-- 6 --

     ọn người cao niên nhậu cừ, nhiều tiền mà rất biết điều đã thêm sâm nhung vào thang thuốc suy nhược cho con bịnh già "Quán Tai heo" nó đang ngáp gió để rồi thở phào phào trong một cơn hấp hối xót xa.
Con bịnh ấy bỗng dưng khỏe trở lại rồi nhờ chịu thầy chịu thuốc, nó hồng hào lại gần như xưa.
Hai Lọt sắm ra-dô trăng-dít-to mà ông ta ao ước từ lâu, còn bà Hai thì chuộc lại tất cả nữ trang cầm thế từ mấy tháng nay.
Ông Hai cười to hơn bao giờ cả, còn bà Hai thì ban ngày đi đánh xệp từ sáng đến chiều.
Quán Tai heo từ lúc mở ra đến giờ chưa khi nào tiếp khách thanh niên cả, trừ bọn văn nghệ sĩ ẩn thân này, vì từ thuở giờ quán chưa hề có gái đẹp.
Thanh niên không để mắt tới quán, nhưng sao họ lại biết quán vừa thu nạp một cô thu ngân viên "đổ nước nghiêng thùng"? (Thành ngữ đổ nước nghiêng thùng là của họ dùng để tả Linh Quy).
Biết thế, họ ùn ùn kéo đến để phá rối sự an ổn nơi đây.
Đó là những anh chàng "du đảng tiến bộ", danh từ tân tạo để chỉ bọn tét-đi-bồi đã biết bỏ những món phụ tùng cổ điển có tánh cách tố cáo lọ hà những đôi giày Santiago, những lối tém tóc, những lối may mặc không đứng đắn.
Tuy nhiên, tác phong họ lại tố cáo họ hơn là quần áo giầy, tóc nữa.
Những lão cao niên uống nhiều rượu, để buộc boa hậu rút lui lần hồi vì họ đổ tiền ra để ngồi không dám cục cựa thì hóa ra dại lắm.
Bọn du đảng tiến bộ bị mặc cảm rõ rệt. Hễ ai tình cờ ngó chúng một cái là chúng ngỡ họ ngó mỉa mai và gây sự ngay với kẻ rủi ro ấy.
Hai Lọt kêu trời và bấy giờ lão ta mới biết lời đồn trong giới bán ba là đúng: ở đâu mà bọn này lai vãng tới là sớm muộn gì cũng phải dẹp quán, dẹp ba.
Mà chúng có luôn luôn đem lợi đến cho cam. Để phá chơi, chúng uống nước ngọt, uống nước đá lạnh, quán không chịu bán cái món năm cắc một ly ấy cũng không được với chúng. Nước ngọt thì hai đứa một chai, quán tốn hai cái ly phải rửa về sau và hai cục nước đá.
Hai Lọt thường than cho tình trạng này và khẩn khoản yêu cầu Bắc Hải "cho nhựt chình kêu".
Lão ta không biết rằng "nhựt chình" có kêu thì kêu tổng quát, chớ không thể kêu riêng giùm Quán Tai heo hay quán tai bò nào cả.
Nhưng giả thử "nhựt chình" có kêu thì ai sẽ làm gì chúng. Khách lánh chúng vì tác phong của chúng. Cảnh sát chỉ can thiệp khi nào chúng có hành hung ai, mà ai cũng nhịn chúng hết thì cảnh sát làm sao có dịp can thiệp?
Những ngày vui của Linh Quy đã hết. Nàng chỉ vui được có một tháng đầu thôi với mấy anh văn nghệ sĩ hiền lành, có đùa thì cũng đùa một cách thanh nhã, và từ lúc mà Hoàng gây sự với Tấn về sau, cả bọn đều hồi tâm, xem nàng như một đứa em gái nhỏ. Ắt hẳn họ yêu nàng, nhưng họ chỉ yêu thầm trong lòng họ thôi, và chắc cũng có cậu định cưới nàng làm vợ, nhưng không ai còn muốn nghĩ đến chuyện qua đường nữa cả.
Những ngày vui của Linh Quy đã chết.
Cô gái quê đi tìm sinh kế nầy, cũng có vì ham Sài gòn mới lên đây chớ người ta vẫn có thể đi kiếm ăn ở nhiều nơi khác được.
Tháng đầu, nàng đã được toại nguyện. Nhưng rồi những người con trai phá phách một cách thô tục kia làm cho đôi khi nàng khổ sở đến phát khóc trước mặt trăm người.
Cho đến cô gái giang hồ vừa hoàn lương mà còn không chịu được thì một thôn nữ trong trắng làm thế nào mà yên thân với những trận bắn đậu phọng ran vào người nàng mỗi đêm! Cho đến Hoàng cũng nghe khổ sở như chính ả ta bị phá phách. Đờn bà con gái, cho dẫu trắc nết hư thân đến đâu, họ cũng ghê tởm khi nghe những tiếng thô tục, khi thấy những cử chỉ mất dạy. Nếu bọn con trai kia, hay bọn khác mà biết được cái điểm tâm lý ấy thì chắc họ không dại gì mà thô tục nữa.
Mà sở dĩ những cái bực mình nầy mà xảy ra, cũng chỉ tại Linh Quy cả. Thường thì khách có say khướt cũng chỉ dám cợt nhã với chiêu đãi viên thôi, thu ngân viên ở ngoài đám đất tung hoành của họ.
Bọn nầy tên nào cũng đẹp trai và ăn mặc chải chuốt khiến Linh Quy có cảm tình với chúng, chịu để chúng bắt chuyện trong mấy ngày đầu rồi thì việc ấy thành nếp lần lần và đó là những cái nếp cứng như được nhúng hồ rồi ủi ép.
Những ngày vui đã hết và hễ tối lại là cả nhà
- bọn văn nghệ sĩ bấy giờ cũng được kể như người nhà
- nơm nớp lo sợ chuyện không hay xảy ra.
Những ông khách đứng đắn mà còn tới lui nơi đây chắc cũng nơm nớp lo sợ như vậy nhưng họ chưa đi là vì còn tiếc không khí quán nầy.
Đêm hôm nay, một đêm thứ bảy đầu tháng, tức là đêm nhiều hi vọng nhứt của các nơi giải trí, các quán ăn, các quán giải khát ở đô thành.
Hai Lọt đứng gần cháu, nhìn khách lần lượt vào quán, bụng vái lầm thầm cho bọn trẻ ranh mà nhậu nhẹt li bì ấy dung tha cho ông ta một đêm. Trước kia, ông gọi bọn văn nghệ sĩ là lũ quỉ ma, nhưng thành ngữ mà ông dùng cho bọn ấy có nghĩa rất thân mật, mến thương. Thành ngữ lũ quỉ ma dùng gọi bọn du đãng nầy bây giờ là dùng theo nghĩa đen thông thường với tất cả ghê tởm mà thành ngữ ấy gợi ra.
Cũng thời phá phách, bướng bỉnh, nô đùa mà bọn đầu bù trang nhã dễ thương chớ không phải vô duyên và thấy muốn bạt tai như bọn đầu láng bóng nầy.
Lão chủ quán mỉm cười chào bốn cậu bạn mến, luôn luôn vào sau năm ba ông khách đầu. Từ khi quán có khách trở lại, họ thấy khỏi cần tới thật sớm để làm mồi hầu ủng hộ quán nữa, bởi vì tới sớm quá là một cái khổ dịch.
Lão ta nghe thương yêu bốn thanh niên nầy hơn bao giờ cả, và xem họ như con cháu trong nhà. Mặc dầu ham tiền, lắm lúc lão mơ gả cháu lão cho một cậu trong bọn nghèo xơ nghèo xác nầy.
Cụ Các và Bắc Hải cũng được lão quí mến lắm, nhưng không được lão thương như thương bốn anh chàng điên một cách dễ cảm động nầy.
Cả bốn đều dừng bước trước quầy thâu tiền rồi cậu nào cũng thò tay vào túi quần lấy ra một hộp diêm, đặt lên bàn.
Hai Lọt và Linh Quy lấy làm ngộ nghĩnh và chăm chú theo dõi từng cử chỉ của bốn cậu, xem bốn cậu dở trò bất ngờ gì đây.
Hoàng luôn luôn ở trong tình trạng báo động, vội vã chạy đến để can thiệp nếu có cậu nào ló mòi quyến rủ đứa em gái cưng của nàng. Dương Châu hổm nay bị véo gần nát bấp vế nên đã tỏ ra một người anh rễ đàng hoàng, mặc dầu anh ta vẫn còn mơ yêu cô gái Chợ Bưng. Tuy thế nàng vẫn vui với cả bọn và như Hai Lọt và Linh Quy, nàng chờ đợi bọn nầy dở trò. Đan đố:
- Đố Linh Quy gì trong mấy hộp quẹt nầy? Nhưng hãy khoan, để anh đọc cái nầy. Tụi bây ơi, hôm kia tao đi Mỹ Tho, à không, Định Tường, cứ quên địa danh tân tạo mãi, tao đi thăm bạn dưới ấy và bắt gặp tang chứng về một cuộc ve vản của thằng Bắc Hải.
- Nó ve vản ai?
- Lạ quá! Nghe nói nó không ưa gái mà?
- Không, nó ve vản Nàng thơ.
- À, ngỡ gì.
- Tao bắt được trong tập lưu bút của một nữ giáo viên một bài thơ con cóc của nó.
- Có chép lại không?
- Không, tao học thuộc lòng.
- Bảo thơ người ta là thơ con cóc, lại học thuộc lòng.
- Ấy, tao phải học thuộc lòng vì tao không có giấy bút trong tay.
- Thơ ca tụng ống cối hử?
- Không thơ như vầy:
Gởi gắm với bạn hiền
Vì túng tiền liên miên
Mười năm sau
Hết bê bối
Đi xe hơi mới
Ta sẽ viết dài thêm.
- Tuyệt! Hiền khen.
Trong bọn, Hiền là kẻ uy tín nhứt về thơ, nên hễ hắn khen là bọn kia đồng ý liền:
- Hay quá!
- Trào phúng rất có duyên!
- Than nghèo một cách hách một cây.
Đan đã trót chê vì không biết thưởng thức, ngẩn ngơ hỏi:
- Hay thật à?
- Hay hơn tranh của mầy nhiều lắm.
- Vậy thì thôi, nhưng để đến năm l967 xem anh ta có hết bê bối chăng.
- Chắc chắn là sẽ hết, nó có tài lắm.
- Tụi mình lại không có tài à?
- Tụi mình có tài hơn nó, nên cứ sẽ bê bối trọn đời.
Đan lại day lại quầy và lặp lại câu hỏi khi nãy:
- Đố Linh Quy gì trong mấy hộp quẹt nầy?
Con Bảy Rùa đã dạn Sài gòn, dạn bạn trai và sự ranh mảnh tinh nghịch của gái quê đã có nhiều dịp trổ ngón sau quầy tiền nầy. Nó cười rồi đáp:
- Các anh đặt vật xong, phải để cho cậu của em đốt vàng bạc bỏ vào đó, rồi em bịt mặt bằng khăn đỏ, uống một ly rượu xong, đọc vài câu thần chú, đoán mới trúng. Nào, anh Tân mua ly rượu mạnh đi nhé!
Nó đã học một sách môt vở với bọn nữ chiêu đãi viên mà vị giáo sư độc nhất truyền nghề ở đây bây giờ là Hoàng. Đó là thứ sách vở cổ điển dạy rằng cứ gạ cho khách mời rượu mình, rượu càng mạnh, càng đắt tiền, càng hay, không cần uống được hay không, bởi vì uống hay đổ, tiền vẫn từ túi khách mà đi vào kết. Hôm nay nó nói đùa nhưng không đùa bằng lối khác mà đùa như thế vì đã bị méo mó vì nghề nghiệp nên nghĩ ngay đến ý đó.
Đan rút ra ba điếu Oắt-Lăng dài, đốt như đốt nhang rồi van vái lâm râm, đoạn nắm tay lại bắt ấn và hô:
- Âm binh trú lại! Đó, anh đã làm xong thủ tục phù thủy, em nói đi là vừa. Bà bóng thời nguyên tử khỏi uống rượu vẫn đoán trúng phong phóc.
- Thần chú gì mà "âm binh trú lại"? Dương Châu hỏi. Tao nghe họ đọc bằng tiếng Á Rập kia chớ.
- Rất tiếc là tụi bây không biết câu chuyện về lời thần chú trứ danh đó. Nếu biết thì tụi mình đã được cười nãy giờ. Số là có một tư chức cáp với một ả giang hồ về già. Hai cô cậu túng tiền nên xoay ra vợ làm ông Trạng, chồng làm thầy phụ... Hễ mỗi lần gia chủ nào đặt vật là ông thầy phụ dở hộp vật ra đốt vàng bạc bỏ vào đó, đoạn dùng ám hiệu hoặc khẩu hiệu mật truyền cho vợ biết món vật trong hộp hầu nói cho đúng.
Hôm ấy gia chủ đó đặt một trái lựu rõ ràng vào một cái ô đồng. Hắn cũng dở thủ đoạn đốt vàng bạc thám hiểm rồi hét lên câu thần chú mà tao vừa đọc khi nãy. "Âm binh trú lại" là một câu có vẻ phù thủy lắm đấy nhé, nhưng lại giúp cho con mẻ hiểu ngay trú lại là trái lựu.
Nhưng hôm đó tổ trác, nên khi khách hiếu kỳ hàng xóm, giúp tay chủ nhà dở hộp ra thì lại thấy trong đó một trái... mảng cầu, kỳ lạ chưa!
Gia chủ và khách bèn áp nhau vác hèo rượt ông Trạng và chồng ổng chạy trối chết một bữa.
- Mầy nói vô lý chớ. Lựu làm sao hóa mảng cầu được?
- Sau, nghe lại thì chủ nhà đã nhờ một tay quỉ thuật chế tạo một trái lựu giả, có tánh cách biến ra một trái mảng cầu, cũng giả, nhưng cả hai đều giống hệt như thật.
- Nhưng mà ta đã đi xa đề quá rồi. Em Linh Quy đoán xem cái gì trong bốn hộp quẹt nầy?
- Cây diêm, Bảy Rùa nói bừa.
- Nếu diêm thì ai đố em làm gì?
- Vé chiếu bóng.
- Nếu vé chiếu bóng thì là để biếu em đó. Nhưng biếu một lần bốn vé thì phí của quá. Các anh không điên như vậy đâu.
- Em chịu.
- Đây là bốn món quà các anh đã phải lặn lội lên tận chùa ông Tạ để tìm mà biếu em. Mà là quà thi đua mới quí chớ. Bốn món cùng một thứ, hễ quà của ai to hơn hết, đẹp hơn hết là anh ấy quí em nhứt và em phải yêu anh ấy nhé.
Nói xong, cả bốn đều mở hộp diêm ra. Bảy người châu đầu vào nhau trên mặt quầy để xem món quà kỳ lạ mà bọn văn nghệ sĩ đã quảng cáo rùm beng.
Bốn con rùa vàng, thứ bọ có cánh tương tợ như rùa, thường sống trên lá rau lang, từ từ bò ra khỏi hộp.
Màu vàng óng ánh của ba con và màu xanh lá mạ non của con thứ tư lấp lánh dưới ánh đèn, trông đẹp như bốn viên ngọc quí.
Chỉ có Hai Lọt là thất vọng vì lão ta trọng tiền hơn bất kỳ thứ gì khác và từ nãy giờ lão hy vọng họ biếu cháu lão một thứ nữ trang gì nho nhỏ như chiếc cà rá chẳng hạn.
Hoàng và Linh Quy thì thích mê. Linh Qui còn trẻ con, năm ngoái đây vẫn còn chơi rùa vàng với con nít trong xóm, và bây giờ rùa vàng gợi nhớ làng mạc mến yêu, nó dường như ngửi được mùi sằn dã tiết ra từ thân những con vật bé bỏng nầy.
Hoàng tuy đã già mà vẫn còn trẻ con như Linh Quy và nhứt là ý thức bơn, nàng biết rằng ở đất Sài-gòn nầy mà tìm cho ra bốn con rùa vàng để làm quà tặng bạn là cả một kỳ công và có tha thiết lắm mới lặn lội ra ngoại ô để săn rùa.
Ngoại ô có nhiều quà quí hơn, nhưng họ chỉ chọn rùa vì họ luôn luôn nhớ đến tên Linh Quy, tức là rùa; đó là một điều mà Hoàng thấy là rất đáng kể nên nàng cảm động lắm.
Hai Lọt đã ngẩng lên rình khách, không còn thiết đến mấy nón quà không đổi ra tiền được ấy; nhưng sáu đầu xanh vẫn còn châu lại với nhau để theo dõi bước lần dò của bốn con rùa tí hon đang ngơ ngác trước một khung cảnh lạ lùng.
Tiếng động cơ nhỏ nổ rền trời ngoài cửa mà sáu người mê say rùa vàng vẫn không hay biết. Hai Lọt và những ông khách khác nhăn mặt rồi bịt tai lại. Những kẻ xử dụng xe gắn máy nom thấy phản ứng của người trong quán, thích chí hết sức nên lại còn cho máy nổ già hơn.
Khói của bảy chiếc xe đầu độc cả bầu không khí như tiếng nổ của nó đã đầu độc sự yên tĩnh nơi đây.
Xem chừng hành hạ người ta đã đủ rồi, bọn nầy tắt máy và rần rộ đi vào quán. Thấy bọn đầu bù bu quanh quầy thâu tiền và cả cô gái xinh xinh ngồi kết cũng châu đầu với họ, chúng xáp lại, chen lấn để đứng sát quầy xem coi có trò gì ngộ nghỉnh nơi đó.
Bọn du đảng không ghét bọn văn nghệ sĩ lắm như chúng đã ghét các bọn du đảng khác, vì chúng quan niệm rằng bọn nầy lôi thôi như thế thì không phải là địch thủ của chúng về mặt tán gái. Bọn nầy cũng không bao giờ thèm nhìn chúng nên không hề gây mặc cảm cho chúng.
Tuy nhiên chúng vẫn không ưa họ được, vì họ đã dám là họ, tỏ ra ta đây cũng khá bản lĩnh chớ chẳng vừa.
Chợt thấy bốn con rùa rau lang, chúng reo lên:
- A, ngộ quá ta! Có, thứ nầy mà gắn lên áo cô kết-xe thì tuyệt.
Nói rồi một đứa lượm một con rùa vàng đoạn với tay đặt con rùa lên vải áo choàng của Linh Quy, mà lại cố ý đặt đúng ngay vào chỗ lồi nhứt trên ngực cô thu ngân viên nầy.
Linh Quy giận tím mặt hất tay gả ta. Gả cười ngất và cả bọn đều cười rộ lên.
- Rùa leo núi tụi bây ơi!
- Nhưng có hai quả núi thì phải hai con.
Nói đoạn một đứa khác lượm một con rùa nữa, toan tái diễn cái trò mất dạy của thằng thứ nhứt.
Linh Quy ngã người ra sau, hươi tay lia lịa và hét:
- Mấy anh không được phép chơi như vậy!
- Để anh gắn hột xoàn cho em mà em!
Tên ấy chồm tới thiếu điều nằm trên mặt quầy, quyết gắn rùa lên ngực Linh Quy cho được mới nghe.
Dằn không được nữa, Tấn nắm lấy tay hắn. Ngạc nhiên vì lần đầu tiên trong đời hắn, có kẻ cả gan dám có thái độ ấy, hắn nhìn Tấn giây lát, đoạn trấn tỉnh lại, hắn cười gằn hỏi:
- Anh muốn gì? Của anh hả?
Ý hắn muốn hỏi: "Cô thu ngân viên là nhơn tình của anh hay sao mà anh binh vực cô nàng như vậy".
Nhưng Tấn lại cố ý hiểu khác và trả lời khác đi, vì quyền sở hữu về một cô gái mong manh quá, không thể dùng nó mà cải lộn để thắng ai:
- Là của tôi. Ai cho phép anh lượm lên?
- A ha, anh nầy phách dữ ta! Không biết bọn nầy hay sao?
- Biết hay không, không quan trọng. Không ai được phép lấy món gì của tôi mà không hỏi tôi.
- Quí lắm à?
- Quí hay không mặc tôi.
- Nếu tôi cứ bắt rùa thì anh làm gì tôi?
Hỏi xong, hắn không đợi trả lời, đè tay lên ba con rùa còn lại rồi chà cho nát cả ba con.
Tấn đã buông tay tên ấy ra từ lúc nãy. Bấy giờ không còn biết nói gì nữa với một con người du côn như thế, chàng giận run và đấm mạnh lên bàn tay đang chà rùa của tên du đảng.
Tên nầy không ngờ mà Tấn mạnh đến thế. Quả đấm của chàng quả là thôi sơn, khiến hắn đau điếng người.
Hắn buột mồm hít hà một tiếng rồi mắc cỡ với người đẹp, hắn vẹt Dương Châu ra để lấy chỗ trống đặng đánh Tấn đang đứng sau người tình của Hoàng.
Bị vẹt, Dương Châu day lại sừng sộ:
- Sao anh vô phép dữ vậy?
- A ha, bọn nầy một lũ, muốn gây sự đây mà!
Tên nói câu nầy là tên đầu đảng của chúng. Hắn thêm: "Tụi bây cứ tự vệ đi. Nhưng mà phải anh hùng. Hễ tụi nó mấy thằng ra mặt làm dữ, thì tụi mình cũng chừng ấy đứa thôi, chớ không được đông hơn đa nhé!"
Bọn văn nghệ sĩ chỉ có hai "thằng" ra mặt là thằng Tấn và thằng Dương Châu. Nhưng bứt mây động rừng, cả toàn đội của hai bên đều dự chiến sau cuộc chạm đấm sơ sài của bốn tướng ở hai phe.
Trước quầy thâu tiền, một cuộc hỗn chiến gây ra, toàn bằng đấm đá vì không phe nào có khí giới cả.
Linh Quy lần đầu tiên chứng kiến một cuộc xô xát trong quán, chật đường đất mà đông người nên xem ghê rợn quá. Nàng ban đầu tái xanh mặt, rồi giây lát sau kêu khóc rùm trời, chun núp dưới quầy, không dám nhìn họ nện nhau nữa.
Bọn du đảng là thanh niên thành, lại không hay làm lụng, cũng không tập thể thao, thêm thường trác tráng phí sức nên sáu trự mà coi mòi không thắng được bốn thanh niên có tập luyện thân thể mỗi ngày trong nhà, theo lối Thụy Điển.
Tuy nhiên sự thắng bại vẫn chưa phân, và họ nện nhau ành ành, đá ngã rầm rầm những chiếc ghế quanh chiếc bàn đặt kế cận đó.
Hai Lọt cứ xấn rấn quanh đám giặc chòm ấy, muốn giảng hòa vì đó là thái độ phải có của một người chủ quán, để khỏi mích lòng khách khác, phải tỏ ra không binh ai, bỏ ai trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Lão là một chủ quán thạo nghề.
Hoàng tuy mới hăm lăm tuổi mà đã sống rất nhiều giữa không khí quán lều. Nàng đã chứng kiến hằng trăm trận đánh lớn nhỏ, có võ khí hay không, có đổ máu hay không, mà nguyên nhân toàn là vì gái cả. Nên chi nàng không bối rối và mặc dầu sốt ruột mà thấy người yêu bị ọc, nàng vẫn tỉnh táo để làm cái gì phải làm trong một trường họp như vậy: đi gọi cảnh sát.
Bọn du đảng thấy không làm xuể nổi bọn văn nghệ sĩ nên một đứa trong bọn xách ghế lên mà đập. Người họa sĩ đã vẽ chân dung cho cô gái giang hồ hoàn lương bị một cẳng ghề xán xuống đầu, máu trán của chàng phun lên thành vòi cao.
Nóng ruột vì bạn, và vốn thấy rằng phải thắng không thôi sẽ chết với bọn du đảng, ba chàng kia cũng kẻ xách ghế, người cầm vỏ chai băm ba, nhào vô đập tới tấp.
Bấy giờ cả hai phe đền tự võ trang bằng bất kỳ món gì họ chụp được, và không có anh nào ở cả hai bên là không vở trán hay sặc máu mũi.
Hai Lọt kêu trời như bọng, không phải vì tiếc vỏ chai băm ba mà vì bao nhiêu khách ăn nhậu hằng ngàn bạc đều rùn rùn chạy đi hết, vài người vì khiếp sợ, phần đông giả đò kinh hãi để quỵt tiền.
Bà Hai Lọt kêu cứu: "Bớ mã tà! Bớ mã tà", nhưng bà ta lại chạy ra sau, ngoài xóm chuồng bò để kêu la chớ không dám thoát ra do cửa trước, thành thử nếu có cảnh sát gần đó, họ cũng chẳng nghe.
Đến hơn mười phút sau, khi bao nhiêu vỏ chai băm ba vở nát, hao nhiêu cẳng ghế gãy lìa, Hoàng mới chạy bộ theo một cảnh sát viên, người nầy đạp xe đạp, nhưng không hiểu sao lại đạp quá chậm.
Còn cách đó mấy mươi thước, y thổi tu hít vang trời, nhưng lũ giặc chòm xem như không có y, cứ tiếp lục trận đánh kinh nóc tôn, động nền ván.
Nền ván đã bẩn máu, không còn là một tấm ván trinh bạch, mà bọn thanh niên cũng không cậu nào lành lặn cả. Có một cậu bên đám du côn ngã gục xuống và không dậy nổi nữa, nằm đó mà hứng miểng chai.
Cảnh sát viên tới trước cửa quán, hô to lên:
- Đứng yên, đừng có lộn xộn!
Nhưng cả hai phe đều càng lộn xộn hơn, họ cố tìm một sự quyết định, trước khi bị bắt.
Cảnh sát viên bèn rút súng lục, bắn chỉ thiên ra ngoài mấy phát, nhưng chẳng ăn thua gì. Tuy nhiên mấy tìếng súng chỉ thiên ấy không phải hoàn toàn vô ích bởi đó là một thứ tiếng kêu gọi người đồng đội nếu những người đồng đội có ở gần đâu đó.
Người cảnh sát viên nầy bắn xong, thọc súng vào vỏ da, đoạn thót lên xe, ý chừng để đi gọi tiếp viện. Nhưng tiếp viện đã đến nơi: ba cảnh sát viên đi xe đạp từ hướng chợ mới Trần Quốc Toản phóng nước rút xuống đây.
Người cảnh sát viên đầu liền bỏ xe, lấy ma trắc ra rồi đứng đợi ba đồng đội kia, họ cũng làm y như vậy khi tới nơi rồi cả bốn hè nhau một tiếng, xông vào quán. Một người dõng dạc hét:
- Có đứng yên hay không thì nói đi!
Bọn đánh lộn bây giờ mới chịu hạ võ khí, vi họ biết họ không dịch nổi với bốn người chưa thấm mệt như họ, bốn người nầy lại có khí giới đáng sợ hơn là ma-trắc nữa, với lại bọn du đảng cũng muốn bị bắt lắm. Chúng thích đánh lộn, đánh rất hăng nhưng thiếu tinh thần, nên có gay cấn một hồi là chúng thối chí và rất dễ bại.
Thà là bị lính bắt, chớ thua trận thì mất mặt quá, đối với chúng.
Một ông cảnh sát viên cao niên hỏi:
- Ai là chủ quán?
- Dạ bẩm tôi, Hai Lọt run sợ đáp như vậy.
- Chú cũng đi theo về bót nữa.
- Dạ tôi vô can.
- Thì điều tra xong mới biết chớ.
Đoạn ông ấy day qua ra lịnh cho nhơn viên của ông:
- Cho tất cả đi nhà thương cứu cấp của đô thành rồi về bót sau. Gọi ba chiếc tắc xi biểu tài xế nó chạy chầm chậm để đợi xe đạp của ta. Thằng nằm vạ, liệu nó nặng thật thì biểu tụi kia khiên nó lên xe.
Quán trống trơn sau khi đám giặc chòm bị cảnh sát đưa đi cả. Hoàng vội đóng cửa ngay, trong khi bà Hai và Linh Quy ngồi khóc rấm rứt.
Người nhơn tình của Dương Châu nói:
- Không có gì đâu mà sợ, một lát ông Hai ổng về chớ có gì.
Bà hai khóc hu hu:
- Nhưng tiền bạc, không lấy được đồng xu.
Hoàng bật cười. Thì ra bà Hai khóc vì tiếc tiền chớ không phải vì lo cho số phận của chồng bà.
- Thì cái nghề bán quán nó như vậy đó. Thỉnh thoảng gặp xui một lần. May là ông Hai ổng vô can thật sự chớ nếu chúng nó mà thù ổng, chúng nó sẽ đốt quán chớ chẳng chơi đâu.
Linh Quy lau lệ hỏi:
- Liệu các anh ấy phải ở tù hôn chị?
- Ai biết đâu, cái đó còn tùy.
- Tùy gì?
- Tùy cái thằng nằm dài trên sàn ván. Nếu nó chỉ nằm vạ thôi thì không sao, chớ nếu nó mà chết thì là ở tù rục xương.
- Trời ơi! Nhưng sao chị tỉnh rụi vậy?
- Chớ khóc lóc có ích lợi gì?
Đêm nay, Hoàng đi về xóm Sáu Lèo một mình. Nàng thả bộ vì từ đây, có lẽ nàng sẽ trở lại cuộc đời gió sớm mưa chiều như trước và trong khi chưa kiếm được tiền, phải hà tiện vậy.
Tới công trường Cộng Hòa, nàng do dự vài giây rồi quả quyết mượn con đường Phạm Viết Chánh đang phóng dở chừng để qua Cho Thắng cho gần.
Khu này vắng vẻ lạ thường, mà đường mới vừa được đổ đất, rất là khó đi. Những tảng đất sét to bằng cái nồi, không vững chơn, thường tinh nghịch lăn đi, dễ trợt té lọi giò lắm.
Đêm tối dày mịch trước mặt nàng cũng như tương lai của nàng bắt đầu từ ngày mai nầy

*

Sáng hôm sau, hồi chín giờ, một cảnh sát viên đến mời cô kết-xe lại bót để làm nhơn chứng cho cảnh sát lấy lời khai coi có phù hợp với lời khai của hai bọn kia hay không.
Hoàng không có mặt ban ngày để mà trấn an cô thôn nữ nầy, cô ta sợ quýnh lên, òa lên mà khóc. Con thỏ đế thứ thì là bà Hai, vì vậy phải thủ vai người lanh. Bà mắng nó:
- Cái con nầy! Nếu mầy có tội thì người ta đã bắt mầy hồi hôm nầy rồi. Mầy phải tới bót mới được, để khai mọi việc, người ta mới thả cậu mầy chớ! Có lẽ người ta nghi mầy là người dưng, ngồi đây để quyến khách bậy bạ, cậu mầy khai sự thật mà ai tin. Người ta đợi mầy đó. Nè, tiền xích lô nè, kêu xe mà đi.
Linh Quy không phải bối rối bởi lạ đường sá, vì người cảnh sát viên đáng lý gì chỉ là người tống đạt giấy gọi, lại phần nào là người truy tầm một nhơn chứng có thể trốn luôn. Trong giới nhơn viên quán tiệm có một số người làm thêm những nghề không thể chấp nhận nên họ rất là không ưa bị cảnh sát gọi.

*

Quán Tai Heo anh hùng lâm đại nạn,
Nhưng "Xóm Sáu Lèo, thục nữ không quyết ra tay".
Hoàng không bạc nghĩa, không phải là không hết lòng với người mà nàng yêu, nhưng "ra tay" cách gì bây giờ? Nàng không quen biết lấy một người tử tế, có bề thế phần nào để cậy họ vào bót bảo đảm cho Dương Châu, mà cảnh sát cũng chưa đưa họ ra tòa mà nói chuyện đi chạy tiền để nhờ luật sư biện hộ.
Tất cả sự "ra tay" của thục nữ thu hẹp lại trong việc gởi bánh mì thịt quay vào tiếp tế bốn thanh niên gặp rủi. Mà việc giúp đỡ không đáng kể ấy cũng đã là một gánh nặng cho Hoàng rồi, vì hôm sau Hai Lọt được trả lại tự do thì một biến cố lớn xảy ra cho xóm nầy, nàng mất chỗ làm.
Bốn văn nghệ sĩ còn ở trong bóng tối có thể bị khép tội rất nặng. Cả bốn đều không có công ăn việc làm rõ rệt, Dương Châu có viết báo vớ vẩn nhưng viết những bài dĩa bay, hỏa tiển cóp trong báo Pháp thì không làm sao mà xin được thẻ nhà báo.
Dĩ nhiên là họ đã khai họ là văn nghệ sĩ, nhưng ở xứ ta, đối với phần đông, văn nghệ chỉ là công việc phụ mà thôi, không phải nghề giúp văn nghệ sĩ sanh sống, trừ nghề diễn viên sân khấu cải lương, mà họ lại không là kép cải lương mới chết chớ!
Cho đến đỗi trong cái địa hạt bị xem là phụ thuộc ấy, họ cũng chưa có tên tuổi gì.
Tấn là một nhạc sĩ chưa hề sáng tác được lấy một bản nhạc nhỏ. Hiền là một sự vô danh to tướng, còn Đan thì nếu hắn cho mấy ông cảnh sát xem tranh của hắn, các ổng sẽ la trời vì ngỡ đó là một thằng điên nghịch với dầu màu.
Không nghề nghiệp, trước hết, họ có thể bị khép vào tội du đảng. Họ lại là những người tấn công trước.
Bọn du đảng chánh hiệu thì lại có giấy tờ hẳn hòi, chứng chỉ, chứng minh thư năm ba cái mỗi đứa, có gian thì có ngoan, giấy tờ là bùa hộ mạng của bọn nầy. Họ lại được xem như là nạn nhơn, vì lời khai của Hai Lọt và của Linh Quy không gian dối, nhìn nhận bọn văn nghệ sĩ ra tay trước.
Nhưng sở dĩ họ bị giữ quá lâu là vì cái thằng được khiên tới nhà thương, thằng ấy bị thương nặng thật sự, chớ không phải là nằm vạ đâu.
Nó bị đánh bằng chơn ghế trúng chỗ nhược nơi sọ và tiếp tục ở trong tình trạng mê sảng rất lâu ngày, nhà chức trách đợi xem nó có chết hay không mới cho vụ nầy ngã ngũ được.
Quán Tai heo, anh hùng lâm đại nạn.
Hoàng trôi giạt lên Phú Nhuận, ba tuần sau đó, tức hai tuần lễ sau khi mất chỗ làm. Nàng không có căn bản hóa đá vọng phu, nhưng nếu có, nàng cũng không thể bồng con đứng đợi mà được với cái bao tử.
Mặc dầu nàng có thể giữ liên lạc với bọn Dượng Châu được, nhưng hết cả tiền bạc rồi, nên nàng chặt đứt luôn cây cầu. Bỏ bạn không "nuôi", nàng sẽ phải ngỡ ngàng với bạn quá, thì cút luôn là thượng sách vậy. Vã lại kinh nghiệm dạy nàng không nên quá tin nơi tình yêu của bất cứ người nào bên nam phái, thì đợi Dương Châu trong đói khát, biết sẽ đi tới đâu!
Năm tuần lễ sau, bốn thằng điên văn nghệ được trả tự do vì tên du đảng hấp hối, rốt cuộc rồi không chết.
Các vết thướng nơi trán, nơi mũi, nơi tay của họ đã lành, nhưng những vết máu làm bẩn sơ mi của họ vẫn còn, thâm đen lại, và có thể sẽ còn mãi mãi không thuốc tẩy nào mà tẩy sạch được.
Công việc đầu tiên của họ là trở lại chốn cũ để thăm những cố nhân xem sao: Hoàng, Linh Quy, ông Hai Lọt.
Vô gia đình, họ xem ba nhân vật trên là nhưng người thân yêu mà họ có bổn phận đi thăm trước nhứt. Không nhà cửa, họ xem quán Tai heo gần như là nhà của họ, mến thương quán hơn nhà trọ thập bội.
Khi chiếc tắc-xi chở sái phép đến bốn người ngừng tại bồn binh Ngã Bảy thì cả bốn đều rụng rời.
Xuống xe, đứng tại góc Lý Thái Tổ
- Phan Thanh Giản, họ thấy được xe cộ chạy trên đường Trần Quốc Toản nhờ một khoảng trống trước kia có, rồi bị nhà cửa lấp đi và bây giờ nhà cửa lại bỗng như biến mất thình lình.
Số là cái khúc đường Petrus Ký nối dài ấy đã được đổ đất từ lâu rồi, nhưng dân chúng cứ tràn tới, dùng đất đổ đường làm nền nhà, khoảng trống vừa được khai hoang có mấy tháng, sầm uất trở lại như cũ, xóm Chuồng bò trong ấy cũng tiêu mất luôn.
Đây là cái biến cố lớn lao, nó biến Hoàng ra một cô chiêu đãi viên thất nghiệp bị gió cuốn đi luôn. Hai Lọt về nhà mới có một hôm là được lịnh dở cái quán cất bất hợp pháp ấy đi, lịnh nầy ra chung cho tất cả mọi người choán đường.
Cả bốn đều tần ngần đứng nhìn đoạn phố đã được trải đá đỏ, và những tảng đá đỏ to bằng cái nón ấy, đã được xe hủ lô cán bằng phẳng để rồi lại trải đá xanh.
Tại hai góc mới, góc Lý Thái Tổ
- Petrus Ký nối dài, và góc Petrus nối dài
- Phan Thanh Giản, phu thợ nề lớp đang đào móng, lớp đang dộng cừ tràm để cất nhà lầu. Nhưng bên trong, chưa có gì rục rịch và những nếp nhà lụm thụm còn sót lại sau cuộc giải tỏa, đang ngơ ngác và ké né nhìn con đại lộ tương lai mà tháng tới đây sẽ là một trục giao thông quan trọng được phủ nhựa, rồi những nếp nhà lụm thụm ấy, tự nhiên, không có nhà chức trách nào giải tỏa họ, họ cũng phải đi: người ta sẽ mua mắc nhà lá của họ để cất nhà gạch.
Không còn dấu vết gì của quán Tai Heo trên đời nầy cả! Cả bốn đều ngậm ngùi hình dung ra ba gương mặt thân yêu mà họ biết rằng khó lòng mà tìm lại được.
Đó là những cùng đinh tăm tối giống như cỏ ngoài nội, cỏ nội bị bứng gốc rồi thì không ai biết đâu mà tìm nữa. Cho đến đỗi đại mộc kia mà còn
Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố giả
huống hồ gì là cây cỏ không tên.
Bức chơn dung của "cô Hoàng nữ chiêu đãi viên quán Tai Heo", Đan vẽ xong, để lại quán, và chắc ông Hai Lọt đã mang theo để che chuồng gà trong một xó nào đó tồi tàn hơn ở đây nhiều.
Linh Quy sẽ lấy chồng thợ sơn, hoặc sẽ bị cậu mợ của nó bán làm bé cho lão nhà giàu nào, nó có thể sẽ ở nhà lầu, nhưng vì làm bé nên nó không ló mặt đi đâu, và bởi thế mà cũng không thể tìm ra nó.
Còn Hoàng? Cây điệp bông nâu trước quán đã bị đốn rồi, Dương Châu không tìm thấy cây điệp bạn ấy nữa, nên tạm nhìn nuột cây khác trên lề đại lộ Lý Thái Tổ, anh lính tiên phong hay hậu tập của một hàng điệp bông nâu trồng trên lề đường nầy.
Có khi gốc tử đã vừa người ôm!
Mặc dầu ở đường Hoàn Lương, mặc dầu lấy chồng văn sĩ, Hoàng vẫn không sao hoàn lương được.
Mà Dương Châu không phải chỉ nghĩ riêng đến Hoàng mà thôi dâu. Chàng nhớ tới cả bảy tám đứa chiêu đãi viên trên Tuyết Hương, nhớ đến bao nhiêu là những cảnh bèo trôi giạt như Hoàng rồi lại nghĩ tới phận mình, phận của bao người bạn của chàng.
Không biết rồi họ sẽ có sự nghiệp gì hay không, hay là cũng như Hoàng, như Linh Quy, họ sẽ chìm mất trong số đông không tên, không tuổi!
Chàng bước lên đống đất đào móng, đổ cao ngồn ngộn rồi gọi bác cai phu mà hỏi:
- Bác cai nè! Chắc bác không biết những người trong cái quán cất tại đây giờ dời về đâu?
- Không!
- Nhưng sao họ dọn đi gắp dữ vậy?
- Gấp đâu mà gấp. Nhà nước đã báo trước ba bốn năm rồi mà họ cứ ở lì đó, sau khi cất liều nhà cửa. Hôm ấy họ lại vác hèo ra đây để chống lại với nhơn viên công lực nữa chớ!
Dương Châu day mặt qua, nhìn lại con đường đang thành hình. Con phố nầy ngắn thiệt là ngắn. Đầu bên kia, xe chạy qua chạy lại không ngớt trên đường Trần Quốc Toản. Một hình ảnh mơ hồ, in chồng lên hoạt cảnh ấy: Một cái quán vách ván, lợp tôn, một gương mặt có quyền nhô, má thỏn, mắt sâu, mang nặng những dấu vết kiều mị pha trộn với những vết bẩn phong trần.
Tiếng tróc chó văng vẳng vang lên đâu đây và bốn người bạn vụt nhìn nhau.
Hỏi nhau: buồn hay vui?
Biết đâu! Ta cùng hỏi cuộc đời.
Rồi họ lủi thủi ra đi, dưới nắng trưa.
Bình Nguyên Lộc

Xem Tiếp: ----