Chương IX


Chương VII
Phong trào Duy tân

     hưa học bò, vội chạy đua theo.
 
Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào duy tân ở nước nhà. Lập Nghĩa thục, một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái phó bảng mà ra lập hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận âu phục bằng nội hóa thì người đầu tiên cũng lại là cụ.
Phong trào cắt tóc lan mạnh nhất ở Hà Thành. Người thì nhờ bạn bè, người thì tự cầm dao cứa đại cái búi tóc. Có người không muốn, nhưng bị thân hữu cưỡng bách rồi cũng chịu. Nhiều việc xảy ra hơi vui vui, chúng tôi xin chép lại đây một chuyện để độc giả thấy lòng bồng bột duy tân và tính nghịch ngợm của vài cụ thời đó. Ta cứ tưởng các nhà nho ái quốc nửa thế kỷ trước phải nghiêm trang, đạo mạo lắm; nhưng không, các cụ nhỏ tuổi cũng giỡn như chúng ta ngày nay và có khi cuộc vận động duy tân đối với các cụ chỉ là một trò chơi hứng thú.
Một buổi sáng cuối thu, cụ Phương Sơn, mới tung chăn ra, gọi giật người em trai:
- Chú Tư, tiết sắp qua đông rồi, cái loại “xuẩn xuẩn vi trùng” đó sắp được thuận thiên thời mà sinh sản mãnh liệt. Ta phải diệt chúng giùm cho anh Hy Thanh chứ?
Cụ em vỗ tay reo:
- Phải lắm. Nhưng hai anh em mình sợ không đủ sức. Phải thêm ngoại viện, anh nghĩ sao?
- Ai bây giờ?
- Thì chú Ba Đỗ. (tức cụ Đỗ Chân Thiết).
- Được. Sửa soạn đi thôi.
Thế là hai cụ thắng bộ âu phục đúng “mốt Tây Hồ”, nghĩa là một cái áo bành tô và một chiếc quần bằng vải nội hóa Quảng Nam nhuộm đen; thắt cái cà vạt cũng bằng vải đen, đi đôi giày “dôn” [1] mỏ vịt, và đội cái nón “cát” [2] trắng rồi khoác tay nhau, y như tây, bước ra cửa, mỗi cụ phì phèo một điếu thuốc “Quả đất”. [3]
Tới hàng Bạc, hai cụ rẽ vào một hiệu kim hoàn, nện này cồm cộp, nói bô bô:
- Chú Ba đâu? Còn ngủ ư? Dậy mau, dậy mau, việc trọng đại.
Cụ Chân Thiết vùng dậy, hỏi.
Khi đã hiểu chuyện thì cười ha hả, bận áo dài, chít khăn rồi cả ba cụ cùng ra bến xe điện ở Bờ Hồ.
Tới Ô Chợ Dừa, ba cụ xuống xe, rẽ vào làng Thịnh Hào tìm nhà cụ Hy Thanh. Chủ nhân chăm chú ngó bộ đồ tây mỉm cười.
Thấy cuốn Tả Truyện đặt trên bàn, cụ Phương Sơn hỏi:
- Vẫn còn thích vác lều chõng sao? À lúc này, anh còn tới trường cụ Thám nữa không?
Cụ Hy Thanh bẽn lẽn, cười gượng:
- Chú thì chỉ được cái thế.
- Chịu khó tập được cái giọng thơ của cụ đi, tôi cam đoan với anh là nắm chắc cái thủ khoa trong tay. Bài hát nói đó ra sao nhỉ. Có phải: “Ngô khởi hiếu biện tai, ngô bất đắc dĩ dã” [4] không?
Ai nấy ôm bụng cười, còn cụ Hy Thanh tái mặt:
- Đồ quỷ. Nhắc lại làm gì chuyện đó? Thật là “Ngũ kinh tảo địa” [5] rồi. Một cao đệ cửa Khổng sân Trình mà như vậy, nhục cho nho lâm quá... ái, ái! Làm gì thế? Buông người ta ra!
Thì ra ba cụ kia thừa lúc cụ Hy Thanh sơ ý, đè nghiến cụ ra, một người ôm mình, một người khóa chặt hai tay, một người móc túi lấy ra cái kéo cắt búi tóc cụ. Búi tóc rớt xuống đất, cụ được buông ra, chạy đi lấy gương coi, rồi phì cười, yêu cầu hớt gọn hai bên cho dễ coi.
Cụ Phương Sơn vỗ tay:
- Có thế chứ! Lẽ nào thời nay mà còn nuôi hoài lũ thực dân ấy ở trên đầu trên cổ nữa.

*

Một lát sau, cả bốn cụ bắc ghế ra ngồi dưới giàn hoa lý ở trước sân. Cụ Chân Thiết nói:
- Mấy bữa trước, chủ hiệu Vĩnh Phong phố Hàng Bồ cho tôi coi một bài trong tờ Tân Dân của Tàu. Thằng cha nào viết bài đó thực có giọng chua cay. Nó chửi khoa cử hết điều, bảo khoa cử có lục tự (sáu cái giống): khi lại trường thi, phải đeo lều, chõng, bầu, tráp, có khác chi tù đeo gông đâu, thế là nhất tự tù (thứ nhất: giống tù); lúc vào cửa, bị lính lục xét, y như xét ăn trộm, thế là nhị tự đạo (thứ hai: giống quân ăn trộm); suốt ngày ngồi trong lều thỉnh thoảng ló đầu ra, như con chuột trong hang, tam tự thủ nhé? (thứ ba: giống con chuột); lều che kín, ngồi trong đó ăn uống, y như con mèo, thế là tứ tự miêu (thứ tư: giống con mèo); khi coi bảng, người nào thấy tên mình thì sướng quýnh, nhẩy choi nhoi như con tôm, vậy là ngũ tự hà (thứ năm: giống con tôm); còn kẻ nào không thấy tên mình thì buồn hiu, co ro như con giun, lục tự dận (thứ sâu giống con giun).
Về hình thức, khoa cử xấu xa như vậy mà về tinh thần thì làm cho nước yếu, dân hèn, anh còn luyến tiếc nữa làm chi?
Cụ Hy Thanh chỉ cười. Cụ Chân Thiết lại tiếp:
- Hôm qua, tôi với nhiều anh em trong Nghĩa thục bàn với nhau thảo một lá đơn tỏ rõ những lý do cần bãi bỏ khoa cử và yêu cầu chính phủ dùng chương trình thực học của phương Tây. Đại ý như vầy: “Nước Nam chúng tôi có khoa cử đã gần một ngàn năm là do bắt chước Trung Hoa. Gần đây chính các nhân sĩ Trung Hoa đã xin Thanh triều bãi bỏ khoa cử và mở học đường theo Âu tây, nên chúng tôi nghĩ không còn lẽ gì để giữ cái học từ chương vô ích cho nhân dân đó nữa. Vậy chúng tôi xin chính phủ bãi bỏ khoa cử và mở ngay Cao đẳng học đường để đào tạo nhân tài”. Anh em ai cũng tán thành, nhưng khi đơn thảo xong, anh em bỏ về cả, chỉ còn anh cử Dương, anh Trúc Đàm và tôi đứng tên ký. Sĩ khí của mình kể ra kém thật. [6] Đơn đó, ngày mai tôi sẽ gửi. Anh Hy Thanh nghĩ sao?
Cụ Hy Thanh trầm ngâm một lát rồi đáp:
- Việc anh em làm đó được lắm. Tôi cũng không thích gì khoa cử nữa. Chẳng qua tôi muốn làm vui lòng các cụ tôi một chút.
Cụ Phương Sơn nói:
- Anh nói vậy, làm tôi nhớ khoa trước, Trần Trọng Tuấn, học trò của thầy tôi, đậu cử nhân, tôi mừng y đôi câu đối nầy: “Khoa đệ diệc tầm thường, kim nhật vị vi quân nhất hạ”. [7]
Y mới nghe tới đó, trợn mắt hỏi tôi: “Khoa đệ mà tầm thường thì cái gì mới quan trọng?” Tôi không đáp, đọc nốt vế sau, để vuốt ve y: “Môn lư đa khí sắc, cao đường hỉ kiến tử chi thành”. [8]
Miễn có tinh thần coi khoa đệ là tầm thường, rồi vì nhà mà có muốn thi thì cũng được. [9] Nhưng này, anh đã hạ búi tóc rồi, phải có cái mũ Tây mà đội chứ? Để tôi lại Hàng Bông mua biếu anh một chiếc nhé. Cụ Hy Thanh xua tay:
- Thôi, Tây với Tàu gì? Để tôi đội cái nón dứa cũng được.

*

Đơn của ba cụ Bá Trạc, Trúc Đàm và Chân Thiết gởi phủ Thống sứ được ít lâu thì cụ Đào Nguyên Phổ chủ bút tờ Đại Việt tân báo chạy lại Nghĩa thục cho hay tin Toàn quyền Beau sắp cho mở trường Đại học ở Hà Nội. Cụ nào cũng mừng rằng vận động có kết quả, không ngờ chỉ là một đòn của người Pháp.
Cũng tại các cụ còn khờ, chưa biết chút gì về nền giáo dục Âu tây cả. Hồi đó, Trung và Bắc chỉ có những trường tiểu học, và hai trường thông ngôn, một ở Huế, một ở Hà Nội, trung học chưa mở, mà các cụ đã đòi lập ngay Đại học thì người Pháp làm sao thuận cho được.
Toàn quyền Beau đọc đơn của ba cụ, chắc mỉm cười nghĩ:
- A, các chú muốn mở đại học Tốt lắm. Để ta mở cho.
Trường đại học mở thật, không rõ là văn khoa hay luật khoa, y khoa, chỉ biết hôm khai trường, một số nhà tân học và cựu học Đông Kinh Nghĩa Thục lại nghe; nhưng may lắm chỉ có cụ Tốn, cụ Vĩnh là hiểu lõm bõm được ít nhiều, còn thì ù ù cạc cạc cả. Giáo sư Pháp đạo mạo chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng, xì xồ từ đầu giờ đến cuối giờ, thỉnh thoảng lại mỉm cười, hỏi: “Các ông nghe ra không?” Không một ai đáp, ai nấy ngó nhau lắc đầu. Nhiều cụ muốn bỏ ra về ngay, sợ bị chê và vô lễ, gắng ngồi cho đến hết giờ. Khi tan học, một cụ tân học hỏi giáo sư: “Ông có bài, có sách cho chúng tôi đọc không?”
Giáo sư đáp gọn thon thỏn:
- Lại Thư viện mà kiếm.
Thế là các cụ bẽn lẽn, cụt hứng.
Không đầy một tuần sau, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đóng cửa vì thiếu sinh viên. Thực dân được một phen cười ha hả, tự cho là đắc sách.
Chú thích:
[1] Giày da vàng. Mốt “Tây Hồ” là mốt của cụ Phan Châu Trinh.
[2] Casque.
[3] Globe.
[4] Cụ Thám Vũ Phạm Hàm người làng Đôn Thư (Hà Đông), đậu thám hoa cùng khoa thi đình với cụ Nguyễn Thượng Hiền, rất ưa thú ả đào, làm một bài hát nói trong đó cụ đã láo xược đến cực điểm, dùng ngay một lời nghiêm trang nhất của Mạnh Tử (Ngô khởi hiếu biện tai? Ngô bất đắc dĩ dã: Ta có thích biện thuyết đâu? Ta bắt đắc dĩ vậy) để chỉ cái việc mà nhà Nho cho là tục tằn nhất, việc hợp hoan.
Bài hát đó ở miệng mấy ả đào phố hàng Giấy truyền ra, nhiều nhà Nho chau mày và số môn sinh của cụ Thám thưa lần.
Người ta còn truyền hai câu thơ này cũng giúp ta hiểu thêm tính tình của nhà thơ lãng mạn ấy:
Hà nhân thọ ngã hoàng kim bách,
Khứ tác tiên sinh hiệu Bạch Vân
(Nào ai tặng tớ vàng trăm lạng,
Để ẩn như ông hiệu Bạch Vân)
.
Bạch Vân cư sĩ tức Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm.
[5] Đem Ngũ kinh ra quét đất.
[6] Ít năm sau, cụ Trúc Đàm mất vì bệnh, cụ Phương Sơn điếu hai câu ám chỉ việc diễn thuyết ở đền Ngọc Sơn và việc gửi thư cho người Pháp đó:
Ngọc Sơn diễn thuyết, đồng bào dậy,
Pháp thủ đầu thư, chí sĩ theo.
[7] Khoa đệ cũng tầm thường, hôm nay tôi chưa vì anh mừng đâu.
[8] Cửa nhà nhiều vui vẻ, cha mẹ già mừng thấy con thành danh. Sau cụ Trần Trọng Tuấn học lóp hậu bổ, vi khí khái, cự với một giáo sư, xin thôi, về quê làm tổng sư, dạy mươi đứa trẻ ở chùa làng, dán tại lớp học đôi câu đối này:
Phật khả huynh hô duyên cận tự,
Nhân năng tử thị vị truyền kinh.
(Phật mà được kêu bằng anh là nhờ gần ở chùa.
Người mà coi như con, vì truyền cho đạo)
[9] Cụ Lê Đại cũng bỏ thi (nếu không, cụ có thể đậu đại khoa được), và khi hay tin một người cháu thi đỗ, cụ gởi “mừng” đôi câu đối:
“Có mây không gió, lơ lửng giữa giờ chiều, một đôi khi nhắn đôi lời, thường hỏi thăm cả làng cả xóm, cả thân thích họ hàng, gắng sức đua tài, còn vẫn mơ hồ trong cựu giới;
Chẳng lợn thì gà, qua loa xong buổi chợ, mười lăm tuổi học mươi lăm chữ, nếu biết nghĩ đến nước đến nhà, đến ông cha chú bác, giỏng tai giương mắt, thôi đừng tấp tểnh cái hư danh”.
Lợn, gà, trong vế sau, do chữ Hán “kê đồn”, trỏ tú tài và cử nhân.