CHƯƠNG 8

     ơn ác mộng khủng khiếp nhất đời em rồi cũng qua đi.
Em bừng tỉnh dậy trong cái gió biển mát rười rượi thổi đến từ đuôi tàu. Ánh sáng tràn ngập và không khi yên ắng đến hoài nghi. Đầu óc em đã tỉnh táo, em quên mất là mình đang đau, vùng dậy như một ngọn sóng rồi bật ngược trở lại trong cảm giác ê chề. Em tưởng mình bước ra từ một giấc mơ, và khi cơn ác mộng đã chấm dứt rồi thì em tận hưởng sự vượt thoát. Nhưng rồi em nhận ra hiện thực phũ phàng đang bày ra trước mắt em. Và em không biết mình có chịu đựng nổi sự tỉnh thức này không?
Quần áo em bị xé rách tả tơi. Trên người em có nhiều vết máu. Toàn thân em đau đớn. Chạm vào chỗ nào cũng đau. Hai bầu vú em tê dại. Giữa hai chân em cũng không còn cảm giác dù em mót đái. Em rất muốn đái. Có vẻ như em phải nhịn sự bài tiết này lâu quá rồi. Nhưng không sao điều khiển được phía bụng dưới. Em cứ nằm như thế, chỉ mong một dòng nước ấm thoát ra cho người nhẹ nhõm, cho những ẩn ức vỡ òa, vậy mà điều kỳ diệu ấy không đến.
Em vịn vào thành tàu để đứng lên. Gió thổi đến mạnh quá. Có vẻ như gió sắp thổi bay cả em đi. Em loạng choạng trên đôi chân rã rời. Bỗng có bàn tay của ai đó bám vào người em. Em thoáng nhớ đến hình ảnh của những con giao long ở dưới biển trườn lên. Em gai buốt hết cả người và khạc ra một tiếng hét khản đặc.
- Bác đây. Cháu đừng sợ, để bác đỡ cháu dậy...
Em nhận ra ông Trượt. Toàn thân ông cũng đầy máu. Nhưng khuôn mặt ông ánh lên niềm vui. Hai tay ông đỡ lấy người em. ông dìu em đi về phía đuôi tàu. Em hỏi: “Bác đưa cháu đi đâu?”. Ông bảo: “Để bác đưa cháu vào trong buồng tắm. Người cháu đầy máu. Quần áo cháu cũng rách hết cả rồi”. Em thèm nước quá. Rất muốn ngụp lặn trong nước, khoả mình trong nước, gột rửa trong nước, giận hờn và khóc lóc cùng nước, ông Trượt quả là người từng trải, ông hiểu em cần nước, dù chính ông cũng cần phải tắm mình trong nước cho trôi hết những dấu tích hãi hùng, ông đưa em đến buồng tắm rồi đẩy cánh cửa ra. Nhà tắm đơn sơ này em đã từng vào, bây giờ nó trở nên cần thiết và thân thương vô cùng, ông Trượt nhẹ nhàng đỡ em vào, thậm chí còn muốn cởi bỏ hộ em những thứ giẻ rách trên người. Nhưng rồi ông hiểu ra là không nên để em ngượng, ông lui ra ngoài và khép cửa lại.
Bước chân vào nhà tắm rồi, em ngồi xụp xuống, không muốn đứng lên nữa. Nhưng ông Trượt đã lại gõ cửa rồi đưa qua khe cho em cái tã lót của thằng Chín tháng:
- Cháu dùng cái này mà lau rửa người ngợm. Dù thế nào cũng phải sống cháu ạ.
Thùng nước trong nhà tắm vẫn còn lưng lửng. Em nhúng cái khăn tã vào đó rồi bắt đầu lau người. Chỉ hai lần lau thôi thùng nước đã chuyển sang màu đỏ tươi. Bỗng em đái được. Ôi chao, em cứ đứng lom khom cho dòng nước chảy ra ướt đầm cả háng. Mọi thứ trong người em như cũng đang chảy theo, tống những thứ rác rưởi, cặn bạ ra ngoài. Xong cái việc bài tiết này em thấy sảng khoải hơn rất nhiều. Em dùng thứ nước đỏ lờ lờ trong thùng nước để tiếp tục lau rửa mình mấy. Mỗi lần lau lên đến ngực, chạm vào hai đầu vú là em lại đau đến rụng rời. Trong một lần đau như thế, em đã úp cái tã lót nhoè nước huyết ấy lên mặt mà tức tưởi khóc. Em khóc không thành tiếng. Mãi đến khi ông Trượt gõ vào thành cửa, đưa cho em bộ quần áo của ai đó thì em mới thôi khóc. Em mặc bộ quần áo ông Trượt đưa cho rồi bước ra ngoài. Đó là bộ quần áo kỳ cục nhất mà em mặc trong đời. Quần xa-tanh đen, áo đuôi tôm màu hạt dẻ. cả một chiếc quần lót không có đăng ten nữa. Ông Trượt đã nhặt nhạnh những thứ đó ở đâu không biết, và đối với em lúc này, những thứ đó quý hơn vàng.
Ông Trượt đỡ em vào trong gian bếp. ở đây ông đã pha sẵn một cốc sữa nóng. Em uống đến đâu biết đến đó. Thứ nước ngọt đến khé cổ đó đi từ từ vào cổ họng, trôi xuống thực quản, vào thượng vị, quẩn quanh một lúc rồi xuống hạ vị, rồi nó dừng lại hay hoà tan vào đâu em cũng không biết nữa. Cốc sữa làm em đổ mồ hôi. Và khi đặt cốc xuống, em ngạc nhiên đến trố mắt khi nhìn thấy chiếc làn con đựng thằng Chín tháng đặt ở góc bếp. Trong làn, thằng bé vẫn thiêm thiếp ngủ. Sữa em vừa uống là của nó. ông Trượt đã lấy lon sữa bò cuối cùng ra để pha cho em uống. “Cố gắng sống để còn hy vọng có người đến cứu, đưa mình về. Đời cay đắng lắm. Nhưng cay đắng đến đâu cũng phải sống cháu ạ”, ông Trượt bảo với em thế. Em ngao ngán nhìn ra ngoài sàn tàu. Các vết máu đã khô lại. Nhưng không có một bóng người nào cả. Con tàu trở nên trống trải, hoang vắng. “Mọi người đâu hết rồi hả bác?”, em cất tiếng hỏi như mê sảng.
-Chết hết rồi.
- Thế xác của họ đâu? Bố cháu, mẹ cháu...?
- Xuống biển hết rồi.
- Cháu thấy mẹ cháu còn ở trên tàu cơ mà?
Ông Trượt đứng dậy, tiến đến bên em, ôm lấy đầu em, nói như niệm chú: “Bác xin lỗi cháu. Bác đã đẩy tất cả xuống biển rồi. Lúc cháu đang ở trong nhà tắm ấy. Bác tranh thủ dọn dẹp đi chứ cảnh tượng kinh hoàng lắm. Cháu sẽ không chịu nổi khi nhìn thấy người thân của mình như thế đâu. Hãy quên tất cả đi. Coi như cháu chưa từng bước chân xuống con tàu này. Coi như cháu không nhìn thấy gì cả. Nếu còn sống mà trở về được, hãy học cách quên những gì cháu chứng kiến. Phải quên! Bác không muốn cháu nhìn thấy một cái xác chết nào cả. Chỉ tiếc là bác không lau chùi sạch sẽ được cả những vết máu kia. Quên! Quên đi cháu ạ”.
Em lại hỏi như mê sảng:
- Thế còn những con giao long đâu?
Ông Trượt ngạc nhiên nhìn em:
- Giao long nào?
Em bỗng ôm mặt khóc, ừ, giao long nào nhỉ? Sao em không nhớ được rõ ràng một cái gì cả. Em cũng không rõ hình thù bất cứ một con giao long nào. Tất cả đến với em hư hư thực thực, như một giấc chiêm bao. Sao em chỉ trải qua một giấc mơ thôi mà đến khi tỉnh lại thì em lại phải đối mặt với một sự thực kinh khủng như thế này?
- Cháu nói lại đi? Giao long nào? Cháu có bị sao không đấy? Cháu có còn nhận ra bác là ai không? Cháu có nhớ cháu tên là gì không?
Ông Trượt không giấu được ánh mắt hoảng hốt khi liên tục hỏi em những câu ấy. Chắc ông nghĩ em đã phát điên mất rồi. Không, em không điên. Em không mê lú. Em không loạn trí. Em gạt nước mắt, hỏi lại:
- Thế ai đã giết những người trên tàu?
- Cướp biển.
-Giết hết à?
- Giết hết. Không từ một ai. Bác và cháu sống được cũng là vì chúng tưởng bác cháu mình chết rồi. Có lẽ duy nhất chỉ có thằng bé còn đỏ hỏn kia là chúng nó không sờ tới...
- Vậy bây giờ mình đang ở đâu?
- Bác cũng không biết.
- Sao bọn cướp lại lên được tàu mình?
- Hỏng chân vịt. Tàu phải dừng lại, chờ sửa. Đúng lúc ấy bọn nó xuất hiện. Chúng nó quăng dây có móc sắt sang. Rồi cứ thế nó bắn, nó giết...
- Mình chịu để nó giết thế à?
- Đáng lẽ nó không ra tay tàn sát dã man như thế đâu. Nhưng vì tàu mình chống lại nó. Bố cháu và chú lái tàu hăng lắm, chống cự tới cùng. Nhưng bọn nó ra tay nhanh như chớp. Ngay cả bác đây, bị đánh chết giấc lúc nào cũng không biết...
- Chúng nó cũng là người Việt mình à?
- Bọn này chắc người philippin hoặc inđô hay malai gì đấy. Bác thấy nó cũng giống người mình, chỉ có tiếng nói là khác. Nó tưởng những người vượt biên sẽ mang theo nhiều tiền vàng. Khốn nạn. Chó cắn áo rách. Đã đến nước phải bỏ xứ ra đi thì còn cái gì nữa mà cướp cơ chứ...
- Thế là chúng nó giết hết?
- Thì hết chứ sao? À, nhưng mà... Không biết chúng nó có bắt đi người nào không? Thường thì khi cướp một tàu như thế này chúng nó vẫn cướp theo cả người. Mà không phải ít đâu, hàng chục người đấy. Cũng chả biết là những ai. Trai vào tay chúng thì thành lao động khổ sai, còn gái vào tay chúng thì thành món đồ chơi, khi nào chán thì chúng cũng giết nốt. Bác cháu mình thế này vẫn còn là may đấy cháu ạ...
Thằng Chín tháng bỗng cụ cựa và khóc, ông Trượt dừng lời, tiến lại bế đứa cháu nội lên. Ông dỗ nó nín rồi đưa sang cho em. “Cháu bế em bé tí, để bác pha sữa cho nó uống”. Em đưa tay ra bế thằng Chín tháng. Nó nhoẻn miệng cười với em. ôi, nụ cười của nó mới rạng rỡ làm sao. Em tạm quên đi những đắng đót vừa trải quá, khẽ thơm nựng lên má nó. Ông Trượt mang đến bình sữa nhỏ, hơ hơ trước mặt nó. Thằng Chín tháng há miệng bập lấy núm cao su, bú lấy bú để. ông Trượt bảo: “Tỉnh dậy, bác kiểm tra từng người, thấy còn mỗi mình cháu là thở. Bác cũng đã xem xét hết tàu. Chúng nó phá máy rồi. Lương thực, thực phẩm cũng lấy hết. Đồ đạc của mọi người bị lục tung cả. Bác thu gom lại chỉ còn ít quần áo và chút bánh trái nằm lung tung ở trong túi đồ của từng người. Bác đưa hết về gian bếp này. Chúng ta sẽ sống lần hồi bằng những thứ đó. Bác từng bị dạt vào đảo hoang một lần. Chỉ còn cách cầm cự sự sống mà chờ người đến cứu thôi cháu gái ạ”.
Em nhìn ra ngoài biển. Không thấy đường chân trời nằm ở đâu cả. Chỉ một màu xanh đen, lai láng, mênh mông, xa hút. Chờ người đến cứu ư? Có chờ được không hay hai bác cháu chết đói trên con tàu nát này? Mặt em lạnh căng. Bác Trượt chỉ lo em khóc, em vật vã, em hờn tủi, em chán sống... Nhưng em không khóc. Không bao giờ em khóc nữa. Em chỉ muốn nổi loạn. Có một cái gì đó như kìm hãm trong người em, chỉ muốn bung phá ra. Giống như người học võ lâu ngày không có ai đối kháng vậy, muốn vung tay, vung chân ra đòn quá thôi. Sau này, nhiều lúc em tự hỏi, nếu em tỉnh lại trên con tàu đó mà không có ông Trượt thì em sẽ thế nào? Chắc là em lao đầu xuống biển chết quách cho xong. Hoặc là em đói rã họng ra trước khi thành cái xác khô dập dềnh trên con tàu cũ nát, giữa biển cả bao la. ông Trượt rất giỏi giang, ông chế ra được cần câu để câu cá. Rồi biết cách trưng cất nước biển để lấy nước ngọt. Hai bác cháu ở với nhau đến ngày thứ ba mà vẫn không thấy có ai đến cứu thì ông Trượt bảo: “Hai bác cháu mình kéo neo lên, để tàu trôi tự do, nhất định nó sẽ phải dạt vào một bờ bãi nào đó. Có đất liền, dù là một đảo hoang cũng có thức ăn. Cứ ở lênh đênh giữa biển thế này mãi sẽ chết đói mất”. Em hỏi lại: “Cháu tưởng nó vẫn đang trôi?”, ông Trượt gật đầu:
- ừ, nó vẫn trôi. Nhưng có neo nên trôi rất chậm...
Thật kỳ lạ là mấy ngày đó biển rất lặng. Nếu có cái đầu lãng mạn và sống trong một cảnh huống khác thì em đã rất hạnh phúc để hưởng những cảm giác tuyệt vời do biển cả mang lại. Nhưng lúc này em đang lo đến sự sinh tồn của bản thân, cả em và ông Trượt chỉ chú tâm đến việc cầm cự sự sống cho ba con người giữa trùng khơi, mọi đau khổ khác đều bị nén lại, dìm xuống, càng không có tâm trạng đâu mà cảm nhận cái đẹp của trời nước hay vân về khoái cảm chinh phục biển khơi, hay một cái gì đó đại loại như thế.
Nhưng đến ngày thứ ba rồi. Quả thật em hơi có chút tuyệt vọng. Xung quanh là nước biển mặn chát, đồ ăn thức uống cứ cạn kiệt dần, chưa kể bão gió sẽ còn càn quét đến bất kỳ lúc nào. Trước hết là thằng Chín tháng, nó sẽ sống được thêm mấy ngày nữa? Rồi tới em và bác Trượt, ai sẽ nhận cái chết trước để nhường sự sống ngắn ngủi lại cho người sau? Em không dám nghĩ tiếp nữa. Cái đầu em chứa đựng quá nhiều sự khủng khiếp rồi. Hãy để nó nguội đi một chút, đừng bắt nó nóng thêm, nó sẽ nổ tung mất.
Ý kiến của ông Trượt làm loé lên trong em tia hy vọng. Em hỏi: “Sao bác không nói từ mấy ngày trước, có khi bây giờ hai bác cháu mình dạt vào tới đất Hồng Kông rồi?”, ông Trượt cười khi thấy thái độ của em trở nên hớn hở như vậy. ông giải thích: “Để nó trôi tự do thì năm ăn năm thua. Có thể nó dạt sang Hồng Kông nhưng biết đâu nó lại dạt vào nước khác thì sao? Nó mà dạt vào đất của mình cũng nguy. Biên phòng sẽ tóm ngay. Bác mà bị bắt lần này nữa chắc chắn là phải đi tù...”
- Thế không còn cách nào nữa ạ? - Em hỏi một cách ngây thơ.
Ông Trượt lác đầu:
- Bây giờ thì không còn cách nào nữa, chỗ này không nằm trên tuyến đường hàng hải nên không thấy có tàu thuyền nào qua lại. Phải để cho nó trôi ra chỗ khác thôi.
Ông Trượt hướng dẫn em cách kéo neo lên. Có ba bốn cái neo cả thảy. Em và ông Trượt kéo cái neo ở hông tàu lên trước. Dùng tời quay để thu dây neo lại. Khi mỏ neo nhô lên khỏi mặt nước thì ông Trượt hét lên một tiếng lạc giọng:
-Ôi trời...!
Còn em thì ôm lấy bụng nôn thốc nôn tháo.
Mỏ neo đã mang theo lên khỏi mặt nước cả một khối thịt vàng ệch, co quắp, rách nát. Chỉ cần nhìn thoáng qua thôi em nhận ngay ra đó là xác của bác tài công. Hai đầu móc neo xiên qua bụng và ngực của bác như xiên qua thân một con cá mập vậy. Người bác tài công lúc này như một cái xác ngâm nước muối, tứ chi cứng ngắc, mặt biến dạng, lớp da trên cơ thể bị cá rỉa lỗ chỗ...
Cả em và ông Trượt cùng buông tay tời, mặc cho chiếc neo lại lao thun thút xuống dưới lớp nước biển xanh đen. Toàn thân em run rẩy, hai tay níu chặt lẩy thành tàu, nôn mãi không hết cơn. ông Trượt buông phịch người xuống sàn tàu, thở dốc. Trong gian bếp thằng Chín tháng lại khóc ré lên. ông Trượt vội chạy vào với nó. Đêm ấy hai bác cháu ngủ một giấc chập chờn. Mỗi người đều có những suy nghĩ riêng, nhưng em tin là không ai gạt ra được khỏi đầu hình ảnh hãi hùng ban chiều. “Vậy là còn nhiều người chết nữa bị chúng nó hành hạ rồi vứt xác đâu đó dưới thân tàu này mà bác không biết”, ông Trượt nói với em câu ấy khi dậy pha sữa đêm cho thằng Chín tháng. Gần về sáng em mới thiếp đi. Và trời chưa kịp sáng thì em tỉnh dậy trong tiếng hét gọi của ông Trượt.
- Nhanh, dậy nào, có tàu, có tàu...
Em vùng dậy và như kịch bản đã tập dượt sẵn, em chạy xuống dưới hầm tàu cầm lấy cây gậy có quấn một cục giẻ ở đầu, nhúng vào chậu xăng nhớt để bên cạnh, rồi hớt hải leo lên boong. Trời vẫn còn lờ mờ tối. ông Trượt đã đứng ở đó với một cây gậy y như của em nhưng đã được châm lửa. ông hua hua cây gậy lên như hua một ngọn đuốc, ông cầm ngọn đuốc đó châm lửa vào đầu gậy bọc giẻ của em. Giẻ tẩm xăng nhớt gặp lửa bùng cháy ngay tắp lự. Hai bác cháu giơ cao hai cây đuốc chạy dọc thân tàu, vừa vẫy vừa la hét. Đúng là có một chiếc tàu to đang chạy không xa chỗ em. Ánh sáng của nó phát ra trông như một ngôi nhà có đầy đủ đèn điện đang di động trên đại dương. Kinh nghiệm của ông Trượt đã có ích. Nhờ hai ngọn đuốc mà chiếc tàu lạ đã phát hiện ra hành động kêu cứu của em và ông. Nó từ từ tiến về phía con tàu gặp nạn. Ba sự sống khắc khoải là em, ông Trượt và thằng Chín tháng đã có cơ được cứu vớt. Đó là một chiếc tàu đánh cá của dân đi biển. Trường hợp như của em và ông Trượt không phải là lần đầu tiên họ gặp. Vì thế, sau khi được họ cứu rồi, khi gần về tới đất liền, ông Trượt đã xin họ đừng khai báo với chính quyền, họ không mảy may thắc mắc mà đồng ý ngay.
“Hóa ra mình chưa ra khỏi hải phận của nước mình được bao nhiêu cháu ạ”, ông Trượt bảo với em vậy. Rồi ông lắc đầu chán ngán: “Quá tam ba bận. Vậy mà vẫn không thoát được. Số bác đúng là đen như cứt chó. Đ. mẹ nó. Đời sao mà khốn nạn thế”. Cho đến lúc ấy, tức là chắc chắn hai bác cháu đã được cứu sống, em mới lần đầu tiên nghe thấy ông Trượt nói bậy.
Sau đúng bảy ngày trên biển, em lại trở về chính nơi em đã xuống tàu bỏ xứ ra đi cùng bố và mẹ.
Chỉ khác là lần này em trở về có một mình.
Ông Trượt về nhà em, ở lại cùng bà cháu em ba ngày bốn đêm. mấy ngày đó em sống được là nhờ thằng Chín tháng. Em muốn nằm xuống và không dậy nữa nhưng tiếng khóc của nó lại khiến em gượng dậy. Em muốn chết nhưng nhìn cái mặt nó mếu máo đòi sữa, em lại nghĩ mình phải sống. Em bế ẵm nó suốt ngày mà quên đi những hãi hùng như vẫn đang hiện hữu. Khi ông Trượt rời khỏi nhà em, em đã nói một câu ngây ngô: “Hay bác cho cháu thằng bé này để cháu nuôi?”, ông Trượt ôm lấy em, bảo: “Bác phải đưa nó về cho bố mẹ nó. Như thế này là bác có lỗi lắm rồi. Đừng làm khó cho bác. Để bác đưa trả nó về với bố mẹ nó”.
Buổi sáng hôm ấy, trong lúc em còn ngủ, ông Trượt đã ôm đứa cháu nội ra bến, bắt xe về thủ đô.
Trộm vía, thằng Chín tháng không hề đau ốm gì...