Dịch giả: Ngô Đăng Tâm
Chương 7

     UẢ THẬT GIA ĐÌNH DODSON GỒM TOÀN những phụ nữ có nhan sắc mặn mà mà bà Glegg không phải là người kém cỏi nhứt trong các chị em. Ngay như bà ngồi trong chiếc ghế bành của nhà Tulliver, không một quan sát viên vô tư nào có thể chối cải rằng với số tuổi năm mươi, gương mặt và dáng người của bà vẫn còn thật đẹp - nhưng Tom và Maggie thì lại coi bà dì của chúng là một mẫu người xấu xí. Thật ra, bà Glegg khinh thường sư phô trương quần áo - mặc dầu theo nhận xét của bà, chẳng một người đàn bà nào ăn mặc coi cho được - nên bà chỉ ăn mặc quần áo mới khi nào quần áo cũ đã thật sự không còn dùng được nữa. Những người đàn bà khác, nếu muốn, có thể giặt các bộ ren của họ để dùng lại, nhưng khi bà Glegg chết, người ta sẽ thấy số ren trong ngăn tủ áo bên phải của bà con nhiều hơn cả số ren mà Wooll ở St. Oggs mua cả một đời, dầu bà Wooll vẫn dùng ren mua chịu. Tóc giả cũng vậy, bà Glegg có rất nhiều, từ những bộ quăn và óng mượt cho tới những bộ dợn sóng và mềm hạng trung bình. Nhưng vào ngày thường, bà vẫn ra ngoài với bộ tóc giả ưng ý vào hạng thứ ba của mình khi đi thăm viếng xã giao, nhưng chẳng bao giờ bà mang bộ tóc đó tới nhà các em, nhứt là bà Tulliver. Từ khi có chồng, bà Tulliver đã làm cho chị em xấu hổ vì không chịu mang tóc giả. Theo nhận xét của bà Glegg với bà Dean thì một người chồng hay tranh tụng như ông Tulliver thì bà Bessy đáng lẽ phải hiểu biết nhiều. Nhưng Bessy thì lúc nào cũng yếu đuối!
Vì vậy, nếu bộ tóc giả của bà Glegg hôm nay ít dợn sóng hơn thường lệ là vì bà có ý riêng: bà muốn bóng gió chỉ trích mái tóc vàng tự nhiên của bà Tulliver. Bà Tulliver đã chịu nhiều khổ sở vì thái độ khắt khe của chị mình. Bà Glegg đội nón trong nhà – chiếc nón không buộc dây và hơi lệch – bà vẫn thường đội như vậy khi đi thăm viếng hay đang lúc bực mình: sợ bị trúng gió trong các ngôi nhà lạ. Cũng vì lý do đó, bà còn mang thêm một chiếc khăn choàng cổ bằng lông chồn đen. Phải là người am hiểu về thời trang mới biết rằng cái áo lụa đen của bà Glegg được may từ thời nào, nhưng với những đốm vàng nhỏ li ti và mùi ẩm mốc thoang thoảng của nó, đã được cất giữ trong tủ khá lâu.
Cầm một cái đồng hồ, bà Glegg thông báo cho bà Tulliver, vừa từ dưới bếp lên, rằng đã gần mười hai giờ rưởi rồi.
Bà tiếp:
- Mấy lúc sau này không hiểu dì Pullet ra làm sao nữa. Chị em chúng mình vẫn có lệ tới cùng một lúc – thời ba còn sống cũng vậy – không khi nào có tình trạng người này phải chờ người kia cả nửa tiếng đồng hồ. Nhưng nếu truyền thống gia đình bị phai lạt thì cũng không phải lỗi tại tôi. Tôi sẽ không bao giờ là người tới quá trễ. Tôi cũng ngạc nhiên cho dì Dean – dì ấy giống tôi nhứt. Nhưng nếu dì nghe tôi, Bessy, dì sẽ dọn ăn sớm hơn một chút, thà sớm còn hơn là trì hoãn.
- Ồ, nhưng chắc họ sẽ tới kịp mà tới một giờ rưỡi mới nấu nướng xong. Nhưng nếu chị không muốn chờ lâu thì để tôi dọn bánh phó mát và rượu chát ra.
Bà Glegg lắc đầu, cười chua chát:
- Kìa, dì Bessy! Tôi tưởng dì hiểu tánh chị ruột của dì hơn ai hết chớ. Tôi có bao giờ ăn vào giữa hai bữa đâu, chẳng lẽ cho tới bây giờ tôi lại phải tập cái thói đó?
- Ồ, chị Jane, tôi biết làm sao bây giờ? Ông Tulliver không thích ăn trước hai giờ, nhưng tôi đã cho dọn sớm hơn nữa giờ là vì chị.
- Phải, phải, tôi biết rõ các ông lắm – họ trì hoãn đủ các thứ – họ sẽ đổi giờ ăn lại cho tới khi dùng trà xong, nếu họ có được một bà vợ quá yếu đuối. Tôi tội nghiệp cho dì lắm, Bessy, vì dì không tự chủ được gì cả. Tôi cũng mong rằng dì đừng cho chúng tôi ăn thịnh soạn quá – không nên vì chị em mà phí tiền tốn của. Hơn nữa dì còn hai đứa con nhỏ phải nuôi, dượng ấy thì cứ tiêu pha tiền của dì trong việc kiện tụng và hình như cả lợi tức của dượng ấy nữa. 
Trong tình trang này, buổi họp mắt sắp tới sẽ không được vui lắm. Bà Tulliver không bao giờ muốn kéo dài cuộc đấu khẩu, nhưng đây không phải là một vấn đề mới, vì vậy bà Tulliver lại sử dụng câu trả lời của những lần qua:
- Ông Tulliver bảo rằng ông sẽ đãi đằng bạn bè hậu hỉ hơn nếu ổng có đủ tiền trang trải. Và thưa chị, ông nhà tôi có toàn quyền hành động trong ngôi nhà của ông, phải không, thưa chị?
- Phải, Bessy, tôi không thể bỏ sót tên các con của dì trong bản di chúc của tôi. Nhưng dì đừng mong đợi một đồng nào của ông Glegg vì có lẽ tôi sẽ chết trước ông ấy, và nếu ông ấy chết trước tôi, ông sẽ gói ghém hết tiền bạc gởi về cho bà con của ông. 
Tiếng bánh xe vang lên ngoài ngõ trong lúc bà Glegg đang nói, làm bà Tulliver vô cùng mừng rỡ. Bà vội vàng chạy ra đón bà chị Pullet - chắc phải là bà Pullet, vì rõ ràng là tiếng xe bốn bánh.
Bà Glegg lắc đầu khó chịu khi nghĩ đến chiếc xe bốn bánh của bà Pullet. 
Bà Pullet đang khóc khi cỗ xe dừng lại trước cửa nhà, và hình như bà còn phải nhỏ thêm vài giọt nước mắt nữa trước khi bước xuống, dầu ông Pullet và bà Tulliver đang đứng chực sẵn để đỡ bà. Thế nhưng bà vẫn ngồi yên và buồn bã lắc đầu, nhìn qua màn nước mắt về một hướng xa xăm nào đó.
Bà Tulliver ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy chị?
Bà Tulliver không phải là người giàu tưởng tượng, nhưng cũng đoán thầm là tấm kiếng trang điểm khổng lồ trong phòng ngủ sang trọng của bà chị mình vừa bể lần thứ hai.
Bà Pullet im lim đứng lên và bước xuống xe, không buồn liếc qua ông Pullet đang nâng vạt áo lụa đắt tiền của mình cho đừng chạm đất. Ông Pullet, một người nhỏ thó, mũi cao, mắt sáng nhỏ, môi mỏng, trong bộ quần áo đen mới toanh với chiếc cà vát trắng thắt hơi siết. Bên cạnh bà vợ xinh đẹp mặc áo tay phồng, khoác áo choàng dày, đội nón rộng vành có cắm lông và thắt nơ, trông ông giống như một chiếc ghe chài nép mình bên một con tàu đánh cá hai buồm.
Thật là một cảnh tượng dễ gây cảm động – cạnh một người đàn bà ăn mặc sang trọng và hợp thời trang đang gặp cơn phiền muộn. Từ nỗi buồn của một người Hottentot (Phi Châu) tới nỗi buồn của một người đàn bà mặc áo tay phồng, tay đeo vòng vàng, đầu đội nón thắt nơ sang trọng, thật hoàn toàn cách biệt nhau. 
Hai đầu vai áo của bà Pullet phớt nhẹ vào thành cửa khi bà bước vào nhà (vào thời đó, người đàn bà nào không có vai áo rộng trên một thước bốn mươi sẽ bị coi là quê mùa). Bà dừng lại vận dụng bắp thịt mặt để vắt thêm vài giọt lệ nữa trước khi vào gặp bà chị Glegg đang ngồi đợi.
Khi hai người bắt tay nhau, bà Glegg hỏi cộc lốc:
- Dì tới trễ, có chuyện gì vậy?
Bà Pullet ngồi xuống - cẩn thận kéo vạt áo lên trước khi trả lời:
- Chết rồi!
«Thì ra không phải bể kiếng», bà Tulliver nghĩ. 
Bà Pullet tiếp:
- Chết hôm qua. Chân của bà ấy to bằng cả người tôi, họ rút nước liên miên – nước nhiều khủng khiếp. 
Bà Glegg nói giọng quả quyết:
- Vậy thì cái bà nào đó cũng nên mừng vì đã được chết, nhưng tôi nghĩ mãi không ra cái người mà dì Sophy nói đó là ai.
Bà Pullet lắc đầu thở dài:
- Nhưng tôi biết, đó là bà cụ Sutton ở Twentylands.
- Ủa, bà ta đâu có họ hàng với dì đâu?
Bà Glegg chỉ khóc khi có chuyện gì xảy ra cho «bà con» của bà và chỉ khóc đúng mức tùy trường hợp, tùy người. 
- Bà Sutton cũng là người giao thiệp rộng, tôi biết thế lúc tới thăm bà ta bị phù thủng... Lợi tức của bà ta nhiều lắm, ba tự tay quản trị tài sản tới phút chót, luôn luôn giữ bóp tiền và chìa khóa dưới gối. Tôi dám chắc ít có người đàn bà nào như bà ấy.
Ông Pullet chen vào:
- Người ta còn bảo là trước đó bà ta khỏe mạnh lắm.
Bà Pullet lại thở dài, thiểu não:
- Phải, trước kia bà ta chẳng hề đau yếu gì cả, mấy ông bác sĩ cũng không làm sao hiểu nổi. Bà ta nói khi tôi tới thăm vào dịp lễ Giáng Sinh vừa qua «Bà Pullet, bao giờ bà bị phù thủng, bà sẽ nghĩ tới tôi».
Rồi bà bắt đầu thổn thức:
- Bà ấy đã nói như vậy. Đám tang sẽ cử hành thứ bảy này, và gia đình tôi đã được lời mời đưa tiễn.
Không chịu đựng được nữa, bà Glegg kêu lên:
- Sophy, Sophy, dì làm tôi ngạc nhiên quá, dì tự hủy hoại sức khỏe vì người dưng nước lã. Ba của chúng ta ngày xưa đâu có vậy, cả dì Frances nữa và tôi có nghe người nào trong họ chúng ta làm vậy đâu. Dì còn có thể buồn nhiều hơn bây giờ nữa nếu ông anh họ Abbott của chúng ta chết bất thình lình không kịp làm di chúc.
Bà Pullet ngừng khóc, lộ !!!15663_6.htm!!! Đã xem 10380 lần.

Đánh máy: Nguyễn Đ Thanh
Nguồn: casau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 9 năm 2015