CHƯƠNG 2

     ình có yêu Hoàng không? Không. Khi xa nhau mình có hề nhớ hắn đâu mà yêu.
Mình chẳng cần Hoàng như cần một người thầy, chưa khi nào mình thấy cần học hỏi hắn một điều gì. Mình cũng chẳng cần Hoàng như một kẻ giúp việc, riêng chuyện này hắn cần mình nhiều hơn mình cần hắn. Về khoản sex Hoàng thuộc loại trung bình yếu, trừ một vài cú đột xuất còn lại như mèo mửa. Để chọn một con đực tất nhiên không ai ngu chọn Hoàng.
Nhưng bất kì khi nào mình cũng muốn có Hoàng ở bên mình. Thế là thế nào?

*

Con tàu lao nhanh với một tốc độ đáng khen. Ly Ly đang ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ huýt sáo. Nhìn nghiêng cô càng giống Thùy Linh. Giống đến rùng mình. Thùy Linh không huýt sáo. Chưa bao giờ Hoàng thấy Thùy Linh nhọn mỏ huýt sáo vô tư lự như Ly Ly. Chỉ có một người huýt sáo hệt Ly Ly, đấy là Lý, cô Thanh niên xung phong mắt lươn đã cứu Hoàng trong trận bom đầu đời lính.
Ở đại đội Thanh niên xung phong năm mốt cô gái, Lý trẻ nhất, cô hơn Hoàng ba tuổi, nói cười suốt ngày. Người Thanh Hóa nhiều cô nói nghe rất hay, không biết Lý ở huyện nào mà phát âm tiếng nào cũng méo xệch - "Em ò Thên Hướ!". Hoàng nhại lại trêu Lý, cô ré lên một tràng cười như gà non cục tác, nguẩy đít le te chạy.
Lý gọi Hoàng bằng anh, xưng em. Hoàng vừa thích vừa ngượng. Mỗi lần Lý réo ba tiếng "ướ anh ui!" là tai Hoàng chuyển màu. Ở cái tuổi hơn một ngày hay một điều, việc một cô gái hơn hẳn Hoàng ba tuổi cứ kiên trì gọi Hoàng bằng anh nghe thật trớ trêu, nó báo trước một âm mưu. Hoàng vừa thích vừa sợ.
Lý làm như không màng đến mấy trò yêu đương nhăng nhít nhưng gương mặt hồng tươi, cặp môi dày ướt rượt lúc nào cũng muốn mơn trớn một cái gì sẵn sàng tố cáo tâm địa cô. Lý huýt sáo bất kì lúc nào, vui cũng như buồn, lặp đi lặp lại mỗi giai điệu ca khúc của Xuân Giao về các cô gái mở đường, đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh... Tiếng huýt sáo đã kéo cổ Hoàng bám theo cái gáy trắng muốt của Lý sấp ngửa đi ra khúc vắng suối Voang như kẻ mộng du.
Sáng sớm Lý xách xô áo quần đi qua Hoàng, đánh mắt sang anh như hỏi: "Em đi tắm đây, anh có theo không?" Hoàng nằm ra vẻ chán chường, không mấy quan tâm. Lý vừa đi khuất anh bật dậy lén bám theo liền. Lối xuống suối rất hẹp, chỉ vừa đủ đặt chân, ngoằn ngoèo khúc khuỷu, dốc và trơn. Lý đi như lướt trên lụa. Cái gáy trắng muốt lấp loáng trong lá cây. Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng huýt sáo dìu dặt khuyến dụ Hoàng dũng cảm tiến lên. "Em ở đây... lối này cơ!...“
Hoàng bám theo cái gáy trắng muốt lúc ẩn lúc hiện dần tụt dần xuống suối Voang. Khúc suối rộng xanh ngăn ngắt dưới những tàng cây săng lẻ. Nắng sớm mai vàng tươi lẫn trong sương núi mơ hồ. Lý khỏa thân vẫy vùng giữa suối. Trên bờ, Hoàng ngồi núp sau bụi cây nhìn như nuốt thân hình trắng nuột nà đang dâng lên mỗi lúc mỗi gần.
Lý thừa biết Hoàng đang ngồi ở đâu, sau bụi cây nào. Chỉ có Hoàng là chắc mẩm chẳng ai biết mình đang rình rập xấu xa ở đây. Lúc lúc Lý đứng dậy, mắt hướng vô tình phía Hoàng, nụ cười sáng tươi, bộ ngực căng tròn dưới nắng mai.
Hoàng biết Lý muốn gì, càng biết anh càng thu mình sau bụi cây.
Không trông đợi được một chút gì ở Hoàng, Lý leo lên tảng đá giữa suối, nửa nằm nửa quì, toàn thân đổ nghiêng, rũ ra như vừa đánh mất một điều gì thật lớn lao. Nước chảy tràn trên mọi đường cong, mái tóc và tấm lưng trần óng ả được chiếu sáng bằng thứ nắng vàng tươi, hệt bức tượng đá cẩm thạch của Rodin về người đàn bà bị đày xuống địa ngục, bị buộc phải đổ đầy nước vào cái thùng không đáy, ngời lên vẻ đẹp đau buốt trong một khoảnh khắc tuyệt vọng.
Hoàng ngồi thu lu trong bụi, nửa muốn bỏ đi nửa muốn nhảy xuống suối ôm chầm lấy Lý rồi muốn ra sao thì ra. Chẳng ngờ Lý đã đến bên anh từ lúc nào. Cô túm tóc anh kéo giật một cái. Về! Hoàng giật bắn. Anh ngước lên, bắt gặp cái nhìn xói giận dỗi lẫn chút coi thường. Như đứa bé ăn vụng bị bắt quả tang, Hoàng cúi gầm mặt, hai tai đỏ nhừ. về! Còn ngồi đó làm gì nữa! Lý bỏ đi. Tiếng huýt sáo vang lên khe khẽ, chìm dần trong lá rừng. Hoàng lại lủi thủi bám theo tiếng huýt sáo trở về hang đá.
Thì biết làm thế nào, khỉ thế cái tuổi mười bảy.

*

Gì mà tủm tỉm thế hot boy? Ly Ly cấu mạnh lưng Hoàng. Anh ngó ra một lúc mới hiểu Ly Ly nói gì. Em theo dõi anh kĩ thế? Thèm vào theo dõi anh! Hoàng bẹo má Ly Ly. Mặt em trông rất là extri. Cái gì? Ly Ly vằn mắt lên. Em có biết bệnh female hysteria không? Sao tự dưng lại hỏi thế? ừ nhỉ. Hoàng cười xoẹt, cái cười rõ vô duyên.
Hoàng vừa nhớ đến Lý và cái hang đá của năm mốt cô gái Thanh niên xung phong, nơi vẫn bùng nổ những cơn extri tập thể. Mặt những cô gái extri thường căng phồng lên tái dại vào thời điểm cao trào, khi bắt đầu lên cơn quả thật rất giống mặt Ly Ly lúc này, ngổ ngáo và khó chịu.
Sau này Hoàng mới biết đấy là nỗi thống khổ của đàn bà. Những thèm khát lương thiện đã bị giáo lý đương thời bủa vây, lâu ngày kết tủa thành khối u chèn ngang ngực, đau buốt. Đau quá hóa điên...
Ừ, sợ quá đi mất.
Đang giữa bữa cơm trưa, một chị bỗng đứng vụt lên, mồm cơm đầy phun ngược. Và cười. Chị ném cái bát xuống đất, quay ba vòng. Để tao diễn xiếc cho tụi bay xem! Chị cười ngặt nghẽo, vừa cười vừa lột hết áo quần, cầm lấy cái quần khua khua, cứ thế chạy rối loạn trong hang đá.
Thoạt tiên là thế. Ba phút sau có đến hai chục chị nhất loạt ném bát cơm, nhất loạt cười ngặt nghẽo. Tiếng cười rú rít đột khởi bung ra, đập vào vách đá dội vang đến buốt óc. Tất cả ù té chạy, đuổi nhau, vật nhau, xé áo quần nhau, đè ngửa nhau ra. Họ vừa hét vừa cười vừa khóc vừa lột trần nhau ra trước mắt Hoàng.
Ba chục chị còn lại ra sức đuổi bắt từng người một đè dí xuống. May có chị Nụ người đã túm cổ áo Hoàng lôi ra khỏi xác người lái xe, vẫn còn tỉnh táo. Đại đội trưởng Nụ, người chị to khỏe vâm váp nhất đại đội, đang hò hét mọi người cố dẹp tắt cơn động rồ bất thường. Chị nhanh chóng túm tóc từng người, bằng cái ngáng chân nhẹ nhàng, vật ngửa hết chị này sang chị khác. Bị các chị tỉnh táo giữ chặt, các chị đang lên cơn tha hồ la hét giãy giụa.
Hoàng ngồi co ro há mồm nhìn đám tao loạn. Hoàng, tới đây! Chị Nụ tay chỉ miệng quát. Hoàng đứng dậy dè dặt đi tới. Mày đàn ông đàn ang gì mà ngu, thấy các chị thế này mà cứ ngồi trương mắt nhìn. Cởi áo ra, mau lên! Hoàng chưa kịp hiểu cái lệnh quái quỉ này là thế nào chị Nụ đã kéo phăng áo cô gái đang lên cơn. Tràn ra một bộ ngực trắng nõn. cởi áo ra mau lên, ơ cái thằng này!
Chị Nụ sấn tới kéo phăng áo Hoàng, đè cổ Hoàng nằm úp lên cô gái. Nằm ép chặt vào! Hoàng chực vùng dậy lập tức bị chị ấn mạnh xuống. Một chị đi tới cùng chị Nụ giữ chặt Hoàng. Thằng này còn nhỏ chị ạ. Nhỏ cái gì! Chị Nụ gắt. Nó thừa sức cho mày có chửa đấy. Thì chị cũng phải giải thích cho nó hiểu. Thời gian đâu mà giải thích! Chị Nụ lại ấn cổ Hoàng xuống. Mau lên!
Hoàng ngoan ngoãn làm theo lệnh đại đội trưởng. Dù thế nào anh cũng đã là lính, quân lệnh như sơn, bài học lính tráng đầu tiên anh được học. Hôn chị mày đi em, hôn vào cổ ấy, mạnh dạn vào... Đặt tay lên ngực chị mày đi... Thế! Thế!...
Hoàng làm theo như cái máy, lóng nga lóng ngóng chẳng hề có một cảm giác gì. Chúng mày nhắm mắt đi cho nó làm! Chị Nụ quay lại mấy chị đang ngồi xung quanh, quàu quạu nhìn họ. Mấy cô gái đứng cạnh sợ sệt tản ra cả.
Chị Nụ nghiêm mặt nhìn quanh xem có ai cười không. Không ai cười. Cười làm sao khi tất cả đang diễn ra trong hỗn loạn, giữa gầm gào, hú hét chói tai. Nắn mạnh tay vào, thằng ngu! Mày làm gì mà như sờ cóc chết thế hả! Chị Nụ gắt gỏng. Hoàng run lên, vục mặt vào bộ ngực tràn. Mùi sữa non hơi hơi sực lên, anh chực ngóc đầu, bàn tay cứng như sắt của chị Nụ đè nghiến xuống.
Mấy phút sau người bệnh mềm dần, chùng hẳn xuống, bộ mặt thất thần biến mất. Chị khẽ đẩy Hoàng ngồi dậy ngơ ngác nhìn xung quanh. Chị có vẻ ngượng, quay mặt đi, vội vàng quờ tìm áo mặc. Hoàng vừa lồm cồm bò dậy liền bị chị Nụ kéo tay lôi đi. Mau sang người khác! Hoàng lẽo đẽo chạy theo chị Nụ.
Những lần sau Hoàng mạnh dạn hơn, thành thục hơn. Dần dà anh trở thành kẻ mặt dày, trơ trẽn hành sự không chút nao núng mỗi khi trong hang có người lâm thứ bệnh điêu đứng này. Hoàng đã ôm ấp hầu hết các cô gái trong hang đá, sờ nắn hết thảy những bộ ngực trinh nữ. Những bộ ngực được gìn giữ nâng niu, gói ghém giấu giếm kỹ càng suốt tuổi thanh nữ, bỗng chốc bị bóc trần trong một giờ lâm bệnh.
Một cái véo sườn đau điếc tai. Hoàng giãy nảy. Ban ngày ban mặt, ngồi trên tàu mà ngủ mơ trời ạ! Ly Ly cau mày ngán ngẩm. Đây là đâu? Hoàng hỏi. ơ cái anh này! Ly Ly cười hắt. Đây là đâu, nói đi. Tự dưng Hoàng nổi cáu. sắp vào hang lèn rồi hot boy ơi!
À...

*

Sắp về! Nửa giờ nữa tàu sẽ dừng ga Minh ít nhất một phút, Hoàng biết chắc như vậy, dù đây là tàu tốc hành và ga Minh chỉ là ga xép. Đơn giản vì gỗ của bọn lâm tặc đã phủ phục ở đấy từ tối hôm trước. Một phút vừa đủ cho Hoàng kéo Ly Ly rời tàu, từ đấy cuốc bộ về Thị Trấn Ninh Giang chừng bảy cây số. Nghĩa là khoảng hơn một giờ nữa Hoàng sẽ có mặt ở nơi anh đã sinh ra.
đời người có mấy bể dâu? Mười bảy tuổi ra đi, bốn tư tuổi trở về. Ai hỏi vì sao lâu thế, Hoàng chịu không biết nói thế nào. Bảy trăm cây số tàu xe thuận lợi, đâu gọi là xa? Mỗi tuần một nghìn bảy trăm chữ nộp tòa soạn, đâu phải là bận? Tiền bạc không nhiều nhưng cũng đủ thong dong một chuyến về quê. Bà con cô bác chẳng còn ai, người tình năm xưa cũng đã tha phương, nhưng hãy còn phần mộ ba anh ở quê nhà.
Mẹ Hoàng mất từ lúc anh mới sinh ra, phần mộ bị lá rừng phủ kín ở chiến khu Việt Bắc. Hoàng không biết nơi mẹ nằm đích xác ở đâu. Thuở nhỏ mải chơi, chỉ biết mẹ mất ở Tây Bắc, cũng không cần biết Tây Bắc là ở nơi đâu. Đến tuổi trưởng thành liền trốn nhà ra đi. Ba năm sau trở về, đó là co hội cho Hoàng hỏi ba anh tường tận về mẹ nhưng ba anh đã trở thành một con người khác. Cái nhìn vô hồn của người cha trọn vẹn tuổi ấu thơ anh vẫn coi như thánh sống khiến ngực Hoàng đau nhói. Anh biết không thể hỏi ông được một điều gì.
Đến ngày hay tin ba anh mất, Hoàng mới ngộ ra việc trốn nhà ra đi của mình na ná một hành động bất lương. Khi đó Hoàng đang trú quân ở lưng chừng núi Giàng phía tây Trường Sơn. Anh nằm úp mặt lên chiếc võng dù khóc thầm. Nỗi đau mất cha cùng với nỗi đắng cay khi biết mình thực ra là một thằng con vô phúc làm Hoàng không gượng dậy nổi.
Mấy chục năm qua, đau khổ dần tan đi nhưng đắng cay thì còn mãi, cơ hồ ngày mỗi đầy lên.
Có một sự thật này muôn năm Hoàng cũng không dám nói ra: Hoàng không về vì không dám đối diện với quê nhà khi biết anh đích thực là một thằng đào ngũ. Anh đã trốn nhà để xin vào quân ngũ và rời bỏ quân ngũ hòng trốn chạy về quê nhà. Cả hai đều không thành, nhà chẳng dám về, quân ngũ cũng không mong trở lại.
Bao nhiêu năm anh sống và làm việc như một tên man khai lý lịch. Người ta chỉ biết anh là nhà văn một thời mặc áo lính. Qua đống chữ nghĩa rối bời trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của anh đuợc bàn tán mấy năm rồi chưa dứt, người ta đoán anh đã một thời trận mạc, và hình như là một tay đánh đấm không đến nỗi tồi. Trong tất cả cuộc giao du, Hoàng sợ nhất câu hỏi: "Hồi là lính, ông ở đơn vị nào?“
Không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ bị vạch trần...

*

Xuống! Xuống! Xuống mau!
Tàu chỉ đỗ hai phút. Hoàng nhảy phốc qua cửa sổ, quay lại đỡ Ly Ly. Cô đang nhoài người chờ anh. Ly Ly thừa sức phóng mình qua cửa sổ, cô vẫn muốn Hoàng bế xuống trước dăm bảy cặp mắt háu đói đang nhìn, cô còn cố tình làm tuột váy lên tận bẹn. Ly Ly thích thế, lối thích rất con nít mỗi khi biết có kẻ đang muốn ăn tươi nuốt sống mình.
Anh đợi em chút. Ly Ly giật cái máy ảnh của Hoàng vụt chạy. Thoắt cái Ly Ly đã mất hút, mười phút sau trở lại, khoác tay Hoàng mặt mày hí hửng. Em vừa kiếm được chín trăm nghìn. Cái gì vậy? Phóng sự về bọn lâm tặc hợp tác với tàu hỏa. Em vừa chụp ảnh chúng tuồn gỗ lên tàu. Hoàng cười nhạt. Rõ ngao ngán cho cô bạn ngựa non của mình, lúc nào cũng sẵn sàng gây sự.
Trong tòa soạn, Ly Ly chỉ thua mỗi lão Bốn, tay nhà báo già đời chuyên về phóng sự pháp đình. Khác với lão Bốn viết để xác quyết tên tuổi mình trong giới chính khách và luôn lấy làm tự hào ngày một giao du rộng rãi với những tên tuổi lớn, Ly Ly viết chỉ vì tiền.
Chẳng thù chẳng ghét chẳng giận ai, cũng chẳng hy vọng nhờ phóng sự của mình mà xã hội sẽ tốt đẹp hơn lên, môi phóng sự chín trăm nghìn, mười phóng sự chín triệu, đơn giản thế thôi. Ai khen ai chê ai chửi mắng cũng thây kệ. Miễn là cô không sai, miễn là không phải đi đối chất với đương sự.
Một đêm đùa nghịch thỏa thuê, Ly Ly ngồi tách ra xòe tay giả cách đếm tiền, cái mặt phởn như say. Ôi tiền ơi, sao tao yêu mày thế! Hoàng quá ngạc nhiên. Hiếm khi thấy công nương đỏ lại khát tiền như Ly Ly. Hầu hết thái tử đỏ, công nương đỏ chỉ loay hoay làm thế nào xài hết đống tiền chưa kịp vơi đã đầy của nhà mình. Lắm kẻ như cuồng một đêm đốt cả tỉ đồng vẫn còn tiếc rẻ không có gì nữa để mà đốt.
Ly Ly vẫn chơi bời với đám thái tử đỏ, công nương đỏ. Chơi để tỏ cho thiên hạ biết cô là ai, cô chẳng bao giờ a dua theo bọn đó ném tiền qua cửa sổ. Ly Ly không hề quan tâm đến đống của cải nhà cô, cả tương lai của cô bố cô kỳ công sắp đặt cô cũng không để ý. Ly Ly về tòa soạn một tháng Tổng Biên Tập mới biết cô là con ông lớn. Tổng Biên Tập xuýt xoa tiếc rẻ, giá lão làm khó dễ để bố cô gọi điện cho lão có phải hay không.
Nhiều người chê Ly Ly bỏ qua cả núi phú quí vinh hoa lăn lóc ra đời bươn chải kiếm sống như kẻ thất cơ lỡ vận, có phải dại dột không? Ly Ly bỏ ngoài tai không thèm phân bua, cô vẫn ra sức chạy đua với bọn nghèo hèn nhặt nhạnh mấy đồng tiền còm công tác phí và nhuận bút. Ly Ly nhặt rất chăm và rất tham, thấy cô sôi sục kiếm tiền như kẻ sắp chết đói đến nơi cả tòa soạn ai cũng ngạc nhiên.
Ly Ly hất mặt đi qua những xì xào, người bụm miệng cười ruồi kẻ nhếch mép cười khinh. Kệ. Ly Ly là Ly Ly. Kệ sư bố các người, ai trọng ai khinh ai thương ai ghét.
Có lần đọc phóng sự của Ly Ly về sự tha hóa nhân cách vì đồng tiền với giọng đay nghiến chì chiết, Hoàng ôm bụng cười. Anh cười cái gì? Em biết anh cười cái gì rồi nhá! Ly Ly nhào tới bịt miệng Hoàng và ngã lăn ra cười. Ha ha... một kẻ hám tiền đi chửi một kẻ hám tiền khác. Thế mới gọi là cuộc đời, thế mới gọi là đàn bà! Thế hả? Hoàng phát vào đùi cô. Vâ... âng! Ly Ly khua tay như múa. Anh không biết chứ, cứ cô nào hay ngồi chê bai bà này bà nọ trốn chúa lộn chồng, đích thị cô ả cũng như vậy, có khi còn gấp mười! Thế hả? Vâ... âng!
Ly Ly là vậy đó, cô thích tự vạch trần trước khi người khác xía vào.