CHƯƠNG 5

     ũng buổi tối lạnh lẽo ấy, cái gã trai nhếch nhác mặc quân phục, chân đi dép rọ, tóc tai cuợp gáy mà vị đạo diễn cho là kẻ trộm lảng vảng kia hiện đang có mặt tại trước cửa một ngôi nhà cách đó chừng vài ba dãy phố. Cô gái đứng sau gã cũng ăn vận nhếch nhác không kém, thậm chí còn nhếch nhác hơn, chân xỏ đôi dép nhựa Tiền Phong, tay xách một chiếc túi du lịch đã bung hết khóa. Ánh sáng đèn đường soi lòa nhòa một khuôn mặt còn trẻ nhưng khắc khổ, phảng phất vẻ cô hồn của gã trai và nét mặt cũng còn rất trẻ nhưng đã sớm tiều tụy của cô gái mà để ý tinh một chút, người ta vẫn thấy một chút duyên sắc ấn thấp thoáng bên trong. Thỉnh thoảng đôi mắt lá dăm khá sắc sảo của ả mệt mỏi nhìn xuống cái bụng phinh phình của mình rồi lại liếc xéo ra bốn xung quanh, vừa tọc mạch, vừa ranh mãnh lại vừa hết sức rụt rè. Dưới chân gã là một con chó không rõ là giống gì nhưng cũng xơ xác và dữ tợn giống chủ, đang quanh quẩn hếch mồm lên hứng đón những cái bã mía từ khuôn miệng phồn thực của chủ phun xuống.
 Gã trai quầng khúc mía đang cắn dở xuống rãnh, thở phì một tiếng nghe như rắn hổ khè rồi cất lên giọng toàn đờm:
 - Vào! Tôi đã bảo cô vào mà, sợ mẹ gì!
 - Không - Ả van vỉ bằng cái giọng trong trẻo đến bất ngờ - Em... Em hãi lắm! Mình... mình cứ vào trước, rồi có gì vẫy em vào sau.
 - Gàn! Thôi được, mẹ, cứ đứng đấy. Lúc ra, tôi mà thấy lảng vảng đi đâu thì chớ bảo.
 - Vâng! Em chỉ đứng đây chờ mình. Em mà có ý nhỉnh chân đi đâu, em chết.
 - Câm đi! Nói kèn kẹt như vẹt già ngứa mỏ. Đứng đấy!
 Cẩm cảu quầng lại giữa mặt ả câu đó xong, gã đưa bàn tay to sụ, đen đúa lên gõ vào cánh cửa gỗ lim đóng im lìm được làm theo lối cổ. Còn ả, có lẽ bị mắng chửi kiểu như vậy đã quen, chỉ lặng thinh lôi từ đâu đó ra một điếu thuốc quăn queo, quẹt lửa châm hút.
 Trong đêm vắng lặng, tiếng gõ cửa vang lên như tiếng cồng. Gã phải gõ đến làn thứ ba, thứ tư... lâu lắm mới thấy cánh cửa ken két mở ra, mà cũng chỉ là mở hé. Tuy vậy nếu nhìn vào, người ta cũng có thể kịp nhận biết đó là một căn phòng nhỏ nhắn, ánh sáng hắt ra như ánh sáng chùa, đồ đạc thâm trầm, đạm bạc, thoang thoảng mùi thuốc bắc đang sắc dở và trên tường, ngay chính giữa nhà là một hàng chữ nho đã long nhũ được khảm khác cẩn thận. Cả nhà chỉ có chiếc tràng kỷ màu nâu nằm khiêm nhường trong góc tối, một chiếc sập đen quánh đã buông màn cùng vài cuốn tự điển Pháp-Việt, Anh-Việt, mấy cuốn tuyển tập Lê-nin nằm ố vàng trên giá sách. Cái hơi hướng mốc thếch, già nua và cô độc từ khắp bốn bức tường bay ra khiến gã bất giác hấp háy con mắt thâm quàng, lì lợm. Từ vệt sáng hư thực, một mái đầu bạc ló ra. Sau đó là tiếng nói trầm trầm như đọc kinh:
 - Lại là anh đấy à? Anh còn muốn điều gì nữa cái nhà này?
 - Thưa thầy - Gã nói lí nhí - Một lần nữa con cúi đầu xin thầy cho con được đưa nhà con về về làm dâu thầy. Con xin đảm bảo là...
 - Thôi, anh đi đi! - Tiếng nói vẫn không cao hơn - Nhà này không có chỗ chứa cho những quân trốn chúa lộn chồng ấy, - Con xin thầy... Dầu sao con cũng là con của thầy.
 - Tôi không muốn nhận anh là con nữa. Anh bôi tro trát trấu vào mặt tôi, vào gia đình, vào hương hồn mẹ anh như thế chưa đủ sao? Cho anh đi bộ đội, tưởng hết hạn trở về sẽ đáp hiệu lại cha mẹ, ai dè anh lại đi lôi cái thứ người lang chạ ấy về đây. Anh chọn đi, một là tôi, hai là người ấy. Chọn được, khi ấy anh hãy bước qua cái cửa này. Dầu sao tôi cũng là... người đẻ ra anh.
 - Thầy ơi! Cô ấy cũng là...
 Câu nói anh bị cánh cửa ập vào cắt đứt. Đứng gục đầu nơi bậc tam cấp giây lâu, lát sau gã ngẩng lên, mặt mày rắn câng vô hồn vô cảm. Không rõ gã nói cho riêng gã hay nói với người trong nhà, chỉ thấy giọng gã chìm đi đến dễ SỢ:
 - Thôi được, đã đến nước này thì tôi chọn đây: không bao giờ, suốt đời, tôi thèm bước qua cái cửa này nữa, dù có phải đi ăn xin ăn mày, dù có phải chết đường chết chợ.
 Cô gái lệt sệt đi đến, nhón tay kéo kéo gấu áo gã, giọng run rẩy:
 - Mình à! Hay là... Mình cứ thây kệ em. Mình cứ coi như không có em, mình bỏ em đi! Thế này em lại đâm làm khổ mình quá! Nhớ? Mình cho phép sáng mai em được lên ngược. Tại cái duyên cái số giữa em và mình nó không...
 - Im đi! Ngược xuôi cái gì, lắm cái mồm!
 Nói xong, gã quay người đi luôn. Con chó phóng lên trước một đoạn như đi trinh sát đường. Ả dừng lại một chút rồi cũng quàng nhanh lấy chiếc túi, te tái bước theo. Dáng đi đã có chiều nặng nề lắm.
 Lúc ấy, chỉ có anh công an đường phố có dáng đi thập thõm, thức đêm như vạc là biết rằng trong kia trên chiếc tràng kỷ, ông hiệu trưởng trường Đảng của quận đã nghỉ hưu cách đây ba năm là vẫn còn ngồi đó, mái đầu trắng phơ rũ xuống, bất động và những giọt nước mắt vón cục không chảy xuống được, cứ mưng mẩy trong đáy mắt già nua.