---~~~mucluc~~~---

NGUYỄN VĂN DÂN dịch
Dịch từ nguyên bản Pháp văn Maurice Leblanc La Comtene de Cagliostro.
CHƯƠNG 8
HAI Ý CHÍ GẶP NHAU

     hiến tranh đã được tuyên bố, và nó được tuyên bố vào thời điểm do Raun lựa chọn, khi mà chàng đã có tất cả mọi vận may, còn Giôdêphin Banxamô thì vì bị bất ngờ nên nàng suy sụp trước một đòn tấn công mà nàng chưa bao giờ nghĩ rằng nó lại dữ dội và ghê gớm đến thế.
Tất nhiên là một người đàn bà cứng rắn như nữ bá tước Caliôxtrô thì không thể chịu thất bại. Nàng muốn cưỡng lại. Nàng không chấp nhận một người tình hiền lành và ngoan ngoãn như Raun Đăngđrêxi lại có thể làm chủ tình huống ngay từ đầu để khuất phục ý chí nàng một cách thô bạo như vậy. Nàng đã giở mọi mánh khóe đàn bà ra để mua chuộc Raun. Nhưng chàng không hề nao núng.
- Nàng phải nói! Tôi đã chán những cái trò úp mở rồi. Tôi cần hiểu rõ mọi việc.
- Nhưng mà về chuyện gì? - Nàng kêu lên vẻ tuyệt vọng. - Về cuộc đời của tôi ấy à?
- Cuộc đời nàng thì mặc nàng, nàng cứ việc giấu kín quá khứ của mình nếu nàng sợ phải phơi bầy nó ra trước mắt tôi. Tôi biết rõ rằng nàng sẽ mãi mãi là một điều bí mật đối vói tôi và đối với cả mọi người, và rằng không bao giờ khuôn mặt thanh khiết của nàng sẽ cho tôi biết những gì đang sôi động trong tâm nàng. Nhưng điều tôi muốn biết là cái phần cuộc đời của nàng mà có liên quan đến cuộc đời tôi. Chúng ta đang có chung một mục đích. Nàng hãy chỉ cho tôi biết con đường mà nàng đang đi. Nếu không, có nguy cơ tôi sẽ phải gây ra án mạng, mà tôi thì không muốn điều đó!
Chàng đấm tay xuống bàn:
- Nàng có nghe thấy không, Giôdin? Tôi không muốn giết người! Ăn cắp thì có. Đập hộp thì được! Nhưng giết người thì không, nghìn lần không!
- Tôi cũng không muốn thế.
- Có thể, nhưng nàng đã sai người khác giết.
- Nói láo!
- Thế thì nàng nói đi. Nàng hãy giải thích đi.
Nàng vặn vẹo hai bàn tay. Rồi nàng rên rỉ phản đối:
- Tôi không thể nói được... không thể nói được...
- Tại sao? Ai cấm nàng không được tiết lộ cho tôi biết về phi vụ đó? Về phi vụ mà Bômanhăng đã nói đến?
- Tôi không muốn chàng dính vào, - nàng thì thầm, - tôi không muốn chàng phải đối chọi với con người ấy.
Chàng bật cười.
- Nàng lo cho tôi à? Ôi! Một cái cớ hay thật! Cứ yên chí, Giôdin ạ. Tôi không sợ Bômanhăng đâu. Tôi có một đối thủ khác đáng sợ hơn hắn nhiều.
- Ai?
- Người ấy là nàng, Giôdin ạ.
Rồi chàng nhắc lại vẻ cứng rắn:
- Người ấy là nàng, Giôdin ạ. Và chính vì vậy mà tôi cần phải được làm sáng tỏ. Khi tôi nhìn rõ nàng là ai thì tôi không còn sợ nữa. Nàng đã quyết định chưa?
Nàng lắc đầu.
- Không, không.
Raun nổi cáu.
- Thế có nghĩa là nàng không tin tôi. Hay lắm: Nàng muốn giữ kín cho riêng mình. Được thôi. Bây giờ chúng ta hãy đi khỏi đây. Ra ngoài kia nàng sẽ đánh giá tình hình một cách minh mẫn hơn.
Chàng liền bế xốc nàng lên vai như đêm đầu tiên chàng đã làm như vậy ở dưới chân vách đá bên bãi biển. Và cứ thế, chàng đi ra cửa.
- Dừng lại, - nàng bảo.
Cú đánh nhẹ nhàng này cuối cùng đã khuất phục được người đàn bà. Nàng hiểu rằng không nên khiêu khích chàng nữa.
- Chàng muốn biết những gì? - nàng hỏi sau khi chàng đặt nàng xuống ghế.
- Tất cả, trước hết là muốn biết lý do tại sao nàng lại có mặt ở đây, và nguyên nhân gì đã khiến cho cái gã khốn nạn kia đã giết Brigit Rutxlanh.
Người đàn bà lên tiếng;
- Chiếc dải băng nạm ngọc...
- Cái ấy không có giá trị! Những viên ngọc ấy chỉ là ngọc thường, là ngọc giả...
- Phải, nhưng chúng có bảy viên tất cả.
- Thế thì sao? Có cần thiết phải giết cô ta không? Thật đơn giản là chỉ cần chờ dịp may mà lục soát căn phòng cô ta là đủ.
- Đúng thế, nhưng hình như bọn kia cũng đã dò ra dấu vết.
- Bọn kia ư?
- Phải, sáng sớm nay, theo lệnh tôi, gã Lêôna đã đi điều tra cô Brigit Rutxlanh này, và hắn ta trở về báo cho tôi biết rằng đã có nhiều người đang lởn vởn quanh ngôi nhà của cô ta.
- Nhiều người à? Ai vậy?
- Tay chân của Benmôntê.
- Người đàn bà có liên quan đến phi vụ ấy à?
- Phải, bà ta chỗ nào cũng có mặt.
- Rồi sao nữa?- Raun nhắc lại, - đó có phải là lý do để giết cô ta không?
- Có lẽ hắn đã rối trí. Tôi đã mắc sai lầm khi bảo hắn: "Tôi cần cái băng nạm ngọc bằng bất cứ giá nào".
- Thấy chưa, thấy chưa. - Raun reo to. - chúng ta đã bị một kẻ vũ phu sai khiến, một kẻ mất trí và có thể giết người một cách dã man và ngớ ngẩn. Thôi được, chúng ta phải kết thúc câu chuyện. Tôi cho rằng những kẻ lởn vởn sáng nay ở đây là do Bômanhăng cử đến. Song nàng không có đủ tầm cỡ để đọ sức với Bômanhăng đâu. Nàng hãy để tôi chỉ huy cho. Nếu nàng muốn thành công thì chỉ có thể thông qua tôi nàng mới thành công được.
Giôdin cảm thấy mệt phờ. Raun đã khẳng định ưu thế của chàng bằng một giọng vững tin đến mức có thể nói nàng cảm thấy cả sức nặng của nó. Giờ đây, nàng thấy chàng cao lớn và cường tráng hơn bao giờ hết, thấy chàng có trí năng hơn tất cả những người mà nàng đã quen, thấy chàng có một óc phán đoán tinh tế hơn, một cái nhìn sâu sắc hơn, có những phương tiện hành động phong phú hơn. Nàng đành cúi đầu khuất phục trước ý chí và năng lực ngoan cường này.
- Thôi được, - nàng lên tiếng. - Tôi sẽ nói. Nhưng tại sao lại nói ở đây?
- Ở đây chứ không còn chỗ nào khác nữa, - Raun tuyên bố vì chàng biết rằng nếu để nàng Caliôxtrô trấn tĩnh lại thì chàng sẽ không bắt được nàng nói nữa.
- Được rồi, - nàng lại nói với vẻ mệt mỏi, - được rồi, tôi xin đầu hàng, bởi vì cuộc tình của chúng ta đang bị đe dọa, mà chàng thì hình như chẳng chú ý gì đến nó cả.
Raun đang trải qua một tình cảm kiêu ngạo sâu sắc. Lần đầu tiên chàng ý thức được về ưu thế của mình đối với kẻ khác, về sức mạnh phi thường mà chàng sử dụng để áp đặt những quyết định của mình.
Tất nhiên nàng Caliôxtrô lúc ấy vẫn chưa tự chủ được hoàn toàn. Cái tin về vụ ám sát Brigit Rutxlanh đã phần nào làm cho khả năng đề kháng của nàng bị rệu rã, và cái quang cảnh về gã Lêôna bị trói đã làm cho thần kinh nàng bị suy sụp thêm. Nhưng chàng đã biết nhanh chóng cướp thời cơ, đã biết lợi dụng mọi ưu thế của mình để đạt tới thắng lợi cuối cùng vừa bằng thủ đoạn đe dọa vừa bằng cách gieo rắc tâm lý sợ hãi, vừa bằng vũ lực lại vừa bằng mánh khóe lừa gạt.
Giờ đây chàng đã làm chủ tình thế. Chàng đã buộc Giôdêphin Banxamo phải đầu hàng và đồng thời làm cho lòng tự ái của nàng phải tuân theo khuôn phép. Những nụ hôn, những cái vuốt ve âu yếm, những trò quyến rũ, những thủ thuật mê dụ, những ngón mồi chài, tất cả những cái đó giờ đây không còn làm cho chàng sợ nữa, bởi vì chàng đã bước tới chính giới hạn của sự rạn nứt.
Chàng nhấc tấm thảm trải bàn và vứt lên người Lêôna, rồi chàng quay lại ngồi xuống bên cạnh Giôdin:
- Tôi nghe đây.
Nàng lườm chàng một cái lộ rõ vẻ căm giận bất lực và nói khẽ:
- Chàng lầm rồi. Chàng đã lợi dụng giây phút mệt mỏi của tôi, để bắt tôi phải kể cho chàng nghe câu chuyện mà đến một ngày nào đó chắc là tôi sẽ tự nguyện kể cho chàng nghe. Chàng đã làm một điều nhục nhã vô ích, Raun ạ.
Chàng kiên quyết nhắc lại:
- Tôi nghe đây.
Và thế là nàng bảo:
- Chàng đã muốn thế thì được. Chúng ta hãy cố gắng kết thúc cho nhanh chuyện này. Tôi sẽ bỏ qua mọi chi tiết để đi thẳng vào vấn đề chính. Như vậy sẽ ngắn gọn và đỡ phức tạp. Tôi chỉ kể lại vắn tắt thôi. Chuyện là thế này, cách đây hai mươi bốn năm, vào những tháng trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, đức Hồng y giáo chủ đờ Bônnơsôdơ, ngài vừa là tổng giám mục thành phố Ruăng và là thượng nghị sĩ, trong khi đi thị sát tại địa phận xứ Cô, ngài đã gặp một cơn bão khủng khiếp và phải chạy vào lâu đài Gơrơ để trú, nơi đây lúc ấy có vị chủ nhân cuốỉ cùng của dòng họ sinh sống, đó là hiệp sĩ dòng Ôbơ. Đức Hồng y đã ăn tối ở đây. Ăn xong, khi ngài lui về phòng ngủ đã được chuẩn bị sẵn cho ngài, thì hiệp sĩ Ôbơ, một cụ già gần chín mươi tuổi, đã già yếu lắm nhưng vẫn còn minh mẫn, đã yêu cầu ngài dành cho mình một cuộc tiếp kiến đặc biệt và đã được ngài đồng ý ngay, và cuộc tiếp kiến đã kéo dài rất lâu. Đây là bản ghi tóm tắt những điều phát giác kỳ lạ mà lúc ấy đức Hồng y đã nghe được, bản tóm tắt này về sau được ngài ghi lại và tôi sẽ đọc nguyên văn cho chàng nghe.
Đây. Tôi đã thuộc lòng bản ghi đó:
"Thưa đức cha, - cụ già hiệp sĩ kể, - Chắc cha sẽ không hề ngạc nhiên nếu con bảo rằng con đã trải qua thời niên thiếu trong cơn lốc cách mạng. Vào thời kỳ khủng bố con mới lên mười hai và đã mồ côi cha mẹ. Hàng ngày con đi theo bà cô con đến nhà tù ở gần đấy, tại đó bà làm giúp những công việc vặt và chăm sóc người ốm. Ở đây người ta nhốt đủ các loại người khốn khổ đã bị xét xử và bị kết án tùy tiện, và thế là, về phần con, con có dịp được làm quen với một người đàn ông tử tế mà không ai biết tên ông ta là gì và không ai biết tại sao ông ta bị bắt. Thái độ lịch sự và lòng thương cảm của con đã làm cho ông ta tin con. Con đã chiếm được cảm tình của ông ấy, rồi đến buổi tổi cái hôm ông ấy đến lượt bị xét xử và kết án, ông ấy đã bảo con:
- Này con ơi, sáng mai bọn hiến binh sẽ đem ta ra pháp trường, và ta sẽ chết mà không ai biết ta là ai. Đó chính là điều ta muốn. Ngay cả với con, ta cũng sẽ không nói ta là ai đâu. Nhưng các sự kiện đã buộc ta phải tiết lộ với con vài điều, buộc ta phải yêu cầu con nghe lời ta nói như là một người lớn và sau này, phải nhớ những điều ta nói với một thái độ nghiêm túc và bình tĩnh của một người đàn ông. Nhiệm vụ ta trao cho con có tầm quan trọng rất lớn. Con ạ, ta tin rằng con sẽ xứng đáng vói nhiệm vụ đó và cho dù có chuyện gì xảy ra con cũng sẽ giữ kín điều bí mật mà những quyền lợi nghiêm trọng nhất phụ thuộc vào nó.
Sau đó ông đã cho con hay rằng ông ấy là linh mục; và ông là người trông coi một khối lượng của cải vô giá đã được chuyển ra dạng những viên ngọc quí có một độ nguyên chất cao đến mức mỗi một viên ngọc có thể có một giá trị tối đa mà chỉ chiếm một thể tích tối thiểu. Dần dần số lượng ngọc tích lũy ngày càng nhiều thì những viên ngọc đó liền được đem cất giấu tại một nơi hoàn toàn độc đáo. Tại một mảnh đất hẻo lánh quang đãng ở xứ Cô, nơi mà bất cứ ai cũng có thể đặt chân đến đó để dạo chơi, có chôn một tảng đá khổng lồ dùng để làm cột mốc đánh dấu ranh giới giữa các lãnh địa. Tảng đá này gần như được chôn ngập kín đất, xung quanh có cây cỏ phủ đầy; trên đỉnh tảng đá có hai, ba lỗ thủng tự nhiên đã bị đất nhét đầy và có vài cây hoa dại mọc trên đó.
Chính cái ống tiết kiệm đặt giữa trời này là nơi người ta đã dùng để cất giấu những viên ngọc quí giá tuyệt vời kia. Tại đây, mỗi lần giấu của, người ta lại nhấc nắm đất phủ kín miệng một chiếc lỗ lên, bỏ ngọc vào và lại đậy nắm đất như cũ. Mấy năm gần đây, khi cả cái hốc đá đều đá bị chất đầy, và vì không chọn được một chỗ giấu nào khác nữa, người ta đã cất những viên ngọc mới để dành được vào trong một cái hòm gỗ mà mấy ngày trước khi bị bắt chính vị linh mục kia đã tự tay chôn dưới chân tảng đá cột mốc đó.
Rồi ông ta chỉ dẫn cho con biết chính xác nơi giấu ngọc, và truyền lại cho con cái chìa khóa mật mã được viết dưới dạng một từ duy nhất để nếu như con có quên lời chỉ dẫn của ông ta thì con sẽ dùng cái chìa khóa đó để tìm ra đúng nơi giấu của.
Lúc ấy con đã phải hứa với ông ta rằng, ngay khi tình hình trở lại bình yên, nghĩa là theo ông ta thì vào khoảng hai mươi năm nữa, trước hết con sẽ phải đến tận nơi cất giấu xem mọi thứ có bị suy suyển không, rồi từ đó trở đi, năm nào con cũng phải đến nhà thờ thôn Gơrơ để dự lễ Phục sinh.
Bởi vì, vào một dịp lễ Phục sinh, con sẽ nhìn thấy một người đàn ông vận đồ đen đứng bên cạnh lọ nước thánh. Ngay khi con xưng tên cho ông ấy biết, ông ấy sẽ phải kéo con ra một chỗ không xa cây đèn đồng bảy nhánh mà người ta chỉ dùng để thắp vào những ngày lễ. Và khi ông ấy ra hiệu thì con phải nói ngay cho ông ấy biết chìa khóa chỉ chỗ cất giấu kho báu.
Liền đó chúng con sẽ đưa ra hai mật hiệu để nhận nhau. Sau đó con sẽ dẫn ông ta đến tận nơi có tảng đá cột mốc ấy.
Con đã hứa trước Thượng Đế rằng con sẽ hoàn toàn nhắm mắt tuân theo mọi lời dặn của ông ta! Sáng hôm sau, vị linh mục đáng kính ấy bước lên giá treo cổ.
Thưa đức cha, mặc dù lúc ấy con còn rất trẻ, nhưng đã nghiêm chỉnh giữ trọn lời hứa. Khi cô con chết, con được sung vào quân đội và tham gia mọi trận đánh. Năm con ba mươi tuổi thì Napôlêông bị đổ, con bị tước quân hàm đại tá, lúc ấy con liền đến thẳng nơi cất giấu kho báu và dễ dàng tìm ra tảng đá cột mốc, sau đó đến dịp lễ Phục sinh năm 1816, con đã đến nhà thờ thôn Gơrơ và nhìn thấy trên bàn thờ có cây đèn đồng bảy nhánh. Nhưng trong ngày lễ đó, người đàn ông mặc đồ đen đã không tới.
Sang dịp lễ Phục sinh năm sau con lại đến đó, và cả những năm tiếp theo nữa, bởi vì lúc này con đã mua lại tòa lâu đài Gơrơ để được ở gần vị trí canh gác như một người lính trung thành không dám bỏ nhiệm vụ được giao. Và con vẫn tiếp tục chờ đợi.
Thưa đức cha, thế là năm mươi năm chờ đợi đã qua, vẫn chẳng có ai tới, và chưa bao giờ con được nghe nói một tí gì về chuyện này cả. Tảng đá cột mốc vẫn còn đó. Cây đèn đồng vẫn được thắp vào những ngày đã định tại nhà thờ Gơrơ. Vậy mà ngưòi mặc đồ đen vẫn không tới chỗ hẹn.
Con phải làm thế nào? Con biết hỏi thăm ai? Chẳng lẽ lại tìm ban lãnh đạo nhà thờ? Hay là xin ý kiến nhà vua Pháp chăng? Không, nhiệm vụ của con đã được qui định rõ ràng. Con không có quyền được suy diễn nó theo ý mình.
Và con đã im lặng. Nhưng ruột gan con bị dày vò không yên! Lòng e ngại đã làm con đau khổ! Con vô cùng lo lắng khi nghĩ đến chuyện mình có thể chết đi và đem theo xuống mộ cái điều bí mật kinh khủng kia!
Thưa đức cha, kể từ tối hôm nay, mọi điều nghi ngại của con đã tan biến hết. Việc cha tình cờ đến lâu đài này làm cho con nghĩ rằng đó là do ý muốn của thần linh sai khiến. Cha vừa là đại diện của quyền lực tôn giáo lại vừa là quyền lực của trần thế. Với tư cách là tổng giám mục thì cha đại diện cho nhà thờ. Còn với tư cách là thượng nghị sĩ thì cha đại diện cho nước Pháp. Chắc con sẽ không lầm khi con tiết lộ cho cha những điều mà cả hai bên đều quan tâm. Từ ngày hôm nay cha được quyền lựa chọn, thưa đức cha. Cha hãy hành động đi. Cha hãy thương lượng đi. Và khi nào cha bảo cho con biết con phải trao cái kho báu linh thiêng kia cho ai thì con sẽ truyền lại cho cha mọi điều chỉ dẫn cần thiết.
Hồng y giáo chủ đờ Bônnơsôdơ đã nghe hết câu chuyện mà không hề ngắt lời cụ già. Ngài đã không thể không thổ lộ với cụ già hiệp sĩ dòng Ôbơ rằng câu chuyện của cụ thật khó tin. Nghe thế, cụ già hiệp sĩ liền ra khỏi phòng và một lát sau cụ quay trở lại đem theo một chiếc hòm nhỏ làm bằng gỗ Ilơ.
- Đây là chiếc hòm mà ông ta đã nói chuyện với con và con đã tìm thấy tại chỗ đó. Con nghĩ là nên đem về nhà mình là hơn cả. Thưa đức cha, xin đức cha cứ giữ lấy nó và hãy đánh giá mấy trăm viên trong chiếc hòm này xem như thế nào. Rồi cha sẽ thấy là câu chuyện của con có thật hay không và ông linh mục đáng kính kia có nói sai về số lượng tài sản vô giá ấy hay không, bởi vì theo ông ta thì hòn đá cột mốc kia chứa những mười nghìn viên ngọc cũng đẹp như những viên ngọc đựng trong hòm này.
Ý kiến nài nỉ của cụ già hiệp sĩ cùng những bằng chứng của cụ đưa ra đã thuyết phục đức Hồng y, và ngài đã hứa là sẽ chú ý đến vụ việc này và sẽ triệu cụ già đến ngay lập tức một khi ngài tìm ra giải pháp.
Cuộc hội kiến đã kết thúc bằng lời hứa đó, lời hứa mà ngài tổng giám mục đã quyết định là sẽ thực hiện bằng được, nhưng các sự kiện xảy ra đã không cho phép ngài thực hiện được ngay ý đồ ấy. Những sự kiện này, chàng biết đấy, trước hết đó là việc tuyên chiến giữa nước Pháp và nước Phổ cùng những tai họa kèm theo. Những nhiệm vụ nặng nề đã cuốn hút ngài. Sau đó nền đế chế sụp đổ. Nước Pháp bị xâm lược. Và những tháng ngày sống dưới ách chiếm đóng trôi qua.
Khi thành phố Ruăng bị đe dọa, đức Hồng y nảy ra ý định muốn chuyển sang nước Anh một số tài liệu quan trọng và cùng với chúng ngài gởi kèm theo cả chiếc hòm gỗ của cụ già hiệp sĩ. Ngày bốn tháng Mười hai, một ngày trước khi quân Đức tiến vào thành phộ ngài cử một người hầu tin cẩn là lão bộc Giôbe tự mình đánh một chiếc xe ngựa ra cảng Havrơ để xuống tàu sang Anh.
Hai ngày sau, đức Hồng y nhận được tin rằng người ta tìm thấy xác của lão Giôbe tại một cái rãnh ở trong khu rừng Ruvrây cách Ruăng mười kilômet. Người ta cũng đã tìm thấy và trao trả lại cho đức Hồng y chiếc va ly đựng tài liệu, còn chiếc xe ngựa cùng chiếc hòm gỗ thì bị mất tích. Tin tức thu lượm được cho thấy rằng ông lão bộc không may kia đã sa vào tay một đội trinh sát kỵ binh của quân đội Đức, bọn này đã liều mạng đi ra ngoài thành phố Ruăng để đón đường cướp xe của bọn tư sản giàu có trên đường chạy trốn ra cảng Havrơ.
Tiếp đến lại xảy ra một điều rủi ro khác. Đến đầu tháng Giêng, cụ già hiệp sĩ dòng Ôbơ cho người đến gặp đức Hồng y. Cụ đã không sống nổi trước cảnh đất nước bị bại trận. Trước khi chết, cụ đã cố viết nguệch ngoạc mấy chữ cho đức Hồng y:
"Lời chỉ dẫn địa chỉ cất giấu kho báu được khắc ở dưới đáy hòm ngọc... Con đã giấu cây đèn đồng trong vườn nhà mình rồi".
Như vậy là chẳng còn lại một dấu tích gì của vụ việc nữa. Chiếc hòm đã bị mất cắp, chẳng còn lại một bằng chứng nào để cho phép khẳng định tính chính xác trong câu chuyện của cụ già hiệp sĩ. Thậm chí cũng chẳng có ai được tận mắt trông thấy những viên ngọc kia. Không biết chúng có thật không? Hay là chiếc hòm đó chỉ là một chiếc hộp nữ trang đựng những đồ trang điểm của một diễn viên nhà hát?
Nỗi nghi ngờ dần dần xâm chiếm ý thức của đức Hồng y, ngài trở nên hoang mang đến mức cuối cùng ngài quyết định là sẽ không nói cho ai biết chuyện này nữa. Ngài coi nó chỉ là chuyện tưởng tượng của người già. Và thật nguy hiểm nếu ngài tuyên truyền những câu chuyện nhảm nhí đó. Thế là ngài giữ kín nó, nhưng...
- Nhưng sao? - Raun hỏi với vẻ thực sự quan tâm.
- Nhưng, trước khi đi đến một quyết định cuối cùng, ngài đã viết lại câu chuyện này và đã quên không đốt nó đi hoặc là có thể ngài đã để thất lạc nó, để rồi sau khi ngài mất được mấy năm người ta đã tìm thấy nó nằm lẫn trong một cuốn sách thần học của ngài khi thư viện của ngài được đem bán đấu giá.
- Ai đã tìm thấy?
- Bômanhăng.
Giôdêphin Banxamô cúi đầu kể lại câu chuyện với một giọng đều đều như đọc thuộc lòng một bài học. Đến lúc ngước mắt lên, nàng sửng sốt vì thấy vẻ mặt khác lạ của Raun.
- Chàng làm sao thế? - nàng hỏi.
- Câu chuyện làm cho tôi mê mẩn. Giôdin, nàng thử nghĩ xem, qua lời thổ lộ của ba ông già, chúng ta dần dần đi ngược lại thời gian cách đây hơn một thế kỷ để từ đó làm sống lại một truyền thuyết, một điều bí mật lạ kỳ bắt nguồn từ thời Trung cổ. Chuỗi dây xích vẫn không bị cắt đứt. Mọi mắt xích vẫn còn nguyên. Và mắt xích cuối cùng của nó là sự xuất hiện của Bômanhăng. Bômanhăng đã làm được những gì? Liệu có thể tuyên bố là hắn xứng đáng với vai trò cầm cờ của hắn không? Hay là phải tước đoạt vai trò đó của hắn? Tôi phải liên kết với hắn hay là phải giành lấy ngọn cờ trong tay hắn?
Vẻ phấn chấn của Raun làm cho nàng Caliôxtrô tin rằng chàng sẽ không cho phép nàng bỏ dở câu chuyện. Tuy nhiên nàng vẫn phân vân, bởi vì nàng chưa nói đến những điều quan trọng nhất, hay ít ra cũng là những điều nghiêm trọng nhất, bởi vì chúng có liên quan đến vai trò của Bômanhăng. Nhưng Raun đã bảo nàng:
- Kể tiếp đi, Giôdin. Con đường của chúng ta thật là tuyệt diệu. Chúng ta sẽ cùng đi bên nhau, và chúng ta sẽ cùng nhau thừa hưởng thành quả đang ở trong tầm tay của chúng ta.
Nàng kể tiếp:
- Có thể nói ngắn gọn về Bômanhăng: đó là một gã có tham vọng. Ngay từ đầu hắn đã dành cái thiên hướng tôn giáo của mình để phục vụ cho cái tham vọng vô độ của hắn, hắn đã đi đến chỗ tham gia Hội thánh Giêxu và được cử một chức khá quan trọng. Việc phát hiện ra tập hồi ký của Hồng y giáo chủ Bônnơsôdơ đã làm cho hắn mê mẩn. Một chân trời bao la mở ra trước mắt hắn. Hắn đã tìm cách thuyết phục được một số cấp trên của hắn và khích lệ họ tham gia vào việc chiếm đoạt kho báu, và hắn đã được Hội thánh Giêxu sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để giúp đỡ hắn.
Hắn lập tức tập hợp quanh mình một bọn quí tộc nông thôn ít nhiều có tên tuổi và ít nhiều có nợ nần mà đối với họ hắn chỉ tiết lộ có một phần của phi vụ, và hắn tổ chức họ thành một hội kín sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Mỗi người trong bọn họ đều có phạm vi họat động và tìm kiếm riêng. Bômanhăng đã sẵn sàng bỏ tiền ra để sai khiến họ.
Sau hai năm kỳ công tìm kiếm họ đã thu được những kết quả không phải là không đáng để ý. Trước hết họ phát hiện ra rằng vị linh mục bị chặt đầu năm xưa ấy tên là Nicôla, viên quản khố của tu viện Phêcăng. Sau đó bằng cách lục lọi những tài liệu lưu trữ bí mật họ đã tìm được những bức thư lạ lùng được trao đổi trước kia giữa các tu viện của nước Pháp, và dường như họ đã xác định được rằng đã từ lâu lắm rồi mọi cơ sở tôn giáo đều tự giác nộp một khoản tiền thuế cho các tu viện ở xứ Cô. Có lẽ đây là một cách lập quĩ chung để dự phòng cho những chiến dịch khi cần thiết. Một hội đồng quản khố được bầu ra bao gồm bảy thành viên để quản lý kho tài sản, nhưng trong số họ chỉ có một người biết nơi cất giấu.
Cuộc cách mạng tư sản đã phá hủy hoàn toàn tất cả các tu viện này. Nhưng kho tài sản của họ thì vẫn còn. Linh mục Nicôla là người canh giữ cuối cùng kho tài sản đó.
Căn phòng im lặng một lát sau khi Giôdêphin Banxamô kể xong câu chuyện. Tính tò mò của Raun đã được thỏa mãn, và chàng đang tỏ ra xúc động mạnh.
Chàng say sưa nói thì thào:
- Câu chuyện hay quá! Thật là một chuyện phiêu lưu tuyệt vời! Tôi luôn luôn tin rằng quá khứ đã để lại cho hiện tại những kho báu tuyệt diệu mà cuộc tìm kiếm chúng luôn luôn phải diễn ra dưới dạng một vấn đề nan giải. Biết làm thế nào khác được? Bậc tổ tiên của chúng ta hồi xưa không có được những két sắt và những căn hầm kiên cố như của nhà băng nước Pháp bây giờ. Họ buộc phải chọn những chỗ kín đáo tự nhiên để cất giấu vàng bạc và đồ trang sức rồi truyền lại cho nhau bằng một công thức bí mật dễ nhớ giống như một thứ mật mã chìa khóa. Khi có một tai họa xảy ra thì cái công thức bí mật kia biến mất và làm mất luôn cả kho báu đã được góp nhặt với bao công sức khó nhọc.
Niềm say sưa làm cho chàng vui vẻ cất tiếng hùng hồn:
- Nhưng điều đó sẽ không xảy ra đâu Giôdêphin Banxamô ạ, và đó là một trong những điều kỳ lạ nhất. Nếu linh mục Nicôla nói đúng, và nếu mười nghìn viên ngọc quí kia đã được cất giấu vào trong cái hộp tiết kiệm lạ lùng kia, thì điều này có nghĩa là thời Trung cổ đã để lại cho chúng ta hàng tỷ phrăng, biết bao nỗ lực của hàng triệu tu sĩ cuồng tín đã truyền lại món quà khổng lồ này cho chúng ta, vậy mà hiện nay nó vẫn đang nằm trong ruột của một hòn đá cột mốc tại một mảnh vườn ở xứ Noócmăngđi! Thật là một chuyện đáng khâm phục!
Còn vai trò của nàng trong chuyện này là gì? Nàng đã đóng góp được bao nhiêu? Nàng có giữ lại được dấu hiệu gì đặc biệt của ông Caliôxtrô không?
- Chỉ có vài chữ thôi. Trong tờ danh sách ghi bốn câu đố mà tôi có được, bên cạnh câu đố này và câu đố "của cải của các ông vua nước Pháp”, ông ta đã ghi dòng chữ: "giữa Ruăng, Lơ Havrơ và Điéppơ. (Theo lời của Mari-Ăngtoanet)".
- Phải, đúng rồi. - Raun nói nhỏ, - xứ Cô... vùng hạ lưu của một con sông cổ mà ở hai bên bờ nó các ông vua và các tu sĩ của nước Pháp đã có một thời thịnh vượng. Dứt khoát ở đó phải là nơi cất giấu số tài sản tôn giáo đã được tiết kiệm qua mười thế kỷ kia... Hai chiếc hòm giữ của sẽ phải ở đó, và tất nhiên là không cách xa nhau đâu, tôi sẽ tìm ra chúng.
Rồi chàng quay sang Giôdin:
- Vậy là khi ấy nàng cũng đi tìm kiếm?
- Phải, nhưng chẳng có số liệu chính xác nào cả...
- Và có cả một người đàn bà khác nữa cũng lao vào cuộc tìm kiếm như nàng à? - Chàng hỏi và nhìn thẳng vào mắt nàng, - cái người đã giết hai chiến hữu của Bômanhăng ấy?
- Vâng, đó là nữ hầu tước đơ Benmôntê mà tôi ngờ rằng bà ta là một người con cháu của Caliôxtrô.
- Và nàng vẫn chưa phát hiện được gì à?
- Trước ngày tôi gặp Bômanhăng thì không.
- Có phải hắn muốn trả thù cho hai chiến hữu của hắn không?
- Phải. - nàng đáp.
- Và dần dần gã Bômanhăng đã thổ lộ cho nàng những điều gã biết chứ gì?
- Phải
- Do chính gã tìm ra à?
- Do chính gã tìm ra...
- Thế nghĩa là nàng đã đoán rằng gã cũng theo đuổi cùng một mục đích với nàng, và nàng đã lợi dụng tình yêu để moi tin tức của gã chứ gì?
- Vâng, - nàng thật thà đáp.
- Thế là chơi trò liều mạng quá đấy.
- Tôi đã liều mạng cả cuộc đời tôi. Bằng cách quyết định giết tôi, chắc chắn hắn muốn thoát khỏi cái cuộc tình đã làm cho hắn đau khổ, bởi vì tôi đã không đáp lại ý muốn của hắn, nhưng chủ yếu là do hắn sợ vì đã để lộ diện. Đối với hắn, tôi đã bỗng nhiên trở thành kẻ thù có thể đạt tới đích trước hắn. Đến cái hôm mà hắn nhận ra sai lầm của mình thì tôi đã bị kết án.
- Tuy nhiên những điều phát hiện của hắn cũng chỉ giới hạn ở một vài số liệu lịch sử khá mơ hồ.
- Chỉ thế thôi.
- Và cái nhánh cây đèn mà tôi lấy được trong cột trụ vườn hoa kia chính là bằng chứng cụ thể đầu tiên có phải không?
- Phải.
- Ít nhất là tôi cũng nghĩ như vậy, bởi vì, từ khi quan hệ giữa các vị bị rạn nứt đến nay, chưa có gì chứng tỏ rằng hắn ta đã không tiến thêm được một vài bước nào đó.
- Một vài bước cơ à?
- Phải, ít nhất là thêm được một bước. Tối hôm qua Bômanhăng đã tới nhà hát. Tại sao, nếu không phải là vì hắn thấy Brigit Rutxlanh quấn trên đầu dải băng nạm bảy viên ngọc? Hắn muốn hiểu rõ điều đó có ý nghĩa gì, và tất nhiên cũng chính hắn sáng nay đã cho người theo dõi ngôi nhà của Brigit.
- Nếu vậy thì chúng ta sẽ chẳng còn biết gì được nữa.
- Được chứ, Giôdin.
- Làm sao mà biết được? Ai sẽ giúp chúng ta?
- Brigit Rutxlanh.
Nàng giật mình:
- Brigit Rutxlanh...
- Tất nhiên, - chàng bình thản đáp. Chỉ cần hỏi cô ấy thôi.
- Hỏi người đàn bà này ư?
- Chứ còn hỏi ai nữa?
- Thế thì... thế thì... cô ấy còn sống à?...
- Sao lại không?
Chàng đứng lên và hoa chân múa tay làm một điệu nhảy "căng - căng”.
- Tôi xin nàng, thưa nữ bá tước đờ Caliôxtrô, nàng đừng nhìn tôi giận dữ như vậy. Nếu tôi không kích động thần kinh nàng thì nàng đã chẳng hé cho tôi nghe một lời và rồi chúng mình sẽ ra sao? Một ngày kia Bômanhăng sẽ làm chủ một tỷ đồng còn Giôđêphin thì ngồi cắn ngón tay. Thôi nào, nàng hãy cười lên còn hơn là nhìn tôi căm ghét như vậy.
Nàng thì thào:
- Mi thật táo tợn!... Mi dám cả gan!... Chẳng lẽ tất cả những trò đe dọa này chỉ là một trò hề sao? Ôi! Raun, ta sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho mi đâu.
- Ấy không, ấy không, - chàng đùa cợt đáp lại, - nàng sẽ phải tha thứ. Một tí tự ái thôi thì có nghĩa lý gì đối với tình yêu của hai ta, nàng thân yêu! Những cặp tình nhân như chúng mình không nên tự ái. Hôm nay người này chọc tức thì ngày mai sẽ đến lượt người khác... cho đến khi sự hòa hợp được thiết lập hoàn hảo trên tất cả các mặt.
- Với điều kiện là chúng ta đừng cắt đứt nhau quá sớm, - nàng nghiến răng đáp lại.
- Cắt đứt à? Chỉ vì tôi đã bắt nàng phải trút bỏ vài lời tâm sự thôi à? Cắt đứt à?...
Nhưng Giôdêphin vẫn giữ vẻ hoang mang đến nỗi Raun bật cười ngừng lời. Rồi chàng vừa nhảy nhót vừa rên rỉ:
- Trời ơi! Thật kỳ cục! Cô nàng đang bực mình!... Chẳng có chuyện gì mà cứ sùi bọt mép lên!... Ôi! Nàng Giôdêphin yêu quí, nàng làm tôi buồn cười quá!
Người đàn bà không thèm nghe nữa. Nàng lẳng lặng đứng lên kéo chiếc khăn trải bàn đậy trên người Lêôna ra và cắt dây trói cho y.
Lêôna vội lao đến chỗ Raun, như một con thú sổ lồng.
- Đừng có động đến hắn! - Nàng ra lệnh.
Y vội dừng ngay lại, hai nắm tay vẫn chĩa vào mặt Raun, chàng này cố nhịn cưòi và lẩm nhẩm:
- Trông chàng thám tử kìa... như một con quỉ xổng chuồng...
Lêôna run lên vì tức giận:
- Chúng mình sẽ còn gặp nhau, anh bạn nhỏ ạ... Sẽ còn gặp nhau., anh bạn nhỏ ạ... cho dù có phải một trăm năm nữa...
- Anh cũng tính toán hàng thế kỷ à?... - Raun cười khẩy, - chẳng khác gì bà chủ của anh...
- Đi đi, - Caliôxtrô đẩy Lêôna ra cửa... - Đi đi... Cho xe đi chỗ khác...
Hai người trao đổi liến thoắng mấy câu bằng một thứ tiếng mà Raun không hiểu. Rồi, khi chỉ còn lại một mình với chàng trai trẻ, nàng tiến lại gần chàng và nghiêm nghị hỏi:
- Giờ thì thế nào?
- Bây giờ ấy à?
- Phải, mi định làm gì?
- Rất đơn giản, Giôdêphin ạ, ý định của tôi rất trong sạch.
- Thôi đừng nói nhảm nữa. Chàng định làm gì? Chàng định hành động thế nào?
Trở lại nghiêm túc, chàng đáp:
- Tôi sẽ hành động khác với nàng, Giôdin ạ, vì nàng lúc nào cũng giữ thế thủ. Tôi sẽ là một người khác với nàng, một người bạn đứng đắn mà khi làm hại nàng thì phải biết xấu hổ.
- Nghĩa là?
- Nghĩa là tôi sẽ hỏi cô Brigit Rutxlanh mấy câu cần thiết và sẽ làm thế nào để cho nàng nghe thấy. Thế được không?
- Được, - nàng đáp mà vẫn chưa hết buồn bực.
- Như vậy thì nàng cứ ngồi đây. Tôi sẽ hỏi nhanh thôi. Vì thời gian đang thúc giục chúng ta.
- Thời gian đang thúc giục à?
- Phải, nàng sẽ hiểu điều này, Giôdin ạ. Cứ ngồi im nhé.
Lập tức Raun mở ngay chiếc cánh cửa thông hai buồng với nhau, để nó hé mở cho Giôdephin có thể nghe thấy hết câu chuyện rồi đi thẳng đến giường của Brigit Rutxlanh đang nằm nghỉ và bên cạnh có bà Valăngtin ngồi trông nom.
Cô diễn viên trẻ mỉm cười nhìn chàng. Mặc dù chưa hết sợ hãi và mặc dù chẳng hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng khi nhìn thấy vị cứu tinh của mình, nàng cảm thấy yên tâm và tin tưởng.
- Tôi sẽ không làm cho nàng mệt đâu, - chàng bảo. - Chỉ xin nàng một hai phút thôi. Nàng có sẵn sàng trả lời được không?
- Ô, được chứ.
- Tốt lắm! Vừa rồi nàng đã bị một kẻ điên khùng ám hại, nhưng cảnh sát đã bắt được nó và sẽ nhốt nó vào bệnh viện. Như vậy là sẽ không có gì nguy hiểm nữa. Nhưng tôi muốn làm rõ một điều.
- Ông cứ hỏi.
- Cái dải băng nạm ngọc này là thế nào? Từ đâu mà nàng có được?
Chàng cảm thấy cô ta cỏ vẻ ngập ngừng. Tuy nhiên cô ta vẫn khai:
- Đó là những viên ngọc mà tôi tìm thấy trong một chiếc hòm gỗ cổ.
- Một chiếc hòm gỗ cổ phải không?
- Phải, nó đã bị nứt vỡ và thậm chí cũng chẳng có khóa. Nó được giấu trong đống rơm trên gác nhà kho của ngôi nhà mẹ tôi ở tỉnh lẻ.
- Ở đâu?
- Ở Liơbôn, nằm giữa Ruăng và Lơ Havrơ.
- Tôi biết. Thế chiếc hòm này ở đâu ra?...
- Tôi không biết. Tôi cũng chẳng hỏi mẹ tôi.
- Nàng đã tìm thấy những viên ngọc đó y như trong trạng thái bây giờ à?
- Không, lúc ấy chúng được gắn vào những chiếc nhẫn bạc to.
- Thế những chiếc nhẫn ấy đâu?
- Hôm qua tôi vẫn còn để chúng trong hộp đồ hoá trang của tôi ở nhà hát.
- Như vậy là hôm nay nàng không còn giữ chúng nữa?
- Phải, tôi đã để lại cho một ông khách, lúc ấy ông ta đi vào phòng tôi để chúc mừng và tình cờ nhìn thấy chúng.
- Ông ta đi một mình à?
- Cùng với hai ông nữa. Ông ta là một nhà sưu tầm đồ cổ. Tôi đã hứa là ba giờ chiều hôm nay sẽ đem cho ông ta bảy viên ngọc để ông ta phục hồi lại những chiếc nhẫn, ông ta sẽ mua với một giá hời.
- Những chiếc nhẫn này có ghi chữ ở bên trong không?
- Có... có mấy chữ cổ nhưng tôi không để ý.
Raun suy nghĩ và kết luận bằng một giọng có vẻ nghiêm nghị:
- Tôi khuyên nàng hãy giữ kín tất cả chuyện này. Nếu không thì vụ việc có thể có những hậu quả lôi thôi, không phải là đối với nàng mà đối với mẹ nàng. Cái chuyện bà giấu những chiếc nhẫn này trong nhà dễ làm cho người ta đặt câu hỏi, tất nhiên những chiếc nhẫn đó không có giá trị thực dụng nhưng chúng có giá trị lịch sử lớn.
Brigit Rutxlanh sợ sệt:
- Tôi sẵn sàng trả lại tất cả.
- Vô ích. Nàng cứ giữ lại những viên ngọc ấy. Còn tôi, tôi sẽ thay nàng đi đòi lại mấy chiếc nhẫn kia. Cái ông ấy sống ở đâu?
- Phố Vra.
- Tên ông ta là gì?
- Bômanhăng.
- Được rồi. Tôi khuyên nàng một lời cuối cùng. Nàng đừng ở ngôi nhà này nữa. Nó hẻo lánh quá. Nàng hãy chuyển đến khách sạn mà ở một thời gian khoảng một tháng chẳng hạn. Và đừng tiếp ai cả. Được không?
- Thưa ông được ạ.
Ra khỏi nhà, Giôdêphin Banxamô khoác tay đi bên Raun Đàngđrêxi. Nàng có vẻ xúc động mạnh và hoàn toàn không còn nghĩ gì đến chuyện trả thù và ghen ghét cả. Cuối cùng nàng hỏi:
- Thế là tôi đã hiểu, chàng sẽ đến nhà hắn ta chứ?
- Tôi phải đến gặp Bômanhăng.
- Có mà điên mới làm như thế?
- Tại sao?
- Bây giờ hắn đang có mặt ở nhà cùng với hai đứa nữa, vậy mà chàng định đến nhà hắn?
- Hai đứa cộng với một là ba đứa.
- Đừng đi, tôi xin chàng.
- Thế thì sao? Nàng tưởng là chúng sẽ ăn thịt tôi ư?
- Gã Bômanhăng có thể làm bất cứ điều gì.
- Như vậy hắn ta là một tên ăn thịt người hả?
- Ôi! Chàng đừng cười nữa, Raun.
- Còn nàng cũng đừng khóc nữa, Giôdin.
Chàng có cảm giác là nàng thành thật và, có lẽ do tính dịu hiền của đàn bà đã thức dậy trong con người nàng, nên nàng đã quên hết sự bất hòa giữa họ và giờ đây nàng đang lo sợ thay cho chàng.
- Đừng đi nữa Raun, - nàng nhắc lại. - Tôi biết chỗ ở của Bômanhăng. Ba tên kẻ cướp ấy sẽ vồ lấy chàng mà chẳng có ai có thể cứu chàng được đâu.
- Càng tốt, - chàng bảo, - bởi vì cũng sẽ chẳng có ai có thể cứu được bọn chúng cả.
- Raun, Raun, chàng cứ đùa mãi, dù sao...
Chàng liền xiết chặt nàng vào người.
- Nghe đây, Giôdin, tôi là người tham gia cuối cùng vào một phi vụ khổng lồ mà ở đó tôi gặp phải hai tổ chức lớn mạnh, một tổ chức của nàng và một tổ chức của Bômanhăng, tất nhiên cả hai tổ chức này đều không muốn kết nạp tôi, một tên kẻ cắp thứ ba... do đó nếu tôi không sử dụng những phương tiện táo bạo thì có nguy cơ tôi sẽ mãi mãi chỉ là một kẻ mơ mộng hão. Thôi nàng cứ để tôi thu xếp với kẻ thù của chúng ta, tên Bômanhăng kia, theo đúng cái cách mà tôi đã dùng để thu xếp với người bạn của tôi là Giôdêphin Banxamô. Tôi thu xếp cũng không đến nỗi lóng ngóng đấy chứ, và chắc nàng cũng không phủ nhận là tôi cũng không đến nỗi tồi, có phải không?...
Câu nói ấy lại làm cho Giôdêphin tự ái. Nàng bỏ tay chàng ra và hai người im lặng đi bên nhau.
Trong thâm tâm, Raun tự hỏi không biết địch thủ ghê gớm nhất của mình có phải là người đàn bà này không, người đàn bà có khuôn mặt dịu hiền mà chàng đã yêu say đắm và cũng được nàng yêu say đắm đến thế.