CHƯƠNG 20

     ại tá Tê-rit-ta-nê, vậy ông muốn nói gì nào?
Coóc-lít uể oải ngả người ra và đưa cả 2 chân gác lên mặt bàn. Suốt cả ngày hôm nay anh đã phải rong ruổi trên đường mòn nên bây giờ anh chỉ ao ước được chui vào trong chăn ấm, nhưng ông đại tá lại không hiểu thế cho, cứ nói cà kê mãi.
- Tôi muốn nói rằng, tôi đây, đại tá Tơ-rít-ta-nê tuy đã có tuổi nhưng vẫn còn góp mặt được với đời, nói thế không phải là tôi tự khoe đâu. Tôi có một cơ ngơi mà nhiều người thèm muốn và một tài khoản khá lớn ở ngân hàng. Tôi Chỉ việc ngồi không mà hưởng, chẳng cần phải làm gì cả, nhưng tôi vẫn còn làm việc hăng hái như thanh niên. Tại sao thế? để ăn, hút, rượu chè rồi ngủ chăng? Nhưng ở cái xứ xa lắc xa lơ này mà người ta đã gọi là "Alaska" thì còn kinh tởm không nơi nào bằng về cái khoản ăn uống, nhậu nhẹt.
- Ông nói rõ hơn một chút đi.
- Tôi sắp lấy vợ. Anh ngạc nhiên ư?
- Tôi chỉ thấy có một người phụ nữ duy nhất...
- Chính cô ấy đấy. Ông đại tá xác nhận.
Coóc-lít đưa tay ra bắt tay ông.
Nhưng đột nhiên vẻ băn khoăn hiện ra trên nét mặt anh và anh vội hỏi ông đại tá:
- Còn Xanh Vanh-xăng?
- Đó là chuyện của anh, không phải chuyện tôi.
- Luy-xi thế nào?
- Cô ấy có yêu hắn đâu. Cô ấy Chỉ định đánh một nước bài liều thôi và thú thực là cô ấy đã làm rối rắm cả ván bài.
- Tôi... tôi không hiểu thế nào cả.
Coóc-lít đưa tay lên bóp trán.
Ông đại tá nở một nụ cười ngạo nghễ.
- Không có gì quan trọng hết. Điều chủ yếu đối với tôi là muốn biết anh có chịu nhận làm người chứng cho tôi không?
- Lẽ tất nhiên tôi đồng ý chứ! Làm gì mà ông cứ phải nói vòng vèo mãi thế rồi mới nói đến cái chính của ông! Xưa nay ông vẫn nói ngắn gọn chính xác cơ mà.
- Với cô ta thì tôi lại hết sức tránh lối nói đó. Vừa nói ông đại tá vừa xoắn cho ria mép vểnh lên.

★ ★

Căn cứ vào chức năng do nhà nước quy định một đại úy của đội cảnh sát kỵ binh của miền tây bắc trong trường hợp khẩn cấp có thể thay thế cho viên chức khu vực dân chính để tổ chức hôn lễ Vì thế đại tá Tơ-rít-ta-nê đã đi gặp đại úy A-lêch-xăng-đơ và một cuộc hẹn gặp được ấn định vào sáng hôm sau.
Sau đó ông đến nhà Phrôna, hoàn toàn không phải theo yêu cầu của Luy-xi, phải nói ngay vậy Tuy nhiên, Luy-xi không quen biết ai khác ở Đao-sơn, ông đoán rằng nếu như Luy-xi mạnh dạn thì cô sẽ tự đến mời Phrôna Oen-sơ. Do đó ông tự quyết định và hy vọng rằng khi Phrôna biết tin ông và Luy-xi kết hôn với nhau thì cô sẽ hết sức ngạc nhiên cũng như sẽ hết sức vui mừng
Mới vài ngày trước đây, Luy-xi đã đến van vỉ cô để cho Xanh Vanh-xăng ở lại với chị ta, thế mà bây giờ chị ta đã lại kết hôn với đại tá Tơ-rit-ta-nê thì còn ra làm sao! Phrôna ngớ người không còn biết nói thế nào nữa. Dạo này con người ta trở nên hay bịp bợm và dối trá. Và giờ đây thì Luy-xi cũng cùng một ruộc. Quả thực là chị ta đã không còn biết chừng mực gì nữa! Phrôna nghĩ thầm như vậy. để tránh cho ông đại tá tốt bụng khỏi buồn phiền, Phrôna đã nhận lời làm phù dâu.
Hôm sau, cả 4 người đều đến văn phòng của viên đại úy A-lêch-xăng-đơ. Có một cái gì đó sường sượng giữa họ. Luy-xi thì quá xúc động nên trông như muốn khóc, còn Phrôna thì dù đã hết sức cố gắng nhưng cũng vẫn không xua tan được bầu không khí nặng nề trong cả nhóm. Chính bản thân Văng-sơ cũng hơi có vẻ lạnh nhạt với ông đại tá.
Ông Tơ-rit-ta-nê hôm nay trông hình như trẻ lại đến 20 tuổi và sự chênh lệch về tuổi tác của chú rể và cô dâu lúc đầu làm cho Phrôna thấy khó coi nhưng về sau thì chẳng thấy gì là nghịch mắt nữa.
Phrôna dè dặt quay về phía Coóc-lít. Nếu như chú rể hôm nay tìm lại được sự trẻ trung thì với Văng-sơ lại là vẻ cường tráng và khỏe khoắn. Từ sau lần gặp gỡ gần đây, Coóc-lit đã hy sinh bộ ria mép màu nâu làm cho khuôn mặt hoàn toàn nhẵn nhụi của anh trông có vẻ như một chú thiếu niên. Tuy thế nhưng môi trên của anh xưa nay bị bộ ria che lấp đi nay biểu lộ một nét cương nghị và cặp mắt anh cũng trở nên cứng rắn hơn: phong độ ngoan cường đó đã nảy nở ra từ cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại những sự cố ở đời, là dấu ấn của một con người hành động dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, từ việc bắt đàn chó phải phục tùng cho đến việc coi thường sóng lớn đại dương hay khẳng định quyền lực của mình.
Buổi hôn lễ ngắn ngủi kết thúc: Phrôna ôm hôn cô dâu. Luy-xi chỉ cảm thấy sự hờ hững trong cái hôn qui ước đó cho nên chị đã ứa nước mắt. Ông đại tá ngay từ đầu đã nhận thấy vẻ lạnh nhạt của Phrôna nên nhân lúc viên đại úy và Coóc-lít đang chuyện phiếm với Luy-xi, ông đã nói chuyện riêng với Phrôna.
- Phrôna, có chuyện gì vậy? Đột nhiên ông đại tá hỏi thẳng cô. Tôi hy vọng cô đến đây không phải vì bất đắc dĩ chứ? Tôi rất buồn lòng không phải cho cô vì tôi không chấp nhận sự thiếu thẳng thắn này, mà là cho Luy-xi...cô ta không đáng phải chịu đựng một thái độ khắt khe đến thế.
- Trong chuyện này, mọi lẽ xem ra đều lạc điệu cả. (giọng Phrôna run run). Tôi đã tưởng cô đủ sức để che giấu đi những tình cảm của tôi, nhưng tiếc thay, tôi cảm thấy không làm nổi việc đó. Xin thú thực là tôi thấy chán nản và không thể nói rõ lý do vì sao được, đặc biệt là với ông.
- Phrôna, ta hãy chơi bài ngứa với nhau đi, có phải vì liên quan đến Xanh Vanh-xăng không?
Cô gật đầu xác nhận.
- Tôi đã đoán thế. (ông liếc mắt và thấy Luy-xi cũng đưa mắt nhìn ông lo lắng). Lý do thứ nhất là: Luy-xi đã đến gây chuyện với cô với gã Xanh Vanh-xăng này. Thứ hai là: từ chuyện đó cô nghĩ Luy-xi không hề yêu tôi và chỉ kết hôn với tôi vì tôi có tiền, phải thế không?
- Ông không cho rằng một cuộc hôn nhân tính toán là ghê tởm sao?
- Đừng nói bậy, Phrôna, tôi rất quý trọng cô nên không thể tin rằng cô lại thiếu minh mẫn đến thế. Nước cờ diễn ra nhanh chóng quá đến nỗi cô không kịp nhận thấy gì hết. Rồi cô sẽ hiểu tất cả, cho tới lúc này chúng tôi chưa hề nói với ai nhưng cô nên biết rằng trong cuộc đổ xô đến khu đồi Pháp để tìm vàng thì Luy-xi là một trong những người đầu tiên được có phần của mình. Mọi giấy tờ đã làm xong mang tên của cô ta, không ai có quyền ngăn cản cô ta bán lại khu đất nhượng đó trị giá tối thiểu cũng là nửa triệu đôla, và với cái gia tài đó cô ta có thể lập lại cuộc đời ở bất cứ nơi nào cô ta muốn. Bây giờ thì cô lại hoàn toàn có thể nghĩ rằng tôi lấy cô ta là vì lợi lộc. Phrôna, Luy-xi yêu tôi và tôi cũng hy vọng sẽ đem lại được hạnh phúc cho cô ấy.
"Chắc cô cũng sẽ nghĩ sâu xa rằng tình cảm của cô ấy đối với tôi sao lại đột ngột thế chứ gì? tôi xin trả lời cô rằng kể từ khi tôi đến đất nước này, sự quý mến giữa chúng tôi chỉ có ngày càng tăng lên. Còn Xanh Vanh-xăng ư?... Sự thực là thế này đây! Luy-xi và tôi đã thỏa thuận với nhau rồi. Cô ấy hoàn toàn tin rằng gã đàn ông ấy không xứng đáng với những ưu ái mà cô giành cho hắn ta nên đã làm mọi cách để cô cắt đứt với hắn. Cô không thể nào đoán nổi cô ấy đã khinh mạn hắn đến mức độ nào. Tôi đã bảo cô ấy rằng vì cô chưa biết cái tính ương ngạnh của họ nhà Oen-sư đấy thôi nhưng sau đó thì cô ấy đã nhận thấy. Đó là những điều tôi muốn nói với cô.
- Đại tá, còn bản thân ông thì ông nghĩ thế nào về Xanh Vanh-xăng?
- Thẳng thắn mà nói, tôi cũng nghĩ như Luy-xi. Nhưng cái đó không thành vấn đề. Bây giờ, khi cô đã rõ mọi chuyện rồi thì từ nay trở đi đối với vợ tôi, cô sẽ có thái độ ra sao?
Không đáp lại câu hỏi của ông đại tá, Phrôna quay lại chỗ mấy người đang đứng đợi. Luy-xi dò xét trên gương mặt Phrôna.
- Ông đại tá nói gì với cô...
- Ông ấy bảo tôi rằng tôi là người ngu ngốc và tôi thấy ông ấy đã có lý.

★ ★

- Chừng nào chúng tôi còn sống ở Klông-đai đây thì chúng tôi sẽ sống một cuộc đời ẩn dật. Luy-xi nói với Phrôna.
Nhưng ông Gia-côp Oen-sơ không tán thành, ông hướng về viên đại úy A-lêch-xăng-đơ nói..
- Tôi hy vọng rằng ông sẽ không để họ sống ẩn dật. Viên đại úy đáp lại rằng ông ta không có thói quen bỏ rơi bạn bè.
Bà Xô-vin là người đầu tiên phản ứng dữ dội nhất, bà ta tập hợp giới phụ nữ dưới ngọn cờ của mình và tỏ ra rất kênh kiệu, khinh người.
Ngoài Phrôna ra, Luy-xi không chơi bời đi lại với ai. Còn ông Gia-côp Oen-sơ bình nhật chẳng mấy khi bước ra khỏi nhà nhưng bây giờ lại rất hay đến chơi tối ở nhà đại tá Tơ-rit-ta-nê. Và ông cũng không Chỉ đến một mình. Dọc đường nếu có gặp ai, ông làm như vô tình hỏi, với một ánh mắt xúi giục ẩn dưới cặp lông mày rậm: "Thế nào, không có dự định gì tối nay chứ? không hả? Vậy thì đi với tôi", rồi với cái vẻ hồn nhiên như cừu non, ông dẫn khách đi. Các vị này đều có vợ cả nên đều phải khai với vợ nơi lui tới của mình, thế là dần dần sự chia rẽ bắt đầu nẩy mầm trong hàng ngũ rất kiên định của phe đối lập là phía mấy bà.
Tại nhà ông Tơ-rit-ta-nê, khách không uống nước sắc thay thế cho trà và câu chuyên vẫn diễn ra vui vẻ, rôm rả; bởi thế cho nên các ông kỹ sư, các nhà báo, những nhà quý tộc có máu phiêu lãng cũng như những ông vua vàng của Klông-đai đều nhộn nhịp ngựa xe hướng về nơi ở của gia đình ông Tơ-rit-ta-nê.
Kết quả đáng phàn nàn duy nhất của thành tích ngoại giao do vợ chồng ông đại tá Tơ-rit-ta-nê đạt được đó làm cho cuộc sống của bà Xô-vin cùng với mấy phu nhân khác nữa của thành phố Đao-sơn này càng đơn điệu hơn. Nhưng mấy bà này chẳng mấy nỗi cũng mất lòng tin vào một số câu châm ngôn sai trái và hủ lậu. Vả lại, xem như đại úy Alêchxăngđơ, quan chức số một của toàn tỉnh, đại diện của chính quyền lẫn ông Gia-côp Oen-sơ, đại diện cho công ty đều lui tới đấy cả vậy có nên quay lưng lại với những thế lực đó không? Dần dà chỉ còn 5-6 bà khó tính, lắm lời trụ lại với nhau thành một hội để tỏ phản ứng về đạo đức.