CHƯƠNG 9

     hóng sự bốn kì coi như kết thúc ở đây, bây giờ chỉ việc ngồi viết. Hai tối là xong.
Cần mấy cái ảnh cho phóng sự. Không có ảnh thì phóng sự chẳng có giá trị gì. Ngồi ở Hà Nội cũng viết được chẳng cần lặn lội về đây.
Đến lúc mình cần tới Hoàng. May quá Hoàng quay trở lại.
Hoàng muôn năm!

*

a, em tưởng giờ này anh đã ra tận Thanh Hóa rồi? Ly Ly làm bộ ngạc nhiên khi Hoàng xách túi đây cửa bước vào. Cô kìm một tiếng cười ré. Hoàng không đáp, rơi phịch xuống giường. Anh định giải thích việc hủy chuyến đi là anh cần ở lại để gặp Xê Trưởng nhưng thấy không cần thiết.
Để yên anh ngủ nhé! Hoàng lấy khăn trùm mặt. OK. Chúc anh ngủ ngon. Ly Ly đứng soi gương. Cô thấy cái mặt phởn của mình thật đáng ghét, hệt chó gặp chủ. Hắn quay lại có gì mà mừng? Rõ đàn bà là cái giống không ra gì. Ly Ly xách túi ra ngoài. Đợi em về, sẽ đãi anh một trận thịt chó Cu Le. Chẳng thấy Hoàng ư hử, chắc hắn đã ngủ.
Ly Ly cần phải gặp Chủ Tịch Huyện. Cái phóng sự đang đến hồi kết. Mọi việc đã rõ ràng, số liệu và nhân chứng đã có đủ, chỉ cần rình chụp chúng nó đang bốc mả dân chúng, lấy hài cốt nhét vào hai ngàn nấm mộ giả là xong, cú nốc ao tuyệt hảo không thể không làm. Kẹt vì việc này chúng thường làm đêm, Ly Ly là chúa sợ ma, cô không thể một mình ngoài bãi tha ma nửa đêm khuya khoắt được. May quá Hoàng đã quay trở lại.
Ly Ly đã đoán trúng. Bốn buổi làm việc với Chủ Tịch Huyện cho thấy ông không phải kẻ chủ mưu. Ông cũng chẳng muốn che giấu vụ này. Cái sự 'Lãnh đạo tập thể" buộc ông vào thế khốn.
Cộc cộc cộc.
Buổi thứ hai làm việc hoàn toàn trái ngược với buổi thứ nhất. Chủ Tịch Huyện đón Ly Ly bằng cái mặt cười buồn nhăn nhúm, ông bắt đầu rỉ rả kể, kể như người ta kể chuyện tiếu lâm.
Mẹ khỉ... chuyện như đùa.
Chủ Tịch Huyện đi thăm huyện Khế thấy cái nghĩa trang liệt sĩ của người ta to quá, hoành tráng quá. Huyện chúng nó được cái cóc khô chi mà nghĩa trang to rứa bay? Chủ Tịch Huyện cằn nhằn với đám trợ lý. Thời chiến tranh, huyện đó chỉ hứng chừng vài chục quả bom, cóc bắn rớt được chiếc máy bay mô, toàn dân đen chết, liệt sĩ ở mô ra mà làm cái nghĩa trang to rứa? Nó muốn khoe à? Kho kho... khoe chi lại khoe liệt sĩ!
Thủ trưởng nói sai rồi. Đám trợ lý nhao nhao. Ngày nay nghĩa trang là bộ mặt của huyện đó thủ trưởng ơi. Khách khứa ai người ta quan tâm đến mình làm ăn ra sao. Chỉ cần thấy cái nghĩa trang là người ta đoán được huyện mình giỏi giang hay kém nát, giàu có hay nghèo nàn. Kho kho... Nói chi lạ rứa bay. Khoe chi lại đi khoe cái nghĩa trang. Gớm chết.
Ôi thủ trưởng ơi, thủ trưởng không biết Thời này người ta đua nhau sửa sang mồ mả à. Cứ nhìn vào mồ mả ông bà biết ngay nhà đó có ăn ra làm nên hay không. Thủ trưởng cứ xây cái nghĩa trang hoành tráng đi, nhất định thủ trưởng sẽ lên đời. Người ta nhìn thủ trưởng khác ngay lập tức, vừa giỏi giang vừa giàu lòng nhân ái. Thủ trưởng có biết vì sao cấp trên hay ghé qua huyện Khế không? Vì nó có cái nghĩa trang hoành tráng nhất tỉnh đó.
Ua chầu chầu... rứa à bay! Dạ dạ! Thủ trưởng biết thừa, cấp trên nào không muốn có một phút trầm ngâm mặc tưởng trên ti vi trong nghĩa trang liệt sĩ. Quay mãi cảnh họp hành, bắt tay bắt chân, chạm ly chạm chén, cao đàm khoát luận... dân người ta ngứa mắt lắm. cấp trên đã bơn bớt mấy cái vụ đó rồi. Bây giờ là vùng sâu vùng xa, bão lụt, mất mùa đói kém, xuất hiện mấy chỗ đó mới ăn. Thủ trưởng không thấy hễ có lụt bão là y như thấy cấp trên mang tơi đội nón suốt ngày trên ti vi đó sao. Kho kho... tau có mù mô mà không thấy! Dạ dạ! Còn thêm mốt trầm ngâm bên nghĩa trang, tặng quà các bà mẹ, xoa đầu các em thơ. Ha ha ha... Đúng rồi!... đúng rồi! Đám trợ lý cười vang.
Thôi thôi không nói chuyện đó nữa, nói lại chuyện nghĩa trang tao nghe mồ. Có làm không? Làm hả. Dạ dạ! ờ làm thì làm, đất cát thiếu chi, làm cái thiệt to nghe. Dạ dạ! Mấy?... Chục tỉ a? Chục tỉ thì tao xin được. Đây là việc nghĩa mà, ông nào dám chối. Cứ đè trước kì bầu bán mà xin có mà chạy đằng trời, kho kho kho.... Sau cái cười đắc chí, cũng ở cái thế ngửa cổ cười như thế, Chủ Tịch Huyện đánh một giấc dài, về tới nhà khi nào không biết.
Thì ra một chủ trương lớn lại bắt đầu từ những bốc đồng tào lao. Chuyện thật hả anh? Ly Ly khéo đắp bộ mặt ngây thơ thật cả tin dễ thương, hai mắt cô tròn xoe. Chuyện rứa đó chị, vớ vẩn rứa đó. Cái nhìn thú tội của Chủ Tịch Huyện cho biết ông sẽ nói hết, tuyệt không giấu một chuyện gì miễn Ly Ly hiểu ông, thông cảm cho ông. Ly Ly cũng đáp lại bằng cái nhìn tin cậy và thẳng thắn. Chẳng biết Chủ Tịch Huyện có tin không, chắc không. Nhà báo nào chẳng cố chứng tỏ mình là kẻ đáng tin, ông thừa biết.

*

Cộc cộc cộc.
Chủ Tịch Huyện vẫn hẹn làm việc lần thứ ba với Ly Ly. Cô chẳng buồn nghe câu chuyện của ông nữa, dây cà dây muống quá trời, tuy vẫn không thôi mắt trợn miệng há đầy háo hức. Sợ cái tật ngáp vặt lại giở chứng, Ly Ly phải luôn mồm thế à?", ''ui thế a"...
Ừ, rứa đó chị. Chủ Tịch Huyện kể tiếp. Một tháng sau việc xây dựng nghĩa trang được đưa vào nghị quyết, chủ ban A là Phó Chủ Tịch Văn Xã. Xưa nay các công trình lớn bé, tui không dây. Mình biết múi mớ chi mà làm, lỡ nghe tụi nó rủ rê, nhúng vô cái chết liền. Thà để đứa khác ôm cả chùm khế ngọt, chúng nó vặt vài quả cho mình cũng đủ no, dại gì ôm lấy cả chùm đã mang tiếng lại dễ toi. Tui nói rứa có đúng không Ly Ly? Dạ.
Chỉ ba tháng cái nghĩa trang hai ngàn mộ đã xong, hoành tráng ngất trời, công nhận cái thằng giỏi thiệt. Chủ Tịch Huyện xuýt xoa khen Phó Chủ Tịch Văn Xã. Làm hết 5 tỉ, quyết toán 10 tỉ không một tiếng vo ve phải không anh? Ly Ly chen ngang. Kho kho... Ly Ly khi mô cũng như đi guốc trong bụng người ta rứa hè. Đó là Ly Ly nói đó, không phải tui nói mô nghe. Không, em chỉ muốn nghe chuyện qui tập mộ liệt sĩ thôi. Chuyện bên A là chùm khế ngọt nhàm rồi. Ly Ly muốn nói đó là chuyện thường ngày ở huyện à? Dạ không, đó là chuyện thường ngày ở xứ Việt mình đó anh. Kho kho kho... Ly Ly nói đó nghe, không phải tui nói mô nghe. Vâng, anh kể tiếp đi. Rồi. Để tui kể cho nghe, uống với tui lon bia rồi tui kể cho nghe.
Chủ Tịch Huyện bóc lon bia uống ừng ực như kẻ khát cháy họng. Một khi trong lòng chất chứa những lo toan thường người ta vẫn khát như vậy, những con khát bất chợt bùng lên, uống bao nhiêu nước vẫn cứ thiếu. Tội nghiệp Chủ Tịch Huyện, ông đang rất lo.
Nghĩa trang xây xong, tui cũng quên luôn nó. Lo đắp đầy ruột nghĩa trang, qui tập hai ngàn mộ liệt sĩ là việc của Phó Chủ Tịch Văn Xã. Chúng nó kêu như cha chết. Liệt sĩ cả huyện chỉ hơn bốn trăm ông, kiếm đâu ra cho đủ hai ngàn ông đây. Liệt sĩ nằm trên rừng cả vạn, thiếu chi, lên đem về. Bộ gửi thông
tư kiếm được một bộ hài cốt là hai triệu tư, tỉnh cho thêm một triệu là ba triệu tư, huyện quyết thêm sáu trăm ngàn nữa cho đầy bốn triệu, cộng với tiền xây cất mỗi mộ ba triệu rưõi, cả thảy bảy triệu rưõi. Rứa đó, tổ chức mà đi tìm. Kêu ca với ai đây? Người ta hy sinh xương máu, mình chỉ lên rừng đem người ta về còn kêu ca, lạ quá tinh thần các đồng chí. Rứa đó, lên dây cót tinh thần anh em đi. Làm xong rồi báo cáo, đừng có cứ chục ngày lại chạy lên kêu khổ, không xong với tui mô. Rứa nghe!
Chủ Tịch Huyện lại bóc bia uống ừng ực, bia chảy tràn ướt cổ. Đã đến lúc không cần giữ ý nữa, ông ném lon bia, lấy tay áo chùi miệng đầy bọt bia, tràn lên cả mũi. Lâu lâu không nghe Phó Chủ Tịch Văn Xã nói chi, tui nghĩ rứa là xong, ai dè xảy ra co sự ni, thật ngao ngán hết chỗ nói.
Ly Ly tin Chủ Tịch Huyện đã nói thật, không ai nói thật được như ông.

*

Không có hẹn buổi thư tư, Chủ Tịch Huyện đã quá mệt mỏi, ông không muốn nhắc đến chuyện đau đầu này nữa. Ly Ly vẫn cứ đến.
Cộc cộc cộc
Ly Ly nắm được lịch của Chủ Tịch Huyện, hôm nay ông làm việc tại văn phòng.
Chủ Tịch Huyện không mở cửa, Ly Ly tự đây cửa vào, thấy ông đã nghiêm ngắn ngồi trước bàn. Tui sắp đi họp. Chủ Tịch Huyện mệt mỏi nói, giọng khàn khàn. Tui có thể nói chuyện với Ly Ly chừng chục phút thôi. Vâng, thế thì thôi, xin anh buổi khác vậy. Em về đây. Ly Ly đi ra, vừa khép cửa bỗng nghe Chủ Tịch Huyện ho khan, tiếng ho khô và đục kéo dài không dứt, không còn kịp lây hơi.
Ly Ly vội quay lại. Chủ Tịch Huyện ngừng ho, ông ngồi ôm ngực thở dốc. Anh có sao không? Chủ Tịch Huyện xua tay lắc đầu, ông ngồi dựa ngửa, mắt nhắm nghiền. Lát sau ông ngồi thẳng dậy, vuốt mặt mấy cái, khẽ cười khan một tiếng. Cái cười ngo ngẩn của kẻ chẳng biết vì sao mình cười.
Nói tui có chấm mút vụ xây nghĩa trang thì tui nói có, không nhiều nhưng có. Thời buổi này ai bày ra cái chi mà nói không chấm mút được chút đỉnh là nói phét. Tui cũng rứa thôi, cũng là người đầu đen máu đỏ cả, dù không muốn cũng phải làm. Ngồi đó mà cần kiệm liêm chính, khóa sau chó nó bầu cho mình.
Chủ Tịch Huyện với tay lấy lon bia uống dở, Ly Ly ngăn lại. Thôi, anh không uống nữa. Đang ốm mà anh. Ly Ly dịu giọng. Chủ Tịch Huyện vẫn uống và nói, cả uống lẫn nói đều chậm chạp yếu ót.
Như ba anh Hoàng ngày xưa đó, cần kiệm liêm chính cho lắm vào, không cho ai chấm mút chút chi cả, được vài năm người ta tống cổ về nhà ngồi, đổ bệnh tâm thần, ngồi một mình lảm nhảm cho đến chết. Chủ Tịch Huyện ngồi đần ra, chẳng biết mình có lỡ lời hay không, nên nói nữa hay nên thôi., ông quá mệt mỏi và buồn ngủ. Chỉ cần đẩy khẽ cái là ông lăn ra ngủ như chết.
Tui lôi hết gan ruột tui ra rồi đó. Mai mốt Ly Ly lôi lời tui lên báo thì tui chối nhưng giờ thì tui không dám giấu Ly Ly bất kì điều gì. Để khi khác ta nói chuyện này, được không anh? Ly Ly lấy lon bia khỏi tay Chủ Tịch Huyện, ồng lì lợm bóc lon khác, tay run run, co mặt giật liên hồi. ông uống, lon bia run lẩy bây, bao nhiêu bia chảy tràn ra. Ly Ly thấy sờ sợ, cô muốn chào ông đi ra ngay khỏi phòng.
Khoan về, tui chỉ nói một câu nữa thôi. Chủ Tịch Huyện ngừng uống, mở mắt lờ đờ. Một câu nữa thôi. Vâng... Ly Ly chờ đợi. Chủ Tịch Huyện ngồi im thật lâu, bờ môi run run. Tui nói với Ly Ly rồi, ăn tham thì có, ăn bẩn thì không. Việc quỵt tiền tử tuất, tham ô hài cốt liệt sĩ thì không, hoàn toàn không. Nhà tui cũng có bốn liệt sĩ, trời ép thánh bắt tui cũng không dám làm việc thất đức đó mô, không dám mô. Tui nói sai trời đánh tui chết liền Ly Ly ơi!...
Chủ Tịch Huyện nghẹn giọng như sắp khóc. Mà khóc thật, hai mắt ông đỏ hoe.

*

Vắng Ly Ly, Hoàng nằm hút thuốc chán chê, đọc mấy tờ báo cũ, cố tìm được chuyện gì đó hay hay. Không có. Chán, anh dẹp hết, bỏ đi tắm. Phòng tắm nhỏ, nền ẩm mốc, vòi nước rỉ ra vài tia nước nhỏ chỉ đủ rứa ráy, không tắm được.
Thế này còn tốt chán so với thời chiến tranh, vào mùa khô gay gắt rất nhiều khi lính tráng phải 'Tắm gà": Đánh vật cho toát mồ hôi, ngồi kì hết đất ghét rồi lau khô, thế là xong một cuộc tắm. Gặp một trận mưa rào thật sướng hơn cha chết sống lại, hàng trăm thằng trần như nhộng chạy giữa trời hò hét chọc ghẹo ầm ĩ hệt đàn con nít được thả rông.
Hoàng nhớ tuổi bé con cùng Thùy Linh nhảy múa dưới mưa. Lớn lên chút nữa, dắt tay Thùy Linh chạy dưới mưa, tấp vào cây đa đầu làng ôm nhau run rẩy. Kí ức về những con mưa bất chợt nơi Xóm Cát với Thùy Linh khiến Hoàng đứng ngẩn tò te, không còn biết vòi nước đã tắt tự lúc nào.
Không gì sung sướng bằng được dầm mình dưới con mưa rào bất chợt đến trên trảng cát khô khốc. Đang khi nắng lửa đổ xuống như nướng chín da thịt, gió Lào bỏng rát thổi thốc vào mặt, con mưa rào chợt đến, trảng cát như cái chảo rang cháy xèo trong giây lát. Cả một không gian ướt lạnh, mát lịm thấm đến từng lỗ chân lông.
Thủy Linh chạy ra sân giữa con mưa xối xả. Mau lên anh! Cô nhảy choi choi ra trảng cát như trẻ con lên ba. Hoàng cũng choi choi nhảy ra. Chạy đâu đây?... Đó tề! Đó tề!... Họ nắm tay nhau tung tăng dưới mưa, ngoảnh lại đã thấy mình cách xa trảng cát gần một cây số.
Thích quá, cứ dắt nhau đi thế này thì thích quá. ừ, thích hè thích hè! Em lạnh không? Mát chứ răng lại lạnh, ừ, mát quá! Giá cứ mưa như ri suốt đời anh hè? ừ. Hoàng ôm lấy Thùy Linh, ôm thật chặt. Không rõ nước mưa hay con khát tình đã bóc trần họ ra, bỗng chốc cả hai trần như nhộng.
Mưa vẫn trút ào ào. Trảng cát giờ này quyết không một bóng người. Ui, mát quá, mát quá a a a!... Chạy đi! chờ em với. Đố đuổi theo kịp đây. Không, chờ em với. Đã nói chờ em mà. Không thèm chơi với anh nữa! Hoàng quay lại, cõng Thùy Linh chạy ù ù. Chạy đi mô đây anh? Không biết, cứ chạy thế thôi. Ừ, cứ chạy rứa thôi anh hi? ừ, chạy cho đến khi nào hết mưa thì thôi. ừ... Trời ơi răng mà thích rứa không biết! A ha ha...
Tuổi hai mươi trần như nhộng chạy dưới mưa trời! A ha ha...
Thủy Linh còn nhớ những con mưa rào trên trảng cát không? Hoàng tần ngần tự hỏi. Chắc có. Sao mà không nhớ được, một nghìn trận tình có thể quên nhưng những cuộc khỏa thân dưới mưa trên trảng cát không thể nào không nhớ. nhớ và khóc, nhất định thế.
Anh khóc rồi đây. Em có khóc không, Thùy Linh?...
Cái đêm Hoàng một mình tìm về Xóm Cát, đi qua cây đa đầu xóm, anh không thấy ông Rúm. ông ngồi thu lu trong hốc chạc ba rễ lớn cong vống, bành ra như những cái mai rùa. ông Rúm cũng chẳng thấy Hoàng, ông bị bom đánh mù mắt. Chứng mù cho ông đôi tai thính lạ thường. Nghe tiếng chân bước gấp trên cát ông biết ngay đó là một người lính, một trong những người lính về Xóm Cát gửi năm chục phuy dầu năm trước. Linh tính báo ông điều đó, đúng hơn ông chờ điều đó đã từ lâu.
Ông Rúm còn biết Hoàng về Xóm Cát để làm gì. về để cùng dân canh năm chục phuy dầu thì hẳn rồi, không lẽ quẳng cho dân cả đống của rồi bỏ đi tít mù không trở lại? Hoàng về với con gái nuôi của ông. Khi Thùy Linh chạy đuổi theo sáu chiếc xe tải xích tăng vừa khóc vừa gào thét, dân Xóm Cát ai mà không biết. Thủy Linh đã kể cho ông về Hoàng, kể rất nhiều, hễ động bất kì chuyện gì cô cũng chép miệng nói ''Ngày xưa anh Hoàng..."
Hoàng ôm cái đài lóng ngóng đứng cửa nhà Thủy Linh, ông Rúm không hề lên tiếng, cũng chẳng chạy ra gọi Thủy Linh giúp anh. Mọi việc đã có chị Rá, người đàn bà luôn đón rước khách Xóm Cát bằng một khúc dân ca xứ cát, khúc ca độc nhất vô nhị của chị.
Chị Rá đang vung roi múa hát giữa sân. Ơhơhơ... chờ em mới hỏi anh nì... trăm thứ dầu có dầu chi là dầu không thắp... Thoạt nhìn cũng biết đó là người không thể hỏi. Hoàng liều kéo cánh cửa lá mía lên, cú kéo cửa liều lĩnh vì anh không thể biết đây là nhà ai, chẳng ngờ một phút sau anh đã có Thùy Linh trong vòng tay. Chỉ có Chúa mới biết vì sao Hoàng cứ đâm bổ đến nhà này, mở cửa và Thùy Linh hiện ra, nhào tới mềm nhũn trong tay anh.
Chiếc hôn dài nhất thế kỉ, Thủy Linh đã nói thế. Hoàng cũng không biết nữa, cú hôn mê sảng không một giây phút rời ra. Cả hai rơi xuống chõng tre, họ vẫn riết lấy nhau. Chưa kịp rời môi Thùy Linh, chưa kịp vén tấm vải mềm nóng ướt dưới khe đùi, Hoàng đã trút hết trong con rùng mình cảm khoái không cách nào kìm giữ nổi.
Anh có dậy không? Hay là để em bế anh đi rửa mặt? Hoàng mở mắt thao láo, định thần mãi vẫn không biết mình đang ở đâu. Yêu em suốt đêm, mệt lắm phải không? Thùy Linh đẩy vai Hoàng dựng dậy. Anh nhìn ngó quanh quất. A, Xóm Cát!... Xóm Cát đây rồi!
Sau cửa sổ thấp thoáng mấy ngôi nhà lá mía, nối đuôi nhau kết thành một vòng elip chạy đến tận cây đa. Trước cửa nhà, chỉ cách chừng vài chục bước chân là suối Mật, nước chỉ ngang mắt cá sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Phía sau nhà là bãi cây phi lao lùn tịt, mọc rậm rịt lẫn với những đám cây xương rồng.
Nhìn rất rõ núi Ngậm Ngùi, cả dãy núi Phượng Hoàng nữa, đang xếp chồng lên nhau, tầng tầng lóp lóp ở phía tây trảng cát, hừng lên một màu xanh cô ban mát và mịn, viền một chút màu tím sáng, vài vệt màu xanh lá cây chảy ngập ngừng từ ngọn xuống chân núi. Trên những ngọn núi xa mò là những đám mây trắng xốp nửa như bám hờ vào những ngọn núi nửa như chực bay đi. Từ trong căn nhà nhỏ, phóng tầm nhìn qua cửa sổ, vượt qua những khoảng sáng hẹp chòn vòn giữa đám cây phi lao, những dãy núi kia đẹp ngõ ngàng như tranh Hokusai ông đã vẽ trong những con mộng mị, đem đặt liên tiếp nhau trên nền trời bây giờ hệt tấm voan xanh.
Tối qua anh làm em mụ mẫm cả người. Ngày xưa không như rứa... Thùy Linh sà vào lòng Hoàng. Anh cứ nghĩ không bao giờ có được một lần với em như ngày xưa, không ngờ... Hoàng tì cằm cạ râu lên gáy Thùy Linh, cử chỉ biết ơn mỗi lần anh xúc động. Em cũng rứa... Thủy Linh dân dấn nước mắt, cô bấu chặt lấy gối Hoàng, bấu rất chặt. trời Phật cũng có mắt!... Hoàng riết lấy Thùy Linh hôn ngấu hôn nghiến.
Mạ!... Mạ ơi! Bé Thùy Dương tròn xoe nhìn mẹ nó và Hoàng đang quấn lấy nhau trên chiếc chõng tre bề ngang không đầy tám tấc. cô bé có gương mặt Đức Mẹ, đôi mắt trong veo, gò má trắng hồng, muốn cắn vào đấy một miếng ngon lành.
Sao con về sớm rứa?... Ngủ ngon không con?... ông cho ăn sáng chưa?... Ăn chi?... Khoai với cá phải không? Những câu hỏi luống cuống che đậy ngượng ngập của Thùy Linh không làm cô bé chú ý. Nó không trả lời, mím môi tròn mắt nhìn Hoàng. Chắc là nó đang hỏi ở đâu ra một người đàn ông lạ hoắc tự nhiên quấn lấy mẹ nó thế này.
Hoàng cũng vậy. Anh e dè nhìn Thùy Dương. Cô bé này là ai? Sao lại gọi Thùy Linh bằng mẹ? Trông kìa, nó giống Thùy Linh như lột. Hay Thùy Linh đã có con?
Con em. Thùy Linh kéo bé Thủy Dương vào lòng. Nó là sai lầm của em... nhưng là con em. Gắng mãi Thùy Linh cũng nói được.
Cha nó đâu? Nó không có cha. À... chết rồi. Anh cứ coi như cha nó chết rồi. Thùy Linh nhìn thẳng vào mắt Hoàng. Không phải! Bé Thủy Dương mếu máo day áo mẹ nó. Ba chưa chết...
Thủy Linh vội ôm lấy con. ừ, ba chưa chết...
Một khối đen ngòm từ mái hiên nhà rơi sụp xuống, dần nở phình to, tràn lên ngạch cửa, vươn tới trùm lấp lấy căn nhà tranh cũ nát. Hoàng mở căng mắt. Không thấy gì hết. Có tiếng gì ong ong trong óc, ù ù bên thái dương. Anh cảm thấy nghẹt thở, tựa hồ như đang rơi vào một hố sâu ma quái vừa thiếu khí vừa thiếu sáng. Hoàng hậc to một tiếng, anh lao ra khỏi nhà.
Hoàng! Hoàng ơi!... Dừng lại, dừng lại đi! Để em kể!... Tiếng kêu rụng rời tuyệt vọng của Thùy Linh.
Hoàng chạy bất tử ra trảng cát sau xóm. Thùy Linh không còn của riêng anh nữa, cô đã có con với người khác. Cuộc trở về tan nát. Hoàng đã bỏ trốn đơn vị, vượt qua hơn trăm cây số đầy bom đạn chết chóc về đây. Nhưng về đây để làm gì? Vô nghĩa, vô nghĩa hết sức!...
Hoàng! Hoàng ơi!....
Vô nghĩa, vô nghĩa hết sức!...