Giai Thoại 37
NHÂN CÁCH LÊ LONG ĐĨNH

     ê Hoàn có tất cả mười hai người con trai, gồm mười một con ruột và một con nuôi. Lê Long Đĩnh là con thứ năm của Lê Hoàn. Năm Ất Tị (1005), Lê Hoàn mất. Một cuộc ác chiến để giành ngôi giữa các con của Lê Hoàn đã diễn ra. Cuối cùng, Lê Long Đĩnh đã cướp được ngôi báu và làm vua gần năm năm (1005 - 1009). Sách Đại Việt sử lược (quyển 1) đã dành một đoạn khá dài để viết về nhân cách của Lê Long Đĩnh. Chúng tôi xin giới thiệu lời dịch đoạn viết này và xin nhường lời bàn cho độc giả:
“Vua vốn tính hiếu sát. Có tội nhân phải tội chết, Vua bắt lấy cỏ tranh cuốn vào người rồi đốt, hoặc giả có lần sai tên hề là Liêu Thủ Tâm, lấy con dao thật cùn, xả vào người tội nhân cho chết dần, làm như thế, tội nhân phải kêu la thảm thiết đến vài ngày. Liêu Thủ Tâm thấy vậy thì bỡn cợt rằng:
Mày không quen chịu chết à!
Nhà vua thấy thế cũng cười to lên, lấy làm thích thú lắm. Mỗi khi đi đánh trận, hễ bắt được tù binh là Nhà vua lại sai áp giải họ đến bờ sông. Khi nước thủy triều xuống thì sai làm cái lồng, đặt sẵn dưới nước cạn và nhốt tù binh vào đó để đến khi nước triều lên thì tù binh sẽ bị chết chìm dưới nước. Lại cũng có khi (Nhà vua) bắt tù binh phải trèo lên cây cao rồi sai người chặt cây (cho ngã xuống mà chết). Có lần Nhà vua đi chơi ở khúc sông có lắm thuồng luồng, bèn sai trói tù binh vào mạn thuyền, chạy qua chạy lại, lấy họ làm mồi cho thuồng luồng.
(Trong cung), phàm những vật đem về nhà bếp, Nhà vua đều tự tay cắt tiết rồi sau mới giao cho đầu bếp làm. Có lần, Nhà vua kê mía lên đầu bậc tu hành khả kính là Tăng Thống Quách Ngang để róc mà ăn. Vua giả vờ lỡ tay, khiến dao phập vào đầu nhà sư Quách Ngang, máu chảy ra lênh láng. Vua thấy vậy thì cười ầm lên.
Có đêm, Nhà vua sai làm thịt mèo để đãi các quan. Các quan ăn xong, ai nấy nôn thốc nôn tháo cả ra. Khi các quan có việc phải vào và tâu trình các việc thì Nhà vua lại sai những tên hề ra nói leo, khỏa lấp hết mọi lời của quan.
Có lần, kẻ giữ cung làm món chả, Nhà vua cũng cùng với mọi người chạy đến tranh ăn. Bấy giờ, các bậc vương giả chống đối đều bị Nhà vua dẹp yên hết cả”.
...“Vua đi đánh các châu Đô Lương và cử Long (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa - NKT), bắt được người Man cùng với khoảng vài trăm con ngựa. Vua sai lấy gậy đánh bọn người Man bị bắt. Vì bị đánh quá đau, họ kêu la ầm ĩ, lỡ xúc phạm tới tên húy của Đại Hành (tức Lê Hoàn, thân sinh của Vua - NKT), thì Vua lại thích chí cười ồ lên và lại sai đánh nữa. Mỗi lần bị đánh là mỗi làn họ lại xúc phạm đến tên húy của Đại Hành, nhưng Nhà vua lại lấy đó làm vui. Đi đánh Ái Châu (tức vùng Thanh Hóa ngày nay - NKT), bắt được người của châu này, Vua sai làm cái rọ, nhốt họ vào đó rồi cười”.
...“Mùa đông, tháng 10 (năm Kỉ Dậu, 1009 - NKT), ngày Tân Hợi, Vua băng ở tâm điện, gọi là Ngọa Triều (Hoàng Đế) bởi vì Nhà vua có bệnh trĩ, mỗi khi ra chầu triều đều phải nằm”.