CHƯƠNG 13

     au cái chết của Đào, Bức trở nên lầm lỳ suốt ngày chẳng thèm nói một lời với Đô, không rõ điều gì đã làm tâm tính Bức thay đổi hẳn. Lúc giao hết số thương binh về tuyến sau, Đô trở lại trận địa, Bức kéo tay Đô ra một chỗ nói nhỏ nhưng với thái độ dứt khoát.
- Mày thấy đấy, tao còn đủ sức để quay lại trận địa với mày. Dứt khoát là như vậy, không nói nhiều.
- Tao không có quyền quyết định - Đô nói và bỏ đi. Bức chộp lấy cổ tay Đô kéo lại, mắt nó gườm gườm nhìn thẳng vào mặt Đô.
- Tao nói cho mày biết, tao cần mẹ gì cái quyền của mày. Tao chỉ báo cho mày biết vậy để hai thằng cùng nhau về trận địa. Tao tình nguyện ra chỗ chết chứ có phải chạy trốn đâu mà tao sợ. Chỗ tao với mày tao chả ngại gì mà không nói thẳng rằng tao không thích về tuyến sau nó yếu người đi. Tao không tài nào chịu nổi ánh mắt các bố nhà ta cứ nhìn tao khang khác.
- Khác gì - Đô nói - mày chả sốt sắp chết đấy là gì.
- Ừ thì sốt, nhưng mày trông cái thể lực của tao còn hơn chán vạn những thằng đang còn dưới trận địa. Tao không mượn mày phải thương hại tao. Với lại cái tạng tao có về tuyến sau cũng chỉ ba bữa là các bố phải tống tao đi. Mẹ kiếp, lớ ngớ lại phải nhảy sang đơn vị khác thì hỏng. Tao muốn về với anh em mình...
Bức đã nói đến thế, Đô đành phải chịu. Đêm cuối tháng trời tối đen, Đô và Bức lần theo lối mòn trở về trận địa. Đêm nay bỗng dưng không gian lại yên ắng tới mức đáng ngờ. Từ lúc tối không hề có tiếng máy bay, không một tiếng pháo nổ. Mặt sông Thu lặng lẽ trôi nghe rõ cả tiếng cá quẫy lúc búc. Con trâu bị thương vẫn nằm nguyên chỗ cũ đã bốc lên mùi khăn khẳn. Có tiếng chuột chít chít chúng đang bậu vào vết thương con trâu đục khoét xâu xé. Đô và Bức cắm đầu chạy. Trận địa trên dãy đồi trọc lờ mờ hiện lên một vệt đen mờ dọc theo quốc lộ 14. Có tiếng nổ "bụp" trên không, một chùm pháo hiệu đỏ chói sáng rực cả khoảng trời trước mặt.
- Mẹ kiếp, biết ngay mà - Bức nói - Nó bắt đầu rửng mỡ đấy.
Bức vừa nói dứt lời, một loạt pháo 105 từ quốc lộ 14 bắn cấp tập lên trận địa. Mặt đất rung lên từng đợt. Trên trời tiếng phản lực gầm rít dội bom xuống trận địa. Dãy đồi trọc thành khối lửa khổng lồ tưởng chừng như đang rữa ra trong ánh sáng chớp giật của bom pháo. Đô và Bức nằm xuống vệ sông. Lại một loạt bom nổ gần và nước sông trào lên, Đô bị sức ép của bom nằm ngất lịm. Khi tỉnh dậy Đô thấy đất trời lặng ngắt chìm trong màn đêm đen đặc. Cả thế gian này đã bị hủy diệt tan biến đi đâu hết. Một sự im lặng rùng rợn làm Đô hoảng sợ.
- Bức, Bức ơi - Đô gọi - Mày có sao không Bức. Đô nghe tiếng Bức rên khe khẽ. Đô nhào đến bên Bức. Giọng Bức yếu ớt đứt quãng.
- Đô... Đô ơi, tao chết... chết. Mày không phải nghĩ ngợi về tao, mày nhớ lời tao dặn... Nga vẫn yêu mày đấy...
Đô bối rối xúc động hét lên:
- Mày lảm nhảm gì vậy. Mày phải sống, phải sống.
Đô bật dậy chạy. Đô chạy như điên trong đêm tối. Lên tới dãy đồi trọc. Đô không nhận ra vị trí đường hướng của giao thông hào ngang dọc trên trận địa. Bom pháo cày xới đất đá ngổn ngang. Mùi da thịt cháy lẫn mùi thuốc bom pháo khét lẹt. Đô lần mò trong đêm tối rờ rẫm tìm đồng đội. Tất cả đã chết trong im lặng. Chết trong lòng đất, chết trên giao thông hào. Đô chạy loạn lên tìm kiếm xem có ai sống sót. Đồng đội của Đô người bị cụt đầu, cụt chân, đứa bị vùi lấp nửa người, thằng bị cháy thui nằm co quắp trên đất. Đô không còn nhận ra ai với ai. Đô áp tai xuống từng cái xác lắng nghe cố tìm kiếm sự sống trong cái thế giới đầy chết chóc. Không có chút dấu vết của sự sống. Đô quay trở lại với Bức.

 

Chiến dịch kết thúc cũng là lúc mùa mưa đến, mưa dầm dề ngày đêm. Mưa thối đất rừng, Bức phải cưa mất cả hai chân và một bàn tay. Sự mất mát đau đơn về thể xác kéo theo sự sụp đổ về tinh thần làm Bức nổi khùng lên với tất cả mọi người. Dịp này Đô xin trung đoàn mười ngày vệ trạm xá để có điều kiện trông nom Bức. Không ai hiểu rõ tâm tính Bức bằng Đô. Đô tìm mọi cách an ủi động viên để Bức yên tâm điều trị cho vết thương mau lành để chuẩn bị ra Bắc. Bức suốt ngày nằm bất động trên chiếc võng ny lông chẳng nói chẳng rằng. Đô cố tình gợi chuyện, Bức bảo:
- Giá hôm đó mày để tao chết quách đi còn hơn.
- Này anh bạn, anh phát biểu mất cả lập trường quan điểm - một người lính già bị cụt tay nằm cạnh Bức phản đối. Anh giơ một cánh tay cụt ngủn lên, như cố tình khoe với Bức. Giọng anh ta có vẻ gay gắt - tớ nói để anh bạn biết,  anh bị mắc căn bệnh tự ti rồi đấy. Giữa thời buổi bom đạn đầy trời mà còn giữ được cái gáo mang về là phúc tổ rồi đấy. Chú mày có nghĩ tới những anh em nằm lại vĩnh viễn nơi này thì sao? Tớ là tớ chả thấy buồn tý nào. Việc quái gì phải buồn, trường hợp như anh bạn, ra được đất Bắc theo chế độ là anh bạn được xếp vào loại đặc biệt, có người hầu hạ cơm bưng nước rót chả sướng sao? Cái "món kia" của anh bạn vẫn còn chứ hả? Còn à? Ôi thế thì nhất rồi còn gì. Nghĩa là cái ấy còn thì cuộc đời còn biết tới cái sung sướng. Thú thực với anh bạn, tớ là tớ chỉ lo mất mỗi cái ấy.
Người lính già vừa nói vừa nháy mắt nhìn Đô. Bức vẫn không cười. Đô cúi xuống bảo Bức:
- Tao cõng mày sang lán bên kia chơi nhé, phải vận động đi một tý cho khỏe. Nay là tối thứ bảy, lán bên kia có cái đài Nationa của một tay mới vào điều trị bệnh sốt rét nghe ngon lắm, sang bên ấy nghe sân khấu truyền thanh.
Dù Đô có dụ bằng mọi cách Bức vẫn không chịu rời khỏi chiếc võng của mình.
Đô lững thững bước ra ngoài. Trời đêm tối đen. Ngoài suối tiếng nước chảy ào ào, những giọt mưa vẫn rơi lộp bộp trên lá. Đô bước vào trong lán số ba dành riêng cho những người bị sốt rét. Mọi người ngồi quây quần quanh  đống lửa nghe đài Hà Nội. Điều bất ngờ làm Đô bàng hoàng xúc động là giữa chốn rừng xanh núi thẳm này Đô lại được nghe chính cái vở chèo "Huyền thoại tình yêu" do anh sáng tác từ mười năm trước do đội chèo làng Nguyệt Hạ biểu diễn ngày ấy. Điều làm Đô sửng sốt khi nghe người ta giới thiệu nghệ sĩ Thu Nga nào đó nữa. Chả lẽ Thu Nga của Đô và Bức đã trở thành nghệ sĩ chèo thực sự rồi sao? Đô nhìn vào tất cả gương mặt những người lính ngồi quanh đống lửa, không ai hiểu gì hết. Ai mà ngờ, ai mà tin vở chèo "Huyền thoại tình yêu" mọi người đang nghe mà tác giả của nó lại chính là Đô. Ai mà ngờ rằng nghệ sĩ Thu Nga đang hát lại là vợ Bức và là người yêu cũ của Đô. Nhưng mà sự thực là như vậy. Đô nhận ra giọng hát Thu Nga đúng là Nga của Đô xưa. Đô đứng bật dậy chạy vụt ra cửa.
- Bức, Bức ơi - vừa chạy Đô vừa gọi Bức - Bức ơi, tao cõng mày sang bên này có tin mừng, thật là mừng....
Đô xốc Bức dậy, cõng Bức sang lán số ba. Đô đặt Bức ngồi ngay trong lòng mình.
- Người ta đang diễn vở chèo "Huyền thoại tình yêu" của tớ đấy - đô khẽ thì thào vào tai Bức - Hãy nghe đi đã, đừng khoe với ai vội. Đấy, Nga của mày đóng vai công chúa Nguyệt Cầm đấy. Cô nàng của mày vào đoàn chèo chuyên nghiệp rồi. Nghệ sĩ ưu tú cơ đấy, thật mà, tao vừa nghe giới thiệu.
Đô nhận ra Bức cũng đang xúc động không kém gì mình, Bức cũng chẳng nói được lời nào cứ ngồi lặng trong lòng Đô. Tiếng hát của Thu Nga tha thiết vang lên trong gian lán giữa rừng. Mọi kỷ niệm cũ lại trào dâng trong lòng Đô. Vở chèo "Huyền thoại tình yêu" kết thúc, Đô cõng Bức về lán của mình. Ngoài trời mưa vẫn rơi lộp bộp trên lá.
- Khi nào về ngoài đó cho mình gửi lời chúc mừng Nga - Đô nói.
- Mừng cái con khỉ - Bức gắt lên - Thế là hết rồi. Hết thật sự.
- Hết cái gì? Đằng ấy không mừng sao?
- Không - Bức trả lời - Tao không bao giờ chấp nhận chuyện này. Tao không thể tưởng tượng nổi Nga lại bỏ nhà ra đi. Giá mày để tao chết quách đi còn hơn. Tao sẽ không bao giờ thèm nhìn mặt cô ta nữa. Đấy rồi mày xem. Cái sân khấu chèo của nàng có thể hợp với mày nhưng với tao thì tao căm thù... căm thù, mày hiểu chưa.
- Mày điên rồi sao - Đô gắt - Có thể mày còn ghen... tao khinh bỉ cái thói ích kỷ ghen tuông của mày. Nga là người tốt...
- Tốt thì mày đi mà yêu lấy, còn tao thì tao khinh bỉ. Mày hãy bình tĩnh mà ngẫm lại coi, từ bao năm nay cô ta vào văn công chuyên nghiệp, hà hà... "Gái văn công - mông lính" với lại cô nàng bây giờ là một nghệ sĩ... còn tao thì thế này, liệu cô nàng có còn muốn nhìn mặt nữa không chứ?
Đô yên lặng. Anh biết nói gì với Bức lúc này cũng là vô ích. Hơn nữa, những điều Bức nói chưa hẳn là phi lý. Niềm vui trong anh chưa kịp nhen lên đã tắt ngấm! Đô cũng rơi vào trạng thái buồn bã như Bức.