Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
CHƯƠNG I (tt)

    
gay sau khi trở về Huế, theo lời khuyên của Cao Xuân Dục, ông Sắc đã cho hai con trai theo học trường cao đẳng tiểu học thuộc hệ thống giáo dục Pháp-Việt mới, nằm ngay bên ngoài thành trước cổng chợ Đông Ba. Trường trước đây là một phần của chợ nằm choán hết khu vực, nhưng sau khi chợ được chuyển tới một địa điểm khác vào năm 1899, toàn bộ ngôi nhà được sử dụng làm trường học. Trường có năm phòng, bốn phòng sử dụng làm lớp học và phòng còn lại làm văn phòng. Thực ra, Thành không có giấy chứng nhận để được theo học tại trường vì Thành chưa được giáo dục theo kiểu phương Tây, tuy nhiên vì Thành được thầy giáo ở làng Kim Liên dạy một ít tiếng Pháp và đã thể hiện rất tốt trong cuộc phỏng vấn nên đã được nhận vào học như một học sinh lớp đầu. Rõ ràng vốn tiếng Pháp của Thành chưa đủ để hiểu những từ nổi tiếng của Cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái được ghi trên chiếc biển gắn trước cổng trường.
Các lớp được dạy bằng ba thứ tiếng: Việt Nam, Pháp và chữ Hán. Các lớp học càng cao tiếng Hán được sử dụng càng ít hơn. Một số người bảo thủ đã phản đối việc hạn chế vai trò tiếng Hán nhưng Thành và cha có lẽ rất vui với quyết định đó. Thầy dạy tiếng Pháp của Thành ở Kim Liên đã khuyên Thành: “Nếu trò muốn đánh bại người Pháp, trò phải hiểu họ. Để hiểu người Pháp, trò phải học tiếng Pháp”.[1]
Với đôi guốc mộc, quần áo nâu và mớ tóc dài, rõ ràng Thành là hình ảnh của một người nhà quê trong con mắt các bạn học - nhiều người trong số họ mặc quần chùng áo the hoặc mặc đồng phục kiểu phương Tây mua tại trường - nên Thành đã nhanh chóng quyết định cắt tóc ngắn và mặc quần áo giống như các bạn để khỏi bị chế nhạo. Thành đội mũ, bỏ chiếc nón lá gồi. Nhiều năm sau, một người bạn kể lại, Thành học rất chăm chỉ, ít chơi bời. Thành đã xin phép được làm bài tập sau mỗi buổi học tại nhà một thầy giáo và ôn bài cùng các bạn vào buổi tối. Một trong những người bạn của Thành kể lại, Thành thường nói với những bạn chán học rằng “Chỉ có khổ học mới thành công”. Thành học tiếng Pháp rất chăm chỉ, luyện âm với các bạn, viết những từ tiếng Pháp và tiếng Hán tương đương với những từ trong tiếng Việt vào vở. Do chăm học, chỉ sau một năm Thành đã hoàn thành khoá học hai năm.
Mùa thu năm 1907, Thành và anh trai đã thi đỗ, được theo học trường Quốc Học, cấp cao nhất trong hệ thống trường Pháp-Việt tại Huế. Trường được thành lập theo chiếu chỉ của Vua Thành Thái năm 1896, đặt dưới quyền của toàn quyền Pháp ở Trung Kỳ. Trường có bảy cấp học, bốn cấp đầu quan trọng và kết thúc ở cấp cuối cùng dành cho các học sinh cấp cao. Triều đình hy vọng việc thành lập trường có thể thay thế được Quốc Tử Giám cũng như để tạo ra nguồn nhân lực được đào tạo theo phương Tây cho triều đình, do đó chương trình học tập được tập trung vào văn hoá Pháp và tiếng Pháp, người dân địa phương đã đặt cho trường cái tên “trường địa đàng”.
Trường Quốc Học, toạ lạc bên bờ nam sông Hương, nhìn thẳng qua sông là cổng chính Hoàng Thành, nhưng điều kiện sống và học tập không tương xứng với danh tiếng của nhà trường. Toà nhà chính, từng là trại lính, xiêu vẹo mái tranh, dột khi trời mưa. Toà nhà này có vài phòng học, một hội trường lớn và một văn phòng. Xung quanh toà nhà có vài bụi tre, dăm túp lều tranh vách nứa. Đường vào trường nằm trên đại lộ Jules Ferry, một phố chính chạy sát bờ sông, nổi bật với cổng bằng gỗ hai tầng theo lối Tầu, tên trường viết bằng chữ Hán.
Hoàn cảnh của các học sinh trong trường rất khác nhau. Một số giống như Thành và anh trai, là học sinh được cấp học bổng phải đi bộ tới trường. Một số khác là con cái trong gia đình giàu có, nội trú tại trường hoặc tới trường vào buổi sáng bằng xe ngựa. Theo truyền thống thời đó, học sinh bị đối xử rất nghiêm khắc đôi khi tàn nhẫn. Hiệu trưởng đầu tiên, một doanh nhân tên là Nordemann. Ông lấy vợ Việt Nam và nói sõi tiếng Việt. Người kế nhiệm, Logiou, xuất thân từ lính Lê dương Pháp.
Mặc dù nhiều năm sau, Thành thường phàn nàn nhiều điều về trường cũng như về hành vi đối xử tàn nhẫn của một số giáo viên, nhưng Thành vẫn tiếp tục chăm chỉ học hành, tiến bộ trong học tập. Thành học lịch sử, địa lý, văn học và khoa học trong khi tiếp tục nâng cao trình độ tiếng Pháp. Các bạn học của Thành thường kể lại, Thành luôn ngồi cuối lớp, thường không để ý tới gì xảy ra trong lớp. Nhưng Thành cũng nổi tiếng là người hay đặt câu hỏi trong lớp và giỏi ngoại ngữ nên được hầu hết các giáo viên yêu quý. Các bạn học cũng kể lại một số câu hỏi của Thành rất tò mò, vì Thành muốn tìm hiểu ý nghĩa sâu xa các tác phẩm của các nhà triết học thời phục hưng Pháp. Một trong những thầy giáo mà Thành yêu thích là Lê Văn Miên, mới tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris. Mặc dù thày Miên thường hay chỉ trích chính sách của chính quyền thuộc địa, nhưng sự hiểu biết của ông về văn hoá Pháp đã khiến cho ông có được tiếng tốt đối với người Pháp sống ở kinh thành, giúp ông không bị chính quyền khiển trách. Miên kể cho các học sinh tại trường Quốc Học, những người Pháp ở chính quốc xử sự nhã nhặn hơn so với người Pháp ở Đông Dương. Điều này đã khiến cho Thành rất thích thú bởi những câu chuyện về thành phố Paris vĩ đại với những thư viện, bảo tàng cùng với những cuốn sách viết về nhiều lĩnh vực mà bất kỳ ai cũng có thể tự do đọc. Những câu chuyện của Miên đã khích lệ người thanh niên đạt nhiều thành tích hơn, khiến cho Thành được một trong những thầy giáo ngợi khen, “một học sinh thông minh và thực sự xuất sắc”.
Tuy nhiên, cách ăn nói, phong cách nông dân của Thành làm nảy sinh mâu thuẫn với các bạn thuộc giới thượng lưu. Họ thường giễu cợt Thành là anh chàng thộn vì giọng nói nặng tiếng địa phương. Lúc đầu Thành không phản ứng, nhưng trong một lần mất bình tĩnh Thành đã đánh một người trêu ghẹo mình. Thày giáo trách Thành mất bình tĩnh và khuyên Thành tập trung vào những chuyện có ích hơn như nghiên cứu các vấn đề quốc tế. Thực ra, Thành cũng đã quan tâm nhiều đến chính trị và sau mỗi buổi học Thành thường lui tới bờ sông, nơi những đám đông tụ tập tranh luận về những tin tức mới nhất về Phan Bội Châu và cùng nhau đọc thơ “Á Tế Á” của ông Châu ngợi ca một châu Á không có sự thống trị của người da trắng và kêu gọi người đọc tranh đấu vì độc lập dân tộc.
Người khơi dậy lòng yêu nước của Thành là thày Hoàng Thông dạy chữ Hán, người có quan điểm chống Pháp nổi tiếng trong trường. Ông Thông nói với các học trò trong lớp, hoạ mất nước còn tồi tệ hơn hoạ mất gia đình, bởi khi mất nước thì toàn bộ giống nòi sẽ bị tuyệt duyệt. Thành đã đến chơi nhà ông Thông và say sưa đọc những cuốn sách trong tủ sách trong đó có tuyển tập các tác phẩm của những tác giả là nhà cải lương người Pháp, Trung Hoa và Việt Nam. Theo một số tài liệu, Hoàng Thông đã tham gia các hoạt động chính trị bí mật, thiết lập mối quan hệ giữa Thành với nhóm kháng chiến chống triều đình và chính quyền thuộc địa Pháp.
Mặc dù mức độ tham gia của Thành vào các hoạt động đó không thể xác định được, nhưng rõ ràng Thành đã ngày càng lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền. Trong một số dịp, Thành đã công khai trước đám đông học sinh trong sân trường, chỉ trích thái độ hèn hạ của triều đình, đòi giảm các loại thuế nông nghiệp quá nặng đối với nông dân. Một học sinh tồ cáo hành động của Thành cho nhà chức trách, Thành đã bị gọi lên văn phòng của giám thị và bị khiển trách gay gắt.[2]
Mùa thu năm 1907, tình hình chính trị ngày càng trở nên căng thẳng. Vua Thành Thái, được người Pháp đưa lên ngôi từ năm 1889, buộc phải thoái vị vì bị nghi ngờ có dính líu đến các hoạt động phiến loạn. Tuy nhiên, trong thành đã có những tin đồn, người kế vị mới tám tuổi của ông là vua Duy Tân còn có tư tưởng chống Pháp mạnh hơn. Mặc dù tuổi nhỏ, để thể hiện quyết tâm cách tân đất nước nhà vua đã chọn niên hiệu Duy Tân, -“hiện đại hoá”-, một cử chỉ như để tuyên bố quan hệ gắn bó về tinh thần của ông với Vua Minh Trị của Nhật Bản.
Tuy vậy, đối với nhiều người Việt Nam tiến bộ, đã quá muộn không thể gắn triều đình với các hoạt động yêu nước. Nguyễn Quyến, sĩ phu trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đã viết một bài thơ kêu gọi tất cả những người Việt Nam cắt tóc để biểu thị phản đối chế độ phong kiến cũ (lúc đó, người đàn ông Việt Nam vẫn búi tóc, như vẫn thường làm nhiều thế kỷ trước). Thành lúc này bỏ học cùng bạn bè đi khắp các đám đông cắt tóc cho những người qua đường cho dù nhiều người chẳng yêu cầu gì cả. Nhiều năm sau, Hồ Chí Minh vẫn nhớ bài ca của họ:
Lược bên tay trái
Kéo bên tay phải
Cắt! Cắt!
Cắt bỏ sự ngu dốt
Bỏ đi sự đần độn
Cắt! Cắt![3]
Rõ ràng những hành động như vậy đã khiến nhà chức trách Pháp lo ngại, dẫn tới việc chính quyền ở Bắc Kỳ quyết định ra lệnh đóng cửa Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Cho tới lúc này, hầu hết giới trí thức rất bất mãn. Những tháng đầu năm 1908, thái độ bất mãn đã lan rộng sang khu vực nông thôn. Nông dân các tỉnh duyên hải miền Trung bắt đầu lên tiếng bất bình đối với việc tăng thuế, luật lao dịch và nạn tham nhũng của quan lại. Trong lá thư gửi cho Paul Beau, Phan Chu Trinh cảnh báo rằng quần chúng nhân dân bị quan lại địa phương áp bức, sách nhiễu đã phải sống trong “nỗi thống khổ”. Ở một số vùng duyên hải, chế độ lao dịch rất hà khắc, chẳng hạn những người nông dân phải dành nhiều thời gian nạo vét cát ở các bến cảng sau khi bão tan. Vào giữa tháng 3, một đám đông đã tụ tập tại huyện đường của một viên quan huyện ở tỉnh Quảng Nam sau đó kéo tới thủ phủ Hội An từng là một cảng biển phát triển cách Đà Nẵng 20 km về phía nam. Phong trào phản kháng nhận được sự ủng hộ tích cực của những trí thức là những người bắt đầu mở trường học và các cơ sở thương mại trên khắp miền Trung Việt Nam nhằm trang bị kiến thức mới cho giới trẻ và để huy động tài chính cho các hoạt động của mình. Giờ đây họ bắt đầu kêu gọi nông dân không đóng thuế cho nhà cầm quyền.
Sau khi tin tức về cuộc biểu tình đầu tiên được phát đi, phong trào đã nhanh chóng lan rộng từ Quảng Nam ra các tỉnh lân cận. Đôi khi các cuộc biểu tình chuyển thành các cuộc bạo động. Những người chống đối chiếm giữ các toà nhà của triều đình hay nơi ở của quan lại địa phương. Đáp lại, triều đình đã huy động quân lính đến giải tán những người nổi loạn làm cho một số người bị chết và hàng trăm người bị bắt. Những người nông dân đã bắt ép những người qua đường cắt tóc khiến cho các quan sát viên người Pháp đặt tên cho phòng trào là “cuộc nổi loạn của những người tóc ngắn”.
Đến mùa xuân, làn sóng nổi dậy của nông dân bắt đầu lan tới cổng kinh thành Huế. Trong đầu tuần tháng 5, nông dân Công Lương ở ngoại ô đã biểu tình chống sưu cao thuế nặng. Khi một viên quan địa phương cùng một toán lính tới nơi thì bạo loạn đã nổ ra và viên quan huyện đã bị lôi đi. Ngày hôm sau, một đám đông đã giải viên quan huyện trong chiếc cũi tre tới kinh đô và tập trung trước phòng làm việc của viên toàn quyền Pháp yêu cầu giảm thuế và bỏ lao dịch.
Đây là lần đầu tiên Thành trực tiếp tham gia hoạt động chính trị, Thành cũng đã theo dõi chặt chẽ các sự kiện tương tự thông qua mạng lưới truyền khẩu ở địa phương. Ngày 9 tháng 5, khi một nhóm học sinh tập trung bên bờ sông trước cửa trường Quốc Học theo dõi đám đông nông dân từ ngoại ô tràn vào thành phố, Thành bất ngờ túm lấy áo hai người bạn và đề nghị cùng tham gia vào đám đông với tư cách là phiên dịch cho những người nông dân phản đối nhà cầm quyền Pháp. Trên đường vào kinh thành, Thành lật ngược chiếc mũ lá - hàm ý cần phá bỏ hoàn toàn hiện trạng. Khi đám đông tới phòng làm việc của Khâm sứ Levecque thì tình hình đã rất căng thẳng, những người nông dân tức giận đối mặt với quan lại địa phương và lính tráng trong trạng thái căng thẳng. Bất ngờ viên quan chịu trách nhiệm ở đó ra lệnh cho toán lính xông tới dùng dùi cui đẩy lùi đám đông. Thành đứng hàng đầu cố gắng thông dịch những yêu cầu của nông dân cho nhà cầm quyền, nên đã bị trúng vài gậy.
Khi đám đông tiếp tục xông lên, Levecque đã đồng ý cho phép một đại diện của những người biểu tình vào phòng làm việc của mình để thương thuyết với điều kiện đám đông giải tán. Thành đã trở thành người phiên dịch. Tuy nhiên việc thương thuyết đã thất bại, không giải quyết được bất đồng và những người bên ngoài từ chối giải tán ngay cả khi vua Duy Tân đã cố can thiệp. Cuối cùng quân Pháp đã tới và bắn vào những người biểu tình đang tập trung trên chiếc cầu mới xây bắc qua sông Hương, làm nhiều người bị thương.[4]
Đêm đó, Thành đã trốn ở nhà một người bạn. Hôm sau các bạn học ở trường Quốc Học, nhiều người trong số họ rõ ràng đã được kể về hành động hôm trước của Thành, cho rằng Thành sẽ nghỉ học nhưng khi chuông vừa reo lần thứ hai thông báo giờ học bắt đầu thì Thành bất ngờ xuất hiện và ngồi vào chỗ của mình. Lúc chín giờ sáng, một viên cảnh sát Pháp đã tới trường cùng một toán cảnh sát và hỏi về cậu “học sinh cao và đen” đã tham gia cuộc biểu tình ngày hôm trước. Khi nhìn thấy Thành đang ngồi phía cuối lớp, viên cảnh sát đã nhận ra Thành và nói “Tôi có lệnh yêu cầu người có hành vi quấy rối này phải thôi học”. Đó là ngày cuối cùng của Thành đến trường.
Nhiều tuần sau sự kiện diễn ra tại Huế, cuộc khủng hoảng chính trị đã trở nên căng thẳng hơn. Cuối tháng 6, những người theo Phan Bội Châu định đảo chính bằng cách đầu độc các sĩ quan Pháp tham gia một bữa tiệc tại Hà Nội. Những người chủ mưu hy vọng rằng các lực lượng nổi dậy trong vùng có thể phát động một cuộc tổng khởi nghĩa khi tình hình rối loạn và chiếm các đồn bốt chủ chốt ở thành phố. Tuy nhiên, liều thuốc độc quá nhẹ không đạt được mục đích nên không có người Pháp nào tại bữa tiệc bị chết mặc dù một số bị ngộ độc. Hơn nữa, kế hoạch bị một trong những người thực hiện làm lộ khiến nhà cầm quyền Pháp tuyên bố thiết quân luật trên toàn bộ khu vực. Trong cơn hỗn loạn sau đó, quân của ông Châu ở các vùng ngoại ô phải giải tán trong khi những người khác bị nhà cầm quyền bắt. Mười ba người tham gia bị hành quyết trong khi nhiều người khác bị tù dài hạn. Các quan chức hoang mang đã bố ráp tất cả các sĩ phu bị tình nghi có thiện cảm với phong trào, thậm chí Phan Chu Trinh cũng bị bắt tại Hà Nội và bị đưa vào Huế xét xử. Công tố viên muốn ông bị hành quyết, nhưng nhờ sự can thiệp của viên toàn quyền nên ông chỉ bị tù chung thân, giam tại Côn Đảo. Đầu năm 1911, ông được trả tự do và được phép sống lưu vong tại Pháp.
Sau cuộc bạo động, Nguyễn Sinh Sắc bị khiển trách vì các “hành động của hai con trai tại trường Quốc Học”. Là phó bảng cùng khoá với Phan Chu Trinh, ông Sắc cũng bị triều đình theo dõi chặt chẽ, tuy nhiên triều đình đã không tìm thấy mối liên hệ cụ thể nào với ông giữa sự kiện đó. Thực hiện ý đồ chuyển ông khỏi Huế, mùa hè năm 1909, ông được chỉ định làm quan huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, cách kinh thành 320 cây số về phía nam. Mặc dù khá trù phú, vùng này từng diễn ra cuộc nổi loạn lớn chống lại nhà Nguyễn và nay là nơi giam giữ những kẻ du đãng và chống đối. Anh trai của Thành là Khiêm cũng bị quản thúc, đến năm 1914 bị kết tội mưu phản và bị tù vài năm. Ngay cả chị gái của Khiêm đang sống ở Kim Liên cũng bị thẩm vấn vì bị nghi ngờ đã chứa chấp những người bị tình nghi là đồng loã trong cuộc bạo loạn.
Sau khi bị đuổi học, Thành đã biệt vô âm tín trong vài tháng. Có tin một người bạn đã cố tìm cho Thành một việc làm tại một mỏ đá vôi nhưng không được, vì Thành đã nằm trong sổ đen của cảnh sát. Có thể là Thành đã tìm được việc làm hay sống với bạn bè, tuy nhiên Thành không trở về quê, vì nơi đó nhà cầm quyền đang theo dõi.
Cuối cùng, Thành quyết định rời bỏ Trung Kỳ đi về phía nam tới Nam Kỳ, thuộc địa của Pháp, để tránh sự theo dõi chặt chẽ của triều đình. Có thể là Thành đã quyết định ra nước ngoài tìm hiểu bí quyết tận nguồn thành công của phương Tây, trong trường hợp đó, nơi an toàn nhất để ra đi là cảng Sài Gòn, một cảng thương mại phát triển do người Pháp thay triều đình kiểm soát. Tháng 7 năm 1909, trên đường đi, Thành đã dừng lại ở Bình Khê, nơi cha Thành đã nhậm chức quan huyện. Để tránh bị bắt, Thành đã đi bộ suốt quãng đường từ Huế và làm các việc vặt kiếm sống. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, cuộc gặp gỡ giữa hai cha con không được suôn sẻ vì ông Sắc lúc đó rất buồn và bắt đầu nghiện rượu. Ông Sắc trách mắng con trai về những hành động đó và đánh con.[5]
Sau khi dừng chân trong một thời gian ngắn ở Bình Khê, Thành đã tới thị xã duyên hải Quy Nhơn, ở lại nhà Phạm Ngọc Thơ - bạn cũ của cha (thân phụ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng Bộ Y tế VNDCCH- chú thích của người dịch). Thành đã được học trong một thời gian ngắn tại trường địa phương, sau đó theo gợi ý của chủ nhà, thành đã dự thi giáo viên trong một trường làng sử dụng tên Nguyễn Sinh Cung để khỏi lộ danh tính. Người đứng đầu hội đồng thi đã từng dạy Thành khi còn học ở trường Đông Ba ở Huế nên rất thiện cảm với Thành, tuy nhiên bằng cách nào đó viên toàn quyền tỉnh đã phát hiện ra mưu mẹo của Thành và đã gạt tên Thành ra khỏi danh sách ứng thi.[6]
Thất vọng không tìm được việc làm ở Quy Nhơn, Thành tiếp tục đi về phía nam tới thị xã cảng Phan Rang. Tại đây, Thành gặp sĩ phu Trương Gia Mỗ - người đã từng làm việc trong triều với Nguyễn Sinh Sắc tại Huế và cũng là bạn của Phan Chu Trinh. Thành rất muốn rời đất nước càng sớm càng tốt, tuy nhiên ông Mỗ đã thuyết phục Thành làm giáo viên tại trường Dục Thanh cách Phan Thiết khoảng 100 cây số ngay phía bắc ranh giới giữa Trung Kỳ và Nam Kỳ. Vì hết tiền đi đường nên Thành đã nhận lời. Tuy nhiên trước khi tới Phan Thiết, Thành đã chứng kiến một sự kiện rất thương tâm. Khi một cơn bão ập vào cảng Phan Rang, các quan Pháp ra lệnh cho công nhân cảng lặn xuống nước để cứu tàu. Theo Hồ Chí Minh thuật lại sau này, rõ ràng những người châu Âu rất thích thú khi đứng trên bờ nhìn quang cảnh nhiều người Việt bị chết đuối khi lặn xuống nước.
Trường Dục Thanh do các sĩ phu yêu nước địa phương thành lập năm 1907 với hy vọng có được sự thành công như trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trường nằm trên bờ nam sông Phan Thiết cách biển Đông khoảng 5 cây số. Gian nhà chính xây bằng gạch trên mảnh đất của một thi sĩ mới mất. Trường do hai người con của thi sĩ trông nom, gần đó có một hiệu sách phục vụ trường và là nơi bán sách báo truyền bá tư tưởng mới của các nhà cải lương. Trước cửa hiệu sách có ghi khẩu hiệu “Xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới và kiểu mẫu”. Các lớp trong trường dạy chữ quốc ngữ tuy nhiên cũng có lớp học bằng tiếng Pháp và tiếng Hán. Học sinh trường còn học các môn khoa học xã hội, tự nhiên, nghệ thuật và thể dục.[7]
Trong khi vẫn phải lẩn tránh lực lượng an ninh triều đình, Thành đã tới Phan Thiết trước Tết nguyên đán đầu năm 1910, bắt đầu dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ. Là giáo viên trẻ nhất trong trường, Thành còn có một số trách nhiệm khác như hướng dẫn võ thuật. Theo các học sinh trong trường nhớ lại, Thành là một giáo viên được nhiều người quý mến, tôn trọng học sinh và thường khuyên các bạn đồng nghiệp không nên đánh hay làm cho học sinh sợ hãi. Trong bộ quần áo ngủ mầu trắng và đôi guốc mộc, Thành sử dụng phương pháp của Socrat để khuyến khích học sinh động não và thể hiện suy nghĩ của bản thân. Thành cũng dẫn dắt học sinh đến với tư tưởng của Voltaire, Montesquieu và Rousseau, những người mà Thành đã hấp thụ qua tác phẩm của họ từ khi còn học ở trường Quốc Học Huế. Ngoài giờ học, Thành là người dễ gần gũi, cùng ăn với các học sinh và giáo viên khác trong đình của trường. Thành ở nội trú, sống như một học sinh. Thành thường dẫn học sinh đi thăm những di tích lịch sử, đi chơi trong rừng hay dọc theo bờ biển những vùng lân cận. Tuy nơi đó là phong cảnh đồng quê nhưng có mùi khó chịu do xưởng nước mắm trong vùng đôi khi nồng nặc làm ảnh hưởng tới việc học tập.
Chương trình giảng dạy của trường mang tính dân tộc chủ nghĩa. Buổi sáng, mỗi lớp cử một học sinh lên hát một bài yêu nước, sau đó tất cả mọi người thảo luận về bài hát. Thành đưa ra những chủ đề về lịch sử Việt Nam trong các bài giảng của mình và những câu thơ trong các bài thơ nổi tiếng như bài hớt tóc và bài thơ “Á Tế Á” của Phan Bội Châu. Bắt đầu buổi học Thành yêu cầu các học sinh đọc những câu thơ trong hợp tuyển thơ ca của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Non sông thẹn với nước nhà,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu…
Cũng có lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra.
Cũng xương cũng thịt cũng da
Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long.[8]
Tuy nhiên, đối với cả nước nói chung, chủ đề gây nhiều tranh luận không phải là mục tiêu độc lập dân tộc mà làm thế nào để đạt được mục tiêu cuối cùng đó. Các giáo viên trong trường chia làm hai phe giữa những người ủng hộ cách giải quyết vấn đề theo chủ nghĩa cải lương của Phan Chu Trinh và những người ủng hộ kế hoạch kháng chiến bạo lực của Phan Bội Châu. Nguyễn Tất Thành là một trong số ít người không đứng về phía nào cả. Như ông viết sau này, ông muốn ra nước ngoài tìm hiểu tình hình trước. Theo nguồn tin của Việt Nam, ông tỏ ra kính trọng cả Phan Chu Trinh lẫn Phan Bội Châu nhưng ông lo ngại cách tiếp cận của hai người này. Ông không tán thành việc Phan Chu Trinh tin vào thiện chí của người Pháp, coi đó là ngây thơ và cũng không tán thành với việc Phan Bội Châu dựa vào Nhật bản cùng các thành viên trong triều đình vì cho rằng làm như vậy là lạc hướng.[9]
Đầu năm 1911, trước khi năm học kết thúc, Nguyễn Tất Thành biến mất. Lý do chính xác cho việc ra đi bất ngờ của Thành không được rõ ràng mặc dù có thể điều này liên quan đến tin cha của Thành tới Nam Kỳ. Đầu năm 1910, ông Sắc bị bãi nhiệm ở Bình Khê. Nhậm chức ở đây mùa hè năm trước, ông được nhân dân yêu quý, ông đã trả tự do cho những tù nhân bị bắt vì tội tham gia các cuộc biểu tình, bảo vệ những người nông dân trước bọn địa chủ tham tàn và trừng phạt những kẻ ức hiếp dân chúng. Ông đối xử nhân hậu với những người phạm tội vặt và cho rằng thật là ngớ ngẩn để mất nhiều thời gian cho chuyện này trong khi toàn bộ đất nước đã bị mất. Nhưng ông rất cứng rắn trong các bản án giành cho những kẻ giàu có và có quyền thế. Một lần vào tháng Giêng năm 1910 ông đã ra lệnh đánh một nhân vật có thế lực trong vùng 100 roi. Vài ngày sau khi người đàn ông này chết, họ hàng của ông ta kêu oan lên bạn bè trong triều và ông Sắc đã bị triệu về Huế xét xử. Ngày 19 tháng 5, hội đồng nhiếp chính buộc tội ông lạm dụng quyền lực đã phạt đòn và giáng chức ông xuống bốn cấp. Đến tháng 8, bản án chuyển thành giáng cấp thành chính thức bãi nhiệm. Để sống, ông Sắc đã dạy học trong thời gian ngắn ở Huế. Đối với bạn bè ông không tỏ vẻ cay cú về việc mất chức, nhưng ông kể lại với một người quen: “Khi nước mất làm thế nào anh giữ được nhà của mình”. Tháng riêng năm 1911, ông gửi thư cho nhà chức trách Pháp yêu cầu được tới Nam Kỳ, có thể là với hy vọng được gặp con trai. Tuy nhiên, yêu cầu của ông đã bị nhà chức trách từ chối, cũng có thể nhà chức trách nghi ngờ ông có liên quan tới các hoạt động nổi dậy. Theo một báo cáo của cảnh sát Pháp lúc đó:
 “Nguyễn Sinh Sắc rất có khả năng là đồng đảng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và nhiều ngước khác. Con trai của Sắc, hai năm trước là học sinh ở Đông Ba, đã bất ngờ biệt tích. Người ta cho rằng anh ta đang ở Nam Kỳ. Nguyễn Sinh Sắc có thể có ý định tìm gặp anh ta và Phan Chu Trinh”.[10]
Ông Sắc đã tảng lờ việc nhà chức trách từ chối lời đề nghị và ngày 26 tháng 2 năm 1911 ông đã tới Tourane (tên mới của Đà Nẵng do người Pháp đặt) và lên một con tàu tới Sài Gòn, tại đó ông dạy tiếng Hán và mở cửa hàng thuốc bắc kiếm sống tại đây.[11]
Liệu Nguyễn Tất Thành có biết quyết định của cha tới Nam Kỳ khiến cho Thành rời Phan Thiết để tới Sài Gòn với hy vọng gặp được cha ở đó hay không? Một trong những bạn của Thành ở trường sau này kể lại,Thành đã chuẩn bị ăn Tết với cha. Hay Thành sợ rằng danh tính thực của mình đã bị nhà chức trách địa phương phát hiện ra và họ đã theo dõi trường học nên nói vậy. Chưa thể khẳng định nhà chức trách có biết Nguyễn Tất Thành đã dạy học tại trường hay không, tuy nhiên, ngay sau khi Thành biến mất, một viên quan Pháp đã tới trường hỏi Thành đi đâu, nhưng Thành đã không để lại một manh mối về việc ra đi của mình cho các học sinh mà đã ra đi ngay sau khi viết giấy báo lại cho học sinh rằng các cuốn sách của Thành phải trả lại cho một giáo viên khác. Bạn bè ở trường sau này phỏng đoán rằng có thể Thành đã rời Phan Thiết trên một chiếc tàu chở nước mắm đi Sài Gòn. Ít lâu sau, trường bị nhà chức trách buộc tạm đóng cửa.[12]
Vài ngày sau khi rời Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã tới Sài Gòn. Thành phố đã mở rộng tầm mắt cho người thanh niên quê mùa Nghệ An. Từng là một thương cảng nhỏ trên sông Sài Gòn, sau khi người Pháp chiếm đóng, thành phố được chọn làm thủ phủ của thuộc địa mới ở Nam Kỳ. Khi dân số thuộc địa tăng nhanh chóng - vào năm 1910, Nam Kỳ có dân số bằng một phần tư tổng số 12 triệu dân sống trên toàn bộ ba miền Việt Nam, Sài Gòn phát triển theo và tới năm 1900 đã trở thành thành phố lớn nhất ở Đông Dương của Pháp sau Hà Nội. Ngay sau đó Sài Gòn đã vượt kinh đô cũ với dân số khoảng vài trăm nghìn người.
Tăng trưởng của thành phố chủ yếu dựa vào lợi thế kinh tế. Trong những năm người Pháp chiếm đóng, Nam Kỳ trở thành nguồn lợi của tầng lớp doanh nhân gồm những người châu Âu và Việt Nam, kể cả những người Hoa mà tổ tiên của họ đã tới đây sinh sống từ nhiều thế kỷ trước. Phần lớn lợi nhuận thu được là các đồn điền cao su dọc biên giới Campuchia (giống cây cao su được mang tới Đông Dương từ Brasil suốt 25 năm cuối thế kỷ XIX), và mở rộng diện tích trồng lúa nhờ nỗ lực của người Pháp trong việc cải tạo các kênh đào, đầm lầy ở đồng bằng sông Cửu Long. Các địa chủ giàu có mua những mảnh đất hoang sơ đó rồi cho nông dân thuê lại với giá cắt cổ (phần lớn nông dân là những người di cư đến từ những tỉnh đông dân phía bắc). Thóc người nông dân thuê đất trả cho địa chủ sau đó được chế biến tại các máy xay lúa của người Hoa và được chở tới các tỉnh phía bắc hoặc được xuất khẩu. Trong 25 năm đầu của thế kỷ XX, Nam Kỳ là nơi xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới.
Bị thu hút bởi lợi nhuận thu được từ kinh doanh cao su và lúa gạo, hàng nghìn người châu Âu đã tới sống ở Sài Gòn với hy vọng tìm được may mắn cho chính mình. Tại đây họ cạnh tranh với các thương nhân Trung Hoa và giai cấp tư sản Việt Nam mới giàu lên, cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho dân cư đang gia tăng. Với các xưởng dệt, nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy chế biến thực phẩm, Sài Gòn nhanh chóng trở thành trung tâm công nghiệp và thương mại quan trọng của Việt Nam. Tại trung tâm thành phố, mọc lên các toà nhà lớn mang phong cách kiến trúc tỉnh lẻ của Pháp và là văn phòng của các quan chức thuộc địa. Những đại lộ lớn nằm vuông góc với nhau, với những hàng cây chắn ánh sáng mặt trời nhiệt đới nóng bỏng. Đằng sau những bức tường cao là những ngôi nhà to đẹp của những người châu Âu và một số người Việt Nam - những người làm giàu nhờ sự có mặt của người nước ngoài. Còn lại đa số là công nhân trong các nhà máy, công nhân bốc vác, người kéo xe tay, những người nông dân tha hương đến từ vùng ngoại ô, phải sống chui rúc trong những ngôi nhà ổ chuột bẩn thỉu dọc kênh Bến Nghé và ngoại vi thành phố.
Khi tới Sài Gòn, Thành ở nhờ tại một kho thóc cũ. Chủ nhân Lê Văn Đạt, một người sản xuất chiếu có quan hệ với các giáo viên trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Tại đó Thành đã tìm được cha đang tạm sống trong một kho hàng cho tới khi tìm được nơi ở ổn định. Thông qua các mối liên hệ khác ở trường, Thành chuyển tới một ngôi nhà trên phố Châu Văn Liêm, gần cảng Sài Gòn, một khu ổ chuột với những ngôi nhà mái tôn lụp xụp nằm giữa một con kênh và sông Sài Gòn. Được cha khuyến khích, Thành bắt đầu vạch ra kế hoạch đi ra nước ngoài. Vào tháng ba, Thành được biết người Pháp đã thành lập trường học vào năm 1904 dạy nghề thợ mộc và cơ khí. Với hy vọng dành đủ tiền cho chuyến xuất ngoại, Thành nộp đơn xin học, nhưng phát hiện khóa học 3 năm, Thành đã bỏ học đi bán báo với một người cùng làng Kim Liên tên là Hoàng.
Làng công nhân nơi Thành sống, gần bến Nhà Rồng của Sài Gòn nơi những chiếc tàu chở khách lớn cập bến trên đường tới châu Âu và các hải cảng khác ở châu Á. Thành đã quyết định tìm việc làm trên một trong những con tàu đó để có thể ra nước ngoài. Nhiều năm sau Hồ Chí Minh đã miêu tả trong cuốn tự thuật viết dưới bút danh Trần Dân Tiên:
“Trong khi tôi (một người bạn của Thành, được tác giả trích lời) chuẩn bị kết thúc việc học hành tại trường Sát–xơ–lúp Lô–ba (Chasseloup-Laubat) ở Sài Gòn… tôi đã gặp một thanh niên từ miền Trung Việt Nam tới. Tôi gặp anh ta tại nhà của một người bạn, vì bằng tuổi nhau nên chúng tôi đã nhanh chóng trở thành bạn thân. Tôi dẫn anh ta tới trước cửa một quán café mà người Pháp thường lui tới và cùng nhau ngắm nhìn ánh đèn điện. Chúng tôi đi xem phim. Tôi đã chỉ cho anh ta những đài phun nước công cộng. Rất nhiều thứ mà chàng trai trẻ Quốc Nguyễn Tất Thành trước đây chưa từng thấy. Vào một ngày tôi mua cho Quốc một vài cây kem. Quốc rất ngạc nhiên bởi vì đó là lần đầu tiên Quốc được ăn kem.
Vài hôm sau, đột nhiên Quốc hỏi tôi:
“Này Lê, anh có yêu nước không?”
Rất ngạc nhiên tôi đã trả lời “tất nhiên rồi”
“Anh có giữ được bí mật không”?
“Được”
“Tôi muốn ra nước ngoài để tới Pháp và một số nước khác, khi tôi biết được họ làm gì ở đó tôi sẽ trở về giúp đỡ đồng bào. Nhưng nếu tôi đi một mình sẽ có nhiều rủi ro, chẳng hạn tôi có thể bị ốm…Anh có muốn đi cùng tôi không?”
“Nhưng chúng ta lấy đâu ra tiền để đi?”
“Tiền của chúng ta ở đây” và Quốc chìa đôi bàn tay ra. “Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ những gì cần thiết để sống và đi. Anh sẽ cùng đi với tôi chứ”,
Bị thuyết phục bởi sự nhiệt thành tôi đã đồng ý. Tuy nhiên sau khi ngẫm nghĩ hồi lâu về những điều có thể xảy ra trong chuyến đi tôi đã không còn đủ can đảm để giữ lời hứa.
Vài ngày sau, tôi không gặp lại anh bạn nữa. Tôi đoán là anh ta đã đi ngoại quốc. Anh ta đi bằng cách nào? Tôi không biết. Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ tịch của chúng ta ngày nay”.[13]
Vài tháng sau, Thành thường tới bến cảng quan sát những con tàu cập và rời bến. Tại đây có hai công ty tàu hơi nước với các con tàu hoạt động ngoài khu vực Sài Gòn - là công ty Messageries Maritimes và Chargeurs Reunis. Công ty Chargeurs Reunis thuê người Việt Nam làm công việc bồi bàn hoặc phụ bếp trên tàu và công ty quảng cáo rằng hành trình của tàu có đi qua các thành phố lãng mạn như Singapore, Colombo, Djibouti, Port Said, Marseilles, và Bordeaux. Qua một người bạn ở Hải Phòng làm việc cho công ty, Thành đã được thuyền trưởng tàu khách Admiral Latouche-Tréville thuộc hãng Chargeurs Réunis của công ty Chargeurs Réunis mới từ Tourane tới cảng Nhà Rồng phỏng vấn. Thành đã xếp hai bộ quần áo thuỷ thủ vào một chiếc va li nhỏ do một người bạn ở Phan Thiết đưa cho.
Ngày 2 tháng 6, một thanh niên tự xưng là “anh Ba” đã tới bến tàu. Thuyền trưởng Louis Eduard Maisen lúc đó rất ái ngại về người tới xin việc vì anh ta trông thông minh, nhưng quá gày gò. Khi Ba khăng khăng cho rằng mình có thể “làm được mọi việc” Maisen đã đồng ý thuê Ba làm phụ bếp. Ngày hôm sau, Ba được gọi đến làm việc, ngay lập tức được giao việc trong cả ngày, rửa bát đĩa, xoong chảo, lau chùi sàn bếp, rửa rau và xúc than vào lò. Ngày mồng 5, con tàu Admiral Latouche-Tréville đã đi qua vùng đầm lầy sông Sài Gòn hướng ra biển Đông để tới bến tiếp theo là Singapore, quân cảng Anh.[14]
Tại sao Nguyễn Tất Thành đã quyết định đi ra ngước ngoài? Nhiều năm sau, khi trao đổi với ký giả Liên Xô Ossip Mandelstam, Thành (lúc đó đang hoạt động dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc) đã kể lại “Khi tôi khoảng mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi nghe thấy những từ bằng tiếng Pháp “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”. Lúc đó tôi nghĩ tất cả những người da trắng đều là người Pháp. Bởi vì những từ đó do người Pháp viết ra, nên tôi muốn tìm hiểu về nền văn minh Pháp để hiểu ý nghĩa của những từ đó”. Sau này Nguyễn Ái Quốc cũng trả lời tương tự như vậy khi được ký giả người Mỹ Anna Louis Strong phỏng vấn.
“Những người Việt Nam, trong đó có cả cha tôi, thường tự hỏi nước nào có thể giúp phá bỏ ách đô hộ của người Pháp. Một số cho rằng Nhật Bản, những người khác cho rằng nước Anh, và một số khác lại cho rằng nước Mỹ. Tôi cho rằng cần phải ra nước ngoài để tự tìm lấy câu trả lời cho mình. Sau khi tôi biết được họ sống ra sao tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.[15]
Những người chuyên bình tiểu sử về những thánh nhân ở Hà Nội đã viết rất nhiều những lời bình trong những hồi ký. Họ mô tả quyết định rời Việt Nam của ông như một sứ mệnh cứu nước. Với xu hướng thần thánh hoá các sự kiện về cuộc đời ông với mục đích để người khác tự khám phá, chúng ta cần phải thận trọng khi xem xét những điều ông thuật lại. Tuy nhiên, điều chắc chắn ông rời Sài Gòn mùa hè năm 1911 với tấm lòng yêu tổ quốc cao độ cũng như thấu hiểu sự bất công mà chính quyền thuộc địa đã gây ra cho đồng bào của ông. Đối với Thành, dường như không có cách để giải quyết vấn đề này ở trong nước. Biết đâu điều đó có thể tìm thấy ở nước ngoài.
 
Chú thích:

[1] “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 61; Nguyễn Đắc Xuân, trang 57-58

[2] Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 11. Nhiều người nhạo báng gọi Thành là “dân cá gỗ”, thằng nhà quê - xem Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 64. Theo Xuân (trang 66-67), Khi bị hiệu trưởng gọi lên, Thành đáp: “Những điều con nói có thấm vào đâu so với thư của cụ Phan Châu Trinh gởi cho ngài Toàn quyền Beau, so với những buổi diễn thuyết của ông Ấm Mộng, ông Trần Trinh Linh… sao các thầy không cấm những người ấy để cho học trò khỏi bắt chước?”. Viên hiệu trưởng tức giận: “Những người bất trị ấy trước sau rồi cũng bị nghiêm trị. Mi là thằng học sinh ăn học bổng của chính quyền Bảo hộ, tại sao mi dám nói những lời chống chính phủ Bảo hộ trước mặt các thầy giáo?”. Cuối cùng, ông ta cảnh báo các thầy giáo của Thành: “Tôi sẽ báo cho sở Liêm phóng biết hạnh kiểm của thằng học trò ngỗ nghịch đó và cả anh hắn. Nếu các ông không dạy được hắn, tôi sẽ đuổi cả các ông luôn. Tôi cũng sẽ gọi bố chúng đến đây. Nếu bố chúng không dạy được, tôi sẽ đề nghị Nam triều khiển trách tên Thừa phái không biết dạy con ấy!”
Một tài liệu xác nhận sự kiện này, trong báo cáo của cảnh sát Pháp ngày 23-2-1920, nói rằng họ đã thấy thái độ chống đối của hai anh em Thành quá rõ và đã báo lên chính quyền, khiến một số cán bộ nhà trường bị kỷ luật nặng. Bản sao tài liệu này có trong Bảo tàng Hồ Chí Minh ở t.p HCM

[3] Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 68

[4] “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 80; “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 70); “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 74. Một số nhà sử học Việt Nam cho rằng Nguyễn Tất Thành có liên quan trực tiếp với phong trào phản kháng - xem Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 65. Theo Nguyễn Đắc Xuân (trang 72-73), khi Levecque nói: “Bảo hộ bỏ ra hàng chục vạn bạc để làm Đập Đá ngăn nước mặn cho dân làm ruộng, bây giờ không nạp thuế thì lấy gì mà trả? Không nạp thuế thì lấy đâu mà bắc cầu Trường Tiền cho dân đi và còn biết bao công trình sẽ làm nữa?”. Thành trả lời “Bảo hộ làm Đập Đá ngăn mặn, nhưng nước mặn vẫn vào được bằng sông Lợi Nông và khi nước rút bị Đập Đá chận lại không có đường ra làm cho mùa màng càng thêm thất bát. Bảo hộ làm cầu Trường Tiền trước nhất để cho Bảo hộ đi, còn nông dân chúng tôi ở thôn quê có cần chi cầu Trường Tiền. Làm cầu chẳng qua chỉ là danh nghĩa để Bảo hộ tăng sưu cao, thuế nặng mà thôi!”. Levecque giận dữ: “Đồ làm loạn, khốn nạn!”. Câu chuyện đối thoại trong sách của Xuân tuy mang tính đề cao cá nhân nhưng có vẻ hợp lý. Sau sự kiện “Ngày 9-5”, thầy Hoàng Thông bị bắt và cảnh sát tìm thấy một số bài viết kêu gọi lòng yêu nước: “Nước dù bất hạnh mà mất, không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi; cùng với nước mất dân tộc bị diệt chủng”. Chúng cho rằng câu này là có ý phản nghịch. Để có thể chạy “tội” thầy phải nói: “Tôi lúc rượu say đã viết ra câu ấy. Lúc tỉnh rượu không còn nhớ nữa!”. Bọn Pháp biết thầy nói thế là ngụy biện, nhưng phạt 100 roi và đưa thầy vào giam ở lao Thừa Phủ. “Thời niên thiếu của Bác”, trang 81; Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 68
[5] Báo cáo của tình báo Pháp tháng 12-1920 nhắc chuyện Sắc nói với bạn rằng, Thành có lần đến Bình Khê thăm ông, nhưng ông đã đuổi đi sau khi đánh cho một trận. Theo ông Sắc, ông không muốn liên hệ với các con ông. Xem chú thích 27-12-1920, SPCE, hộp 364, CAOM. Về chuyện Sắc đánh con trai, xem thêm “Mộng ước đã thành” của Nguyễn Khắc Huyên, trang 9 (New York: Collier, 1971). Việc Sắc nói ông không muốn gặp con trai mình có thể không đúng, trong dẫn chứng sau này sẽ rõ sự thật. Có thể Sắc buông lời này trong một cơn nóng giận. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng đôi khi ông Sắc cũng đánh con cái. Theo báo cáo của cảnh sát Pháp năm 1920, bà Thanh (con gái Sắc) khi thẩm vấn kể rằng bà phải rời Huế về quê năm 1906 vì không chịu nổi sự tàn nhẫn của Sắc, thường xuyên đánh bà - xem “Hồ Chí Minh: Từ Đông Dương tới Việt Nam” của Daniel Hemery (NXB Gallimard, Paris, 1990), trang 132-133

[6] “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 85-86. Phạm Ngọc Thọ, thân sinh Phạm Ngọc Thạch (người sau này trở thành đảng viên sáng giá của Đảng Cộng sản Đông Dương và người có mối quan hệ thân thiết với Hồ Chí Minh. Sau này Thạch có nhắc lại, Thành có đến thăm gia đình ở Quy Nhơn ngay sau khi Thạch chào đời. Theo Hà Huy Giáp, một cộng sự lâu năm của Hồ Chí Minh, Hồ có lần kể với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, ông từng lang thang dọc theo cảng để tìm cách theo tầu đi sang châu Âu - xem Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 51

[7] Hiệu trưởng trường là Nguyễn Gia Anh, thầy giáo tỉnh Nghệ An. Tài trợ bởi Liên Thân Thương Quán, một cơ sở sản xuất nước mắm nổi tiếng của Việt Nam. Xem “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 90-91, và Nguyễn Đình Soạn,”Người trò cũ của Bác Hồ”, Báo Tổ Quốc, số 5 (tháng 5-1970), được dịch và đăng tải trong Tài liệu Việt Nam và Ghi chú nghiên cứu (Nhiệm vụ Mỹ tại Việt Nam, Sài Gòn) tài liệu 100, trang 28-2. Về nguồn gốc nhà trường xem Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 53-55

[8] Theo Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 23. Xem thêm Nguyễn Đình Soạn, “Người trò cũ của Bác Hồ”

[9] “Tiểu sử Hồ Chí Minh”, NXB Ba Nguyên Tư Ốc, Thượng Hải, 1949, trang 10; “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 86; Tôn Quang Phiệt, “Từ bến Nhà Rồng tới hang Pác Bó”, Tạp chí Cộng sản tháng 2-1980; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập I, trang 44; Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 23

[10] Về yêu cầu của Sắc đi Nam Kỳ, xem hồ sơ “1920”, SPCE, hộp 364, COAM. Xem thêm “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 82-85; “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 97. Báo cáo của mật thám Pháp trong tài liệu 3780, ngày 8-3-1911 ở Bảo tàng Hồ Chí Minh

[11] Theo Khâm sứ An Nam, Sắc đã qua mặt được nhà chức trách Pháp vì quan lại địa phương cấp phép cho ông tới Tourane (Đà Nẵng)

[12] “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 43; Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 79-82. Thanh lo ngại nhà cầm quyền Pháp biết mình có mặt tại trường Dục Thanh do một bức thư anh viết cho bạn thông báo mình đi châu Ấu tháng 6-1911. Trong thư, anh không hề đề cập chuyện gì với bạn bè khi anh rời trường, anh giữ bí mật tuyệt đối. Xem Tôn Quang Phiệt, “Từ bến Nhà Rồng đến hang Pác Bó”, trang 33. Theo báo cáo của Pháp, Thành bỏ trường trong cơn giận dữ sau khi bị kỷ luật vì một lỗi nhỏ nhặt. Xem Phụ lục 475, ngày 4-2-1928, Chánh Mật thám, Sài gòn, SPCE, hộp 368, CAOM

[13] “Với Bác Hồ”, trang 15-16. Trường Chasseloup-Laubat là trường trung học nổi tiếng do Pháp xây dựng dành cho học sinh xuất sắc

[14] Về tin tức Thành trong thời gian ở Sài gòn, xem “Từ bến Nhà Rồng đến hang Pác Bó” của Tôn Quang Phiệt; “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 95; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 44; và Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 24. Kobelev viết, Thành lấy tên là Văn Ba, có lẽ Thành xem mình là con thứ ba trong gia đình. Chữ Văn là tên đệm đặt cho con trai thường thấy trong các gia đình người Việt. Văn có nghĩa là “văn hóa, văn học”. Sự hoài nghi của viên thuyền trưởng Pháp cũng dễ hiểu. Theo các tài liệu thu thập, Thành nặng dưới 50 kg

[15] Cả hai bình luận được trích từ “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 47-48. Theo nhà sử học Trịnh Quang Phú (xem “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 82, 97-98). Nguyễn Sinh Sắc đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc khuyến khích con trai mình đi nước ngoài để phục vụ tổ quốc, nhưng xu hướng của Phú muốn tăng tầm quan trọng trong câu chuyện nâng cao uy tín của mình. Vì vậy tôi rất cẩn trọng trong những chứng cứ ông ta đưa ra