PHẦN 4
CHƯƠNG 23

     uyết định bất ngờ của thiếu tá Nghĩa trước toà gây ra nhiều dư luận xôn xao trong dân chúng (Nghĩa nhường lại ba gian nhà mái bằng trên nền từ đường họ cho Hạnh). Dư luận cho rằng đây là lòng độ lượng của anh đối với Hạnh. Đây là sự đền bù xứng đáng cho người phụ nữ mà người ta gọi đó là "đền bù tuổi xuân". Giải quyết ly hôn với Hạnh xong, Nghĩa đùng đùng quyết định đưa mẹ lên tỉnh ở. Bà Khiên bàng hoàng về quyết định bất ngờ của con trai. Nhưng dù sao bà vẫn phải theo con trai độc nhất của bà lên tỉnh. Nghĩa là chỗ dựa cuối cùng của đời bà. Nghĩa chỉ mang theo có quần áo, chăn màn và một số thứ phục vụ cho đời sống riêng hàng ngày của mẹ. Những người không hiểu rõ tâm trạng bà lại khen "Đời bà bây giờ sướng rồi, được lên tỉnh là nhất. Tiếc gì nơi đồng đất tối tăm này". Bà Khiên đâu có tiếc cái cơ ngơi nhường cho con Hạnh. Bà bỗng thấy hẫng hụt mất mát đi cái gì đó vô cùng lớn, lớn gấp trăm vạn lần ngôi nhà. Cuộc đời bà bao nhiêu năm về làm dâu họ Nguyễn củng chẳng sung sướng gì. Phần nhiều là cực nhọc đau khổ nhưng đấy lại là máu thịt của bà, mồ hôi và nước mắt của bà đã thấm sâu vào mảnh đất tổ tiên này. Giờ bà dứt áo ra đi theo con trai sống nơi thị thành rồi sẽ ra sao? Bà thấy rõ con trai bà đã đầu hàng chạy trốn quê cha đất tổ, chạy trốn bổn phận trưởng tộc "Thằng Nghĩa đã bán rẻ từ đường họ và mảnh đất tổ linh thiêng cho con đàn bà họ Vũ - kẻ thù của cụ tổ". Lời rủa của ông Xung tối hôm qua khi thằng Nghĩa trao lại cho ông chiếc rương của tổ cứ ám ảnh bà mãi. Bà lập cập bước lên xe và bật khóc hu hu. Ông Xung tay cầm gậy đứng trên thềm nhà nhìn hút theo chiếc xe jép của mẹ con Nghĩa lao vút trên đường làng cuộn lên một vệt bụi bay mù mịt.
Ông Xung bỗng lạnh sắc mặt, chọc gậy lộc cộc trên thềm nhà cao giọng:
- Nguyễn Xung này còn sống ngày nào thì con Hạnh đừng hòng ở được mảnh đất từ đường họ Nguyễn.
Hạnh biết mình không bao giờ sống nổiổtong ba gian nhà trên đất tổ họ Nguyễn khi đã li hôn với Nghĩa. Bao năm nay Hạnh đã huỷ hoại cuộc đời  mình trên mảnh đất linh thiêng đó rồi. Hạnh chỉ ân hận mẹ con Nghĩa phải bỏ nhà ra đi là vì Hạnh. Ly hôn với Nghĩa, Hạnh hy vọng Nghĩa sẽ xây dựng lại hạnh phúc trên mảnh đất ông cha, ai ngờ mẹ con anh lại bỏ cả nhà cửa dòng tộc mà đi. Hạnh cảm thấy như chính mình đã gây nên tội lỗi.
Ngày tháng trôi đi, ngôi nhà Nghĩa để lại cho Hạnh vẫn đứng trơ ra đấy không ai ở. Suốt ngày cửa đóng  im ỉm như ngôi chùa, vườn tược cây cối xơ xác. Thi thoảng tối đến Thím xeng mới mở cửa thắp hương cúng khấn. Mỗi khi đi ngang qua, Hạnh không dám nhìn, nó như mũi gai đâm nhói vào tim Hạnh. Nó là vết thương đau đớn của cả gia tộc họ Nguyễn, nó luôn mang một mối hận âm thầm giống như cuộc đời cô độc của Hạnh. Cánh cửa đã có chỗ nứ nẻ, trên tường trẻ con lẻn vào vẽ bậy lên đủ mọi hình thù kỳ dị. Đã một lần Hạnh gợi ý chú Vạn nên về đây ở trông nom, chú Vạn gắt lên bảo "Tao không thèm"
Đúng là chú Vạn không thèm tơ hào tới ngôi nhà trên mảnh đất của tổ. Chú đã tình nguyện ra trông vườn ươm cây cho các cụ. Từ ngày lò vịt của hợp tác xã phá sản, ban quản trị đã trao cho đội trồng cây của các cụ khu đất này làm vườn ươm cây giống. Khu Vườn ươm đủ loại cây giống, phi lao, bạch đàn, xoan, nhãn, vải. Dấu tích duy nhất còn lại của khu lò vịt là ngôi nhà tường đất từ cái thời chi đoàn thanh niên làm cho vợ chồng Hạnh. Đã mười tám năm, ngôi nhà vẫn đứng đó, nó mới chỉ sửa sang lơp lại mái vài ba lần. Trong đội trồng cây của các cụ chỉ có mỗi mình chú Vạn ra trông coi vườn ươm là thuận lợi nhất. Với lại Nguyễn Văn tình nguyện ra đây vì Vạn đang ghét cay ghét đắng gia đình mụ Hơn. Mụ Hơi tẩm bổ nhiều chất bổ nên khi đẻ phải mổ mới lôi được thằng cu nặng những bốn cân. Không biết thằng bé nó là gịt máu của thằng mất dạy nào mà quấy khóc choe choé suốt đêm. Người bảo trông thằng bé giống tay hoạn lợn trên Hồi, người lại đoán thằng bé na ná ông thợ đóng cối xay làng Hạ. Các cụ trong đội trồng cây còn xui dại chú Vạn, nếu không thằng nào nhận thì chú nhận béng là xong, được cả con lẫn mẹ chằng phải lo chuyện trầu cau cưới cheo gì hết. Chú Vạn bảo "Không thèm". Nguyễn Vạn tức lắm. Chẳng lẽ Nguyễn Vạn mà lại lăng nhăng với dòng giống địa chủ. Đã thế mụ Hơn lại được thể, hơi một tý mụ bế thằng bé đến nhờ Vạn bế hộ để mụ tranh thủ đi giặt giũ. "Cha sư bố con trai con dâu, cấm có nhờ và nó được. Em nhờ bác bế giúp thằng cu hộ em". Mụ nói và ấn ngay thằng bé vào lòng Nguyên Vạn, rồi bỏ chạy. Thế là Nguyễn Vạn đành phải ngồi bế con cho mụ. Có lần Vạn từ chối không bế con cho mụ, mụ lừ  mắt, Vạn đã sợ. Vạn sợ cái "phốt" ấy đấy, cái phốt Vạn trót sờ tý mụ hôm mụ sang xin muối. Bây giờ không chiều mụ, điên tiết mụ nói ra cả làng biết thì xấu mặt. Bây giờ ra ở hẳn trong ngôi nhà vườn ươm Vạn như trút được món nợ với mụ Hơn. Nếu còn ở gần mụ Hơn ắt sẽ có ngày mắc với mụ ấy thì khốn cả một đời...
Ngồi nhà vườn ươm yên tĩnh, thoáng mát, không khí trong lành. Sáng dậy mở mắt ra đã thấy cả một màu xanh ngắt của cây non thấm đẫm sương đêm. Ngày nào nóng bức, Vạn chỉ việc cởi chiếc áo quẳng lên giường lao xuống Bến Không Chồng tắm. Nguyễn Vạn cứ ngỡ như mình được sang một thế giới khác. Tâm tính Vạn cũng thay đổi. Về đêm Nguyễn Vạn cảm nhận thấy nơi đây hoàn toàn hoang dã không một ai trên đời này còn biết đến Nguyễn Vạn. Người làng Đông hầu như đã quên Nguyễn Vạn vì lâu nay họ không còn nhìn thấy dáng dấp thập thễnh của Vạn bước trên đường làng, la cà vào các gia đình uống nước như trước nữa. Khu vườn yên tĩnh của Nguyễn Vạn được ngăn cách bởi thế giới sôi động bên ngoài bằng hàng rào tre cắm thành hình mắt cáo. Chiều chiều từng trâu nghé, bò bê đến lũ trẻ con, người già, con trai con gái dắt nhau ra Bến Không Chồng tắm. Sự cuốn hút của bến sông khiến chẳng ai còn biết nơi đây còn có Nguyễn Vạn đang sống. Họ mải nhỏn nhơ vui thú với nước với gió sau ngày làm việc mệt nhọc. Vạn không cố tình để ý nhưng mọi diễn biến trên bến vẫn đập vào mắt Vạn. Khổ nhất là bọn đàn bà con gái lại hớ hênh phơi cái phần da thịt trắng hớn ra giữa trời đất. Gặp cảnh này, Vạn lại nhảy vào giường vật mình, vật mẩy và nhận ra mình là kẻ hư hỏng quá lắm. Ngày tháng trôi đi Vạn vẫn sống trong thế giới riêng vừa cô đơn vừa sống động.
Đến bây giờ Vạn mới thấy tiếc mình không lấy vợ sớm. Xưa nay có mấy khi Vạn nghĩ đến bản thân mình. Đến như bữa ăn hàng ngày của Vạn cũng cực kỳ đơn giản rau mắm qua ngày. Không mấy khi vạn phải đi chợ. Tới bữa, Vạn chỉ việc sà xuống cánh đồng mầu là có ngay đọt rau lang rau đậu, lao quá ra cánh đồng nước là có ngay mấy chú cua đồng về nấu canh. Ngày hai bữa Vạn chỉ có niêu cơm niêu canh thì đáng là bao...
Ngày tháng trôi đi. Giờ đây nhiều lúc Vạn quên béng mình đã từng là một quân nhân. Cái thời oanh liệt trên chiến trường Điện biên và cái thời đêm đêm một mình vác súng ra nằm trên trốc lò gạch săn máy bay Mỹ bay thấp đã xa lắc xa lơ. Nhưng thi thoảng có lúc nào nghĩ đến, ánh hào quang một thời chỉ sáng loé lên trong tâm trí Vạn như ngôi sao băng qua trời đêm rồi vụt tắt. Kỷ vật duy nhất của cái thời ấy còn lại là những tấm huân chương nằm im lìm trong chiếc túi bạt treo ở góc nhà và một chiếc áo lính đã rách nhưng Vạn vẫn cố giữ lấy nó vá đi vá lại không biết bao nhiêu lần. Đi đâu Vạn cũng thích khoác chiếc áo lính ấy như muốn nhắc nhở người làng Đông hãy nhớ tới Vạn là ai. Tụi trẻ con thì chúng vô tâm vô tính, chúng dám bảo Vạn quẳng mẹ nó chiếc áo vá ấy đi. Thiếu tá Nghĩa biết tính chú Vạn, hôm rời làng Đông lên tỉnh còn cho chú đôi giầy bộ đội cao cổ mới tinh, Vạn vẫn còn để đó.
 Ngày hai bảy, tháng bảy năm nay xã lại tổ chức gặp mặt các thương binh và gia đình liệt sỹ vào lúc bốn giờ chiều tại văn phòng uỷ ban. Vạn nhìn mặt trời, đoán lúc này chừng ba giờ. Vạn cởi quần áo lao xuống Bến Không Chồng tắm cho mát rồi vào nhà mặc bộ quần áo mới và không quên lấy huân chương ra đeo. Trời hơi nóng nhưng Vạn vẫn đi đôi giầy bộ đội Nghĩa cho. Những ngày này đối với Vạn vẫn thiêng liêng lắm. Từ bờ sông bước lên cầu Đá, Vạn thấy trong người rạo rực. Trước cửa uỷ ban, người ra vào nhộn nhịp. Vẫn là những gương mặt mọi năm nhưng mỗi năm một già đi. Trong số anh em thương binh đa phần bị thương vào thời đánh Mỹ. Người mất một mắt, người cụt tay, người cụt chân cũng lọc cọc chống nạng đến. Số cựu chiến binh chống Pháp, riêng Nguyễn Vạn là có nhiều huân chương nhất. Trong hội trường uỷ ban kê hai dãy bàn bày bánh kẹo, thuốc lá rượu chanh và có cả hoa nữa. Được trân trọng ngồi bàn đầu, Nguyễn Vạn nhìn thấy mẹ Hạnh ngồi mãi cuối phòng với nét mặt buồn rười rượi, dáng gày xọm đi như bà lão! Chị ấy buồn cho con Hạnh bỗng nhiên lại dở tính, thỉnh thoảng lại lẻn đi chơi khuya. Hôm gặp Vạn, nó đang cười hơ hớ bỗng tu lên khóc. Người làng Đông kháo nhau trông mắt con Hạnh lúc trắng dã lúc đỏ ngầu như có ma ám. Vạn nghe mẹ nó bảo tính con bé thay đổi từ cái lần nó cùng con Thắm mò lên tận Hà Đông hỏi tin thằng pháo thủ. Rõ khổ cả con Thắm, bao nhiêu năm nay, một mình nuôi con ngong ngóng chờ thằng pháo thủ về. Lúc nào nó cũng nơm nớp chỉ lo thằng pháo thủ chết trận không trở về với mẹ con nó nữa. Thằng pháo thủ không chết. Nó được về ngay từ ngày mới giải phóng và dẫn luôn cả gia đình vào ở hẳn trong Nam mà không thèm thông tin gì cho mẹ con cái Thắm. Dân làng kháo nhau nghe đâu nó kiếm được cô vợ con nhà tư sản. đời rõ bạc vậy. Nguyễn Vạn dốc nốt chén rượu đến ngồi xuống cạnh anh Thành:
- Thành này, Vạn vỗ vai Thành. Trong hai đứa, con Dâu, con Thắm ưng  đứa nào mày cưới cho cái làng này bớt buồn.
- Chú vạn, chú say rồi. Anh Thành ái ngại nhìn chú Vạn - Đến như ông Ba Chương giàu có vậy các cô ấy còn chê. Cháu là cái thằng mặt nửa người nửa ngợm thế này. Bố ơi, bố chẳng biết gì cả - Anh Thành ghé sát vào tai Vạn - Cô Thắm cô ấy vẫn còn say anh chàng thợ ảnh, còn cô Dâu hồi này theo phật cùng các cụ đi lễ chùa rồi.
- Thế à? Chúng nó nghĩ quẩn mất rồi.
Đã lâu lắm, nay mới lại uống rượu, Nguyễn Vạn thấy lâng lâng bước liêu xiêu trên bờ sông. những áng mây hình ông lão thoắt biến thành hình con bò, con chó, chờn vờn quanh ông mặt trời đỏ ối phía chân trời. Dòng sông thoáng hồng lên ráng đỏ hoàng hôn. Có tiếng chân bước vội phía sau. Vạn quay lại nhận ra con Hạnh đứng sững ngay trước mặt.
- Chú Vạn hôm nay ra dáng oai nhỉ? Hạnh cười hơ hớ mắt nhìn xoáy vào những tấm huân chương trên ngực chú Vạn. Nguyễn Vạn nhìn trong mắt con Hạnh vằn lên những tia màu đỏ. Chả lẽ trong người nó lại có ma. Rõ ràng Vạn nghe tiếng cười của nó cũng là lạ, man dại. Trông dáng điệu nó háo hức phởn phơ nhảy nhót trước mặt Vạn.
- Tối rồi mà mày đi đâu đấy hả Hạnh? - Vạn hỏi.
- Đi tắm... hơ hớ đi tắm... đi tắm....
Nó nói và nhẩy nhâng nhâng ra Bến Không Chồng. Vạn nhìn theo bóng nó nhoè đi rồi mất hẳn trong màn đêm. Nguyễn Vạn mở cửa ngôi nhà vườn ươm mò mẫm tìm diêm thắp đèn. Trời oi nồng, khu vườn im phăng phắc. Nguyễn Vạn cởi giày ngả lưng xuống giường. Có tiếng sấm dậy lên. Trời mưa giông. Nguyễn Vạn thấy giần giật trong người, mặt nóng bừng, hai thái dương giật thon thót vì men rượu bây giờ mới ngấm. Gió bỗng nổi lên, ngoài Bến Không Chồng nước sông vỗ oàm oạp và mưa đổ xuống rào rào. Một luồng chớp sáng loé qua khe cửa, ngọn đèn phụt tắt. Có tiếng hét và tiếng bước chân chạy rình rịch. Cánh cửa bỗng mở toang, bóng một người đàn bà ào vào lao tới giường ghì lấy Vạn.
- Ôi nó đấy... Nó đấy! - Người đàn bà khẽ thốt lên.
- Cái gì?
- Nó! Con ma mặt đỏ.
Nguyễn Vạn bàng hoảng cả người không hiểu mình mơ hay tỉnh. Men rượu vẫn nung nóng trái tim cô đơn làm tâm trí Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn. Sự ham muốn của Nguyễn Vạn lần này còn mãnh liệt hơn lần Vạn chạm vào ngực mụ Hơn. Trong cái đêm  mưa gió mịt mùng này Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà. Lần đầu tiên trong đời Vạn thấy sung sướng cực độ và quên hẳn mình. Mưa gió vẫn ràn rạt ngoài cửa... Bến Không Chồng âm vang trong đêm. Phút giây thần tiên đi qua và Nguyễn Vạn cảm nhận rõ tên tuổi mình cũng đi qua. Nguyễn Vạn không còn là Nguyễn Vạn nữa khi nhận ra người đàn bà đang nằm rên xiết trong vòng tay mình chính là Hạnh. Hai mươi lăm năm nay Vạn đã yêu thương nó bằng tình cảm của người cha. Đến như mẹ nó Vạn còn không dám. Vạn sung sướng khi hai mẹ con Hạnh được hạnh phúc. Vạn đau khổ khi hai mẹ con Hạnh gặp hoạn nạn. Vạn đi bên hai mẹ con Hạnh gần trọn một cuộc đời mình, ai ngờ cái cuộc đời bất hạnh đã xô đẩy Hạnh vào vòng tay của Vạn. Có lẽ trong lúc tuyệt vọng, con Hạnh đã nhận ra trên đời này chỉ có Vạn là người đàn ông duy nhất hiểu và yêu thương nó.
Ôi con người khốn khổ đáng thương. Hạnh thảng thốt kêu lên - đừng sợ sẽ chẳng ai biết đâu. Chả lẽ cháu lại không mang lại niềm vui cho ai? Chả lẽ mọi người đàn bà không có con đều bỏ đi?...
Mãi tới lúc này Nguyễn Vạn mới cảm nhận thấy mọi tinh hoa của Hạnh đã đem lại cho cuộc đời cô độc của Vạn những phút giây sung sướng.
Qua cái đêm giông bão của cuộc đời, Nguyễn Vạn không còn dám nhìn vào bất cứ ai ở làng Đông, Vạn tự thấy xẩu hổ với cả những đứa trẻ con tý teo. Ngày đêm thu mình trong ngôi nhà trên vườn ươm, với bao ý nghĩ vò xé trái tim Vạn. Bây giờ Vạn mới tỉnh ra qua cơn say và thấy hối tiếc đã đánh mất đi tình cảm thiêng liêng trong sáng ở cả hai mẹ con Hạnh. Nguyễn Vạn đã tự vùi dập đi niềm kiêu hãnh của mình với dân làng Đông. Vạn tử xỉ vả mình và thấy ngực nhói đau muốn cầm thanh củi chọc thẳng vào tim kết thúc mọi chuyện. Nhục! Nhục nhã quá! Tồi tệ hơn cả lão Xung và mụ Hơn. Vậy mà bao năm nay, trong suốt cả cuộc đời Vạn cứ đinh ninh tin tưởng vào phẩm gía của mình, phẩm giá của người chiến sĩ Điện Biên. Giờ đây thế là hết! Vạn tưởng tượng rõ thấy mình là kẻ khốn nạn, xa đoạ, huỷ hoại cả cuộc đời tiết hạnh của Hạnh. Cũng từ cái đêm giông bão ấy, Vạn cảm nhận thấy Hạnh  muốn xa lánh Vạn. Vạn thấy xót xa thương nó vô cùng. Nó thật là tốt, muốn mang lại niềm vui cho vạn. Tiếng nó thổn thức trong cái đêm ấy lúc nào cũng réo rắt bên tai Vạn.
Suốt ngày hôm nay Vạn cứ luẩn quẩn ra vào không yên. Trời đã nhá nhem tối, Vạn mới chợt nhận ra mình vẫn chưa nấu cơm. Vạn lập cập cầm cái niêu con ở góc nhà, bốc nắm gạo đổ nước vào vo rồi đặt lên bếp nhóm lửa. Ánh lửa hắt sáng cả gian nhà và Vạn nhìn mãi ngọn lửa lem lém trùm kín quanh niêu cơm. Đang đăm đăm nhìn vào ngọn lửa rừng rực thì Hạnh đến. Vạn ngỡ ngàng thấy Hạnh ôm một bọc nhỏ lẻn vào đứng sững trước cửa. Vạn linh cảm thấy như có một tai hoạ gì đó sắp xảy ra. Khuôn mặt tái ngắt và ánh mắt lo âu của Hạnh nhìn xoáy vào Vạn. Bất chợt Hạnh lao tới ngồi sụp xuống nắm chặt lấy tay Vạn làm Vạn bàng hoàng.
- Hạnh! Đừng... đừng đến đây nữa! Đừng bao giờ đến đây nữa! Bây giờ tao là kẻ khốn nạn... Khốn nạn!
Căn nhà bỗng lặng đi. Vạn nghe rõ tim mình đập nhanh và tiếng củi khô nổ tí tách trong bếp lửa. Niêu cơm trào ra một lớp bọt sôi sùng sục. Từ trong sâu thẳm Vạn nghe tiếng nói của Hạnh thảng thốt:
- Cháu sẽ đi! Cháu đi khỏi làng này. Đi ngay bây giờ và mãi mãi không bao giờ trở lại. Cháu đến để vĩnh biệt chú.
- Hạnh! Hãy tha lỗi cho chú, chú đã có tội với cháu. Cháu không phải đi đâu hết. Đời cháu còn dài. Cháu phải ở lại đất này. Cháu còn có mẹ...
Chới với hoảng hốt trước cái quyết định bất ngờ của Hạnh, Vạn nhìn hút theo bóng Hạnh loạng choạng lao vút ra cửa chìm trong bóng tối đen đặc. Vạn run rẩy bám vào khuôn cửa, mắt nhìn sâu vào màn đêm mênh mông và bỗng nhận ra tội ác của mình còn lớn hơn nhiều. Chính Vạn là người đã cưu mang Hạnh và chính Vạn cũng là người đẩy nó vào con đường cùng, phải bỏ làng ra đi. Nó đi đâu? Câu hỏi cứ váng vất trong đầu làm Vạn hoảng loạn chạy ra Bến Không Chồng, bỏ mặc niêu cơm trên bếp lửa cháy rừng rực. Tâm trí Vạn u mê mò mẫm theo mép nước. Mặt sông đen sẫm, lóc bóc tiếng cá quẫy. Vạn cứ ngỡ cái Bến Không Chồng đã nuốt chửng mất Hạnh. Vạn cứ đi, cứ lần mò mãi trong đêm. Lần đầu tiên trong đời, Vạn thấy một nỗi lo sợ khủng khiếp.