CHƯƠNG 6

     răng đêm nay thật là sáng, bà Nghĩa, mẹ Nga trải chiếu ra hè ngồi hóng mát. Từ cái lần Ngô Quất uống rượu say mò sang gạ gẫm trăng hoa, đêm đêm bà cứ phải mài dao soàn soạt. Lưỡi dao sáng loáng sắc lẹm, gương mặt bà đanh lại. Nhưng tối nay bà thấy vui vì biết Nga đã trao vòng cho Hoàng Đô. Bà thôi không phải mài dao doạ Ngô Quất nữa. Sau trận ốm dậy, Nga thấy mẹ gầy rộc đi, đôi mắt luôn ánh lên nỗi âu lo. Lúc này Nga ngồi hý hoáy khâu gối trong nhà lắng nghe mẹ khẽ khẽ hát. Từ ngày mẹ bị ốm, nay Nga mới lại được nghe mẹ hát câu hát quen thuộc: "Ai làm cho bướm lìa hoa í i - cho chim xanh lỡ bay qua vườn hồng í i - Ai đi muôn dặm non sông để ai chứa chất sầu đong vơi đầy..." Câu hát của mẹ đã gieo vào lòng Nga nỗi buồn da diết suốt cả quãng đời thơ ấu. Nga thấy mẹ cứ đeo đẳng câu hát này mãi suốt cả cuộc đời. Bỗng tiếng hát tắt lịm giữa chừng. Dưới ánh trăng vằng vặc, Nga ngỡ ngàng nhận ra cô Bông mặc áo cánh trắng, đi guốc, đầu đội một thúng nặng ưỡn ẹo bước vào sân, theo sau là ba người con trai của cô Bông, anh Lạnh, anh Mát và Bức.
- Mấy mẹ con em có lời chào bà Nghĩa - giọng cô Bông như hót lên. Anh cả Lạnh đỡ chiếc thúng trên đầu cô Bông đặt xuống thềm - thật là may mắn cho mẹ con em tối nay ra ngõ gặp trai. Bà chị biết mẹ con em gặp ai không! Thằng cu Tũm hí hí... nhà thằng Tũm mấy năm nay làm ăn lên như diều. Cô Nga đi đâu hả bà?
Cô Bông vừa đi vừa liếc mắt vào trong nhà. Nhìn thấy Nga giọng cô Bỗng như reo lên:
- Ối ối! Cô Nga kín tiếng quá, mẹ con tôi có lời chào cô. Mời cô ra ngồi cho mát để mẹ con tôi thưa câu chuyện. Thưa bà chị, thưa cô Nga, đúng là trời hôm nay rất trong, trăng rất sáng, mẹ con em sắm cái lễ sang dâng tổ tiên nhà ta xin phép bà chị, xin phép cô Nga cho thằng cháu Bức nhà em được làm con cái gia đình ta đây...
Mẹ Nga ngồi lặng, ngơ ngác. Nga sửng sốt nhìn ba anh em Bức đứng trơ giữa sân. Hai ông anh Bức, cao lớn vênh vang ngửa mặt lên trời ngắm trăng nhìn nhau cười, Bức có vẻ e thẹn khép nép đứng bám lấy người anh cả thỉnh thoảng lại len lén nhìn Nga. Nga quăng mảnh áo gối đang khâu dở xuống giường chạy ra cửa, đứng sát bên mẹ. Vầng trăng tròn chơi vơi. Những ngôi sao trên trời cứ loé lên run rẩy.
- Mẹ! - Nga thảng thốt kêu lên - Mẹ hãy nói gì với người ta đi mẹ. Con đã trao vòng cho người khác rồi.
- Thưa bà và ba anh - Mẹ dè dặt nói - đúng là cháu Nga nhà tôi năm nay cũng đã tới tuổi lấy chồng. Dù sao thì gia đình tôi cũng phải giữ phong tục trao vòng của làng ta có từ ngàn xưa, tuy thời bây giờ có đổi mới nhưng đã có ai trong làng Nguyệt Hạ này dám bỏ đâu ạ. Dù cuộc sống của mẹ con tôi có gặp trăm nỗi long đong nhưng tôi vẫn còn giữ được chiếc vòng gia truyền. Tôi đã trao cho cháu Nga hai năm nay để cháu tự chọn lựa bạn đời. Tôi ngẫm thấy cha ông ta nghĩ ra cái tục lệ trao vòng ấy thật là hay đấy bà nhỉ. Nó vừa giải phóng cho con cái tự do tìm hiểu, vừa khuyên răn lòng thuỷ chung son sắt nghĩa tình.
- Bà chị nói thật chí tình chí lý đấy ạ - Mẹ Bức cười rõ tươi, ba anh em Bức cũng cười rõ tươi - Em cũng thấy là cái tục lệ của cha ông ta đặt ra là đúng lắm chứ ạ. Các cụ dạy là cấm có sai điều nào. Em mời bà chị xơi trầu đi - Mẹ Bức đặt cơi trầu vào tay mẹ Nga, cao giọng gọi - Bức đâu? Con hãy đem trình bà Nghĩa chiếc vòng cầu hôn mà cô Nga đã trao cho con. Con hãy quỳ xuống và nói lời thề ông con đã dạy. Đừng ngại, quỳ xuống đi con. Thế thế...
Bức run rẩy lấy từ trong túi ra chiếc vòng bạc quỳ xuống trịnh trọng đưa hai tay dâng lên trước mặt mẹ Nga chiếc vòng bạc sáng bóng. Dưới trăng suông, chiếc vòng bạc loé sáng lấp lánh. Nga rùng mình nhận ra những chiếc răng trong khoé miệng của mẹ Bức, cả hai người anh trai Bức cũng sáng loé lên. Đúng là chiếc vòng này Nga đã trao cho Đô bằng cả tấm lòng, bằng cả tình yêu của một đời người con gái trinh trắng....
- Không! Không phải thế. Không phải....
Nga khiếp đảm thét lên cắm đầu lao ra đường làng. Bóng trăng loang loáng. Vẫn vầng trăng trong chới với đuổi theo bóng Nga. Nga chạy sang nhà Đô. Con mực đen chũi trong nhà xông ra xù lông nhảy chồm chồm nhe bộ răng trắng nhởn sủa ông ổng. Nga đứng khự lại giữa sân nhìn con mực căm giận. Trong nhà Ngô Quất ngồi xếp bằng giữa giường uống rượu với thịt gà nghếch cổ lên cho tay vào miệng cạy mẩu thịt gà giắt vào kẽ răng. Nghe tiếng chó sủa dữ dội, Ngô Quất lè nhè chửi.
- Mẹ đứa nào quấy rầy gì đấy hả?
- Con đây, con là Nga đây.
Ngô Quất chập choạng bước ra cửa dậm chân bành bạch đe chó. Con mực cụp đuôi nằm xuống ngếch mõm lên nhìn Nga gầm gừ. Vừa nhìn thấy Nga, Ngô Quất chợt sững lại một lúc rồi phá lên cười. Tiếng cười man dại vang lên trong đêm trăng nghe rờn rợn...
- Con Nga đấy à, mày còn sang đây làm gì. Thằng Đô nó không dám về nhà nữa đâu, nó xéo rồi. Trông đợi nó làm gì cho uổng cái tuổi xuân. Hà hà... còn mày, mày cứ vui vẻ về làm dâu nhà lão Kình cho sướng cái thân. Thằng Bức là út, giàu con út khó con út. Đời nó thế đấy con ạ. Thằng Đô nhà này nó sẽ kiếm đứa khác, làng này thiếu gì con gái...
Ngô Quất đứng trước cửa lè nhè nói mãi. Nga không hiểu lão nói gì. Cô đau đớn bật khóc. Đất trời quay cuồng.
- Mày định ăn vạ tao đấy hả - Ngô Quất quát lên - Cút đi, cút! Mày làm ông uống bữa rượu mất cả ngon.
Con mực hiểu ý chủ, nó chồm dậy sủa khan một hồi. Nga chạy ra ngõ nhìn thấy cái Hà, em gái Đô đang ôm mặt khóc.
- Chị Nga ơi, chị hãy tha tội cho bố em, tha tội cho anh Đô.
Nga bước liêu xiêu trên đường làng khóc âm thầm. Ông trăng trên trời cao không hiểu thấu lòng Nga. Ánh trăng dư thừa hào phóng soi rọi khắp thế gian. Đêm làng Nguyệt Hạ lặng thinh. Hình bóng Đô lởn vởn đâu đây. Mới đêm nào anh còn ngồi với Nga bên bếp lửa Nga cảm động trao vòng cầu hôn cho anh, chiếc vòng bạc, linh hồn của em...
Về tới ngõ, Nga nhìn ngôi nhà mình chông chênh lặng ngắt trong đêm. Nga chao đảo bám hai tay vào thân cau khô ráp thẳng đứng giữa trời đêm. Nga cứ ngỡ nó đã chết đứng từ bao giờ. Nga ngửa cổ lên nghe rõ tiếng chim non khẽ rích rích kêu khan trên ngọn cau. Có lẽ chim mẹ đã bỏ lũ chim con đi đâu? Trong nhà, mẹ Nga đứng chong chong trước bàn thờ bố. Nga chạy vào đứng sau mẹ, nghe rõ tiếng mẹ lầm rầm khấn vái. Lễ trầu cau bên nhà Bức mẹ đã nhận đặt bầy trên bàn thờ, hương khói nghi ngút. Nga ôm lấy mẹ khóc tấm tức. Buồng cau xanh với những trái cau tròn mẩy đầy u lên bên những chồng bánh mật chất đầy trên ban thờ.
- Thôi, đừng khóc nữa con ạ. Vòng cầu hôn của mình người ta đã nắm trong tay - Tiếng mẹ đau như dao cứa - Tục lệ tôn nghiêm của tổ tiên quy định thế. Phải vững vàng mà sống con ạ. Không nhận lễ, mẹ con mình làm cả đời cũng không đủ tiền bồi thường danh dự cho gia đình người ta đâu.
Nga lao lên giường vật vã. Mũi kim dính trên chiếc gối Nga đang khâu dở đâm nhói vào cánh tay Nga như điềm xấu báo cho Nga biết trước về số phận bất hạnh của mình.
Việc gia đình Nga nhận trầu cau của gia đình Bức như một sự kiện lớn loang khắp làng. Hai ngày sau lão Kình cho mua luôn mười viên đá xanh lát đường. Những viên đá xanh được đặt tiếp lên mặt đường làng. Theo tục lệ, người đầu tiên được đặt chân lên những viên đá mới phải là cô dâu và chú rể. Điều ấy mang một ý nghĩa sâu sắc như một nền móng vững chắc cho con đường hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ. Việc cô dâu chú rể dắt tay nhau đặt bước chân đầu tiên lên những viên đá mới, xưa kia còn được hai họ tổ chức thành một nghi lễ long trọng. Cô dâu phải chọn hai cô bạn gái giống như phù dâu, chú rể chọn hai chàng trai giống như phù rể. Cô dâu tay cầm liềm sóng đôi với chú rể vai vác cuốc đi trước, theo sau  là hai cặp phù dâu phù rể. Khi đặt chân lên viên đá mới, chú rể hỏi: "Cô cắt một ngày được bao nhiêu gánh lúa" cô dâu trả lời "Em cắt một ngày được một trăm gánh lúa". Cô dâu lại hỏi chú rể: "Anh cuốc một ngày được mấy sào ruộng" chú rể trả lời: "Anh cuốc một ngày được mười sào ruộng". Nghi lễ rườm rà này mấy năm nay dân làng Nguyệt đã bỏ. Nhưng thủ tục cô dâu chú rể dắt tay nhau bước lên những viên đá mới vẫn được duy trì. Bởi thủ tục này cũng đơn giản như một cuộc hẹn hò của cô dâu chú rể trước ngày cưới. Chỉ còn một ngày nữa, Nga phải bước chân về nhà chồng. Lòng Nga tan nát. Nga ngồi nhà cứ giật mình thon thót nghe tiếng lợn kêu, tiếng dao thớt, tiếng giã giò bên nhà trai vang lên. Bạn bè, Nga không mời ai, Nga để mặc mẹ phải long đong lận đận lo toan mọi việc với họ tộc. Sự đã tới nước này Nga đành nhắm mắt đưa chân. Nga đang nằm thượt trên giường thì chàng rể Bức xuất hiện ở cửa. Ngày còn là trẻ chăn trâu, Bức láu lính, hư đốn nghịch ngợm như quỷ, bắt nạt gây sự với tất cả những đứa trẻ trong làng. Chính Nga cũng đã bị Bức túm tóc đánh mấy bận. Nhưng không hiểu sao, càng lớn Bức càng trở nên lầm lỳ, ngô ngố. Có lẽ do Bức bị khuất phục bởi sự rèn cặp rất nghiêm khắc của lão Kình. Gia đình lão Kình xưa nay có tiếng là nề nếp. Tất cả mọi người trong gia đình từ lớn đến bé đều phải răm rắp làm theo mọi mệnh lệnh của lão. Dưới ánh mắt mọi người, lão là một thủ lĩnh tài ba - một ông vua quyền thế. Quả là lão có cái đầu cực kỳ sâu sắc sáng suốt, tinh khôn, nhìn xa trông rộng. Lão sành sỏi nhạy cảm với mọi công việc trong mọi lĩnh vực làm ăn, quan hệ đối nội, đối ngoại, nhận định thời cuộc một cách chính xác. Ấy vậy mà chàng Bức lại chẳng học được điểm nào của ông nội. Bức có một thân hình lực lưỡng giống như anh cả Lạnh và anh Mát. Bức làm mọi công việc một cách dẻo dai theo sự xếp đặt của lão Kình. Ông bảo đi cày, hắn đi cày, ông bảo đi đào gốc tre hắn đi đào gốc tre, ông bảo đi thả diều hắn thả diều. Và lúc này có lẽ hắn đi sang đây cũng là do ông bảo. Bức cứ đứng ngây đuỗn ở giữa nhà nhìn Nga. Nga nhìn Bức. Có lẽ đây là lần đầu tiên Nga nhìn kỹ vào khuôn mặt người chồng sắp cưới của mình và thấy ớn lạnh. Gương mặt trơn lỳ của Bức không biểu hiện một xúc cảm nào. Nga có cảm tưởng Bức giống như một phiến đá rắn chắc vô hồn. Không đoán được Bức sang đây có việc gì. Nga ngồi bật dậy hỏi.
- Anh cần gì?
- Ông bảo tôi và cô phải dắt tay nhau bước lên những viên đá mới! Cô nên nhớ đây là tục lệ của làng.
Lời nói của Bức cũng rắn như đá khiến Nga không nghĩ ra được câu nào chống đỡ. Nga lặng lẽ bước theo Bức. Ra tới đường làng, trẻ con rồng rắn theo sau Nga và Bức. Không hiểu ai đã dạy hay bọn trẻ tự nghĩ ra những câu vè, vừa đi chúng vừa hát rống lên: "Ve vẻ vè ve - đặt một bài vè - chị Nga anh Bức - giữa mùa nóng nực - cưới nhau vội vàng - Họ hàng nhà nàng - Chẳng ai thèm đến.."  Bức quay lại lừ mắt khiến chúng sợ hãi nín bặt. Đường làng lát hai hàng đá thẳng tắp nhẵn bóng. Bầu trời trong xanh râm ran tiếng sáo diều. Giữa giờ phút này nếu là Đô anh đã nắm lấy bàn tay Nga... và nếu là Đô thì cuộc đời Nga đã tốt đẹp biết bao nhiêu. Gần tới đoạn đường lát những viên đá mới, Bức đứng lại chờ Nga bước lên. Bức tóm cổ tay Nga. Những ngón tay thô ráp cứng như gọng kìm xiết chặt lên da thịt Nga. Vẫn gương mặt trơn tuột. Vẫn ánh mắt lạnh băng. Bàn chân Nga đã đặt lên những viên đá mới:
- Cô cắt một ngày được bao nhiêu gánh lúa?
Giọng Bức vang lên bên tai Nga. Nga im lặng. Mặt Bức vẫn tỉnh bơ. Những ngón tay Bức càng xiết chặt lấy cổ tay Nga. Nga lặng người.
- Cô cắt mỗi ngày được bao nhiêu gánh lúa?
- Trăm gánh! - Nga nói.
- Còn tôi cày mỗi ngày được mười sào ruộng.
Bước qua đoạn đường lát đá, Nga vùng khỏi tay Bức chạy về nhà. Từ mấy ngày nay Nga đã nghĩ cách trốn khỏi làng. Nga có thể đi bất cứ đâu nhưng còn mẹ. Nga thương mẹ. Nếu không vì mẹ, Nga đã vào đoàn chèo chuyên nghiệp của tỉnh theo yêu cầu của Đặng Xuân Tòng, cán bộ phong trào của Ty văn hoá tỉnh. Ôi nếu Nga nghe lời Tòng thì bây giờ đâu đến nỗi này. Nga thấy ân hận nuối tiếc và đau khổ...
Nhưng rồi cái gì đến vẫn cứ đến. Nga vẫn phải làm đúng bổn phận một nàng dâu mới. Trong ngày cưới, bạn bè quây quần lấy Nga mà lòng Nga vẫn cô đơn. Nga làm theo mọi lời chỉ bảo của bạn bè như một cái máy. Nga mơ màng thấy người ta ùn ùn kéo đến đưa Nga về nhà chồng. Toàn những gương mặt quen thuộc của người làng Nguyệt Hạ mà lúc này Nga cảm thấy xa lạ. Nga cứ ngây ra khi tiếng pháo đón dâu nổ dậy ngoài ngõ. Những tiếng cười nói rổn rảng. Những gương mặt nửa say nửa tỉnh. Tất cả, tất cả cứ nháo nhào quay cuồng trước mắt Nga. Còn mẹ Nga, Nga cảm thấy mẹ cũng chẳng khác gì Nga. Gương mặt mẹ đờ dẫn ngơ ngác. Nga bỗng thấy thương mẹ. Chưa bao giờ Nga thấy thương mẹ như lúc này. Giữa giờ phút nhốn nháo này Nga lại nhận ra chính cái Hà, em gái Đô lại gần gũi và hiểu được Nga hơn cả. Nó quấn lấy Nga suốt ngày. Về tới nhà chồng, Nga nhìn thấy Ngô Quất ngồi gật gù bên lão Kình trên giường, mặt đỏ phừng phừng. Đám cưới tan, Ngô Quất còn ngồi lại đánh chén với lão Kình bữa thứ hai. Nhá nhem tối Ngô Quất ngất ngưỡng ra về đến rỉ tai Nga: "Tao đã bảo mà, mày về làm dâu nhà này chả sướng... khà, khà kha... còn mày mà lấy thằng Đô nhà tao làm chó gì có cỗ to thế này. Khà... khà khà".
Đêm tân hôn, căn buồng hạnh phúc lạ lẫm lờ mờ trước mắt Nga. Chiế giường gỗ xoan cũ kỹ kê bên ô cửa sổ. Ngọn đèn dầu lù mù đỏ quạch. Mọi thứ không có gì mới, từ chiếc chăn chiên đến chiếc gối sờn cũ toả ra mùi mồ hôi lạ. Nga nằm chơ vơ chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Mọi ý nghĩa đã cạn kiệt. Nga lơ đãng nhìn Bức cởi áo. Tấm thân trần lực lưỡng cơ bắp săn chắc, Bức vươn người qua Nga đóng kín hai cánh cửa sổ. Đêm tân hôn của đời Nga, tiếng côn trùng kêu rả rả, tiếng lão Kình ho khan. Và gương mặt Bức vẫn lầm lỳ lặng băng trơn tuột như phiến đá. Bức ngồi trên giường thổi "phù", ngọn đèn dầu phụt tắt. Căn buồng tối bưng. Bóng tối đen ngòm bủa vây xâm chiếm tâm hồn Nga. Nỗi hoảng sợ tiếc nuối chợt bùng lên. Nga tiếc tấm thân trinh trắng và mối tình đầu đẹp đẽ của mình đã không được trao gửi cho Đô, người mà mình yêu. Những ngón tay Bức rờ rẫm hàng khuy áo Nga, lặng lẽ mà háo hức. Bức bóc trần thân thể Nga trong bóng tối. Nga co dúm người khi cơ thể hừng hực sức sống của Bức ôm ghì lấy Nga. Không biết ai đã dậy Bức cách thức kích động sinh lý một cách thô tục. Nga chợt thấy nhói đau và cảm giác toàn thân rã rời. Bức lóp ngóp dậy bật lửa xoèn xoẹt thắp đèn. Thì ra Bức kiểm tra giọt máu trinh tiết của vợ. Nga nhìn tấm lưng trần bè bè, hai vai Bức u lên đen nhánh. Bức đã thoả mãn ý nguyện quay lại nhìn Nga cười. Mãi tới lúc này Nga mới được nhìn thấy Bức cười. Bức nhào bổ vào Nga hôn hít vuốt ve một cách điên cuồng.
- Mình, mình vẫn còn - Bức nói - thế mà tôi cứ ngỡ...
Bức cười hể hả lấy chiếc vòng cầu hôn trao lại cho Nga theo đúng tục lệ. Nga chợt bàng hoàng. Chiếc vòng linh thiêng, biểu tượng của tình yêu chung thuỷ đã nhuốm màu mua bán tráo trở lừa lọc của thế gian ô trọc này.
Buổi sáng đầu tiên Nga chính thức là thành viên tham dự vào đời sống nhà chồng. Thoáng nhìn thấy Nga, anh cả Lạnh bảo:
- Sáng nay thì miễn, từ mai thím út phải dậy sớm nấu cơm.
Nồi cơm to lớn nặng quá sức tưởng tượng của Nga, vùi giữa bếp, Nga ì ạch bê nồi cơm lên nhà trên. Hai chồng bát cao ngất trên chiếc mâm đóng bằng tre đặt ở giữa gian nhà giống như chiếc chõng cao lênh khênh dài tới hai mét. Nga cứ ngỡ ngàng về mọi sinh hoạt của cái gia đình to lớn này. Tất cả là mười hai người. Cao tuổi nhất là vợ chồng lão Kình, ít tuổi nhất là hai đứa con nhỏ của vợ chồng anh cả và anh thứ còn ngậm vú mẹ. Mười người lớn nhỏ ngồi kín xung quanh mâm cơm trừ hai vợ chồng lão Kình ưu tiên ngồi mỗi người một giường. Thằng cu lớn nhà anh cả làm nghĩa vụ bê cơm cho vợ chồng lão Kình.
- Bẩm cụ xơi cơm ạ - thằng cu đặt bát cơm độn lổn nhổn khoai ngô đầy ú trước mặt lão Kình.
- Cơm hôm nay có gì? - Lão Kình hỏi.
- Bẩm cụ rau luộc và cá kho ạ.
- Từ mai vợ thằng Bức phải bê cơm cho tao - Lão Kình nói, hai hố mắt mờ đục sâu hoắm cứ trừng trừng nhìn vào đâu đó hư vô - Phải thế mới đúng, phải là con gái thằng Lưỡng bê cơm cho tao mới đúng.
Nga giật thót người khi lão Kình nhắc tới tên "Lưỡng" tên người bố đẻ ra Nga đã phải treo cổ chết trên cành đa giữa đồng.
- Thôi thôi! Tôi xin ông - Bà lão Kình nói, hai tay run run đặt bát cơm xuống giường - Trời đánh còn tránh miếng ăn.
- Tôi cấm bà! - Lão Kình cầm đôi đũa gõ "cách" vào vai giường giận dữ quát - Bà để cho tôi dạy con dạy cháu tôi. Chúng phải nhớ đời, phải nhớ đời, hiểu chưa. Chúng phải nhớ và khắc ghi vào lòng cái chết oan uổng của bố chúng mày. Bố chúng mày còn sống thì đời ta và đời chúng mày không phải khổ thế này. Bố chúng mày còn sống thì bây giờ không thèm buôn nồi đất nữa, mà chỉ cần đi ba chuyến thuốc lào lên mạn ngược là đủ xây nhà to. Còn thằng Bức, phải nhớ rằng cái nhà này phải góp tới đồng xu cuối cùng mới mua lại được từ tay thằng Ngô Quất chiếc vòng cầu hôn của con Nga. Thế đấy, chúng mày hãy nhớ điều ấy. Nhớ rằng tại sao mày phải mua chiếc vòng cầu hôn của con gái thằng Lưỡng.
Lời nói của lão Kình chứa đầy máu và lòng thù hận. Mọi người trong nhà này vẫn thản nhiên ngồi ăn xì xụp chan húp, muôi thìa bát đĩa lanh canh. Anh cả Lạnh và anh mát nhìn vợ tủm tỉm cười. Bà Bông, mẹ chồng Nga từ đầu bữa vẫn lặng câm thản nhiên ngồi ăn, khác hẳn với cái đêm bà đội trầu cau sang nhà Nga. Nga nhìn lên gương mặt chồng vẫn không mảy may biến đổi, vẫn cái vẻ lầm lì ngu si trì độn vĩnh cửu. Trong cái đại gia đình to lớn này Nga không sao tìm được ánh mắt cảm thông. Thằng cu lớn nhà anh cả Lạnh cũng gườm gườm nhìn Nga như thể chính Nga là kẻ đã làm cho gia đình này khánh kiệt, khổ sở đói kém đi. Nó cố tình lựa hết những hạt cơm bao quanh những miếng khoai khô cho vào miệng, trong bát của nó còn trơ ra toàn khoai thâm sì. Đã thế thằng cu còn lấy muôi chan đầy canh vào bát khoai, khoắng đi khoắng lại trước mắt Nga, Nga ái ngại nhìn hai người chị dâu, hai người đàn bà này vẫn thản nhiên ngồi xúc cơm bằng thìa, một tay vạch vú cho con bú. Hai đứa trẻ miệng ngậm vú mẹ, mắt thao láo nhìn Nga không chớp. Nga cúi gằm mặt xuống không dám nhìn vào mặt ai, cố ăn cho hết bát cơm độn khoai.
Từ bữa cơm đầu tiên ấy, dù không quen, Nga vẫn phải lao vào guồng máy hoạt động răm rắp suốt từ năm giờ sáng tới chín giờ đêm của cả gia đình chồng, dưới sự chỉ huy chung của lão Kình. Bà Bông chỉ huy khâu hậu cần, anh cả chỉ huy công việc đồng áng. Thằng cu lớn nhà anh cả Lạnh đi bắt được giỏ cua bán được một đồng hay đi đánh đáo thắng cuộc được dăm hào cũng phải mang về nộp tất cho lão Kình.
Ngoài giờ làm đồng, về vứt cày vứt cuốc bên góc sân là cả ba anh em nhà này xoay trần ra nhào xuống ao lặn ngụp móc bùn đổ lên mảnh vườn sau nhà. Những ngày mưa rét không lấy bùn thì ba anh em lại đi lùng sục khắp nơi đào gốc tre về chất đống chờ bữa nào nắng đem phơi khô, tới phiên chợ Diêm Điền ba chị em dâu lại gánh đi bán cho dân vùng biển. Tối đến cả nhà, kể cả thằng cu nhà anh Lạnh cũng phải lao vào chẻ cói đan quài, đan bị dệt chiếu cậm cạnh đến chin, mười giờ đêm thì vợ chồng con cái ai về buồng nấy ngủ. Bảy gian nhà lợp rạ dài dằng dặc được ngăn ra làm năm. Ba cặp vợ chồng, cả Lạnh, hai Mát và vợ chồng Nga, mỗi cặp một gian. Bà Bông một gian là bốn. Còn lại ba gian nữa để ăn cơm và kê hai chiếc giường cho vợ chồng lão Kình.
Những lúc cả nhà đi làm thì vợ chồng lão Kình cởi áo ngồi bắt rận. Hai vợ chồng già phơi ra hai tấm thân trần trụi nhăn nheo xương xẩu. Cả hai vợ chồng lão Kình đều cạo đầu trọc lốc trắng nhởn. Hai núm vú của bà lão teo lại còn một dúm da nhăn nheo bám trên khuôn ngực khô đét. Cả hai vợ chồng lão Kình mắt đều đã mờ nên phải dùng những ngón tay sờ lần run rẩy tóm những con rận kềnh cho vào mồm cắn đôm đốp. Lão Kình có tính nóng như lửa. Tính nóng của lão thường biểu lộ trên nét mặt cau có và cử chỉ mạnh mẽ. Có lúc lão kéo căng đường chỉ khâu trên áo đặt lên vai giường lấy dộng dao miết đi miết lại nhiều lần, miệng lầm bầm chửi. Lão chửi những con rận đã hút máu lão. Bằng những động tác miết dao, lão quyết tâm tiêu diệt cả những cái trứng rận nhỏ tí lặn sâu vào đường chỉ mà tay lão không sờ thấy. Có lúc lão tức điên lên vì những mối giáp của đường chỉ và những chỗ vá chằng vá đụp lão không miết được dộng dao, lão đành giơ dộng dao đập lia lịa, miệng rít lên: "mày phải chết, phải chết! Máu tao chứ có phải nước lã đâu..." Những ngày nắng to, lão Kình lại lò dò ra cửa cởi áo phơi trên nền gạch nóng. "Mẹ kiếp! Ông cho chúng mày say nắng một bữa". Lão ngồi bó gối giữa cửa cười khoái trí vì đã nghĩ ra cách trừng trị lũ rận một cách hữu hiệu nhất. Lão ngồi chán lại lò dò vào trong giường ngồi không quên dặn đi dặn lại thằng cu con anh cả Lạnh tinh mắt trông gà khỏi ỉa vào áo của lão. Thằng cu con cả Lạnh nghịch như quỷ sứ nhưng ở nhà vẫn một phép nghe lời lão Kình. Được lão Kình giao nhiệm vụ, nó cầm chiếc roi rõ dài ngồi nhăn nhó phơi cái đầu trọc lốc ra nắng trông gà khỏi ỉa vào áo lão Kình. Lão Kình bắt thằng cu nhà anh cả Lạnh cạo trọc đầu. Lão bảo để tóc là cơ hội tốt cho lũ chấy làm tổ. Lão lấy chứng cớ là cuộc đời của lão gần trăm tuổi mà vẫn khoẻ vì đã không để bất cứ con chấy con rận nào hút máu mình. Nói có sách mách có chứng, lão Kình nói điều gì cũng đúng. Cả nhà sợ lão hơn sợ cọp. Không ai dám cãi cọ đôi co trước mặt lão. Vợ chồng anh cả Lạnh, anh hai Mát có xích mích xung đột cũng chỉ im lặng bóp cổ nhau trong buồng riêng. Người bóp cổ cũng không dám quát, người bị bóp cũng không dám kêu. Trẻ con có biết cũng im thít. Anh cả Lạnh tức vợ đá "bụp" vào mông vợ một cái, chị vợ ôm mặt chạy tít ra đường mới dám khóc. Lão Kình nghe tiếng anh cả Lạnh đá đít vợ liền hỏi "cái gì đấy" anh Lạnh bảo: Bẩm ông con đánh rơi cái mẹt. Về hình dáng ba anh em trai nhà này đều giống nhau về thể lực to, cao, mắt hơi xếch, lông mày anh nào cũng dày, mũi hơi tẹt, lưng to bè bè nhưng tính thì khác hẳn nhau. Anh cả nóng nảy hung hăng gần giống lão Kình, anh thứ có vẻ sâu sắc nhưng lại nhát gan sợ vợ. Còn Bức thì lầm lì ít nói nhưng cục cằn. Trước mặt mọi người Bức không bao giờ tỏ ra thân mật vui vẻ với vợ. Kể cả Nga cũng không bao giờ được phép xởi lởi cười đùa với chồng trước mặt mọi người.
Nga và chị dâu cả giã gạo cậm cạnh dưới nhà bếp. Bầu trời làng Nguyệt Hạ hôm nay tắt lặng tiếng sáo diều bởi làng có đám ma lão Quỳ. Suốt từ hôm qua tiếng kèn đám ma cứ tru lên ai oán. Lão Kình từ sáng tới giờ cứ ngồi trên giường chửi đổng "Mẹ cha nó! Chết chỉ có tiếng kèn mà không có tiếng trống cà rùng, sống bằng phí..." Bức đi đào huyệt chôn lão Quỳ xong vác cuốc về, mặt còn đỏ gay vì men rượu. Vừa quăng chiếc cuốc vào góc bếp, chị dâu cả đã bảo Bức.
- Chú Bức giã gạo với thím, tôi đi đằng này tý. Bức nhảy phốc lên bàn cối đứng sau vợ. Chưa bao giờ Nga thấy Bức háo hức như lúc này... Bức nhún nhảy chồm chồm sau lưng Nga một cách quá trớn. Bức hà hơi vào gáy Nga nóng hôi hổi và nồng nặc mùi rượu.
- Mình! Đúng là đẹp thật đấy - Bức thì thào. Đẹp như tiên.
- Bây giờ anh mới thấy tôi đẹp sao?
- Thì sáng nay mấy thằng cùng đi đào huyệt với tớ nó bảo thế. Nó bảo mình đẹp nhất làng này.
Từ ngày về làm vợ Bức. Chưa bao giờ Nga thấy Bức nịnh và khen Nga một câu. Bỗng nhiên hôm nay Bức lại tý tởn rửng mỡ vừa giã gạo vừa cố tình đẩy cái "của nợ" ấy vào mông Nga, giọng tán tỉnh một cách ngu ngốc và thô thiển.
- Nga này, chúng nó còn tán bậy lắm. Nó hỏi tới mỗi đêm chiến đấu mấy lần. Chúng nó hỏi vậy bố ai mà dám trả lời. Tớ chỉ cười, chúng nó lại hỏi, trước khi mình về đây có còn trinh không. Tớ bảo, còn! Chúng nó không tin bĩu môi cười với nhau khùng khục bảo tớ đi mua lại của thừa của thằng Đô. Mẹ kiếp, chúng nó đoán sai bét cả. Tớ tức điên choảng cho chúng một trận nhừ tử. Bức vừa nói vừa cười khùng khục vẻ khoái trí. Bất chợt anh cả Lạnh từ đâu xộc vào mặt gườm gườm nhìn Bức rổi bỏ đi. Bức im thít. Cái nhìn của anh cả Lạnh đã làm bức thức tỉnh trở lại, lầm lỳ như mọi khi. Giã xong cối gạo, Bức nhào ra cửa. Sàng xong cối gạo, Nga ra cầu ao vớt bèo nghe tiếng uỳnh uỵch trong chuồng trâu, Nga nhón chân bước tới gần, đứng nép vào tường thấy anh cả Lạnh túm cổ áo Bức giọng rít lên khe khẽ.
- Mày là thằng nhu nhược, nhu nhược. Mày, mày đã quên mất lời ông dặn. Mày mày... Mặt anh cả Lạnh hằm hằm căm giận giơ tay tống một quả thật lực vào giữa mặt Bức - lần này tao chỉ cảnh cáo nhẹ, lần sau còn vi phạm tao đâm thủng bụng.
Nga bước vội ra cầu ao. Gió lộng lên. Những con cá cờ nhởn nhơ ngoe nguẩy giương đôi vây hồng lượn lờ trong làn nước xanh rêu. Nước mắt Nga bỗng dưng ứa ra. Nga cứ nghĩ mãi về thân phận mình bỗng dưng lại rơi vào gia đình này. Một gia đình kỳ cục, vừa âm thầm vừa huyên náo, vừa hiền lành vừa dữ dội. Những gương mặt lạnh băng, những mảng lưng trần đen bóng, những cái đầu trọc lốc suốt ngày đập vào mắt Nga, ám ảnh Nga trong cả giấc mơ. Nga càng kinh ngạc thấy Bức mặt tím bầm mà thái độ của tất cả mọi người trong gia đình vẫn thản nhiên không ai hỏi Bức một lời. Đêm đến, Bức mò vào giường, Nga hỏi:
- Trán làm sao thế.
- Mẹ kiếp! Bị trượt chân ngã đấy.
- Thôi đi, anh chỉ là đồ hèn. Chính mắt tôi nhìn thấy anh cả Lạnh đánh anh.
- Xuỵt, tôi cấm cô. Đấy là chuyện riêng của anh em tôi.
- Chuyện riêng à, anh em nhà anh là đồ quỷ sứ.
- Câm! Đã bảo là cô câm ngay - Bức rít lên có vẻ hoảng loạn.
- Tôi không câm - Nga vùng dậy - Anh hèn lắm. Đàn ông mà hèn. Đến cả chuyện ngủ với vợ cũng phụ thuộc vào người khác.
Bức bỗng đờ người. Trong đêm tối, Nga cảm nhận rõ sự biến động trong con người Bức. Bức nghiến răng ken két. Bất thình lình, Bức lùa cả hai bàn tay vào ngực Nga một cách thô bạo xoắn hai đầu vú làm Nga hoảng sợ. Bức đè sấn lên người Nga quằn quại như con thú trúng thương.
- Im đi, đồ ngu - Bức ghé sát vào tai Nga rít lên - Tao phải chịu đựng như thế này là vì mày, mày hiểu chưa. Tao phải chịu đòn thay cho mày mà mày không hiểu gì cả. Mày nói đúng. Tao yếu hèn. Tất cả bởi tao yếu hèn. Mày biết tại sao tao yếu hèn không? Tất cả bởi vì mày đẹp. Mày thu hết hồn tao. Mày đã chiếm được trái tim tao.
Bức vừa thở hồng hộc vừa nói vừa dứt phăng hàng khuy áo của vợ như kẻ cuồng dâm. Trong cơ thể Bức đang có điều gì đó rất hệ trọng sắp bùng nổ. Bức vừa tự hành hạ mình vừa trút lên thân thể Nga cơn giận dữ ghê gớm, Bức bấu véo khắp thân thể vợ.
- Anh Bức, anh làm trò gì thế. Điên à?
- Ừ, tao điên. Tao điên vì không thể chịu nổi nữa rồi.
Bức dũi đầu vào ngực Nga, giọng bỗng dịu lại và thay đổi cách xưng hô với vợ.
- Mình là người đàn bà vô tâm. Mình không hiểu gì sất. Tôi là kẻ phản bội lại ông bà bố mẹ anh chị tôi... tôi hu hu hu - Bức khóc ty tỷ.
- Anh làm gì mà phản bội gia đình.
- Tôi đã bị mình... bị chính sắc đẹp của mình lôi cuốn. Tôi đã yêu mình thật rồi.
- Từ trước tới giờ anh không yêu tôi.
- Không! - Giọng Bức có vẻ thành thực - đúng hơn thì mình phải là kẻ thù của tôi, kẻ thù của gia đình tôi. Mình chẳng hiểu gì cả. Không phải bỗng dưng mà gia đình tôi phải bỏ ra những bảy trăm đồng để mua lại chiếc vòng cầu hôn của mình. Trong lúc cả nhà này phải chịu ăn đói, phải chịu khổ để cho tôi có vợ là mình. Mục đích cưới được mình về là để được hành hạ mình... để trả thù, mình hiểu chưa... Một mối thù muôn đời muôn kiếp. Gia đình tôi không bao giờ quên cảnh bố mình đã bu vào sợi dây bên chân "Gầu sòng" treo cổ bố tôi lên. Những người như ông tôi thì mình đã biết đấy. Ông tôi không bao giờ tha thứ. Bảy trăm đồng mồ hôi nước mắt của cả gia đình tôi phải được đánh đổi bằng chính mồ hôi nước mắt và sức lực của mình, bằng cả cuộc đời mình. Cả nhà tôi và bản thân tôi thừa biết mình không bao giờ yêu tôi, và lúc đầu tôi cũng không bao giờ dám nghĩ rằng tôi yêu mình. Tôi chỉ làm mọi việc theo kế hoạch của gia đình để thực hiện được ý đồ to lớn. Nhưng bây giờ thì tôi đã phản bội lại ông bà, bố mẹ và các anh tôi. Tôi... tôi đã yêu mình, sẵn sàng chịu hình phạt của gia đình để bảo vệ mình để được yêu mình.
Bức ôm xiết lấy thân thể Nga. Nga giãy giạu quằn quại trong vòng tay Bức.
- Ôi, thật là kinh khủng và khốn nạn - Nga rên lên.
- Im. Im ngay! - Bức cuống cuồng đưa tay bịt miệng Nga, giọng Bức xúc động lo sợ - Đừng, tôi van mình đừng làm ầm lên như thế. Tôi thật lòng với mình mà nói thế cũng chỉ vì tôi yêu mình. Tôi đã vứt bỏ mọi thứ, dám chịu đựng mọi chuyện để giữ cho mình được sống yên ổn trong ngôi nhà này. Chúng ta sẽ là vợ chồng thực sự. Lâu nay tôi đã làm khổ mình. Bây giờ tôi sẽ làm tất cả vì mình. Chính tôi cũng không chịu nổi, ở đây tôi không được quyền tự do yêu. Ở đây chính tôi cũng bị hành hạ, chính tôi cũng khổ sở không kém gì mình. Mình sẽ cùng tôi đi khỏi nơi này.
- Tôi không phải đi đâu hết. Tôi còn có mẹ tôi.
- Nhưng ở đây cả tôi với mình đều khổ. Cả nhà sẽ không để tôi với mình sống hạnh phúc. Mình nghĩ đơn giản lắm. Họ đã phải bỏ ra những bảy trăm đồng không phải để được nhìn thấy cảnh tôi và mình yêu nhau. Giờ đây tôi yêu mình, mỗi lần nằm cạnh mình tôi muốn quên đi mọi chuyện để được yêu mình. Ngày ngày tôi cứ phải mang vẻ mặt lạnh nhạt với mình, tôi khổ lắm...
Bức nói mãi, nói mãi rồi thiếp đi. Nga dậy khẽ mở cửa, trời đã sang xuân gió se lạnh, mưa lất phất hắt lên khuôn mặt người đã thấm đầy nước mắt. Nga chạy. Đêm tối bưng, lối ngõ đá trơn truội - Những viên đá... nền móng của hạnh phúc... Nga ngã dúi xuống nền đá ướt lớp nhớp, chân tay run rẩy nhưng vẫn cố gượng dậy chạy về nhà mẹ đẻ. Tiếng kèn đám ma khóc hờ hương hồn lão Quỳ vẫn vang lên trong đêm.