Chương 4

     iết tụi Do Thái!
Một viên đá ném vỡ tan cửa sổ lớp học. Vị rabbin vội vã đẩy các học trò về cầu thang dẫn xuống hầm. Ngoài đường, đàn ông đàn bà tuyệt vọng chạy đi kiếm một nơi ẩn trú, đằng sau họ hơn cả ngàn dân cosaque và sinh viên đang rượt theo. Suốt vùng bao quanh ghetto vang lên tiếng hét ngàn đời:
- Giết tụi Do Thái!
Một vụ pogrom nữa, cũng do một tên Andrev tổ chức như các vụ trước, tên giám đốc gù lưng của trường trung học Jitomir, một tay chống Do Thái điên khùng. Các học trò của hắn trà trộn với các dân cosaque, chạy ào ào trong các đường phố, đập vỡ các cửa kính, cửa sổ, kéo lê những người Do Thái mà chúng bắt được, đánh họ tàn nhẫn không thương tiếc.
Yakov và Jossi đã rời chủng viện mặc dù các lời năn nỉ của vị rabbin. Chạy theo những ngõ hẻm tối tăm nhất, vắng người nhất, hai anh em tìm cách trở về nhà để che chở các người thân. Khi hai người quẹo vào vừa tới nhà, họ va đầu với khoảng chục tên du đãng đội các mũ lưỡi trai màu: các học sinh trường trung học.
- Kìa hai tên! Bắt lấy chúng!
Yakov và Jossi quay ngoắt người chạy như thế nào để nhử tụi trẻ dữ tợn sau lưng đi xa khỏi nhà. Trong mười lăm phút, nhờ thuộc biết đường, hai anh em giữ được khoảng cách. Nhưng rồi sau cùng tụi học sinh trung học dồn được hai anh em vào một ngõ bí. Dựa lưng vào tường, thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa, hai anh em đương đầu với các địch thủ. Đột nhiên tên đứng đầu toán học sinh tiến lên, vung một ống chì toan đập vào đầu Jossi.
Jossi đỡ được, rồi nắm lấy ngang người tên học sinh nhấc bổng hẳn lên khỏi mặt đất, quay tít hắn lên không rồi ném mạnh vào đồng bọn. Cùng lúc do Yakov lấy đá sỏi chứa đầy sẵn trong các túi, nhằm hai tên địch ném, trúng đầu cả hai, ngã lăn chiêng ra đất. Những tên còn lại co cẳng chạy không kịp thở.
Yakov và Jossi lại chạy về nhà, ùa vào cửa hiệu giầy.
- Bố! Mẹ!
Xưởng giầy đã bị phá tan tành. Hai anh em tìm ra mẹ ngồi thu hình trong một góc, gầan phát điên lên, Jossi lay mạnh bà.
- Bố đâu mẹ? Mẹ nói đi nào, mẹ!
Đột nhiên bà hét lên:
- Torah! Torah!
Cùng lúc đó cách đấy hai trăm thước, Simon Rabinsky chệnh choạng tiến ra nhà thờ đốt cháy. Ông tiến vào được tới cuối phòng, vạch các tấm màn có thêu Mười Điều Răn, ôm lấy Torah, hai cuộn kinh. Ôm chặt hai cuộn kinh ấy vào người để che chở lửa khỏi bén vào, ông ra thoát được ngoài. Bị phỏng nặng, gần ngạt thở, ông bước qua bậc thềm để rồi gục xuống bên ngoài. Ông còn đủ sức để quỳ lên...
Chừng hai chục học sinh trung học đang chờ sẵn.
- Giết chết tụi Do Thái!
Simon bò được hai hay ba thước để rồi gục xuống bùn lấy thân hình che chở cho các cuộn kinh Torah. Các gậy gỗ đập xuống vỡ sọ ông, các giày đinh đá nát mặt ông. Trước khi chìm vào cõi hư vô, ông kêu lên:
- Nghe đây, Israel. Vĩnh cữu là Thượng đế của người... Vĩnh cữu là duy nhất...
Đúng một tháng sau ngày Simon Rabinsky chết. Yakov dậy vào lúc nửa đêm. Rón rén cẩn thận để không làm anh thức giấc, chàng mặc quần áo, nhét vào thắt lưng một con dao mài bén nhọn - con dao mà bố chàng thường dùng để cắt da làm giày - rồi ra khỏi nhà nhẹ bước tiến về đô thành Ki-tô giáo.
Như có linh cảm báo hiệu, Jossi tỉnh giấc vài phút sau đó. Nhận thấy Yakov vắng mặt, Jossi chỉ kịp mặc quần áo rồi vội vã ra khỏi nhà. Tới đường, chàng chạy. Chàng biết em mình đã đi đâu.
Lúc 4 giờ sáng, Yakov gõ cửa nhà Andrev. Sau khi gõ nhiều tiếng, chàng lùi lại và chờ đợi. Chính lão gù ra mở cửa. Yakov chồm tới, đâm dao vào ngực lão. Viên giám đốc trường trung học Jitomir kêu lên một tiếng ngắn, gục xuống chết.
Hối hả chạy tới, Jossi thấy em đang nghiêng người trên xác chết, như bị mê hoặc. Chàng nắm lấy tay Yakov, lôi đi. Suốt cả ngày hôm đó và cả đêm sau, hai người trốn trong hầm nhà rabbin Lipzine. Tin giết người đã lan khắp thành phố. Lo âu, các kỳ mục họp lại để tìm một cách quyết định.
Lúc rạng đông, rabbin Lipzine tụt qua cửa hầm xuống.
- Chúng tôi có nhiều lý do để e rằng cảnh sát biết danh tính hai con. Hình như một học sinh lưu trú của Andrev đã trông thấy một anh chàng khổng lồ tóc hung. Từ đó đến chỗ chúng nghi ngờ con, Jossi...
Jossi cắn môi. Với bất cứ giá nào chàng cũng không thú thực là ra chàng đến đó chỉ cốt định ngăn ngừa vụ án mạng khỏi xảy ra mà thôi. Còn Yakov, chàng không hề hối hận chút nào, lầu nhầu:
- Nếu phải làm lại, con sẵn sàng ngay.
Vị rabbin nói:
- Chúng tôi hiểu tại sao con lại làm thế, nhưng không thể tha thứ cho con được. Vụ ám sát này dám làm phát động ra một vụ pogrom mới. Một mặt khác, không hề có công lý cho một người Do Thái trước các tòa án của Nga hoàng. Nói tóm tắt, chúng tôi đã có một quyết định mà hai con phải tuân theo không bàn cãi.
Jossi nói nhỏ:
- Xin vâng.
- Các con đi cắt những lọn tóc quăn đi và ăn mặc như những người Ki-tô giáo. Chúng ta sẽ cho các con đủ thực phẩm và tiền bạc để sống một tuần. Các con phải rời Jitomir ngay lập tức, không bao giờ được nghĩ đến việc trở về nữa.
Vì thế, năm 1884 ấy, Jossi Rabinsky mười sáu tuổi và em là Yakov, mới mười bốn tuổi, đã trở thành những kẻ đào tẩu. Đi vào ban đêm, ban ngày ẩn trốn, họ mất một tuần mới băng qua được quãng đường một trăm năm chục cây số dẫn tới tỉnh Loubny. Họ lẩn được vào ghetto - để được biết rằng danh tiếng đáng sợ của hai anh em đã lan tới đây rồi. Các trưởng lão của cộng đồng Do Thái ở Loubny trao cho những gì cần thiết để sống thêm một tuần nữa rồi khẩn khoản yêu cầu hai anh em hãy lại đi. Lần này hai anh em tiến về Kharkov cách đó ba trăm cây số, hy vọng rằng khoảng cách sẽ làm giảm bớt hăng hái của cơ quan cảnh sát. Một hy vọng sớm tiêu tan: vụ giết Andrev đã gây ra tiếng vang hết sức lớn, những làng nhỏ bé nhất cũng được báo động và từ đầu này đến đầu kia Vùng Cư trú, việc săn đuổi hai anh em đã mang vẻ như là một công cuộc của thập tự quân trên bình diện quốc gia. Đến được Kharkov sau hai mươi đêm đi ngày nấp trong bờ bụi, hai anh em lại phải nấp trong căn hầm lạnh buốt của đại chủng viện Do Thái. Chỉ có rabbin và vài kỳ lão là biết sự hiện diện của hai người thôi.
Họ sống ở đó hai tuần. Rồi một buổi tối, vị rabbin đến kiếm và nói:
- Ngay cả ở đây nữa các con cũng không an toàn. Chúng ta chẳng nên lừa dối chính mình làm gì: chúng chắc chắn sẽ tìm ra các con, chỉ có vấn đề thời gian thôi. Chưa chi công an cảnh sát đã la cà quanh đây và đặt ra đủ loại câu hỏi. Vậy mà mùa đông sắp tới rồi, không thể nào còn đi được trên các con đường giá lạnh nữa. Bởi thế chúng ta thấy chỉ còn một lối thoát duy nhất: đưa các con đến trú ngụ cho qua đông sang xuân ở nhà một trong vài gia đình Do Thái đã cải đạo trong vùng này và đang làm nghề nông.
Jossi lắc đầu:
- Thưa giáo sĩ, chúng con hết sức đội ơn những gì các vị huynh trưởng đã làm cho chúng con, nhưng hai anh em đã có một dự định.
- Vậy hả? Dự định nào?
Yakov nói:
- Chúng con đi Palestine.
Vị rabbin có vẻ sửng sốt:
- Đi Palestine? Con định về xứ đó bằng cách nào đây?
- Chúng con đã vạch một lộ trình. Với sự giúp đỡ của Thượng đế....
- Chắc chắn Thượng đế sẽ giúp các con, nhưng không nên đòi hỏi ngài làm một phép mầu. Từ đây đến Odessa gần năm trăm cây số trong tuyết và lạnh. Và cứ cho rằng các con tới được Odessa đi, các con cũng không thể đáp tàu được vì không có giấy tờ. Không tàu nào dám nhận các con đâu.
- Chúng con sẽ không qua Odessa. Chúng con định đi bộ. Moise đã đi bộ trong bốn mươi năm: chúng con cũng phải làm như thế.
Vị rabbin suýt nữa phật lòng:
- Này người bạn trẻ, tôi không cần các anh nhắc tôi là Moise đã đi bộ trong bốn mươi năm. Nhưng lối so sánh táo bạo của anh vẫn chưa cắt nghĩa cho tôi hiểu làm cách nào các anh đi bộ được về Palestine.
- Kế hoạch của chúng con như sau: chúng con sẽ đi thẳng xuống phía nam, băng qua xứ Georgie ra khỏi Vùng. Sau đó chúng con sẽ đi qua xứ Caucase để sang Thỗ Nhĩ Kỳ.
Vị rabbin giơ hai tay lên trời:
- Điên rồ! Không thể thực hiện được! Các con quả thực nghĩ tới đi bộ ba ngàn cây số giữa mùa đông, leo qua những ngọn núi cao năm ngàn thước, không một chút giấy tờ, qua những vùng hoàn toàn chưa bao giờ biết, và với cảnh sát đuổi sau lưng sao? Chuyện này không đứng vững được đâu, các con! Các con mới vừa qua cái tuổi mặc quần cụt bao lâu đâu?
Yakov tiến lên một bước và nhìn vị rabbin bằng con mắt đầy cuồng nhiệt, cất tiếng đọc:
- “Con đừng sợ hãi gì cả vì ta ở với con. Ta sẽ cho gieo mầm của con về phía tây về phía đông, ta sẽ truyền cho miền bắc giải phóng con, truyền cho miền nam không được giữ con, để sau cùng ta đưa các con dân của ta ở tận các miền xa, ở tận cùng thế giới trở về”.
Ngày hôm sau, lúc trời tối, hai anh em Rabinsky, những kẻ đào tẩu bị truy tố vì tội sát nhân, chạy trốn khỏi Khartov để bắt đầu cuộc trường hành về miền nam.
Đêm rồi đêm, trong giá lạnh mỗi ngay một tàn bạo hơn, họ len lỏi tìm lối đi giữa các đám tuyết gió vun cao tới ngang thắt lưng, người cúi gập làm đôi để chống lại gió thổi mạnh. Bụng trống không, họ sống bằng những gì ăn cắp được trong các chuồng gà vịt và các nông trại. Ngay khi mặt trời mọc, họ nấp kín trong rừng già.
Suốt trong cuộc trường hành ác mộng này, chính Yakov đã không ngừng khơi dậy lòng can trường nơi người anh, thúc đẩy anh tiến thêm một bước, một bước nữa, lại một bước nữa, ngay cả khi hai người đã kiệt lực. Ngược lại, chính Jossi, nhờ thân xác khổng lồ, đã bù trừ cho sự yếu đuối thể chất của người em. Nhiều đêm, Jossi đã phải vác Yakov trên lưng trong ba, bốn, năm giờ liền vì chân người em sưng rớm máu. Nhiều ngày, Jossi đi phải nằm ôm lấy Yakov, lấy sức nóng của thân thể mình sưởi cho em.
Nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc hành trình về phía nam, trong tuyết và băng giá, chệnh choạng vì mệt, say lên vì đói, từng cây số lại từng cây số, một tuần lễ rồi lại một tuần lễ. Trong những ngày đầu xuân, hai anh em tới Rostov, và vừa đến ghetto, hai người gục xuống.
Vị rabbin địa phương tiếp đã họ. Mọi người săn sóc, nuôi nấng, cho họ thực phẩm và quần áo mới. Họ bắt buộc phải nghỉ ngơi nhiều tuần trước khi nghĩ tới chuyện lại ra đi.
Bây giờ, gần đến mùa hè, họ không còn phải chống lại với các yếu tố thiên nhiên thù nghịch nữa. Nhưng ngược lại, họ phải thận trọng gấp đôi: đã rời khỏi Vùng Cư trú của người Do Thái, họ không còn nương tựa được ở các cộng đồng từ trước tới giờ vẫn cho họ trú ẩn cùng trợ giúp. Đi dọc theo duyên hải Hắc hải, mỗi ngày họ càng tiến sâu vào xứ Georgie. Để có ăn, họ ăn cắp thực phẩm trong cánh đồng, ban ngày cẩn thận ẩn trú.
Với mùa đông trở lại, hai anh em bắt buộc phải có một quyết định quan trọng. Họ phải ẩn náu ở Georgie cho tới khi mùa đông qua, thử tìm cách vượt rặng Caucase, hay đoạt lấy một con tàu để thử vượt qua Hắc hải?
Cả ba giải pháp ấy đều bao hàm các nguy hiểm lớn lao. Trước hết họ gạt bỏ giải pháp đường biển: cả hai anh em chưa ai đặt chân lên một chiếc thuyền bao giờ. Mặc dù việc băng qua Caucase giữa mùa đông cũng là công cuộc điên cuồng không kém, nhưng lòng hối hả muốn rời bỏ đất Nga làm cho họ chọn liều giải pháp này.
Tới Stavropol, dưới chân các rặng hoành sơn đầu tiên, họ làm một loạt đánh cắp để trang bị từ đầu đến chân và các thực phẩm dự trữ. Rồi họ bắt đầu leo núi, hướng về phía Arménie. Họ phải chạy vắt chân lên cổ bởi vì cảnh sát rượt theo sát.
May mắn thay là những thử thách của mùa đông trước đã làm thân thể họ cứng cáp lên nhiều. Mặc dù không có đường đi, ở cao độ và cái lạnh ghê người, họ tiếp tục tiến, mới đầu từ thung lũng này sang thung lũng khác, rồi từ đèo này sang đèo khác, cho tới giới hạn sau cùng của đỉnh núi. Khi xuống núi, sức lực hao mòn dần dần, đến nỗi họ đi những cây số sau cùng trong một trạng thái hầu như không còn biết gì nữa.
Vào một ngày nắng ấm của mùa xuân, sau cùng hai anh em được sống giây phút không sao quen được của hơi thở tự do đầu tiên: họ đã rời “đất mẹ”, miền đất với họ bao giờ cũng chỉ là “mẹ ghẻ”. Khi vượt biên thùy Thổ Nhĩ Kỳ, Yakov quay lại “nhổ” vào đất Nga.
Giải thoát khỏi mối lo cảnh sát, họ không vì thế mà đã hết vất vả. Vùng này là miền núi, xứ sở khác hẳn những miền họ đã từng biết và không hề có tiền bạc giấy tờ. Họ mất hai tháng mới tới được rặng núi Ararat, nơi xưa kia con tàu của Noé đã chạm xuống đất sau cơn đại hồng thủy. Đi vòng quanh núi, họ vẫn tiếp tục tiến xa: hơn về phương nam. Đến mỗi làng, họ đều đặt câu hỏi
- Ở đây có người Do Thái không?
Đôi khi, có người Do Thái thật - những nông dân vừa ngu dốt vừa mê tín như những người Thổ mà họ cùng chung sống, nhưng vẫn còn giữ tục lệ ngày sabbat cùng các ngày lễ chính như kinh Torah đã ấn định. Khi đó, hai anh em Rabinsky chỉ cần tuyên bố ý định về Palestine, là được đón tiếp nồng hậu. Chưa một lần nào các người Do Thái ấy từ chối đón tiếp họ.
Hai năm như vậy qua đi. Ngày lại ngày, họ tiến bước, gậm nhấm dần khoảng cách giữa họ và nơi đến sau cùng, chỉ ngừng lại khi đã kiệt lực hay vì bắt buộc phải làm việc ngoài cánh đồng để kiếm ăn.
- Ở đây có người Do Thái không?
Họ rời Thổ Nhĩ Kỳ để tiến vào tỉnh Syrie. Ở Alep, lần đầu tiên họ tiếp xúc với thế giới Ả Rập: thứ tranh tối tranh sáng của tiệm tạp hóa Ả Rập, các phố xá đầy phân người, tiếng ca của vị muezin từ các tháp cầu nguyện...
Họ vẫn tiếp tục đi và tiếp tục đi, để rồi tiến vào vùng trời xanh trong của Địa trung hải, trong ánh sáng tuyệt vời bôi xóa rất nhanh kỷ niệm về những cơn gió lạnh buốt trên các cánh đồng cỏ mênh mông, trên các núi non. Ăn mặc rách rưới giống như những dân Ả Rập, họ đi dọc bờ biển Tây Á, vượt qua lãnh thổ Liban, băng sa mạc man dại giữa Tripoli và Beyrouth. Chậm chạp và đều đặn, họ tiến gần về miền Đất Hứa.
Tính cho tới ngày họ dừng bước trên một ngọn đồi dốc ngược năm 1888 ấy, là bốn mươi tháng sau khi chạy trốn khỏi ghetto ở Jitomir. Jossi Rabinsky, hai mươi tuổi, một bộ râu đỏ bao quanh khuôn mặt, một thước chín mươi đường gân và bắp thịt. Yakov Rabinsky, mặt nghiêm trọng, mắt đam mê cuồng nhiệt.
Dưới chân họ, chạy dài thung lũng Houleh ở phía bắc xứ Galilée... Galilée... Palestine... hai anh em đã đi tới đích cuộc trường hành, Jossi ngồi trên một tảng đá, hai tay ôm lấy mặt khóc nức nở.
Giữa quả đồi và đỉnh đầy tuyết phủ của ngọn Hermon, thung lũng nằm dài với chiếc hồ và các đầm lầy chạy dọc theo. Phía bên phải, một làng Ả Rập nằm như tổ chim ở một chỗ trũng của các ngọn đồi thấp hơn. Jossi xúc động. Đất Israel đẹp làm sao! Một ngày kia chàng sẽ trở lại nơi này, nơi mà chàng đã khám phá ra lần đầu tiên vẻ huy hoàng của xứ sở chàng.
Sáng ngày hôm sau hai người đi xuống, tiến về phía làng Ả Rập. Dưới bầu trời tươi sáng, các ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng có vẻ huy hoàng, với những nét thanh thanh nằm giữa các cánh đồng và vườn trồng cây như khảm vào các sườn đồi. Nhưng càng lại gần tất cả vẻ đẹp ấy, từ từ biến mất, để hiện ra một mùi hôi thối ghê khiếp. Trên đường duy nhất trong làng, một con đường đất đầy những rác rưởi, từng đám ruồi ào ra tấn công hai anh em. Một con chó ghẻ đang sục sạo trong một hố lộ thiên dùng làm cống để tìm một chút hơi mát. Những người đàn bà che mặt chạy vội vào các khung cửa bẩn thỉu, nhỏ bé, trong đó con người sống chung với gà, lừa và dê.
Hai anh em dừng bước ở giếng làng. Sự hiện diện của họ làm ngưng bặt tiếng cười nói của các thiếu nữ đang lo giặt giũ hay đội trên đầu những chiếc bình nặng hình dáng như các bình thời xưa. Jossi hỏi:
- Chúng tôi xin miếng nước được không?
Không một thiếu nữ nào dám trả lời. Bối rối, hai anh em kéo lấy một thùng nước, té vào mặt, đổ đầy bình chứa của mình rồi vội vã ra đi.
Cách một quãng nữa, một căn nhà lớn cũ kỹ được dùng làm quán cà phê maure [1]. Nhiều người đàn ông lờ đờ đang ngồi hay nằm dài luôn ra đất, trong một không khí dầy dặc mùi cà phê lẫn với mùi khói thuốc lá hay khói hachish [2]. Jossi hỏi:
- Vị nào vui lòng chỉ đường cho chúng tôi không?
Tại đây nữa cũng không ai trả lời. Sau chừng vài phút, một người Ả Rập đứng dậy, gật đầu ra dấu mời hai người đi theo. Hắn đưa hai anh em ra khỏi làng, đến tận lòng một con suối. Bên kia bờ là một giáo đường Hồi giáo nhỏ có tháp cầu nguyện vươn cao. Hai anh em được đưa vào một ngôi nhà nhỏ xinh xắn bằng đá đẻo, nằm dưới bóng mát của một tàn cây,  bên cạnh một giáo đường, đối diện là một căn nhà khác hình chữ nhật. Một căn phòng khá rộng, khá mát mẽ dễ chịu nhờ những bức tường dầy và cao có đục vài ba cửa sổ. Trên các ghế dài chạy dọc tường, có các gối nhỏ màu tươi. Hai bộ vũ khí Ả Rập và một vài bức chân dung thô sơ là những vật trang trí duy nhất cho căn phòng.
Sau một khoảng thời gian chờ đợi ngắn, họ thấy một người chừng hai mươi lăm tuổi đến, mặc một chiếc Burnos dài kẻ sọc và đội một chiếc mũ chụp trắng có bao một dải băng đen. Dáng điệu tự tin chứng tỏ là một nhân vật quan trọng.
- Tên tôi là Kammal. Tôi là mouktar (xã trưởng) của làng Abou Yeshan.
Ông vỗ tay. Nhiều thiếu niên, có lẽ là các em trai, mang cà phê và trái cây tới, trong khi các kỳ mục trong làng cũng lần lượt tới.
Trước sự ngạc nhiên của hai anh em, Kammal biết nói bập bẹ tiếng hébreu. Ông cắt nghĩa:
- Theo một truyền thuyết, Josué đã được chôn ở chỗ này là làng của chúng tôi. Chắc hai vị không biết Josué, tướng chỉ huy các dân cổ Do Thái, cũng là một trong những vị đại tiên tri của Hồi giáo.
Sau đó ông bắt đầu tìm hiểu xem hai vị khách là ai cùng mục đích của hành trình đến nơi này. Hẳn là một người Á đông trí thức, ông không đặt ra những câu trực tiếp. Sau khi đã đưa ra nhiều giả thuyết mơ hồ, ông giả đò cho rằng hai vị khách đã lạc đường: đây là lần đầu tiên thấy có người Do Thái trong thung lũng Houleb.
Khi được biết hai anh em đi tìm cộng đồng Do Thái gần nhất, ông có vẻ an lòng: hiển nhiên là ông sợ rằng hai anh em tới đây kiếm mua đất và lập nghiệp tại nơi này. Rời bỏ sự gìn giữ nghi ngờ, ông nói thật là không những ông chỉ là mouktar còn là sở hữu chủ tất cả đất đai trong làng, ông là người lãnh đạo tinh thần của cộng đồng và cũng là kẻ duy nhất biết đọc và biết viết.
Bị một cảm tình tự nhiên thúc đẩy, Jossi thuật lại cuộc chạy trốn của hai em khỏi nước Nga băng qua xứ Caucase, cùng trình bày ước vọng muốn được sống tại miền Đất Thánh. Sau khi chén cà phê sau cùng đã cạn từ lâu, trái cây cuối cùng đã ăn xong, hai anh em đứng dậy để xin cáo từ chủ nhân. Kammal nói:
- Quý vị sẽ tìm thấy các đồng bào của quý vị cách đây ba mươi cây số về phía nam. Trại ấy được gọi là “Rosh Pinna”, nằm giữa đường đi từ hồ Houleh tới biển Galilée, biển mà những người Ki-tô giáo gọi là hồ Tibériade. Dọc đường, quý vị sẽ đi qua một cái tel lớn, một vùng đất nhô cao bên dưới chôn vùi thành phố cổ Hazor mà Josué đã chiếm được của dân Cananéen... Cầu Thượng đế che chở cho quý vị!
Hai anh em đến trại Rosh Pinna vào lúc trời đổ tối, gây ra một xúc động mạnh cho người trong trại. Được đưa vào một căn nhà lớn dùng làm phòng họp công cộng, họ bị hỏi hết câu này đến câu khác. Nhưng hai anh em đã rời bỏ Jitomir từ bốn mươi tháng rồi, họ chỉ có thể trả lời bằng những vụ pogrom mở màn từ 1881 chưa ngừng tiếp diễn.
Vừa nói hai anh em vừa cố giấu các buồn thảm của mình. Quả thực Rosh Pinna thất vọng ê chề. Đáng lẽ ra là các trại thịnh vượng như đã tưởng tượng, hai anh em chỉ thấy một ngôi làng khốn khổ gồm vài chục người Do Thái sống lùi xùi trong các điều kiện hầu như đáng thương, cũng như những dân Ả Rập ở Abou Yesha. Một trong những người Bilu nhận xét:
- Đôi khi tôi nghĩ rằng chúng tôi ở lại Nga có lẽ lại hơn. Ít nhất trong các ghetto, chúng ta sống với nhau, có sách vở, có thể bàn luận với bạn bè, và có đàn bà. Ở đây hoàn toàn không có những điều đó. Hoàn toàn là không.
Jossi nói:
- Tôi không hiểu. Tất cả những gì mà thiên hạ đã kể ở hội Thân hữu của Sion...
Người Bilu đó cười khẩy:
- Hẳn là thế rồi. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi cũng đều đầy hy vọng và lý tưởng khi tới đây. Nhưng cái xứ này sẽ làm chúng ta mất hết ảo tưởng ngay. Các anh thấy rồi chứ? Xứ này bị tàn phá, mất hết chất dinh dưỡng, bị hủy hoại đến nỗi không còn cây gì có thể mọc lên nổi nữa. Và chút ít gì chúng tôi rút được từ đất cát ra đều bị tụi Bédouin ăn cắp ngay, và những gì tụi này quên không mang theo, thì tụi Thổ lại tới vét sạch. Ở địa vị, ở tuổi các anh, tôi sẽ đi thẳng ra Jaffa để lên chiếc tàu đầu tiên đi Mỹ châu.
Một người khác hùa theo:
- Tôi cũng sẽ làm thế. Ở đây, chúng tôi sống được là nhờ sự bố thí phước thiện, không có lòng hảo tâm của các họ Rothschild, Hirsch, Schuman [3], chúng tôi chắc sẽ chết đói.
Mất tinh thần, phân vân, hai anh em Rabinsky sáng hôm sau lại lên đường đi Safed, một trong bốn thành phố thánh của Do Thái giáo. Nằm trên đỉnh một quả đồi đẹp hình trụ, Safed chế ngự lối vào thung lũng Houleh. Jossi, hy vọng sẽ tìm thấy an ủi ở nơi này: mọi người đã nói với chàng là Safed có từ ba bốn thế hệ rồi, một cộng đồng Do Thái rất sùng đạo, để cả đời vào việc nghiên cứu Cabale, bản tuyển văn chép những lời diễn giải thần bí về Thánh Kinh. Nhưng Safed chỉ là một sự nhắc lại đau đớn hơn nữa nỗi thất vọng đã có ở Aosh Pinna: một vài trăm người cao tuổi, sống bằng của bố thí, quả bị thu hút vào những cuộc thảo luận vô ích để còn có thể lo tới việc làm phục sinh Nhà của Jacob. Một thành phố ngủ im, cô lập với thế gian, nghèo đói kinh khiếp.
Họ chỉ nghĩ có một ngày trước khi trèo lên ngọn Canaan. Mặc dù quang cảnh tuyệt vời nhìn từ đỉnh núi, Yakov mỗi lúc càng để niềm chua chát của mình tự nhiên bộc lộ. Trải qua bao nhiêu khổ đau, vượt qua bao nhiêu thử thách ngoài sức người, để rồi sau cùng tấp vào cái xứ khốn khổ này! Jossi trách em:
- Không nên ngã lòng như thế. Chú đừng quên là ngày mai chúng ta sẽ lên đường đi Jérusalem.
Jérusalem! Thành phố yêu dấu, kinh đô của David và của Salomon... Cái tên gọi thần thánh này làm Yakov lạc quan trở lại.
Nhưng than ôi, không lạc quan lâu! Càng tiến xuống phía nam, ngay cả đến Jossi cũng mất tin tưởng. Từ các bờ hồ Tibériade đến những cánh đồng mà xưa kia Saladin người Kurde đã chống lại các Thập tự quân, miền Đất Hứa chỉ là một chuỗi dài những đầm lầy hôi thối và cát khô cằn cỗi. Một ngàn năm đô hộ của Thổ và Ả Rập đã lột sạch các của cải tài sản miền này, đến độ đất đai trơ trụi mệt nhoài.
Hai anh em chỉ tìm lại hăng hái của mình ngày mà trên một ngọn đồi miền Judée, họ nhìn thấy điểm tới sau cùng của họ: Jérusalem! Trong khoảng một thời gian ngắn, những năm thiếu thốn và hiểm nguy xóa nhòa hết. Băng qua trên sườn đá sỏi, họ chạy qua Cửa Damas vào đô thị cổ có các tường thành bao quanh, họ đi sâu vào các đường hẻm ngoằn nghoèo đầy những cửa hàng bách hóa để đến giáo đường vĩ đại Hourva. Jossi nói nhỏ:
- Nếu bố chúng ta có mặt được ở đây với hai ta...
Yakov lên tiếng đọc:
- “Tay tôi sẽ mất khéo léo nếu ngày nào tôi quên Jérusalem...”
Từ giáo đường này, họ tiếp tục đi về chỗ giáo đường Hồi giáo Omar, nơi còn di tích duy nhất của đền Salomon là Bức Tường Than Khóc. Chỉ sau khi đã cầu nguyện ở nơi thành kính nhất này, hai anh em mới nghĩ tới việc kêu gọi lòng hảo tâm của những người Do Thái trong đô thị.
Lẽ ra họ chẳng nên mất công như vậy. Cộng đồng Jérusalem gồm toàn các Chasidim, các siêu chính thống Do Thái cuồng tín cắt nghĩa các lời dạy trong kinh thánh một cách chật hẹp và nghiêm khắc đến nỗi họ sống cuộc đời khép kín, không tiếp xúc với đời sống thực tại. Ngay cả ở bên Nga, các tín đồ phái này cũng sống cách biệt với các dân Do Thái khác trong ghetto.
Lần đầu tiên kể từ khi rời Jitomir, Yakov thấy một cánh cửa nhà Do Thái khép kín lại trước mắt họ. Các Chasidim của Jérusalem không hề cảm tình với các Bilu vì họ sợ các ý tưởng phạm thượng của các Thân hữu của Sion.
Bị coi là những kẻ lạ mặt xâm nhập ở ngay trên chính đất nước mình, hai anh em lại ra đi, hướng về Jaffa. Đây là một hải cảng rất cổ thường được xử dụng từ thời dân Phénicien cho tới giờ, cũng tỏ ra không khác gì Beyrouth, Alep hay Tripoli: cũng bẩn thỉu dơ dáy như thế, cũng con đường nhỏ hẹp, cũng các cảnh cũ kỹ hoang tàn. Nhưng dầu sao ở các vùng phụ cận, có một số cộng đồng Do Thái nhỏ, và ngay trong hải cảng có nhiều cơ sở thương mại Do Thái cùng một sở nhập nội. Chính qua sở này, Jossi và Yakov biết rõ đầu đuôi mọi sự.
Một câu chuyện não lòng! Tổng cộng trước sau chỉ có chừng năm ngàn Do Thái trong trấn Palestine thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa đa số những người này lại là (các triết gia) thu hình trong việc nghiên cứu kinh thánh và cầu nguyện, tập trung trong bốn thành phố thánh Safed, Jérusalem, Nébron và Tibériade. Các nông trại - chưa quá một chục - đều nghèo khổ, chỉ thoát được đi cái đói nhờ ở các trợ cấp của vài nhà hảo tâm tỷ phú nào đó. Lý tưởng ban đầu của các Bilu đã không chống trả được mấy với thử thách của thực tại. Tưởng tượng với sự phục sinh Nhà của Jacob khi ta còn ở trong một căn hầm thuộc Vùng là một chuyện - đối diện với sự đổ nát hoang tàn của một quốc gia bị người và thiên nhiên hủy hoại lại một chuyện khác. Hơn nữa, các Bilu không có một kinh nghiệm nào trong địa hạt canh nông. Các chuyên viên do các nhà hảo tâm Âu châu gửi về cho lại chỉ thỏa mãn với giải pháp dễ dàng nhất: xử dụng nhân công Ả Rập, hết sức rẻ, và giới hạn xuất cảng: ô liu, nho, bưởi, bòng. Đến nỗi rằng trong các nhóm Do Thái lập nghiệp ở xứ này, không có người Do Thái nào tự mình làm việc - không rờ đến cái cầy hay cái cuốc - và không nơi nào họ chịu thử nỗ lực đạt tới mức sản xuất quân bình.
Tình hình lại còn thê thảm hơn nữa là các người Ả Rập cùng các chủ của họ, người Thổ, [4] ăn cắp và tước đoạt tối đa tài sản của người Do Thái. Các tay ăn cướp lang thang người Bédouin coi những người Do Thái nhập nội như là các “con của thần chết” lý do vì họ không chịu tự bảo vệ bằng vũ khí. Chính quyền Thổ đánh thuế hoa mầu hết sức cao, và ngoài ra con tìm trăm phương ngàn kế cấm đoán đủ thứ.
Trong bức tranh tình hình thê thảm này, chỉ có một tia ánh sáng hy vọng duy nhất: sự hiện diện trong vùng Jaffa vài trăm người Do Thái trẻ, tương tự như hai anh em Rabinsky, đang cố gắng duy trì tinh thần của phong trào Bilu. Hết đêm nọ tới đêm kia, các chàng trai trẻ này thảo luận với nhau trong các quán cà phê Ả Rập. Nếu sự phục hồi Palestine hầu như là một công cuộc không thể làm được, ta vẫn còn có thể thực hiện được dần dần nhưng với một điều kiện duy nhất: một đợt đông đảo các người trẻ, khỏe mạnh, có tinh thần cầu tiến. Jossi ước đoán rằng đợt người nhập nội ấy sắp có trong một tương lai gần: tại Nga, các vụ Pogrom xảy ra mỗi lúc mỗi nhiều, càng ngày càng dữ dội, sát nhân hơn, và trong tất cả mọi ghetto trong vùng, giới trẻ đang xáo động. Con trai và con gái thuộc giới trẻ bắt đầu hiểu rõ rằng có những vấn đề mà cả kinh thánh lẫn kinh Talmud đều không thể giải quyết được.
Ngay khi tới Jaffa, Jossi đã viết thư cho rabbin Lipzine. Sau một năm mới có thư trả lời: mẹ của hai anh em đã chết vì buồn phiền.
Trong bốn hay năm năm sau đó, Yakov và Jossi tập làm người. Lúc thì họ làm việc như phu khuân hàng ở cảng Jaffa, lúc làm việc trong các nông trại Do Thái quanh vùng. Khi cộng đồng Jérusalem đã đông tràn ra ngoài, các tường thành của đô thị cổ, hai anh em đi làm thợ nề. Sống từng ngày một, hết làm nghề này đổi qua nghề khác, họ dần dần mất tiếp xúc với truyền thống thuần túy cùng tập tục sâu đậm tôn giáo của đời sống trong các ghetto. Đến nỗi rằng họ trở thành mẫu người điển hình cho một giòng giống Do Thái mới, trẻ, khỏe mạnh, hoạt động, ý thức mình được hưởng một thứ tự do mà không một người Do Thái nào trong Vùng được biết tới. Tuy thế họ còn lâu mới hài lòng: họ mơ tưởng đến một mục đích mà họ đã từng chiến đấu, và cũng mơ tưởng đến một liên hệ thực sự với những đồng bào còn ở lại bên Âu châu.
1891, 1892, 1893 - một số di dân nhập nội, một con số ít ỏi, nhưng kẻ cùng khốn chỉ có làm dài thêm danh sách phước thiện của nam tước Rothchild, nam tước Thirsch và của nhà tỷ phú Thụy Sĩ Schuman.
Yakov và Jossi không thể biết được rằng dòng đời của họ sắp sửa đổi theo một chiều nhất định và dứt khoát. Trong một phần đất khác của thế giới, các biến cố thê thảm và các nỗ lực bướng bỉnh đã đang nhào nặn số mệnh của quốc gia Do Thái tương lai.
Chú thích:
[1] Maure: một sắc dân Ả Rập.
[2] Hachish: một thứ ma túy tương tự như cần sa ở Việt Nam.
[3] Những dòng họ Do Thái tài phiệt rất giàu ở Âu và Mỹ.
[4] Trong thời kỳ này, Palestine là một thuộc địa của Thỗ Nhĩ Kỳ.