CHƯƠNG 29

     ôm khánh thành ngôi nhà ba tầng của đôi vợ chồng Nam - Thảo là một sự kiện đáng kể trong phố nhà binh.
 Pháo không chỉ nổ trong một lần mà nó hân hoan rền lên suốt hai buổi sáng. Xe con đời mới các loại các màu của cánh bạn bè giám đốc bên phía Sáu Hùng đỗ kín cả cái hẻm nhỏ dẫn vào khu tập thể xưởng phim đối diện. Đám bạn bè bên phía Nam - Thảo thì có phần bình dân hơn nhưng cũng đủ các loại DREAM II, DREAM III, WIN xanh Win đỏ... chả kém cạnh gì. Đủ mặt: tổng giám ngục Đặng Đình Um với bộ comple màu xám, trung tá Thành, người cha hay thổi kèn cho con, chị hàng nước với bộ đồ ngày xưa chỉ dùng để mặc lên bục giảng, anh công an đường phố có cái tên nghe thật dắt díu và đến nửa buổi thì đôi vợ chồng ca sĩ cỡ đệ nhất đệ nhị quốc gia cũng bước qua đường giúp vui với những bài ca sôi động nhất. Tiếp đó là những sĩ quan cấp tá, cấp tướng của viện thiết kế công trình nơi Nam công tác. Những bộ quân phục mang mày len xám này tương phản đến vui mát với những bộ cánh sặc sỡ sắc màu các kiểu các loại của đám bạn bè trai lẫn gái nơi Thảo đi xuất khẩu lao động. Đám này đặc biệt là vui nhộn và có đầy đủ các ngón chơi của thứ dân tình đã trải qua nhiều năm sống trong vùng kinh tế tư bản.
 Họ ăn uống, đập sâm panh, họ la hú, nhảy rốc, họ đi lại, nói cười, oang oang tự nhiên, họ giằng cướp lấy micro quẳng giọng vào màn hình karaoke, kéo nhau lên sân thượng tâm tình, chọc quấy, đá mát khiêu khích về phía cánh quân nhân thầm lặng chỉ giỏi đứng tụm một chỗ, rồi rượu ngấm, họ hôn nhau, chịn nhau vào chân tường, vào gốc cột còn ngai ngái mùi vôi hòa xi măng...
 Tóm lại đối với họ, một mảnh trời Tây không thể nào quên đang hiển hiện ngay trong ngôi nhà mới xây cũng theo kiểu Tây này...
 Chỉ thiếu có mỗi ông tướng già, cha của Thảo. Đến giờ phút chót cuối cùng, Loan chạy vào thông báo: “Bố không sang, bảo là cái vết thương nơi đỉnh sọ, không chịu nổi sự huyên náo, ồn ào. Nhưng em hiểu, từ cái quán cà phê buộc phải đóng cửa, bố sinh ra mặc cảm. Mặc cảm với mọi người, mặc cảm với ngay sự ăn nên làm ra của con gái con rể. Tuy vậy bố vẫn là một người tuyệt vời. Thiếu cái tuyệt vời ấy, hơi buồn một tý nhưng ta vẫn cứ vui, vui nổ trời...“
 Và họ vui nổ trời thật. Vui đến nỗi, người công an đường phố, dù tỏ ra tế nhị nhưng cũng phải buộc lòng rỉ vào tai Nam: “Làm sao cho bơn bớt đi một tý. Mấy anh chị trên tàng ba la hét hơi... mạnh quá, dễ bị bà con xung quanh kêu.” Nam cả cười nhưng vẫn đứng im. Chỉ có bà mẹ vợ lẳng lặng rời đám đông đi lên trên đó. Tối nay thiếu ông, bà tự dưng thấy trống trải lạ thường, ừ thì cứ cho là tụi trẻ nó làm huyên náo thật đi, cứ sang một chút đã có sao? Khổ, càng già càng trái tính trái nết. Ba tháng trời nó làm nhà là cả ba tháng trời ngày nào ông ấy cũng đảo qua, đảo lại, vậy mà ngày khánh thành lại nằm khườn ở nhà...
 Tối hôm nay Sáu Hùng diện một bộ comple đen giản dị nhưng thật đẹp. Dường như con người này, với cái dáng cao ráo, bước đi khoan thai, cổ hơi nghênh sang trái một chút, hàng ria mép cạo mờ mờ, miệng luôn mỉm cười nhã nhặn nhưng lại lạnh, cặp mắt sáng, hơi xếch lúc nào cũng phảng phất cái sự buồn vô cớ; sinh ra để làm quan chức, để có mặt trong những hội trường sang trọng. Bên cạnh những bộ quân phục màu tối, kể cả bộ quân phục bó sát lấy thân thể lực lưỡng của Nam; bên cạnh những bộ quần áo tân tiến nhìn đến chóng mặt, cái phong sáng của Sáu Hùng trội nổi hẳn lên, như gam màu xanh đặt cạnh gam màu đỏ, như giai điệu trữ tình chảy kề bên dòng nhạc rốc, trội nổi đến nỗi mấy cô bạn của Thảo cũng ở Đức về, tuy đã ngả sang cái tuổi sồn sồn nhưng vẫn đầy sức quyến cảm, cứ lườm, nguýt rồi ghé vào tai nhau thì thào: “Ai đấy? Cha nào đấy? Trông được quá nhỉ? Trông giống như một tài tử đang ăn khách Hồng Kong...“
 Chỉ có Thảo là im lặng mỉm cười. Chị mỉm cười vì chị không muốn nói gì cả. Tối nay, tối đầu tiên dọn về nhà mới sau ba tháng thi công bụi cát mù trời, chị bỗng thấy lòng mình oải ra, trống rỗng đến lạ lùng. So với ngày mới về, Thảo có chiều gầy đi một chút nhưng đám bạn bảo như thế lại càng đẹp, một thứ đẹp ngầm, đoan chính, hơi buồn mà họ muốn cũng không được. Có người còn kết luận: Loan là thời tiết buổi vui hôm nay nhưng linh hồn của tất cả lại là bà chị. Chị nghe biết thế, chẳng rộn lên một điều gì. cả một thời con gái gian nan, tiếp một đoạn đời làm vợ, làm mẹ nhọc nhằn, giờ đây cái khát khao cồn cào về một cuộc sống ổn định đã hiển linh bốn xung quanh nhưng không hiểu sao suy nghĩ của chị lại chảy ngược về căn phòng nhỏ của ngày xưa? Nó đẩy chị vào tận mảng tối ở sát tường, hơi cách xa với mọi người một chút. Nói đúng hơn, cái dáng dấp cũng với khuôn mặt của người giám đốc mặc comple đen kia đã làm chị đánh mất vẻ tự nhiên vốn có hàng ngày.
 Anh ấy vừa trong kia ra. Suốt ba tháng xây cất, anh chỉ có hai lần, làn nào cũng vội vàng rồi lại đi ngay nhưng lần nào cũng gây cho chị những ấn tượng khác lạ, ngược chiều. Bắt đầu là ghê sợ, sau đó lánh xa, rồi dàn dần tin cậy và, lạy Chúa, nếu hôm nay mà anh ấy không ra thì buổi vui này đối với chị nào còn có ý nghĩa gì nữa?... Lần nào gặp chị, kể cả lần này, anh cũng giữ một thái độ ân cần nhưng vừa đủ để chị khỏi phải nghĩ ngợi gì, nếu không muốn nghĩ là hơi có phần lãnh đạm. Tưởng rằng cái con người này cũng sẽ là cái con người đêm hôm ấy, chị đề phòng, xa lánh, nhưng chẳng dè chị lại dồn lực vào khoảng trống và sự lãnh đạm của anh đã khiến chị khó chịu, tức tối, như là bị tổn thương về một sức mạnh giới tính rồi phá ra thành những mảnh ám ảnh nhẹ nhàng. Cái ám ảnh thô bạo đè chồng lên cái ám ảnh ngọt ngào, cộng hưởng. Chị bỗng mong gặp anh nhưng lại thầm muốn anh đừng bao giờ xuất hiện. Và kỳ lạ làm sao, cho đến trưa hôm nay vẫn chưa thấy anh ra, ở nơi sâu thẳm trong lòng, chị chợt nảy sinh một chút căm thù. Đến khi anh đã có mặt rồi, trời ơi, tại sao chị lại thấy buồn? Thà con người ấy đừng ra... thà đừng bao giờ dính dáng đến con người ấy về những cái chuyện liên doanh, nhà cửa này.
 Thiên hạ đã bát vào những đôi nhảy.
 Những người đứng tuổi, máu lạnh ngồi vòng ngoài uống trà, nói chuyện nhân tình thế sự. Chị hàng nước: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng thấy cái nhà này của cô Thảo đẹp là một.” Kỹ sư Thành: “Quét màu sơn tráng bên ngoài bây giờ là mốt. Vừa sáng vừa không bị ố nước mưa nhưng tốn lắm! Kiến trúc nội thất và cách trang trí nó, tôi cho là trăm năm nữa cũng chưa lạc mốt bác ạ!” Anh công an đế thêm: “Nhà cửa thế này, lo nhất là vấn đề an ninh. Tôi sẽ đến bàn với anh chị ấy một buổi về cách thức phòng thủ có hiệu quả nhất.” Chỉ có cô vợ chàng ca sĩ, một cô gái đẹp và bốc lửa là nói lạc sang một nhánh khác theo cái cách cảm nhận rất ư trực giác của cô: “Nhưng cháu thấy nó vẫn cứ mỏng manh thế nào ấy. Đẹp thì có đẹp, thậm chí quá đẹp nữa là khác nhưng sao nhìn đó đây vẫn thấy một màu lành lạnh giống như cái lâu đài cổ bị bỏ không lâu ngày...” “ Phỉ thui cái miệng cô đi nhé!” Chị hàng nước nói át đi và mấy người ngồi gần đó cũng làm như là không nghe thấy...
 Nhạc nổi lên dữ dội như có sấm chớp nổi trong phòng. Đám nhà binh cũng cởi bỏ cân đai bối tử lao vào cuộc. Hóa ra họ lại nhảy dẻo ra trò và họ cũng chỉ cốt chứng minh được điều đó. Loan, với lối ăn mặc phóng túng, áo thụng, quàn nỉ bó căng, đã luôn là trung tâm của vòng xoáy vũ hội. Cô nhảy say đắm và vô tư, không định làm đỏm với ai, thi thoảng lại tung ra trước giới mày râu các loại những lời khiêu khích nồng nàn. Chị hàng nước biến mất từ lúc nào. Anh công an cũng không còn ở đấy nữa. Thượng tá Um về sau đó một chút, tất nhiên là không quên siết chặt tay vợ chồng Thảo với ý chúc mừng khiến cho Thảo phải khẽ nhăn mặt lại vì đau... Riêng có Hùng và Nam là đứng tách hẳn người ra ngoài. Câu chuyện của họ không hề ăn nhập gì vào bầu không khí xung quanh.
 - Không ngờ mọi việc xong nhanh quá - Nam nói.
 - Cơ bản ta đã có sự chuẩn bị từ trước nên không bị động - Hùng trả lời.
 - Rẻ nhỉ? Cô ấy dự tính là khoảng gàn bốn trăm, vậy mà kết cục chưa đến hai phần ba.
 - Nguyên vật liệu một số lớn mua được theo giá bao cấp, có cái không phải mua do quan hệ làm ăn vốn có.
 - Vợ chồng mình cảm ơn cậu nhiều lắm! Nếu không có cậu, chúng mình phải loay hoay kéo dài chắc tới nửa năm, đắt mà có khi không được thế này.
 - Không có chi. Đằng nào chúng ta chả làm ăn chung. Nhà của vợ chồng cậu tạm thời là nhà của công ty tôi. Những người đã có thời vất vả như bọn mình, như Thảo, đáng lẽ phải được hưởng cuộc sống như thế này từ lâu rồi. Nam, cậu ra nhảy đi! Đây là buổi tối của câu.
 - Thú thực... mình không biết nhảy. Hỏng thế. Này, Thảo nhảy được đấy, cậu thay mặt cho những thằng cùng sư đoàn ra mời cô ấy nhảy đi. Chắc Thảo sẽ rất vui.
 Cùng lúc, tại góc đối diện, ngồi cạnh bà mẹ trong niềm vui sướng già nua, Thảo khẽ đưa mắt nhìn họ... Trời ơi! Họ giống nhau và cũng khác nhau làm sao? Cùng cao ráo, cùng mạnh mẽ, cùng một chặng đời trận mạc, thậm chí cùng đẹp đẽ với sống mũi cao, con mắt sáng, hàng chân râu xanh dịu vậy mà... người này còn giữ nguyên vẻ trận mạc thô mộc, người kia đã thoát ra để mang dáng dấp hiện đại, văn minh. Lúc này đây, giữa chếnh choáng hơi men, giữa cơn cuồng phong nhạc mạnh, giữa sự nhớ về những tháng ngày bên nước ấy, hai người đàn ông giằng đầu óc chị về hai ngả, mạnh như nhau, ngọt ngào cay đắng như nhau. Thảo lảng mát đi, sợ hãi không dám nhìn vào đó nữa...
 Đúng lúc ấy, bên tai chị vang lên một tiếng nói mơ hồ mà thật gàn gũi:
 - Chị Thảo... Đêm nay là của chị, của anh chị. Anh ấy có nhã ý nhờ tôi mời chị nhảy. Nhảy một bài thật nhẹ...
 Chị thoáng rùng mình vì biết đấy là anh. Anh sẽ đến, phải đến, không thể không đến. Và như đã chờ đợi, đã có ý sẵn sàng, chị đứng dậy...
 Căn phòng năm chục mét vuông giờ đây chỉ còn bay lên một điệu van xơ thoáng nhẹ. Đèn tỏ mờ. Những đôi nhảy giảm tiết tấu để thả người vào vùng thư giãn của nét nhạc cổ điển. Hai người cùng dìu nhau vào đó...
 - Sao anh ra muộn thế? - Chị hỏi như phải để hỏi.
 - Đáng lẽ tôi không ra - Anh nói vuốt qua mái tóc buông dài thơm mùi lá sả của chị.
 - Sao kia? - Chị hơi ngước lên.
 Im lặng giây lát...
 - Chị có cho phép tôi nói thẳng, dù chỉ một làn?
 - Sao kia? - Câu nói được run run lặp lại.
 - Vì tôi... tôi sợ phải gặp chị. Tôi thật ra...
 Im lặng tiếp... Lồng ngực thiếu phụ thở dồn. Bằng cảm nhận đàn bà, nhìn trong đáy mắt anh lâu nay, chị biết người đàn ông kia sẽ nói câu ấy, nói hơn câu ấy nhưng... chị không nghĩ rằng nó lại được nói ra vào lúc này, vào lúc chị chưa được chuẩn bị gì cả. Chính vì không được chuẩn bị nên bất giác buột miệng:
 - Sợ ư? Sao lại thế?... Anh nói đi! - Câu giục chạy ngược vào trong.
 - Vì tôi biết tôi sẽ không kìm được lòng mình - cửa đập đã mờ, nước cứ thế tràn ra sôi sục - Thảo lạ lắm, rất lạ, gây cho tôi cái ấn tượng không thể quên ngay từ phút đầu nhìn thấy hình Thảo tại nhà bác. Khăn rằn, nón tai bèo... mắt mở to... Không thể có cái gì đẹp hơn thế. Thảo đi vắng ba năm... Ba năm ấy tôi vẫn ngóng tin Thảo qua Loan. Xin lỗi, có lần tôi đã chụp trộm hình Thảo mang về treo ở... Rồi Thảo về! Mừng lắm... Nếu Thảo được biết tất cả những công chuyện này tôi làm đều là vì...
 - Thôi anh... - Tiếng nói chị chìm xuống - Xin anh đừng nói nữa... tôi...
 - Vâng, đáng lẽ tôi không nên nói... Không bao giờ nên nói nhưng...
 Anh bóp nhẹ vào bàn tay chị. Giống như một phản xạ thuần tính sinh học, bàn tay nhóp nhóp mồ hôi kia khẽ nắm trở lại... Thế là đủ. Thế là không cần phải nói thêm gì nữa, cái gì phải xảy ra thì nó đã xảy ra. Chỉ còn lại dòng thác những ngôn từ vấp váp, tan vụn.
 - Tôi đã bị Thảo ám ảnh, cả con người lẫn hình dáng. Tôi... yêu! Vâng, tôi đã định không bao giờ yêu ai nữa. Đàn bà đối với tôi như vậy là quá đủ. Tôi đã quá hiểu họ, kinh hãi họ. Nhưng Thảo... tôi vẫn tìm thấy dáng dấp một cô gái ngày xưa ở rừng, nhẫn nại, dịu hiền, trong trẻo... thương lắm! Bởi lẽ, ngoài hết thảy mọi sự ra, tôi cũng là kẻ chẳng sung sướng gì. Tôi...
 - Anh Hùng... Thôi đi anh - Hai bàn tay lại siết vào nhau chặt thêm chút nữa, máu dồn lên mặt chị đỏ bừng - Hình như... bản nhạc sắp hết?
 - Câu nữa: tôi muốn được gặp Thảo để nói hết mọi chuyện một lần. Một lần thôi, rồi sau đó có thể không bao giờ... Tôi còn ở lại Hà Nội chừng nửa tháng. Ngày cuối cùng tôi sẽ lên mạn bắc hồ Tây, phía chân cầu Thăng Long để tìm đất đặt thêm một xí nghiệp láp ráp. Tôi... tôi muốn mời Thảo cùng đi... được không?
 - Vâng.
 Lại như một phản ứng sinh học, tiếng trả lời tan chảy để rồi bản van xơ kết thúc, chị liêu xiêu đi về chỗ ngồi như đang đi trong một cánh rừng bom đạn. Trong ngực chị, cái bàn tay năm ấy, đêm ấy lại thừa cơ luồn vào cào bóp, hằn sâu nóng rát...
 Vui không em? Không ngờ em nhảy đẹp thế. Các cô xanh đỏ kia có vẻ ghen với em đấy.
 Nhìn vào khuôn mặt đang rạng rỡ của chồng, nước mắt chị muốn tràn ra... Nghĩ rằng vợ bị xúc động, anh vội mang đến cho chị một ly nước cam đá rồi với một sự biết ơn thấm thìa, anh cứ cầm mãi bàn tay vợ trong tay mình. Đột nhiên, từ một chỗ nào đó không biết, Loan lặng lẽ đi đến, dát mẹ và chị vào trong phòng, nơi con bé Niên Thảo đã ngủ từ lâu rồi trở ra bước sát đến người anh rể, nói nhỏ:
 - Anh cũng phải tập nhảy đi để khỏi phải đẩy vợ vào vòng tay người khác và, cho em nói thật nhé, hết chiến tranh rồi, trong những buổi tối đời thường thế này, người lính có nhất thiết cứ phải khoác bộ đồ trận không nhỉ?
 - ơ hay! Cái cô này...
 Anh ngớ ra chưa hiểu gì thì Loan đã như một vệt sáng, lao vào vòng nhảy rồi.
 Vừa khi đó, ngay ngưỡng cửa, có một người đàn ông trẻ tuổi xuất hiện. Anh ta vận sơ mi xám, caravat màu ghi nhẹ, đầu húi cao, nước da phong trần, miệng rộng môi dày, gương mặt khắc khổ và bên cạnh hơi chếch về phía sau một chút là một thiếu phụ trẻ đẹp, hơi có chiều sắc sảo, chiếc áo dài màu thiên thanh kể ra khí chật đối với vóc người đẫy đà, ngực to, đường hông rất nở và đặc biệt có đôi mắt lá răm mà lúc nhìn xuống thì thôi chứ khi nhìn lên, nó cứ loang loáng lia vào những vật thể xung quanh.
 Nghĩ rằng đây là một đôi vợ chồng doanh nghiệp, bạn làm ăn của ông giám đốc Hùng, người ta cứ để mặc cho họ một cách tự nhiên. Nhưng họ lại không đi về phía Sáu Hùng mà bước thẳng đến trước mặt Nam.
 - Mừng thủ trưởng có nhà mới - Người khách nói - Thủ trưởng có còn nhớ em không?
 - Xin lỗi - Nam tở ra thực sự lúng túng - Anh... anh chị là ai ạ?
 - Lãm! Trần Sùng Lãm, Lãm bất trị, Lãm mía đây mà.
 Nam lùi hẳn người lại, trố mắt nhìn người khách từ đầu đến chân, lại từ chân lên đầu một lượt rồi bắt chặt tay Lãm, kêu to:
 - Thảo ơi!... Loan ơi!... Cậu Lãm đẻ con, sinh sống vỉa hè mà anh thường kể đây này. Cha mẹ ơi! Ai ngờ trông cậu lại khác thế này. Hay quá. Vợ chồng cậu vừa đến đúng lúc, đang vui. Ngồi xuống! Ngồi xuống đi! Nào, uống cái gì nào? Bia hay nước ngọt? Tuyệt quá! Thế sao? Cuộc sống độ này ra sao?... Xin lỗi! Chỉ nhìn thấy, cần gì phải hỏi. Này, đã bao nhiêu lần mình có ý đi tìm, đi hỏi nhưng họ đều bảo cậu đã... Đang nói, anh chợt dừng sững - Thế còn cô này?
 Lãm cười, kéo vợ lên ngang cạnh, nói thoải mái:
 - Anh không nhớ à? Nhà em đấy. Con đàn bà nhem nhuốc đã lọt vào phòng anh nẫng đi cả một chiếc va ly đấy.
 Hai mẹ con Thảo cũng vừa trong phòng đi ra. Thiếu phụ cúi đầu, giọng rất ư là lễ độ:
 - Em chào anh ạ! Em chào chị ạ! Cháu chào bác ạ!
 Nam dang rộng hai tay, cười vang:
 - Thôi, chuyện cũ nhác lại làm gì. Trời đất! Mọi sự biến đổi ghê gớm quá, tôi chịu, không hiểu nổi. Ai ngờ cái đôi vợ chồng ăn mía đêm ngày ấy giờ đây như một đôi vợ chồng Việt Kiều mới về thăm quê thế này? Có lẽ tối nay, đây mới là sự kiện đáng kể nhất chứ không phải việc khánh thành ngôi nhà này. Chỉ tiếc cậu Bình không có ở đây. Chuyện xảy ra thế nào, cứ kể tự nhiên cho mọi người nghe đi!
 Trong thoáng chốc, vòng nhảy đã thành một vòng người đày tính hiếu kỳ. Từ phía sau, Loan cầm tay kéo Sáu Hùng đến trước mặt Lãm, giọng tươi rói:
 - Anh Sáu có nhớ ai đây không?... Chàng cửu vạn nghèo khổ mang khí khái của một ông chủ cái bữa ở chợ Móng Cái đấy. Chào cố nhân! - Cô quay sang bắt tay Lãm rất chặt -Nhân ngày vui hôm nay, cố nhân bỏ qua cho cái thất thố ngày ấy nhé!
 - Giá hôm đó chị cũng cười với chiếc răng lẫy tươi như thế này nhỉ? - Lãm tán một câu rồi quay sang bắt tay Hùng - Chào anh!
 Ánh mắt hai người đàn ông chạm nhau, dừng lại một chút... chạm nhau lần nữa rồi Lãm nói với Nam:
 - Anh Nam ạ! Rồi mọi việc em sẽ kể sau. Tối nay em đến đây có hai việc. Thứ nhất, tuy không được mời nhưng chúng em vẫn đến dự tân gia với tư cách người cùng phố và mừng chị chút ít gọi là tẩm lòng của thằng em.
 Anh đi đến trước mặt Thảo lúc ấy đang đứng một mình lặng lẽ, lấy ra từ túi ngực một chiếc phong bì mỏng dẹt nhưng con mắt từng trải sẽ hiểu trong đó chắc chán không phải là những đồng tiền nội địa ít giá trị, đưa cho chị.
 Lúng túng không biết nên cầm hay nên không, chị nhìn sâu vào con mắt đùng đục của Lãm, khẽ nói:
 - Cám ơn... Cám ơn anh!
 Cũng chỉ một thoáng thế thôi, bằng cảm nhận không mấy khi sai, không hiểu sao chị lại nghĩ rằng rồi đây con người trông sờ sợ này sẽ gắn bó với chị, với gia đình chị về một cái gì đó, sự liên doanh liên kết làm ăn chẳng hạn.
 - Thứ hai, - Lãm nói tiếp - Đây mới là lý do chính, em có một người anh em gần như kết nghĩa đang bị tạm giam chờ ngày ra tòa, nếu có thể được, xin anh giới thiệu em với thủ trưởng Um vài chữ để em vào thăm.
 - Thế à? - Nam kêu lên - Cậu ấy vừa ở đây về xong. Được rồi, tôi sẽ viết ngay đây. Nếu càn, ngày mai sẽ cùng đi với cậu. Ai thế?
 - Chắc anh chị cũng đã biết: anh Dũng, người chủ của ngôi nhà bên kia đường.
 Ngôi nhà ba tầng... Tự dưng Nam đưa mắt sang nhìn vợ. Chị cũng nhìn lại anh. Chỉ có Lãm là nhìn thẳng vào giám đốc Sáu Hùng...