Chương IV

     ác San không thấy lạnh vì tâm trí đang mơ tưởng đến bữa ăn nóng sốt, ngon lành. Thứ nhất là bác chẳng tốn tiền mua, chính cô Bích Huệ, chị của Mỵ Lan đã biếu bác sau khi mua vải. Con người mới xinh đẹp và tử tế làm sao! Nhưng mà... suy cho cùng, cô ta cung là phụ nữ mà phụ nữ thì... không thể tin được.
Bây giờ bác lại nghĩ đến buổi ăn tối, thường thường, bữa ăn tối là bữa ăn bác San thích nhất, không vội vàng như bữa điểm tâm, cũng không đạm bạc quá như bữa ăn trưa, bữa tối, bác có thể ngồi kề cà, thong thả, vừa ăn vừa nghĩ đến vàng! Vàng sáng lóe, xinh đẹp, trung thành, không mè nheo, quậy phá. Vàng đẹp hơn mặt trời lúc bình minh, hơn cả trăng đêm giữa tháng, lửa ấm chiều đông và hoa xuân buổi sáng đều không so sánh được với vàng!
Có khi cao hứng, bác khuân vàng ra, đổ lên bàn, vừa ăn vừa ngắm, thật không thú nào hơn thú ngắm vàng. 
Đúng ra, bác không tội gì mà dầm thân trong mưa gió thế này, số là khi cô Bích Huệ mua vải bác, khen đẹp lại dặn bác dệt gấp cho cô một số nữa, y như thế đặng cô biếu người chị họ của chồng cô.
Lên khung sắp dệt, bác nhận ra là bác thiếu mất một thứ sợi đặc biệt để dựng đường biên, thiếu thứ sợi đó, tấm vải mất đi chút ít giá trị, nó chứng tỏ đó là vải của bác San, người thợ dệt mười lăm năm cư ngụ tại làng Vệ, vải đẹp, tốt, bền có thể so sánh với thứ vải đặc biệt từ các thị trấn lớn đem về, mà các thứ từ thị trấn lớn đem về lại đắt hơn!
Thế là, bác San băng đồng xuống phố, mua. Không cần gài cửa, vì bác chẳng đi lâu lắm, vả lại, ai mà thèm đến nhà bác vào đêm mưa gió tối tăm thế này? Còn tụi đạo chích thì chúng đâu có điên mà lò dò ngang Hầm đá? Rủi lọt chân xuống đó có mà bỏ đời. Bác San rất yên tâm.
Về đến nhà, bác San không nhận thấy dấu vết gì cả, mắt bác kém quá. Bác lo thêm dầu vô đèn rồi cất mũ, dẹp bao; đoạn ngồi lại, sửa soạn làm món thịt ngon mà không tốn xu nào, vừa sưởi ấm một cách nhàn nhã.
Trong lúc chờ cho thịt ăn được, bác nghĩ đây chính là lúc ngắm vàng. Cửa nẻo đã đóng chặt, ma nào lãng vãng đến đây mà lo? Bác sẽ đổ hai túi vàng bạc lên một nửa bàn (còn một nửa để chừa chỗ dọn bữa) vừa ăn, vừa ngắm như thói quen dạo gần đây!
Bác San cầm đèn đi lại khung cửi, đặt lên nền gạch, hì hục bới cát cạy gạch lên, nâng bỏ qua một bên. Chúa ơi! Bên dưới rỗng không! Trống ngực đập liên hồi như trống trận, bác đờ người ra. Trời lạnh ngắt mà mồ hôi tuôn dòng dòng xuống mặt, xuống trán, người bác nóng bừng lên. 
Không, bác không tin rằng vàng đã mất. Không thể có chuyện đó, vô lý quá! Bác sờ soạng thật kỹ, tưởng mình đã nhìn lầm vì mắt kém. Tay bác chạm vào khoảng trống lốc, nhưng bác cũng chưa chịu tin, cầm nến soi vào. Bây giờ bác run bần bật, há hốc miệng mà không kêu được một lời, buông rơi ngọn nến xuống nhà, kinh hoàng tột độ... rồi lặng người đi.
 Một lúc sau, lửa tàn, nến tắt, bóng tối tràn ngập cả nhà, bác San tỉnh lại vì hơi lạnh ngấm vào mình.
Hai tay bưng lấy đầu, bác cố trấn tĩnh để nghĩ xem ai là kẻ trộm? Biết chừng đêm qua bác đã quên chôn vàng lại trước khi đi ngủ, bác có thể đãng trí lắm chứ, sao không? Bác San thổi lửa lại, đốt đèn lên, lục lọi giường, chăn, củi, bếp, soong chảo không chừa một chỗ nào.
Run run hai gối, bác cố gắng đi lại bàn, nhìn trừng trừng, mặt bàn trơ trụi, trống trơn. Bác quay ra sau lưng, đôi mắt nâu quắc lên như muốn xoi thủng xuyên qua vách tối. Cái gì cũng nguyên si đầy đủ, chỉ thiếu có vàng thôi!
Vàng nó có chân đâu, có bụng đâu mà nói rằng nó đói, nó bò đi tìm thức ăn kia chứ! 
Bác San lại bưng lấy đầu bằng hai bàn tay xương xẩu run run. Bác lắp bắp kêu lên không thành tiếng gì rõ rệt, trong đêm khuya, tiếng kêu thống khổ nghẹn ngào, uất ức của bác vang lên như tiếng con vật trúng đạn bất ngờ, bị thương trí mạng kêu rên...

*

* *

Khi mọi hy vọng rằng mình để quên hai bao của cải đâu đó hoàn toàn tiêu tan, bác San mới chịu tin là mình bị kẻ trộm lẻn vào trong khi bác vắng mặt, lấy đi. Hắn là ai? Bắt được hắn thì mới mong lấy lại số vàng bạc nặng chĩu trong hai cái bao da. Nhưng làm sao bắt? Trong lúc mình lục lọi hắn đã dư thì giờ cao bay xa chạy mất rồi!
Như người mất hồn, bác mở rộng cửa nhìn qua bóng đêm, mưa hắt vào mình vào mặt bác, lạnh căm. 
Bác quay vào, đóng ập cửa, ngồi thừ suy nghĩ. Ít nhất, phải moi óc tìm xem có kẻ nào đáng nghi ngờ rồi mới tính chuyện tìm thủ phạm. Láng giềng thì không có ai, vì nhà mình hẻo lánh quá. Người khả dĩ đáng ngờ là Dân, hắn ta là người duy nhất hay lai vãng con đường này và đôi khi gặp mình.
A! Lại có lần hắn nói đùa về tiền nong của mình nữa kia. Hắn nói thế này đây: 
- Bác San, bác có định cất lại nhà không? Dệt vải được nhiều tiền, bác định dùng làm gì? Hay bác cho tôi vay vậy, nhá?
Hừ! Nếu hắn không rình rập dòm nom làm sao hắn biết được mình nhiều tiền? Cái mặt thì thớ lợ, cười cười, cờn cợt, đúng là một kẻ gian! Cái tên cũng dễ ghét: Dân! Tên gì lại tên dân? Chứ không là dân, bộ mặt ấy lại tính làm quan chắc? Mà cái họ lại càng đáng ghét hơn: họ Tạ! Tạ văn Dân! Cái họ kêu lên nặng nề quá đi mất Tạ văn Dân – bác San kêu to lên – ta sẽ tóm cổ mày, đòi lại tất cả số vàng, số bạc của tao, tiền mồ hôi nước mắt... tao nhớ kỹ, không sơ suyển một đồng, dù đồng nhỏ nhất trong hai cái bao ấy, Tạ văn Dân ạ!
Nói thì nói thế, bác San vẫn chưa biết làm cách nào để tóm cổ Tạ văn Dân. Bác quả có lúng túng thật. Luật pháp, một thứ chuyện quá tầm hiểu biết của bác thợ dệt, một thứ xa vời không liên quan gì đến chuyện vải, thoi, chỉ, sợi, không ngờ lại có một ngày bác thợ dệt chân phương ở làng Vệ phải cầu cứu đến. Phiền phức như thế đấy.
  Suy nghĩ đến nhức đầu cũng chả ra manh mối gì rõ ràng để kết tội Dân, người mà bác San đinh ninh là thủ phạm vụ trộm ghê gớm này. Dĩ nhiên với bác thì hắn đúng là tên trộm, không chệch đi đâu, nhưng mọi người có chịu tin thế không? Nhất là luật pháp, luật pháp có tin như bác không? Phải trình làng hay lên quận rồi pháp luật sẽ lo cho chứ bác thì có biết đằng nào mà lần? Nghĩ lắm hóa đau thêm khổ.
Phải hành động tức thì trước khi thủ phạm trốn mất mới được. Thế là, chân không, đầu trần, bác băng mình ra mưa gió, không thèm gài cửa vì bây giờ còn gì nữa mà cẩn thận cho nhọc lòng? Chạy một chốc, ngừng lại thở dài. Nhà việc giờ chắc chắn đã đóng cửa, ai tiếp bác vào đêm hôm khuya khoắc thế này? Cách tốt nhất là đến thẳng quán Ngàn Sao, nơi họp mặt của hầu hết dân làng, nhất là những anh có máu mặt, có chức vị trong làng.
Nghĩ sao làm vậy, bác San nhắm hướng quán Ngàn Sao cắm cúi đi đến đó. 
Đến nơi, bác thợ dệt không may dừng lại trước cửa, thở cho lại sức, đoạn xô cửa bước vào trong. 
Bên trong ấm cúng và sáng rực. Mọi người tụm lại bàn chuyện mưa nắng từ chập tối chán rồi, họ đang xoay qua chuyện ma quái. Ma quái! Chào! Đó là chuyện thích thú nhất, sôi nổi nhất, không bao giờ cạn (vào thời bấy giờ chuyện ma quỉ lẫn lộn với phạm nhân là chuyện lắm kẻ tin).
Trong bọn, có hương sư Phan là người cứng cổ nhất, ai nói gì ông vẫn khăng khăng là không có ma quái. 
Ực một ngụm rượu, chùi miệng bằng lai áo, đặt cốc xuống bàn một cái mạnh, ông ta hắng giọng, dõng dạc:
- Được, cứ đặt giả thuyết là có ma, thế tại sao không thấy giữa ban ngày thanh thiên bạch nhật? Sao chúng cứ lựa ban tối cây cao, mà nấp? Trong chúng ta đây, khi đi đâu năm bảy mạng có bao giờ thấy ma không? Sao cứ hễ tướng nào đi một mình thì y như rằng có chuyện? Tôi thì tôi cho là chẳng qua thần hồn nát thần tính, trông gà hóa cáo, nhìn bụi cây lại ngó hình người, chỉ vì bị ám ảnh chuyện ma... Tôi ấy ư? Còn lâu tôi mới...
Người ăn học nói khác, năm sáu cái miệng cùng há hốc ra, mười mấy cái tai cùng dõng lên, mười mấy con mắt cùng chăm chú vào người nói. Phan đã văn chương lại hùng hồn, nguyên chỉ bốn tiếng thanh thiên bạch nhật cũng đủ cuốn hút sự chú ý của mọi người rồi.
Đột nhiên, mọi người cùng giật mình quay lại vì tiếng động sau lưng, kẻ yếu bóng vía nhất suýt kêu lên, nếu Phan không điềm tỉnh nhận diện con ma lù lù xuất hiện bất ngờ. Công bình mà nói, thoạt tiên, Phan cũng hơi hãi, nhưng vốn là tay chì có tiếng, nên anh ta tỉnh táo sớm hơn hết, quan sát con ma gan góc kia, khi thấy rõ là bác thợ dệt, Phan không khỏi buồn cười, nhưng nom sắc thái người thợ dệt, anh không thể cười to được.
Mọi người đều ngạc nhiên, không ai thốt được lời nào, bác San thì thở hào hển, mặt xám ngoét vì mệt và tức giận. Mãi hơn phút sau, chủ quán mới lên tiếng hỏi: 
- Bác San, bác có việc gì mà đến đây khuya khoắt thế này? 
- Kẻ trộm, thưa ông! Kẻ trộm! Bao nhiêu vàng bạc của tôi mất sạch rồi! Tôi phải gặp các quan. Ông cảnh sát, ông xã trưởng, ông hội đồng... Cần lắm. Các quan phải giúp tôi.
Chủ quán bảo Dân ngồi cạnh đó: 
- Dân, giữ bác San lại ngay! Dễ chừng bác ấy bị ma làm hay hóa điên cũng nên! Tội nghiệp... 
«Ủa, thế kia ư? Có cả Tạ văn Dân ngồi đây? Gan thật: ăn trộm cả hai bao vàng bạc của người ta rồi ung dung đến quán uống rượu, chuyện trò tỉnh như không! Gớm thiệt cái quân này!» Bác thợ dệt nghĩ thầm một cách giận dữ. Thế là nạp mạng cho hổ rồi đây mà.
Trong khi Dân chưa nhúc nhích được một phân thì bác San quắc mắt lên: 
- Tạ văn Dân! Tôi tìm anh đấy! 
Dân kinh ngạc hỏi: 
- Bác tìm tôi có việc gì, kia chứ? 
Bác San điểm một ngón trỏ vào trán Dân, gằn giọng: 
- Thôi, đừng làm bộ ngây thơ, biết điều thì mang trả ngay cho tôi hai bao vàng bạc, tôi biết hết, tôi nhớ rõ tôi có bao nhiêu... trả ngay cho tôi, tôi không thưa gửi chi hết, tôi tha anh, tôi sẽ...  
Dân há hốc miệng trước những lời buộc tội hùng hổ của bác thợ dệt, nhưng sau anh ta hiểu được, cơn giận bốc lên, Dân chồm tới tát một cái đánh «bốp» vào giữa mặt bác San, gầm lên:
- Câm lại, lão ngu! Nếu mà lão còn ho he bảo là ta ăn trộm tiền vàng nữa thì ta đánh cho vỡ mặt tức thì... nghe chưa? Không phải cứ mất của rồi hóa rồ lên, bạ ai cũng đổ ngờ cho người ta đâu, nhé, nhé? Ông thì ông bẻ hết răng cùng, răng cấm, răng nanh...
Chủ quán và mọi người cùng sửng sốt đứng yên không kịp can ngăn. Bác San lùi lại vì bị cái tát bất ngờ, còn Dân thì xông lên như toan làm dữ. Chủ quán vội vàng nắm tay Dân kéo lại, ôn tồn: 
- Dân! Chú mày chớ nóng. Để xem đầu đuôi câu chuyện ra sao. Bác San! Bác cỡi áo ra nào! Áo bác ướt sũng thế kia, lạnh chết. Hãy ngồi xuống cả hai người. Chuyện đâu còn đấy, đừng nóng nảy, không hay! 
Dân hầm hầm mặt:
- Nói gì thì nói, chứ hễ còn nói tôi trộm tiền thì tôi nện cho một trận, đến đâu thì đến, đừng tưởng dễ. 
- Thôi! Dân! Chú mày lắm lời thế. Để yên xem bác ấy nói gì, nào? 
Bác San đã ngồi xuống theo lời chủ quán nhưng chưa cởi áo, nước mưa chảy ròng ròng xuống chân, nước mắt lặng lẽ bò dài xuống đôi má hóp, dáng bộ thiểu não làm cho mọi người trong quán đều phải động lòng. Dân nói như phân bua: 
- Đời thuở nhà ai mới thấy mặt mình là đổ riết cho mình ăn trộm... 
- Thôi! Tôi đã bảo thôi, để yên bác nói xem sao...
San bình tĩnh lại, bắt đầu lên tiếng kể đầu đuôi câu chuyện, giọng bác trầm trầm, buồn bã, khổ sở, mặt bác biểu lộ tất cả thành thực; không ai có thể ngờ là bác bịa chuyện được. Khi bác dứt lời, mỗi người hỏi một câu nháo cả lên. Dân cũng dịu lại: 
- Nhưng tại sao bác ngờ vào tôi? 
- Thực ra tôi không dám ngờ ai hết, cả anh nữa. Nhưng mất của xót ruột, tôi cố nhớ lại xem có thể nghi ai và chỉ nhớ rằng anh có một lần đùa với tôi một câu về chuyện tôi có nhiều tiền... 
- A, ra thế đấy!
Dân mát mẻ. Bác San buồn rầu: 
- Dầu sao thì tôi cũng bị anh đánh một cái rồi, tôi xin lỗi anh...
- Bây giờ bác còn nghi cho tôi nữa không? Hãy hỏi mọi người ở đây thì biết tôi có mặt đây từ lúc nào? 
Chủ quán nối lời Dân: 
- Phải, bác San này. Dân nó có mặt đây từ chiều, khoảng thời gian ấy đích là khoảng thời gian bác rời nhà... 
- Bây giờ bác tính sao đây? 
Giọng khổ sở, bác San nói như rên: 
- Nào có biết làm sao, tôi rối mù cả đầu óc, phát điên lên... 
Thầy giáo Phan hỏi: 
- Bác có nhớ số tiền bạc là bao nhiêu không? 
- Có chứ, tôi nhớ rõ lắm vì tôi mới đếm chiều hôm qua. Cả thảy là một trăm bảy mươi ba đồng vàng, một trăm năm mươi tư đồng bạc và mười sau đồng hào. 
- Thế à? Thế thì nặng lắm, nhiều lắm, cả một gia tài của người ta. Quân nào mà ác thế, hả trời?
- Bác có thấy dấu vết gì không? 
- Không, tuyệt nhiên không, vả lại... 
Bác San ngừng nói, đưa tay chỉ vào mắt mình, ra hiệu rằng mắt kém vì bác nghẹn lời không nói được. Mọi người xuýt xoa tiếc hộ cho bác. Phải! Ai tiếc chi một cử chỉ tỏ ra thương hại kẻ không may. 
Sau một hồi bàn qua, tính lại, chủ quán vui lòng cho bác San mượn cái áo mưa của mình và một người nữa được cử ra để cùng đi với bác đến nhà ông Xã trưởng làng Vệ thưa chuyện kẻ gian với ông ta.