CHƯƠNG 5

     ào tuổi chín mươi bảy, đầu óc lão Kình vẫn còn minh mẫn lắm. Lão chỉ mắc bệnh mắt kèm nhèm quá nên bây giờ phải ngồi ru rú trên giường suốt ngày suốt đêm. Người ta thấy lão bị câm mất một dạo, vác gậy đi lung tung khắp làng, lão câm từ ngày người con trai độc nhất của lão bị treo cổ theo phương pháp "gầu sòng" của Quất.
Lão đau đơn nhìn ba thằng cháu - thằng cả Lạnh, thằng Mát, thằng Bức mồ côi bố và người con dâu goá chồng tên là Bông. Mụ Bông goá chồng đã có ba đứa cháu gọi bằng bà rồi nhưng vẫn còn đỏm dáng lắm. Những lúc mụ mặc chiếc áo cánh trắng, đi đôi guốc, cặp mông còn nhún nhẩy. Đã có dạo mụ còn được chọn ngồi bàn tướng trên sân cờ cùng với mẹ cái Nga. Còn lão Kình bây giờ nghe mọi người chúc mừng lão khỏi bệnh câm. Lão vờ câm bởi lão coi khinh thời cuộc - Cái thời nhiễu nhương mở miệng ra phí lời. Lão ngồi ru rú trên giường vậy mà uy quyền của lão trong gia đình này còn lớn lắm. Lão như con ma xó ngồi góc nhà mà biết mọi chuyện trong làng ngoài xã. Lão ngồi đấy mà tưởng tượng ra rõ mồn một cái thế giới này, thế giới loài người mà lão sống và đúc kết được bằng cả cuộc đời lão. Từ thuở lên mười xa xưa lão đã biết mơ mộng, ham muốn mọi thứ, say mê mọi chuyện. Nét độc đáo nhất ở lão là thú chơi diều. Lão có thể đứng hàng giờ liền ngửa cổ lên trời nhìn ngắm cánh diều của mình. Bây giờ mắt lão kém, có người lại bảo lão ngắm diều nhiều quá. Cứ như lão, cái sướng nhất của con người ta sống trên đời này là khi ngủ với vợ được nghe tiếng sáo diều và khi chết được nghe tiếng kèn và tiếng trống cà rùng. Lão thường phân tích cho con cháu hiểu rõ mọi âm thanh của tiếng sáo diều các loại. Diều nhỏ, sáo nhỏ, diều lớn, sáo lớn. Sáo "ro ro" nghe thánh thót trong những ngày gió nhẹ. Sáo "bì bì" nghe trầm vang như tiếng cồng. Lão được phong chức " vua diều " trong ngày hội thi diều của làng Nguyệt Hạ. Năm ấy lão làm chiếc diều 12 thước to như con thuyền ngoài sông cái. Cánh diều phất bằng một lớp vải màn ở giữa hai lớp giấy bản, bên ngoài nhuộm nâu tím lịm, lão khoét sáo bì bì to bằng bắp đùi. Các lão làng bái phục nghệ thuật khoét sáo diều của lão. Nhìn bộ sáo lục thanh (sáu âm) của lão là cả một công trình điêu khắc tài hoa. Trong các vụ diều, lão chỉ gờm mỗi bố thằng Đô. Nhưng khi bố thằng Đô mất thì lão giành chức vô địch mấy năm liền. Lão đánh thó được bí mật khoét miệng sáo của bố thằng Đô. Nghĩa là muốn đoạt chức vua diều phải nắm vững mấy yếu tố cơ bản: Trọng lượng của diều và dây phải nhẹ, không thấm nước. Lão làm miệng sáo bằng gỗ vàng tâm vừa nhẹ vừa dai, tiếng lại ấm. Ống sáo lão tước hết cật cho nhẹ. Dây diều lão vót bằng tre, tròn như chiếc đũa, vừa bền vừa không thấm nước, lão Kình còn có tài nghe tiếng sáo diều đoán được thời tiết, đoán được trời đổi gió. Cái thú vị của nghệ thuật chơi diều là như vậy. Vinh quang của lão Kình đoạt chức vua diều lẫy lừng như thế, đùng một cái, tiên sư thằng Ngô Quất lại ban ra cái lệnh cấm người sống chơi diều, cấm người chết không được nghe trống cà rùng. Đã thế Ngô Quất còn đốt của lão chiếc diều 12 thước - chiếc diều đem lại vinh quang cho đời lão.
Bây giờ thì lão hả dạ vì Ngô Quất đã thất thế. Lão sướng rên vì chính trò chơi diều mà lão trả thù được Ngô Quất, lão khuyến khích ba thằng cháu cứ nhằm giữa nóc nhà Ngô Quất mà thả diều. Trả thù như thế mới sướng, trả thù bằng nghệ thuật thả diều mới  đau hơn hoạn. Dù có trả thù được Ngô Quất nhưng lão Kình vẫn thấy tiếc cái thời gian hoàng kim của lão. Bây giờ thì lão đã quá già không sao dựng lại cái thời của lão, mà các cháu thì kém cỏi quá. Lão ca thán rằng đất cát ngày một xấu đi, con người ngày một hư hỏng. Thánh thần mất linh thiêng. Ma quỷ cũng sinh ra lười biếng hèn nhát, lão thắc mắc không hiểu con ma chuyên trừng phạt kẻ ác hồi này cũng biến đi đâu mất, sao không về trị tội tay Ngô Quất. Buồn cho giống người hình như mỗi ngày một bé đi, quắt queo lại và ngu dốt quá thể, lười biếng quá thể. Trong tâm trí lão bây giờ luôn hình dung ra lớp cụ tổ làng Nguyệt Hạ xưa ai cũng to cao lực lưỡng, tính cách mạnh mẽ, trung thực và tình yêu cũng đam mê mãnh liệt...
Càng nghĩ lão Kình càng uất ức Ngô Quất và thương thằng con trai độc nhất của lão bị chết oan nên nhà lão mới bị tiêu gia bại sản. Nhà lão Kình xưa cũng phong lưu lắm chứ. Lão có hẳn một con thuyền do thằng con trai lão cầm lái đi buôn đồ đá, trục đá, cối đá và tảng đá tròn lót chân cột nhà, cột đình, cột chùa, đá tảng vuông bán cho các đám cưới làng Nguyệt Hạ mua và lát đường theo tục lệ. Có dạo thằng con lão buôn toàn đồ sành: Ang sành, vại sành, chum sành. Có dạo lão lại toàn buôn đồ đất: Nồi đất, ấm đất. Cũng tại cái thời thế nhiễu nhương lắm cướp trên sông, nên thằng con lão mới thủ một khẩu súng và một băng đạn trên thuyền, bị Ngô Quất bắt được quy tội làm Quốc dân Đảng và bị treo cổ. Thằng con lão mà sống thì bây giờ gia đình lão chả đến nỗi thua kém bất cứ một gia đình nào ở làng Nguyệt Hạ.
Lúc này lão ngồi rung đùi trên giường nghe tiếng sáo diều vang lên phía nhà Ngô Quất, đầu óc lão minh mẫn hẳn lên. Lão đoán thời tiết này có dông to. Lão quay sang hỏi vợ lão cũng đang ngồi thu lu ở giường bên cạnh:
- Bà thấy thằng Bức đi đâu rồi?
- Cu ơi... cu! - Bà lão cất tiếng gọi, đứa con lớn của thằng cả Lạnh long tong từ đâu chạy về khoanh tay cúi đầu đứng trước bà lão.
- Bẩm cụ gọi cháu có việc gì ạ?
- Chú Bức mày đi đằng nào hả?
- Bẩm cụ, chú Bức đang đánh gốc tre ngoài ngõ ạ.
- Gọi nó về đây cho cụ ông gặp. Mau lên.
Thằng bé lại long tong chạy ra cửa. Loáng sau Bức đã trần trùng trục lưng bóng nhẫy mồ hôi bước vào khoanh tay trước lão Kình:
- Bẩm ông gọi cháu ạ?
- Nóc nhà tay Ngô Quất hôm nay có mấy diều hả?
- Bẩm ông có bốn chiếc ạ. Hai chiếc "bì bì", "bô bô" của nhà ta, hai chiếc "ro ro" của nhà Tường nhà Mộc ạ.
- Này, ông bảo trời này có dông to đấy, sang bảo nhà Tào, chuẩn bị diều buông...

 

Cả cuộc đời, nay là lần đầu tiên Ngô Quất thực sự thành tâm tin vào những điều bí ẩn của thánh thần mà trước kia y cho là nhảm nhí. Mấy năm nay cứ đến ngày giỗ bố, lòng Quất lại thấy nhói lên khi nghe tin hai ông anh ở làng Gồi làm giỗ bố to lắm mà hắn không dám về. Nhưng đến ngày giỗ bố năm nay thì Quất phải về... Quất sẽ phải quỳ phục dưới chân hai ông anh mà xin van hãy đón nhận lấy Quất, một đứa con tội lỗi lạc loài khốn khổ được về lạy vong hồn xin bố hãy tha tội cho Quất. Quất run run cắm ba nén hương vào bát hương trên ban thờ mà Ngô Quất mới lập từ ngày rời khỏi cơ quan huyện. Quất đứng trang nghiêm đăm đăm nhìn ba nén hương đang cháy. Quất thấy trong cõi linh thiêng nhấp nhoáng hiện lên một ảo ảnh làng Gồi xa xưa nghèo đói xơ xác, bóng bố mẹ Quất khoác áo tơi tay xách bồ đi lang thang như những bóng ma trên các gò mả nhặt từng bãi phân về bán lấy tiền nuôi Quất. Quất vụng dại quá, Quất ngu dốt quá. Vào tuổi này rồi mà Quất vụng cả việc khấn vái. Thì cả đời Quất đã bao giờ khấn vái ai. Quất lẩm nhẩm khấn lung tung:
- Con tên là Quất, họ Ngô, sinh ở làng Gồi, bây giờ là rể làng Nguyệt. Con đã có tội, tội to lắm. Tý nữa con sẽ đi chợ sắm lễ xin phép hương hồn bố mẹ cho con được về Làng Gồi thắp nén hương trên bàn thờ gia tiên, nam mô a di đà phật...
Ngô Quất khấn xong, đứng lặng một lúc rồi vào buồng lục hòm còn vài chục bạc nhét vào túi áo. Ngô Quất cảm thấy yên tâm, cuộn chiếc túi bạt cắp vào nách, khoá cửa, lập cập bước ra đường làng. Từ ngày thôi sinh hoạt Đảng, Quất chả ló mặt đi đến đâu. Quất vừa ngượng vừa buồn, vừa tức vừa đau khổ. Gặp người trên đường Quất không dám nhìn vào mặt ai. Vào chợ, Quất mua hương, trầu cau và một chai rượu với hai cân gạo nếp cho cả vào trong túi rồi lập tức bước ra khỏi chợ. Lòng thấy nôn nao khi Quất bước  tới con đường về làng Gồi. Từ lâu lắm Quất không về làng, cây cối nhà cửa khác lạ hẳn. Hồi còn công tác, bất đắc dĩ có công việc Quất mới phải về làng nhưng vẫn cố tình tránh gặp người trong gia đình mình. Mấy đứa cháu con hai ông anh, Quất cũng không biết mặt. Đã một lần Quất về làng gặp một thằng con trai, Quất nhìn nó, nó vênh váo nhổ toẹt một cái rồi bỏ đi. Lúc ấy Quất mới giật mình và hiểu ra chính nó là con ông anh cả. Lúc này Quất đã tới cổng nhà mình mà vẫn ngập ngừng ngỡ như nơi nào đó xa lạ. Vẫn  mặt ao bèo loang lổ ngày nào ba anh em Quất thường nhảy ùm xuống lặn ngụp đuổi bắt nhau. Vẫn lối ngõ xưa Quất thường hờn dỗi bắt hai anh tối tối dắt đi đón bố mẹ về muộn. Chính nơi đây, nơi của tình thương yêu máu thịt, nơi người mẹ đã mang thai chín tháng mười ngày đẻ ra Quất. Và chính nơi đây cũng là nơi hận thù chồng chất, nơi Quất đã gây nên những tội ác khủng khiếp với dân làng, với bố mẹ anh em. Quất bỗng trào lên nỗi tủi hổ xót xa...
Trong nhà, ngoài sân người trong gia đình Quất đi lại tấp nập khói hương thơm ngát. Trên nền ngôi nhà cũ xưa, các anh Quất đã làm lại ba gian nhà tranh, tường trình bằng đất nom thấp tè. Dấu tích một thời vàng son của gia đình Quất chỉ còn lại bức tường dậu đổ nát trước cửa, rêu phủ loang lổ và cái bể nước bị sập nắp trống hoác nứt nẻ chứa đầy lá rụng.
Ngô Quất đứng lặng đi trước ánh mắt ngạc nhiên của tất cả gia đình họ mạc. Ông anh cả của Quất tóc đã bạc trắng da xạm đen, nỗi cực nhọc hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ. Từ hốc mắt hõm sâu của ông phóng về phía Quất một cái nhìn sắc lạnh ghê người. Mọi ý nghĩa trong đầu Quất bay biến. Ông anh thứ hai từ trong bếp ra đứng sững lại một lúc rồi bước tới trước mặt Quất với vẻ dửng dưng, giọng sắc như dao cứa.
- Xin lỗi, ông là ai? Ông cần gì?
- B...ác... Bác tha lỗi cho em. Hôm nay là ngày giỗ bố....
Quất líu lưỡi nói không ra hơi.
- Ông lầm nhà rồi - lại cũng giọng sắc lạnh của ông anh cả cất lên - Gia đình tôi, họ tộc nhà tôi không có người nào như ông. Bố mẹ tôi cũng không đẻ ra người con nào như ông. Gia đình nhà chúng tôi hôm nay có việc, mời ông đi cho... đi khỏi đây ngay bây giờ, đi đi, đi...
Lời xua đuổi vang lên. Mọi ánh mắt ghẻ lạnh chiếu thẳng vào mặt Quất. Người Quất co rúm lại. Quất hoảng loạn bỏ chạy. Con chó vàng đang nằm ở cạnh bếp giật mình phóng ra ngõ đuổi theo Quất. Quất vừa chạy vừa ngoái lại giơ chiếc túi bạt lên doạ chó. Con chó vàng nhảy chồm chồm ngửa cổ lên sủa váng một góc làng Gồi.
Về tới nhà Quất bật luôn nút chai rượu tu ừng ực. Mọi vật ngả nghiêng quay cuồng. Tiếng sáo diều vang váng nhức nhối bên tai Quất. Quất lục sục đi tìm con dao. Con dao phay Quất mới mài hôm qua còn sắc lẹm, lưỡi sáng loáng gài trên vách liếp. Quất rút con dao đánh soạt một cái, đẩy cửa bước ra đứng giữa sân ngửa mặt lên nhìn trời, một, hai, ba, bốn, năm, sáu chiếc diều lấp loá chao liệng réo réo giữa đỉnh đầu Quất. Mặt trời chói chang loé lên trăm ngàn tia sáng lấp lánh. Nắng rừng rực, người Quất chếnh choáng. Vác dao lần theo đường dây diều đi tắt qua các vườn sang nhà lão Kình, Quất nhìn thấy hai vợ chồng lão Kình ngồi thu lu mỗi người một giường như hai bóng ma. Bà lão vừa nhìn thấy Quất chợt kêu rú lên. Quất xông tới giường lão Kình tóm chặt lấy cổ tay lão.
- Đồ đểu! - Quất hét vào tai lão Kình.
Lão Kình cười khà khà vờ như điếc ghếch cặp mắt kèm nhèm lên nhìn Ngô Quất.
- Anh Quất đấy phỏng, hì hì, mời anh ngồi xuống đây. Tôi cũng đang muốn nói chuyện với anh đây.
- Vậy là hồi này ông khỏi câm rồi hả?
- Lão khỏi rồi, lão đang ngứa miệng thích nói đây. Lão muốn nói bù cho những ngày lão câm không nói được. Đừng tưởng lão mù mà coi thường lão. Lão mù  mà lão lại biết hết mọi chuyện, hà hà.
- Lão biết gì? Lão già rồi mà còn chơi đểu. Lão trả thù tôi. Này, tôi nói thật cho lão biết nhá, thằng Quất này không chịu nổi bởi những âm thanh nheo nhéo suốt ngày đêm của lão đâu nhé. Thằng Quất này sang đây cốt để trị tội lão...
- Ấy, anh đừng nóng. Câu ấy, lẽ ra anh phải để cho lão nói anh mới đúng. Ai, ai có tội hả Quất? Ai - Lão Kình bỗng hét lên - Ai đã giết con tao? Ai đã làm thằng Lạnh, thằng Mát, thằng Bức không có bố, ai đã làm cho đời con Bông goá bụa? Ai, hả Quất? Từ bao năm nay tao đã phải câm lặng không thèm hỏi tội mày mà bây giờ mày còn dám vác mặt sang đây hỏi tội tao. Rõ là ngược đời, há há, ngược đời đấy.
Lão Kình nửa cười nửa khóc. Cặp mắt kèm nhèm của lão ngân ngấn nước có những cục gỉ đùn quanh mí mắt. Lão đưa tay nắm chặt lấy bàn tay Quất, giọng lão dịu lại.
- Anh Quất này, lão cũng chẳng muốn nhắc lại chuyện cũ làm gì. Những gì đã qua, lão cho qua. Anh đã đến đây thì ngồi lại đây lão có câu chuyện hệ trọng muốn nói với anh. Đã bảo là lão tuy mù nhưng lão biết rõ mọi chuyện. Lão biết rõ những ý nghĩ của anh. Anh đang buồn khổ, đang cô đơn, có đúng thế không nào?
Quất giật tay ra khỏi bàn tay lão Kình.
- Ấy, anh Quất, lão nói vậy không đúng sao. Lão muốn cứu giúp anh, lão đang có ý định giúp anh thật mà...
- Lão suốt ngày ngồi xó nhà này thì có giúp gì được ai?
- Hu hu hu! - Lão Kình ho khan một hơi rồi nói - anh lại coi thường lão già này rồi. Lão nói cho anh biết, lão sống sắp tàn cuộc đời rồi, nhưng lời lão nói chỉ có đúng. Hãy nghe lão hỏi đây. Nhưng anh phải trả lời thành thực.
- Lão cứ việc hỏi.
- Đến giờ phút này, anh đã thấy anh ngu chưa?
- Đúng, tôi ngu.
- Chính cái ngu của anh đã làm đời anh khổ?
- Đúng thế.
- Bây giờ anh có muốn sướng không?
- Làm người ai chả muốn sướng.
- Bây giờ anh có muốn khôn ra không? - Lão Kình chộp lấy tay Quất - Lão sẽ làm  anh sung sướng và khôn ra. Anh không tin sao? Đây, lão có cái này... Chỉ có thứ này mới làm cho con người ta khôn ra, chỉ có thứ này mới làm cho người ta sung sướng.
Lão Kình vừa nói vừa vén áo lấy từ trong cạp quần ra một túi nhỏ giơ lên ngang mặt xóc xóc, tiếng kim loại rộn rạo. Lão Kình cười nhăn rúm cả khuôn mặt già xọm.
- Anh có biết cái gì đây không? Tiền đấy. Tất cả là bảy trăm đồng. Lão đã tiết kiệm cả đời lão mới được ba trăm đồng, còn bốn trăm đồng là tiền của thằng con trai lão đi buôn đồ đá, đồ sành, đồ đất mà lão còn giữ được. Lão không dám tiêu một xu, mặc dù nhà lão đôi khi còn phải ăn cháo. Thằng Lạnh, thằng Mát, thằng Bức vẫn phải đi đào gốc tre để bán.
Lão Kình tóm lấy bàn tay Quất đặt đánh chát gói tiền vào giữa lòng tay Quất.
- Đúng bảy trăm đồng không thiếu một xu. Tôi tin là anh sẽ sung sướng và khôn ra khi có trong tay những đồng tiền này.
- Lão cho tôi? - Mặt Quất nghệt ra ngây ngô nhìn lão Kình.
Lão Kình cười phá lên, nước mắt nước dãi ứa ra. Tiếng cười của lão Kình lạnh như tiếng cười của ma quỷ làm Quất bối rối.
- Đã được cầm đồng tiền trong tay mà anh chả khôn ra được bao nhiêu - Lão Kình lại quờ quạng tìm bàn tay Ngô Quất - Anh ngu lắm, mãi mãi là thằng ngu. Ở đời chẳng có ai cho không ai cái gì đâu nhá, nhất là tiền. Những đồng tiền đây lão phải đổi bằng mô hôi nước mắt, đổi bằng xương máu của thằng con trai độc nhất của lão mới có được.
- Vậy lão cần gì ở thằng Quất này. Lão không biết thằng Quất này đã mất hết, mất hết tất cả, cả quyền chức, danh dự, gia đình.
- Hà hà hay lắm! Thế là anh đã khôn ra được tý đấy. Lão mách cho anh biết rằng anh còn một thứ quý hơn vàng.
- Thứ gì?
- Chiếc vòng bạc của thằng Đô. Có đúng là con Nga đã trao vòng cho thằng Đô. Đúng không? Hãy bán cho lão. Chiếc vòng đó chỉ đáng giá bảy chục nhưng lão mua tới bảy trăm. Anh biết lão mua để làm gì không? Trước hết là vì anh đấy. Anh có biết cái nguyên nhân mà anh gẹo con mụ Nghĩa bị nó lu loa lên không. Chính vì con Nga nhà nó yêu thằng Đô nhà anh nên nó phải từ chối anh. Nó vờ mài dao soàn soạt cả đêm để doạ anh. Nó vờ lu loa ra vẻ ta là người tiết hạnh. Thực ra nó cũng khoái anh bỏ mẹ. Gái goá  lâu ngày ngứa nghề phải biết. Bây giờ anh cứ bán béng chiếc vòng cho tôi để tôi cưới con Nga cho thằng cháu Bức nhà tôi thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Anh sẽ dễ dàng lấy được mẹ con Nga. Con Nga sẽ về làm dâu nhà này. Thằng Đô nhà anh sẽ có tiền cưới vợ. Người như thằng Đô thiếu gì đứa trao vòng cho nó. Lão tính thế có lí phải không nào. Lão biết thừa lúc này anh đang cô đơn. Con Nga đi lấy chồng thì con mẹ nó cũng cô đơn. Ôi, cả hai kẻ cô đơn mà tìm đến nhau thì tuyệt vời.
Tôi nói để anh biết rằng không phải ai cũng nghĩ ra được chuyện này đâu. Anh nghĩ kỹ xem, nếu thằng Đô cưới con Nga về thì trước sau anh cũng phải cuốn xéo khỏi căn nhà ấy. Anh nên nhớ rằng anh chỉ là thằng ở rể. Ngôi nhà ấy là của bố mẹ thằng Đô, nó có quyền đuổi anh ra đường. Ôi anh không thể tưởng tượng thằng cháu Bức nhà lão nó mê con Nga đến nhường nào. Đấy, lão chỉ nói có vậy thôi. Lão thấy anh ngu thì lão dạy để anh khôn ra. Không tin anh cứ cầm lấy gói tiền này anh sẽ thấy.
Lão Kình lại vồ lấy gói tiền trên tay Quất nhét vào túi Quất. Quất lặng lặng đứng dậy. Quất liếc mắt nhìn vợ lão Kình, lão Kình vẫn ngồi lặng câm như một bóng ma trên giường, hai dòng nước mắt nhoè lên hai gò má nhăn nheo xương xẩu. Quất bước ra đường làng, bỏ quên cả con dao ở nhà lão Kình. Gió lộng lên phơi phới. Gói tiền lọc xọc trong túi áo làm Quất tỉnh ra thật.
Đúng là lão Kình phải tiết kiệm cả đời mới com cóp được chừng này xu. Mỗi ngày một trinh, mười ngày một xu, một trăm ngày mới góp được một hào, ái chà chà. Quất lẩm nhẩm và nghĩ rằng lão Kình cũng rõ ngu, lão cũng hão huyền như Quất. Lão mua danh mua vợ cho thằng cháu út mà phải bỏ ra những bảy trăm đồng. Ngô Quất bỗng thấy rạo rực. Đúng là trong tay sẵn có đồng tiền, Quất thấy đầu óc minh mẫn hẳn. Điều này lão Kình nói rất đúng. Lúc này Ngô Quất lại tưởng tượng ra thân hình mẹ con Nga vẫn còn mây mẩy hứng tình ra phết. Đàn bà goá đứa nào chả thế. Mẹ thằng Đô xưa lúc đầu mà chả cành cao cành thấp mãi. Kể ra hôm ấy mẹ con Nga không cầm dao thì Quất cũng ấn được mu ta xuống giường rồi. Giống đàn bà vẫn thế, cương còng đến đâu khi lưng đã xuống giường là êm hết. Hôm ấy Quát hơi nhát gan, nhìn lưỡi dao sáng loáng trên tay mẹ con Nga mà chân tay Quất đã run lên bần bật. Vừa đi Quất vừa tưởng tưởng tới cái đêm  Quất mò sang gẹo mẹ con Nga. Về tới sân Quất ngửa mặt lên trời. Những cánh diều vẫn chao đảo nghiêng nghiêng trên đỉnh đầu. Quất bỗng nhận ra tiếng sáo diều lúc này lại êm ả dễ chịu đến vậy. Lão Kình nói đúng, thằng Đô mà cưới con Nga về nhà này thì có ngày chúng sẽ đuổi mình ra đứng đường. Quất chỉ là thằng ở rể làng này. Lão Kình nói đúng, con Nga sang làm dâu nhà lão Kình, Quất sẽ dễ dàng chiếm được trái tim của mẹ nó... Ngô Quất phấp phổng vào buồng lục trong hòm lấy ra chiếc hộp nhỏ bên trong có chiếc vòng bạc. Chiếc vòng nhỏ như đồ chơi của trẻ con chả có ý nghĩa gì đối với Quất. Vậy mà lão Kình trả những bảy trăm đồng. Ngu! Lão Kình rõ ngu trong chuyện này, chính lão ngu chứ không phải Quất. Quất nhét chiếc vòng vào túi tấp tểnh bước ra ngõ. Tiếng sáo diều vi vu bên tai Quất.