Chương 7

     ừ một người văn minh được đào tạo từ nhỏ trên đất Mỹ, John cảm giác như ở một chân trời xa xôi, mình vừa đặt chân tới đây thì lại nhận ra một tấm lòng nhân ái cao vời vợi trên một đỉnh núi.Vẫn trên đỉnh núi Bà Nà, có thể nhìn ra tổng thể mọi nơi. Nhưng John chỉ nhìn tổng thể câu chuyện của mình và nghiệm lại việc đổ bộ của lính Mỹ trên mảnh này. John nhìn lên tượng đức Phật, ngài vẫn nhắm mắt im ỉm như mặc nhiên mọi cuộc bể dâu. Nhưng ngài từ bi, chỉ mong cho nhân loại không còn đau khổ.
 
Như thế vẫn hơn, John nghĩ, mình cố đem lại tự do và văn minh cho người khác mà mình bắn giết bừa bãi quá thì có khác nào là một tội đồ. Hiện tại, John vẫn là một người Mỹ nên ai biết được nội tâm một con người đang dằn vặt thay cho nước Mỹ như thế? Đã thế, John còn cay đắng và buồn phiền thêm khi mình vẫn còn vướng mắc với quá khứ ấy, còn đang đi tìm sự thực câu chuyện của mình và những con người có thực trong câu chuyện có thực ấy. Trái với sự mong muốn của nước Mỹ, là muốn quên đi tội lỗi của họ. Đó là một tảng đá lớn muốn đè lấp, anh cũng như những người còn đang sống khó lòng lăn đi. Thời gian càng dài, thì câu chuyện càng khó lòng xác thực. Đôi khi người ta bàng quang làm ngơ, cho đó là sự giả dối nên chẳng quan tâm làm gì, thì mình ôm nỗi ám ảnh ấy trong suốt cuộc đời còn lại mà thôi...Quả là, John cảm giác câu chuyện của mình có phần nào đó bi quan...
 
Câu chuyện John muốn tái dựng lại không dễ và trước mắt John phải tìm cho được người đàn bà và bà không ai khác còn là mẹ mình nữa. Có lẽ, John chỉ làm được việc duy nhất ấy trong phần còn lại của cuộc đời mình. Anh chua cay nghĩ ngợi, xem như là "đại diện" cho nước Mỹ làm được cái việc là tìm mẹ cho mình và anh đang thực thi việc đó...
 
 Song, John chỉ đơn thuần là một khách du lịch, biết không nhiều tiếng Việt. Nên không nghe hiểu được mấy ai nói, và cứ như vậy lên núi cho đến lúc chiều tà.
 
Ngày hôm sau, biết không còn mấy hy vọng tìm kiếm được chỗ ông già La-Hú. John thấy mình quá ít thông tin để truy tìm họ, nên buộc phải quay về làng Dơi. Dù sao, ở đó cũng là nơi sinh ra mình và biết đâu bà Bru-ra lại tìm về đó. Cuối cùng, John và Zơ-râm dắt díu trở lại nơi mình ở.
 
Trở về với rất nhiều hành hóa, Zơ-râm mang vác bao nhiêu là đồ đạc được mua ở siêu thị. Những người ở vùng núi thấy mới đó mới đây Zơ-râm đã đổi khác, họ nghĩ là người Mỹ đã là chồng của Zơ-râm thật rồi.
 
  Từ khi John dẫn Zơ-râm ngao du xuống thành phố Đà Nẵng. Ở làng Dơi như bị xốc, bởi vì có người dám "tùy tiện" dẫn gái làng đi không "phép tắc". "Gái làng" là hai từ thường xuất hiện ở những vùng quê hẻo lánh, bình thường thì không mấy khi nghe nhắc nhở nhưng có việc thì người ta ta thán. Zơ- râm ở đó bao lâu bị kỳ thị như một con ma sống, bị xem như một kẻ điên, giờ thì lại "có giá".
 
 Ở những vùng miền núi xa xôi, trùng trùng điệp điệp các dãy núi cao ngất. Mỗi một vùng cách nhau một ngọn núi là việc giao du rất khó khăn, nên làng Dơi là một vùng thực sự hẻo lánh. Dân chúng mới tụ hợp thành một quần cư, mà hễ ở đâu có con người thì ở đó cần thiết lập một trật tự mới. Làng Dơi cũng vậy, biệt lập nên "tự chế" ra một số luật lệ. Luật lệ không biết có bao giờ nhưng việc thiết lập ra luật lệ cũng thường do những kẻ có thói bất mãn áp đặt.
 
Mọi người mang gậy gộc cung nỏ bao vây hai người, rồi tịch thu lấy hết hàng hóa họ mua về.
 
Người thường hay mặc chiếc áo bộ đội (thích phạch ngực) mà John gặp trong quán chè hôm trước, kết tội John ngang nhiên dẫn người con gái trong làng đi xa. John phải bị xử tội nặng. Anh ta giải thích là:
- Ở đâu cũng vậy, rừng rú thì cũng có luật rừng của nó chứ.
 
 Mọi người trong làng la hét, xông tới. Đám đông quây quanh hung dữ, họ nói một tràng tiếng dân tộc không biết nói gì. Thằng cha có hai đứa con nhỏ, mất vợ vì bị rắn độc cắn thì có lần muốn "ăn nằm" với Zơ-râm". Hắn ta là người xông xáo nhất và lần này bộc lộ bản tính hung dữ đã có sẳn. Còn Zơ-râm sợ hãi chạy ra ngoài, cô băng vào rừng trốn và không mấy ai thèm rượt cô.
 
Họ đem John ra gốc cây trối gô lại, đợi người có "thẩm quyền" phán xét. John vùng vẫy một lúc thấm mệt, gần như anh không biết họ nói gì vì tiếng nói hai bên không mấy ai hiểu ai.
 
John đinh ninh người ta bắt bớ vì anh là người Mỹ, người ta vẫn còn ấm ứ mối thù xưa vì quân đội Mỹ đã tàn sát một số người dân tộc sống ở miền núi, họ phải trà thù mới thấy công bằng và anh là người phải gánh chịu mối hận thù ấy. John cố tìm mối liên hệ giữa chuyện thời xưa và chuyện hiện tại, anh thấy nó giống nhau vì hoàn toàn vô cớ, và người bị hại hoàn toàn không biết nguyên do nhưng nó đã xảy ra. John ngã đầu tựa vào gốc cây và anh tìm cho mình một nguyên cớ chịu đựng khi mỗi lúc mõi mòn.
 Mình đã sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, là một người Mỹ không hơn không kém. Giờ anh phải là người chịu thay cho bao tội lỗi của người khác gây ra cũng thật là xứng đáng, cũng thật đáng đời và anh cũng không trách họ xử oan sai gì hết. Bấy giờ, John mới có cảm giác rõ ràng hơn về người dân bị hại hồi thời chiến tranh, làm sao họ phân trần giải thích với quân đội Mỹ khi mà tiếng nói không được thông hiểu.
 
 Anh nhớ tới câu chuyện của bác sĩ Smit, rồi chuyện ở Mỹ Lai và bây giờ đều giống nhau ở chỗ: Một đám đông la hét điên rồ, rồi chỉ chỉ chỏ chỏ người họ muốn qui tội. Họ la hét, họ gào thét, rồi họ hành động...Họ không biết là đối phương không nghe hiểu được tiếng mình nói, mà trong sự bốc đồng nào đó người ta cũng không cần biết là có nghe hiểu hay không? Hay là vụ việc ở Mỹ Lai, lính Mỹ tràn vào hỏi "Chúng mày có phải là Charly hay không?". Ai đó biết được mấy từ "ok" phát âm cho ra vẻ là biết tiếng Mỹ, thì coi như tiêu đời. Quân đội có thời gian gom dân vào một góc, nhưng la hét gào thét có muốn bắn sạch không? Ai đó lại phát âm "ok" coi như cả làng bị bắn...John tự nhủ, hình như là mình biết được nguyên cớ...của việc tàn sát.  
 
May mà John chỉ bị trói vào gốc cây, chứ nếu mà họ giết đi thì John cũng không hiểu vì sao mình bị giết vô cớ. John nhìn lên bầu trời cao vời vợi, anh cầu Chúa cứu giúp mình trong hoàn cảnh này, hoặc là làm cách gì đó cho dân làng Dơi hiểu rõ nguyên cớ anh có mặt ở đây là để tìm người thân yêu của mình.
 
 John khát nước và rưng rưng lệ, không hiểu mình có giống cuộc đời bị đóng đinh của Chúa không, hy sinh mình để cứu rỗi người khác. Anh thấy dân làng trả thù một người Mỹ thì có vô số lý do và anh đang phân vân về việc họ bắt anh đúng hay sai. Anh chỉ biết một điều, nếu mình bị hại chết thì cũng thỏa đáng, chỉ mong nước Mỹ hiểu cái chết của anh cũng có ý nghĩa phần nào. Anh chịu đựng sự trút thù hận của người khác là chịu thay cho những việc làm sai trái của nước Mỹ trước đây, rất mong sao ai cũng hiểu thấu điều đó- Nhất là các vị Tổng Thống đương nhiệm.
 
 Chiều dần buông, John mông lung nghĩ ngợi đôi điều được một lúc, rồi anh ngã gục vì mệt lừ. Thế rồi, anh nhắm mắt ngủ thiếp đi và khi đó anh không hay Zơ-râm dẫn hai người tới định cứu mình.