CHƯƠNG 2

     Ó một gia đình như thế nằm lọt thỏm giữa khu phố đó. Chỉ khác, căn hộ cấp 4 chưa đầy mười sáu mét vuông của họ nằm thụt hơi sâu vào bức tường ẩm mốc trong một khu gia binh bên số chẵn mà người ta thường gọi là khu tập thể quân đội, nên vẫn đóng cửa âm thầm như không hay không biết điều gì đang xảy ra xung quanh. Căn hộ phía ngoài họ, tức là sát mặt tiền hơn cũng âm thầm như thế nhưng lúc này đây, ở đấy đang vang lên tiếng kèn acmonica quen thuộc và ngắt quãng.
 Người chồng có tên là Nam, kỹ sư công binh đóng quân tại bên kia cầu Thăng Long. Vợ là bác sĩ quân y, tên Thảo, khoảng chừng ba mươi tuổi nhưng vẫn còn trẻ lắm, lại đẹp nữa, một thứ đẹp sâu kín, đoan trang của người Hà Nội cổ xưa. Hai vợ chồng bộ đội mới chỉ sinh được mỗi mống con gái lên bảy, dáng dấp cao ráo giống cha, mặt mày thanh thoát giống mẹ và có con mắt nhìn bụi bụi, lỳ lỳ giống cái nhìn của hầu hết những đứa trẻ sinh ra trong phố lính này. Bé mang tên của mẹ nhưng lấy chữ đệm của cha: Niên Thảo.
 Chiều nay thứ bảy, một chiều rét ngọt nhưng khô ráo, vừa lóc cóc đạp xe gần hai mươi cây số về đến nhà, chị đã đón anh bằng những thông tin quen thuộc sau một tuần xa cách:
 - Tiền điện tháng này lên đến gần bảy mươi ngàn anh ạ!
 - Những bảy mươi cơ à? Nhiều nhỉ? - Anh cười hiền - ờ thì bảy mươi. Còn hơn sống tăm tối như mọi năm. Miễn là...
 - Tiền học thêm của con các khoản tiền gần bốn chục ngàn nữa.
 - Bốn chục ngàn nữa? - Người chồng trợn mắt nhưng rõ ràng là chẳng có nội dung gì trong cái tròn đó cả - ờ thì bốn chục. VỊ chi tất cả mới có hơn một trăm. Ăn uống, sắm sanh, quà cáp vào đó nữa, cứ tạm cho là hai trăm đi. Hai trăm ngàn! Tổng thu nhập các khoản đồng lương của trung tá anh dồn cho nó là vừa ngoẻn. ổn thôi! Này! Em còn nhớ cái cậu Lãm người Hà Nội ở đơn vị anh mà đã có lần anh kể cho em nghe không nhỉ?
 - Cho em nói nốt - Chị vợ cười héo hắt - ở anh, không có chuyện gì khác ngoài chuyện đơn vị mỗi bận về nhà nữa hay sao?... ổn? Anh thì lúc nào cũng ổn! Thế chỉ còn một trăm năm mươi ngàn tổng thu nhập thì cái đồng lương thiếu tá của em, hai vợ chồng ăn đủ chắc?
 - ờ nhỉ? - Mặt anh đuột ra nhưng liền sau đó lại cười ngay - Đủ chứ. Cứ sống như kiểu lính rừng ngày xưa mình sống là đủ. Thôi thì anh quyết định như thế này nhé! - Nam đứng dậy, thân hình cao to phải tới thước tám, chút nữa chạm đầu cái cộp vào thành cửa đang hở hoác ra những mảng gạch pa panh xốp xộp - Từ ngày mai anh sẽ tình nguyện bỏ bữa sáng. Hồi trước sáng có ăn gì đâu mà vẫn sải chân hành quân như ngựa chiến, vả lại, ăn vào đạp xe chỉ tổ xóc bụng. Thứ hai, anh cũng xin bỏ thuốc lá luôn, dù là thứ thuốc cuốn, thuốc rẻ tiền nhất. Thèm quá, nếu em không chê, anh sẽ sắm cái điếu cầy, thỉnh thoảng hút một hơi cho say dứ dự, thế là xong, khỏe người, lại tránh được bệnh ung thư. Thứ ba - Giọng anh vẫn đều đều, rành rẽ như đang lên khoa mục trước hàng quân - Nhân đà này, ta cát béng luôn cái khoản trà đi, nhỉ? Nước trắng uống càng nhuận tràng, ngày xưa mình có trà lá gì đâu mà đầu óc vẫn tỉnh táo đấy thôi. Thứ tư...
 - Thôi, mình ơi!...
 Chị nghẹn giọng kêu lên rồi vội quay đi, đưa nhanh chiếc khăn mặt lên miệng. Mỗi tiếng nói vô tình kia lại như một lát dao cứa ngọt vào lòng chị. Là người đàn bà trong nhà, chị bỗng cảm thấy mình có tội khi để người đàn ông thân yêu đã có chiều mệt mỏi kia phải lẩn mẩn tính từng cắc từng hào.
 - Tất cả dành cho con - Anh nói tiếp, vẫn vô tình - Đừng bắt nó sáng nào cũng phải nhá cơm rang hay cơm nguội, khô chết! Mua xôi cho nó, thứ xôi xéo nó vẫn thích ấy. Rồi đến trường cũng phải có vài trăm uống nước, đỡ tủi với chúng bạn.
 Chị lặng nhìn bé Niên Thảo đang nằm thiêm thiếp trong màn, hơi thở đứt quãng, đôi môi đỏ chon chót thi thoảng lại nhai cái gì chóp chép trong mơ. Tội nghiệp mấy hôm nay chuyển trời, cứ đến chiều là đầu nó lại hâm hấp sốt, ăn cơm xong, học quấy phá được mươi phút, bỏ cả chương trình “Bông hoa nhỏ” trên ti vi nhà hàng xóm, đã trèo lên giường nằm luôn. Chị khẽ thở dài. Cùng tuổi này mà sao nước da nó xanh quá! Đã cố lắm một tuần cũng không lo đủ vài ba quả trứng vịt lộn cho con...
 - Dạo này chuyển học trường xa, toàn cuốc bộ trông nó rạc rài ra - Chị nói - cả nhà lại chỉ có độc chiếc xe đạp! Hay là thôi quách cái lớp chuyên toán ấy đi, có giỏi sau này cũng chẳng ích lợi gì, xin cho nó trở về trường gần nhà.
 - Bậy nào! - Anh gừ gừ trong cổ - Dù chết đói cũng không thể bỏ cái lớp chuyên ấy. Toàn bộ tương lai của nó ở đấy. Mà bốn, năm cây số có gì là xa? Đi bộ cũng là một thứ rèn thể lực. Anh đây này, nhờ mỗi ngày đạp xe trên ba mươi cây số mà...
 - Mà mới có ba mươi tám tuổi, mặt mày đã hốc hác như ông lão sáu mươi chứ gì - Chị nguýt nhẹ - Người đâu mà dễ dãi quá thể? Kỹ sư giỏi, cống hiến nhiều, huân chương, bằng khen chất đầy hộc tủ mà... thế nào cũng xong, làm sao cũng được!
 Anh cười khà khà rồi tháo bỏ quần áo dài, để lộ những thớ thịt săn rắn ở vai, ngực, bụng, đùi và ngồi vào bàn. Tấm lưng đàn ông vâm vam và mùi thuốc lá khen khét của một tối mùa đông trong căn phòng gió lạnh đang rin rít thổi qua kẽ ngói đã làm cho đôi mắt khác khoải nơi người vợ thoáng ấm lại...
 Trước mắt anh là bản vẽ một công trình phụ hiện đại còn dang dở. Đáng lẽ chỉ tối nay là anh sẽ hoàn tất nó để sáng mai lấy được hơn một trăm ngàn tiền phần trăm thiết kế nhưng hình ảnh cái tay hạ sĩ đã ra quân vừa gặp lại chiều nay trên mặt cầu không hiểu sao cứ lởn vởn trong đầu khiến anh chẳng thể tập trung được vào một công việc gì cụ thể. ừ, tại sao hôm ấy hán lại nổi nóng với mình nhỉ? Trước buổi ra quân, anh chỉ thay mặt ban chỉ huy trung đoàn khuyên hắn hãy nên tĩnh trí một chút trong quan hệ cha con, yêu đương, vợ chồng. Bản thân cái anh lính giải ngũ trở về đã không có công ăn việc làm, nay lại đèo bòng thêm một ả giang hồ hay một cái gì đó gần gần như thế nữ thì liệu có ổn không? Có ổn không, mình chỉ thực lòng gợi ý vậy thôi, mà hắn bỗng đứng nghiêm, mặt lạnh như chì: “Thưa đồng chí trung đoàn trưởng! Ba năm qua tôi đã được nghe đồng chí nhiều, còn bây giờ, tôi xin phép được tập sống cho riêng tôi, sống đúng tôi, mất tôi chịu, được tôi nhờ. Hơn nữa, chuyện tình cảm riêng tư, lấy ai, yêu ai, theo chỗ tôi được biết, nó không nằm trong điều lệnh quân đội và cũng không nằm trong điều cấm của tư cách công dân. Xin đồng chí bỏ quá cho.” Lại còn xin bỏ quá cho nữa mới kinh chứ! Rồi hán rập gót giày chào theo đúng điều lệnh nhà binh và quay ra luôn. Chà! Chỉ cần một cú chào quyết liệt như thế là mình biết cậu chàng sẽ không bao giờ còn bén mảng đến cái thế giới quân nhân nhọc nhằn này nữa. Vậy mà chiều nay lại gặp hán đi thất thểu trên cầu, hình như cùng đi với cái cô mà hắn đã dính dáng thì phải. Trông thấy mình, hắn đã đánh mắt đi và mình thật lòng cũng không tiện hỏi - Rồi cuộc đời cậu ta sẽ nổi trội đến đâu? - Anh nói lầm bầm - Với cái tính khí ấy, một là sẽ rất thành đạt, hai là sẽ vô cùng vạ vật...
 - Anh nói ai vạ vật kia? - Chị ngừng tay thái lá nhân trần, nhìn lên ngơ ngác.
 - À, không! Anh đang nghĩ đến cái cậu Lãm ấy. Em có biết không...
 Chị lại nhìn xuống. Chao ôi! Mới có mười mấy năm hậu chiến mà anh đã thành một ông già ưa nói năng lẩm bẩm một mình rồi ư? Ngày xưa đói khổ, ác liệt là thế mà mỗi bận nhìn anh là mỗi bận cảm thấy anh tươi rói như chạy ra từ hướng mặt trời. Chuyển đống nhân trần về cạnh chân ghế nơi chồng đang ngồi, chị lặng lẽ cắt thái, để mặc cho cái hơi nóng khen khét quá đỗi thân thuộc của một thân hình đàn ông tràn trề sinh lực tỏa ra, lan ra, dìu dịu bao phủ lấy mình. Đối với chị, chị chỉ có anh, trước kia, hiện nay và chắc mãi mãi sau này cũng thế. Chị yêu anh, cần anh và... thèm anh. Thèm như cái buổi tức tưởi ban đầu, thèm như những ngày mới cưới, dẫu rằng ăn ở với nhau đã thấm thoát  ngoài chục năm có lẻ. Nói điều này ra, mấy đứa bạn thân hay cô em đáo để toàn cười, lại còn khoáy sâu vào: “Thế thì trúng số độc đắc rồi mà Khốt ơi! Thời buổi này người ta chỉ thèm bồ chứ ai lại đi thèm cái dụng cụ trong nhà được gọi là chồng ấy”. Bực lên, chị luận lại: “ở đời chỉ cần đạt được hai cái thèm là thèm làm việc và thèm chồng là đủ cho tất cả rồi”. Lại há há hí hí đến là ghét: “Bà Thèm làm việc à? Có việc đâu mà thèm, hay chỉ là một cách bố thí đồng lương? Còn chồng? Đẹp trai đấy, to lớn đấy, tốt bụng đấy nhưng thử nhìn lại xem có khác gì cái anh hình nhân đứng ngoài đồng? Người gì mà hòn đất củ khoai, ai nặn nọt kiểu gì cũng được; chỉ cần nói một tiếng là có thể về sống cạnh vợ con, sống trong một cơ quan Bộ đàng hoàng mà lại cứ cười hì hì. Bảo ông ấy cạo trọc đầu đi tu đi bà ơi!” Chị im lặng không nói nữa. Họ đã nói đúng và nỗi đau của chị một phần nhưng phần khác, họ làm sao có thể biết rằng, chính vì lẽ ấy mà chị càng yêu anh nhiều hơn. Là vợ, tôi hiểu rằng đấy là một chút kiêu hãnh của cả một thời trận mạc anh ấy còn giữ lại được chứ chẳng đơn giản là hình nhân đâu các cô gái ạ!
 - Em bảo này!...
 Anh giật mình dứt khỏi dòng suy nghĩ nặng nề, cúi xuống bên vợ:
 - Có gì phải không em??
 - Không... Anh cứ làm đi!
 Chị lại cúi xuống. Con mắt anh nhìn chị trong trẻo quá! Giọng nói anh hồn hậu quá, chị không nỡ, chị chưa thể nói lúc này được.
 - Mặc áo vào đi anh! Lạnh đấy, chủ quan rồi có bận lại...
 - Kệ anh. Anh quen rồi. về nhà có mỗi cái sướng là thế này thôi.
 Chị lắc đầu cười nhẹ... Nhưng có một điều chị không thể nói ra là anh cũng khôn nguôi... khao khát chị. Khao khát đến quá quắt. Dường như cái sự khát của anh đã lây lan sang chị chứ cả như chị thì đâu tới nỗi thế. Hầu như suốt hơn chục năm, trừ những đặc biết, những đêm chị vào ca trực, những ngày anh phải đi công tác xa, mà chuyện đi công tác đối với anh là chuyện cơm bữa; còn lại không có đêm nào là anh không có nhu cầu được gần vợ, có đêm gần tới... hai, ba làn, lần nào cũng háo hức như lần đầu! Nếu có can gián, anh lập tức cãi lại: “Buồn cười nhỉ? Người lính chẳng có cái gì của riêng mình, chỉ còn mỗi cái bệnh THÈM vợ, căn bệnh quý hóa mà người khác muốn cũng không có được, lại bị tước mất à? Cho nên, cũng khác với nhiều người, anh sẽ trụ lại quân đội đến lúc cuối đời để được...” Người gì mà toàn triết lý vơ vào nhưng chị đã mặc nhiên chấp nhận như chấp nhận cái mùi nồng nồng khen khét nặng tới hơn bảy mươi lăm cân đêm đêm phủ nghiến xuống thân thể mảnh mai của mình để trở thành một sức đè quen thuộc không thể thiếu được. Buồn cười... Cứ nghĩ đến chuyện này là bỗng dưng chị thấy nóng bừng cả mặt: ai đời có bạn chiến đấu thân thiết cũ là nhà đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Trọng Bình, khi ấy còn chưa được phân một căn hộ ở gần đây, vừa tu nghiệp chính quy tại nước ngoài về đến chơi mà ông ấy cũng không tha. Nhà thì chật, trời thì nóng, chiếc quạt tai voi cứ cọt kẹt kêu ở góc nhà như tiếng ca cẩm của một bà già chết chồng dai nhách; vậy mà chỉ chờ tiếng ngáy như nhè ruột ra rồi lại nhớp nhép nuốt ruột vào của Bình nằm trên chiếc ghế bố kê ngoài hiên rền lên là... chân tay ông ấy bắt đầu ngọ nguậy! Chao ôi! Bao năm rồi mà tay gì cứ cứng như thép! Lại còn bắp chân, bắp đùi nữa chứ... “Sao cái bàn tay mình nó lại ưng đi công tác trên ngực em nhiều nhiều đấy”. Cái giọng lơ lớ giả tiếng dân tộc một thời trên Trường Sơn của anh đã khiến chị lịm đi, muốn quần mình rên lên nếu không có tiếng ụ ợ của bé Niên Thảo nằm bên cạnh. Đến ngày thứ ba, nhà đạo diễn bắt đầu cằn nhằn: “Vừa phải thôi chứ mày, Nam! Đêm nào tao cũng phải giả vờ ngáy đến rát cuống mũi thế này thì còn ngủ nghê chó gì nữa!”. Đi làm vừa về đến cửa, nghe được câu ấy, chị muốn chui tụt xuống đất, vậy mà ông chồng còn ngoác miệng ra cười? Nhưng đã thôi cho đâu. Chả biết anh bạn đêm sau ngủ thật, hay ngủ giả nữa, nửa đêm anh bấm chị chuồn lên sân thượng mà đó, lâu nay chỉ có tiếng mèo động tình kêu hoang đến nẫu ruột, nách cắp chiếc ni long chiến trận ngày xưa còn giữ lại được, dấm dúi như hai cái đứa ăn trộm đêm... “Nếu cuộc sống đừng quá khó khăn như thế này, anh dư sức cho em để đủ hai chục tí nhau, mười bé lên rừng, mười bé xuống biển...” Anh Ồm Ồm nói thế và chị chỉ còn biết giụi mặt vào cái khuôn ngực vạm vỡ, rắn chác, thoang thoảng mùi xăng dầu, mùi cầu phà, mùi đất đai cây cỏ của anh.
 Nhà bên, tiếng ácmônica đã tắt ngấm từ lâu nhưng cái nét nhạc buồn buồn của nó dường như vẫn còn văng vẳng đâu đây trên mái ngói.
 - Dạo này trộm cắp lảng vảng quanh khu ta nhiều, đi ngủ anh nhớ nhắc em đừng để ngỏ cửa sổ như mọi khi nhé! Nhà có mỗi chiếc xe đạp, không khéo lại...
 - Em đi nghỉ trước đi, khuya rồi. Anh vẽ rốn thêm chi tiết này nữa. Dạo này em hơi gầy, mắt buồn buồn thế nào ấy? Cũng phải ăn uống cẩn thận một tý, đừng có cái gì cũng nhường cả cho bố con anh.
 Chị dừng tay thái lá, đứng lên, dựa người vào chồng, cúi xuống cắn khe khẽ vào cái bả vai để trần của anh, cái bả vai mằn mặn... Mùi thảo mộc tinh khiết, thơm ngọt bay lên, quẩn quanh khắp phòng. Bằng những tín hiệu quen thuộc như thế, anh biết đêm nay chị sẽ nói với anh một điều gì mà suốt cả tuần nay, đôi mắt rất đẹp của chị đã mơ hồ nói trước. Anh mỉm cười. Giá lúc này không phải lúc bận tâm vì cái toa lét cầu kỳ trong bản vẽ kia, giá hình ảnh bặm trợn và lam lũ của cậu hạ sĩ người Hà Nội mới ra quân ấy không thôi ám ảnh thì có lẽ, với những chiếc răng cắn như điện giật này, anh đã bế nhẹ chị lên giường rồi. Không, xuống nền nhà chứ. Từ ngày bé Niên Thảo đã lên lớp hai, chỗ của hai người tự nhiên chuyển xuống dưới đất, cách cái thiên thần non nớt kia một tấm dù pháo sáng chắn hờ, cũng là mảnh dù chiến trận hồi nào còn giữ lại được. Tấm dù mà...