CHƯƠNG 23
Sắc Màu thời gian

     inh thự nhà thương gia Đức Cường hồi này nườm nượp khách ra vào. Hai mẹ con chị Thu Cúc và ông bà Đức Cường luôn bận rộn tiếp khách. Bạn bè cùng hoạt động với chị Thu Cúc, các nhà báo, nhà văn lũ lượt đến viết bài, đưa tin, chụp ảnh ca ngợi ông bà Đức Cường. Chưa bao giờ ông bà Đức Cường lại thấy tự hào, hạnh phúc như ngày này. Mải say sưa với niềm vui, đôi lúc ông bà quên khuấy chuyện buồn phiền của con cái.
Ban ngày ông Đức Cường bận giao lưu bạn bè tiếp khách, đêm về phòng riêng nghe vợ than phiền về Thương Huyền lòng ông lại lo lắng không yên. Nó vẫn âm thầm lạnh lùng như chiếc bóng trong phòng riêng, không chịu tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tuy không nói ra nhưng ông Đức Cường quá hiểu tâm tính Thương Huyền, nó là đứa kín đáo, sâu sắc, không dễ hoà nhập với đời sống mới. Bề ngoài ông cố tình tạo ra không khí vui vẻ để các con ông bớt mặc cảm với chính quyền cách mạng. Nhưng trong sâu thẳm ông vẫn nặng nỗi ưu tư về cảnh ngộ gia đình mình. Chị Thu Cúc hồi này luôn than phiền với ông bà Đức Cường về Thương Huyền không chịu hoà nhập với cuộc sống mới. Chị Thu Cúc trách ông bà đã quá nuông chiều con gái. Phải có biện pháp cứng, cắt hết các khoản chi tiêu, buộc Thương Huyền phải tự lo lấy bản thân. Không đi làm lấy gì mà ăn. Không biết làm ăn gì, sau này ông bà về già, ai lo được cho mẹ con cô ấy. Lời chị Thu Cúc thực tế đến tàn nhẫn.
 Chị Thu Cúc còn khuyên bảo Thương Huyền nên tình nguyện cùng con Ngọc Lan đi vùng kinh tế mới “Cô đi kinh tế mới không phải vì miếng ăn. Chế độ mới khác với chế độ cũ lá ở đó. Sống không chỉ nghĩ đến miếng ăn. Phải biết đồng cam cộng khổ chung lưng đấu cật với giai cấp vô sản, với những người lao động nghèo khổ. Đời cô đã vậy, cô phải nghĩ cho đời con cô. Cô có “cái chính trị” thì con cô sau này sẽ được mở may mở mặt. Giờ cô chịu vất vả, Con Ngọc Lan sau này nó cám ơn cô”
Vì con Ngọc Lan, Thương Huyền đành chấp nhận đưa nó lên vùng kinh tế mới hi vọng gặp Hoàng Kỳ Nam. Lúc ra đi ông bà Đức Cường ôm mãi con Ngọc Lan, trong lòng.
- Ông bà nhớ cháu lắm, nhưng cháu phải đi với mẹ. Ông Đức Cường muốn khóc mà miệng vẫn phải cười. Cháu phải được ở gần mẹ, gần những người lao động thì đời cháu sau này mới khá lên được.
Ông Đức Cường nhận thức sâu sắc điều này. Xưa nay ông luôn là người nhạy cảm. Ông quá thương con gái, nhưng đành phải động viên nó ra đi vì tương lai của hai má con nó. Nó phải tránh xa vợ chồng ông may ra mới thoát khỏi tai tiếng con nhà tư sản. Nó phải trải qua cuộc sống lam lũ trên rừng mới hy vọng đổi đời. Giá nó có chồng con đàng hoàng thì con gái theo phận nhà chồng sẽ tách bạch được cái thành phần tư sản xấu xa. Khổ nỗi số kiếp nó dở dang đành chịu mãi tiếng tăm của bố mẹ- tiếng tăm nhà tư sản Đức Cường quá lớn, đã làm khổ ông, làm khổ các con ông....
Niềm vui tự hào của ông qua đi quá nhanh. Tin buồn về hai nhà máy kinh doanh liên tiếp thua lỗ có nguy cơ phá sản. Cả hai nhà máy tuy không còn là của ông nữa nhưng dù sao ông đã lăn lộn với nó cả đời, giờ nó bị lụi tàn ông thấy đau đớn như chính mình bị mất mát những gì vô cùng quý giá. Từ lâu lắm gia đình ông chưa bao giờ phải lo thiếu tiền bạc. Nhưng từ ngày ông hiến nhà máy cho nhà nước, không còn nguồn thu nào khác, lại phải chi nhiều hơn cả trước đây. Chi đối nội, đối ngoại bởi ông đã là người nổi tiếng phải cư xử nghĩa ngọn với bạn bè. Đôi khi ông phải gồng mình lên làm đẹp lòng mọi người. Dần ông nhận ra mọi chuyện không như ông tưởng. Ông kinh hoàng thấy kinh tế gia đình mình sa sút nhanh quá. Ông không ngờ cậu Đức Thịnh, con trai ông lại nhận ra điều đó sớm hơn ông nên đã kịp sắm được chiếc xe máy ba bánh dành riêng cho người tàn tật để đi bán báo lưu động ngoài bến xe, bến tàu.
- Ba má yên tâm, có chiếc xe ba bánh ni, con đủ sống tự lập suốt đời. Nghe anh Đức Thịnh nói ông Đức Cường lại nhoi nhói trong lòng. Mỗi sáng ông lại giật mình nghe tiếng lạng gỗ của cậu con trai cậm cạch, cậm cạch trên mảnh sân sau nhà, nơi để chiếc xe ba bánh. Rồi ông nghe tiếng máy tành tạch nổ rền một hồi, chiếc xe rùng rình lao ra khỏi cổng để lại không gian tĩnh lặng đến rợn người. Chiều đến từ ô cửa sổ phòng khách, ông bà Đức Cường lại nhìn thấy cậu con trai Đức Thịnh ngồi ngất ngư trên chiếc xe ba bãnh rùng rình chạy vào cổng rồi ngoẹo ra khoảng sân sau nhà. Tiếng lạng gỗ lại cậm cạch, cậm cạch, bóng Đức Thịnh bước lò cò lên bậc thềm vào gian nhà ngang vắng lặng.
Hai mẹ con Thương Huyền đi vùng kinh tế mới, cuộc sống của ông bà Đức Cường trở nên đơn độc. Đêm đêm ông bà Đức Cường thao thức phấp phỏng nghe ngóng tin tức mẹ con Thương Huyền bay về từ đám khách ra vào gặp gỡ chị Thu Cúc. Họ bảo dân kinh tế mới lên rừng bị ngã nước, ghẻ lở hắc lào, sốt rét hết lượt, nhưng không ai dám bỏ về. Ông bà Đức Cường lo lắng nhờ Chị Thu Cúc gửi cho mẹ con Thương Huyền một số đồ dùng thuốc men quần áo.
- Ông bà chỉ làm hư mẹ con cô ấy, ảnh hưởng tới tư tưởng bà con xung quanh. Chị Thu Cúc mắng át đi, khó khăn chung, ai cũng phải chịu, đâu chỉ riêng mẹ con cô ấy.
Lời chị Thu Cúc gay gắt khiến ông bà Đức Cường đành nín nhịn. Ngày ngày ông bà Đức Cường nhìn cảnh chị Thu Cúc rung rinh xe đưa xe đón đi về, khách xa khách gần ra vào ríu rít. Mẹ chị Thu Cúc, trước đây làm vú nuôi cho gia đình ông bà Đức Cường bây giờ không phải tất bật chạy ra chạy vào đóng mở cổng nữa. Chị Thu Cúc đã thuê một người giúp việc lo mọi chuyện cơm nước, quét dọn nhà cửa và mỗi khi nghe tiếng còi xe “bim bim” thì chạy ra mở cổng. Từ vai trò người vú nuôi trong gia đình ông Đức Cường, mẹ chị Thu cúc bỗng thành mẫu hậu được mọi người trọng nể. Bà e ngại ngày ngày nhìn ông bà Đức Cường buồn rầu, nhìn cậu Đức Thịnh phải tất bật đi bán báo kiếm sống. Người vú già chân thật, thương tình hay ra vào phòng ông bà Đức Cường trò chuyện, động viên an ủi vợ chồng người chủ của mình đã thất cơ lỡ vận. Bà vú mơ hồ cảm nhận thấy thời thế xoay vần có gì đó cứ gờn gợn phũ phàng với ông bà Đức Cường.
- Cách mạng thành công, thời thế đổi thay, mọi chuyện đều thay đổi. Mẹ chị Thu Cúc nói, đó là quy luật tất yếu, ông bà chẳng phải buồn phiền. Thiên hạ sống được, thì mình cũng sống được. Người vú già nói thẳng băng, nếu ông bà không ngại, mai tôi bảo con Thu Cúc bố trí cho cậu Đức Thịnh không phải đi bán báo nữa, ở nhà làm công việc quét dọn đóng mở cổng khỏi phải thuê người giúp việc.
Ông bà Đức Cường hiểu rõ lời chân tình của người vú già, nhưng ông vẫn thấy gai gai trong người. Cuộc đời thật tàn nhẫn. Từ một thương gia, trong tay có những hai nhà máy, và nhiều cửa hàng mua bán rải khắp vùng, bỗng chốc trắng tay. Mọi chuyện nó ào đến nhanh quá, bất ngờ quá và trớ trêu quá khiến ông bà Đức Cường ngỡ ngàng. Có những điều đau đớn trong lòng mà không dám nói với ai. Ông thương cậu con trai què quặt mà vẫn phải để nó đi bán báo. Dù nó đi bán báo vẫn còn hơn nó ở nhà làm chân đóng mở cổng cho chị Thu Cúc. Hai cánh cổng bằng gang đúc trông bề thế vững trãi kia bây giờ lại phụ thuộc hoàn toàn vào chị Thu Cúc. Dinh thự Đức Cường thật lộng lẫy kiêu hãnh từ bao năm, nói lên sự làm ăn phát đạt của gia chủ. Lẽ ra dinh thự này ông phải dành cho cậu quý tử Đức Thịnh thay ông cai quản khi về già thì ông lại hứng lên biếu không mẹ con chị Thu Cúc. Ông muốn thể hiện tấm lòng của ông đối với cách mạng, đối với gia đình chị Thu Cúc. Âu cũng là do lòng thương người và cái tính quá nhạy cảm với thời cuộc của ông. Ông thương Đức Thịnh giờ đây long đong què cụt, và lo cho hai mẹ con Thương Huyền phải sống nơi rừng xanh núi đỏ không biết có chống chọi nổi với bệnh tật. Nếu mẹ con Thương Huyền có mệnh hệ gì thì ông chịu sao nổi. Con Ngọc Lan còn nhỏ dại đã phải chịu khổ cực, rồi cuộc đời nó sẽ ra sao? Ông thấy ân hận ngày nó còn đỏ hỏn ông đã đem nó cho người ta nuôi, nếu mẹ nó không quyết liệt bắt ông chuộc nó về thì coi như ông đã mất nó. Ông để mất nó thì mẹ nó sao sống nổi tới ngày nay.
- Âu cũng là số các con mình nó thế, bà Đức Cường an ủi ông.
 Ông biết bà nói thế chỉ để an ủi ông, thực tình trong lòng bà cũng đau đớn lắm. Ngày đầu giải phóng, ông bà những hy vọng chính quyền cách mạng, hy vọng chị Thu Cúc, hy vọng vú nuôi hiểu rõ được hoàn cảnh gia đình ông, thông cảm cho các con ông. Ông vẫn còn nhớ cái giây phút ông bàng hoàng khi biết bà vú nuôi lại là một cán bộ nằm vùng ngay trong nhà ông, chị Thu Cúc là cán bộ trong uỷ ban quân quản thành phố. Càng tiếp xúc lâu với Thu Cúc, ông mới nhận ra ở người nữ cán bộ giải phóng này quả là gan vàng dạ sắt. Người cán bộ cách mạng phải lạnh lùng nuôi chí lớn như thế mới chiến thắng kẻ thù. Đã vào tuổi ba chín bốn mươi mà chị Thu Cúc vẫn chưa lấy chồng. Trong bữa cơm liên hoan mừng chiến thắng tại dinh thự của ông ngày ấy, có đầy đủ cán bộ chính quyền phường và bạn bè trong uỷ ban quân quản thành phố của chị Thu Cúc, ông đã vui mừng công bố ủng hộ hai mẹ con chị toà nhà chính của dinh thự này để cho chị Thu Cúc cưới chồng. Trong tiếng vỗ tay vang dội, chị Thu Cúc đứng lên trịnh Trọng nói “Tôi rất cảm ơn tấm lòng tốt của ông bà Đức Cường xin được nhận món quà to lớn ông bà đã cho hai mẹ con tôi. Còn chuyện chồng con của tôi thì xin mọi người hãy hiểu, trong lúc đất nước vừa mới giải phóng chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm, đối với người cách mạng chân chính phải biết hy sinh chuyện riêng để lo việc đại sự” Lời tuyên bố hùng hồn của chị Thu Cúc khiến mọi người kính nể. Và giờ đây một lần nữa chị Thu Cúc lại làm ông bà Đức Cường ngỡ ngàng.
- Cháu Thu Cúc chuẩn bị cưới chồng, ông bà phải mừng chứ? Bà mẹ chị Thu Cúc khoe.
Đúng vậy, cả đời đi theo cách mạng, chị Thu Cúc phải có được hạnh phúc gia đình riêng. Đám cưới chị Thu Cúc được tổ chức tại dinh thự Đức Cường. Nói là dinh thự Đức Cường là nói theo theo tên gọi xưa. Nơi đây, giờ đã mọc lên ngôi biệt thự lộng lẫy của bà Thu Cúc, phó chủ tịch thành phố. 
- Ông bà phải nhắn hai mẹ con Thương Huyền nó về chơi ít ngày dự đám cưới chị Thu Cúc chứ. Mẹ chị Thu Cúc sung sướng nói với ông bà Đức Cường, thú thực từ ngày hai mẹ con nó đi lên vùng kinh tế mới, tôi thấy nhớ chúng nó lắm.
Ông bà Đức Cường cảm động trước tấm lòng chân thành của người vú nuôi đã bao năm chăm ẵm cả hai mẹ con Thương Huyền. Đám cưới chị Thu Cúc, rõ là mừng rồi, nhưng ông bà Đức Cường ái ngại không biết có nên cho hai mẹ con Thương Huyền về dự đám cưới chị Thu Cúc hay không? Ông ái ngại bởi đám cưới chị Thu Cúc lại diễn ra trong cảnh tình cậu quý tử Đức Thịnh, người nối dõi dòng tộc nhà ông ngày ngày vẫn phải cậm cạch nạng gỗ lò cò nhảy lên chiếc xe ba bánh rong ruổi đi bán báo kiếm sống, và cô tiểu thư Thương Huyền xinh đẹp nhà ông lại phải lên rừng khai hoang. Ông Đức Cường soi xét lại bản thân, soi xét lại mấy đời gia tộc ông có ai làm điều thất Đức đâu mà cả con trai con gái ông phải chịu cảnh lỡ dở một đời ngang trái. Càng ngẫm ông Đức Cường càng thấy đau đớn. Tất cả là tại ông, chính ông đã làm các con ông khốn khổ, chính ông là kẻ dại khờ, ngu muội lái con thuyền gia đình đi sai hướng. Trước bàn tiệc chất ngất đồ ăn thức uống, ông Đức Cường lặng lẽ nhấp từng ly rượu. Càng uống ông càng thấm thía sự đời. Bà Đức Cường ngồi cạnh khẽ bấm vào sườn ông nhắc nhở ông uống ít thôi. Giọng bà nghe âm vang trong lòng ông. Ông nhìn gương mặt bà đầy lo lắng u buồn. Xung quanh ông tràn ngập tiếng cười. Những gương mặt rạng ngời của quan viên hai họ chúc mừng cô dâu chú rể lộng lẫy trong bộ đồ cưới trắng toát. Giá mà cô con gái Thương Huyền và cậu quý tử Đức Thịnh của ông cũng được hạnh phúc như thế này. Có ai hiểu được tâm trạng ông? Chỉ có vợ ông hiểu lòng ông đang nghĩ gì. Đúng vậy, bà Đức Thịnh chưa bao giờ thấy ông suy sụp như lúc này.
- Mình không được uống nữa, mình say rồi. Bà luôn nhắc nhở ông.
Không, ông không say, ông chưa bao giờ thấy minh mẫn và tỉnh táo như lúc này. May mà ông đã không cho hai mẹ con Thương Huyền về. Nó mà về ông càng đau khổ hơn. Ông hiểu tính Thương Huyền, nó cả nghĩ lắm. Nó là nữ sinh văn khoa Sài Gòn cơ mà. Thằng Đức Thịnh cũng biết ý tứ, nó chỉ ăn qua loa rồi vào nhà khoá trái cửa đi nằm. Ông biết rõ thằng Đức Thịnh cũng đang nghĩ gì. Nó oán trách ông trong lòng mà không dám nói. Nó không dám nói vì nó thương ông, nó hiểu ông. Với lại làm sao nó có quyền nói ông. Nó là thằng lính Nguỵ thất trận, còn sống được là may...
- Bà phải ngồi đây tiếp khách giùm tôi, ông Đức Cường nói, tôi phải về phòng nghỉ trước.
Ông Đức Cường chào mọi người xung quanh, lập cập đứng dậy đi về phòng. Ông khoá trái căn phòng hạnh phúc của mình lại. Chưa bao giờ ông thấy mình cô đơn như lúc này. Chưa bao giờ ông thấy mình lại chán nản như lúc này. Ông là kẻ thất bại thảm hại nhất trên đời. Trong tay ông đã từng có hai nhà máy và vô khối cửa hàng buôn bán trên khắp mọi miền. Ông đã từng kiêu hãnh là một thương gia có tinh thần yêu nước hết lòng ủng hộ cách mạng, vậy mà giờ đây trắng tay. Ông đã trở thành kẻ có tội với vợ con. Bà hãy tha thứ cho tôi, các con hãy tha thứ cho ba. Ông nằm vật ra giường nhìn lên trần nhà. Từ lâu đêm đêm ông thường mất ngủ hay nằm nhìn trân trân lên trần nhà, và cuối cùng ông phải dùng đến những liều thuốc ngủ. Và lúc này trong đầu ông căng lên đau nhoi nhói, ông muốn giải thoát mọi nỗi đau để về thế giới bên kia một cách nhẹ nhàng. Ông đưa mắt nhìn trân trân vào lọ thuốc ngủ ông mới mua còn đây nguyên. Lọ thuốc ngủ xinh xinh, lâu nay vỗ về ông, ru ông chìm đắm vào những cơn mê hoảng loạn, để rồi khi tỉnh dậy ông lại thấy lòng đau đớn. Và lúc này lọ thuốc xinh xinh lại cuốn hút ông, ông muốn dùng nó lần cuối cùng để rồi không bao giờ phải nhờ tới nó nữa. Ông đưa tay với lọ thuốc ngủ trên đầu gường. Ông chợt nhận ra ông chưa nhắn gửi lời nào cho vợ cho các con cho mọi người. Ông lấy giấy bút viết “Bà hãy ở lại với các con, tôi đi đây. Vĩnh biệt! Vĩnh biệt cuộc đời này”. Ông lo sợ sự chậm trễ sẽ bị vợ phát hiện nên ông cầm lọ thuốc ngủ đi ra mảnh vườn sau nhà. Mảnh vườn xưa hoang vắng, chiếc ghế đá phủ đầy lá rụng. Âm thanh tiệc cưới vẫn vang lên bên tai. Ông bước tới gốc sầu riêng gạt lớp lá lâu ngày mục rữa, lật mở nắp căn hầm bí mật từ hồi kháng chiến ông vẫn còn giữ lại phòng khi bất trắc xảy ra. Căn hầm này đã trải bao biến cố thời cuộc, nó luôn là nơi che chở làm yên lòng người mỗi khi có sự. Trong chiến tranh, căn hầm này đêm đêm đã từng đón những chiến sỹ cách mạng về nhận vũ khí lương thực đưa ra vùng giải phóng. Căn hầm này đã che chở cho thằng Đức Thịnh, con trai ông bị thương trong chiến dịch Mậu Thân 68. Ông run rẩy dò từng bước, căn hầm tối bưng xông lên mùi ẩm mốc. Từ ngày giải phóng, căn hầm bị bỏ quên, và hôm nay trong khoảnh khắc, căn hầm lại bất chợt hiện lên rõ mồn một trong tâm trí ông. Lại một lần nữa căn hầm lại che chở cho ông. Ông lần tới chiếc phản lim kê sát lối cửa thoát hiểm thông ra bờ sông. Ông ngả lưng ra tấm phản, cảm nhận thấy mình đã được giải thoát thanh thản. Lòng đất là nơi nhân từ nhất đón nhận ta đi về cõi vĩnh hằng. Ông mân mê mở nắp lọ thuốc an thần tìm kiếm giấc ngủ ngàn thu. Những viên thuốc lổn nhổn trôi vào cuống họng khô rát. Ông nhận thấy mình hơi sơ xuất đã không mang nước uống. Đến phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn còn sơ xuất. Ông đã có không biết bao nhiêu điều sơ xuất cộng lại thành lỗi lầm lớn của cả đời người. Cho dù lỗi lầm của ông có lớn đến đâu, ông tin rằng vợ ông và con Thương Huyền, Đức Thịnh cũng sẽ tha thứ cho ông...
 Đám tang ông Đức Cường được vợ chồng chị Thu Cúc lo tổ chức thật long trọng. Phải thế chứ, ông Đức Cường là một thương gia yêu nước đã hiến cho cách mạng những hai nhà máy, và có công giúp đỡ quân giải phóng trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Quan khách các cấp chính quyền từ phường xã quận huyện đến tỉnh đều về dự đông đủ. Ai cũng rưng rưng nghe chị Thu Cúc đọc điếu văn trước giờ đưa nhà thương gia về nơi an nghỉ cuối cùng.
- Ông Đức Cường đã bị một cơn đau tim đột ngột qua đời vào hồi...giờ...ngày... Giọng chị Thu Cúc nghẹn ngào. Ông mất đi, để lại cho gia đình và tất cả chúng ta nỗi buồn tiếc thương vô hạn. Ông mất đi, bà Đức Cường đã mất một người chồng thuỷ chung, các con ông, cậu Đức Thịnh, cô Thương Huyền đã mất đi người cha kính yêu, các cháu ông mất đi người ông yêu quý mẫu mực vẹn toàn. Ông là người đã có công...
Mọi người lặng đi, ai cũng cảm động trước cảnh đau thương mất mát của gia chủ. Số cán bộ các ban ngành trong tỉnh có người còn tỏ lòng cảm thông đối với vợ chồng chị Thu Cúc mời bữa trước còn rạng ngời hạnh phúc trong tiệc cưới giờ đã lại phải lo toan đám tang cho ông Đức Cường.
Từ trên vùng kinh tế mới, Thương Huyền bàng hoàng đau đớn nhận được tin ba mất, hai mẹ con hớt hải về đến nhà thì mọi thủ tục khâm liệm cho ông Đức Cường đã xong. Thương Huyền lặng đi không sao khóc thánh lời, cô ngồi phủ phục trước quan tài cha đau đớn. Thương Huyền đã không kịp về nhìn mặt cha, cháu Ngọc Lan không được nhìn mặt ông. Thương Huyền hoang mang nghe những lời điếu văn mà ngỡ chị Thu Cúc đang nói về ai đó chứ không phải cha mình. Thương cha bao nhiêu, nhìn mặt má thất thần héo hắt, Thương Huyền chợt lo sợ. Thương Huyền lo sợ má không trụ nổi cơn hoạn nạn này. Cô muốn truyền thêm sức lực cho má.
- Má ơi má phải vững vàng để vượt qua lúc khó khăn này. Thương Huyền nắm lấy bàn tay má. Đôi bàn tay má lạnh ngắt khiến Thương Huyền hoảng sợ. Cô nhìn kỹ vào ánh mắt vô hồn của má, toàn thân má run lên bần bật, mặt má tái nhợt da tím ngắt. Tiếng chị Thu Cúc đọc điếu văn vẫn rành rọt từng lời. Toàn thân má lạnh ngắt đổ vào lòng Thương Huyền.
- Má ơi má! Má làm sao thế này? Thương Huyền rú lên. Mọi ngươi đổ xô lại xốc bà Đức Cường vào trong nhà. Thương Huyền cuống quýt chạy theo mọi người vào với má. Má ơi má đừng bỏ con lúc này.
Trong lúc mọi người rục rịch chuẩn bị đưa thi thể ông Đức Cường lên xe tang thì chiếc xe của bệnh viện cũng vừa đến đưa bà Đức Cường đi bệnh viện cấp cứu. Vậy là bà đã không còn sức lực để đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà muốn đi cùng ông. Duyên kiếp đã gắn kết bà với ông rồi. Bao năm nay ông và bà đã trải qua sóng gió cuộc đời, sao lúc này ông lại nỡ bỏ bà mà đi. Bà cảm nhận rõ một điều bà sống không thể thiếu ông. Lâu nay bà cũng cảm nhận, chịu đựng những nỗi buồn giống ông, nhưng bà cố nén trong lòng. Bà ân hận đã không thổ lộ cùng ông. Giá bà thổ lộ cùng ông, biết đâu ông đã rủ bà đi cùng thì bà đã không phải chịu đựng những phút giây đau đớn này. Bà muốn theo ông về nơi thanh bình. Mấy ngày nay ông đã bỏ bà ra đi, bà chỉ sống bằng những liều thuốc trợ lực và những giọt huyết thanh bên ngoài chảy dần vào cơ thể bà. Bà mơ màng nghe tiếng con Thương Hyền, tiếng cháu Ngọc Lan, và cả tiếng lạng gỗ cậm cạch của Đức Thịnh đi lại trên nền gạch men trong bệnh viện. Bà lo sợ nền gạch men trơn làm Đức Thịnh ngã. Các con không phải lo cho má. Má muốn đi cùng ba các con. Má có ra đi thì Thương Huyền và cháu Ngọc Lan sẽ không phải đi vùng kinh tế mới nữa. Nơi ấy rừng thiêng nước độc, sức con không trụ nổi đâu. Má đi với ba về thế giới bên kia, con Thương Huyền và chảu Ngọc Lan sẽ ở căn phòng của ba má. Bà muốn các con và cháu Ngọc Lan hiểu được ước nguyện của bà. Bà muốn nói với chúng nhưng không sao mở miệng ra được.
 Cuối cùng thì bà đã đi theo ông sau ba ngày. Người ngoài không ai biết rõ nguyên nhân cái chết đột ngột của ông Đức Cường dưới căn hầm bí mật. Lá thư tuyệt mệnh của ông Đức Cường để lại, chị Thu Cúc đã giữ kín, cấm gia đình không ai được hé lộ cho bất kỳ ai biết làm ảnh hưởng đến uy tín của ông. Một người như ông Đức cường không thể tự vẫn bằng thuốc ngủ. Và cái chết của bà vợ ông Đức Cường được người đời gi nhận như một tấm gương về lòng thuỷ chung son sắt vợ chồng.
Sau biến cố lớn về cái chết của cả hai ông bà Đức Cường, mọi sinh hoạt trong ngôi biệt thự Thu Cúc trở lại bình thường. (Dân trong thành phố bây giờ gọi ngôi biệt thự mới xây của bà phó chủ tịch tỉnh là ngôi biệt thự “Thu Cúc”). Biệt thự Thu Cúc, có nghĩa là biệt thự hoa cúc vàng mùa thu. Ngôi biệt thự nằm trong khuôn viên dinh thự Đức Cường xưa giờ đây lúc nào cũng rực rỡ hoa cúc vàng. Số cán bộ mẫn cảm chính trị rõ khéo tán dương đồng chí phó chủ tịch tỉnh Thu Cúc của chúng ta sẽ còn tiến xa. Bản thân cái tên “Thu Cúc” đã nói nên tất cả: Thu, cũng có nghĩa là mùa thu cách mạng; Cúc là loài hoa mầu vàng nở vào mùa thu- mùa thu tháng tám. Hoa cúc vàng cũng là ngôi sao vàng năm cánh.
Đúng như tâm nguyện của má đã muốn dùng cái chết để đổi lấy cuộc sống bình an cho mẹ con Thương Huyền không phải đi vùng kinh tế mới trên rừng.
Chị Thu Cúc hồi này cũng đỡ xét nét Thương Huyền. Ngọc Lan được đến trường đi học cùng bạn bè trang lứa. Đức Thịnh từ chối chân mở cổng ngôi biệt thự “Thu Cúc” để được nhận đồng lương ưu ái mà Chị Thu Cúc phải trả cho người giúp việc. Anh vẫn cậm cạch chiếc nạng gỗ, buổi sáng nhảy thách lên chiếc xe ba bánh rùng rình đi bán báo tới chiều muộn mới về.
- Tôi muốn để cho cậu làm công việc an nhàn ở nhà mà cậu không nghe. Chị Thu Cúc cay ca, cậu cứ đánh đu với cái xe tành tạch rong ruổi suốt ngày trên đường phố khiến thiên hạ người ta quở tôi đã bắt tội cậu. Cậu phải biết thân phận mình đã là lính nguỵ nhưng lại được tôi che chở nên có nhiều đối tượng chú ý. Cậu phải thận trọng, tôi mà nghe phong thanh cậu đàn đúm với những phần tử xấu, âm mưu chống đối chính quyền cách mạng để ảnh hưởng tới tôi là không được đâu đấy.
- Con đừng nói quá thế, cậu Đức Thịnh xưa nay là người tử tế. Mẹ chị Thu Cúc che chắn.
Tuy không là máu mủ ruột rà nhưng mẹ chị Thu Cúc là người mẹ thứ hai nuôi dạy Thương Huyền và Đức Thịnh, bà linh cảm có gì đó bất nhẫn. Hai mẹ con Thương Huyền lặng lẽ sống trong căn phòng của ba má, tránh tiếp xúc với mọi người.
Đức Thịnh lo cô em gái giam mình mãi trong phòng sẽ lại mắc chứng bệnh trầm cảm như trước. Thương Huyền không hề biết ngoài xã hội dân tình đang nháo nhác đi tìm hài cốt lính Mỹ bán lấy đô la. Nước Mỹ lại có chính sách cho phép tất cả những đứa con mang dòng máu lai Mỹ đang sống ở Việt Nam được về Mỹ nhập cư. Nhiều phụ nữ Việt Nam nghèo rớt nhưng nhờ có đứa con lai Mỹ bỗng dưng được trọng vọng, được cùng con sang mỹ định cư hoặc cứ ở lại Việt Nam sống bằng những đồng đô la chúng gửi về cũng sướng. Thương Huyền và con Ngọc Lan giờ đây cũng thuộc diện được phép sang nhập cư tại Mỹ. Thằng Bin, đứa con trai Lai Mỹ của Thương Huyền được Hall đưa về Mỹ chỉ kém con Ngọc Lan hai tuổi, biết đâu sau này lớn lên nó sẽ tìm về nhận má nó, với chị nó.
Ăn cơm tối xong, Đức Thịnh Cậm cạch lạng gỗ bước ra hành lang sang phòng Thương Huyền. Thi Thoảng Đức Thịnh phải sang bảo ban Ngọc Lan học bài, nói dăm ba câu chuyện với Thương Huyền cho vui. Ngoài cổng, có tiếng còi bem bem, xe của chị Thu Cúc về chiếu đèn pha sáng rực cả khuôn viên biệt thự Hoa Cúc Vàng. Chị Thu Cúc từ trong xe bước ra, đi qua chiếc cổng phụ vào phòng Thương Huyền.
- Cô Thương Huyền có tin mừng ha! Chị Thu Cúc reo lên, Thư của chàng Hall bên Mỹ gửi cho cô đây. Sướng nhá, đọc thư đi sẽ biết. Hall cũng gửi thư cho tôi nói ông ta sẽ sang Việt Nam nay mai thôi. Còn cậu Thịnh, bây giờ cậu cũng nên ở nhà, không phải đi bán báo nữa. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Bữa nào ông Hall sang, tôi sẽ bàn cụ thể với cô cậu sau. Chị Thu Cúc cười rạng rỡ. Từ bữa cưới chồng, chị Thu Cúc trẻ ra mỡ màng hơn cả thời con gái. Gái phải hơi trai có khác, tính tình cũng dịu dàng mát mẻ. Anh chồng chị Thu Cúc nghe tiếng vợ vui vẻ với Thương Huyền cũng chạy sang góp chuyện.
- Cô Thương Huyền cứ ở nhà không hiểu chi tình hình chính trị xã hội. Chồng chị Thu Cúc nói, thời thế đã khác xưa, có được hoàn cảnh như cô bây chừ là nhất ha. Tui nghe nói cái anh bạn Hall người Mỹ của cô xem ra mê cô rồi đó ha. Cứ suy nghĩ cho kỹ, sang bên đó má con lại được đoàn tụ với nhau chả sướng.
Hai vợ chồng chị Thu Cúc ra khỏi phòng, Thương Huyền bóc thư Hall ra đọc. Đức Thịnh tới bàn con Ngọc Lan xem nó học bài.
- Bác Thịnh ơi, bao lâu nữa má cháu sang Mỹ?
- Cháu có thích sang đó không?
- Mỹ là kẻ thù của ta răng mà thích được. Bác Thu Cúc là cán bộ răng lại muốn má con cháu sang Mỹ?
- Ngọc Lan, con lo học cho tốt, chuyện đó để má tính. Thương Huyền nói, Bác Thịnh về bên nhà em muốn bàn với bác chuyện này.
 Đức thịnh cậm cạnh nạng gỗ theo sau Thương Huyền về phòng mình.
- Hall muốn em sang Mỹ, Thương Huyền nói, đưa lá thư của Hall cho anh đọc. Đức Thịnh cầm lá  thư đọc xong vẻ băn khoăn.
- Vấn đề quan trọng, em có yêu Hall không? Lại còn chuyện của em với Hoàng Kỳ Nam, cha của Ngọc Lan? Em đã biết tin tức gì của cậu ấy?
- Đối với em, cả Hall và Hoàng Kỳ Nam không còn quan trọng nữa. Thương Huyền nói như khóc, em chỉ mong được yên ổn lo cho cháu Ngọc Lan học hành khôn lớn. Em sẽ không đi đâu hết. Nước Mỹ chả là gì với em. Họ đã cướp thằng Bin của em đi, giờ em chả là gì với nó. Anh không hiểu đâu, ba thằng Bin đã chết rồi, đã chết...Anh có biết ai đã giết cha thằng Bin không? Ôi anh Thịnh, cái số em chẳng ở đâu được yên thân. Thương Huyền khóc nấc lên.
- Chuyện quá khứ sao em cứ dằn vặt hoài. Hall thì anh không biết, nhưng anh thấy cậu Hoàng Kỳ Nam là người tốt, anh tin cậu ấy sẽ về. Quan trọng hơn là tương lai cháu Ngọc Ngọc Lan.
 Nghe anh Đức thịnh nói, Thương Huyền thôi khóc. Đối với Hoàng Kỳ Nam, lâu nay Thương Huyền vẫn âm thầm trông ngóng anh về. Cô đoán chắc anh gặp chuyện gì đó khó khăn trong cuộc sống nên đã không về với hai má con cô. Hồi trên vùng kinh tế mới, Thương Huyền đã dò hỏi tin tức về Hoàng Kỳ Nam nhưng không ai biết.