Chương 5

     ại Pháp, các vụ bạo hành chống Do Thái thời Trung cổ từ lâu rồi chỉ còn là một hồi ức lịch sử. Cuộc Cách Mạng và bộ Luật Nã Phá Luân đã làm cho các người Do Thái Pháp trở thành các công dân hoàn toàn bình đẳng với các công dân Pháp trong mọi lãnh vực. Bây giờ, vào cuối thế kỷ XIX, từ niệm thù hận cổ xưa, chỉ còn một thứ bài Do Thái mơ hồ về phương diện xã hội, khó nhận biết, và hơn nữa, chỉ xảy ra giới hạn trong một số thành phần của quốc gia.
Đột nhiên, năm 1893, xảy ra vụ Dreyfus [1]. Và đây là lần đầu tiên từ bao nhiêu năm rồi, mọi người mới nghe thấy một đám đông khích động kêu lên tiếng hét thê thảm cổ xưa: “Hãy giết chết tụi Do Thái!”.
Trong những người mà tiếng hét trên làm rùng mình có ký giả thường trực của một trong những nhật báo thời danh, tờ Neue Freie Presse ở thành Vienne. Nếu ký giả đó, Theodor Herzl là Do Thái, thì cho tới giờ ông cũng ít để ý tới sự kiện ấy. Gốc Hung, được nuôi dạy ở Vienne và được Ba Lê chấp nhận làm người của mình, ông càng tin ở sự đồng hóa toàn diện những người Do Thái khi thấy chính mình cũng là một thí dụ rõ ràng. Là một người viết tiểu luận giỏi, viết kịch khá và cũng là ký giả có tiếng tăm, Herzl chú ý đến công việc của mình trước hết, sau đó chú trọng tới phụ nữ xinh đẹp, hết sức ít phụ thuộc vào tôn giáo cùng các đồng bào của mình.
Vừa vì nghề nghiệp đòi hỏi vừa vì tò mò mà ông tới dự kiến vào tháng giêng năm 1895 lễ giáng chức lột lon Dreyfus tổ chức trong vũ đình trường của Trường Võ bị. Trước khi bước chân qua cổng quân trường, chắc chắn ông không thể nghĩ mình sắp sống trong giây phút quyết định cả cuộc đời. Dầu vậy, khi nghe Dreyfus lên tuyệt vọng: “Tôi vô tội!” và đám đông hét lên tiếng kêu ghê khiếp: “Hãy giết tụi Do Thái!” ông biết là mình sẽ chàng bao giờ còn tìm thấy bình an trong tâm hồn nữa.
Trở về nhà, Theodor Herzl suy nghĩ. Nếu sự bài Do Thái dữ dội có thể đột nhiên bộc lộ trong một xứ vừa tự do, vừa khoan dung đến như nước Pháp, thì liệu có phải từ đó suy ra rằng vấn đề bài Do Thái là muôn thủa, hết thuốc chữa chăng? Ngoại trừ... cứ lật đi lật lại vấn đề mà nghĩ hoài, sau cùng Herzl ngừng lại ở giải pháp mà hàng ngàn người Do Thái trong tất cả các quốc gia khác trên thế giới đã nghĩ tới: duy chỉ có sự phục hồi quốc gia Do Thái mới có thể bảo đảm cho những người Do Thái rải rác trên thế giới tự do và bình đẳng thực sự. Họ cần có một phát ngôn viên đại diện, một chính phủ được các quốc gia khác công nhận và đủ khả năng làm mọi người kính trọng dân Do Thái.
Cuốn sách trong đó ông trình bày các ý tưởng của mình đã trở thành hiến chương của phong trào phục quốc Do Thái. Cuốn sách này mang tên Quốc gia Do Thái.
Có một lòng đam mê sáng suốt thúc đẩy, Herzl lao ngay vào hành động. Ông tìm thấy ủng hộ ở Ba Lê, Đức, Luân Đôn. Không những được sự ủng hộ từ đồng bào mà thôi, mà còn có nhiều nhân vật Ki-tô giáo yểm trợ nữa. Năm 1897, Ba Lê, nhóm họp một đại hội các trưởng cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới. Quả là một hội nghị Do Thái giáo, đại hội đã bao gồm những kẻ ủng hộ giải pháp đồng hóa lẫn các Thân hữu của Sion, những người theo chính thống giáo lẫn những người theo chủ nghĩa xã hội. Mặc dù các dị biệt, tất cả những người này ràng buộc với nhau bằng một tình cảm chung: sự nổi dậy chống lại hai ngàn năm áp bức tàn bạo. Bản quyết nghị sau cùng của đại hội chủ trương việc tạo lập, ở xứ Israel, một quốc gia Do Thái, phương cách duy nhất để giải thoát người Do Thái tại tất cả các quốc gia.
Phong trào phục quốc Do Thái đã được phát sinh như thế mục đích là “thành lập một Quê Nhà ở Palestine, một quê nhà được quốc tế công pháp bảo vệ”.
Theodor Herzl ghi trong nhật ký của mình như sau: “Nếu tôi đi ra ngoài đường phố mà loan báo rằng tôi vừa đặt nền móng cho Quốc gia Do Thái, chắc tôi sẽ bị nhiều người chế riễu. Nhưng trong năm năm, hay có thể mười năm, tất cả mọi người sẽ công nhận quốc gia này”.
Bây giờ ông phải lo chuẩn bị căn bản chính trị, “Quê Nhà Do Thái” tương lai. Đối với ông trên đời không còn gì đáng kể ngoài dự án lớn này. Bỏ tài sản riêng ra tiêu, bỏ bê gia đình, tiêu hao sức khỏe, ông đi vào các thủ đô lớn, đến đâu ông cũng xin được tiếp kiến, các Quốc trưởng hay Thủ tướng để trình bày ý tưởng của mình. Ông thành công cả trong việc xin được Abd Ul-Hamid II cho gặp mặt, Abd Ul-Hamid II, “vị Sultan bị nguyền rủa” ấy, hoàng đế của Đế quốc Thổ đang tan rã. Sau một buổi mặc cả gay go, vị vua già thuận ban cho một lời hứa hẹn mơ hồ - Ngài sẽ cứu xét vấn đề một Quê nhà Do Thái ở Palestine - dĩ nhiên với điều kiện đổi lại bằng một trợ giúp, tài chính mà ngài đương hết sức cần. Sau đó Abd Ul-Hamid thử dùng những đề nghị của phong trào phục quốc Do Thái để kiếm ở nơi khác những trợ giúp nhiều thực chất hơn để rồi sau cùng gạt bỏ lời yêu cầu của Herzl. Thất vọng đầu tiên của cả một chuỗi dài những thất vọng sau đó...
Tuy thế, một vài năm sau Anh quốc biểu lộ ý muốn ủng hộ chính nghĩa phục quốc Do Thái thiết lập vững chắc ở Ai Cập và ở chừng nửa tá thiểu quốc khác ở Azabie, đã sẵn sàng tiếp thu và kế vị Đế quốc Thổ đang hấp hối, người Anh tìm sự ủng hộ của các tổ chức lớn để thể hiện các ước vọng riêng trong miền Trung Đông. Vì vậy người Anh đề nghị tặng cho phong trào phục quốc một phần bán đảo Sinai với lời ghi chú rằng miền này ở ngay cửa vào Palestine, và ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ các cửa ấy sẽ mở ra. Nhưng dầu thế, đề án này vẫn mơ hồ, thiếu rõ ràng, còn về phía Heizl, ông bao giờ cũng hy vọng đạt được một sự chấp thuận trực tiếp cho Palestine, nên rút cục đề án ấy phải bỏ đi.
Trong những năm sau đó, các vụ Pogrom ở Đông Âu và Trung Âu vẫn không ngừng tiếp diễn. Hezl hiểu rằng nếu muốn mang lại một nơi tị nạn cho những người Do Thái sống sót, ông bắt buộc phải nhận một giải pháp tạm thời. Người Anh liền đề nghị mở một cộng đồng Do Thái trên lãnh thổ xứ Ouganda tại Trung Phi. Và Heizl đành buồn bã hứa sẽ đưa dự án này ra Đại hội Phục quốc Do Thái lần tới.
Vừa mới bắt đầu bàn luận, kế hoạch trên đã vấp phải sự chống đối mãnh liệt của phe phục quốc Nga. Đối với họ, chỉ có xứ Israel mới có thể là nơi của Quốc Do Thái tương lai. Ouganda? Kinh thánh cũng còn chẳng biết tới địa danh này!
Tuy thế hai mươi lăm năm bạo hành liên tục ở Nga và Ba Lan đã làm tăng dòng người di cư về Palestine. Năm 1900, chừng năm mươi ngàn Do Thái đã lập nghiệp ở Palestine, trước sự giận dữ của Abd Ul-Hamid vì vị này coi họ như là các đồng minh tiềm ẩn của Anh quốc. Nhưng bây giờ đã quá trễ để hãm phong trào di cư lại. Có một bộ chỉ huy đầu não tổ chức vững chắc ở Anh và một ngân hàng nhiều phương tiện mạnh mẽ, những người phục quốc xoay quanh dễ dàng sắc luật về nhập nội do vị Sultan ấy ban hành bằng cách mua chuộc sự a tòng của các viên chức Thổ tham nhũng thường xuyên. Tất cả những ai muốn vào Palestine trước sau rồi đều vào được.
Vì thế đợt sóng trở về Đất Thánh đầu tiên đã đập được vào bờ mong muốn.
Vào đầu thế kỷ 20, toàn thể Trung Đông sôi lên sùng sục, phong trào phục quốc Do Thái, sự thức tỉnh của chủ nghĩa quốc gia Ả Rập, sự suy tàn nhanh chóng của đế quốc Thổ; sức mạnh đang lên của Anh quốc, đều là những yếu tố có thể nổ như lò thuốc súng, trộn lẫn trong một lò nung nóng bỏng có thể nổ tung lên bất cứ lúc nào, Theodor Herzl không được dự khán sự thể hiện giấc mộng lớn lao của ông. Mòn mỏi vì làm việc quá sức, suy sụp vì thần kinh căng thẳng thường xuyên, ông chết đột ngột vì một cơn đau tim vào năm 44 tuổi, đúng mười năm sau ngày ông nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của Dreyfus: “Tôi vô tội!”
Vào thời kỳ sống lại lần thứ nhất của phong trào phục quốc này, hai anh em Rabinsky đã là những kẻ cựu trào của Palestine: họ hoàn toàn biết rõ từng miền của xứ sở, đã làm hầu hết mọi nghề và không còn ảo tưởng nào nữa.
Nếu Yakov không giấu diếm niềm chua chát của mình, Jossi lại hãy còn thử kiếm tìm một sự hài lòng nào đó trong cuộc sống mới. Chàng thích thú tự do mình được hưởng, lúc nào cũng sẵn lòng mơ đến thung lũng Houleh ở phía trên Safed, vùng đất đầu tiên chàng đã được nhìn ngắm khi bước chân lần đầu vào đất Israel.
Đối với Yakov thì Thổ và Ả Rập cũng y như nhau. Đó đều là những kẻ thù vừa nguy hiểm vừa đáng khinh y hệt bọn cosaque và học sinh trung học Jitomir. Ở điểm này nữa Jossi cũng không đồng ý với em. Yakov lầu nhầu:
- Ồ, chắc chắn rồi, chắc là chúng ta có thể có được đất bằng các phương sách hợp pháp, bằng cách bỏ tiền đi mua đất rồi. Nhưng mà để làm gi? Chúng ta thiếu nhân công canh tác, chưa nói tới tụi Bédouin và tụi Thổ không bao giờ để chúng ta làm việc yên ổn cả.
- Chúng ta sẽ có đủ nhân công canh tác khi các vụ pogrom tàn sát dân ta hơn nữa. Còn bọn Thổ? Chú cũng biết ta mua được họ mà. Còn về dân Ả Rập, chúng ta phải học cách sống hòa thuận với họ, nghĩa là bắt đầu bằng cách tìm hiểu họ.
Yakow nhún vai:
- Tụi Ả Rập chỉ hiểu có một điều...
Chàng giơ nắm tay lên thật mạnh, đe dọa:
-... cái này đây!
Jossi tiên đoán:
- Cái điệu chú rồi sẽ có ngày lên đoạn đầu đài thôi.
Vào đầu thế kỷ Yakov gia nhập một nhóm gồm mười lăm người trên khu, dự tính làm một cuộc phiêu lưu táo bạo: khai hoang một khoảng đất nằm dưới đáy thung lũng Jezreel, một vùng mà chưa có người Do Thái nào dám bước chân vào từ nhiều thế kỷ. Họ định thành lập một trung tâm thực tập nông nghiệp và một trại thí nghiệm. Việc lựa chọn địa điểm thật đáng ngạc nhiên: bị bao quanh bằng các làng Ả Rập, nông trại mới là miếng mồi ngon cho các dân Bédouin sẵn sàng giết hết tất cả chỉ để chiếm lấy một chiến lợi phẩm nhỏ bé.
Năm 1902, hội Fondation Schuman liên lạc với Rabinsky để đề nghị với chàng chức vụ người đi mua đất khai hoang. Sự am hiểu hoàn toàn xứ sở, lòng can trường đã chứng tỏ qua các vụ dám đi một mình vào các vùng hoàn toàn Ả Rập đã đưa chàng tới chức vụ mới này. Nói cho thực ra, Jossi chỉ có một tin tưởng hết sức tương đối ở tương lai các trại nông nghiệp. Sống nổi nhờ trợ cấp phước thiện, khai thác nhân công của các fellah [2] đối với chàng không phải là phương pháp tốt để đạt tới chỗ phục sinh Quốc gia Do Thái. Tuy vậy viễn ảnh được làm việc phục vụ cho sự định cư khai hoang đã thắng các e ngại đối kháng riêng đến nỗi sau cùng chàng đã nhận lời mời làm người đi mua đất chính cho Hội.
Các cấp điều khiển Fondation Schuman rất hài lòng về sự chọn lựa của mình. Jossi, ba mươi tuổi, to lớn, bắp thịt rắn chắc, với con ngựa giống Ả Rập đã hợp thành hình ảnh một centaure [3] đáng nể. Bộ râu đỏ của chàng nổi bật trên bộ quần áo Ả Rập trắng tinh. Nhiều băng đạn quàng chéo trên ngực, một ngọn roi da cài thắt lưng, chàng tiến vào vùng đồi Samarie, cánh đồng Sharon, sa mạc Galilée, tìm kiếm đất mới.
Từ đầu đến cuối xứ Palestine thời ấy, đa số đất đai ở trong tay chừng năm mươi gia đình thế lực, các effendis. Các đại địa chủ này lấy một hoa lợi ở các người cấy rẻ Ả Rập lên tới ba phần tư hoa mầu mà không hề tìm cách cải tiện đời sống khốn khổ của các tá điền. Dĩ nhiên là các effendis chỉ chịu bán - với giá cắt cổ - những đất đai xấu nhất, các khoảng đất sa mạc hay đầm lầy hôi thối. Theo họ nghĩ, vụ bán đất này lợi tới hai lần: vừa loại bỏ được những mảnh đất chưa bao giờ sản xuất được gì, vừa mang lại ngàn năm một thủa “vùng Do Thái”.
Trong những chuyến đi mua đất, Jossi sẵn lòng vượt qua trại Rosh Pinna, cơ sở sau cùng của Do Thái ở mạng bắc, để đến viếng Kammal, mouktar của làng Abou Yesha. Hai người trở thành bạn thân rất nhanh. Lớn hơn Jossi vài tuổi, Kammal quả thực là một người đặc biệt trong giới effendis ở Palestine. Trong khi đa số các địa chủ sống một cuộc đời ăn không ngồi rồi ở Beyrouth hay Caire, Kammal lại để hết thì giờ vào việc quản trị địa hạt của mình bao gồm làng và các đất đai chung quanh. Jossi được biết rằng chừng một chục năm trước đây, Kammal đã biết thế nào là một thảm kịch tình yêu thực sự. Vị hôn thê của chàng, con gái của một fellah nghèo khổ, đau mắt hột và Kammal sẵn lòng cho tất cả những gì mình có để nàng được một y sĩ chữa chạy. Nhưng bố chàng nhất định không chịu nghe những lời cầu khẩn van nài của chàng. Kammal giàu có để nuôi bốn thê mười thiếp sao? Vậy mà lại đi lãnh một con bé nhà quê tầm thường, lại còn ốm đau nữa? Đến nỗi cô gái, vì không được thuốc, trở thành mù rồi chết sau một thời gian, trước khi đến tuổi mười tám.
Thảm kịch này làm Kammal trở thành một kẻ thù của chính giai cấp mình. Bị xúc động đến nỗi cảm thấy trong lòng trổi dậy cả một lương tâm xã hội, Kammal lên đường đi Caire. không phải để sống một cuộc đời hưởng lạc dễ dãi, mà để học những phương pháp mới về canh tác, vệ sinh và y khoa. Sau cái chết của phụ thân, chàng trở về Abou Yesha, cương quyết mang lại một tối thiểu tiện nghi dễ thở cho dân làng mình.
Việc nhập nội của các di dân Do Thái là một hiện tượng làm cho chàng ngỡ ngàng. Chính để tìm hiểu ý nghĩa cùng hậu quả của hiện tượng này, Kammal đã nuôi dưỡng tình bạn với Jossi. Tuy thế, Jossi báo cho chàng biết ước muốn mua một khoảng đất bỏ hoang để thành lập một nông trại di dân, chàng đã trả lời một cách mơ hồ. Những ngươi Do Thái này làm chàng băn khoăn suy nghĩ. Liệu có thể sống chung với họ không, có thể tin ở họ không? Trong thâm tâm, chàng nghi ngờ lắm: hiển nhiên tất cả Do Thái không thể giống như Jossi Rabinsky - một con người xứng đáng để ta kính trọng. Vả lại Kammal không muốn làm effendi đầu tiên trong vùng bán đất cho di dân.
Năm 1905, cuộc cách mạng Nga, sau khi ầm ỉ từ nhiều năm đã bùng nổ... để rồi bị dẹp yên trong máu lửa. Vụ nổi dậy thất bại này làm phát động nhiều vụ pogrom mới, lần này kinh khủng đến nỗi cả thế giới phải kinh hoàng. Nhưng mặc dù sự tức giận của Léon Tolstoi, người đã đứng ra công khai kết án thái độ của Sa hoàng cùng chính phủ Nga, các đoàn Hắc Bạch binh, chuyên viên tàn sát người Do Thái được Mật vụ Nga che chở, vẫn tiếp tục các vụ càn quét giết người cho đến khi hàng trăm ngàn người Do Thái phải chạy trớn khỏi nước Nga. Đa số đó di cư sang Hoa Kỳ, chỉ một số nhỏ đi Palestine.
Số nhỏ người này tuy thế lại thuộc một thế hệ rất khác thế hệ những người di cư đầu tiên. Họ không hề chú ý đến thương mại và tiểu công nghệ. Trẻ tuổi, đã cứng cỏi vì những thử thách đã trải qua, thấm nhuần tư tưởng phục quốc, họ cương quyết làm việc cho sự phục sinh mlền đất cát.
Đợt di cư thứ hai vào miền Đất Thánh đã xảy ra trong hoàn cảnh như thế.
-
Chú thích:
[1] Dreyfus: một sĩ quan Pháp gốc Do Thái bị kết án oan là cung cấp tin cho địch (Đức). Bị tước binh quyền và tù đầy Dreyfus vẫn tiếp tục kêu oan. Dư luận Pháp bênh vực Dreyfus gây ra một tình trạng xáo trộn và chia rẽ ở Pháp. Vụ án được mang ra xử lại và Dreyfus được trắng án, phục hồi danh dự và binh quyền.
[2] Fellah: tá điền và nông dân nghèo Ả Rập.
[3] Centaure: thân trên như người, thân dưới như ngựa, trong thần thoại cổ Hy Lạp.