CHƯƠNG 3

     ốn tháng trời mưa liên miên rồi, nước ngập trắng vùng bùn lầy và đá ong Xây-thả-von. Các ông lão bấm tay tính lịch thấy mới đến kỳ Tu-la (tháng 10  Lào, tức tháng 9 dương lịch) lúa mới trổ đòng đòng, mà gạo đã khan lắm.
Trung đội 8 cùng cán bộ It-xa-la chia nhau đi xây dựng cơ sở vùng Hàng-rào thấm thoắt đã quá nửa mùa mưa. Họ dựng lán ở rừng, ngày ngày ra các trại làm ruộng giúp dân cầy cấy, chữa nhà, ngăn suối đơm đó. Vừa làm giúp vừa lân la tuyên truyền, tổ chức từng người từng gia đình.
Các làng khá như Pa-thôn, Thông-nọi đã lập được khu kích bí mật có súng, mìn. Kém như Na-bua cũng có nhóm It-xa-la bí mật, truyền hơi thở của kháng chiến từ ngoài rừng vào trong lòng mỗi người dân yêu nước thổi đó dần từng hòn than nóng ủ dưới tro tàn của hai năm cơ sở tan vỡ. Ngọn lửa đấu tranh chống Pháp được nhen nhóm trở lại.
Cả bọn tề, gián điệp, tự vệ làng cũng đều lần lượt gặp người rừng. Họ đang đêm vào nhà chúng, đặt tập giấy bạc chuộc mạng ra một bên, ngồi ôn tồn giải thích chính sách của mặt trận Lào - It-xa-la. Thằng Lek trùm gián điệp đã bị chính quyền kháng chiến bắt và kết án tử hình. Các nhóm vũ trang tê liệt, dần dần tan vỡ.
Dân làng Na-bua không ai không biết anh bộ đội Việt trẻ tuổi nói tiếng Lào rất giỏi và hai tai xỏ thủng. Ban đầu ai cũng nghi ngờ, sợ hãi. Đến nay số người ghét anh chỉ đếm không hết đầu ngón tay.
Mỗi người gặp anh vào một lúc và ở một nơi khác nhau, rồi họ xì xầm kể lại những lời anh khuyên nhủ. Anh nói nhiều nhất đến tình đoàn kết Lào - Việt, cởi rất khéo mối gút thù oán tưởng chừng không sao gỡ nổi. Anh bầy mưu cho dân làng chóng nộp thóc, nộp trâu, chống bắt phu bắt lính. Gánh nặng sưu thuế giảm bớt. Pháp muốn khủng bố cũng không được. Gián điệp báo Pháp cho quân lùng rừng. Hai lần Pháp úp trại bí mật của anh Việt xỏ tai đều hụt. Lại trúng mìn què chân mấy thằng. Pháp tức bắt luôn mấy chục con trâu của dân Na-bua để phạt. Anh dẫn một toán bộ đội Việt và Lào chặn đánh cướp trâu, đem trả dân không thiếu một con.
Ông cụ Pứ phù thủy thường chỉ ngón tay lên trời thì thào:
- Anh Việt ấy không phải người trần. Ai vạch áo anh mà xem, ắt thấy ba nốt ruồi đỏ dọc sống lưng.
Mọi người kể cả Xẩy và Kham đều nửa tin nửa ngờ. Duy chỉ có Đeng cười thầm. Đeng thường lén ra rừng đi đánh những trận lẻ lẻ với Tiến, khi tắm thường kỳ lưng cho nhau chả thấy nốt ruồi đỏ đen nào cả, chỉ ra từng tảng ghét.
Trái với dự định trước kia, Tiến đã ở lại cơ sở.
Anh trở về nếp công tác dân vận một cách chật vật. Những ngày đầu tiên, anh ngẩng ngóng đợi dịp để “phới” và mấy lần đặt bút viết đơn xin thuyên chuyển rồi thôi. Nhưng dần dần Tiến lại tìm được nguồn vui quen thuộc của người lính gây cơ sở: tình thương của nhân dân. Thắc mắc cũ vợi dần. Lá đơn xin đổi công tác bị hoãn lần hồi không viết, rồi quên bẵng. Với thói quen hăng say sẵn có, anh lại lao đầu  vào công việc không kể chết sống, túi bụi lo toan để cái làng anh phụ trách thoát dần khỏi tay địch, lại bồi dưỡng cho cán bộ địa phương đủ lông cánh để tự mình lãnh đạo đấu tranh. Làng Na-bua nhất định phải thành một làng kháng chiến có du kích và chông bẫy lớp lớp giống như làng Hạt-khảo anh đã xây dựng ở căn cứ địa năm ngoái.
Công tác của Tiến chẳng khác một con mối gặm gỗ, mỗi ngày một tý.
Cái khối dân nằm trong tay địch hiện nay như một thân cây khổng lồ. Hàng vạn con mối như Tiến - những chiến sĩ It-xa-la và tình nguyện - đang kiên trì đục các thớ gỗ rắn. Một ngày nào đó gió sẽ lên và quật ngã cây cổ thụ ruỗng lòng. Đến bao giờ gió mới lên? Đến bao giờ thằng đế quốc ngạo nghễ vươn đầu lên mây xanh ngày nay mới chịu sụp đổ?
Sau một thời gian xây dựng, cơ sở Na-bua đã tương đối vững. Tiến rút thêm một tổ của trung đội 8 về giúp mình tổ chức du kích bí mật, đánh những toán địch lùng quét lẻ tẻ. Tiểu đội phó Thiết cao to như hộ pháp phụ trách tổ trưởng. Ngoài ra còn Mộc-cóc và hai tân binh, mới từ Việt Nam lên: Huy và An.
Từ đấy túp lều nhỏ trong rừng vui hẳn lên. Huy với An đùa tếu suốt ngày, hết cãi nhau lại về hùa một phe trêu Mộc-cóc và vòi vĩnh “bác” Thiết già.
Mùa mưa vẫn kéo dài. Kỳ giáp hạt đến, trung đội 8 bắt đầu ăn măng trừ bữa. Thiết thường khề khà xoa đầu hai chú tân binh, chép miệng:
- Tội nghiệp, con nít mới lớn lên đã phải chịu cực. Bọn tao quen rồi không nói chi, chứ tuổi tụi bây đang sức ăn ngủ, chơi bời...
Theo ý Thiết, “bọn tao” gồm cả Mộc và Tiến, tuy họ chỉ hơn Huy, An vài tuổi.

 

Cơn bão sầm sập đổ xuống rừng đêm như vô vàn chiếc ô-tô phóng nước đại trên ngọn cây, cùng rít còi một lần. Gió bẻ những cành bằng bắp đùi gẫy nghiến, dứt tung mạng dây leo chằng chịt đang cố níu giữ cành cây quật cả khối gỗ dây lá ấy xuống mái lều. Gió cuộn từng thác lá ùa dưới rìa mái tranh, tốc ngược lên đầu những người đang chống bão. Chớp trừng mắt xé bóng đêm từng vệt lằng nhằng, soi lên mặt họ. Những khuôn mặt nhợt nhạt điểm hai chấm mắt đen vụt lóe trắng bệch rồi biến từng loạt.
Hai tay đánh đu giữ mái nhà đang rung bần bật chực bay, Tiến gào khản cổ: “Mộc! Ném con dao! Con da-a-ao!”. Gió nuốt tiếng gọi, chỉ đánh rơi một mẩu a- ao cuối cùng. Mộc ném đến con dao Mỹ to bản. Tiến chặt đoạn dây leo chờn vờn bên rìa tranh, buộc chằng mái nhà xuống một rễ cây. Rồi anh nhặt dao, chạy ra rừng. Tiếng kêu thất thanh đằng sau: “Đừng ra, bể đầu!”
Tiến mò mẫm chặt hai cây nạng chống thật chắc. Cành gẫy bay ngang rần rật trên đầu như đàn khi bị phường săn đuổi. Vào nhà chống xong cột, Tiến lại lao ra rừng tìm dây. Một cành rơi hất anh ngã ngồi xuống đất, ống xương chân đau nhói. Mé sau lều bỗng dậy tiếng răng rắc, soàn soạt kéo dài. Khối lá đen ngòm trên mái nhà rung rinh, lác đầu, ngả dần về một bên, hằn rõ trên nền trời loe lóe ánh chớp. Tiến rú lên:
- Nằm xuống! Cây đổ!
Cành lá vướng nhau, giây leo níu nhau, cả cụm rùng vặn mình theo cây đổ. Một con nhím vọt qua trước nhà, tiếng hục hục khiếp đảm tan nhanh. Tiến nép dưới một mô đá ong, nghe rõ tim đập dồn, đập dồn. Anh em mắc chẹt trong lều. Nguy mất...
Cây quật xuống.
Tiếng nổ như mìn nặng chuyển đất dưới ngực Tiến. Rừng dội lên rùng rùng, vọng lại từng đợt. Mái nhà vênh một góc còn khẽ đu đưa. Tiến đâm bổ vào lều, chưa dám tin mình thoát nạn. Tiếng rên ngạt thở trong tối, một thân hình khẽ quẫy dưới cành con bằng bắp tay. Tiến chặt phầm phập, nghĩ rất nhanh: thằng An chưa việc gì... Anh ném dao, bẻ cành gẫy rời, luồn tay xốc lên một xác chết mềm nhũn, đôi mắt mớ to không động đậy.
Bên ngoài gió vẫn rít lên điên cuồng.
Nửa giờ sau, bão ngớt dần rồi tắt hẳn. Lửa cà- boong soi trên phên những hình thù nhảy nhót. Tiến ngồi bó gối trên một góc sạp, lạnh run. Anh em lầm lỳ thay quần áo, thỉnh thoảng liếc sang xác An nằm trên đầu sạp bên kia. Trên khuôn mặt bụ bẫm của Huy còn một ngấn nước mắt chưa ráo.
Tiểu đội phó Thiết nhắc lau súng với giọng cố giữ bình thường. Anh bước lại rút tất cả đồ đạc lặt vặt trong túi An, đặt trên tấm khăn dài giữa sạp. Một đồng hào ván cũ rơi ra. An thường kể sự tích hào bạc của chị cho làm kỷ niệm từ lúc mới sinh đến giờ ai đánh gió cho An cũng chỉ dùng đồng hào ấy. Thiết rón tay nhặt nó lên, lật xem hai mặt bạc cáu bẩn, rồi lặng lẽ bỏ vào túi An, đóng cúc cẩn thận. Nhưng ngón tay chuối mắn hơi run.
Anh hỏi Tiến:
- Báo cáo anh cho chôn?
Tiến chỉ gật đầu không đáp. Anh đang chăm chú theo dõi đôi mắt của Mộc-cóc. Mộc nhìn An chăm chăm... nhưng không nhìn khuôn mặt tím bầm của An mà chỉ dán mắt vào tấm võng ka-ki mới, sắp dùng để liệm. Mộc không có võng. Đến nơi nào không kịp làm sạp Mộc đành lót lá chuối nằm trên đất ướt và đá ong, ho sù sụ suốt đêm...
Bỗng nhiên tim Tiến bóp lại, đau đến nghẹn thở. Anh thương An thương Mộc, thương tất cả các bạn chiến đấu đói khổ không tả xiết.
Nạn đói cơm đói muối kéo dài đằng đẵng. Nồi cháo loãng chia mỗi người một ca nhỏ cầm hơi, chỉ nhâm nhẩm vị mặn. Chỉ còn măng luộc ăn nhạt qua ngày, đợi đến mùa lúa mới. Đói sinh trăm bệnh. Ghẻ kềnh ghẻ càng từ đầu đến chân, bàn tay không nắm lại được. Mắt mờ dần, đâm ra quáng gà. Tay chân phù to như chĩnh, chỉ bước nổi khi địch ập đến đuổi bắn. Một hôm Tiến sầm sầm về gặp đồng chí ủy viên ban cán sự khu yêu cầu giải quyết gạo cho B.8. Nhưng ăn xong bữa măng với đồng chí, Tiến lắc đầu trở về đơn vị.
Tiến nuốt cái gì vướng cổ, bảo Thiết:
- Lấy chăn Mộc mà liệm... cũng được.
Mộc quay mặt đi như người phạm tội bị bắt quả tang. Thiết ngần ngừ bảo Mộc: “Đưa chăn đây”. Mộc ngồi im. Thiết chép miệng, với tay lấy tấm chăn vá bốn năm mảnh khác mầu. Nhặt con dao Mỹ, Tiến cầm cà- boong bước ra ngoài, đi đào huyệt. Thiết bế xốc An trên hai cánh tay lực lưỡng, đi theo.
Thân hình một thước bẩy lăm của Thiết bị bệnh kiết ly kinh niên đục bên trong, nhưng anh vẫn khỏe gấp đôi người khác. Tóc sớm bạc tiêu muối. Thiết đã lỳ với bệnh cũng như quen với cái tuổi ba mươi tám chưa vợ, nên ít nghĩ đến đời mình mà lo cho anh em nhiều hơn. Anh thương đồng đội với tình người anh lớn dầy dạn, và anh em trong đơn vị cũng thương Thiết như anh cả.
Anh em lính cũ hy sinh, Thiết không đau xót bằng mất tân binh. Những người cựu binh là vốn quý, nhưng dường như họ đã quen giáp mặt với cái chết, không bở ngỡ kinh hãi nữa. Đằng này cậu con trai mới lớn lên cứ mở tròn mắt nhìn đời một cách ngây thơ vui thú, đôi khi sợ sệt. Khóc nhớ nhà, xưng em với cán bộ, reo hí hứng khi được thư... sao mà nó dễ thương lạ! Khi một đồng chí trẻ tuổi gục bên Thiết, anh căm tức điên người, như thấy ai đi bóp cổ một con chim non, bẻ một cây mới nhú hoa. Trận liền sau đó, với khẩu Bờ- ren vừa sức tay như tiểu liên, anh bắt địch trả nợ gấp đôi gấp ba. Rồi anh gọi một cậu giỏi chữ ra, bảo viết thư báo tin trả thù cho gia đình đồng chí kia biết: “Ề, có điều đừng nói tao bắn, cứ nói chung chung...”
Không làm như thế, lương tâm cắn rứt anh không chịu được. Thiết tưởng như tất cả gia đình họ hàng cậu con trai kia đều trách móc cái anh tiểu đội phó già đã không giữ được chồng con họ mà lại trơ mắt ếch không dám trả thù. Họ chửi là phải. Họ giao “cục cưng” cho Thiết để anh dạy nó đánh Tây cứu nước, chứ để nướng suông đi à?
Thiết lý luận theo lối ông giáo già như thế, và lần này anh vấp nặng. Trên không cho đánh thì trả thù thế nào? Cứ đi làm ruộng giúp dân với tuyên truyền kháng chiến mãi, thì Thiết bị chửi đến bao giờ mới thoát?
Mải suy nghĩ Thiết va phải Huy xuýt ngã dúi. Đến nơi đất mềm rồi. Thiết gượng nhẹ đặt An nằm xuống, đưa bàn tay vuốt tóc đứa em bất hạnh.
Tiến kỳ cạch lấy dao nậy từng hòn đá ong, moi huyệt. Lửa cà-boong chờn vờn trong rừng đêm. Đàn vạc đi ăn sau cơn bão kêu quang quác trên đầu.
Chôn An xong, bốn người trở về lều lúc tờ mờ sáng. Mặt đất rải kín lá tươi, cành gẫy. Vượn hú gọi đôi khi xa khi gần, tiếng hú dài càng về cuối càng đứt quãng, dồn dập thành tiếng nấc nghẹn ngào.
Hai con chim cu ướt cánh chui vào lều từ lúc nào, bay lạch bạch. Huy đuổi theo tóm được một, cười phá lên. Giá mọi ngày Thiết đã chỉnh cho cái tội to mồm lộ bí mật nhưng hôm nay ai cũng cười theo. Thiết muốn Huy cứ đùa nghịch suốt ngày cho đỡ buồn, đỡ nhớ An.
Nồi cháo nấu tối qua đầy ngập rác. Chỉ rổ măng còn ăn được. Tiến cũng đâm dễ dãi, cho phép Huy róm bếp nướng chim khi trời đã sáng. Anh lo lắng nhìn khói trắng cuồn cuộn bốc lên ngọn cây mấy lần định bắt dập lửa nhưng lại thôi. Mùi thịt chín thơm phức. Huy bi bô trong bếp như trẻ con nghịch lửa, thỉnh thoảng lại thò đầu ra ngoài: “Khặ-ặc! Ái chà khói!”. Khuôn mặt đỏ hồng, má tròn núng nính như con gái. Tiến nghĩ thầm: “Qua vài trận ốm mới giống lính Hạ- Lào”.
Huy mới 19 tuổi, học sinh, con nhà giàu mới vào bộ đội rất thèm bắn súng và chúa sợ làm ruộng rẫy. Tiến thường bảo Thiết: “Cậu chiều nó quá sinh hư”. Thiết chép chép miệng, giọng Quảng Nam hiền lành: “Hắn còn nhỏ dại, để lớn lên tôi kèm cho”. Tiến bật cười, nhắc qua loa mấy câu rồi để mặc.
Bữa măng thiếu muối hôm nay có con chim cu thêm vui chuyện. Mộc rủ rỉ nhắc đến quê mình vùng chài lưới, vô số cá nục thịt mềm và ngọt lừ. Huy khoe tài bà chị học trường nữ công nấu được tất cả các món Tây, Tàu nhiều lần cá thối nấu thành cá tươi. Tất nhiên là Mộc cãi.
Câu chuyện cá thối đang gay go thì một người hớt hải chạy vào, lấm bùn từ đầu đến chân: đồng chí trinh sát viên theo dõi đồn Núi-Quỷ.
- Thằng Rạng... đào ngũ vô đồn rồi!
Tiến đứng phắt dậy. Thiết đập tay xuống sàn, mấy cái bát dừa nhẩy lổng chổng:
- Vô khi mô?
- Chiều hôm qua. Cơ sở ngụy binh báo đích xác. Nó mang theo một trường Anh đầu bằng, với hơn ngàn bạc gửi cho trung đội mình. Tôi đi suốt đêm, trúng bão chút xíu nữa nguy... à, thằng Phủi con buôn vừa đi voi qua gần đây. Khả nghi lắm.
Tiến vơ nịt đạn thắt ngang lưng, hỏi vội:
- Cậu gặp Linh chưa?
- Rồi. Ảnh ra lệnh tiểu đội bên này rời kho vũ khí ngay, xong tập trung về thẳng chiến khu Pha-luông để kịp mai học quân sự theo đúng kế hoạch cũ.
- Chết chửa, sao lại tập trung? Linh bây giờ ở đâu?
- Ảnh về huyện chuẩn bị địa điểm cho trung đội. Ba tiểu đội bên kia cũng sắp sửa rút. Anh em thắc mắc sao lại bỏ trống cơ sở, ảnh nói có du kích bí mật lo bảo vệ.
Tiến đi qua lại mấy bước để trấn tĩnh. Tình thế rất nguy. Thằng Rạng dao động, giấu truyền đơn Pháp muốn đào ngũ đã lâu, nhưng Linh vẫn tin nó, giữ nó làm liên lạc trung đội, thậm chí cử nó về huyện lĩnh tiền. Được dịp, nó chuồn thẳng. Ở Việt Nam nó có thể đào ngũ về nhà, nhưng ở đây xa liên khu 5 hàng tháng đường núi, những thằng mất tinh thần thường tếch theo Pháp. Tuy vậy mất người, súng và tiền chưa phải là tai họa lớn lắm.
Cái nguy cơ chính là Pháp sẽ dí súng vào lưng thằng Rạng, bắt dẫn về tập kích đơn vị và bắt bớ cơ sở. Bộ đội dời lán và kho còn dễ, chứ cơ sở làm sao tránh kịp? Tất cả hội viên It-xa-la và anh em du kích bí mật vùng Hàng-rào, thằng Rạng biết đích danh. Phải lập tức tung bộ đội về các làng, báo động ngay. Nhưng Sơn-Linh lại ra lệnh tập trung rút về huyện, cầm bằng nhét cơ sở vào miệng cọp. Vùng Hàng-rào đến rơi vào tay địch mất. Mà lần này dứt khoát không giành lại được nữa!
Linh không quan tâm đến cơ sở, nên đã xử trí hoàn toàn sai.
Tiến dừng lại, băn khoăn. Huyện đã quy định chậm nhất là chiều hôm nay B.8 phải có mặt ở chiến khu để học lớp quân sự mười ngày.
Một mình Tiến có đương nổi trách nhiệm làm trái chỉ thị huyện và hủy bỏ lệnh của Linh không? Trong một loáng, anh thấy đôi mắt gườm gườm dễ sợ và cái giọng dằn hắt của đồng chí đại đội phó... Nhưng tình hình này không thể máy móc do dự. Chậm chạp là để cho địch bắt giết hết cơ sở. Dứt khoát trung đội 8 phải ở lại!
Tiến nhìn anh em, nói chậm và rõ:
- Các đồng chí biết tình hình rồi đấy. Tôi phân công luôn: tôi với Mộc sang ba tiểu đội bên kia. Mộc đi các tổ bên này. Phổ biến lệnh mới: hoãn học tập quân sự, lập tức phân tán ai về cơ sở nấy, báo cho anh em It- xa-la biết để lẩn tránh ra rừng, nắm du kích chặn các ngả đường. Cố giết cho được thằng Rạng là địch hết lùng. Thiết và Huy dời kho vũ khí xong bố trí đánh địch tại đây. Có lẽ nó vào đây trước tiên, vì ban nãy ta đốt khói nhiều quá.
Đồng chí trinh sát nheo mắt lo lắng:
- Lỡ các tiểu đội kia không nghe...
- Nhất định họ nghe. Họ cũng lo cơ sở không ai bảo vệ đấy.
- Nhưng mà... anh Linh đã quyết định...
Cơn giận Linh dồn ứ lại đến bay giờ mới nổ, Tiến nói như quát:
- Không quyết định bừa thế được. Rút quân như thằng Linh thì kỷ luật cả nút. Bốn tháng nay nó không thò đầu ra cơ sở... Thôi đi đi, nhanh không hỏng bét, địch xuống ngay cho mà xem!
Tiến lôi anh em ra đi. Thiết xé mảnh lá chuối rừng, gói vội nửa rá măng chạy theo ấn vào tay Tiến.
Hai giờ sau, tất cả cơ sở trong mười một làng vùng Hàng-rào đều được tin báo động. Đúng như Tiến phán đoán, thằng Rạng dẫn một đại đội Pháp ập vào Na-bua không bắt được ai, kéo vào lán bí mật của anh Việt xỏ tai bị chặn đánh. Súng nổ rền rền từng đợt như sấm đất, lúc thưa lúc nhặt, kéo dài hơn hai mươi phút.
Tiến luồn rừng trở về Na-bua gặp tổ Thiết, Mộc, Huy. Thiết cười hề hề, vuốt nòng Bờ-ren còn nóng: “Vét cả kho được có ba chục viên phải bắn phát một bọp xẹt. Ăn bốn thằng rồi!” Huy còn thất sắc, nhưng luôn mồm giục đánh nữa, đánh nữa.
Suốt ngày hôm ấy họ đi lùng Tây. Nhưng thằng Rạng cũng thạo địa thế không kém. Địch tan biến trong rừng, bất ngờ ập vào các làng rồi rút đi như chớp. Đuổi nhau trong rừng là một trò chơi ú tim chết người. Vòng lên mé trên Na-bua, Mộc bị một phát súng kíp tung mũ. Thì ra cậu Đeng ở Na-bua nghe súng nổ cũng hăm hở vác súng kíp đi lùng, thấy bóng mũ cao bồi là bắn luôn. Đeng nhập bọn chạy theo Tiến.
Đến xế chiều, cả năm người cùng mệt tướt, khắp người bết bùn. Mặt Thiết đã vàng như nghệ càng vàng thêm, hệt vỏ thị rụng. Huy cảu rảu vừa đủ nghe một mình: “Đánh chác gì, chạy vuốt đuôi như chó dại...”. Đến bây giờ Huy mới nhận ra đánh giặc đường rừng không khó, chỉ khó tìm ra địch mà đánh. Đeng ngồi bệt xuống một gốc cây: “Chịu thôi. Tôi về đây anh Tiến ạ!” Cả tổ dừng lại nghỉ.
Tiếng loạt soạt lốc cốc đến gần. Tiến dỏng tai. Trâu chăng? Một tiếng ho... Anh đứng chồm trên đôi chân tê dại, vẫy anh em luồn qua bụi rậm: “Băng lên phía Thông-nọi. Chạy nhanh!”. Gần làng Thông-nọi có một quãng độc đạo, địa thế rất tốt, địch nhất định phải qua.
Mộc hối hả vùi xong quả đầu đạn đại bác 75 ly trong lá khô vừa lúc ba trung đội “lính đỏ” kéo đến. Hàng ngũ nhếch nhác. Thằng đi đầu vác ngược cái máy dò mìn lên trời bước chếnh choáng. Địch cũng kiệt sức. Ngồi trên sườn đồi nhìn qua kẽ lá, Tiến thấy một cảnh mát lòng mát dạ: thằng Rạng cúi đầu lê từng bước, một tên Pháp đi sau chọc ba toong vào lưng nó, rít răng chửi. Áng chừng chửi thằng phản phúc, đưa ông lớn chui rừng mửa mật.
Tiến vỗ mông Huy, ra hiệu giật.
Oàng! Tặc-tặc-tặc... tặc-tặc-tặc... pách! Pùng!
Khẩu tôm-xông nhẩy bần bật trên tay Tiến, khạc đạn từng loạt ba viên một. Thiết bình tĩnh đổi khóa Bờ- ren, bắn từng phát, đếm như người tính tiền: “Trật! Trúng! Trật! Trật! Trúng!” Huy và Đeng lồng lên, hét xung phong đến đứt hơi, chổng mông cao hơn đầu tránh đạn địch bắn trả như vãi cát.
Mười phút sau, tiếng súng trên đỉnh đồi im hẳn. Đại đội lính đỏ ùa lên, đặt súng cối nã tới tấp vào rừng sâu. Tên quan hai Mắt-mèo đánh diêm châm bíp, cười khoằm qua hàng ria mép gọt mảnh kiểu Cờ-lác-Gáp. Hắn thầm khen bọn phiến loạn cao tay, chặn đúng được con đường ngoằn ngoèo rắn lộn của hắn.
Trong khi chờ băng lính bị thương, Mắt-mèo buồn tay chọc đầu can vào đôi mắt lộn tròng của tên đầu hàng. Tối qua suốt hai tiếng đồng hồ thằng Rạng lạy lục xin hắn cho về Sài Gòn ở với bố mẹ, nhưng vẫn không thoát bình điện quay. Mắt- mèo định dẫn quân đi bắt bọn It-xa-la bí mật xong sẽ tìm cách thủ tiêu ngọt cái thằng Việt-minh nhiều tiền này, lấy ngon hơn hai nghìn đồng tiêu riêng. Nó chết vì mìn Việt-minh lại càng ổn. Quái lạ, Việt-minh cũng có thằng tin lời hứa hẹn trong truyền đơn phòng chiến tranh tâm lý... Tiếc rằng quên không cho ghi danh sách bọn phiến loạn mới mọc mầm, để thằng Rạng quỷ ám này mang theo tất cả tài liệu xuống mồ.
Nghĩ đến mấy nghìn bạc hiện nằm gọn trong ngăn kéo bàn hắn, Mắt-mèo trở nên vui tính. Hắn dặn một tên quản bằng tiếng Lào khá sõi:
- Chôn thằng này cẩn thận một chút. Nhớ cắt hai tai đừng bỏ phí. Về đồn tao chứng nhận cho lĩnh tiền thưởng giết được Việt-minh.

 

Sau trận phá càn, B.8 hối hả tập trung kéo về huyện. Cuộc kiểm thảo giữa Linh, Tiến và chi ủy kéo dài đến hai giờ sáng.
Sơn-Linh có tài tự chủ ngay cả những lúc nóng giận nhất. Anh lạnh lùng vặn Tiến về nguyên tắc, những câu nặng như chì và sắc ngọt như dao cạo. Ngược lại Tiến mất bình tĩnh hẳn, máu bốc lên mặt, chồm chồm chực cãi tay đôi. Đại đội trưởng Lũy điều khiển buổi họp mấy lần nghiêm khắc chặn Tiến:
- Đồng chí Tiến, trật tự! Giữ đúng thái độ!
Tiến gạt mồ hôi lạnh trên thái dương, gườm gườm nhìn khuôn mặt chữ điền sần sùi mụn cá của Linh, nghe nhưng lời buộc tội rứt thịt:
-...Từ ngày về B.8 đến nay đồng chí Tiến vẫn luôn luôn chơi trội như thế. Đồng chí phá chính sách liệt sĩ, tự tiện lấy võng của An đem cho Mộc. Để làm gì? Để gây uy tín lẻ, lôi kéo anh em về phe mình. Rồi đồng chí nói xấu tôi, quát tháo trước mặt chiến sĩ: nào là thằng Linh quyết định bừa, nó không thò đầu ra cơ sở, nó bị kỷ luật, gì gì nữa không biết. Khách quan mà xét, tôi thấy đồng chí Tiến có ít nhiều khả năng và thành tích dân vận, do đó sinh kiêu căng, công thần, không coi ai ra gì...
Một đồng chí đến sau lẳng lặng ngồi vào góc tối. Lũy quay lại: “Báo cáo anh Mạc, chi ủy họp mở rộng”. Mạc xua tay ra hiệu nói khẽ. Mạc là ủy viên ban cán sự Hạ-Lào, phụ trách bí thư liên chi. Anh yếu phổi nên quanh năm sù sù khăn quấn cổ. Vóc cao gầy, mũi gẫy giữa và mắt sâu, trông tướng anh hơi dữ. Nghe Linh phát biểu một lúc, anh nhăn trán nghĩ ngợi, đầu gật gù.
Tiến tình cờ nhìn thấy Mạc gật đầu như tán thành Linh. Mạc với Linh là bạn đồng cấp từ năm 1946, đến nay vẫn chơi thân với nhau.
Anh nghĩ thầm: “Mình nguy rồi. Hỏng bét! Nhưng phải nói hết, chọi nhau một lần cạn tàu ráo máng rồi ra sao thì ra!”. Linh dứt lời. Hội nghị hơi xôn xao, nhiều người đưa mắt liếc nhau tỏ vẻ ngạc nhiên. Đôi người đang tươi tỉnh cũng nghiêm sắc mặt lại, để sắp sửa bước vào một cuộc đấu tranh tư tưởng khá gay go với Tiến, gay go vì đối tượng kiểm thảo phản ứng mạnh.
- Đồng chí Tiền bình tĩnh, để anh em phát biểu trước!
Chủ tọa vẫn nguyên giọng khô khốc, cho phép trung đội trưởng Sảnh nói. Sảnh mộc mạc hơn Linh, nhưng nhấn mạnh thêm: Tiến bất mãn với chính sách cung cấp, khinh cấp chỉ huy trục tiếp, mang thắc mắc lên thẳng đồng chi uỷ viên ban cán sự đòi giải quyết gạo.
Một đồng chí thứ ba phân tích khá dài về những diễn biến tư tưởng của Tiến ngày mới về Xây-thả-von: thiếu an tâm công tác, không muốn xây dựng cơ sở, thậm chí tìm mưu kế trốn về Việt Nam. (Một hôm vui chuyện, Tiến đã kể cho tất cả bạn nghe).
Trong không khí buổi họp có cái gì thay đổi. Hầu hết cán bộ có mặt đều biết Tiến hoặc nghe nói đến thành tích và ưu điểm của Tiến. Nhưng qua những ý kiến phát biểu đầu tiên, và thấy thái độ tiếp thu “thiếu thành khẩn” của Tiến, mọi người hình dung sự việc khác đi đâm ra phẫn nộ. Họ xem Tiến như một đảng viên không tôn trọng tập thể, thiếu tinh thần phê bình và tự phê bình Bôn-sê-vích, hay tệ hơn nữa như một bị cáo đang bướng bỉnh chực cãi lại tòa.
Bởi vậy, họ sẵn sàng phê phán thật nặng nề để Tiến giật mình hối lỗi, để tỏ tình thân yêu thật sự đối với một đồng chí chưa rõ sai lầm.
- Đồng chí Tiến phát biểu!
Tiến ngửng lên, mặt bơ phờ:
- Cho tôi nghĩ một lát đã.
- Được. Các đồng chí nghỉ mười phút.
Mạc vẫy Lũy ra một góc, thì thầm. Nhà họp vắng dần, anh em xuống suối uống nước. Hai tay bưng đầu Tiến ngồi thừ trước cái bàn tre, nhìn cái gì cũng thấy dài ra đuồn đuỗn.
Tiến không hiểu họ thù ghét gì mình, lại đem bóp méo sự việc và suy diễn ra đủ chuyện dễ sợ.
Hay là Tiến quá hỏng mà không tự biết? Nhưng nếu cúi đầu nhận lỗi để được tiếng thành khẩn, thì sửa chữa thế nào bây giờ? Đầu óc bung bung, Tiến muốn nghĩ để phát biểu mà không nghĩ được. Nói bậy chỉ tổ gây ác cảm, thôi đành im lặng ngồi nghe.
Buổi họp lại tiếp tục.
Một trung đội phó lên tiếng. Đồng chí này không thân với Tiến, nhưng thường nghe anh em B.8 khen người cán bộ trẻ. Anh thuật lại những dư luận ấy không thêm, không bớt, không bình luận. Hội nghị lặng im, hầu như lúng túng. Không ai cho anh nói dối, nhưng sao lại mâu thuẫn đến thế?
Chủ tọa nhường lời cho Mạc. Anh đứng dậy. Ánh cà- boong vờn trên cái mũi gẫy, đào sâu đôi mắt trũng thường xuyên đói ngủ. Mạc được chiến sĩ mến vì luôn luôn tìm hiểu và giúp đỡ họ một cách thực sự và chân thành, khác hẳn với những cán bộ chỉ chuyên lấy câu bỡn cợt vai vế với chiến sĩ để được tiếng “bình dân”, hoặc gặp ai cũng sâu sát bằng mấy câu cửa miệng: “Đồng chí khỏe chứ? Dạo này ra sao?...” Tuy vậy chung quanh Mạc cũng lắm tiếng xì xầm: “Ông Mạc tu ép xác - người như gỗ đá - nguyên tắc bỏ mẹ...”. Trong nhận xét của cán bộ dưới đối với Mạc có rất nhiều chỗ trái ngược.
Tiến không còn lạ gì Mạc là “cánh hẩu” của Linh. Anh đợi Mạc nói như đợi tòa tuyên án.
- Tôi xin phát biểu ngắn gọn vì sắp phải đi. Tôi đề nghị chúng ta nắm lại trọng tâm kiểm thảo hôm nay: “Trong hoàn cảnh thằng Rạng đào ngũ, với trách nhiệm của B.8 gây cơ sở vùng Hàng-rào, đồng chí Linh ra lệnh rút bộ đội, đồng chí Tiến quyết định giữ bộ đội ở lại cơ sở. Ai là người giải quyết đúng?” Vấn đề là như thế, chứ không phải là kiểm thảo cá nhân một đồng chí nào, đúng thế chứ đồng chí Lũy? (Lũy sượng sùng gật đầu). Một vài đồng chí góp ý xây dựng cho đồng chí Tiến. Như thế cũng tốt, nhưng nên để vào buổi họp khác, chúng ta sẽ xây dựng chung cho cả đồng chí Linh và những đồng chí khác nữa.
Sau khi Mạc ra về, cuộc kiểm thảo trở nên nhẹ nhàng thoải mái không ngờ. Do lời buộc tội vùi dập của Linh, sự vụng về của chủ tọa và cả thái độ nóng nẩy của Tiến nữa, vấn đề đưa ra đã bị rối rắm hẳn đi, bây giờ mới gỡ ra mối.
Giọng chủ tọa tươi hơn ban nãy. Anh luôn luôn nhắc lại như sợ mình quên: “Yêu cầu hội nghị xoáy vào trọng tâm”. Lại đưa mắt khuyến khích Tiến phát biểu.
Trong khi ấy Tiến ngạc nhiên nghe các đồng chí khác tiếp lời nhau bào chữa cho mình rất tách bạch. Chỉ trừ Linh đang làm ra vẻ lơ đãng nhổ râu và sờ sờ tay nặn mụn trên mặt, còn ai cũng thừa nhận Tiến xử trí hoàn toàn đúng.
Tiến phát biếu cuối cùng, khi đã thật bình tĩnh. Không nhắc lại ý kiến chung, anh chỉ nói vắn tắt về mình:
- Khi tôi mới về đây, thú thật là tôi rất chán công tác dân vận, không muốn đi gây cơ sở. Nhưng dần dần tôi nghĩ: Mình có khả năng và kinh nghiệm, không làm thì bỏ cho ai? Nhiệm vụ quốc tế, mình sang giúp Lào làm cách mạng... (Có tiếng cười khẽ. Tiến dằn từng chữ, nhắc lại như thách thức)... Mình làm nhiệm vụ quốc tế của Đảng giao cho, nhân dân Lào cần việc gì mình phải làm việc ấy. Do đó tôi cố gắng công tác. Nhưng đồng chí Linh bỏ mặc cơ sở, chả thèm ngó ngàng đến. Đồng chí bảo tôi nịnh cấp trên. Tôi không nịnh ai cả, tôi thấy đúng tôi mới làm. Nhiều lần đồng chí Linh tỏ ý không muốn tôi ở B.8 nữa. Tôi cũng muốn xin đi nơi khác. Ở chung với đồng chí Linh, tôi không chịu được cái lối giữ miếng, đối phó từng tý của đồng chí ấy. Đề nghị cấp trên cho tôi sang đơn vị khác. Báo cáo hết!
Buổi kiểm thảo tạm ngừng.
Tiến ra về, suốt đêm không ngủ được. Anh nhớ rất rõ ngày mới về B.8 với niềm hy vọng to lớn nó chắp cánh cho người và lòng tin yêu đối với Sơn-Linh. Ai ngờ đến nay Tiến phải rời B.8 trong hoàn cảnh lạ lùng như thế này!
Mấy đêm tiếp sau đó chi uỷ họp riêng. Tiến không được dự, càng tin chắc họ họp để nghe Linh và xét tội anh. Sau mỗi buổi họp, Linh về càng cáu kỉnh hơn, râu quai nón tua tủa không buồn cạo.
Mười ngày học tập chiến thuật “ba mạnh” đã qua, trung đội 8 chuẩn bị trở về vùng Hàng-rào giúp dân gặt mùa và chống cướp thóc. Bất ngờ có điện báo của khu điều động Linh trở về khu bộ và chỉ định Tiến phụ trách trung đội trưởng B.8. Người ngạc nhiên nhất lại là Tiến. Về sau anh mới biết đó là kết quả những đêm chi uỷ họp kiểm thảo Linh.
Tin ấy làm trung đội 8 xôn xao. Cũng như mọi lần thay đổi chỉ huy, anh em thăm dò thái độ “bác” Thiết trước tiên. Một lời khen hay chê của Thiết thường có ảnh hưởng lớn đến uy tín cán bộ. Thiết gãi tai, trâm ngâm một lúc rồi mỉm cười, gật gù: “Được đấy!” Sau đó anh em không bàn tán gì về đồng chí trung đội trưởng mới nữa.
Riêng Thiết còn một nỗi băn khoăn. Đợi đến hôm trung đội nghỉ một buổi tắm giặt trước khi về cơ sở, anh mới gọi Huy mang giấy bút ra một góc vắng:
- Mi viết thơ về gia đình thằng An, kể lại cái hôm đánh ở Na-bua nghe. Nói rõ là trả thù cho hắn... Ề, có điều đừng nói tao bắn hay ai bắn, cứ nói chung chung...
Viết chữ trên giấy là một công việc nặng nhọc bậc nhất theo ý Thiết. Vì vậy anh đã chuẩn bị chất động viên Huy: một chục kẹo xanh đỏ bọc giấy bóng, món quà của thằng bạn trinh sát đường 13.