- 9 -


- 12 -

     uận Huy hứa sẽ nới lỏng cho Trịnh Tông, quả có thực hiện thật. Do đó dám quân canh gác mới không tra hỏi kỹ. Những người coi chừng Thế Tử bị đổi đi nay lại được điều động lại.
Tuy vậy, Thánh mẫu Thái Tôn vẫn chưa tin. Còn Dương Thái Phi Ngọc Hoan thì nhân lúc Quận Huy nới tay, liền báo cho đám gia thần tìm cách đến thăm Thế tử.
Thế tử Trịnh Tông được đem vào nhà Tả Xuyên. Một người hầu, được chính Quận Huy duyệt, đó là tên đầu bếp tên là Dự Vũ, một hôm nhân lính canh đi ra xa, Dự Vũ đem cơm đến, Trịnh Tông liền hỏi:
- Nhà ngươi thấy từ khi Tiên chúa mất, tình hình dân chúng ra sao?
Dự Vũ nói:
- Năm nay mất mùa, người nghèo đổ về kinh thành đông lắm. Thóc cao, gạo kém. Quân lính bị gia đình thúc ép, cũng thi nhau đổ ra phường phố kiếm chác. Cũng mua đồ rẻ, hoặc cậy đông, cướp giật, chưa tối, các cửa hàng đều phải đóng cửa! Quân lính bây giờ cũng cứng đầu, cứng cổ lắm. Họ thấy Quận Huy cố nép vào váy Đặng Thị Huệ nên cũng khinh nhờn.
Thế tử Tông hỏi:
- Dân chúng nghĩ về ta như thế nào?
- Nhiều người còn nhắc đến chuyện Thế tử bị hãm hại. Không tin tưởng gì vào Chúa bé, họ còn đặt đồng dao...
Thế tử sốt ruột hỏi:
- Họ đặt thế nào?
- Cành to dạo cành bé,
Cành bé đập cành to...
Được thua rồi thua được,
Thua được thành được thua...
Thế tử Tông mừng rỡ thốt lên:
- Hay lắm! Như thế Trịnh nghiệp vẫn có thể còn! Nhưng những người giỏi giang của ta bây giờ chết và bị lưu đầy cả... Biết làm sao được... Ta chỉ còn một gia thần là Gia Thọ ở Kinh Bắc. Người ấy khéo léo, vụ án năm Canh Tý thoát được là do khôn ngoan. Người đem thư của ta sang bên đó, nói là Gia Thọ liên hệ với bà nội và mẹ ta mà lo việc lớn...
Dự Vũ tìm cách nhờ người đem thư đi ngay. Gia Thọ mừng lắm sang ngay hầu Thánh mẫu Thái Tôn lo việc lớn. Thánh mẫu ngầm đem vàng bạc cho Gia Thọ được tuỳ nghi sử dụng...
Thọ liên hệ ngay với quân Tam Phủ. Đội Khuông, Dực, Nhưng, Kiện giữ Thế tử đều nghe theo cả...
Trong quân ngự lâm náo động hẳn lên... chỗ tụm năm, tụm ba háo hức muốn làm binh biến, dẹp Quận Huy và Đặng Tuyên Phi... Gia Thọ đã liên hệ được với Bằng Vũ, kéo nhau đến Bùi Bật Trực. Bật Trực lại đưa Vũ vào bàn với Chiêu Lĩnh Bá, cả bốn người lại kéo nhau đến phường Khán Xuân bàn chuyện kín, sau đó liền bảo Chiêu Lĩnh Bá Nguyễn Trọng Chiếu đưa đến yết kiến Viêm Quận Công.
Thấy họ kéo đến mưu loạn, Viêm Quận Công vốn an phận thủ thường, thất sắc, nói:
- Việc này không phải chuyện thường, không bàn bạc kỹ, mất đầu cả lũ như chơi...
- Chẳng lẽ ông là quốc cữu, không chịu giúp chúng tôi, thì ai có thể đưa Thế tử Tông nắm lấy ngôi Chúa yên thiên hạ được.
Viêm quận công bất đắc dĩ nhận lời, bàn với Thánh mẫu Thái Tôn... Bà hết sức ủng hộ song Viên Quận công vẫn còn sợ quân Tam Phủ không làm nên chuyện, bèn xui Thánh mẫu mời Quận Hoàn đến bàn chuyện.
Nguyễn Hoàn chưa biết chuyện gì, liền đến ngay.
Thánh mẫu Thái Tôn nói:
- Ông là công thần trải thời hai triều, lại được vào hầu Tiên chúa, chịu cố mệnh, chẳng lẽ ông lại chịu để cho kẻ quyền thần lấn át, cướp không sự nghiệp của họ Trịnh?
Nguyễn Hoàn nói:
- Tôi dẫu là thầy của Tiên chúa, nhưng ở những năm đầu Chúa mở mang cơ nghiệp, sau già lão, nhường lại binh quyền cho người ta cả rồi. Nếu cất mình khi còn non, thì e rằng...
Thánh mẫu nghiêm mặt lại nói:
- Vậy là ông vẫn còn e ngại Quận Huy phải không?
Nguyễn Hoàn nói chữa:
- Không phải là e ngại, song tôi đã từng làm Tham Tụng ở phủ Chúa nhiều năm thấy rằng, nhiều loạn binh đao một ngày thì hồi phục hàng năm chưa xong... Cuối cùng dân chúng là người chịu đựng khổ sở mãi, xin Thánh mẫu liệu cho kỹ...
Thánh mẫu thở dài nói:
- Thôi được, ta hoãn cho một ngày, để đích thân ta sang thuyết phục Quận Huy xem sao!
Quận Hoàn về, Dương Thái Phi Ngọc Hoan ra ôm lấy gối mẹ và nói:
- Con xin mẹ đừng đi.
- Sao vậy con. Gái già này vì cơ nghiệp họ Trịnh này, không thân chinh không xong...
Dương Ngọc Hoan nói:
- Mẹ bây giờ là cái trụ lớn để ba quân tin mà làm theo. Nếu như Quận Huy biết rõ ý định mà giữ mẹ lại, uy bức quân sĩ, thì việc lớn con e hỏng mất.
- Vậy bây giờ phải làm thế nào?
- Phải chọn một viên tướng võ tin cậy mà phái đi truyền ý lớn của quân sĩ phò Chúa lớn, phế Chúa nhỏ, nếu Quận Huy nghe theo, bỏ Thị Huệ và Trịnh Cán theo mình, thì cũng là một kế hay!
- Ai làm được việc đó.
- Phó tri phiên Nguyễn Kiêm có thể đi được. Người ấy vốn có lòng trung nghĩa.
- Gọi Nguyễn Kiêm vào ngay đây cho ta...

*

* *

 
Quận Huy trong lòng vẫn thầm mê Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, nhưng sợ Chúa và lại sợ tính phương cương của Huệ, nên chưa dám tỏ tình...
Khi bệnh tình của Chúa nhỏ này càng lấn bấn, không sao chữa khỏi, Tuyên Phi hết chăm bệnh cho chồng, cho con, mệt mỏi quá mức... có hôm mệt mỏi ngủ thiếp đi... Cũng lúc đó, Quận Huy có việc cơ mật liền vào tìm Tuyên Phi... Bấy giờ Quận Huy quyền nghiêng nước, ai cũng sợ. Trong cung thị tỳ đều là người của Tuyên Phi, kẻ hầu người hạ, đều là người của Quận Huy, nên thấy Huy đến, biết là có việc quan trọng, đều lui ra cả...
Quận Huy đánh tiếng, Tuyên Phi vẫn thiêm thiếp ngủ.
Trong giường đệm chập chờn ánh nến, dưới tầng màn hồng, chăn hồng, Huệ đắp chiếc chăn mỏng đến nửa ngực đang thiêm thiếp ngủ… Gương mặt nhưng một vầng trăng vừa hiện lên, toả sáng dịu cả một gian phòng cung điện... Vầng trán, đôi lông mày, con mắt, gò má, đôi môi, hài hoà thật tuyệt vời. Vài sợi tóc loà xoà trên mặt, càng làm thêm vẻ gợi cảm... cổ cao, ngấn ngực trắng ngần, bờ ngực mệt mỏi thở rộn ràng, trông thật hấp dẫn...
Quận Huy đánh tiếng. Tuyên Phi vẫn lặng lẽ ngủ... Quận Huy nghĩ:
- Hay là nàng giả ngủ, để chiều theo ý ta...
Và cơn thèm muốn từ đâu bỗng dâng lên... Quận Huy đứng dậy giả cách đi đi lại lại, vẻ chờ đợi... cũng là xem thử các cửa ngách, cửa chính có đứa hầu nào tò mò mà đứng lại rình rập không?
- Không có ai cả...
Quận Huy mừng lắm, trở lại bên giường Tuyên Phi khẽ gỡ chăn, rồi nằm xuống bên cạnh. Đặng Thị Huệ vẫn ngủ mê mệt. Không thấy Huệ phản ứng gì, Quận Huy càng tin lời phán đoán của mình là đúng, liền mạnh dạn, phủ chăn ôm lấy người đẹp, và lùa tay đặt lên ngực...
Tuyên Phi trong lúc mơ màng lại tưởng là Trịnh Sâm, liền cựa mình, quay mặt lại... Quận Huy sung sướng vô cùng, liền ôm lấy, định cởi xiêm áo của Tuyên Phi, miệng thì gọi:
- Trời ơi, cảm ơn nàng, cảm ơn nàng, ta đã chiếm được nàng rồi! Ta đây mà, ta đây mà, ta khao khát nàng từ bao lâu rồi, hôm nay quả trời cho đây.
Rồi lay người Huệ, để cho Huệ tỉnh thật dậy... Khi Tuyên Phi choàng mắt, nhìn kỹ thấy Quận Huy, thì vùng dậy và kêu to:
- Trời ơi, sao... sao... Ai thế này?
Quận Huy vội hụt hẫng, cũng nhỏm dậy theo, miệng lắp bắp:
- Tuyên Thái Phi(1), xin chớ kêu... tôi Quận Huy đây mà!
Tuyên Phi định thần lại nói:
- À ra ông đấy à? Sao ông lại làm cái trò nỡm này!
Quận Huy nói:
- Xin Thái phi tha lỗi, tôi thấy bà đẹp quá...
Đặng Thị Huệ nói:
- Ông đã thề trước Tiên chúa thế nào, quên hết rồi ư?
Quận Huy cúi mặt không nói gì!
Để cho Quận Huy đỡ mất thể diện, Đặng Thị Huệ nói:
- Ông nên nhớ, Tiên chúa yêu ta thật, vượt hết mọi gièm pha nghi lễ. Ta làm sao quên Người được. Khi Người sống, ta chỉ trông thấy Người là đã hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ chết, ta thường thường mơ thấy Người, sống với nhau như hồi mới tìm gặp mặt nhau... Ta làm sao quên Tiên chúa được... Để yên lòng mọi người, ta lại vào ngủ như cũ, ông hãy lui ra ngay, coi như là không dám kinh động giấc ngủ của ta... Việc bữa nay, ta coi như không có...
Nói rồi lại quay về giường gấm ngủ...
Quận Huy trở ra về, vừa xấu hổ, vừa tiếc... Huy vẫn đinh ninh không ai biết gì, không ngờ lại có hai đứa thị tỳ nhìn thấy, đưa mắt nhìn nhau... Chúng rất phục Tuyên Phi và lại càng ghét Quận Huy...
Rồi tai vách mạch rừng, hai cô thị tỳ vui miệng lại lộ chuyện ra với một cô thị tỳ bên cung của Thái Tôn quốc mẫu. Tin tức lập tức được loan truyền ra khỏi hoàng thành.
Quận Huy về nhà buồn bã lệnh cho quân sĩ không tiếp ai. Đến tối thấy có viên Phó tri Phiên Nguyễn Kiêm xin gặp. Quận Huy cũng muốn biết tình hình quân cơ nên cho vào...
Trông thấy Nguyễn Kiêm, Quận Huy hỏi ngay:
- Ta bận nhiều việc, quân Tam Phủ giao cho ngươi cả, liệu chúng có làm loạn không đấy?
Kiêm cứng cỏi trả lời:
- Quận công là ngôi thứ hai sau Chúa, bây giờ Tiên chúa mất còn Chúa nhỏ, ông hỏi tôi thế, hay là buộc tôi vào tội chết đấy?
Quận Huy bèn chữa:
- Ta nhiều việc quá, tính tình đâm ra nóng nảy, chỉ cần hết lòng với ta, thì giàu sang chung đỉnh, ta không quên những bạn cùng chí hướng đâu?
Nguyễn Kiêm thăm dò:
- Ông là người biết tuỳ cơ ứng biến rất khéo, từ người bị Tiên chúa gọi về định hãm hại lại trở thành người tin cẩn bậc nhất của Tiên chúa. Ông có chịu nghe lời nói thật không?
Quận Huy đứng dậy ôm vai Nguyễn Kiêm nói:
- Ông hết lòng vì ta, thì ta cũng hết lòng với ông. Đã hết lòng với nhau, thì lời nói thật mói là lời cần nói với nhau nhất.
Nguyễn Kiêm nói:
- Ông phò Tuyên Phi và tân Chúa thờ tiên Chúa là rất phải, và cũng vì thế mà tránh được năm bè bảy cánh... Nhưng Thế tử nhỏ ốm yếu lắm, khó bề cầm quyền được, người ta đang nghiêng về phò Thế tử cũ là Trịnh Tông. Thánh mẫu Thái Tôn uy lực rất lớn với các cựu thần của Chúa. Mỗi cựu thần đều nắm giữ một thế lực quan trọng. Tuy nhiên, Thánh mẫu là đàn bà, không muốn gây chuyện trong nhà đâm chém lẫn nhau, vẫn phủ dụ những người hăng hái lật đổ Chúa nhỏ Trịnh Cán. Đó là người quốc mẫu nhân từ thuần hậu. Thánh mẫu rất sợ ông nghe lời Tuyên Phi giết Thế tử lớn, nên cho tôi đến xin nhận cho Tông được coi tướng quân là a bảo, Tuyên Phi là mẹ nuôi, Trịnh Tông thoát tội chết một lần, không dám bạo loạn nữa đâu. Tình thế giải hoà là rất tốt, xin tướng công chớ bỏ lỡ... Như thế thì quân Tam Phủ cũng hết cớ làm bậy.
Thấy Nguyễn Kiêm nói rất có lý, Quận Huy vội nói:
- Ta nhờ ông về bẩm với Thánh mẫu giùm: Tố Lý này trước sau vẫn hết lòng với họ Trịnh. Thánh mẫu là người trong tam cung, lục viện còn nghĩ đến an nguy của xã tắc, huống hồ là tôi đang chịu cố mệnh của Tiên chúa. Việc nhận làm a bảo cho Thế tử cũ không phải là ý của tiên Chúa. Linh cữu của Người còn quàn tại đây, nếu tôi lại có ý làm trái với di chúc, thì chính không phải yên lòng trăm quan mà lại gây rối loạn thêm. Chuyện này xin được bàn sau. Vả lại Tiên chúa chỉ có hai người con, nếu Chúa nhỏ yếu đau không kham nổi việc quốc chính, thì tất nhiên ngôi Chúa phải đến Thế tử cũ chứ còn thuộc về ai được nữa.
Nguyễn Kiêm vái lạy đi ra.
Quận Huy ngồi thừ ngẫm nghĩ:
- Họ lại định xui ta ngả theo họ. Có chết ta cũng không đời nào theo. Chẳng qua bây giờ phe Trịnh Tông thấy ta còn nắm giữ binh quyền nên tìm cách dàn hoà vậy thôi, ta nghe họ ắt là họ sẽ lấn tới. Nhưng rà xiết quá cũng xui họ bạo loạn, chi bằng cũng tương kế tựu kế mới được.
Nguyễn Kiêm nhìn nét mặt cử chỉ hiểu rõ thâm ý của Quận Huy liền về thưa với Thánh mẫu Thái tôn. Thánh mẫu thấy việc không thể làm lơ được liền bảo Nguyễn Kiêm bàn với Quận Huy. Hoàng quận công lưỡng lự nhưng Chiêu Lĩnh bá thì rất hăng hái muốn kích động quân Tam Phủ khởi sự ngay... Chiêu Lĩnh bá liền bàn với Bùi Bật Trực và Bằng Vũ và những viên Đội trưởng coi quân cấm vệ ở Tam Phủ. Quân lính ồn ào đến muốn ép Quận Huy phải nộp Chúa nhỏ và Đặng Thị Huệ... Kinh đô náo động lời đồn ran ran... Một kẻ nào đó lại đặt vè, kích động quân sĩ...
Này này Quân Tam Phủ
Mắt ngươi có sáng không.
Tai ngươi có thính không...
Chính cung là người đẹp
Cung cấm cần nghiêm phòng...
Quan Chánh đường phạm thượng...
Người đẹp bỗng hai chồng...
Ô uế trong tẩm điện
Loạn dâm tận hoàng cung
Này này quân Tam Phủ
Mắt ngươi có thấy không...
Người nhà mách đến tai Quận Huy, Huy tức lắm, bắt ngay những gã thích ngồi tung tin ở quầy rượu đem bẻ răng, rút lưỡi, vả vào miệng cho đến chết rồi đem bêu đầu ở các cửa ô, treo ở bên dưới xiềng xích lủng lẳng dòng chữ:
“Phần thưởng này dành cho những kẻ tung tin nhảm”.
Hình phạt nặng ấy có làm giảm đi chuyện phao tin ở chỗ quán rượu, quán trà, nhưng lòng dân chúng lại càng căm phẫn. Có một viên nho sinh đầu quân, nhân đó làm luôn bài hịch...
Dân một nước, ai không mong bề tôi giỏi, vua hay.
Kinh thành lớn ai chẳng muốn giàu sang thịnh trị...
Quân Tam Phủ khởi lên thời Trung Hưng,
Dẹp nịnh, phò nguy trải bao đời Chúa...
Há để một ả lăng loàn, lấy sắc đẹp thao túng triều nghi...
Há để một thằng thất phu, cậy thế mạnh lấn át quyền tướng sĩ...
Trịnh Tông có tội gì?
Con trưởng lại hạ làm con thứ...
Trịnh Cán có công gỉ?
Nhãi oắt ốm đau, ngồi vào ngai Chúa...
Thóc cao gạo kém điêu đứng sinh linh...
Rượu thịt bỏ ôi tiệc nhà quyền quý!
Sự thật vốn là sự thật,
Sao đến nỗi rút lưỡi bẻ răng...
Gian tà vẫn lối gian tà, sao vẫn nhởn nhơ hể hả?
Gươm giáo trong tay, sao không tỏ nghĩa trượng phu,
Uy lực nắm quyền, sao chẳng khuông phù chân Chúa!
Ráp thành một khối quét lũ gian tà
Thời vận đến rồi, hỡi tuân Tam Phủ...
Bài hịch được truyền miệng ngay đến với mọi cơ binh. Nguyễn Hoàn thấy lòng quân hướng về Trịnh Tông, cũng đành để con trai là Chiêu Lĩnh Bá và Nguyễn Kiêm lo việc lớn...
Quân sĩ suốt đêm không ngủ..., binh khí sẵn bên mình. Bằng Vũ, Bùi Bật Trực, Chiêu Lĩnh Bá đã mật báo cho tất cả các cơ quan, đúng sớm mai sẽ hành sự...
Một viên nội sai thấy sắp có binh biến liền vào trình Quận Huy nói:
- Tướng công có biết Kinh thành đang náo động không?
Quận Huy cười nhạt nói:
- Thành Thăng Long từ ngày ta ở xứ Nghệ ra đây có lúc nào yên tĩnh. Cứ mặc cho nó náo động. Gọi cho ta Quận Châu và Thuỳ Trung hầu vào đây!
Một lúc sau, hai người cùng đến. Quận Huy nói:
- Hai ông vẫn nắm được quân Tam Phủ chứ!
Quận Châu nói:
- Cho đến sáng nay tôi cắt đặt công việc, quân lính đều răm rắp nghe theo cả. Họ có bàn bạc làm bậy, thì một ngày cũng không xong được...
Thuỳ Trung Hầu nói:
- Hay là quân lính phản ứng về việc hành hình một tên lính ngạo mạn phao tin đồn bậy!
- Các ông đi ngay một lượt nữa xem sao, rồi về đây trình cho ta rõ...
Khi Quận Châu và Thuỳ Trung Hầu đi rồi, viên nội sai nói thầm vào tai Quận Huy, Huy đuổi hết tả hữu ra ngoài. Viên hầu cận đưa cho Huy xem tờ hịch. Quận Huy xem xong toát mồ hôi, lấy khăn lau trán mà nói:
- Tình hình xấu đến như thế này ư? Sao Quận Châu và Thuỳ Trung Hầu không biết.
- Quân lính bàn ngầm ai dám để lộ việc chết người. Quận Châu và Thuỳ Trung Hầu có biết có khi họ cũng không dám nói thật với tướng công!
- Bây giờ làm thế nào?
- Tôi nghĩ, tướng công còn có tướng tâm phúc ở tứ trấn. Hãy đem Chúa nhỏ và Tuyên Phi ra ngoài thành, nếu chúng nổi loạn lấy quân ngoài đánh vào, tôi chắc là tài cầm quân của tướng công sẽ dẹp được quân Tam Phủ!
Quận Huy kêu lên:
- Không ổn! Ta bây giờ đang giữ nền nếp trật tự của triều đình. Vô cớ lại đem Chúa ra ngoài hoàng thành, họ vu cho ta định cướp ngôi Chúa rồi từ đó gây biến, thì lại càng khó bề trấn an được lòng dân!
- Vậy thì làm thế nào?
- Ta đã phò Tiên chúa, Tuyên Phi và Chúa nhỏ, thì đành chịu chung số phận với họ thôi! Ta phiền ông thu xếp lo sẵn đường chạy thoát cho Tuyên Phi và Chúa nhỏ khi có biến, còn ta, ta phải đối mặt với bọn loạn thần mới được.
Vừa lúc đó Quận Châu và Thuỳ Trung Hầu về, đem theo một tên tiểu tướng có vẻ nghi ngờ. Quận Huy đích thân tra hỏi, viên võ quan sợ, liền phun ra hết. Quận Huy nói:
- Đem thằng này giam vào ngục.
Rồi nói với Quận Châu và Thuỳ Trung Hầu:
- Khuya rồi, hai ông không nên về, hãy nghỉ lại đây cùng ta...
Nói rồi mệt mỏi quay về tướng phủ...

*

* *

 
Sáng sớm khi vừa thức dậy, Quận Huy mặc áo đại trào, theo thông lệ, cùng các đại thần cố mệnh và tham tụng, bồi tụng cũng vào chầu lễ cúng cơm của Tiên chúa. Tuyên Phi mặc áo đại tang túc trực ở đó.
Cứ trông thấy Tuyên Phi, Quận Huy tự nhiên chân tay luống cuống, không được bình thường, tim đập rộn ràng. Ngây người ra một lúc rồi nhân lúc mọi người không để ý, Quận Huy hỏi:
- Tôi đã cho người đưa Quốc mẫu và Chúa ra ngoài thành rồi. Bữa nay có biến, sao còn ở đây?
- Ông tính nhầm rồi. Chúa không thể ra khỏi kinh thành được. Mà Chúa là con ta, còn bé bỏng thế, thế nước thì chênh vênh, ta bỏ đi làm sao được.
Huy quận thở dài nói:
- Bà thật là người phi thường!
Đặng Tuyên Phi không đáp, lúi húi các thêm tuần rượu nữa cho buổi lễ cúng cơm của Tiên chúa...
Quận Huy thấy nóng ruột, vội quay luôn về phủ.
Vừa lúc ấy, Bằng Vũ nhận lời với Triêm Vũ hầu, Bùi Bật Trực, nhảy vào phủ Tham Tụng nổi trống.
Vũ ngang nhiên đi thẳng tới cổng lớn leo lên lầu, cầm dùi lớn, đánh ba hồi chín tiếng trống, rung động cả hoàng thành.
Quận Huy quát:
- Thằng nào không có lệnh mà dám đánh trống thế. Lôi cổ nó vào đây.
Quân lính của Quận Huy đóng hết cửa phủ lại, rồi xông đến bắt Bằng Vũ, trói nghiến lại. Quận Huy quát:
- Mày động hiệu cho quân lính làm loạn có phải không? Lôi cổ nó ra chém!
Bằng Vũ lúc này mới thấy sợ, chắc chết đến nơi, song Thuỳ Trung Hầu liền đứng ra can Quận Huy:
- Mưu loạn không chỉ có thằng này. Hãy giữ nó lại, khi nào tóm gọn được cả bọn chém cũng không muộn.
Quận Huy thừ mặt một lúc rồi ra lệnh:
- Giam cổ nó vào ngục đại hình!
Quân hầu cận vội lôi cổ Bằng Vũ đi ngay. Vừa lúc đó có tiếng reo ầm ầm của lính Tam Phủ từ các dinh phủ, cung điện cùng kéo về nơi Quận Huy đang ở. Tiếng reo rầm trời, dậy đất:
- Giết chết đứa lộng quyền đi! Giết chết thằng nghịch tặc Quận Huy đi!
Chúng thấy cửa phủ đóng, bèn đập cửa rầm rầm. Quận Huy cho gọi người đến viết tờ khải dâng lên Điện Đô Vương Trịnh Cán đại ý nói vâng lệnh đi dẹp loạn, rồi bảo quân lính đem voi chiến ra. Vừa lúc ấy Quận Châu trên nóc cổng phủ vừa đi xuống.
Quận Huy nói:
- Ông làm chỉ huy quân Tam Phủ, sao lúc này còn đứng đây, phải ra răn đe bọn lính làm loạn chứ!
Quận Châu sợ Quận Huy lại leo lên cổng phủ nói to, vọng xuống:
- Quân sĩ không được náo động, hãy giữ lễ! Tử cung của Tiên chúa còn giữ ở đây, sao lại ồn thế. Các ngươi muốn gì cứ viết tờ khai lên Chúa rồi cho bắn tên vào đây!
Mấy tên cầm đầu ở phía trước xông lên nói:
- Quận Châu đấy phải không? Tôi tưởng ông cũng là người hiểu việc, hoá ra ông định theo thằng giặc Huy hiếp vua lừa dân hả! Mở cửa ngay ra, nếu chúng ta vào được thì các người sẽ bị băm ra như cám...
Quận Châu thét lên:
- Muốn gì cứ nói! Ta sẽ trình lên Chúa cho.
- Muốn cái đầu của Quận Huy và con nặc nô Đặng Thị Huệ... Mở cửa ra...
Quận Huy nhảy lên mình voi, vừa khi quân lính phá tung cổng phủ ùa vào... Quận Huy lẫm liệt thét lên, tiếng thét như sấm:
- Bớ ba quân! Các ngươi đâu phải về đấy ngay, không được náo loạn, ta sẽ chém đầu chúng mày...
Phía sau có người chừng lại, lại có đám lính sợ hãi ngồi cả xuống. Bùi Bật Trực, Gia Thọ và Dự Vũ đều đứng ở hàng đầu đám kiêu binh thấy không thể tiến không được, liền xông lên reo hò, vẫy tay hò quân sĩ cùng tiến. Họ lại hò hét:
- Thằng nghịch tặc đã dẫn xác đến, giết chết nó đi anh em ơi!
Thấy phía trong hầu như không có quân lính hoặc vệ sĩ chi cả, đám quân Tam phủ giơ đao kiếm nhất tề xông lên, vây chặt lấy voi của Quận Huy. Voi giơ đầu ra húc, lấy ngà đâm. Nhưng voi thấy đông người, không có lối nên chỉ đứng một chỗ dùng ngà để đâm vào người. Quân Tam phủ chỉ cốt tránh cặp ngà, rồi lấy dao, kiếm đâm chém túi bụi vào voi chiến. Lại có người bê cả viên gạch lớn, giáng mạnh vào voi khiến voi chùn vòi lại, tức tối gầm hí ầm lên... Quận Huy giương cung để bắn, vì giương mạnh quá cung bị đứt giây, lấy đoản kích ném bị thương một đứa thì gạch đá phía dưới ném tới tấp vào mình và quản tượng.
Quân Tam Phủ chuẩn bị câu liêm, nhất loạt giơ lên, móc chân, móc cổ Quận Huy và quản tượng. Một tên lính gan góc, nhân lúc quản tượng mải đối phó với lũ lính bên phải voi chiến liền phi thân lên, giơ câu liêm móc cổ được quản tượng lôi xuống rồi ào đến vây kín dày đặc hơn. Voi quay trở lại. Quận Huy lại cầm lao lao chết mấy đứa nữa, quân lính hăng tiết nhao nhao nhảy lên định chém, nhưng voi cao quá không bốc mình lên được. Chợt có mấy đứa nghĩ ra kế công kênh nhau lên, lấy câu liêm móc cổ Quận Huy... Lập tức bốn phía đều làm theo, một rừng câu liêm nhất tề nhè cổ Quận Huy mà móc.
Quận Huy tránh bên này, tránh bên kia đều không thoát cuối cùng cũng bị móc ngã xuống. Quân lính xúm đến dùng tay chân đánh đấm cho đến lúc mềm nhũn ra, máu mũi, máu mồm, máu tai đổ ra chết mới thôi.
Chưa hết. Bọn chúng đang say máu, lột áo, phanh ngực Quận Huy, mổ lấy gan tươi, rửa bằng rượu, lấy dao xẻo từng miếng chia nhau ăn tươi cho hả giận, rồi đem xác vứt ra ngoài cửa Tuyên Vũ.
Em ruột của Quận Huy là Lý Vũ Hầu Hoàng Lương đóng quân ở lầu Ngũ Long, nghe trong hoàng thành có biến liền vội đem một đội tinh binh định vào thành xem hư thực ra sao. Nhưng Lương mới đến chùa Báo Thiên thì đã gặp quân Tam Phủ quát đứng lại. Họ lấy đá ném về đầu và giết chết rồi ném xác xuống hồ trước mặt.
Quân lính đã giết xong anh em Quận Huy liền kéo luôn vào nhà Tả Xuyên, nơi giam lỏng Thế tử cũ Trịnh Tông.
Họ phá tung cửa reo từ ngoài reo vào:
- Mời ngài lên ngôi Chúa trị vì thiên hạ!

*

* *

 
Đặng Thị Huệ bị quân Tam Phủ cầm tóc lôi xềnh xệch đến nộp cho Thánh mẫu Thái Tôn. Mẹ của Trịnh Tông là Thái phi Dương Ngọc Hoan cũng có mặt ở đấy.
Thánh mẫu thấy mặt Đặng Thị Huệ câng lên chẳng có gì là sợ hãi, nét bướng bỉnh vẫn còn giữ nguyên trên mặt. Bà quát:
- Con yêu nữ họ Đặng kia, quỳ xuống!
Đặng Thị Huệ từ tốn lạy Thánh mẫu nói:
- Con lạy mẹ. Một đời con được Tiên chúa yêu vì. Con chỉ biết có Chúa và con trai của con là Trịnh Cán. Tiên Chúa là người anh hùng cái thế, trời làm chết yểu nên con mới thân tàn ma dại thế này... Khi được tin cậy, con vẫn giữ lễ với mẹ; khi sự biến thế tử Tông, con có thể gièm pha để hại, nhưng lòng con đâu nỡ giết. Mẹ gọi con là yêu nữ, con đành chịu... Mẹ giết con, con cũng xin cúi đầu cho mẹ chém. Nhưng con lặn lội cả đời, được gặp một người như Tiên chúa, có chết xuống suối vàng, con cũng chẳng hổ thẹn nhìn thấy mặt người.
Cơn giận của Thánh mẫu cũng nguôi ngay khi thấy Tuyên Phi thực lòng giãi bày. Nhưng bà vẫn tỏ uy nghiêm của một bậc đại mẫu của thiên hạ:
- Mày để Chúa nhỏ ở đâu?
- Loạn trong hoàng cung nhanh quá, cung tần mỹ nữ đều khiếp hãi. Con sợ Chúa Điện Đô Vương (Trịnh Cán) bị hại nên sai quận Điểm bế cháu nấp ở hậu cung.
Thị Huệ quỳ mọp xuống chân Thánh mẫu nói:
- Thưa mẹ, con cắn rơm cắn cỏ con lạy mẹ. Con sinh con một bề, được một mình Chúa. Nếu Chúa mới giết Điện Đô Vương, thì con cũng không thể nào sống được.
Thánh mẫu bảo Dương Thái Phi:
- Con đi tìm ngay Điện Đô Vương về đây cho ta. Nó là con trẻ, ốm yếu từ khi sinh ra đến giờ, nào biết chính trị là gì? Chẳng qua người ta khoác áo Chúa vào cho nó để làm khổ nó... Con phải chăm sóc nó như tình mẹ đích chăm con nhỏ, giùm ta...
Nước mắt bà oà ra không ngăn nổi. Rồi bà bảo vào tai Dương Thái Phi:
- Thị Huệ biết lỗi rồi, con tha tội cho nó. Cho nó ăn uống tử tế, rồi trả nó về cung cũ.
Dương Thái phi vâng lệnh, rồi cho thị nữ dìu Đặng Tuyên Phi về cung.
Đặng Thị Huệ rũ như tàu lá chuối.
Điện đô vương Trịnh Cán được Quận Diễm lôi đi trốn trong hậu cung một ngôi chùa nhỏ ngay trong Hoàng thành, cả ngày không được một thứ gì vào bụng, lần đầu Tiên chúa thấy đói khóc eo éo... Quận Điểm sợ hãi, cứ giữ Chúa trong buồng cung thờ tối om, muỗi đốt một lượt dày ở tay ở mặt Chúa. Chúa khóc mãi, thiếp đi... Quận Diễm cũng quá mệt, ngủ thiếp cho đến lúc quân lính sục đến mới biết.
Họ đều bị đưa ngay vào phủ Chúa mới. Lúc ấy Chúa nhỏ, một ngày không thuốc và không được ăn, trông như một con mèo hen. Quận Diễm giao Chúa nhỏ lại cho những người coi phủ Chúa.
Trịnh Tông thấy Trịnh Cán rũ như tầu lá, lại được mẹ và Bà mật dụ không giết Chúa nhỏ, liền truyền đưa Cán xuống nhà Tả Xuyên, nơi giam giữ cũ của mình...
Chúa nhỏ đặt nằm trên giường, bẹp dí như xác một con nhái bén, thoi thóp.
Những người hầu cận đi báo với Chúa mới.
Trịnh Tông nói:
- Thằng Cán em ta quặt quẹo từ lúc đẻ ra đến giờ. Đại danh y như Hải Thượng Lãn Ông thân đến cứu chữa, mỗi thang thuốc trị giá hàng trăm quan tiền, đủ cho một nhà nông sinh sống cả năm, cũng không cứu được. Nay cứ treo biểu khắp Hoàng thành, xem có ai đến chữa cho nó thì chữa.
Nói đoạn, coi như công việc xong rồi, liền bỏ đi...
Bảng gọi thầy thuốc buổi đầu treo lên, người ta tò mò đến xem, sau lại thấy mời thầy chữa cho Chúa cũ là Trịnh Cán, dân chúng không hiểu ra sao cả.
Mấy ông thầy lang ở cửa hàng thuốc Bắc cho đó là mưu thâm của Trịnh Tông. Tông biết Cán là chỉ còn chờ chết, vô phương cứu chữa, nên treo biển cầu danh y, chẳng qua là để thiên hạ biết mình là người “nhân từ” thôi. Ai chẳng biết Trịnh Cán không giết thì trước sau cũng chết, mà có sống thì cũng thân tàn ma dại, mang thân cũng không xong, thì phải lo lắng nỗi gì.
Kẻ đáng giết là Quận Huy thì đã giết rồi. Quân Tam Phủ ghét Huy Quận, xông đến phá tan dinh phủ, hôi cướp hết của cải, lôi hết gia nhân thân thuộc, đánh chém vứt xác xuống hồ..., trừ những người nào nhanh chân trốn thoát mà thôi.
Kinh thành có Chúa mới, không yên ổn, mà lại nhiễu loạn thêm.
Triều đình mới toàn một lũ người thân với đám kiêu binh, nhờ chúng phò Trịnh Tông lên ngôi Chúa mà vinh hoa phú quý, thực học chẳng có là bao.
Bằng Vũ là một tên ngỗ nghịch, chỉ là người liều lĩnh dám vào đánh trống hội quân làm loạn, mà cũng được phong tước hầu, tôn vinh làm Suý Trung Dực vận công thần, làm tổng quản đội quân chầu chực hậu cung. Dự Vũ là một thằng hầu môi giới với Gia Thọ, Quận Hoàn, Quận Viêm mà cũng được làm Tuyên Lực công thần… Bùi Bật Trực cũng được một chức quan lớn. Buổi chầu, ngồi đầu hàng văn võ bá quan đều là những tay võ biền, những kẻ sáo mép, phía sau họ là lo sao cho quyền lợi của bọn kiêu binh được thoả mãn, ngoài ra không còn bàn được việc gì cho ra thể thống.
Nhiều đại thần tài giỏi tìm cách thoái lui về vui thú điền viên.
Trịnh Tông đem hết cả kho tiền ban phát cho bọn quân kiêu binh, chúng vẫn không thoả mãn. Các đội Khuông, Dực, Nhưng, Kiệu, những kẻ lỏng lẻo cho Chúa mói hồi bị giam cầm đều đòi trả công. Cái đám đương đầu với Quận Huy kẻ chết đòi trả công cho kẻ chết, kẻ bị thương đòi tước nọ, chức kia..., còn cái đám hàng nghìn người dự buổi phanh thây Quận Huy, thì đòi phải được làm tri huyện, đô giám, hiệu uý...
Trịnh Tông được chúng đưa lên ngai Chúa, trước mắt, chiều đến đâu cũng đành phải chiều.
Chú thích:
(1) Lúc này Trịnh Sâm mất rồi, Đặng Thị Huệ là mẹ của Chúa mới, nên Quận Huy gọi là Tuyên Thái Phi.