Chương 22

     arsovie, mùa hè 1939
Mendel Landau là một người làm bánh mì khiêm tốn ở Varsovie. So với giáo sư Johann Clement, ông ở đầu bên kia bậc thang xã hội - về phương diện xã hội, tài chánh cũng như trí thức. Nói cho thực ra, hai người này không có điểm nào chung, ngoại trừ điểm cả hai cùng đều là Do Thái.
Với tư cách Do Thái, người này cũng như người kia đều phải giải quyết mỗi người theo một lối riêng, vấn đề tương quan của họ đối với thế giới họ sống chung quanh. Giáo sư Clement đến phút chót còn bám vào lý tưởng muốn đồng hóa hoàn toàn với quốc gia mình sinh sống. Còn Mendel Landau đã đi đến một kết luận hoàn toàn khác hẳn.
Chính đời sống bên ngoài đã làm cho Mendel Landau có cảm tưởng ông chỉ là một kẻ lạ mặt. Từ bảy trăm năm nay, những Do Thái Ba Lan phải chịu những hành hạ đi từ bạo hành đến chết chóc. Bị giam hãm trong các ghetto, nơi mà sự cô lập đã tạo ra rất nhiều giáo phái thần bí cùng các đấng cứu thế giả, họ ít có thể đủ sức chống lại một quần chúng lúc nào cũng sẵn sàng xâm nhập khu họ ở để cướp bóc, hiếp dâm, giết chóc. Nhất là lại càng không đủ sức chống lại những vụ tràn vào tập thể như vụ năm 1648 đã đưa tới một vụ tàn sát tới năm trăm ngàn người Do Thái. 1648, ba thế kỷ trước Hitler!
Tuy vậy, năm 1939 Ba Lan là một nước Cộng hòa và ba triệu dân Do Thái cư ngụ trên lãnh thổ này không còn bị dồn vào sống chật chội trong các ghetto bần cùng khốn khổ nữa. Nhưng không phải như thế là hết bị áp chế. Các người Do Thái vẫn bị đánh các sắc thuế đặc biệt, vẫn bị những vụ tẩy chay về kinh tế cũng như xã hội, và các vụ pogrome [1] vẫn bùng ra như trong quá khứ. Chính thức ra họ được kể là công dân, nhưng các dân Do Thái vẫn là dân cùng đinh là con dê chịu tội cho mọi sự. Những người Ba Lan, ít ra là quần chúng đa số, coi người Do Thái phải chịu trách nhiệm về lụt lội mỗi khi trời mưa nhiều quá, cũng như phải chịu trách nhiệm về hạn hán nếu trời mưa ít quá.
Đến nỗi rằng Mendel Landau và Johann Clement bắt buộc phải đi đến các kết luận hoàn toàn đối nghịch nhau. Clement chắc sẽ ngạc nhiên lắm nếu mọi người dị nghị tư cách dân Đức của ông, còn Landau, mặc dù gia đình đã cư ngụ ở Ba Lan từ bảy thế kỷ rồi, vẫn hoàn toàn ý thức rõ mình vẫn là kẻ lạ mặt xâm nhập quốc gia này.
Ít có khuynh hướng thần bí về tôn giáo, Mendel Landau chỉ có giữ các ngày lễ Do Thái, chỉ cho kinh thánh một giá trị tài liệu lịch sử. Vì thế, về di sản để cho con cháu, ông chỉ mang lại có một niềm tin bám rễ sâu xa. Ngược lại, ông nhất quyết mang lại cho các con một ý tưởng. Gọi là ảo tưởng thì đúng hơn bởi vì ý tưởng này có vẻ xa vời, ảo vọng, không thể thực hiện nổi. Ý tưởng này là một ngày kia, các người Do Thái phải trở về Palestine để xây dựng lại quốc gia, lại trở thành một nước. Theo ý Mendel Landau, chỉ với điều kiện này thôi người Do Thái mới có thể chinh phục được sự bình đẳng mà thế gian đã từ khước không chịu nhận. Nói thực ra, Landau, không đưa lòng lạc quan của mình bước tin rằng chính ông một ngày kia sẽ thấy được Palestine, và ông cũng chẳng tin rằng các con ông sẽ được biết tới niềm hạnh phúc này. Nhưng ông tin ý tưởng của ông.
Về điểm này, ông không phải là kẻ duy nhất tin như vậy trong ba triệu người Do Thái ở Ba Lan. Có hàng trăm ngàn đồng bào ông đã theo về cùng một hướng đó và chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã bắt nguồn và lấy các sức mạnh đầu tiên từ đám quần chúng đông đảo này, những kẻ phục quốc chính thống, phục quốc xã hội cũng như nhiều nhóm nhỏ phục quốc tranh đấu, và cả phục quốc trưởng giả nữa.
Bắt buộc phải làm việc lao lực vất vả để nuôi dưỡng gia đình, lẽ tự nhiên là Mendel Landau thuộc nhóm xã hội. Nhóm của ông, một thứ nghiệp đoàn tự do, được gọi là Những Người Chuộc Tội. Tất cả cuộc đời của Landau xoay chung quanh hoạt động của hội này. Có những buổi thuyết trình của những kẻ đã đi Palestine về, có những người mới xin gia nhập hội, có nhiều sách phải đọc, nhiều tài liệu phải phổ biến, các buổi bàn luận, các buổi tối có khiêu vũ hát, và nhất là nỗ lực luôn luôn phải đổi mới để duy trì cho ý tưởng lớn lao kia khỏi phai nhạt tàn lụy. Các Người Chuộc Tội cũng như các nhóm phục quốc Do Thái khác, có các trung tâm nông nghiệp để cho các con trai con gái tới học nghề canh tác. Đôi khi họ con gửi một “đoàn” sang Palestine để khẩn hoang các đất đai do tổ chức Quê hương Do Thái mới mua được.
Gia đình Landau gồm có sáu người. Mendel và vợ là Léah, một người nội trợ kiểu mẫu, và cũng là vợ hiền mẹ tốt. Mundek, con trai cả, là một chàng trai khỏe mạnh mười tám tuổi, làm việc cùng với cha ở lò bánh mì. Hai con gái: Ruth, mười bảy tuổi, hết sức nhút nhát e thẹn, người yêu của Jan, một trong những trưởng toán trong hiệp hội, và Rebecca vui vẻ, ồn ào, dễ vui dễ buồn như mọi cô gái mười bốn tuổi khác. Con út trong nhà là Dov, mười tuổi, một cậu bé dễ thương tóc vàng mắt xanh, còn quá trẻ để được nhận vào hội, rất phục ông anh cả đã có lòng khoan dung cho phép cậu được tham dự các buổi hội hợp.
Ngày 1 tháng 9. 1939
Sau khi đã tạo ra nhiều biến cố rắc rối ở biên thùy, quân Đức xâm lăng Ba Lan. Cùng ngày hôm đó, Mendel Landau cùng con trai cả Mundek lên đường thi hành lệnh tổng động viên.
Trong một chiến dịch chớp nhoáng hai mươi sáu ngày, Wehzmacht đánh tan tành quân lực Ba Lan. Mendel Landau tử trận, một trong ba mươi ngàn người Do Thái đã chết trong quân phục Ba Lan, Mundek, thoát chết trong trận Varsovie, khó nỗi thỏa mãn buồn rầu là thấy mình trở thành gia trưởng.
Sự kiện đáng chú ý là đa số dân Do Thái Ba Lan đi lấy ước mơ làm thực tại, cho rằng sẽ chẳng có gì xảy đến nguy hiểm cho họ hết nên đã khoanh tay trông chờ. Ngược lại, rất nhiều nhóm, đoàn thể phục quốc Do Thái, trong đó có hội của Landau, lại cho rằng việc Đức chiếm đóng Ba Lan sẽ đưa họ đến chỗ lâm nguy tính mạng. Các đoàn thể này quyết định sẽ giữ liên lạc với nhau, và nhất là hành động cùng loạt với nhau. Nói thực ra, đó là một vụ thống nhất hành động khá lý thuyết. Một số tổ chức khác thích tị nạn sang vùng an toàn (bấp bênh và thường chỉ là ảo vọng) là Nga sô, cái quốc gia đã lợi dụng vụ xâm lăng của Đức để nuốt chửng một nửa phía đông của Ba Lan. Có các tổ chức khác thiết lập những hệ thống bí mật hay lập các đường dây đào thoát ra ngoại quốc.
Trong khi ấy, Những Người Chuộc Tội nhất quyết bám lấy Varsovie để thành lập ở đó một cái nhân kháng chiến, và dĩ nhiên là bây giờ họ sẽ nỗ lực duy trì các liên lạc với các nhóm Những Kẻ Chuộc Tội ở các thành phố khác. Mandek, dù rằng chưa được mười chín tuổi, đã được chỉ định làm chỉ huy quân sự và Jan, người tình của Ruth Landau, làm chỉ huy phó.
Toàn quyền mới của “đất bảo hộ Ba Lan”, Hans Frank đã khai trương triều đại của mình bằng một loạt luật lệ chống Do Thái. Ngoài việc cấm thờ phụng, giới hạn di chuyển cùng các thuế má mỗi ngày một nặng cắt cổ, còn thêm việc loại trừ các người Do Thái ra khỏi hàng ngũ công chức, trường học, các vườn công cộng và nơi công cộng, và còn cấm cả việc xếp hàng nối đuôi trước các cửa hàng thực phẩm nữa. Đồng thời một chiến dịch “tẩy não” dữ dội làm khơi dậy nỗi thù hằn tiềm ẩn trong các người dân Ba Lan đối với các người Do Thái cũng là công dân nước này như mình. Đúng đấy, chính bọn Do Thái đã gây ra chiến tranh, ít ra một cách gián tiếp, và chính tại lỗi bọn Do Thái nên người Đức mới phải xâm lăng Ba Lan để “giải phóng Ba Lan khỏi bè lũ Do Thái bôn sơ vích”. Đúng đấy, chính tụi Do Thái đã cưỡng hiếp các vị nữ tu. Đúng đấy, việc xâm phạm các tu viện Do Thái quả thực là một biện pháp trả đũa xứng đáng.
Những lời ám chỉ loại này không thể không có tiếng vang đáp lại.
Mùa đông 1939-1940 thật khó khăn cho gia đình Landau. Cái chết của Mendel, các tin đồn về chuyện sẽ có tái lập các ghetto, các vụ lưu đầy dân Do Thái và sự thiếu hụt thực phẩm mỗi ngày một trầm trọng làm cho cuộc sống mỗi ngày một trở thành khó khăn thêm.
Một buổi sáng tháng giêng 1940, nhiều tiếng đập cửa vang dội. Đó là toán công an Ba Lan, tụi “xanh” như người ta gọi theo màu đồng phục họ mặc, những kẻ hợp tác hăng hái với quân Đức. Họ loan báo một cách tàn nhẫn cho Léah biết là bà chỉ có hai giờ để sửa soạn hành lý và dọn tới một khu khác của Varsovie. Dĩ nhiên là không hề có vấn đề bồi thường gì hết cho căn nhà. Hơn nữa toàn gia Landau còn chưa đủ thì giờ để thu gọn cùng chuyên chở những gì mà Léah đã tích lũy bằng cách hết sức tiết kiệm trong hai mươi năm lấy chồng.
Trong khoảng thời gian vài ngày, tất cả Do Thái ở Varsovie đã được “định cư lại” trong một khu ở trung tâm thành phố, gần đường xe lửa chính. Một khu chật hẹp, dài mười hai khối nhà, ngang sáu. May mắn là Mandek và Jan, hành động nhanh, đã lấy được một nhà ba tầng vừa dùng làm nơi ở vừa dùng làm tổng hành dinh cho hơn một trăm đoàn viên Những Người Chuộc Tội. Năm người trong gia đình Landau sẽ chỉ có một buồng duy nhất, đồ đạc chỉ gồm có các ghế vải dài để nằm và hai chiếc ghế bành. Còn về bếp và phòng tắm, họ dùng chung với mười gia đình khác. Léah đã giấu được mang theo một vài nữ trang cùng đồ linh tinh mà chắc chắn sau này sẽ cần dùng tới. Trong lúc này, tình hình tài chánh của họ tương đối dễ chịu: Mandek tiếp tục hành nghề làm bánh mì, và các đoàn viên Những Người Chuộc Tội đã tổ chức được một bếp ăn chung cho tất cả.
Mỗi ngày qua, một làn sóng Do Thái bị đuổi khỏi các thành phố ở các tỉnh tràn vào khu “của họ”. Một đoàn người dài dặc đàn ông đàn bà mệt nhoài, mỗi kẻ chỉ mang trên lưng hay trên một xe bò tồi tàn một vài tài sản mà “các nhà cầm quyền” còn để lại không tịch biên. Khu phố, đã đầy người rồi, trở thành một nơi con người ở chồng chất lên nhau hiểu theo nghĩa sát nhất của từ ngữ. Gia đình Jan đến ở chung với gia đình Landau nên bây giờ cả thẩy là chín người sống trong một phòng. Những người khổ sở nhất vì sự ở chật chội này là Ruth và Jan: mối tình rụt rè thầm kín của họ bây giờ không ai là không biết.
Khi ấy người Đức ra lệnh cho người Do Thái chỉ định những cố vấn để quản trị khu vực. Mọi người hiểu rất nhanh là thứ “quận hành chánh” này chỉ là một dụng cụ thi hành những biện pháp do người Đức ban ra. Nhưng cũng có những người Do Thái cho rằng thận trọng ra, ta nên tìm cách “thu xếp” với quân Đức, đã gia nhập cảnh sát Do Thái mới. Trong thời gian này, dân số trong khu đã vượt quá số nửa triệu người.
Cuối năm 1940, quân Đức trưng dụng nhiều ngàn Do Thái sung vào các tiểu đoàn lao công cưỡng bách. Chung quanh khu vực, quân Đức cho xây một bức tường cao ba thước trên có kẽm gai. Tại mười lăm lối ra, các tên “xanh” Ba Lan và Lithuanie giữ việc canh gác. Như vậy, ghetto đã được tái lập. Trong một thời gian thật ngắn, sự giao liên với bên ngoài hầu như ngừng hẳn. Mendek, làm việc ở ngoài thành phố, trở thành thất nghiệp. Việc phân phối thực phẩm trở thành gắt gao đến nỗi số thực phẩm được cung cấp chưa đủ nuôi một nửa dân số trong khu. Chỉ những gia đình nào có một hay nhiều người có thể gia nhập một đại đội lao công cưỡng bách mới có may mắn thoát khỏi nạn đói thôi.
Việc thành lập ghetto đã gây ra cả một cơn kinh hoàng. Một số người tìm cách đổi tiền và nữ trang lấy thực phẩm lậu, nhiều người khác chạy trốn tới các nhà người Ba Lan công giáo. Chín trên mười trường hợp loại này đã đưa đến một kết quả bi thảm: những người chạy trốn hoặc bị lính gác bắn chết, hoặc bị phản bội bởi những người giả vờ nhận đón tiếp họ. Mỗi ngày đời sống bên trong bức tường càng trở thành một cuộc chiến đấu thường nhật cho đời sống, hiểu theo nghĩa cụ thể nhất.
Trong tình trạng tuyệt vọng này, Mundek Landau tỏ ra có những đức tính xứng đáng của người gia trưởng. Địa vị của chàng trong Những Kẻ Chuộc Tội đã làm chàng xin phép được Hội đồng Do Thái điều khiển một trong những lò bánh mì hiếm hoi còn hoạt động trong ghetto. Nhờ ở chàng, những người trong đoàn có thể nói là có gần đủ ăn.
Tháng ba năm 1941, mười tám tháng sau khi xâm lăng Ba Lan, Adolf Hitler chọn lựa “giải pháp chót” cho vấn đề Do Thái. Một sự kiện đáng chú ý là Hitler đã ra chỉ thị này dưới hình thức khẩu lệnh. Sáu tuần lễ sau Heydrich, một bậc chưởng thượng trong các tổ chức an ninh mật vụ Đức, cho hội một số cán bộ các cấp trong đảng quốc xã trong một buổi hội bàn bí mật để cho biết quyết định của Fuhrer.
Giải pháp chót này là diệt chủng.
Đại tá S.S. Eichmann, chuyên viên về các vụ tái định cư cưỡng bách, được trao phó nhiệm vụ “bôi xóa dịch Do Thái khỏi toàn diện châu Âu”.
Trong khoảng thời gian vài tháng, các Einsatzkommondos (mật vụ đặc công) tổ chức một cuộc bố ráp vĩ đại trên toàn cõi Ba Lan, các quốc gia vùng Ba nhĩ cán và các vùng lãnh thổ Nga do quân đội Đức chiếm đóng. Vào lúc đầu, tất cả các đoàn mật vụ đặc công này áp dụng cùng một phương pháp. Họ bắt một vài trăm Do Thái, chuyển đến một nơi vắng, bắt đào hố chôn mình sẵn. Rồi họ ra lệnh cho người Do Thái cởi quần áo và quỳ xuống dọc theo hố. Kế đó chỉ cần bắn cho một phát súng vào thái dương rồi hất xác xuống hố.
Các toán mật vụ đặc công làm việc hiệu quả, một phần lớn nhờ ở thái độ của dân chúng địa phương chống Do Thái đã từ lâu không hề phản đối những vụ hành quyết này. Tuy vậy, giới cao cấp thấy ngay là hiệu năng của những toán diệt chủng này không đủ mức. Không phải bằng những phát đạn vào gáy, lối giết chậm và cổ xưa này, mà người ta có thể hoàn tất được nhiệm vụ Fuhrer đã chỉ định. Người ta cũng đã hy vọng rằng chính Do Thái sẽ góp phần vào đại cuộc này bằng cách chết đói: nhưng các người Do Thái, một lần nữa lại tỏ ra thiếu thiện chí, chỉ chết vì đói một số rất ít.
Hiển nhiên như vậy là phải làm một cái gì khác. Eichmann, Himmler, Streicher và khoảng một chục ông chúa nhỏ hơn, lại bắt đầu làm việc để soạn thảo ra một kế hoạch vừa rộng lớn vừa hết sức đáng chú ý.
Phải chọn những địa điểm xa dân cư, gần một đường xe lửa. Sẽ xây cất tại đó những trại đã được nghiên cứu để vừa ít tốn kém nhất, vừa cho phép diệt người theo lối dây chuyền, trên một mức độ lớn. Nói tóm tắt, đó là những công cuộc dựa vào các nguyên tắc kỹ nghệ.
Việc điều khiển các cơ sở mớ này sẽ được trao cho những kẻ đã lên được những cấp bậc đầu tiên trong các trại tập trung đầu tiên ở chính ngay nước Đức.
Vào đầu mùa đông 1941, ghetto Varsovie thấy con số tử lên đến mức kỷ lục. Đói và lạnh cũng tỏ ra tàn sát giỏi như bệnh thổ tả và dịch hạch ngày xưa. Những đứa bé sơ sinh quá yếu không khóc nổi, các ông già quá yếu không cầu nguyện nổi chết hàng trăm. Mỗi sáng, lại thêm những xác mới nằm trong các đường hẻm. Các toán vệ sinh đi lại trong ghetto, ném lẫn lộn các xác lên xe bò, đưa tới lò thiêu xác.
Dov Landau bây giờ đã mười một tuổi. Từ khi lò làm bánh mì của ông anh đóng cửa, hắn đã bỏ trường để đi lang thang từ sáng đến chiều kiếm đồ ăn. Đây là một thứ trường khác, nơi con người học một mình, nghệ thuật sống còn. Dov tỏ ra là một học trò ưu hạng: trong một vài tuần lễ, hắn đã nhanh nhẹn, mẫn cán và mưu kế tàn nhẫn như thú hoang. Nhưng tất cả các đức tính này cũng không đủ làm đầy nồi cơm gia đình. Gia đình Landau đó có khi hai, ba, năm ngày không được ăn. Léah bỏ ra nốt các đồ nữ trang sau cùng để đổi lấy in extremis những gì làm nổi thành một bữa ăn. Dẫu sao, vào đầu tháng hai, Những Người Chuộc Tội đã có may mắn đặc biệt là chiếm được con ngựa. Một con ngựa già, ốm đói (và hơn nữa, còn là một thứ thịt giáo luật Do Thái cấm không cho ăn nữa), nhưng quả thực là ngon lành!
Ruth và Jan cưới nhau vào cuối đông. Dĩ nhiên là hai người hưởng tuần trăng mật trong căn phòng mà họ vẫn sống chung với bảy người nhà. Nhưng hẳn là hai người vẫn tìm được vài khoảng khắc thân mật riêng tư: vào mùa xuân, Ruth có thai.
Còn Mundek, vẫn là người chỉ huy không ai dám chối cãi của đoàn Những Người Chuộc Tội. Trong những trách vụ của anh, nhiệm vụ quan trọng nhất là sự duy trì liên lạc với bên ngoài. Chắc chắn là có thể mua chuộc được công an cảnh sát Ba Lan và lính gác người Lithuanie, nhưng Mundek thích giữ tiền lại để dành cho một vụ đào thoát sau cùng có thể có. Ngược lại, anh cố gắng thiết lập được nhiều lộ trình xuyên “dưới tường” bằng các ống cống. Các vụ lẻn ra ngoài Varsovie này bao hàm nhiều nguy hiểm lớn: nhiều toán du đãng Ba Lan luôn luôn rình rập một người Do Thái nào đó để làm tiền (nếu người có tiền trong người) hay để bắt trao cho quân Đức để lấy một món tiền thưởng khá hậu.
Những Người Chuộc Tội đã mất tới năm người giao liên rồi. Từ ngày mà mọi người chờ đợi vô vọng người thứ sáu trở về - đó là Jan, chồng của Ruth, bị tụi du đãng bắt gặp trao cho Gestapo treo cổ - Dov đề nghị thay thế cho người đã mất. Mundek cương quyết từ chối mặc dù Dov đã đưa ra đủ luận cứ vững chắc: với tóc vàng mắt xanh, Dov sẽ ít bị để ý nhất, và vì còn quá ít tuổi, sẽ đỡ bị nghi ngờ hơn. Hơn nữa, Dov biết rõ hệ thống ống cống như lòng bàn tay mình. Mundek hoàn toàn hiểu rõ các điều đó nhưng anh không sao đành lòng gởi đứa em út vào nơi hiểm nguy như thế. Tuy vậy, một thời gian sau, khi đã mất nốt người giao liên thứ sáu rồi thứ bảy, anh đành cho phép Dov ra đi. Anh cắt nghĩa với bà mẹ:
- Dù ở trong hay ở ngoài ghetto, chúng ta cũng là chơi trò ú tim với thần chết cả.
Léah nói nhỏ:
- Mẹ biết thế lắm. Vào lúc chẳng còn có thể làm thế nào khác thì...
Dov là tay giao liên chắc chắn là giỏi nhất trong lịch sử của ghetto. Để bắt đầu, hắn tìm sẵn khoảng chục lộ trình khác nhau. Mỗi tuần hắn có thể nói là “vượt dưới tường” bước đi trong bóng tối hoàn toàn đầy nước bùn hôi thối của các cống Varsovie. Khi đã vượt qua được vòng thành, hắn đi ngoằn ngoèo tới số 99 đường Zabrowska, nhà một người đàn bà mà hắn chỉ biết dưới tên là Wanda. Sau một bữa cơm vội vã, hắn lại trở xuống cống, mang nặng các súng lục, đạn dược, tiền bạc, các cơ phận cho chiếc máy vô tuyến duy nhất của ghetto cùng các tin tức về các ghetto khác cùng các người kháng chiến.
Khi không có nhiệm vụ, Dov sống hàng giờ với chị Rebecca cặm cụi làm tất cả các giấy tờ giả mạo, Ausweise và giấy thông hành. Dov đề nghị làm giúp chị. Sau một vài tuần lễ, rõ ràng là học trò đã tiến bộ hơn thầy. Vào năm mười hai tuổi, Dov Landau, với cặp mắt bén nhọn và bàn tay chính xác, đã trở thành tay làm giấy tờ giả mạo giỏi nhất ghetto.
Vào cuối mùa xuân 1942; nhiều trại diệt chủng “kỷ nghệ hóa” đã sẵn sàng hoạt động. Để thanh toán dân Do Thái Varsovie, quân Đức đã chọn lựa một khu đất chừng vài chục mẫu hoàn toàn xa lánh các cặp mắt tò mò, tại một nơi gọi là Treblinka. Tại đó có hai dãy nhà lớn với mười ba phòng hơi ngạt, có các dãy nhà cho thợ thuyền và nhân viên Đức, cùng nhiều cánh đồng bỏ hoang để thiêu xác. Thế mà Treblinka mới chỉ là trại mở đầu cho rất nhiều trại khác hoàn thiện hơn sẽ được thành lập về sau này.
Trong những ngày đầu tháng bảy, nhiều toán quân Đức đột nhập vào ghetto để tiến về tòa nhà có Hội đồng Do Thái. Thoạt nhìn, đây có vẻ chỉ là một vụ bố ráp mới nhằm làm gia tăng quân số các đại đội lao công cưỡng bách. Nhưng rất nhanh mọi người nhận thấy quân Đức lần này có các ý định khác. Đáng lẽ kiếm các trai tráng khỏe mạnh, họ lại chỉ chú trọng tới các ông già và trẻ con ít tuổi. Ngay lập tức cơn kinh hoàng bùng ra.
Đoàn người đáng thương gồm các người già và trẻ nít (nhiều đứa đã bị lôi ra khỏi tay mẹ) được tập hợp lại ở Umschlagplatz (địa điểm lọc lựa) rồi được dẫn tới đường xe lửa có một đoàn toa chở súc vật dài chờ sẵn. Một đám đông thẫn thờ dự khán vụ lên tàu. Quân Đức, bị xô đẩy bởi các cha mẹ điên cuồng muốn lấy lại con, đã súng cầm tay và bắn, không chỉ thiên, mà nhắm cẩn thận để giết người. Việc lên tàu thực hiện rất nhanh nhờ ở một trận mưa đấm đá. Và đoàn tàu chuyển bánh tiến về Treblinka, về “giải pháp sau cùng”.
Mười lăm ngày sau, Dov Landau mang từ đường Zabrowska về một tin kinh khủng. Theo một bản báo cáo mới nhận được, những người bị bắt trong cuộc bố ráp đầu tiên và năm vụ sau đó đã chết trong các phòng hơi ngạt của một trại có tên là Treblinka. Các tin tức khác từ ghetto các tỉnh cho biết có nhiều trại khác nữa: Bezlec và Chemno trong vùng Varsovie, Maidanek gần Lublin. Mọi người tin rằng còn biết có chừng mười hai trại loại này đang sắp hoàn tất.
Ngay ngày hôm đó, Mundek, sau khi hội thảo với các cấp chỉ huy các đoàn phục quốc khác, tung ra lệnh tổng khởi nghĩa. Sẽ phá các lỗ hổng ở tường bao, ào ra ngoài...
Phản ứng bản năng, tuyệt vọng, không có một căn bản thực tế nào. Trước hết những người Do Thái không có phương tiện gì để chiến đấu, ngoài hai bàn tay không. Kế đó là những người đã bị trưng dụng và các đơn vị lao công cưỡng bách lại tin chắc rằng với thẻ gia nhập các đơn vị này, họ sẽ được tha cho sống sót. Và nhất là vụ khởi dậy của ghetto lại không thể trông cậy ở một yểm trợ nào từ bên ngoài. Cho dù có không chấp nhận sự giết hết các Do Thái Ba Lan đi nữa, dân Ba Lan cũng đã chẳng làm gì để tỏ ra rằng không tán thành việc đó. Tại Varsovie cũng như trên toàn cõi, chỉ một thiểu số rất nhỏ là có lẽ chịu cho mọi người Do Thái trốn tránh trong nhà mình.
Chính vì thế lệnh khởi nghĩa chỉ dẫn tới một cuộc tranh luận kéo dài trong do phe chính thống và phe xã hội chống đối nhau kịch liệt. Dẫu sau sự kiện nguy hiểm sau cùng đã xảy tới rồi nên cuộc thảo luận cũng đi tới một kết quả cụ thể: các nhóm dị đồng thôi không cãi cọ nhau vô ích nữa và đồng ý đặt dưới một quyền chỉ huy duy nhất để tìm tất cả mọi cách để cứu những người sống sót trong ghetto.
Trong nhiều tuần lễ, Dov trong mỗi lần ra đi bằng ống cống, đều mang một điệp văn gởi cho kháng chiến Ba Lan để yêu cầu trợ giúp và cung cấp vũ khí. Hầu hết những lời kêu gọi này đều không có tiếng vang đáp lại. Và một vài điệp văn hiếm hoi được đạo quân Ba Lan thuận trả lời thì cũng chỉ là những phúc đáp mơ hồ.
Một buổi sáng tháng chín Mundek và Dov trở về nhà và khi mở cửa buồng, cả hai hiểu rằng một tai họa đã xảy ra. Đứng giữa buồng, vẻ ngơ ngác, run rẩy, Robecca nhìn hai anh em với cặp mắt ngây dại. Mundek phải mất công lắm mới làm nàng thuật lại được việc đã xảy ra.
- Mẹ và chị Ruth... Quân Đức đã đến xưởng kiếm họ. Chúng đã mang người tới Umschlagplatz...
Dov quay gót định nhảy bổ ra ngoài. Mundek phải túm lấy ngang người mới giữ em lại được.
- Dov! Chú hay nghe đây: Không còn thể làm gì nữa đâu!
- Mẹ! Mẹ! Em muốn gặp mẹ!
- Thế chú muốn coi tụi chúng đưa mẹ lên lầu sao? Anh xin chú...
Vì có thai đã tám tháng, Ruth làm quân Đức mất cái thú vị cho nàng vào phong hơi ngạt Treblinka. Nàng đã chết trong khi sinh cùng đứa con trong một toa tàu chở đầy nghẹt người đến nỗi nàng không sao còn chỗ để nằm ra nữa.
Ngày hôm đó ở Trebinka, đại tá S.S. Wirth chỉ huy trưởng trại, đang nổi giận dữ dội. Một lần nữa, máy móc ở các phòng hơi ngạt chính lại hỏng đúng vào lúc có tin báo một chiếc tàu chở người Do Thái từ Varsovie tới. Và các kỹ sư trong trại đã cho biết là không thể nghĩ tới chuyện sửa kịp trước khi tàu đến. Và lại còn bất hạnh hơn nữa là Himmler và Eichmann sẽ đến thanh tra trại. Thế mà hắn đã nghĩ tới tổ chức một màn giết người phụ nữ để chào đón các thượng cấp!
Sau cùng hắn đành phải thu thập tất cả các xe hơi có hơi ngạt có thể tìm được trong vùng và gởi ra chỗ tàu đổ. Trên nguyên tắc, các xe này có thể chứa được - và giết được bằng hơi ngạt - chừng hai mươi người một lần nhưng vấn đề bây giờ là phải làm nhanh... Bắt các nạn nhân giơ tay lên cao, quân Đức kiếm thêm được chỗ để nhét thêm bảy hay tám người Do Thái nữa. Vào phút chót một kẻ nào nhận ra còn chừng hai mươi phút nữa giữa các đầu người và trần xe: một khoảng trống đủ để nhét thêm chừng chục đứa trẻ nữa. Bởi vì dùng mọi phương tiện để đạt tới mục tiêu...
Léah Landau đã chứng kiến con gái chết trong toa xe ngay sát cạnh bà thẫn thờ, đã điên lên một nửa, bà hầu như không biết tới đoàn tàu đã dừng lại, vừa mới xuống đến đất, bà bị ném vào giữa một nhóm chừng ba mươi người. Rồi bằng roi gân bò và sự trợ lực của các con chó của cảnh sát Đức bắt nhóm này leo lên một trong các xe vận tải. Tay giơ lên ép sát đầu. Khi xe đã đầy đến mức tối đa, quân Đức đóng cửa lại và cho động cơ chạy. Trong khoảng thời gian một phút không khí bên trong đầy oxyde de carbone. Khi các cam nhông tiến vào Treblinka để ngừng lại trước các hố đã đào sẵn, tất cả những người trong xe đều đã chết. Bây giờ chỉ còn việc thẩy xác xuống và lục lọi các miệng méo mó để nhổ những vòng bao răng, răng giả bằng vàng, rồi sau đó là lấp hố.
Trước khi chết, Léah Landau ít nhất cũng hài lòng là quân Đức sẽ không lấy được vàng ở răng bà. Bà đã gỡ tất cả ra một năm trước đây để mua thực phẩm.
Mùa đông trở lại và các cuộc bố ráp mỗi ngày một xảy ra nhiều hơn.
Khi ấy, ghetto chui xuống đất ẩn thân. Các người Do Thái xuống ở các hầm đã có sẵn, đào thêm các hầm mới, hoàn tất công trình vĩ đại dưới đất. Rồi họ biến các hầm sơ sài đó thành các công sự phòng ngự, các bunker thật sự có nhiều phân nhánh đến nỗi trở thành một hệ thống địa đạo rộng lớn.
Mỗi ngày qua, số người quân Đức và các phụ lực quân hốt được càng giảm. Tụi S.S. tức điên lên: các chỗ trú ẩn che giấu khéo đến nỗi gần như không thể khám phá ra nổi. Sau cùng đích thân tổng trấn Varsovie đến ghetto để thảo luận với vị chủ tịch Hội đồng Do Thái. Bằng một giọng không cho bàn cãi, tổng trấn đòi vị này hợp tác: cần phải làm gia tăng chương trình tái định cư bằng cách lôi ra các “kẻ đào nhiệm” muốn lẩn tránh một “công tác ngay thật”.
Từ ba năm nay Hội đồng Do Thái xoay xở vật lộn giữa các biện pháp quân Đức cưỡng buộc phải thi hành cùng các nỗ lực tuyệt vọng để cứu các đồng bào. Bây giờ các vị này lâm vào thế trến đe dưới búa, không thể làm gì được nữa. Viên tổng trấn vừa đi khỏi, vị trưởng cộng đồng Do Thái đã tự sát.
Mùa đông vẫn tiếp tục. Số tử lên tới một con số ghê khiếp, với một nhịp độ vượt qua trí tưởng tượng điên rồ nhất. Vào ngày cuối năm 1942, chỉ còn năm chục ngàn người còn sống trên tổng số một trăm năm chục ngàn mà quân Đức đã nhét vào ghetto.
Một buổi sáng giữa tháng giêng, Dov sắp sửa xuống cống để đến đường Zabrowska một lần nữa thì Mundek và Rebecca yêu cầu đợi một chút đã. Mundek bắt đầu nói trước:
- Nghe anh đây chú. Anh chị đã suy nghĩ kỹ rồi và đã đi tới quyết định là chú phải ở lại luôn bên kia tường.
- Chắc là một nhiệm vụ đặc biệt?
- Không phải thế. Chú chưa hiểu...
- Anh muốn nói gì?
Rebecca nói xen vào:
- Anh chị muốn nói là đã quyết định gởi chú ra ngoài ghetto để không trở lại nữa.
Dov nhìn anh chị không hiểu. Hắn biết là mọi người cần tới hắn. Chẳng phải hắn là kẻ biết rõ các ống cống hơn ai hết sao? Các giấy tờ và thông hành giả hắn chế tạo ra đã chẳng cho phép hơn một trăm người Do Thái trốn thoát khỏi Ba Lan sao?
Rebecca nói tiếp:
- Em hãy cầm lấy bao thư này. Nó đựng tiền và các giấy tờ. Em sẽ trốn ở nhà bà Wanda cho tới khi bà kiếm được một gia đình công giáo nào chịu tiếp nhận em.
Dov nói:
- Không, không đâu, nhất định em không chịu! Các anh chị đã có quyết định không hỏi gì em. Em không chịu đâu.
Mundek cắt ngang:
- Chú phải tuân lời. Đó là một lệnh tôi ra cho chú phải thi hành nhân danh quyền gia trưởng.
Thấy Dov sắp sửa phản đối, Rebecca ôm lấy em trong tay vuốt tóc.
- Chị xin em, Dov. Em đã lớn rồi, đâu phải còn trẻ nít nữa, anh Mundek và chị trong những năm gần đây không có mấy dịp để cưng chiều em. Có lẽ đến hàng trăm lần chị đã thấy em tuột xuống cống để mang đồ ăn cắp về cho anh chị. Đó là tất cả những tuổi ấu thơ anh chị đã mang lại được cho em...
- Đó đâu có phải là lỗi tại anh chị.
Mundek đồng ý:
- Đúng. Nhưng duy chỉ có đều hôm nay anh chị yêu cầu chú, xin chú đừng từ chối điều anh chị ao ước nhất trên đời này: Đó là cái may mắn - có lẽ may mắn chót - để em thoát ra khỏi cái địa ngục này và sống một cuộc đời bình thường.
- Em cóc cần các điều đó miễn là em được ở lại với anh chị.
- Chú phải cố hiểu điều này: ít nhất cũng còn phải có một người trong giòng Landau sống sót. Anh chị yêu cầu chú sống thay cho anh chị, thay cho tất cả.
Dov nhìn, người anh mà hắn tôn sùng bấy lâu. Đôi mắt của anh như biện hộ một cách xúc động cho điều vừa nói. Sau cùng hắn cúi đầu xuống, nói nhỏ:
- Em hiểu. Em sẽ cố sống.
Hắn nhét bao thư vào một túi vải để phòng ngừa nước và bùn trong cống. Rebecca cúi xuống ôm hắn vào lòng thì thào:
- Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Israel.
Mundek nói:
- Chú đã là một chiến binh can đảm. Anh hãnh diện đã được chỉ huy một chiến binh như chú. Shalom, Chiến binh Dov!
- Shalom, chỉ huy trưởng!
Dov trải qua ngày sinh nhật thứ mười ba trong các ống cống Varsovie, bì bọp trong bùn hôi thối, tiến về nhà Wanda. Chưa bao giờ hắn thấy tim lại có thể đè nặng trong lồng ngực đến như vậy.
Hắn ra đi đúng lúc. Ba ngày sau, ngày 18 tháng giêng 1943, S.S., công an Ba Lan và Lithuanie từ nhiều hướng tiến vào ghetto. Chúng định vét năm chục ngàn người Do Thái trong mẽ lưới vĩ đại cho giai đoạn chót của “giải pháp sau cùng”.
Trong vòng mười phút, bị một loạt đạn đón tiếp, chúng chạy lui lung tung, để lại nhiều người chết.
Tin tức mới loan ra trong Varsovie như một vệt thuốc súng: Ghetto đã nổi dậy! Đến tối, tất cả thành phố lắng nghe trước các máy phát thanh điều chỉnh trên luồng sóng phát của máy vô tuyến phát thanh Do Thái nhắc đi nhắc lại không ngừng lời kêu gọi sau:
“Hỡi đồng bào Ba Lan! Ngay hôm này chúng tôi đã mở đầu trận đánh chống độc tài áp bức. Chúng tôi kêu gọi tất cả các người anh em sống ngoài ghetto hãy vùng lên đánh kẻ thù chung! Hãy chiến đấu với chúng tôi!”.
Lời kêu gọi này không hề được đáp ứng. Nhưng ngay chiều hôm đó, lá cờ có ngôi sao David đã được kéo lên trên tổng hành dinh kháng chiến Do Thái, theo sau là quốc kỳ Ba Lan. Những người dân trong ghetto nhất định chiến đấu và chết dưới màu cờ mà không ai chấp thuận khi họ còn sống.
Chú thích:
[1] Pogrom: chữ dùng để chỉ các vụ giáo dân Ki tô Âu châu xuống đường, tràn vào các khu Do Thái để đánh đập, chém giết, hiếp dâm, phá nhà, cướp của... người Do Thái.