7 - Bên hồ Trúc

     âu chuyện tôi sắp kể đây, tôi được nghe một đêm rằm tháng tám, bên hồ Trúc Bạch, dưới trăng thanh. 
Năm nào cũng thế, cứ đúng ngày hôm ấy là anh Lan đến gọi tôi:
- Chúng ta lại nhà anh Ý chén cỗ rằm. Rồi như đắc chí vì năm nào mình cũng nhớ đến «cuộc hội nghị» bên hồ Trúc Bạch trước nhất để nhắc anh em, anh Lan khúc khích cười, mắt tinh ranh, ghé vào tai tôi, nói nhỏ: 
- Bánh nướng nhà thằng cha ấy thì tuyệt! Anh không nhớ năm ngoái à?... Còn chè tầu ướp sen thì thơm... thơm hết chỗ nói.
Nhà anh Ý là một ngôi nhà xinh xắn làm sát bên hồ Trúc Bạch. Đằng sau nhà có bực đá đi xuống hồ; ở dưới hồ đi lên, đi hết bực, người ta bước đến một cái nền cao rộng láng xi măng, xung quanh chạy lan can. Chính chỗ ấy là chỗ chúng tôi cho kê bàn ghế ngồi uống nước thưởng trăng mỗi khi anh em họp mặt. Cuộc họp mặt này đã thành cái lệ cho chúng tôi. Sau khi dời chốn học đường mỗi người một ngã, theo đuổi một kế sinh nhai riêng, chúng tôi dầu sao cũng không quên buổi thưởng trăng ở nhà anh Ý. Vì cái khung cảnh đầy thơ mộng ở nhà anh rất hợp cho một bữa tiệc trà họp bạn để cùng ôn lại những ngày vui qua, để cùng kể lể những chuyện hàn huyên, để cho tình bè bạn ngày thêm khắng khít. Nếu chẳng may hôm ấy có một người vì cuộc đời bắt buộc phải trôi nổi lăn lóc ở phương xa, vì một lẽ riêng quan trọng hay buồn rầu bắt buộc phải vắng mặt, thì chúng tôi hình như thiếu thốn một sự gì, dẫu có vui nhưng rồi cả bọn vẫn ngậm ngùi nhắc nhở.
Anh Ý là con trai một vị hưu quan. Từ tấm bé sống trong một cảnh gia đình đầy đủ, êm đềm, trong bọn anh em, anh là người tốt số nhất. Về sinh kế, anh không phải chật vật vì lăn lộn với đời, nhà anh của tiền thừa thãi. Anh là con một, được cha mẹ quý như vàng, nhưng anh chẳng vì thế mà kiêu căng, hãnh diện. Diện mạo anh rất khôi ngô, đôi mắt đen láy lấy tỏ cho ta biết anh là một kẻ thông minh, lanh lợi. Tính anh rất điềm đạm, hiền từ, dễ dãi. Anh thích cuộc đời tầm thường, ẩn dật, ưa những cảnh yên lặng, hoang vu của rừng núi, đồng quê. Vì vậy nên lúc ông thân sinh anh về trí sĩ, thì hai cha con liền tậu ngôi nhà nhỏ ở ven hồ Trúc Bạch của người bà con để lại. Một góc thanh u tĩnh mịch «có hoa có lá sẵn sàng» thực xứng với cảnh nghỉ ngơi của một bực lão thành đã chán chường danh lợi, đã mỏi mệt vì bao năm chống chèo trong bể hoạn mênh mang, thực ưa tâm hồn một thiếu niên như anh Ý chỉ thích được nơi vắng vẻ để đọc sách, để học thêm.
Lúc đó, đêm đã hơi khuya, mà trăng càng về khuya càng tỏ. Mặt hồ là một tấm gương xán lạn, chúng tôi ngồi trên thềm nhà ăn bánh đưa mắt xuống hồ trông thấy rõ từ nếp dăn của mặt nước. Thỉnh thoảng đằng xa, giữa chỗ mặt hồ gợn ánh trăng vàng, một cái mái chèo đập nước, làm chuyển động, nhấp nhô những bóng đen xen với sóng nước vàng óng ánh. Đó là một chiếc thuyền con của một mỹ nhân đang say sưa vì cảnh, hay của một đôi tình nhân đẹp, trẻ danh lênh đênh giữa nước với trăng, lòng hồi hộp nhìn nhau mà không cần trao đổi lời ân ái, vì trời đất, vì gió mây, vì hương sắc lúc đêm thanh đã thay họ mà kể lể nhiều rồi...
Rằm tháng tám, Trung Thu! Về vụ này, những đêm trăng sáng như đêm nay, Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch đã thành những bể ái êm đềm, mát mẻ cho trai gái Hà thành. Họ ngồi trên đường Cổ Ngư, trên thảm cỏ xanh, ngửa mặt ngắm vầng trăng bạc. Họ đi thơ thẩn bên hồ, trong bóng tối như những thi nhân xõa tóc cho gió bay, họ mượn một con thuyền nhỏ, lướt chèo trên mặt nước thoảng hương sen. Họ chẳng quên đem theo một cây đàn, rồi trong vùng không khí thanh khiết của đêm khuya, chốc chốc ta được dịp nghe một dịp cười trong trẻo, một tiếng đề cầm thoáng qua như tiếng thở dài của một thiếu nữ lần đầu biết yêu thương vớ vẩn...
Những đêm ta say sưa bồng bột vì mạch máu thiếu niên chạy nóng ran khắp cả người... những đêm ta cảm thấy cái thú sống đáng yêu của tuổi trẻ... những đêm mà lòng ta rung động như sống trong những cảnh huyền ảo mơ hồ, ta chỉ sợ vụt tan bay đi mất.
Hình như đã một lúc lâu chúng tôi ngồi im lặng, ngả nghiêng trên những chiếc ghế thấp, hút thuốc lá, thả tâm hồn theo khói thuốc bâng khuâng. Cảnh vật lúc ấy như trong sạch quá, êm ái quá, quyến rũ lòng người quá, cho nên chẳng ai muốn nói một câu, chẳng ai nghĩ đến sự phá hủy cái tịch mịch dịu dàng, mỏng manh đó. 
Bỗng từ dưới nước vẳng đưa lên một tiếng đàn cũng mơn man, quyến rũ như cảnh lúc bấy giờ. Chúng tôi ngây ngất nhìn nhau. Anh Ý ngồi cạnh tôi lúc ấy, nắm chặt lấy tay tôi sẽ nói:
- Im! Im mà nghe một bài đàn hay nhất của Thu Hương... bài «Le chaland qui passe».
Tôi tuy chẳng biết Thu Hương là ai, nhưng nghe cái tên Thu Hương với tiếng đàn hay lúc ấy, tôi phỏng đoán:
- Chắc là một vị tiểu thơ khuê các đủ sắc, đủ tài.
Tiếng đàn dần dần nghe rõ lắm, có lẽ cô Thu Hương đã cho thuyền đi sát vào bờ, hay đã buộc thuyền ngay chỗ bực đá phía dưới chỗ chúng tôi ngồi. 
Rồi tiếng đàn im bặt. Chúng tôi đang cố chờ để được nghe một vài bài bản nữa thì bỗng nghe anh Ý thì thầm bên tai:
..................
«Le chaland glisse sans trêve
Sur l’eau de satin,
Où s’en va-t-il?... Vers quel rêve?...
Vers quel incertain?
Du destin.»(1)
(1)  Thuyền lướt đi, đi mãi không ngừng,
Trên mặt nước xa tanh óng ánh,
Thuyền đi đâu? Về cõi mộng nào?
Về chốn mơ hồ nào của số phận?
Tôi ngạc nhiên hỏi bạn:
- Anh cũng biết chơi đàn? Anh thuộc bài hát ấy?
Anh Ý mỉm cười:
- Nếu biết thì đã không để yên cho Thu Hương trêu tức. Bọn chúng mình tồi quá, không có lấy một tay tài tử để địch với cô hàng xóm của tôi. 
Cả bọn chúng tôi cùng nhao nhao lên hỏi:
- Thế cô Thu Hương vừa rồi là hàng xóm?
Anh Ý thong thả đáp:
- Phải... hàng xóm mới được ba tháng nay, cô ấy mới dọn đến, hôm nào tôi cũng phải thức khuya, vì cô ấy thức khuya để tập đàn... mà cũng vì thế nên tôi nghe cô ấy chơi bài «Le chaland qui passe» đến trăm, ngàn bận... nghe lỏm mà thuộc đấy!
Anh Văn vội ngắt lời anh Ý:
- Cô hàng xóm của anh chắc đẹp lắm thì phải?
Bỗng như có chiều tư lự, anh Ý nghiêm nghị trả lời: 
- Anh chỉ nên biết người ta là một thiếu nữ tài hoa, tiếng đàn tuyệt diệu là đủ... đừng nên hỏi đến sắc đẹp làm gì... đàn hay chắc sắc đẹp... cứ nghĩ như thế... cứ tưởng tượng Thu Hương là một vị tiên nga trên trần thế, sắc tài vẹn đủ, đã làm anh ngây người một buổi đêm trăng... Thế là đủ... đừng tìm tới để biết rõ người ta... như thế cái sắc đẹp sẽ hoàn toàn... Để rồi tôi kể cho các anh nghe một câu chuyện...
- Một câu chuyện? Truyện ngắn hay truyện dài? Trường thiên hãy đoản... Đầu đề là gì?
Anh Thanh, một nhà viết tiểu thuyết, vội pha trò hỏi anh Ý thế.
Anh Ý châm một điếu thuốc hút có vẻ mơ màng:
- Đầu đề à? Đầu đề là «sự thực» là...
Anh Thanh vội giục:
- Thôi, là gì cũng được, kể mau lên để tôi xem có nhân đấy mà viết được một truyện hay. 
Cả bọn chúng tôi cùng ngồi im nghe anh Ý kể:
- Dạo hè năm ngoái, trong lúc tôi đang phân vân không biết nên đi nghỉ mát ở đâu thì bỗng được thư anh Quảng ở Vĩnh Yên bảo về đồn điền anh chơi, vì anh ở đấy trông nom công việc có một mình buồn lắm. Tính tôi không ưa những bờ bể huyên náo, đông đúc, nên được thư bạn mời về chỗ nhà quê rộng rãi mà ít người, tôi nhận lời vội thu xếp hành lý về đồn điền bạn. Anh Quảng vì lâu ngày ở chỗ tịch mịch một mình, dạo ấy được tôi đến ở lâu chơi, lấy làm vui lắm. Anh bắt tôi kể từng ly từng tí về những tin tức ở Hà thành mà tôi cho là chẳng một chút chi quan hệ. Anh hỏi tôi về những thiếu nữ đẹp có tiếng ở kinh đô, một cách tò mò, cặn kẽ. Anh bắt tôi kể mấy phim ảnh hay anh tiếc không tiếc được xem... còn nhiều nữa, anh hỏi tôi nhiều nữa; suốt ngày phải ngồi hầu truyện anh, tôi lấy làm bực mình lắm, vì tôi đến đây là chỉ cốt được cùng anh chạy nhảy, săn bắn, hít thở không khí giữa những đồng ruộng mông mênh hơn là ngồi hút thuốc lá vặt trong một gian phòng để nói lại những chuyện nghe đã chán tai ở cái thành phố rộn ràng mà tôi vừa đi thoát. Vì vậy nên tôi chỉ lựa những lúc anh hơi bận việc là bỏ đi một mình, lân la hỏi chuyện những kẻ làm ăn ngoài vườn ruộng. Những buổi sáng mai, tôi dậy thực sớm, mặc một bộ áo ngủ nhẹ nhàng đi chân không giẫm trên những bờ cỏ êm dịu còn đượm sương đêm, tôi tìm những lùm cây rậm rạp, những gò đất có hoa nở chim kêu ngồi nghỉ. Những lúc ấy tâm hồn thực thư thái nhẹ nhàng.
«Trực tiếp với thiên nhiên, người ta như giũ sạch được những tư tưởng nhỏ mọn hằng ngày ở nơi đô hội phiền hà, phức tạp. Người ta mới biết đến cái sướng của sự sống tự do, bình thường, giản dị. Tôi vì ngày thường ưa đọc những tiểu thuyết của George Sand, vẫn ao ước sống cuộc đời êm ái ở nơi thôn giã, vẫn mơ màng những cuộc tình duyên ly kỳ, lãng mạn, ngây thơ, chân thật giữa đám dân quê, lúc này tôi chỉ mong sao gặp được một thiếu nữ mặn mà, khả ái, chất phác, quê mùa, để những lúc chiều hôm, mai sớm, thẩn thơ ngoài đồng nội, thời khắc sẽ trôi đi một cách êm đềm như dòng suối trong nhẹ lướt trên những hòn đá rêu xanh phủ. Một nụ cười tự nhiên mà đằm thắm của thiếu nữ sẽ tô điểm cho cây cỏ thêm tươi, một cái nhìn say sưa trong sạch của người con gái đương xuân sẽ làm cho cõi lòng ta thêm ấm áp. Tôi muốn có một người bạn tâm hồn trong trẻo, để hưởng, để hiểu, để cảm hết cái đẹp của vũ trụ vô cùng.
«Nhưng người thiếu nữ ấy, tôi không bao giờ được gặp, còn kẻ mà tôi gặp sau đây, chỉ để lại cho tôi một kỳ vãng ngậm ngùi.
«Một đêm, cũng một đêm trăng về tiết Trung Thu đẹp đẻ như đêm nay, anh Quảng cho phép những đàn ông, con nít, đàn bà trong đồn điền được tự do bày vẻ các cuộc vui chơi suốt đêm cho bõ lúc làm ăn mệt nhọc. Anh lại treo một giải thưởng để bọn người kia cùng chia nhau hát ghẹo mà tranh giải cho thêm vui. Cơm nước xong, tôi và anh Quảng ngồi trên thềm nhà uống nước và nghe hát. Những dân ở mấy xóm làng gần đây nghe có hát ghẹo kéo nhau đến thật đông. Đêm đó một người con gái ở xóm Đông đã tỏ cho các bạn gái biết mình là một tay hát có giọng thanh và có tài ứng đối. Những câu phong dao cổ, những điển tích xưa, những câu chắp nhặt ở các truyện Kiều, Hoa Tiên... những câu tình tứ thật thà, đã làm cho đám dân nghèo kia thích chí, thì thầm khen ngợi, bàn tán xôn xao cười cợt. Đàn bà thì xúm xít, quây quần với nhau một chỗ, đàn ông cũng thế, bao bọc quanh con người có tài hát đối với bên nữ để đại thi, để tìm vần, để nhắc nhỏm những câu hát cho văn vẻ, cho tinh ranh.
«Đêm hát đến canh khuya mới tan rã.
«Kết cục tiền giải về bọn con gái xóm Đông.
«Trước khi đi ngủ, anh Quảng nói với tôi:
«- Biết trước mà! Tụi đàn bà có con Thi là năm nào cũng giựt giải.
«Tôi vội hỏi:
«- Anh biết cả tên người ban nãy hát?
«Anh vỗ vai tôi, cười mà trả lời:
«- Sao lại không? Con Thi hát hay có tiếng lại đẹp nhất vùng này, ai còn không biết. Anh có thấy nó, anh cũng đâm mê, để tối mai tôi cho mời cô nàng lại hát hầu anh vài tối, nó hát được đủ giọng, đủ làn, rồi anh xem, anh về Hà Nội anh phải ốm tương tư vì nó mất!

II

«Bẵng đi một độ, tôi không thấy người con gái tên là Thi mà anh Quảng bảo là đẹp nhất vùng đến đồn điền nữa. Tôi tuy một đôi khi sực nhớ đến muốn hỏi lại sợ anh cười nên dần cũng quên đi. 
«Cho đến một đêm kia, một đêm trời tối về vụ gặt hái vì cần nhiều người làm, cô Thi lại đem cái giọng trong lanh lảnh đến đồn điền. Dưới bầu trời chi chít sao vàng lấp lánh, bọn người ăn làm chia nhau công việc, kẻ đập lúa, người vơ rạ rộn rịp luôn tay, nhưng mỗi lần cô Thi cất tiếng hát, hay kể chuyện, thì ai nấy đều có vẻ uể oải, bồn chồn, mơ mộng như những con rắn nuôi của người thợ kèn Ấn Độ một đôi khi đã được nghe tiếng kèn quyến dũ làm mê.
«Đứng trên thềm nhà hút thuốc, anh Quảng chỉ bọn người nhà mà bảo:
«- Anh xem, bọn nhà quê mê say đàn hát lắm! Nếu cả năm con bé Thi này tối nào cũng hát ca thì có lẽ công việc của tôi không chạy lắm!
«Tôi chỉ mỉm cười mà không đáp lại. Lúc đó hình như tâm trí của tôi cũng bâng khuâng. Tôi cũng là một con rắn đã mê man vì giọng kèn ru ngủ. Trong đêm thanh, cái giọng ngâm trầm bổng của Thi kể những câu văn đầy nỗi buồn rầu, u uất trong các chuyện «Cung oán», «Chinh phụ ngâm», đã thấm thía đến tận đáy lòng. Những lời văn của các văn nhân đã khuất, lúc này tôi mới cảm hết được cái hay, cái đẹp, cái âm nhạc tài tình ẩn nấp ở trong. Thi, lúc đó đối với tôi chính là người thiếu nữ có một tâm hồn thanh cao, thoát tục, một người bạn gái quê mùa mà tôi thường ước ao được gặp. Người trong mộng đã hiển hiện rõ ràng; nàng có một giọng hát như chim oanh, và theo lời bạn, dung nhan lại diễm lệ. Cái óc mở mang đầy thi cảm của tôi lúc bấy giờ tưởng tượng Thi là một vị giai nhân tuyệt thế vì số phận không may phải lạc loài đày đọa vào một cảnh lầm than tăm tối, đêm đêm thường đem những câu hát ngụ ý thâm trầm oán trách viển vông trời đất, than thân, tủi phận một mình mình hay. Tôi bỗng đem lòng thương hại Thi – mà từ thương đến yêu, các bạn đã thừa biết, con đường không xa nhau mấy – tôi muốn đem hết cả cái tình yêu nồng nàn của cái tuổi hai mươi để che chở, để an ủi một người yếu đuối. Rồi dưới trời khuya, tôi lẻn ra đi, trên con đường đất nhỏ đi về cái xóm vắng phía đông, tôi rảo bước chạy theo bóng Thi lúc đó đã trở về đi ngủ. Đến gần nàng, tôi thấy tâm thần rối loạn, tôi dừng bước rồi se sẽ gọi:
«- Cô Thi!
«Thi ngạc nhiên, đang bước, quay đầu lại: nàng lại càng ngạc nhiên hơn nữa lúc nàng đã nhận ra tôi: 
«- Khuya rồi, thày còn đi đâu? Thày gọi gì con ạ...?
«Trước sự xưng hô ấy, tôi thấy ngượng ngùng, bẽn lẽn, nhưng rồi tôi cũng trả lời:
«- Khuya rồi! Nhưng tôi chưa buồn ngủ muốn đi chơi một lúc... nhân thấy cô đi về xóm một mình, nên tôi định đưa cô về cho có bạn, kẻo cô sợ ma...
«Thi thấy tôi đi gần nàng thì vội nhường bước, né tránh sang một bên đường, cười khanh khách vì câu nói chọc của tôi:
«- Cám ơn thày, con gái nhà quê chúng em đi buôn bán chợ xa, đi làm lụng giúp trong các làng lân cận về khuya là thường, không khi nào biết sợ.
«Câu chuyện cứ kéo dài như thế cho đến lúc đến gần nhà, Thi đã cho tôi biết rõ cả cái cảnh đời hiện tại của nàng. Một cảnh đời bình thản, không ước vọng gì ở tương lai, không ngậm ngùi gì về dĩ vãng, bên cạnh một mẹ già, một đàn em. Cuộc đời của đám bình dân yên phận sống cái kiếp khổ sở, nặng nề quen đi, không ta thán, sống những ngày buồn tẻ mà không biết rằng buồn tẻ lạnh lùng.
«Mỗi lần tôi muốn cầm lấy tay Thi để nói những lời ngọt ngào, êm ái mà tôi định sẵn là mỗi lần tôi thấy nàng cố ý tránh xa tôi. Trên con đường hẹp, hai bên là ruộng nước, tôi vì sợ nàng nhường bước mãi mà lỡ sẩy chân chăng, nên tôi chỉ đành đi thong thả mà nghe nàng nói chuyện. Về sau này tôi mới hiểu tại sao hễ tôi đến gần nàng là nàng cố ý tránh tôi.
«Từ đêm đó cho đến mấy ngày sau tôi mới lại thấy Thi trở lại đồn điền, mà Thi chỉ đến làm việc về buổi tối. Thế rồi, trên con đường khuya, tôi lại đưa Thi về cái xóm đêm kia tôi đã đưa nàng. Tôi ngỏ ý muốn tới thăm nhà Thi một buổi ban ngày thì Thi vội gạt đi mà lấy cớ rằng mẹ nàng nghiêm khắc lắm, mà dân làng thì hay để ý tò mò. Không bao giờ tôi được thấy Thi lúc ban ngày, nàng không hề tới đồn điền lúc ban ngày, mà vì muốn giữ tiếng cho một người con gái nhà quê, tôi đành chờ lúc đêm khuya, đưa nàng một vài quãng đường như những đêm hôm trước. Anh Quảng hình như đã đoán biết những cuộc gặp gỡ của tôi và Thi, chỉ nhìn tôi mà cười một cách tinh ranh, chế nhạo. Một hôm anh nháy mắt, hỏi tôi:
«- Thế nào? Ăn giọng chứ? Cô Thi của tôi tuyệt chứ?
«Tôi làm bộ như không để ý, nói lảng sang chuyện khác, nhưng hôm đó, lúc tôi đi ngủ, tôi nghĩ lại mới buồn cười cho tôi. Tôi biết Thi đã lâu mà giá có ai hỏi mặt mũi Thi ra thế nào tôi cũng chịu. Những cuộc gặp gỡ thầm vụng trong đêm tối chỉ cho tôi biết rằng nàng nói chuyện thật thà, có duyên, thân hình mảnh dẻ lúc nào cũng có một vuông khăn mỏ quạ che đầu và hai bên má. Tôi còn biết, nàng ở một nóc nhà tranh sạch sẽ trong cái xóm mà tôi đã tới, nhiều lần. Nhưng dung nhan người thiếu nữ ấy ra sao? Tôi đã đến gần nàng đâu mà biết được. Ban ngày thì nàng bảo ở nhà nhiều việc, chỉ đến làm giúp trong đồn điền anh Quảng về đêm. Mấy lần tôi hẹn với Thi để được gặp nàng ở một thửa ruộng hay ở một góc đồi nào để nói chuyện về một buổi sáng mai hay một buổi chiều, mà nàng hết lời từ chối. Tôi cho là nàng sợ những cuộc hẹn hò dâu bộc, làm tai tiếng, ô danh.
«Cứ lần lữa như thế cho đến một ngày kia – mà ngày ấy suốt đời tôi còn ghi nhớ, quên làm sao cái kết quả của cuộc tình thấm thiết ly kỳ ấy được? – Một ngày kia, tôi ngỏ ý muốn biết mặt Thi một buổi cuối cùng nữa, một buổi ban ngày để từ giả nàng, vì tôi sắp phải trở lại Hà thành. Tôi hết lời năn nỉ nàng cho được gặp mặt để sau này lúc đã xa nàng, tôi còn giữ được chút hình ảnh dịu dàng của người thôn nữ ngây thơ ấy. Những lời cầu khẩn của tôi đã có hiệu quả: tối hôm đó, trước khi chia tay, trở về xóm cũ. Thi có vẻ cảm động, bùi ngùi, quyến luyến tôi hơn hết cả mọi hôm. Nàng lại bằng lòng sáng mai đi đến chỗ tôi đã hẹn.
«Sáng hôm sau, tôi dậy thực sớm, lẻn ra đi đến Gò Dầu, một chỗ cây cối um tùm ít người qua lại. Chính chỗ ấy là chỗ tôi đã hẹn Thi sẽ họp mặt để chia tay. Tôi lững thững bước lên gò, còn mải ngắm cảnh bình minh mà không ngờ rằng Thi đã ngồi đợi tôi trên thảm cỏ, dưới một gốc cây to lớn. Thi ngồi quay lưng về phía tôi đi đến, nên lúc nghe tiếng chân tôi giẫm trên những lá khô sột sạt thì nàng quay đầu lại: Trời đất ơi! Trên đời dễ thường tôi chưa trông thấy một cái mặt nào ghê tởm hơn thế nữa! Mặt Thi rỗ chằng, rỗ chịt, một cái mặt đàn bà mà nát bét, có từng miếng sẹo nhỏ, trắng, thâm. Dễ thường bàn tay thợ Tạo cố tình thâm thiểm muốn hủy hoại cho bỏ ghét cái chỗ đáng lẽ phải đẹp nhất ở thân thể người đàn bà, cái chỗ mà người đời thường đem những tiếng lịch sử, văn vẻ, nên thơ nhất để đặt tên. Napoléon có nói: «Cái cảnh đẹp nhất của tạo hóa là bộ mặt của một người đàn bà diễm lệ»; còn nhà văn sĩ Ạ. France thì hình như đã viết: «Tôi tưởng cái tội ác lớn nhất của người đàn bà là có một cái dung mạo xấu xa». Ai cũng cho rằng đã gọi là đàn bà thì phải đẹp, nếu không thì cũng phải dễ trông hay trông được. Đằng này Hóa công đã chẳng ban cho những nét yêu kiều lại còn làm cho hư xấu, thật là uổng phí cả một đời người, thật đáng ái ngại ngậm ngùi vô kể.
«Thi, lúc đó như một tội nhân sắp phải đem ra chốn pháp trường để trả nợ đời, như đã biết trước cái số phận của mình, lạnh lùng nhìn tôi, từ từ bỏ nốt vuông khăn mỏ quạ mà bấy lâu nay nàng vẫn dùng để che bớt cái xấu xa của bộ mặt nàng, rồi hai giọt lệ bắt đầu trào ra khóe mắt. Nàng úp mặt vào tay, thổn thức! Ôi! Cái nhìn tuyệt vọng, buồn rầu của Thi như đi thẳng vào tim tôi, như oán trách, làm cho tôi hối hận lạ thường. Tôi lúc bấy giờ thấy lạnh cả một tấm lòng, tôi như đứa trẻ con vừa vô tình phạm phải một cái tội to lớn quá sức tôi không có cách gì đền chuộc được. Tôi vừa cảm thấu hết nỗi đắng cay, đau đớn của một sự hy sinh cao thượng nhất đời. Tôi nghẹn ngào cầm lấy tay nàng, không biết lúc ấy tôi đã nói với nàng những câu an ủi dịu dàng gì để cho nàng bớt khổ, nhưng tôi chỉ còn nhớ: nàng ngẩng đầu nhìn tôi, mắt đầy nước mắt. Nàng có vẻ không tin những lời thành thực của tôi lúc ấy; hình như Thi thầm trách:
«- Đó anh đã biết sự tò mò của anh kết cục thế nào chưa?... Vì chiều anh mà tôi đau đớn... Từ nay anh chẳng bao giờ còn yêu tôi nữa... Yêu một người trong mộng chẳng hơn ư? Anh muốn rõ sự thực làm gì cho thêm chua chát... Mai đây anh trở về Hà Nội, tôi đã để lại trong đời anh một cái kỷ niệm chẳng đẹp, chẳng vui...»
Nói đến đây anh Ý ngồi im, uống một chén trà. Chúng tôi cũng ngồi im lặng, mọi người theo một ý nghĩ riêng. Gió thoảng qua mấy chùm hoa tím trước giàn lung lay trong anh trăng trong; bụi liễu ngả nghiêng với món tóc xanh lướt thướt... Đêm khuya sóng hồ vỗ đập róc rách vào bờ, vạn vật như đã nhiễm cái buồn lây của người mà thì thầm to nhỏ cùng nhau những cảm giác tiếc, thương, oán, hận.
Một lát, thấy bọn chúng tôi không nói một lời nào, anh Ý lại lên tiếng tiếp:
«Thế rồi, Thi đứng dậy, không thèm nhìn tôi nữa, cúi đầu đi thẳng, đi rất nhanh. Tôi sững sốt bàng hoàng, đứng im như một pho tượng gỗ, nhìn nàng đi mãi, cúi đầu đi mãi về cái xóm xa lơ, xa lắc mà mọi hôm tôi vẫn đưa nàng về, cái xóm tiêu điều vắng vẻ mà ở đó không có một cuộc ái ân, một cuộc tình duyên tốt đẹp nào đợi chờ nàng từ nay cho đến bạc đầu...
«Rồi bước một, tôi đi về đồn điền, buồn vô hạn. Cũng như mọi lần, anh Quảng chạy đón tôi ở cổng lớn, vừa cười vừa nói:
«- Đi đâu về mà buồn như chết thế kia? Bí mật lắm. Cô Thi vẫn mạnh khỏe chứ? 
«Bấy giờ, tôi mới hiểu những giọng chế giễu của bạn ngày xưa, tôi mới vỡ nghĩa cái câu mà anh Quảng thường nháy mắt, hỏi tôi:
«- Cô Thi «tuyệt» chứ?
«Lần này thì tôi không nhịn được nữa, tôi lườm anh Quảng, nghiêm nét mặt cự ngay:
«- Đó là một người con gái đáng thương, một người khốn nạn suốt đời đau khổ, anh chẳng nên cười, anh không có quyền chế nhạo!
«Từ đó, tôi không bao giờ gặp Thi nữa, cả đến cái bóng của nàng trong đêm tối, cả cái giọng trong trẻo của nàng thường kể chuyện lúc đêm khuya tôi cũng không được nghe nữa... rồi tôi buồn rầu, hối hận mà trở lại Hà thành.»
Anh Vân từ tối vẫn để ý đến cô hàng xóm, lúc này hỏi trêu anh Ý một câu:
- Anh trở về liền gặp cô Thu Hương có phải không? Nhưng, cô này thì tôi dám cá với anh là vừa đàn hay, vừa có sắc đẹp, tôi quyết thế!
Anh Ý mỉm cười hỏi lại:
- Sao anh dám quyết là người ta đẹp, anh không nghe câu chuyện tôi vừa kể hay sao?
- Có nghe! Nhưng cô Thi của anh khác, cô Thu Hương khác... Tại sao à? Tại anh đã thuộc lòng bài hát thích nhất của Thu Hương, tại anh là hàng xóm, được trông thấy cô ta luôn, mà cô ta có đẹp thì anh mới thuộc lòng bài hát ấy.
Cả bọn chúng tôi cùng cười rũ rượi vì câu trả lời lý thú của anh Vân. 
Ngoảnh nhìn ra phía hồ, chúng tôi thấy khách thưởng trăng đã vắng mà chị Hằng vẫn còn lơ lửng giữa trời không mấy vẩn; xen với tiếng ếch, dế nỉ non dưới chân cỏ, trong bóng tối, chúng tôi lại vừa nghe tiếng đàn ban nãy nổi lên ở mãi ngoài xa.