Chương IX


Chương XII
Sau khi tan rã

     gô thân bất thành, kỳ chi ngô tử [1]
Chính phủ Pháp muốn tiêu diệt hẳn phong trào cách mạng, nên chẳng những đàn áp dữ ở trong nước mà còn tìm cách trừ những nhà ái quốc hoạt động ở hải ngoại. Một mặt họ tung ra một bọn trành qua Trung Hoa, Xiêm, Nhật để dò la tung tích các nghĩa đảng, một mặt dựa vào hiệp ước Pháp-Nhật mà yêu cầu chính phủ Nhật bắt giao cho họ những người đầu đảng và giải tán đoàn học sinh. Nhật còn muốn cầu thân với Pháp, sá gì những thanh niên Việt Nam mà chẳng hy sinh cho Pháp vui lòng? Vì vậy, sách vở, truyền đơn của đảng đều bị tịch thâu, hơn hai trăm du học sinh mà non nửa là người Nam bị trục xuất, chính cụ Sào Nam và Kỳ Ngoại Hầu cũng phải rời khỏi đất Nhật. [2]
Nhắc lại thời hắc ám ấy của lịch sử cách mạng Việt Nam, cụ Sào Nam than thở: “Cảnh thất bại của tôi lúc này thật là đau đớn, hình như con người bị lột da xé thịt, không còn chỗ nào lành lặn nữa!” Phong trào Đông Du do cụ chủ trương mà nay hàng trăm thanh niên tuấn tú, nhiệt thành của quốc gia sa vào cảnh bơ vơ, không biết nương tựa ở đâu, ruột nào mà không đứt? Hỡi ơi? Trời đất mênh mông rộng, biết kiếm nơi nào để đặt chân. [3] Thế là phong trào Đông Du đương lúc thịnh thì bị dẹp.
Cụ đành thu xếp cho một số thanh niên qua Trung quốc một số qua Xiêm; năm 1909 cụ cũng qua Vọng Các còn Kỳ Ngoại Hầu cải trang làm bồi bàn về Nam Việt. Chuyến về nước này cực kỳ mạo hiểm, nhờ sự tận tâm che chở của hai đồng chí trong Nghĩa thục ở Sài gòn mà Kỳ Ngoại Hầu được bình an.
Như trên chúng tôi đã nói, do những liên lạc viên mà ảnh hưởng của Nghĩa thục lan vào tới Nam. Tại Sài gòn, hai nhà chí sĩ đầu tiên gia nhập phong trào là cụ Nguyễn An Khang và Nguyễn An Cư, ở Hóc Môn, cụ Nguyễn Thần Hiển ở Cần Thơ. Trong chương sau chúng tôi sẽ xét hoạt động của các nhà ái quốc thời đó ở Nam, ở đây hãy xin kể tiếp truyện Kỳ Ngoại Hầu.
Khi tàu tới Ô Cấp, Hầu bận áo trắng cụt, quần vải đen, đi giày tây, theo hai cụ Khang và Cư lên bờ, về Sài gòn. Cụ Khang có hai người em gái cũng nhiệt tâm với quốc sự và đều có tên là cô Năm: cô Năm ta em ruột của cụ, quản lý Chiêu Nam lầu ở đường Kinh lấp cũ, sau đổi là đường Charner, bây giờ là đường Nguyễn Huệ; và cô Năm tây (chắc là em họ của cụ) có tiệm may ở trường Espagne (Lê Thánh Tôn), chồng là ông Perrot, một người Pháp có chân trong hội Tam điểm (Franc maçonnerie).
Bà Perrot lúc đó đã góa chồng, sống với hai người con trai đều có Pháp tịch. Bà đón Kỳ Ngoại Hầu về ở Chiêu Nam lầu, rồi mướn ghe đưa Hầu xuống Mỹ Tho, lên Tân Châu. Tới đâu bà cũng giới thiệu Hầu là bà con ở Huế vô chơi, lại sai hai cậu con luôn luôn đi hộ vệ Hầu, không rời một bước, nhờ vậy lính tráng không nghi ngờ tra xét và Hầu được yên ổn để tuyên truyền và quyên tiền cho đảng.
Số người hưởng ứng rất nhiều, nhất là tại Cao Lãnh, vì đồng bào Nam Việt thời đó còn cảm tình với nhà Nguyễn, thấy Hầu mà nhớ lại Nguyễn Ánh và Hoàng tử Cảnh những lúc phải bôn tẩu ở đất Đồng Nai, từ Biên Hòa tới Hà Tiên. Người ta còn lấy lễ quân thần để đãi Hầu, cũng quy bái, một điều chúa công, hai điều chúa công. Nhiều người ở Tân Châu kể rằng khi Hầu tới nơi đó, một ông Hội đồng và một ông Hương chủ hết sức phụng dưỡng Hầu, đem cả con gái ra dâng Hầu, kiên từ không được phải miễn cưỡng ưng. Cuộc tình duyên ghé bến đó không lâu, độ một tháng sau Hầu phải xuất dương, sợ ở lâu tung tích tất bại lộ. Những thói “quy bái” đó trước sau gì sao khỏi lọt mắt nhà cầm quyền?

*

Hầu rời khỏi xứ năm trước thì năm sau Nam Việt lại được tiếp nhiều nhà cách mạng ở Côn Đảo về. Trừ cụ Lê Đại bị giam tới mười lăm năm vì cái tài thơ nôm của cụ, còn các cụ Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Võ Hoành đều được thả cho về làm ăn ở Nam Việt: cụ Nguyễn ở Bến Tre, cụ Dương ở Long Xuyên, (trọ nhà ông Năm Khách, cũng gọi là biện Khách ở Cái Sơn, ngoại ô châu thành), cụ Võ ở Sa Đéc.
Chánh Tham biện các tỉnh đó đều vỗ về các cụ:
“Các ông cứ yên ổn làm ăn, chính phủ sẽ để cho thong thả và muốn gì thì chính phủ sẽ giúp. Đừng đi đâu xa mà nếu có việc thật cần phải đi thì cho bổn chức hay trước. Khách xa lại, đừng nên tiếp là hơn”.
Họ lại tặng mỗi cụ 8đ. hay 10đ. mỗi tháng, nhưng chỉ riêng cụ Nguyễn quyền nhận. Số tiền đó sau rút xuống 4đ. rồi đến thời kinh tế khủng hoảng (1929 hay 1930) thì bỏ luôn.
Cũng trong năm 1910 hay 1911, nhờ những vận động của Babut, hội Nhân quyền ở Paris can thiệp với chính phủ Đông Pháp, cụ Tây Hồ được ân xá, nhưng phải an trí ở Mỹ Tho. Cụ không chịu sống trong cảnh giam lỏng đó, đầu đơn lên phủ Toàn quyền, đại ý nói:
“Nếu chính phủ xét tôi là vô tội thì hãy trả tự do hoàn toàn cho tôi, còn nếu xét tôi là có tội thì lại đưa tôi về Côn Đảo, chứ cái thái độ giam lỏng này là nghĩa lý gì?”
Pháp lại buộc lòng phải trả tự do hoàn toàn cho cụ, cụ bèn xin sang Pháp khảo cứu thêm về chính trị và vận động với chính khách bên đó cho nước nhà được hưởng một chế độ rộng rãi, dân chủ hơn, nhưng thất bại. Khi Khải Định qua Pháp, năm 1922, cụ viết một bức thư nổi danh kể bảy tội của hắn. Năm 1925, cụ về Sài gòn, diễn thuyết vài lần rồi đau nặng, mất ngày 24-3-1926. quốc dân làm lễ truy điệu cụ rất long trọng.

*

Thế là một số Hội viên của Nghĩa Thục đã vô Trung [4] và Nam; những cụ còn ở lại Bắc không thể gây lại được phong trào như cũ, hoặc hoạt động lén lút, hoặc trốn qua Tàu, qua Xiêm.
Một buổi tối mùa đông năm Tân Hợi (1911), cụ Phương Sơn đương nằm đọc sách thì cụ Chân Thiết xồng xộc chạy vào, hỏi:
- Nằm làm gì đó? Người ta thành công rồi đấy, có biết không? Người ta thành công rồi mà mình cứ vẫn nằm chờ chết ở đây ư?
Nói xong, cụ ôm mặt, khóc hu hu.
Cụ Phương Sơn ngạc nhiên, hỏi:
- Chuyện gì thế? Ai thành công?
- Tôn Văn chứ còn ai nữa? Họ thành công trước mình rồi.
Cụ Phương Sơn vẫn bình tĩnh:
- Tin tức ở đâu thế? Sao trong báo Tàu không thấy nói?
- Đi với tôi thì biết. Bọn Hoa Kiều đương mở hội ở hàng Buồm để kỷ niệm ngày mùng mười tháng mười, dân quân thắng ở Vũ Xương. Lại mà xem.
- Thế thì đi.
Một lát sau, hai cụ vừa rẽ khỏi phố Mã Mây một chút, đã thấy người ta nô nức tiến về phía Hội quán Quảng Đông. Không nhìn cảnh chưng đèn rực rỡ ở cửa, cũng không nhận nét mặt hân hoan của Hoa Kiều, hai cụ len lỏi tới một chỗ dán những tờ báo cáo, đọc những tin cuối cùng về trận Vũ Xương rồi trở ra, xuôi về phố hàng Ngang.
Cụ Chân Thiết nói trước:
- Ngẫm người mà thẹn cho mình.
Cụ Phương Sơn cười:
- Việc gì mà thẹn? Người ta làm trước thì thành công trước, mình làm sau thì thành công sau, chứ gì?
- Thành công cách nào? Cứ nằm chết rí ở đó mà đòi thành công?
- Thế chú có chương trình gì không?
- Tôi sẽ qua bên đó. Chắc Tôn Văn và bọn Vân Nam du học sinh còn nhớ tôi. Thể nào họ chẳng giúp mình?
Tối hôm đó hai cụ đi lang thang hết những phố có Hoa kiều như hàng Ngang, hàng Bồ rồi trở về hàng Gai, hàng Đào mà bùi ngùi nhớ lại thời hoạt động của Nghĩa thục. Đồng chí nay đã mỗi người một nơi mà nước nhà thì biết bao giờ mới thay đổi! Khi chia tay nhau, cụ Chân Thiết bảo:
- Thế nào tôi cũng qua Trung Quốc. Càng sớm càng hay.

*

Hai tháng sau, cụ tới rủ cụ Phương Sơn lại đền Bạch Mã ở hàng Buồm. Cụ Phương Sơn hỏi:
- Chú muốn xin thẻ về việc xuất hành chăng?
- Vâng. Tôi đã trai giới mộc dục rồi, hôm nay thành tâm xin một quẻ. Một tuần nữa tôi sẽ đi.
Tới đền Bạch Mã, cụ Chân Thiết xóc được quẻ: “Tiểu chu xuất hải chi triệu” [5]
Cụ Phương sơn nói:
- Quẻ xấu. Thôi chú hãy hoãn lại, ít tháng nữa tính lại xem sao.
Cụ chân Thiết vò nát lá xâm, liệng xuống đất, đáp:
- Quỷ thần an năng tri thử sự [6]? Không, tôi cứ đi. Đãi Hà chi thanh, nhân thọ kỷ hà! [7].
Cụ Phương sơn cười:
- Hỏi Thánh, Thánh dạy, lại không tin thì hỏi làm gì?
Cụ Chân Thiết không đáp, lẳng lặng đi ra. Tới cửa đền, cụ nói:
- Tôi mới nghĩ được hai câu thơ này, đọc anh nghe:
Anh hùng tự cổ nan vi phụ
Hào kiệt hà nhân cách cố gia?
[8]
Cụ Phương Sơn hiểu tâm trạng của bạn lúc đó đương nghĩ đến gia đình, chỉ gật đầu, khen hay và để mặc bạn trầm ngâm.

*

Qua Trung Quốc, cụ Chân Thiết gặp các cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tùng Hương và Nguyễn Thái Bạt [9] rồi liên lạc với cụ Sào Nam, chở tạc đạn về nước để tổ chức vụ liệng bom vào nhà hàng Coq d’or (hay nhà Café Métropole?) ở Hà Nội năm 1913. Cụ bị Pháp bắt và xử tử. [10]

*

Hết trông cậy được ở người Nhật, các nhà cách mạng của ta hướng về Trung Hoa và Đức. Cuối năm 1911, cụ Sào Nam qua Tàu và năm sau Kỳ Ngoại Hầu qua Đức rồi về Trung Quốc để cùng với cụ Sào Nam thành lập Việt Nam Quang Phục hội ở Quảng Châu, phát hành thông dụng phiếu và quân dụng phiếu để mua khí giới, tính tấn công Pháp.
Đại chiến thứ nhất nổ, Đức giúp cho hội được một số tiền nhỏ. Các cụ vội vã hoạt động liền. Hai cụ Huỳnh Trọng Mậu và Nguyễn Tùng Hương lãnh sứ mạng chở khí giới vô biên cảnh, tấn công vài đồn nhỏ ở miền Lạng Sơn (1914). Việc thất bại.
Năm 1917 lại có cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên, do Lương Ngọc Quyến và Trịnh văn Cấn (tức Đội Cấn) chỉ huy.
Lương Ngọc Quyến là người con kiệt hiệt nhất của cụ Cử Lương. Theo cuốn Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 của Đào Trinh Nhất [11] - Tân Việt - 1957 - thì năm 1911 ở Chấn Võ học hiệu ra, cụ qua Trung Hoa, nhằm lúc cuộc cách mạng Tân Hợi thành công, cụ giúp Hồ Hán Dân rồi Lê Nguyên Hồng để có dịp thực hành những điều học được.
Năm 1914, thế chiến nổ, cụ thấy thời cơ sắp tới, về nước để hoạt động. Cụ về Sài Gòn rồi xuống Long Xuyên tiếp xúc với bạn cũ, cụ Dương Bá Trạc, bị an trí ở tỉnh đó và gặp cả Nguyễn Bá Trác bạn học ở Nhật, nay làm “trành” cho Pháp để “lập công chuộc tội” [12]. Hai cụ gặp nhau ở nhà cụ Nguyễn Thượng Khách (tục gọi là cụ Năm Khách) ở Cái Sơn (ngoại ô châu thành) để bàn định kế hoạch: cụ sẽ qua Xiêm khẩn ruộng và luyện quân, khi có thực lực rồi sẽ cử sự.
Trước khi qua Xiêm, cụ ghé Nam Vang thăm cha (cụ cử Lương) mới được mấy ngày thì tung tích bại lộ (do tên phản quốc là Nguyễn Bá Trác mật báo cho Pháp), không dám đi thẳng qua Xiêm, vì đoán thế nào Pháp cũng tra xét rất kĩ ở biên giới Miên - Xiêm, nên trở về Sài gòn rồi qua Xiêm bằng đường Hương Cảng, nhưng bị cảnh sát Anh bắt ở Hương Cảng giao cho Pháp.
Năm 1915 cụ bị giải về Hà Nội, giam ở nhiều nơi, sau cùng ở Thái Nguyên. Tên công sứ Thái Nguyên lúc đó là Darbes, đứng đầu trong “tứ hung”, tức bốn công sứ bạo ngược nhất đất Bắc: nhất Đặc (Darbes), nhì Ke (Ekert), tam Ma (Delamarre), tứ Bích (Bride); hắn sai dùi bàn chân của cụ để buộc xích sắt, nên cụ liệt hẳn một chân. Mặc dầu vậy, có lẽ chính là vì vậy mà chí khí của cụ càng nung nấu tôi luyện; cụ liên lạc được với viên đội khố xanh Trịnh Cấn, (tên thật là Trịnh văn Đạt, người làng Yên Nhiên phủ Vĩnh Tường) một phần lớn nhờ công bà vợ của Trịnh, con nhà cách mạng Phùng văn Nhuận ở Sơn Tây, có hai anh là Cả Thấu và Hai Vịnh - hoặc Hai Vị (?) - cũng bị giam ở Thái Nguyên.
Đêm 30-8-1917, Trịnh Cấn kéo cờ khởi nghĩa phá ngục chiếm đồn. Người ta cõng cụ Lương Ngọc Quyến từ trong ngục ra để cụ chỉ huy mọi việc. Nghĩa binh làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên từ 30-8 đến 5-9, dùng lá cờ năm ngôi sao làm quốc kỳ, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, công bố hai bài tuyên ngôn với quốc dân. Sau không chống cự nổi với quân Pháp, phải rút lui. Đội Cấn xếp đặt võng cáng để đưa cụ đi, nhưng cụ thấy như vậy chỉ thêm phiền cho anh em chiến sĩ, nên quyết định chết ở Thái Nguyên, nhờ Đội Cấn bắn một phát vào giữa ngực mình (5-9). Hay tin đó, cụ Dương Bá Trạc làm bài thơ khóc bạn như sau:
Đoạn tuyệt gia đình với núi sông,
Phất cờ Đông học
[13] trẩy tiên phong.
Lục quân Nhật Bản tinh thao luyện,
Chiến địa Trung Hoa thỏa vẫy vùng.
Bắc Hải
[14] ghi ơn lời thoại biệt,
Long Xuyên bao xiết truyện trùng phùng.
Thái Nguyên độc lập năm ngày trọn,
[15]
Cho biết tay đây cọp sổ lồng.
Cụ Lương Ngọc Quyến lưu lại một bài Cảm tác trước khi mất:
Học hải cầm thư lịch kỷ thu,
Nam quan
[16] hồi thủ tứ du du
Bách niên tổ quốc qui Hồ lỗ,
[17]
Thất xích tàn thu phó bích lưu
Từ thế bất phùng minh thánh hữu,
Lai sinh thả báo phụ huynh cừu
Thử hành hoạch yết Lam Sơn đế.
Hoán khởi trùng tiêm Pháp tặc đầu.
Cảm tác
Bể học xông pha trải bấy lâu
Thân tù ngoảnh lại nghĩ mà đau.
Trăm năm đất tổ về quân mọi
Bảy thuớc thân tài mặc nước sâu.
Bạn tốt đời nay sao vắng cả,
Thù nhà kiếp khác dễ quên đâu!
Hồn ta gặp được Lam Sơn đế,
Quyết mượn oai linh chém Pháp đầu.
Đào Trinh Nhất dịch
Nghĩa quân rút ra khỏi Thái Nguyên rồi, còn chống cự được tới cuối năm. Ngày 5-1-1918, Đội Cấn bị vây và bị thương ở Pháo Sơn, chung quanh chỉ còn 4 thủ hạ, biết là mọi sự đã hỏng tự bắn vào bụng. Trong lịch sử cách mạng của dân tộc ta, hai cái chết đó oanh liệt và cảm động vào bực nhất. Cụ Ngô Đức Kế lúc ấy đương ở Côn Đảo, làm sáu bài thơ tứ tuyệt chữ Hán, nhan đề là Thái Nguyên thất nhật Quang Phục ký mà tôi xin trích lại hai bài, bài IV và bài VI:
IV
Cự sưu hoạt kịch tái vô văn,
Tạc đạn thanh trầm, Đế đảng phân.
Hảo vị hà sơn nhất thổ khí,
Cưỡng nhân ý thị Thái Nguyên quân.
VI
Bút thiệt vô công kiếm vị thành
Thập niên cùng đảo ám thôn thanh.
Uất thông giai khí hà sơn tại
Dạ dạ phần hương chúc hậu sanh.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (trong Thi tù tùng thoại) dịch ra như sau:
IV
Tấn kịch xin xâu đã hạ màn,
Quả bom ngòi tắt, đảng vua tan.
Non sông còn có mùi sanh khí,
Tuồng Thái Nguyên lưa một tiếng vang.
VI
Bị chả xong, gươm cũng dở dang.
Mười năm nín tiếng chốn cùng hoang.
Non sông un đúc người sau đấy,
Câu chuyện thường đêm cứ đốt hương.
Các nhà cách mạng của ta trông mong ở Trung Hoa giúp sức, nhưng năm 1917, Trung Hoa lại đứng về phe Pháp, tuyên chiến với Đức, thế là các cụ hết hy vọng.
Phong trào cách mạng lại xuống. Không nhờ ở ngoại viện không được, mà nhờ thì phải chịu những nông nỗi đó.
Chú thích:
[1] Lời của một nhà cách mạng thời đó: thân ta không thành thì mong ở con ta.
[2] Có sách chép một sinh viên, Trần Đông Phong, uất ức quá, tự ải sau khi đề lại hai câu tuyệt mạng:
Thời dữ thế dị, sự dữ tâm di,
Hư sinh đồ nhuế, hà dĩ vi sinh?
(Thời với thế đổi việc với lòng khác.
Sống thừa vô ích, sống để làm gì?)
Nhưng theo cụ Phan Sào Nam trong cuốn Tự phán thì Trần Đông Phong tự tử vì cha mẹ giàu có mà không gởi tiền qua, chứ không phải uất ức vì bị Nhật đuổi.
[3] Tôi nhớ mài mại hai câu thơ của Nguyễn Bính làm khi ông tản cư, trời gần tối và chung quanh chỉ toàn rừng núi:
Hỡi ơi! trời đất mênh mông rộng,
Biết kiếm đâu ra một mái nhà.
[4] Tức Hoàng Tăng Bí.
[5] Cái triệu thuyền nhỏ ra biển.
[6] Câu đó trong bài Bốc Cư của Khuất Nguyên, nghĩa là: quỷ thần sao biết được việc đó.
[7] Cũng là một thành ngữ nghĩa là: “Đợi cho sóng Hoàng Hà trong lại (thì đợi làm sao được), đời người thọ được bao?” Người Trung Hoa nói rằng sông Hoàng Hà cứ ba trăm năm mới trong một lần.
[8] Từ xưa làm vợ anh hùng vẫn khó khăn, vì bực hào kiệt có ai nghĩ tới nhà đâu?
[9] Cụ Tùng Hương là anh cụ Phương Sơn.
Nguyễn Thái Bạt là học trò cụ Lương, khi qua Trung Quốc, đổi tên là Lý Phục Hán, phải gánh thuê đề kiếm ăn, nhờ có tài văn chương được cất nhắc lần lần làm Thiếu úy rồi làm bí thư cho Tôn Văn, lấy một người con gái nuôi của Tôn, sau về nước, bị Pháp bắt. Lúc dan díu với thiếu nữ đó, ông làm hai câu thơ:
Thiên vị anh hùng tiểu muội khái
Cố giao hồng phấn bạn dong công.
(Trời muốn cho người anh hùng đỡ sầu muộn, nên cho người mặt phấn làm bạn với anh làm mướn)
[10] Một người con trai của cụ là Đỗ Bàng (bí danh là Chu văn Vận) và một người con gái là Đỗ thị Tâm sau nay gia nhập Việt Nam Quốc Dân đảng. Sau vụ Yên Bái, Đỗ thị Tâm bị Pháp bắt ở phố hàng Bột (Hà Nội), giam ở Hỏa Lò. Muốn khỏi bị tra khảo, bà lấy dây lưng thồn vô họng cho nghẹt thở mà chết. Đỗ Bàng cũng bị bắt và chết năm 1938.
[11] Họ Đào là con rể cụ Lương Ngọc Quyến.
[12] Cũng hồi đó Nguyễn Bá Trác cũng qua miền Đốc Vàng Thượng (Long Xuyên) đề dò la và dụ dỗ cụ Phương Sơn, con rể cụ Lương.
[13] Đông học tức Đông du, qua Nhật học.
[14] Nhắc lại việc năm 1905, cụ Dương Bá Trạc đưa bạn ra Mông Cái, rồi qua Đông Hưng để đón tàu từ Bắc Hải đi Hương Cảng.
[15] Tính ngày theo lối ta thì là bảy ngày, tính theo giờ thì chỉ được năm ngày.
[16] Nam quan: do tích Chung Nghi người nước Sở bị nhà Tấn bắt, đội cái mũ của Sở (Sở ở phương Nam, nên gọi là mũ phương Nam: Nam quan). Vua Tấn thấy Chung Nghi, hỏi ai, bình thản trả lời là tên tù nước Sở; do đó Nam quan trỏ người tù phương Nam.
[17] Rợ Hồ (Hồ lỗ) ở đây trỏ Pháp.