Phần 2 - Chương 1
Đất này thuộc ta

     rận chiến Exodus đã chấm dứt.
Trong khoảng thời gian một vài phút, những chữ: “Exodus sẽ được phép ra đi” vang lên trên khắp các làn sóng điện. Trong khoảng thời gian vài giờ, tin này được đăng trên trang đầu của tất cả các nhật báo trên thế giới.
Tại đảo Chypre, dân chúng vui mừng hò reo và toàn thể mọi người trút ra một tiếng thở dài nhẹ nhõm.
Nhưng trên chiếc tàu kéo cũ kỹ bây giờ đã trở thành lịch sử này, các trẻ em không còn hơi sức để ca khúc khải hoàn nữa.
Người Anh khẩn khoản yêu cầu Ben Canaan cho tàu trở lại bến để người Anh có thể săn sóc về sức khỏe cho các trẻ, tiếp tế thực phẩm nhiên liệu cùng xét lại máy móc. Ari hoàn toàn vui lòng nhận lời. Ngay lập tức một hoạt động cuồng nhiệt diễn ra trong hải cảng. Cả một đoàn y sĩ quân y Anh lên tàu và cho đưa những trường hợp nặng nhất lên tầng dưới khách sạn Dôme bây giờ được xử dụng như dưỡng đường tạm thời. Cả một làn sóng quà tặng - thực phẩm, quần áo, chăn màn - ùa đến cầu tàu. Các kỹ sư của Hải quân Hoàng gia xem xét tàu từ đầu chí cuối, trám các lỗ thủng cùng chỗ nước rỉ, thử lại các máy tàu. Nhiều ê kíp vệ sinh cọ rửa, tẩy trùng chiếc tàu cũ cho đến khi tàu bóng lên như đồng bạc cắc mới.
Kitty lo lắng chờ đợi mãi cho tới khi nhiều y sĩ đã cho biết tình trạng Karen đã khả quan, nàng mới ban cho mình phép được hưởng tiện nghi xa xỉ: một chậu tắm nước nóng, một đĩa thịt bò lớn, hai ly whisky và một giấc ngủ kéo dài mười bảy giờ liền.
Khi thức giấc, Kitty nghĩ là mình sẽ bắt buộc phải có một quyết định. Vấn đề nàng phải giải quyết là một vấn đề lưỡng nan: hoặc là nàng chấm dứt, dứt khoát chuyện Karen, hoặc là nàng theo cô gái này sang Palestine.
Đến giờ uống trà, Mark đến phòng thăm nàng. Nàng hỏi:
- Vẫn náo nhiệt trong các tòa soạn các báo chứ anh!
- Nói thực ra, thì không. Câu chuyện Exodus đã cũ hai mươi bốn tiếng rồi và trang báo thuật lại chuyện ấy bây giờ chỉ còn dùng vào việc gói cá ngoài chợ thôi. Ngày tụi trẻ lên bờ ở Haifa, báo chí còn tìm thấy chất liệu để chạy một tít thật đẹp cùng với một bức hình cũng thật đẹp. Rồi sau đó là hạ màn!
- Con người chóng quên quá...
- Không đến nỗi thế đâu em. Chẳng qua là nhân loại ưa cục cựa thôi. Luôn cần tin tức mới, luôn luôn tin tức mới!
Kitty không đáp. Suy nghĩ, nàng nhấm nháp ly trà. Mark châm một điếu thuốc, thu hình ngồi thoải mái trong một ghế bành, gác hai chân lên thành cửa sổ. Kitty hỏi:
- Còn anh, anh định làm gì?
- Anh? Xét rằng kẻ mang tên Mark Parker đã hơi lạm dụng lòng hiếu khách và tử tế của Đức Vua Anh quốc khi ở trên đảo này... Trước hết anh sẽ trở về Hoa Kỳ để hít thở không khí quê nhà một chút, sau đó có lẽ anh sẽ đi một vòng Á châu. Hình như tình hình rắc rối ở đó.
- Anh có tin rằng người Anh sẽ để anh vào Palestine không?
- Cái gì chứ cái đó chắc là không quá. Họ không lấy gì làm mến chuộng anh cho lắm, nếu không phải là tệ hơn. Giữa đàn ông với nhau, anh thông cảm với họ lắm.
- Anh cho em một điếu thuốc.
Chàng châm một điếu Chesterfield và đưa cho nàng.
- Về phần em, không thể nói em đã để phí thì giờ. Trước khi đi ngủ, em còn đủ sức chạy tới tận văn phòng Thống đốc để yêu cầu được chiếu khán nhập nội Palestine! Dĩ nhiên là người Anh, cư xử như các gentleman hoàn toàn, đã chấp thuận cho em, còn nghiêng mình kính nể thêm là khác. Đối với họ, em chỉ là một thiếu phụ Hoa Kỳ trong sạch và khỏe mạnh đã thi hành bổn phận nữ điều dưỡng của mình. Dĩ nhiên là nếu An ninh Quan đội biết là em đã chơi giỡn bằng cách làm giao liên cho Mossad... Thôi, tóm tắt lại! Em sẽ đi Palestine hay là không đi?
- Nếu em biết được em muốn sao nữa thì còn nói gì nữa!
- Em muốn nói là vẫn chưa quyết định sang xứ đó!
- Em chỉ muốn nói là chính em cũng chưa biết nữa.
- Rồi, cô bé. Anh đoán là em muốn anh thúc đẩy em sang Miền Đất Thánh. Em muốn anh nhắc đi nhắc lại là: phải đi Palestine em phải đi Palestine. Có đúng thế không?
- Chính ra thì tại ý nghĩ phải sống với toàn dân Do Thái không mà thôi... Em không bao giờ thấy thoải mái khi gặp gỡ họ hết... Em không làm sao khác được...
- Mặc dù thế em cảm thấy hoàn toàn thoải mái với Karen, phải không? Karen vẫn làm em nhớ tới đứa con gái đã chết?
Kitty lắc đầu.
- Thực ra thì không. Trước kia thôi. Karen có cá tính quá mạnh để có thể... bất cứ ai khác. Nhưng em yêu, em cần nó...
Mark ngắt lời:
- Cứ cho là thế đi. Nhưng thưa bà Kitty Fremont, tôi muốn được hỏi bà một câu khác, một câu hỏi nổ như trái phá...
- Em chờ...
- Kitty! Em có yêu Ari Ben Canaan không, có hay là không?
Kitty quay mặt đi. Nàng có yêu người thanh niên to lớn người Palestine đó không? Chắc chắn là nàng đã ý thức rằng sự hiện diện, giọng nói, mắt nhìn của chàng đã là một mê hoặc đối với nàng, tính cương quyết và sức mạnh thể xác làm nàng sợ hãi mơ hồ và lòng can trường của chàng làm nàng đầy thán phục. Nàng cũng nhớ lại có những lúc nàng ghét chàng cay đắng. Nhưng các tình cảm phức tạp này có phải là tình yêu không? Nàng nói nhỏ:
- Em cũng không biết nữa, anh Mark. Em không thể nào gần hay dấn thân với anh ấy được... Nhưng em cũng hoàn toàn không thể tránh xa, chạy trốn anh ấy... Em không hiểu tại sao thế. Em không hiểu nổi nữa....
Một lúc sau Mark ra về. Kitty thay y phục, rời khách sạn. Mặt trời vừa lặn khi nàng ra tới các ke. Phía bên kia đường, Zev Gilboa và Joab Yaiconi đang coi sóc việc đưa thực phẩm lên tàu. Kitty liếc mắt nhìn chung quanh kiếm, hy vọng sẽ trông thấy Ari. Nhưng nàng không thấy chàng đâu hết.
Đáp lễ Zev và Joab chào nàng một cách thân hữu, nàng tiến về phía hải đăng. David Ben Ami ngồi trên một thềm gạch đang ném những viên sỏi cho thác lát trên mặt nước yên tĩnh của hải cảng.
- Shalom, Kitty! Chị có vẻ khỏe hẳn rồi đó.
Nàng ngồi xuống bên David. Trong khoảng thời gian vài phút, hai người ngắm những ánh nắng chiều phản chiếu trên mặt biển. Kitty hỏi:
- Anh đang nghĩ tới xứ sở anh phải không?
- Vâng.
- Nghĩ tới cả Jozdana nữa... Có phải tên nàng... Em gái của anh Ari? Anh sắp được gặp lại cô ta chứ?
- Nếu may mắn một chút, tôi có thể được sống với nàng vài ngày.
- Chúc anh được toại ý. Anh David, hãy cho tôi biết các trẻ em của Exodus, chúng sẽ ra sao ở Palestine?
- Chúng tôi sẽ lo cho chúng. Chúng là tương lai của chúng tôi.
- Nhưng... Hẳn là chúng cũng có thể gặp nguy hiểm chứ?
- Không thể tránh được. Nhiều nguy hiểm hơn là khác.
Hai người im lặng. Sau cùng David táo bạo hỏi:
- Chị có đi cùng với chúng tôi không?
Nàng cảm tưởng như tim mình ngừng đập.
- Tại sao anh hỏi tôi vậy?
-... Chúng tôi đã bắt đầu quen có chị rồi. Hơn nữa anh Ari có hôm đã nói tới vấn đề này.
- Nếu anh Ari muốn biết rõ, tại sao tự anh ấy không đi hỏi thẳng tôi?
David cười:
- Anh Ari chẳng bao giờ yêu cầu ai cái gì bao giờ.
Đột nhiên Kitty quyết định:
- Anh David, anh phải giúp tôi việc này. Tôi đang cảm thấy phân vân, không hiểu rõ chính tôi nữa.. Anh hình như là người duy nhất có thể hiểu...
- Tôi sẽ hết sức giúp...
- Anh này, cho tới giờ ít khi tôi quen biết người Do Thái. Thú thật với anh là người Do Thái làm tôi ngỡ ngàng.
- Điều đó không có gì lạ đâu chị. Chính chúng tôi còn làm chúng tôi ngạc nhiên ngỡ ngàng nữa là!
- Tôi xin lỗi là nói quá thẳng, nhưng tôi có cảm tưởng là một người lạ mặt giữa các anh...
- Điều đó hoàn toàn là bình thường, chị Kitty ạ. Cảm tưởng của chị cũng là cảm tưởng của đa số thiên hạ thường có đối với chúng tôi. Ngay cả ở một số rất ít người mà chúng tôi gọi là bạn, những người đã tỏ ra hết sức tận tụy đối với chúng tôi một cách có thể gọi là cuồng nhiệt, họ cũng có thứ cảm tưởng như vậy. Những người này cho rằng có lẽ họ đã đồng lõa theo một cách thế nào đó với các tội trạng mọi người đã gây ra cho chúng tôi, những kẻ khác thì muốn làm người Do Thái... Giữa chúng ta tôi nói thật, đó quả là một ý nghĩ khôi hài! Nhưng quả thật thì bọn tôi hợp thành một tập thể kỳ lạ.
Kitty thở dài:
- Lấy một người như anh Ari Ben Canaan chẳng hạn: sau bộ mặt lạnh lùng thản nhiên ấy, anh ấy là ai? Liệu anh ấy có một đời sống thực sự không?
David quả quyết:
- Có thực chứ. Nhưng cũng rất phức tạp. Muốn định nghĩa anh Ari, tôi phải nói anh là sản phẩm thất bại, một thứ hoang thai của lịch sử.
Chậm chạp, hai người trở về khách sạn trong bóng hoàng hôn đang rơi xuống bao phủ thành phố.
David nói tiếp:
- Tôi tự hỏi không biết bắt đầu từ đâu đây. Muốn cho chị hiểu Ari, chắc chắn tôi phải đi ngược hai thế hệ, đến tận ông của Ari là Simon Rabinsky sống ở Jitomir xứ Ukraine bên Nga: như vậy chúng ta trở ngược lại quá khứ khá xa, mãi đến tận năm 1884.