Chương 2
Jitomir (Ukraine), 1884

     imon Rabinsky, làm nghề đóng giày, cùng vợ là Rachel có hai con trai, niềm vui và kiêu hãnh của một đời sống buồn tẻ và cực khổ. Vốn linh hoạt và hăng hái, Simon Rabinsky có cái lưỡi sắc bén cho một tâm hồn lúc nào cũng tỉnh táo. Con trai cả là Jossi to lớn, cao gần hai thước với mái tóc bờm sờm đỏ hung, hiền và hay suy tư bao nhiêu thì Yakor, đứa con trai thứ, càng ồn ào và hay gây gổ bấy nhiêu. Nếu đấng sáng tạo nghĩ tới chuyện đặt trí óc phong phú của người này vào trong thân thể cường tráng của kẻ kia thì chắc chúng ta kể như sẽ có một siêu nhân.
Gia đình Rabinsky hết sức nghèo khổ, ở trong phần đất Tây Nga bao gồm các xứ Bessarabie, Ukraine, Crimée và một vài vùng Bạch Nga, nghĩa là trong vùng những người Do Thái được phép cư ngụ tại Nga. Vùng này được gọi là “vùng ngụ cư” ấn định vào năm 1804. Trên thực tế, vùng đó là cả một ghetto vĩ đại: Nioscou và Saint­Petersbousg đều cấm không cho người Do Thái bén mảng đến, ngoại trừ một số hiếm hoi khá giàu để xin được quyền cư ngụ đặc biệt cho con cái bằng cách biếu khéo léo “các món quà” những nơi cần biếu. Thực ra còn một cách nữa để thoát ra ngoài “vùng cư ngụ” bắt buộc ấy nhưng các người Do Thái rất mong được khước từ: đó là 25 năm quân dịch bắt buộc mà thanh niên Do Thái phải thi hành theo một tỷ số bách phân nhất định.
Trong khu Do Thái ở Jitomir cổ xưa và đầy ắp người ở, Simon Rabinsky cùng gia đình đều phải chịu tới hai thứ giam giữ: một mặt là lệnh cấm rời khỏi vùng, một mặt khác là một cuộc sống đã vạch sẵn, chán nản và gò bó. Các tiếp xúc giữa các cộng đồng Do Thái cùng đa số dân Nga theo Ki-tô giáo trên bình diện xã hội hoàn toàn là không có, còn trên bình diện thương mại thì cũng rất ít. Người khách từ bên ngoài tới viếng đều đặn nhất là nhân viên thu thuế, một nhân vật rất đáng sợ lúc nào cũng sẵn sàng sai áp bất cứ cái gì, từ các giá nến thờ đến các đồ thờ phụng khác. Ít đều đặn hơn nhưng lại thường xảy ra, đó là các vụ xâm nhập của dân Cosague, sinh viên, hợp thành từng đoàn người dữ tợn ham muốn giết người ào vào trong khu!
Vì bị tách rời ra khỏi cộng đồng rộng lớn của quốc gia, những người Do Thái ít cảm thấy quyến luyến “quốc-gia-mẹ” này. Ngôn ngữ thông dụng là yiddish, một thứ Đức ngữ lai căng, còn ngôn ngữ cầu nguyện là tiếng hébreu cổ. Họ khác các dân Nga ngay cả về phương diện y phục: họ đội mũ đen và cái áo đuôi tôm đen bằng vải gabardine. Và dù lệnh cấm, nhiều người để tóc uốn quăn thành từng lọn tròn xoắn bao quanh khuôn mặt - đối với người Nga lúc đó, việc săn bắt một người Do Thái có tóc kiểu này để cắt các lọn tóc quăn ấy là cả một trò thể thao thịnh hành.
Dù gia đình Rabinsky sống cảnh nghèo khổ, họ vẫn có những thú vui - nói thực ra thì rất khiêm tốn - cùng những trò giải trí đơn giản. Có những vụ ngồi lê đôi mách trong khu, những vụ sinh nở, cưới xin, lễ xác tín và cả những vụ tang ma nữa. Cũng có những ngày lễ tôn giáo và lễ đẹp nhất là họ cử hành ngày sabbat hàng tuần. Chiều thứ sáu, Simon Rabinsky cùng các gia trưởng khác đều trở thành như vua hết. Ngay khi tiếng kèn nổi vang lên ngoài các đường ngõ hẹp, Simon đặt các dụng cụ làm việc xuống để chuẩn bị hai mươi bốn giờ sống cảm thông với Thượng đế. Sau khi đã cử hành các nghi lễ tẩy uế thân xác trong các nhà tắm công cộng, Simon mặc chiếc cafetan bằng lụa đen đẹp đẽ, đội chiếc mũ có viền lông thú, kiêu hãnh đi cùng Jossi và Yakov đến nhà thờ.
Khi trở về nhà, theo tục lệ đòi hỏi, ông vẫn kiếm ra một gia đình nghèo hơn mình để mời đến cùng chia xẻ bữa cơm ngày lễ. Dưới ánh sáng của các ngọn nến, ông đọc một lời chúc phúc, thêm vào vài câu biết ơn thượng đế, Rachel dọn ra cá chiên, nui nấu trứng, khoai nghiền gà. Sau bữa cơm tối, gia đình đi dạo trong ghetto hay tiếp đón bạn bè (ở cửa hiệu vì nhà ở quá chật không có phòng khách).
Ngày thứ bảy, Simon Rabinsky cầu nguyện, suy tư, nói chuyện với các con để xem chúng tiến bộ tới đâu cùng cho biết những kiến thức của ông về phương diện triết lý và tôn giáo. Và khi hoàng hôn xuống loan báo chấm dứt lễ sabbat, toàn thể gia đình cùng cất tiếng hát bài hát cổ xưa của các ghetto: “Hân hoan mừng, ô Israel... cầu mong niềm thất vọng sẽ tiêu tan...”
Ngay hôm sau dĩ nhiên lại phải kéo cầy trả nợ, trở lại với các thực tại cực khổ của đời sống thường nhật. Trong căn hầm vừa dùng làm nơi ở vừa dùng làm quán nhỏ, Simon Rabinsky lại bắt đầu cúi người xuống bàn làm việc, bàn tay khô héo xiết chặt lấy cái đục. Chính vào những lúc như thế này, đã có khi ông thì thào đọc lời cầu than có từ nhiều ngàn năm rồi, bắt nguồn từ ngày những người cổ Do Thái bị bắt giữ ở Babylone:
“Nếu ngày nào tôi quên Jérusalem, tay phải tôi sẽ không còn khéo, lưỡi tôi sẽ cứng lại... nếu, một ngày nào tôi không thích Jerusalem hơn niềm vui thích thú nhất của tôi...”
Là một người có niềm tin rất sâu xa, quen tìm lại được an ủi mới mỗi khi cầu nguyện, Simon vẫn không thể không nhận thấy sự cùng khốn bao quanh mình.. Đôi khi ông thốt lên: “Cho tới khi nào đây, thưa ngài? Lũ chúng con phải bị sống trong bóng tối này cho tới khi nào?”. Nhưng sau đó hy vọng lại nảy sinh trong tâm ông, đột nhiên tâm hồn đầy hăng hái, ông đọc lại đoạn ông thích nhất trong lời cầu nguyện ngày phục sinh:
“Năm sau, về Jérusalem..”
Cái năm sau ấy, bao giờ mới tới? Liệu đấng cứu thế một ngày kia có tới đưa họ về xứ Israel chăng?