CHƯƠNG 4

     ội diễn văn nghệ toàn huyện năm nay được tổ chức tại sân đình làng Nguyệt Hạ suốt bốn ngày đêm liền. Ngô Quất cũng được một chân trong ban giám khảo. Đặc biệt hội diễn năm nay còn có đại diện của Ty văn hoá tỉnh Đặng Xuân Tòng về dự. Tối nay đến lượt đội chèo làng Nguyệt Hạ trình diễn. Ngô Quất sung sướng nhận ra dân làng Nguyệt từ già đến trẻ háo hức kéo nhau đi xem. Tối nay Ngô Quất cố tình đến ngồi cạnh trưởng phòng văn hoá huyện và Đặng Xuân Tòng đại diện của Ty văn hoá tỉnh để dễ trao đổi và lắng nghe ý tứ của hai vị chủ chốt  này. Có thể nói, Quất chưa bao giờ tự hào với dân làng Nguyệt như tối nay. Quất đã phải bố trí một số dân quân bảo vệ trật tự thật chu đáo cho đêm biểu diễn đạt kết quả cao. Quất đề phòng cả những kẻ ganh ghét cố tình phá đám và không quên có chút quà lót tay cho người trông coi máy nổ và tay phụ trách ánh sáng. Một hồi trống vang lên báo hiệu giờ mở màn, Ngô Quất thấy lòng rạo rực. Trước tấm màn đỏ chói, với dáng mềm mại uyển chuyển và sắc đẹp rực rỡ, Nga bước ra cúi đầu chào khán giả. Một tràng pháo tay vang lên.
- Đội chèo làng Nguyệt Hạ có lời chào thân ái tới ban giám khảo, quý khán giả cùng bà con làng xóm...
Tiếng Nga trong vắt. Con bé lại quen miệng - Quất thoáng nghĩ - đã bảo mãi là đừng có gọi là đội chèo nữa. Phải gọi là đội văn nghệ làng Nguyệt. Bỏ chữ Hạ đi mà nó cứi gọi Hạ mãi.
- Đội chèo làng Nguyệt Hạ đêm nay ra mắt hội diễn với vở chèo "Huyền thoại tình yêu" sáng tác tự biên của trưởng ban văn hoá xã Ngô Văn Quất dựa theo câu chuyện huyền thoại làng Nguyệt Hạ. Sau đây là bảng phân vai.
Cụ Nguyễn Văn Kẹo trong vai vua.
Thu Nga trong vai công chúa Nguyệt Cầm.
Hoàng Đô trong vai chàng nông dân...
Ngô Quất tái mặt, sao lại có vở huyền thoại nào ở đây. Sao lại lão Kẹo, sao lại...? Bao câu hỏi rối lên trong tâm trí Ngô Quất. Và cuối cùng Quất đã hiểu cái thằng Đô xỏ lá, cả cái làng Nguyệt Hạ này xỏ lá. Nó đã lén tập cái vở huyền thoại chết tiệt này. Còn vở "Cánh bèo dâu" thì nó chỉ tập vờ vịt để che mắt mình. Nó còn cố tình cho mình đứng tên vở diễn để chặn họng mình đây. Thật là quá đáng! Cái Thằng Đô, thằng Đô và có thể đây là mưu mô của lão Kẹo định chơi xỏ mình? Quất tức sôi lên nhưng vẫn phải ngồi lặng trước những cặp mắt đang chăm chú theo dõi vở diễn. Ngô Quất lo lắng vừa để ý theo dõi thái độ của Ban giám khảo vừa theo dõi vở diễn xem chúng nó có định bày trò gì trên sân khấu nữa. Quất còn có ý ngầm so sánh giữa vở đang diễn và vở "cánh bèo dâu" của Quất. Nhưng rồi chính những gì đang diễn ra trên sân khấu đã cuốn hút tâm trí Quất. Quất nhận ra tất cả mọi thành viên trong Ban giám khảo và khán giả đều xúc động.
Với lời ca, giọng hát đầy truyền cảm, với nội dung sâu sắc ca ngợi tình yêu ca ngợi tục lệ trao vòng của làng Nguyệt Hạ, vở diễn đã thu phục được khán giả. Thế mà có dạo Quất đã ngăn cản, cấm đoán dân Nguyệt Hạ không được thả diều... Quất đã hiểu ra rằng tất cả dân làng đang nhìn Quất bằng ánh mắt căm giận. Quất là kẻ giết vợ, kẻ đớn hèn và bần tiện. Cái chết của con trai lão Kình, cái chết của bố con Nga và cái chết của bố Quất bỗng hiện lên làm Quất kinh hoàng. Hình ảnh bố mẹ và hai người anh Quất ngày xưa sớm tối lang thang đi chầu chực nhặt từng bãi phân rơi lại hiện lên ám ảnh trong tâm trí Quất. Những lời ca tiếng nói trên sân khấu lúc này đã thực sự thức tỉnh lương tri, lay động đầu óc u mê của Quất. Quất thấy trong lòng minh đang biến động dữ dội. Vở diễn đêm nay đã đánh trúng vào chỗ mong manh nhất, sâu kín nhất trong tâm hồn Quất. Quất bây giờ là kẻ không bố mẹ, không anh em không vợ và đi ở rể làng này.
- Thật tuyệt vời, chúc mừng anh! - Đại diện Ty văn hoá tỉnh Đặng Xuân Tòng ghé vào tai Quất thì thầm - Làng Nguyệt Hại của anh là một làng quê có nền văn hoá dân gian điển hình của làng quê Việt Nam. Tôi không ngờ anh lại viết được vở diễn độc đáo và hay đến như vậy. Anh có đội ngũ diễn viên chèo thật đáng quý. Nhất là cô gái đóng vai công chúa Nguyệt Cầm kia, cô ta có đường nét của tiên nữ và giọng hát thì đánh đổ được cả những diễn viên chuyên nghiệp.
Ngô Quất ngồi ngây ra bàng hoàng. Đại diện Ty văn hoá tỉnh véo vào đùi Ngô Quất:
- Này, anh cho cô ta đi với chúng tôi nhé. Trong nghệ thuật chèo được người như cô ta quý hơn vàng, để cô ta ở đất này phí.
Đại diện Ty văn hoá tỉnh Đặng Xuân Tòng nói đúng. Anh ta đã đi rất nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ gặp một diễn viên nghiệp dư nào được như cô gái kia. Từ ánh mắt nụ cười đến gương mặt dịu hiền, với giọng hát chèo âm vang lôi cuốn của Nga đều làm anh ta say mê thực sự. Quất len lén rời chiếc ghế giám khảo đi vẩn vơ quanh sân đình. Ngôi đình làng Nguyệt Hạ lúc này bỗng trở nên linh thiêng trước mắt Quất. Tiếng trống chèo giòn tan, Ngô Quất cảm thấy như có gì đang tan rữa trong đầu Quất, Quất cứ đi quẩn quanh, quanh quẩn mãi bên cánh gà sân khấu ma không ai để ý tới Quất. Đầu óc Quất u mê khi bước chân của Quất lập cập bước lên sân khấu cùng với ánh mắt sáng ngời của tất cả các diễn viên trong đội chèo làng Nguyệt Hạ đang cúi đầu chào khán giả giữa tiếng vỗ tay vang dậy. Rồi Quất, với chức năng trưởng ban văn hoá xã, tác giả hờ của vở diễn, Quất phải lên nói điều gì đó, những điều thường ngày Quất vẫn nói...
Làng Nguyệt Hạ qua một tối náo nhiệt giờ chợt lặng đi. Ngô Quất dắt bé Hà về nhà lòng cứ xới lên bởi bao câu hỏi ngây ngô của đứa con gái.
- Bố ơi, con nghe dì Hồng bảo mẹ chết đi để cứu ngôi đình làng ta khỏi bị phá hả bố
- Ừ!
- Bố ơi, con nghe người ta bảo mẹ ngày xưa đẹp lắm phải không bố?
- Đẹp!
- Bố ơi, có phải ông nội ngày xưa là địa chủ hả bố.
- Ừ!
- Con đừng hỏi vớ vẩn. Khi nào con lớn con sẽ hiểu.
Về tới nhà, bé Hà lăn ra ngủ. Ngô Quất nằm thao thức chờ Đô về. Đô vừa bước vào cửa Quất đã ngồi bật dậy vừa hút thuốc lào vừa để ý thái độ thằng Đô. Vẻ háo hức mãn nguyện lộ rõ trên gương mặt nó làm Ngô Quất tức nghẹn cổ.
- Thật là hay ho đấy - Ngô Quất rít lên - Anh và cái lão Kẹo đã cố tình bày trò bêu riếu tôi.
- Dượng chả thay đổi được gì cả - Đô hạ giọng khẽ thở dài - Đây không phải là trò bêu riếu như dượng nghĩ. Đây là chuyện nghiêm túc - Dượng không thấy vở diễn hôm nay thành công và con tin có thể được giải nhất hội diễn năm nay đấy.
- Biết rồi, cái đó thì tôi biết rồi. Tôi muốn nói là các anh giấu tôi...
- Điều đó thì dượng tự nghĩ. Chúng con đâu muốn phải giấu dượng, đâu muốn phải lén lút tập ngày tập đêm khổ sở như trong vùng địch. Dượng không thấy từ bao nhiêu năm nay dân làng phải chịu khổ sở vì những điều dượng bày đặt ra. Con không muốn nói với dượng điều này nhưng dượng chẳng hiểu được gì cả. Dượng cứ tự làm khổ mình khổ mọi người.
Thằng Đô nói một chập rồi nhảy lên giường nằm. Ngô Quất ngồi lặng trước ngọn đèn dầu. Càng về khuya làng Nguyệt Hạ càng lắng lại. Khung cảnh trên sân đình lúc tối lại hiện lên ám ảnh tâm trí Ngô Quất.

 

Vở chèo "Huyền thoại tình yêu" của Đô đoạt giải nhất hội diễn đã đẩy ngô Quất lên tới đỉnh của vinh quang với chức Phó phòng văn hoá huyện. Nhưng cái chuyện mượn danh mà hãnh tiến bị vỡ lở. Ngô Quất cuối cùng vẫn là Ngô Quất. Phải trả về xã, Ngô Quất thấy nhục quá. Mọi tham vọng bỗng tiêu tan. Ngô Quất làm đơn xin ra Đảng và công bố trước Đảng uỷ xã: "Tôi theo Đảng đến đây đủ rồi". Về vườn, Ngô Quất đóng cửa không thèm quan hệ với bất kỳ ai trong làng. Quất về vườn, một lần nữa làng Nguyệt Hạ lại thay đổi. Trẻ con, người già lao vào ham mê chơi diều. Tiếng sáo diều u u suốt ngày đêm làm Quất choáng váng. Tất cả là tại cái vở chèo tự biên của thằng Đô đã làm hại Quất. Đô! Mày đã làm hại dượng mày. Bây giờ ngồi ở xó nhà, tiếng sáo diều của anh em thằng Bức, cháu lão Kình lại hành hạ Quất. Ngày xưa Quất đã hung hăng đốt đi chiếc diều đại tướng mang sáo "bi bi" của ông cháu lão Kình nên bây giờ ông cháu nó mới có dịp trả thủ Quất. Lão Kình hồi này bỗng dưng lại khỏi hẳn bệnh câm nhưng hai mắt thì kém nhèm không đi lại được. Suốt ngày lão ngồi ru rú trên giường chỉ huy khích lệ hai anh em thằng Bức làm chiếc diều rõ to đeo sáo "bì bì", hễ có dông to hai anh em thằng Bức lại vác diều ra buông và điều chỉnh dây cho chiếc diều đứng vào giữa nóc nhà Ngô Quất mà réo. Quất tức mà không làm gì được đành chửi đổng. Bọn trẻ thấy vậy càng thi nhau thả diều vào nhà Quất. Có ngày Ngô Quất ngửa cổ lên trời thấy năm, sáu chiếc diều reo réo trên đầu. Cứ mỗi lần trời có gió lộng y rằng Quất phải lỉnh đi lang thang ở đâu cho yên thân. Về tới nhà là nghe tiếng sáo diều reo réo không sao chịu nổi. Đêm đến Quất uống thật nhiều rượu cho say khướt để ngủ đi mới yên. Ngủ đi là quên hết sự đời. Nhưng ngủ mãi, tan men rượu Quất lại thức. Đã thức lại phải nghe tiếng sáo diều ro ro, bi bi, bô bô loạn lên bên tai chỉ muốn vác dao chặt đứt phăng tất tật các dây diều trong làng. Nghĩ vậy nhưng Ngô Quất lại sợ cái thân hình lực lưỡng với bộ mặt lì lợm hung tợn của hai anh em thằng Bức. Chúng mà bắt được Quất chặt dây diều của chúng thì chúng tùng xẻo. Thời bây giờ Quất không còn được tung hoành như cái thời Quất đã phát minh ra sáng kiến xử tử bố thằng Bức bằng phương pháp "gầu sòng" để tiết kiệm đạn. Hết rồi. Thời của Ngô Quất đã hết, Dù sao lúc này Quất cũng thấy ân hận. Quất tợp một chén rượu nữa và tai Quất lại vang váng tiếng sáo diều. Thời tiết này lại có dông to mất thôi. Ăn cơm tối xong, Quất ngồi lặng giữa nhà xỉa răng nhìn con Hà thu dọn bát đĩa. Đô háo hức mặc áo quần chuẩn bị đi đâu đấy. Con mực đang nhai rau ráu mẩu xương thừa chợt lao ra ngõ sủa váng lên. Dưới bóng trăng Ngô Quất nhận ra bóng con Nga lấp ló bên gốc nhãn.
- Mày đi đâu đấy. Đô! - Giọng Quất rầu rầu hỏi.
- Dạ, con đi tập văn nghệ.
- Lại văn nghệ. Tối nào cũng văn nghệ. Mày nên nhớ rằng đời tao đã nhục về ba cái trò văn nghệ đấy.
Mặc cho dượng Quất nói, Đô lao ra ngõ. Đối với Đô và Nga, làng Nguyệt Hạ đêm nay lung linh mới mẻ khác thường. Mặt ao đình vẫn sóng sánh ánh trăng như buổi tối năm nào Đô đứng cô đơn bên gốc gạo nhìn bà Nghĩa tập chèo trên sân đình. Con cừ giữa, dấu tích của tội ác thời Vũ Bách Thiên và Đinh Tử Túc giờ đây như một dải  lụa bạc vắt qua cánh đồng. Gió cứ lộng lên. Trên mặt đê hai bóng người chấp chới. Đô và Nga đã nhận ra hai anh em Bức đang vác diều ra buông. Đúng là lộng dông thật. Hai đứa dắt nhau chạy xuống bến đá. Dòng sông cái lấp loáng ngập tràn ánh trăng. Những mảng bèo tây lềnh bềnh theo gió trôi dạt vào bến.
- Ôi! Đúng như chúng mình dự đoán. Nhiều lắm, tha hồ mà vớt đến sáng cũng không hết.
Đô reo lên, cởi phăng quần áo lao xuống sông. Những dây nước tung lên sáng bạc. Mặt sông khẽ chuyển động, nước trào lên bến đá lép bép. Đô dang hai cánh tay gạt những cánh bèo tây ôm vào lòng quăng lên bờ cho Nga chất thành từng đống.
- Ấy, khẽ chứ không ướt hết áo em rồi đây này.
- Tiếng Nga thánh thót trong đêm. Đôi trai gái háo hức vừa vớt bèo vừa nô giỡn ngắm nhìn nhau cười rúc rích. Gió cứ lộng lên, sóng lách rách vỗ vào bến đá. Trong làng, tiếng sáo diều vẳng lên. Và đố ai biết lòng ai cũng đang rộn rạo xốn xang. Đô thấy Nga lúc nào cũng tuyệt vời. Thân hình mềm mại của Nga cứ nhảy nhót trước mặt anh. Và Nga cũng thấy Đô thật kỳ diệu, bóng anh chờn vờn nhấp nhô trên mặt nước sóng sánh những cánh bèo tây lảng bảng trôi theo gió.
- Nga ơi! Xuống đây với anh?
- Em ứ xuống đâu, sợ lắm.
- Không sợ, đã có anh bảo vệ...
- Anh Đô ơi, có gió to đấy, về thôi, được nhiều lắm rồi, sáng mai mang xe cải tiến sang chở.Hôm nay mẹ bị ốm em phải về...
Hai đứa long tong về tới ngõ nhà Đô giữa giây phút bịn rịn Nga cầm lấy cổ tay Đô giọng như lạc đi:
- Anh Đô, về thay quần áo, sang em bảo cái này - Nga chưa nói hết câu đã bỏ chạy. Lòng rạo rực lâng lâng. Nga chạy về nhà.
- Con đi đâu về đấy, Nga?
Tiếng mẹ từ trong nhà vọng ra.
- Mẹ ơi, có dông to lắm, con tranh thủ vớt được bao nhiêu là bèo. Bèo tây nhiều vô kể, tha hồ mà vớt, mẹ đã đỡ chưa mẹ?
- Cũng thấy đỡ chút ít.
- Vậy còn một gói thuốc nữa, con sắc nốt cho mẹ uống nhé.
Nga vào buồng thay quần áo rồi khấp khởi xuống bếp nhóm lửa sắc thuốc cho mẹ. Ánh lửa loé sáng cả gian bếp làm mấy chú gà con khẽ rinh rích nép vào cánh mẹ. Nga đăm đăm nhìn vào ngọn lửa nhỏ tí tách cháy và tưởng tượng ra lúc này có lẽ Đô đang háo hức chuẩn bị đến với mình. Có lẽ anh đã ra đến đường làng, ngang ngõ nhà cụ Kẹo, sắp qua ngõ nhà anh Bức, nhà ông Đông... Biết đâu anh đã vào tới ngõ nhà Nga, có thể anh đang đứng ở gốc cau như mọi khi. Nga nghĩ thế và quay người ra sân. Ánh trăng vằng vặc lấp loá trên ngọn cây. Anh chưa đến. Có lẽ bây giờ anh mới bắt đầu ra ngõ... Và cuối cùng rồi Đô cũng đến. Nga không biết anh đến từ lúc nào đứng sững sau lưng Nga im lặng.
Sự im lặng lúc này thật kỳ diệu, cũng giống như ngọn lửa kia đang nóng bừng lên trong trái tim Nga.
- Em sắc thuốc cho mẹ.
Nga nói và nhìn vào mắt anh. Gương mặt anh hồng rực bên bếp lửa. Chiếc vòng bạc lúc nãy Nga bỏ vào trong túi áo bây giờ như có phép lạ làm trái tim Nga thổn thức. Toàn thân cô run lên. Nga liên tục cho tay vào túi vân vê chiếc vòng một lúc rồi rút tay ra, rồi lại cho tay vào túi áo. Cứ mãi như thế mà Nga không sao hiểu được cái điều muốn nói, cái điều mà Nga đã nghĩ kỹ. Nga đã nghĩ từ lâu lắm rồi. Chiếc vòng này, Nga chỉ dành cho anh.
Ngoài anh ra Nga không hề nghĩ đến ai khác. Ôi anh đến là ngốc... Sao anh lại ngốc đến vậy. Nga chỉ nghĩ đến anh. Nga chỉ dành cho anh. Nga lặng lẽ đưa chiếc vòng ra trước mắt anh Chiếc vòng bằng bạc, nho nhỏ xinh xinh sáng lấp loá trước ánh lửa hồng. Nga run rẩy cầm tay anh. Bàn tay anh cũng đang run rẩy. Cô đặt nhẹ chiếc vòng vào giữa lòng bàn tay anh...
Hai đứa cứ ngồi lặng yên không nói được lời nào. Hạnh phúc lớn lao quá và thiêng liêng quá. Họ nhìn vào ngọn lửa cũng đang run rẩy trên bếp. Cần gì phải nói. Chiếc vòng đã nói lên hết tất cả...
Đêm làng Nguyệt Hạ trong veo, vi vút tiếng sáo diều.