăn năn, để rồi sau cùng chính thức trao phó luôn cho nàng coi sóc đàn gia súc.
Đàn ông không bao giờ hối tiếc về quyết định này hết. Vài năm sau, Ruth, đứng đầu một đàn bò một trăm hai mươi lăm con, đã được vào loại những tay chăn nuôi giỏi nhất Palestine.
Đã xảy đến cái gì phải xảy đến: Ruth và Yakov lấy lấy nhau. Tất cả mọi người đều tán đồng hôn nhân này: Ruth chàng phải là kẻ duy nhất trên đi thế gian này có thể làm Yakov phải im tiếng hay sao? Hiển nhiên đó phải là một đám cưới vì tình rồi...
Do đó, sau cùng Yakov cũng thoát được niềm chua chát của mình để tìm kiếm hạnh phúc. Chàng không có một gia sản nào cả, và chàng cũng chẳng thể coi là độc quyền sở hữu những áo quần chàng mặc, vì đó cũng là tài sản của cộng đồng. Ngược lại, chàng có một người vợ linh hoạt, nhanh nhẹn, miệng lưỡi sắc bén, và cả xứ Galilée kính nể. Buổi chiều, sau một ngày làm việc mệt nhọc, khi chàng cùng Ruth đi dạo giữa các bãi cỏ, trong vườn trồng cây ăn trái hay qua những cánh đồng xanh tốt, chàng cảm thấy một tình tự bình an mà chàng chưa từng bao giờ cảm thấy.
Shoshanna không ngừng phát triển. Nông trường bây giờ đã có tới cả trăm dân đinh. Các cánh đồng và vườn tược đã chiếm hơn một ngàn mẫu. Kibboutz đầu tiên của Palestine hầu như đã mang lại được lời giải đáp cho vấn đề căn bản của chủ nghĩa phục quốc Do Thái.