- 9 -


- 9 -

    
iêu binh ở thành Thăng Long đã dần dần tụ hội lại với nhau. Quân lính ở Thanh Hoá, phần lớn được tuyển từ các huyện Nga Sơn, Hoằng Hoá,... Hà Trung và ở phía bắc tỉnh, đều là vùng đất khởi nghiệp của Chúa Trịnh nên đều hết lòng với họ Trịnh. Mạn Lam Sơn thì tuyệt nhiên không được ở lính cấm vệ, trừ mấy tên lính già, theo vua Lê từ còn nhỏ. Lính Thanh thường khó bảo, lúc ngả theo ngành cả, lúc ngả theo ngành thứ, nên cũng khó chiều.
Vả lại, từ khi những viên quận công xứ Nghệ có công lập phòng tuyến chống lại nhà Nguyễn, rồi về triều cầm quân Ngự Lâm, nên thường đem những lính tâm phúc của mình theo về. Người Nghệ có máu ngang tàng, lại dễ đem mồi lợi trước mặt ra nhử, cho nên dưới thời Chúa Trịnh Sâm, cấm binh trong hoàng thành, lính Nghệ gấp đôi lính Thanh. Kịp khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, quyền uy lấn lướt trăm quan, thì ở Hoàng thành, đâu đâu cũng gặp những tên lính đi đứng ngang tàng, nói năng chọ chẹ...
Lính kiêu binh xa nhà, hám lợi, thấy gì đều vơ vét tích cóp. Trong trại lính chỗ nào cũng ăm ắp hòm xiểng. Từ những tên chỉ huy đến những gã lính trẻ măng mới tuyển, hòm xiểng cứ ăm ắp, đặt đầy ở dưới gầm giường. Nhiều đứa có bà con buôn bán ở băm sáu phố phường thì đem của cải ra phố gửi. Mỗi khi được về phép, đứa nào đứa nấy hì hục sắp xếp, khuân vác có khi thâu đêm suốt sáng.
Trong doanh trại cũng có những cuộc đổi chác mua bán ngầm. Những lính cũ thường dắt đám lính mới vào phe. Hương xã nào rủ người hương xã ấy. Không có người cùng Hương xã thì kết liên với người cùng huyện ki cóp từng đồng, từng món để đến khi mãn lính về quê, cố làm một cuộc đổi đời.
Từ lúc Chúa Trịnh bị ốm, việc quân có phần xao nhãng hơn xưa. Nhất là khi Quận Huy đang tổ chức quan võ được đưa vào phủ Tham Tụng rồi hầu hạ bên phủ Chúa, nên đám kiêu binh hoàn toàn do người Nghệ cai quản.
Phường Khán Xuân vốn gần với phủ Chúa, do đó đám kiêu binh có dăm ba chữ hoặc tài ăn nói cũng hay ra quán gặp gỡ uống rượu ở tửu quán. Khán Xuân hai dãy quán rất dài. Có những tửu quán kiêm ca quán. Vào ca quán tốn tiền, phải là những công tử hoặc những quân nhân phong lưu nho nhã mới dám bén mảng. Bọn kiêu binh thì chỉ dám la cà ở các tửu quán mà thôi. Trong phường Khán Xuân, có một tên biện lại ở Kinh, người huyện Thanh Chương, Nghệ An, ở làng Bằng, tên là Vũ. Vũ vốn dòng công thần nhà Lê, từ thuở đức Thái Tổ, nhưng sau con cháu cậy quyền thế, lấn át người, bị dân trong vùng ghét, nhân chuyện cướp ruộng kéo đến kiện cáo rồi phá nhà đến khuynh gia bại sản. Đến đời Vũ thì sa sút, túng bấn, phải vào rừng ra chợ để kiếm sống.
Song đất Thanh Chương là đất học, Vũ cũng là người có chí, linh lợi, nên cũng đóng sách được dăm bảy tháng. Nhà ở bên nhà thầy đồ, tối tối cắp sách sang hỏi, nên cũng đọc thông viết thạo. Vũ lại thích các loại truyện và sử, mượn sách thầy mà đọc, do đó cũng vỡ vạc ra nhiều lắm.
Một hôm, quán mưa, vắng khách, Vũ cũng ở nhà, thấy một người khách có vẻ người miền trong, ngồi khuất vào một góc, lầm lì uống rượu, không nói gì cả.
Thấy vậy, Vũ từ trong nhà bước ra hỏi:
- Vũ vô kiềm toả năng lưu khách. Duyên mưa nên mới được gặp người. Tôi nghe giọng gọi nhắm của Ngài, biết Ngài là người miền trong. Chẳng hay quí tính cao danh của Ngài là gì và người ở đâu ta ạ....
Thấy chủ quán có vẻ ân cần, lại giọng đồng hương nên khách cũng đứng dậy thi lễ, rồi nói:
- Tôi họ Bùi, tên Bật Trực, quê lại làng Yên ở huyện La Sơn, vốn đã làm đến chức viên ngoại lang. Vừa rồi không biết nịnh quan trên ngả theo Quận Huy, nên mất chức...
Vũ thấy nói đến Quận Huy, nổi cơn giận nói:
- Quận Huy chẳng qua bám váy Tuyên Phi mà leo lên đầu lên cổ thiên hạ, chứ nó tài cán gì. Triều đình từ ngày Chúa ốm cũng “ốm lơ ôm lửng” hỏng cả lũ rồi!
Bùi Bật Trực vội lấy tay che miệng Vũ:
- Ấy chết, đây là nơi tửu quán, xin ông giữ mồm giữ miệng.
Vũ nói:
- Ông đừng lo, ca quán, tửu quán, họ chỉ lo làm tiền chứ họ chú ý gì đến chính sự. Còn những đám khách thân ai, sơ ai trong phủ Chúa, Vũ này còn lạ gì nữa.
Bậc Trực có vẻ mến Vũ liền nói:
- Ông cho biết quý danh đi. Chẳng hay người ở đâu mà khảng khái vậy.
- Tôi dòng dõi công thần nhà Lê đây, tổ nhà tôi theo đức Thái Tổ khởi nghiệp, quê ở huyện Thanh Chương... Tôi tên là Vũ, ở làng Bằng, cho nên lên tên chữ luôn là Bằng Vũ.
- Hoá ra ông cũng là người ven sông Lam đấy! Chỉ có điều ông ở Thượng nguồn, còn tôi ở gần biển mà thôi...
- Tôi thấy ông cho biết lai lịch thì xem ra ông cũng không ưa gì Quận Huy.
- Người nịnh, người hám lợi thì theo Huy, chứ người có khí phách ai lại chịu.
- Tôi và ông chỉ dính dáng đến nhà vua một tí, chẳng bao giờ nó chịu dùng đâu.
- Ông thì tổ tiên còn phò Thái Tổ, chứ tôi cũng là người phò họ Trịnh chứ có phải hơi hám đến vua Lê đâu mà Quận Huy cũng không dùng.
- Sao thế?
- Chẳng là tôi có quen biết Chiêu Lĩnh bá, mà Chiêu Lĩnh bá thì lại là con Viêm quận công Nguyễn Trọng Viên vốn là em mẹ đức Thánh Mẫu Thái Tôn.
Vũ cười:
- Thế thì Quận Huy không dùng ông là phải! Bởi vì Thánh Mẫu Thái Tôn không ưa gì Tuyên Phi, lại có ý bênh Thế Tử cũ là Trịnh Tông!
- Ra ông cũng am tường việc trong phủ Chúa quá nhỉ?
- Thì ngày nào chẳng có người trong phủ ra uống rượu ở quán tôi. Chính tôi lại giúp anh em mua bán, sắm sửa nữa đấy chứ!
Bùi Bật Trực bùi ngùi nói:
- Người xứ Nghệ cương trực thẳng thắn, cho nên ít khi được trao cho những việc cẩn trọng.
- Ông lầm rồi, ông Nguyễn Khản, người huyện Nghi Xuân, con Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, bạn với Chúa, được tin cậy hết lòng một thời đó thôi.
- Nhưng từ khi Huy Quận lên, thì Nguyễn Khản cũng lao đao suýt bỏ mạng. Sau vụ án Canh Tý phải lẩn trốn vào trong đám dân giã, có dám ló mặt ra đâu.
Vũ giậm chân nói:
- Thằng Quận Huy chó chết, ta phải bàn với anh em kiêu binh vặt lông gí... nó đi mới được.
Bùi Bật Trực xụyt một tiếng rồi nói:
- Nếu ông hết lòng diệt quận Huy thì ta nên kết làm anh em, mưu đại sự...
Vũ bằng lòng ngay...
Hai người uống cạn vò rượu rồi bàn bạc mãi cho đến lúc tan mưa mới đứng dậy.

*

* *
Trịnh Sâm từ sau lần ốm dậy, tưởng lại khoẻ lên, nào ngờ, gặp những chuyện rắc rối trong việc phế Thế tử Tông, lập Thế tử Cán, dù là người điềm tĩnh, song gặp phải những điều tư lự, nghĩ hết mọi nhẽ, mong vỗ yên được triều đình và trăm họ, nên thần thái suy nhược, lưng đau, tay buốt, sợ gió, sợ nắng... Có một lần, để tỏ ra phong độ của mình vẫn như xưa, Chúa Trịnh lại dạo chơi Hồ Tây... Hàng năm, Chúa ốm lâu, các hành cung đều quạnh vắng, bữa ấy chỗ nào cũng hân hoan chờ Chúa đến.
Trịnh Sâm lên du thuyền từ bờ Hồ Tây, đi thăm lễ các chùa chiền cùng Tuyên Phi và Thế tử, sau đó lên núi Tử Trầm, núi Dục Thuý, lại quay về cung Thụy Liên. Chúa đi đến đâu, đàn sáo tấu nhạc vang lừng, các thị tỳ đem những bài ca, điệu múa hay ra trình diễn để Chúa xem. Mỗi chỗ, Chúa xem một ít, ban thưởng cho tiền bạc, lại đi nơi khác.
Ở cung Thụy Liên, đám quan võ dàn binh lính cờ xí ra khắp bốn mặt hồ và chiến tướng mặc áo võ bào, uy nghi lẫm liệt, dẫn Chúa đến duyệt đơn vị. Chúa ban rượu thịt và tiền thưởng cho họ. Riêng đám quan hoạn, nội sai thì lại vận quần áo đàn bà, bày bán các đồ nữ trang, các đồ chơi của các nhà buôn vượt biển mang đến, những lọ cổ, cây cảnh chúng nhặt nhạnh hoặc chiếm đoạt được ở đâu không rõ, đều đem bầy bán. Từ lâu, ốm đau không chơi Hồ Tây được, lần này Chúa mua khá nhiều, mua cho Tuyên Phi, cho Thế tử, cho Quận Huy và những người Chúa yêu quý trong cung vì có công hầu hạ khi Chúa ốm, hoặc giúp Chúa tố cáo kẻ phản nghịch, hoặc lập công ngoài biên trấn...
Lần đi chơi ấy của Chúa, những kẻ trung thành với Chúa, gần gũi nhất trong phủ Chúa, đều hả hê... Có người vừa được ban thưởng vừa bán được hàng hoá, có đến hàng trăm lạng...
Tiếng tăm Chúa hào phóng, biết người biết của lại đồn vang khắp kinh thành.
Chúa về hơi mệt bởi đi quá nhiều, làm quá sức. Hôm sau Chúa lại bỏ buổi chầu. Người không được khoẻ như mấy hôm trước.
Những buổi cần thư giãn, Chúa hay đến bên hoa viên, về mùa xuân, Trịnh Sâm thích ngồi bên mấy đám hồng trà. Về mùa hạ, Chúa ngồi bên hòn non bộ đẹp nhất, phía dưới là bãi cỏ phẳng, là là đến tận mép hồ. Một vườn lựu đầy hoa đỏ lấp ló trong những bụi lá trông như lũ bướm đến mở hội, toàn một loại bướm đỏ...
Chúa ngồi đón gió xem mặt trời lặn trên hồ, toả ra một ráng đỏ trên nền xa, ánh hoàng hôn phủ lên mặt hồ, phả vào những vườn lựu, gió có hương cây từ phía sau thổi đến. Chúa ngồi trên tảng đá đông để hồn mình hoà với cỏ, với cây, với sông, với hồ, ngắm trời ngắm đất, lòng dịu đi trăm điều suy nghĩ, đắm mình vào việc nước triền miên suốt cả một ngày...
Lúc đó tiếng chuông chùa vọng đến. Cả chiều trời như cùng huyền diệu theo những tiếng riêng của cõi từ bi, lòng Chúa nghĩ đến luân hồi, đến thiện ác thật vời vợi.
Mùa thu, Chúa thăm vườn cúc, vườn mẫu đơn, và có khi gọi rượu, gọi trà uống trong lúc chiều buông. Có lúc Chúa xuống thuyền một mình, đem theo một nội thần, men hồ đến khu rừng bàng Yên Thái để ngắm ánh vàng đỏ của tán lá óng ánh nắng chiều...
Chúa Trịnh là một thi nhân trong từng phút giây dành riêng cho Chúa.
Từ ngày gặp Tuyên Phi, Chúa thấy được thêm một điều. Cả một đời chinh chiến, ngồi trên ngôi Chúa tể thiên hạ, sống giữa những sự giàu sang tột đỉnh, cung tần mỹ nữ đến bên cung vua cũng không nhập nhịp và mỹ lệ bằng... nhưng Chúa không hám lắm sự giàu sang. Chúa rất thích gần những người đẹp khi đèn lồng trong Phủ thắp riêng rực rỡ. Có buổi Chúa cùng các bà phi xem hát. Cuối tuần Chúa sang chầu Thánh mẫu thái tôn, vấn an sức khoẻ của Người rồi lại về cung chuyện trò riêng...
Chúa gần ba người đẹp nổi tiếng trong nước Ngọc Khoan, Trần Thị Lộc, và bây giờ là Tuyên Phi Đặng Thị Huệ. Chúa hợp với Huệ hơn cả. Huệ có sức hấp dẫn của người đàn bà đẹp, và hình như sống hết mình cho Chúa. Huệ có những lúc đòi nọ, đòi kia, nhưng không phải là ham của, thích giàu sang, mà đến từ tình thương của người mà có. Huệ yêu em quá mức đến nỗi Đặng Mậu Lân lộng quyền quá đáng đến hư hỏng. Huệ yêu Chúa, quý Chúa như tận đáy lòng. Từ ngày được Chúa yêu, thì nhất nhất từ việc ăn mặc của Chúa; đi xa, đi gần, Huệ đều tự tay chăm sóc ân cần, những cử chỉ chỉ ở Huệ mới có... Huệ lại có những vẻ đẹp tự nhiên, áo đơn áo kép, Huệ mặc đều đẹp. Những lúc Huệ chải tóc, Chúa cứ muốn ngắm Huệ mãi không thôi. Bàn tay Huệ lam lũ từ nhỏ nhưng vẫn đẹp. Tay hồng, ngón thon, nắm vào ấm rực...
Huệ lại chịu học, chịu đọc, chịu hỏi, nói năng tự nhiên, không nể sợ như những bà phi khác.
Những ngày Chúa ốm, Huệ không chú ý đến trang điểm, ngày đêm hầu hạ bên giường ngự.
Thuốc tự sắc, tự nếm, nâng Chúa dậy, ngọt ngào mời uống. Nệm giường Huệ tự trải, tự xếp. Huệ đoán được lúc Chúa muốn ngồi dậy, muốn đi dạo, hoặc gọi mình đến bên để hỏi han trò chuyện. Có hôm, Chúa thiếp thiếp trên giường hai, ba ngày, Huệ lo lắng ngồi hầu đến quên ăn, quên ngủ, quên cả đến với đứa con trai yêu quý.
Các thị nữ hầu hạ cùng Huệ bên Chúa đều thuật lại cho Chúa biết. Đến Thánh mẫu Thái Tôn, không ưa gì Huệ, mà thấy Huệ hết lòng nâng giấc Chúa, cũng phải mủi lòng. Từ đó bà đến thăm Chúa cũng hỏi han Huệ dăm, ba câu. Lại thấy Huệ lo lắng đến võ vàng, Thánh mẫu còn cho thị tỳ đến ban cho một cân bạch sâm, bảo Huệ phải lo đến sức khoẻ.
Khi Chúa bình phục, gần Huệ, có lúc muốn ân ái, nhưng Huệ hết sức can ngăn, hẹn Chúa chờ cho đến lúc thật khang kiện, lời lẽ rất chí tình, Chúa đành phải nghe. Những đêm ấy, Huệ nằm bên Chúa, kể nhiều chuyện vui cho Chúa nghe. Chúa cười nói rất hoan hỉ, rồi ngủ thật ngon lành. Sáng dậy, Chúa mặc triều phục ra coi chầu. Huệ tiễn Chúa, Chúa còn quyến luyến cầm tay nói đùa:
- Ở trong cung vui với nàng thích bằng mấy việc phải ra ngồi lên ngôi Chúa!
Huệ níu lấy tay Chúa nói:
- Thế thì Chúa là thường dân đi!
Chúa cười nói:
- Đợi ta coi chầu xong, ta sẽ làm thường dân một buổi.
Bữa ấy, Chúa mặc áo dân chài, xuống thuyền nan, ra bờ hồ câu cá. May sao bữa ấy, được khá nhiều cá! Chúa đem về vui vẻ bảo Tuyên Phi:
- Này bà chài ơi, đem cá mà nấu ăn đi chứ!
Đặng Thị Huệ đón giỏ cá, rất ngạc nhiên. Nàng vừa ở bên quê ngoại về, vội vàng cởi áo dài, mặc áo ngắn, đem cá ra mổ, nấu nồi canh cá giấm rất ngon dâng Chúa. Chúa thích lắm...
Hôm sau tiếng đồn giăng giăng ra ngoài hoàng thành. Có người nói Chúa đã mê Huệ đến nỗi quên cả nghi thức Chúa tể... Có người thì lại thích thú ca ngợi tính ưa phóng khoáng dân giã của Người. Lần này thì Chúa ốm lại.
Chúa hụt hẫng, đêm nằm hay mê sảng. Ban ngày Trịnh Sâm tư lự bên cửa sổ, Thị Huệ vẫn quẩn quanh bên Chúa. Linh tính của Huệ cho thấy có một điều gì hệ trọng sắp xảy ra... Trịnh Cán, từ lúc được phong Thế tử, thì vẫn là đứa trẻ con, nuôi trong nhung lụa, gấm vóc. Hàng tháng, hàng năm sức khoẻ của Cán chẳng bao giờ dư dật. Tuyên Phi có nhiều nỗi lo ngấm ngầm ở trong lòng, không dám nói ra...
Cán được phong Thế tử, một bầu đoàn đại thần được Chúa uỷ nhiệm theo phò tá. Ba ông a bảo, một ông tả tư giảng, một ông hữu tư giảng, mấy ông tiến sĩ trợ giảng, hôm nào cũng hong hóng ở bên phủ Thế tử, nhưng nào có công việc gì! Thế tử rốn vẫn lồi, chân vẫn khẳng khiu, vẫn biếng ăn, vẫn không rời khỏi mấy ông thầy thuốc. Chiếc ngai Thế tử ngự ngồi có một bận, nào đã được ngồi vào lần thứ hai. Chỉ khổ cho đám nô tỳ và nội sai. Lau rửa chăm sóc các đồ nghi vệ, nội thất, sáng nào cũng như sáng nào, mà chẳng được đón ngôi tôn giáng lâm...
Do đó, phủ Thế tử, chợt biến thành những khu hoa viên cho họ. Mấy ông a bảo, ngồi bên ghế đá đọc sách, thỉnh thoảng họ lại sà vào chiếc bàn cờ quân ngà đặt dưới vòm trúc. Có lúc ba bốn năm ông tiến sĩ tụ họp bàn một nghĩa sách của Kinh Dịch. Có một quẻ sơ cửu mở đầu, gồm vẻn vẹn năm chữ “Càn Nguyên Hanh Lợi Thinh” mà các ông bàn suốt cả buổi. Lúc đầu còn từ tốn, sau tức nhau về chữ nghĩa, mặt đỏ phừng phừng, người này chê người kia dốt, người trẻ bảo người già bạc tóc vẫn chưa hết nghĩa sách, suýt nữa xảy ra xô xát. May có mấy ông a bảo đến can mới thôi.
Đám thị tì thì chia nhau thành từng nhóm, nhóm này hôm nay ở nhà lo công việc lau quét, hầu hạ nước nôi mấy bà bảo mẫu của Chúa và chăm cây tưới hoa, thì nhóm kia thay áo lẻn ra phố phường tranh thủ mua sắm, rồi gửi cho họ hàng bên ngoài những thứ quý giá, đổi chác được ở trong phủ, đem về những đồ nữ trang, những vật trang sức, những khăn áo mới bày bán ở băm sáu phố phường, bán lẫn cho nhau, và bán cho đám nội sai, nội thị.
Bọn quân hầu đầy tớ ở phủ Thế tử nhàn cư vi bất thiện, đứa thì rủ nhau ra phường Khán Xuân, rượu chè trai gái; đứa thì lấn quấn ở bên bờ hồ Tây lén lút đánh bạc, sát phạt lẫn nhau.
Chồng ốm, con đau, Tuyên Phi đêm nào cũng thắp hương ở điện thờ nhà mình, đến những chùa chiền chung quanh khấn vái.
Tiền thuốc, tiền thưởng cho thầy thuốc của Thế tử không biết bao nhiêu mà kể. Bây giờ bệnh của Chúa lại ngã lại, Đặng Thị Huệ lại càng lo.
Huệ sang nhà Quận Huy nói:
- Chúa Thượng ốm lần này, yếu như lần trước. Ta thì ở sâu trong cung cấm. Các danh y ở Thăng Long, tứ trấn, thầy Tầu, thầy ta, mời hết cả rồi, chỉ tốn tiền mà bệnh thì đãi thầy đãi thuốc rồi đâu lại đóng đấy... Ta lo lắm.
Nói rồi Huệ ứa nước mắt. Dáng Tuyên Phi buồn lại có một vẻ đẹp riêng. Quận Huy thừ người ngắm Tuyên Phi. Huệ nói tiếp:
- Ông nghĩ gì mà thừ người ra thế?
Quận Huy bừng tỉnh nói chữa:
- À., à..., tôi đang nghĩ đến một danh y.
- Ở đâu vậy?
- Ông thầy thuốc này là con một vị thượng thư tiền triều, tít tận vùng Hương Sơn kia... Ông là danh y của cả một vùng. Dân chúng sùng bái lắm. Các công khanh ở Thanh Nghệ có người nhà ốm đau đều cậy đến tay ông ấy cả...
- Sao ông không mời về chữa cho Thế tử và Chúa...
- Tôi có nghĩ đến trước đây. Song lại nghĩ, kinh đô là nơi nhân tài kiệt xuất, xứ Nghệ lại quá xa xôi. Vả lại, người ta là danh y của một vùng đất, con bệnh xa gần lúc nào chẳng thỉnh cầu, một sớm một chiều có dễ ra hầu được đâu... Hơn nữa, có mấy ông thầy cũng tin cẩn được, đang chữa cho Thế tử và Chúa, gọi về nhiều thầy chỉ tổ cho họ cãi lẫn nhau, người này gièm người kia, khiến cho quyến đoán bớt đi, chữa không được thẳng tay như ý. Vả lại kỳ ấy, bệnh của Chúa và Thế tử đều giảm.
Tuyên Phi nhăn mặt nói:
- Nhưng lần này thì phải mời ông ta thôi. Thế tử tuy không đến nỗi ngại lắm, nhưng ta muốn Ngài khoẻ, để sang bên phủ làm việc cho yên tâm thiên hạ... Còn bệnh của Chúa, xem ra... ta lo lắm...
- Lệnh bà đừng quá nghĩ. Phúc lộc của Chúa còn dày dặn lắm.
- Ta là vợ yêu của Chúa Thượng, phải lo cho Chúa khoẻ lại càng sớm càng tốt. Từ sau vụ án năm Canh Tý, lòng người phân tâm, tuy họ chưa dám ngọ ngoạy... Chúa ốm lần trước, thằng Tông đã trở mặt... Chúa lại nhân từ, không nỡ giết con, trị tận gốc. Mà nhà Trịnh, thì từ hồi lập nghiệp đã xảy ra vụ Trịnh Tráng - Trịnh Xuân, có một không hai trong sử sách. Ta không lo sao được.
Quận Huy cố tình hỏi trống không:
- Mấy thang thuốc của vị thiền sư chùa Quán Hoà, Chúa uống thấy thế nào?
- Chúa ngự yên được chút ít, nhưng trán vẫn nồng, bụng vẫn không tiêu, dáng vẫn mệt mỏi. Theo ta, ông hãy cho mời ông lang ở xứ Hương Sơn về đi. Ông ta tên là gì nhỉ?
- Dạ là Lê Hữu Trác, biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông.
Đặng Thị Huệ hứ một tiếng:
- Ông già lười à? Tên gì mà kỳ cục vậy!
- Thì người có tài mới hay bày ra cái trò khiêm nhường ấy. Xem ra ông ta không theo gương các anh không thi cử đỗ đạt gì, chỉ chuyên tâm về thuốc, cứu dân độ thế, ngoài thì giờ chữa bệnh thì làm thơ, gảy đàn, câu cá, sống theo kiểu nho sĩ ẩn dật... Nhưng y lý thì giỏi, chữa bệnh lừng danh, có người đã hộp quan, lại chữa cho sống được, có bệnh tưởng như bó tay mà xoay chuyển được tình thế. Hồi trấn nhậm ở trong ấy, đi đến đâu tôi cũng thấy dân chúng ca tụng ông ta...
- Vậy thì ông hãy cho người triệu ông ấy về đi...
Hôm ấy Quận Huy tâu với Chúa, xin sắc chỉ, rồi thảo thư cho Quan Trấn Thủ Nghệ An như sau:
“Quan nội sai Huy Quận Công Hoàng... vâng chiếu chỉ truyền cho quan trấn thủ Nghệ An là Côn Lĩnh Hầu, phái người ngay, tìm cho được một người thầy thuốc quê ở xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, con một vị cố thượng thư tiền triều, người ấy là Lê Hữu Trác hiện ở quê ngoại tức xã Trịnh Diệm, huyện Hương Sơn Nghệ An. Phải dò tìm cho được đến nơi, rồi cho lính tới triệu về cung đợi mệnh.
Nay chỉ truyền
Năm Cảnh Hưng thứ 42 ngày 29 tháng 11”.
Lê Hữu Trác được vời, lấy cớ già yếu thoái thác, nhưng mấy hôm sau, được thư của quan trấn thủ, giục phải lên kinh ngay để chữa bệnh cho Thế tử.... Bức thư không dám nói đến chữa bệnh cho Chúa, sợ người biết được, kinh động lòng quân dân ở các tỉnh xa xôi gần biên trấn...
Hải Thượng Lãn Ông vội vã thu xếp lên đường ngay.
Trong Trịnh phủ, Chúa đã bớt đôi phần, đi lại đọc sách được. Tuyên Phi mừng lắm. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đến kinh đô, mãi không được vào hầu xem bệnh cho Thế tử. Quận Huy tiếp Lê Hữu Trác có một lần, tay bắt mặt mừng, rồi lại bấn búi vào công việc. Lê Hữu Trác ở chốn non xanh nước biếc đã lâu, về kinh đô, hôm nay xem bệnh của người này, ngày mai xem bệnh cho người kia, toàn là các quan nghe tiếng mà đến tìm. Hải Thượng Lãn Ông chữa được cho vài ba người, nhưng bệnh của họ thì khác hẳn với những người thế tục. Một bữa, một quan thái y, vốn cũng mến tài Hải Thượng Lãn Ông, mời về nhà chơi. Thấy ông chân tình, Lê Hữu Trác cũng thổ lộ hết những sầu muộn khi ngồi không, chờ việc ở kinh đô. Quan thái y họ Nguyễn nói:
- Chữa bệnh cho Vương hầu, phải chờ một tháng mới thực được sờ đến tay, bắt mạch. Nay cụ chữa bệnh cho vua chúa, chờ một tháng đã lấy gì làm lâu?
Lê Hữu Trác hỏi:
- Vậy Ngài trước kia vào hầu thuốc cho Thế tử chờ mất bao nhiêu ngày?
Thái y họ Nguyễn vuốt râu khoan hoà nói:
- Tôi phải sắm vai cao đạo mới được sớm vào hầu.
- Xin cho nghe chuyện.
- Có gì đâu, khác hẳn cái đám quan thái y đến trước tôi, tôi đến hầu ông Quận Huy, chờ đủ một tuần, rồi tuần thứ hai bỏ đấy, bảo với ông đang được chữa cho Thế tử rằng, tôi ở đây ở đó, nếu cần thì cứ gọi... Vài hôm tôi lại đến một lần, đến rồi lại đi...
Lê Hữu Trác reo lên:
- Hay lắm. Tôn ông thật là cao kiến, tôi có thể noi theo được. Tôi quê nội ở ngoài này, quê ngoại ở trong kia, hành nghề ở quê ngoại. Đường sá xa xôi đến hàng trăm dặm, rất ít được về. Nếu dịp này chưa được vào hầu bệnh có lẽ cũng xin về quê nội thăm bà con, họ hàng, sửa cái lễ bái yết phần mộ tổ tiên.
- Nên lắm! Thầy thuốc hầu Thế tử đến nay chính thức có đến mười ông. Còn nghe danh đến, chữa vài lần, rồi bãi miễn thì từ ngày Thế tử sinh đến nay sáu, bảy tuổi thì có đến hàng trăm rồi... Quan Chánh đường trước quen cũ, cụ lại chữa bệnh cho ông ấy... Chúng tôi được ông ấy ca ngợi cụ lắm, thế nào cụ cũng được vào hầu bệnh sớm.
Hải Thượng Lãn Ông nói:
- Tôi không ngờ chữa bệnh cho các nhà quyền quí cũng có một cách riêng. Trong kia, tôi cũng đã chữa cho các quan đầu tỉnh rồi, họ cũng quí thầy thuốc lắm!
- Ở trong ấy, to nhất là các quan trấn, rồi đến các phủ huyện, các chức sắc trên đầu ngón tay. Ở phủ Chúa, các đại thần có đến hàng ngàn, mà các thầy thuốc thì thực giả lẫn lộn. Đấy cái thằng thầy Tầu được đón vào, thực ra chỉ có bài thuốc chữa cam trẻ con, Thế tử uống hợp, đỡ mà bọn thái y hầu trong phủ Chúa kẻ nhiều cũng mười năm, kẻ ít như tôi cũng còn bốn năm, đều bị nó đánh bại cả. Thằng ấy khôn lắm, khi thấy Thế tử đã quen thuốc, nó bèn quay ra nói chuyện võ, rồi xin Chúa ban cho một chức quan ở đám ngự lâm, thế là cũng đủ phú quý một đời. Chữa bệnh cho vương hầu lạ lắm, cụ ạ..
- Tôi mói đến kinh đô được mấy bữa mà cũng cảm thấy thế. Chỉ muốn trở lại Hương Sơn, kiếm ăn bên mấy người làm ruộng, đánh cá, kiếm củi, họ nghèo, bổng lộc không nhiều, nhưng tình của họ thì chất phác, đôn hậu lắm!
- Tôi nghe cụ cũng đã được các bậc đại thần mời đến xem bệnh cho nhiều lắm kia mà.
- Cũng có đấy, nhưng bệnh của họ khác lắm, làm sao mà chữa được!
- Sao cụ lại nói thế?
- Bệnh của họ là bệnh giàu sang. Họ lao tâm tổn trí vào việc cạnh tranh danh vọng. Đến khi nhà giàu nứt đố đổ vách, giữ hết chức nọ, chức kia, sự cạnh tranh đối phó càng nhiều lắm! Quyền lực trong tay, rượu ngon gái đẹp, đêm nào cũng say, cũng đắm. Có người cũng xuất thân từ khoa bảng, đạo lý đầy mồm, nhưng bả giàu sang như một thứ ma tuý, dính vào trước lạ sau quen, rồi nghiện ngập không dứt ra nổi. Trường đời quăng lên quật xuống. Rượu gái tàn phá thân xác, thê thiếp người nào cũng lộng lẫy, một cái thân xác kia chia sẻ cho đủ các thứ đòi hỏi ấy, thì tim sắt cũng hư, thận bằng đồng cũng thủng. Tôi bắt mạch mười ông thì mạch ông nào cũng nổi mà gấp. Răng rụng rất sớm, da thịt bùng nhùng. Sâm nhung bồi bổ mấy cũng không lại được. Mà bệnh đã hỏng đến thiên chân, ham muốn vẫn không ngưng nghỉ thì làm sao chữa được. Đó bệnh Vương hầu, tôi xem mười ông thì giống nhau cả mười.
Nguyễn thái y vái Hải Thượng một vái và nói:
- Cụ quả là một danh y, là bậc thầy của tôi vậy.
Hôm sau Hải Thượng Lãn Ông lại đến chầu để vào thăm bệnh cho Thế Tử. Ông cũng muốn gặp Quận Huy, để xin phép được về quê. Lính canh chỉ cho sang chỗ quan Chánh đường đang ngồi hầu Chúa. Giữa đường, gặp được Quận Huy, Huy liền mời Lê Hữu Trác quay lại chỗ cũ, pha trà mời uống rồi bảo:
- Cụ ra ngoài này hẳn khác ở trong Châu Hoan chắc là vất vả lắm nhỉ?
Lê Hữu Trác tạ rằng:
- Tôi tuổi già sức yếu, tài cán chỉ dám tung tẩy ở nơi sơn lâm cùng cốc. Xin Quận Công thương mà xin cho được lui về.
- Không được, ta đã bẩm với Chúa Thượng, Ngài đã chuẩn y. Nhưng lệ của việc hầu thuốc Thế Tử có những quy định hãy nén lòng chờ đợi.
- Lâu ngày xa quê nội, chưa được về thăm, xin quan chánh đường cho phép về quê ít ngày, thì tôi thật đội ơn...
- Cụ đi có lâu không?
- Đường xa sông nước cũng phải mất mươi ngày.
- Không được! Mười ngày thì lâu quá, thôi cụ cứ đi năm ngày nhé!
Nói rồi Quận Huy chào lui về phủ...
Hải Thượng Lãn Ông vội vã thu xếp về quê ngay. Lê Hữu Trác ở quê được mấy hôm, chưa đi thăm hết được bà con bên nội, đã thấy có sắc chỉ của Chúa, gọi về ngay thăm bệnh cho Thế Tử. Ông không dám trù trừ vội cáo biệt thân thích, đi luôn.
Đi bộ, đi đò từ trưa hôm trước đến gần nửa đêm thì về đến nơi nghỉ. Sáng hôm sau, Hải Thượng Lãn Ông vội sửa soạn áo mũ lên kiệu vào phủ. Việc gấp, nên người phu kiệu la hét dẹp đường, kiệu chạy như bay, đám hầu hạ trong buổi sóm trời lạnh mà mồ hôi môi đầm trán, thở dốc... Vào phủ, thấy lính tráng nghi vệ đông hơn bữa trước vào. Hải Thượng Lãn Ông đến điếm chờ Hậu mã. Điếm trông ra hồ lớn. Mùa này lá sen vừa nở, đung đưa trên làn nước xanh. Nhà chờ sơn son thiếp vàng, kiểu cách nghi vệ đế vương rất tôn nghiêm. Riêng bộ ghế sơn màu cánh dán, thếp vàng, kiểu ghế nhà Minh, kèo đục chạm mai điểu, chiếc án thì cẩn những hoa văn sắc sảo, thếp vàng rực rõ. Mặt bàn, mặt đôn bóng loáng, điếu cổ, chén cổ, bầy đồ trà đợi khách. Vị trà rót ra thơm cả căn phòng, nhấp một chút, nóng ran trong miệng, tỉnh táo khác thường. Bên tường treo một bức tranh của người nhà Minh sang sứ tặng. Bức tranh sơn thuỷ, vẽ một con gà trống, đứng sau đá, đang nghển cổ gáy, dưới đề dòng chữ “nhất minh thiên hạ bạch”(1). Các danh y, thái y đều túc trực ở đây, xúm xít hỏi han. Quận Huy có mặt ở đấy, hỏi:
- Cụ về quê chơi có vui không?
- Đa tạ... Lâu ngày chưa được về quê. Lòng dạ cũng bời bời lắm. Thật là hợp với cảnh trong câu thơ Đường: “Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi”(2). Chỉ tiếc không được ở nhà lâu để chào hỏi ông chú bà bác.
Lê Hữu Trác thấy đám thầy thuốc đưa mắt nhìn nhau, không biết họ ưa mình, hay họ đang khích bác, chờ xem tài chữa bệnh, bốc thuốc của mình.
Vào trước phủ, Thế tử chưa dậy. Khi dậy mặt trời gần con sào, Lê Hữu Trác vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Lại thấy người hầu từ phòng trong bưng mâm cơm ra. Quan chánh đường nói:
- Đã gần trưa, mời cụ dùng cơm với tôi, rồi ta sẽ vào hầu Thế tử.
Hải Thượng Lãn Ông rất ngạc nhiên, không ngờ mình lại được ưu ái đến như thế. Bữa cơm trong phủ Chúa, thịnh soạn lạ thường. Rượu rất ngon, thức nhắm đều là những thứ ngoài phố phường không kiếm đâu ra, lại được đầu bếp giỏi nấu nướng ăn ngon và hợp khẩu vị lắm. Xong bữa cơm có sức lực gấp mấy lúc trước, khí huyết vận động lưu thông, hoạt bát khác thường.
Quan chánh đường hầu như thuộc lầu giờ giấc chờ đợi, đưa thầy thuốc vào hầu bệnh. Để kiêng kỵ, mong cho Thế tử như thể là người mạnh giỏi nên ở phòng chờ xem bệnh cho Thế tử, ai nấy đều gọi thuốc là “chè”, từ các thị nữ cho đến các quan Thánh đường, họ gọi rất tự nhiên, quen miệng. Hải Thượng Lãn Ông hiểu ra ngay, và tự răn mình hãy nhớ kỹ, sợ khi hầu bệnh Thế tử lại buộc miệng nói sai với quy định. Vào đến “Phòng chè” thì các lối đi dẫn sang các nơi trong phủ Thế tử đã như mê hồn trận, Quận Huy sợ Hải Thượng Lãn Ông lạc lối, nên bảo:
- Cụ phải đi sát vào tôi, kẻo lạc đường, tôi dẫn thầy thuốc mà đến nơi ngoảnh không thấy, thì gay đấy...
Lê Hữu Trác thấy Quận Huy cũng là người ân cần, vui tính nên càng tự tin hơn. Thế tử người yếu, nên cửa ngoài vào rồi đóng lại, nơi chưa tới thì cửa chưa mở. Luồng đi tối đen. Có chỗ che màn gấm thì chỉ thấy một vạch trắng dọc, từ đấy mà bước theo cho kịp quan chánh đường.
Khi bước qua tấm rèm gấm che ngang thì thấy giữa luồng nhà kê một chiếc sập thếp vàng, trên có một cậu bé chừng năm, sáu tuổi đang ngồi, mặc áo vóc đại hồng, hai bên có mấy người đang đứng hầu. Cạnh sập, có một chiếc kỷ cũng sơn son thếp vàng, trên đặt một chiếc chăn gấm. Hải Thượng Lãn Ông đoán là để cho mình ngồi bắt mạch cho Thế Tử. Gian bên có một chiếc màn gấm che ngang, phía trong đèn lồng toả sáng, cung nhân mặt hoa da phấn, lúc ở bên buồng Thế tử, lúc sang bên ấy, Hải Thượng Lãn Ông đoán chắc là Chúa Trịnh vừa ngồi với Thế tử, thấy thầy thuốc đến liền lánh sang đó, để cho thầy xem mạch cho con trai mình.
Lê Hữu Trác được bảo dừng lại. Quận Huy tiến đến bên sập thái tử, cúi chào, rồi sang phòng Chúa ngự... Ít lâu sau lại thấy sang bên này và truyền lệnh:
- Lạy bốn lạy...
Ông già thầy thuốc, tóc bạc phơ, vội lom khom lạy đủ lễ trước Thế tử bé, Thế Tử nhìn ngắm Lê Hữu Trác lạy, cười bảo rằng:
- Người này lạy khéo!
Nghe người nói vui, bên trong có tiếng thị nữ khúc khích. Ý hẳn Chúa cũng vui vì câu nói đó.
Tiếng Quận Huy sang sảng:
- Thầy thuốc có tuổi, cho phép ngồi hầu mạch, không phải đứng.
Lê Hữu Trác ngồi xuống. Thế tử đặt tay lên chăn gấm, động tác rất quen thuộc, hẳn là Ngài đã quá quen với công việc này.
Xem mạch xong, nét mặt ông già đăm đăm tư lự thì phía bên trong có tiếng nói nhỏ, chắc là tiếng Chúa Trịnh.
- Cho xem cả thân thể nữa!
Người hầu đến thưa Thế tử cởi áo cho xem.
Ông già dí mặt xem sắc da, lấy tay xoa một lượt lên bụng, nắm bắp chân bắp tay, xem gan bàn tay, rất kỹ lưỡng.
Quan Chánh đường lại truyền lệnh:
- Thầy thuốc xem xong lạy tạ, rồi lui ra...
Thế tử chưa mặc áo xong, vẫn đứng trên sập. Lê Hữu Trác lạy hai lạy rồi theo quan tiểu hoàng môn ra ngồi ngoài phòng đợi.
Một lát sau Quận Huy trở ra bảo:
- Cụ xem mạch, thấy ra sao, cứ việc tâu rành rõ. Nên dùng thuốc thế nào, cứ kê đơn ra mọi thứ mà tâu lên.
- Thưa, vâng!
Quận Huy lại nói:
- Thế tử se mình có đến gần nửa năm. Ăn uống biếng, gày gò. Các thầy thuốc trước đoán bệnh kê đơn đã nhiều, nhưng xem ra bệnh chính chưa chuyển động là bao. Người bẩm sinh đã yếu, lại được giữ gìn quá mức, nên sức khoẻ bình thường. Bụng thường to, đầy, ăn không được bao. Cả ngày chỉ quanh việc dỗ uống thuốc, ăn cơm mà hết buổi. Có thầy thuốc dùng thuốc mạnh công bệnh thì bụng nóng, người mệt, không chịu nổi. Dùng thuốc lạnh, thì tay chân lại lạnh theo, việc tiêu hoá ứ trệ, càng ứ trệ, đại tiện sẻn liệu mà chữa. Nếu bệnh chuyển thì Chúa thượng và Tuyên Phi mừng lắm đấy.
Nói rồi, ông lại sai người trông coi thái y viện đem tất cả các đơn thuốc Thế tử đã dùng để Hải Thượng Lãn Ông tham khảo...
Quận Huy bây giờ chỉ biết có Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ. Huy lại hi vọng, nếu mình giúp rập Thế tử nên công chuyện, thì sau này, chức phụ chính đại thần, không thể nhường cho ai. Từ ngày Quận Huy ngả theo Đặng Tuyên Phi, biết bao nhiêu việc, Huy đã tận lực gồng người ra mà toan tính. Đám sĩ phu, quan lại Bắc Hà cũng dễ mua chuộc. Từ Nghệ An ra đây, Huy như một “hàng thần lơ láo”, thế rồi, vụ án Canh Tý phát giác, hạ bệ Trịnh Tông, diệt Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân, đâu có phải chuyện đùa. Kịp đến, Huy lại giúp Đặng Tuyên Phi, lấy lòng bá quan, phong cho Trịnh Cán làm Thế tử... Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ đều hả hê... Quận Huy bây giờ chỉ mong sao chữa bệnh cho Trịnh Cán thành người khoẻ mạnh, để có thể nối được Trịnh nghiệp, đó là điều tâm đắc nhất. Do đó, thuốc men, thầy chữa bệnh của Thế Tử, một tay quan Chánh đường lo liệu hết cả.
Để cho Hải Thượng Lãn Ông đọc hết các đơn kê của thầy thuốc, Quận Huy lại triệu Lãn Ông đến mà hỏi:
- Ông thấy các thầy thuốc trước chữa bệnh cho Thế tử thế nào?
- Tôi kính xem các đơn thấy có hai điều gần giống nhau. Một loại đơn muốn trị có hiệu quả ngay, đau đâu trị đấy. Lại có một loại đơn thì lưỡng lự, chưa dứt khoát, lúc thiên về thận lúc thiên về gan, lúc thiên về tỳ... Đơn kê dễ hợp với người cho phép dùng đơn, mà chưa dám có chính kiến bạo dạn.
Quận Huy thấy Lãn Ông nói rất tự tin, sợ ông chưa thấy hiểu hết bệnh của Thế tử, vả lại, Huy cũng cho mình là người uyên bác, liền nói:
- Tôi theo dõi đã nhiều. Những vị thầy thuốc trước cũng là tay lừng danh ở kinh kỳ này đấy. Tôi cho rằng, y lý gì thì y lý, có bệnh là cứ phải chữa cái đã. Đuổi được tà khí rồi mới bổ. Đó chẳng là phép hay nhất sao?
Lãn Ông không nói gì, chỉ cười và ngắm gương mặt Quận Huy. Huy thấy hơi lạ, cau mày nói:
- Ông nhìn tôi như vậy, là ý tứ gì.
Lãn Ông biết Huy phật ý, liền xuề xoà:
- Tôi đang nghĩ người thầy thuốc cũng như Quận Công đấy. Nghĩa là làm tướng cầm quân, vừa phải giỏi binh pháp lại quen thực tiễn thì mới là tay thao lược được.
Quận Huy biết Lãn Ông không phải vừa, nhưng vì công việc chữa bệnh cho Thế tử, nên đứng dậy, bảo:
- Thôi ông cứ nghĩ cho kỹ rồi bốc thuốc kê đơn đi.
Lãn Ông nhớ lại những cảm giác chân xác ban đầu về mạch, về thanh, sắc, về da dẻ hình thể của Thế Tử. Trong thâm tâm, ông cho rằng Trịnh Cán sinh trưởng vào nơi quyền quý, bởi chăm lo quá mức, người khí sinh ra không được hoàn hảo như đám con cái người bình dân... Tạng phủ trời cho đã kém, nhồi nhét nhiều thứ quá bổ, nên lục phủ, ngũ tạng không kham nổi, đâm ra trệ. Rồi lại gặp đám thầy thuốc tâng công, thấy quan Chánh đường gợi ý, lại dùng thuốc công phạt. Thế tử như cây khô bị sâu, lại tống thuốc trị sâu vào, cây chịu sao nổi, đã hao kiệt lại càng hao kiệt. Do đó, sách lược hay cứ phải bổ đã. Thân thể tiếp thu được thì chữa bệnh sau cũng chưa muộn. Một nguyên do khác, khiến Lãn Ông không muốn trị bệnh cho Thế tử công hiệu nhanh, bởi ông sợ phải giữ lại kinh đô, sung vào Thái y viện, chầu chực chữa cho vua Chúa và cung tần mỹ nữ. Điều này ông rất khiếp sợ. Nếu mê mải thị thành, ham giàu sang, thì một người chịu học hỏi như ông, gia thế lại có người hiển đạt, thì theo nghề khoa cử, chứ theo nghề thuốc mà làm gì.
Khi quan chánh đường quay lại, chờ xem đơn ông kê, Lãn Ông đang hí húi ghi được mấy vị thuốc đầu, đang nghĩ tiếp. Quận Huy vui vẻ hỏi:
- Thế nào ông-già-lười, phương lược đã sẵn rồi chứ? Công hay thủ đấy?
Hải Thượng Lãn ông nói:
- Thưa quận công, tôi xét ngọc thể của Thế Tử gầy gò, mạch nhỏ yếu, đó là do âm dương có chút nào quan cách chưa điều hoà như người đồng lứa vốn có. Sách lược của tôi là phải dùng bổ cho hiệu lực tỳ và thận. Đó là củng cố gốc để lấy nhựa làm tươi tốt ngọn ngành, tạo lấy bản lĩnh của thân thể, lấy chính khí tự thân của Thế tử đuổi tà khí ở bên trong. Nếu phương lược này đúng, thì bệnh Thế tử chắc là khỏi.
Quận Huy nói:
- Tuyên Phi theo đuổi đến hàng chục danh y. Chúa thượng cũng là người biết y lý. Ta cho rằng phương sách của ông dẫu tốt, nhưng bệnh của Thế tử thì cần chuyển biến nhanh. Ta quý ông mới gà cho ông đấy. Ông thử xem xét kỹ lại chăng?
Lãn Ông nói:
- Tôi đã chẩn bệnh kỹ hơn người thường rất nhiều. Tôi chữa cho các trẻ năm sáu tuổi ngang lứa với Thế tử cũng nhiều, nhưng, chữa bệnh thì mỗi người một cách, với Thế tử, tôi nghĩ chỉ có cách vừa rồi là hợp nhất!
Quận Huy thấy vậy, khẽ thở dài và bảo:
- Thôi, cụ cứ kê đơn tiếp đi.
Lãn Ông liền cúi xuống ghi tiếp rằng:
“Thầy thuốc xứ Nghệ An là Lê Hữu Trác, vâng mệnh hầu mạch Thế tử xin được tâu bày:
- Vâng thấy mạch tế, sắc mà không có sức, biểu hiện âm hư của lá lách mà ra, hoả cửa dạ dày lại vượng, không thể giữ được dương khí, khiến lửa ngầm chạy loạn ra ở mọi nơi, không kiềm chế được. Do đó, bề ngoài thấy mập, nhưng là mập mềm nhẽo, không phải là hồng nhuận của thân thể khoẻ mạnh. Sự mập mạp đó là bề nổi, chứng tỏ trong rỗng, ngoài nổi mà thôi. Thần mạo muội được kết luận đó là căn nguyên từ tỳ thận mà ra, nhất là tỳ. Do đó phải bổ tỳ thì bệnh tự dẹp. Nay vâng kê đơn để lượng trên xem xét”.
Kê đơn xong, Lãn ông đưa cho Quận Huy. Một vài quan thái y cũng ghé mắt xem qua... Quận Huy đọc kỹ một lượt, rồi nói với đám thầy thuốc xung quanh:
- Phương thuốc của ông già này khác xa với chúng ta lắm!
Rồi cầm vào phía trong nhà để dâng lên cho Trịnh Sâm xem. Lãn Ông được về nhà nghỉ chờ mệnh tiếp.
Hôm sau, ông được gọi đến, quan chánh đường báo cho ông biết rằng, ông đã được Chúa ban thưởng cho chức Hộ-phiên-câu-kê, lại gọi quan tiểu hoàng môn lấy chiếc thẻ dài bằng gang tay, bịt bạc hai đầu, có ghi chữ “nội sai”, cầm thẻ này có thể vào cung cấm cả ban đêm. Lãn Ông cũng được cho hai tên lính theo hầu, và bốn tên để khiêng kiệu...
Quận Huy nói:
- Phương thuốc của cụ được xem xét kỹ lưỡng. Phái công phá bài bác dữ lắm. Phái mộ tài cụ cũng ca ngợi hết lời... Bởi thang cũ, đơn cũ của một vị thái y vẫn còn công hiệu, nên chưa dùng vội cứ ra ngoài thành nghỉ, chờ mệnh. Tôi cũng nói riêng cho cụ hay là Chúa thượng xem đơn của cụ rất kỹ rồi khen rằng “Người thầy thuốc này tinh thông y lý, giữ lại có lúc cũng phải dùng đến”, bởi thế mói có việc ban chức cho cụ.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vái tạ Quận Huy rồi lui ra.
Chú thích:
(1) Gáy một tiếng sáng cả muôn nhà
(2) “Lúc bé rời làng, già trở lại...” - lời trong một bài thơ Đường nổi tiếng.