- 9 -


- 11 -

    
uyên Phi thấy Chúa chuyển bệnh mừng lắm, nàng vào hầu Trịnh Sâm, nói:
- Chúa thượng bị trận ốm lớn vừa qua là do thiếp không biết giữ gìn, tội thật đáng chết.
Đuổi hết mọi người ra thật xa. Trịnh Sâm, bảo Đặng Thị Huệ ngồi đến gần rồi nói:
- Vợ chồng với nhau, làm sao mà tránh được sự gần gũi. Đến bây giờ ta mới tiếc thời trẻ không gần được nàng, để đến khi ốm yếu bệnh tật, không còn là một trang thanh niên tuấn tú để tận hưởng mọi thứ thời trẻ nữa...
Nghe Chúa Trịnh nói, Đặng Thị Huệ bỗng ứa hước mắt. Chúa cảm động lắm, kéo tay lại gần nói:
- Sao nàng lại khóc.
Huệ thưa:
- Thưa Chúa thượng, em nghĩ rằng, em đã được làm vợ yêu của người cai trị cả thiên hạ, mà phúc lớn chưa được trọn vẹn... Con trai thông minh, tuấn tú nhường ấy mà từ lúc sinh ra cứ quặt quẹo suốt. Còn Chúa Thượng bởi việc nước gánh vác nặng nề. Em những tưởng cái đám thầy thuốc, cận thần bên mình Chúa đều là người giỏi, nên quá tin ở họ. Vậy mà xem ra họ chỉ là người khéo hầu hạ, nịnh nọt mà thực tài, ngoài Quận Huy ra, kể ra chưa thấy có ai... Để đến nỗi, bệnh tình của Chúa Thượng ập đến như cơn lốc mới biết sợ, em thật lo lắng quá!
Trịnh Sâm ôm lấy vai Huệ, áp mặt mình vào má Huệ, ngồi thừ ra và nói:
- Có nàng ở bên, ta tin là sẽ khỏi bệnh.
- Em cũng mong Ngài sớm bình phục, khoẻ mạnh như hồi em còn là con hầu, mỗi khi thấy Ngài đi trận về.
- Hồi ấy, ta oai phong, tuấn tú lắm phải không.
Huệ cười, người mềm mại, thân thiết, khẽ nép đầu vào vai Trịnh Sâm:
- Bởi thế em mới ngày đêm ao ước được gần Ngài, được trọn đời dâng hiến thân con gái cho Ngài.
Huệ đưa vòng tay ôm lấy lưng Chúa, áp bộ ngực tròn đẹp, rộn ràng vào ngực Chúa. Chúa cũng ngây ngất cái phút êm đềm ấy. Chúa hít mạnh da thịt Huệ, lùa tay vào áo, lần tới bộ ngực mịn màng của Huệ... Chúa nói:
- Ước gì ta khoẻ như hồi ngự giá đi dẹp giặc ngày xưa...
Chúa ôm chặt Huệ vào lòng... Huệ chợt nhớ ra nói:
- Thôi thế thôi! Em xin Chúa thượng hãy kiềm chế, nay mai người thật khoẻ, em và người sẽ sống những đêm thần tiên trên hành cung Hồ Tây như bữa nào!
- Ta cũng mong được như thế đấy!
*
* *
Quận Huy được Tuyên Phi gọi vào, hai người ngồi trước thềm Quán Nghinh Phong. Gió thổi lồng lộng. Tóc Tuyên Phi bay trước gió. Nắng ấm vàng rượi sưởi trên các cây hoa ở vườn Chúa!
Tuyên Phi hỏi:
- Ông bận bịu lo chữa bệnh cho Chúa, liệu có để mắt đến việc triều chính không?
Quận Huy nói:
- Mọi việc vẫn trôi chảy cả! Tôi vừa cử mấy viên tướng giỏi vào nam tăng cường cho việc mở mang đất Thuận Quảng, đạo đến giáp Trấn Ninh đề phòng đám Chúa đất người Mường liên kết với các vị thân vương ở đất Ai Lao. Lại cũng tăng thêm cho tỉnh Lạng Sơn một nghìn quân tinh nhuệ và một viên tướng trẻ...
- Tình hình bốn trấn ven kinh đô ra sao?
- Sơn Tây và Kinh Bắc đã thay thế người thân tín của ta. Duy trấn Hải Đông, bọn giặc ở vùng Đồ Sơn cũng nên lưu ý. Tôi đã bàn kỹ phương lược với viên trấn thủ ở đó. Ở Sơn Nam Hạ, tôi nghe quan trấn thủ ở đấy vốn rất nể Nguyễn Khản, định tìm người thay thế, nhưng chưa ngắm được ai...
Tuyên Phi cau mày nói:
- Vây cánh của Nguyễn Khản không thể coi thường đâu. Thôi, ta cũng hỏi thế để yên tâm thôi, chứ biết ông cũng đã mệt nhoài vì công việc rồi. Ta chỉ muốn nhắc ông: Vừa lo việc chữa bệnh cho Chúa, nhưng không một phút được lơi tay nắm lấy quyền lực khi Chúa ốm đau.
Quận Huy hết sức ngạc nhiên, khi thấy Đặng Thị Huệ lại lo lắng đến những việc lớn như vậy. Huệ nói tiếp:
- Chúa Trịnh, ta và ông hiện nay như thế chân kiềng, một chân yếu hai chân kia phải ráng gánh vác. Nếu một chân gãy, thì hai chân kia cũng đến bỏ đi, nếu không thì cũng là đồ hỏng thôi.
Quận Huy lại càng kinh ngạc nói:
- Tôi xin ghi lòng những lời dặn dò của Quý Phi, không dám sao lãng. Chỉ xin Quý Phi hết lòng cùng tôi để giữ cơ nghiệp cho nhà Trịnh.
Đặng Thị Huệ nói:
- Điều ấy thì ông khỏi lo. Con gái đất Gia Lâm của ta bao giờ chẳng hết lòng vì chồng con...
Quận Huy cúi mặt xuống rồi lén ngước nhìn trộm Tuyên Phi. Lần đầu tiên, y xao xuyến trước một người đẹp thông minh và quả quyết. Quận Huy khẽ thở dài.
*
* *
Đặng Tuyên Phi cho mời Hải Thượng Lãn Ông vào phòng Thế tử. Đầy tớ, con hầu đứng chầu hầu còn rất đông ở đó...
Tuy tuổi đã cao, vốn sống nghiêm túc, thấy chung quanh toàn là những người đẹp. Lãn Ông tự nhiên đâm lúng túng. Các cô vẫn ở trong cung, vốn thiếu hơi đàn ông, nên dù là ông già, cũng không giữ được nghiêm cách, cứ chỉ chỉ chỏ chỏ, thầm thầm thì thì, Hải Thượng Lãn Ông càng lúng túng. Hải Thượng Lãn Ông thấy một người đàn bà sắc sảo, đẹp lộng lẫy, ngồi trên chiếc ghế tựa lớn. Ông già biết đó chính là ái phi của Chúa, định sụp lạy, thì Tuyên Phi nói:
- Miễn lễ cho cụ, mời cụ ngồi.
Lãn Ông ngồi ở chiếc ghế chéo với Tuyên Phi ở giữa có một chiếc bàn nhỏ. Tiếng Tuyên Phi ấm và dịu dàng:
- Mang quà tặng ra đây!
Từ trong rèm gấm thị nữ mang một khay bạc lớn đặt ở trên bàn và một bộ quần áo lụa vàng Hàng Châu, áo may theo kiểu đạo sĩ.
Tuyên Phi nói:
- Nhờ quan chánh đường đã biết tài thuốc của cụ, mà kinh đô mới đón cụ ra đây. Lần thăm cho Thế tử bữa trước, ta vẫn chưa để ý, quá ỷ lại vào Chúa thượng, nên không để cụ chữa cho con trai ta... Bữa nay, thấy cụ chữa cho Chúa thượng, bệnh trọng thế mà chuyển biến trông thấy, quả là một bậc danh y. Ta xin cụ, vì người trần mắt thịt, không nhận ra tài danh qua lần áo vải.
Lãn Ông nghe lòi nói chí tình, hết sức cảm động, liền xá một vái rồi thưa:
- Thưa Quý Phi, tôi là thần dân của triều đình, được gọi đến làm sao không hết sức được.
Tuyên Phi vui vẻ nhìn ông-già-lười nhẹ nhàng nói:
- Cụ là người đôn hậu, không mê danh lợi, thích an nhàn, chắc là triều đình nghi thức ràng buộc, khó chịu lắm nhỉ!
Hải Thượng Lãn Ông thảng thốt sợ hãi, bèn nói:
- Dạ được hầu hạ cửa nhà Chúa, thật là vinh dự cho lão già quê mùa này, đâu có dám phàn nàn...
- Ta hiểu lòng cụ. Bởi thế rất quý cụ. Triều đình ban thưởng cho cụ mười tiền, đó cũng là lễ nghi qui định thôi. Chứ nếu cụ chữa cho Chúa thượng và con ta khỏi, thì bạc vàng châu báu, đất đai, cụ muốn bao nhiêu ta cũng có thể nói với Chúa thượng ban cho cụ.
Lãn Ông lại vội vã thưa:
- Bẩm Tuyên Phi, thân già này đã đến cõi. Vả lại phúc phận của một con người, một gia đình, một dòng họ đều do số trời định đoạt cả. Già này quả là không dám nài nỉ điều gì.
Đặng Thị Huệ nói:
- Ta biết, ta biết chứ. Nhưng cụ ra quê nội ngoài này, chẳng lẽ lại tay không ư. Đi về tốn kém, cũng cần chút ít quà cáp cho người thân, rồi nhà cửa vườn tược cho người đi xa mà hoang phí, nơi thờ phụng tổ tiên cần tu sửa, há chẳng cần đến bạc tiền ư? Ta hiểu điều đó, nên có chút bạc tặng cụ, đó là tấm lòng thành thực, cụ không nên câu nệ.
Lãn Ông rất phục Tuyên Phi, cho là nàng hết sức hiểu biết và chu đáo, liền chịu nhận số bạc thưởng. Tuyên Phi nói:
- Thầy thuốc là ân nhân của người bệnh. Từ bữa nay, là người vợ gần gũi của Chúa thượng, là mẹ của Thế tử, ta coi cụ như bậc bề trên, bậc thần tử có công lớn, mong cụ hết lòng. Chiều nay ta phiền cụ vào thăm bệnh của Thế tử giùm cho ta. Nếu cụ bận thì đến mai cũng được, không sao cả...
Lãn Ông thấy Tuyên Phi chân tình, quý mình thật sự liền nói:
- Nếu được Quý Phi tin cậy, thì già này vô cùng cảm kích, chiều nay, xin đến hầu mạch Thế tử.
Chiều hôm ấy, Quận Huy lại đích thân dẫn Hải Thượng Lãn Ông vào xem bệnh cho Thế tử Trịnh Cán.
Khác với lần thăm bệnh trước, hình hài Thế tử gầy xác, bụng to, da nhợt tái, gân xanh, rốn lồi trội hẳn lên, hơi thở khò khè, thiểu lực. Lãn Ông xem kỹ mạch tay thấy mạch chìm, nhỏ, không có thần. Gương mặt Lãn Ông thảng thốt sợ hãi. Theo lệ của triều đình, khi xem bệnh của Thế tử, chỉ toàn đàn ông đứng bên. Ngay Tuyên Phi là mẹ của Thế Tử cũng chỉ hồi hộp đứng ở sau rèm...
Lãn Ông thấy mười phần bệnh của Thế tử, chín phần nguy kịch nhưng vẫn cố giữ vẻ mặt thật điềm tĩnh, không bộc lộ, trừ phút kinh ngạc ban đầu.
Quận Huy hỏi:
- Cụ thấy thế nào, cứ nói cho thật.
Lãn Ông khẽ nói:
- Việc chữa bệnh cho người bệnh cho kỳ khỏi, là ước vọng của thầy thuốc và cũng là mong mỏi của người có bệnh.
Rồi vái lạy Thế tử lui ra. Quận Huy vội vã theo cho đến tận điếm ngoài, ngồi xuống ghế. Quận Huy mới ghé tai hỏi Lãn Ông:
- Cụ thấy sao, bệnh nặng hơn trước phải không?
- Tôi cảm thịnh tình của Tuyên Phi và sự tiến cử của quan Chánh đường, nên không dám giấu giếm. Bệnh của Thế tử gay go lắm!
- Đó là bệnh gì vậy? Có phải bệnh cam không?
- Phàm trẻ con ốm yếu, người ta cứ gọi là một cái tên chung là bệnh cam. Nhưng bệnh của Thế Tử, tôi e rằng là một bệnh tứ chứng nan y đấy!
Quan chánh đường thảng thốt hỏi:
- Là bệnh gì vậy?
- Bệnh cổ.
Quận Huy trợn tròn mắt trắng dã, hoảng hốt vặn hỏi:
- Bệnh cổ! Cụ nói láo! Ta không tin!
Lãn Ông thấy Quận Huy nổi giận, im lặng không nói gì...
Cơn hoảng hốt đã lui, quan Chánh đường thở dài một tiếng thật to, rồi hỏi:
- Nếu đem hết học viện tinh thông của cụ ra sức cứu chữa, thì liệu có cứu vãn được chăng?
Hải Thượng Lãn Ông nói:
- Tôi cho rằng từ lâu Thế tử uống nhiều thuốc công phạt quá để đến nỗi tinh huyết khô kiệt, nên quả là bệnh do thuốc gây ra mà khô kiệt, thì dùng thuốc bổ mạnh vào, cũng là cách tạo cơn mưa rào cho ruộng đại hạn vậy. Tôi chữa theo cách ấy. Lành dữ thế nào còn chờ công hiệu của thuốc.
Đơn thuốc đem vào rồi, Đặng Tuyên Phi vẫn chưa cho cắt thuốc bởi có lời gièm pha, cho rằng, bụng đã đầy sao thuốc lại lấy bạch truật và thục địa làm chủ vị, như thế chỉ tổ gây lạnh và khó tiêu hay sao?
May trong một quan thái y được triệu vào hỏi, vốn rất nể trọng Lãn Ông, thấy xem mạch, cắt thuốc đầy bản lĩnh và hợp nhẽ, liền nói:
- Thế tử lâu nay uống nhiều thuốc tiêu tẩy của các thầy lang trước nên bụng căng to, nay dùng thục địa và bạch truật tức là dùng vị bổ để làm nhuần khô xác, bụng tự tiêu đi, tôi nghĩ rằng rất nên uống.
Bởi thế, thuốc mới được cắt và sắc dâng lên Thế tử...
Trịnh Sâm sau khi uống thuốc của Hải Thượng Lãn Ông, khoẻ hẳn lên, ăn uống được nhưng sự mệt mỏi hụt hẫng hình như lại tăng thêm. Chúa cảm thấy khác thường, nên gọi Đặng Thị Huệ đến ngồi bên cạnh và nói:
- Ta cảm thấy trong người ngày càng suy kiệt, khó qua khỏi được. Ta được nàng ngần ấy năm thì cũng là hạnh phúc lắm rồi. Nếu ta có mệnh hệ nào thì nàng cố gắng mà nuôi con, quyết đoán công việc, lựa chọn người giỏi mà tin dùng. Cơ nghiệp họ Trịnh nằm trong tay nàng đấy.
Đặng Tuyên Phi nước mắt chứa chan, gục mặt vào ngực Chúa, kêu to lên:
- Không, không thể thế được! Chúa thượng phải sống. Ngài phải sống, dù chỉ nằm đấy. Ngài là em. Ngài chết thì em cũng chết theo thôi!
Chúa cảm động lắm, khẽ vuốt lưng Tuyên Phi mà nói:
- Cảm ơn em! cảm ơn em! Thôi đành hẹn sang kiếp khác thôi.
Chợt quan nội sai truyền mệnh nói:
- Thái Tôn Thánh mẫu tới!
Huệ vội lau nước mắt, sửa áo, đứng dậy ra đón Thánh mẫu. Chúa nhìn thấy mẹ thì, nước mắt ứa ra. Thánh mẫu cũng chan hoà nước mắt. Chúa bảo Tuyên Phi nâng mình dậy.
Chúa dốc sức nói trong nghẹn ngào:
- Con chắp tay lạy mẹ về những buồn khổ con luôn gây cho mẹ. Bây giờ, trời bắt con phải chết, không sống để thờ phụng mẹ được, mẹ tha thứ cho con. Xin mẹ đừng nghĩ gì về con để đau lòng mẹ, và mong mẹ giúp cho ngôi Chúa mới còn non dại có thể duy trì được nghiệp lớn... Mong mẹ hiểu lòng con.
Chúa cho vời Khanh Quận Công Trịnh Kiều, là vai chú của Chúa và Hoàn Quận Công Nguyễn Hoàn, là thầy học của mình. Chúa nói:
- Tôi xin cúi đầu lạy chú, lạy thầy. Bệnh tình của tôi nặng, nay đã nguy cấp. Triều đình không thể một ngày không có ngôi Chúa. Tôi đã dành ngôi tôn cao quý này cho Thế tử Trịnh Cán. Mong rằng khi tôi nằm xuống. Chú và thầy hết lòng giúp cho Chúa mới thoát khỏi lúc khó khăn này...
Đặng Thị Huệ thấy Chúa mệt, liền xin Chúa nằm xuống. Nhìn trước nhìn sau không thấy Quận Huy đâu, Đặng Thị Huệ rất sốt ruột. Bởi cái phút Chúa còn khoẻ mới phê vào tờ di chúc cố mệnh được. May sao, Quận Huy đã cầm giấy và bút nghiên vào.
Quận Huy lại gần Chúa, nói to rằng:
- Xin Chúa thượng hãy ghi tên cho những đại thần nhận di chúc, lo việc lớn!
Chúa xua tay ra hiệu mình không viết nổi!
Quận Huy lại thưa để mọi người cùng nghe tiếng:
- Nay Thánh thể không yên mà tên các đại thần trong tờ di chúc còn để trống. Xin Chúa cho phép Kháng Quận Công được viết thay.
Trịnh Kiều đã được Quận Huy bàn bạc trước liền lúi húi đặt tờ di chúc lên án điền tên họ chức tước của những vị được trao giúp rập tâu Chúa sau này. Đó là:
- Khang Quận Công Trịnh Kiều, chú ruột của Trịnh Sâm.
- Hoàn Quận Công Nguyễn Hoàn, thầy dạy học của Chúa.
- Tứ xuyên hầu Phan Lê Phiên, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Thị lang bộ Hộ, dự vào hàng tham tụng.
- Huy Quận Công, Hoàng Tố Lý (tức Hoàng Đình Bảo)
- Châu Quận Công Lê Đình Châu, có chân trong Viện Cơ mật, là người tin cẩn của mấy đời Chúa Trịnh.
- Diễm Quận Công Trần Xuân Huy, người gần gũi nhất của Trịnh Sâm, giờ được đặc trách giao cho kèm cặp Thái tử, chức a bảo, Tri hộ phiên.
- Thuỳ trung hầu Tạ Danh Thuỳ, viên tướng trẻ trấn thủ Thanh Hoá, là người được Quận Huy cất nhắc.
Trịnh Kiều điền tên xong đọc cho Trịnh Sâm nghe. Chúa gật đầu, được một lúc sau tắt thở...
Quận Huy trút một tiếng thở dài, nhưng trong lòng hết sức thoả mãn. Bởi, triều đình từ nay, hoàn toàn nằm trong tay y thao túng...
Quận Huy và sáu vị đại thần có mệnh lo công bố di chúc của Tĩnh Đô Vương và đưa Chúa mới lên ngôi.
Trịnh Cán được mang áo long bào màu tía, ngồi lên ngôi Chúa. Chúa phải bế từ trong cung ra, đặt lên ngai. Chúa nhỏ bé, ốm yếu, ngồi không vững, lọt thỏm giữa một cung điện mênh mông.
Trăm quan nối nhau làm lễ suy tôn ngôi Chúa rồi đi lo tang cho tiên Chúa. Tuyên Phi mặc áo lụa trắng, tang phục, ôm bên linh cữu khóc ngặt đi... Chợt thấy Quận Huy đưa Chúa nhỏ về, vội chạy ra đón... Các thị nữ đón Chúa nhỏ vào cung... Tuyên Phi ở lại với Quận Huy. Hai người chợt nhìn vào mặt nhau. Quận Huy sững sờ thấy Đặng Thị Huệ trong bộ đồ tang lại đẹp gấp mấy thường ngày. Thấy Quận Huy mặt thần ra, Đặng Thị Huệ không để ý, liền nói:
- Ông phải lưu ý đến thằng Tông đấy nhé! Canh gác cho cẩn mật vào. Nó mà xổng ra bây giờ thì tức là thả hổ về rừng đấy.
Quận Huy mới thấy Tuyên Phi quả là người đàn bà mạnh mẽ, để mắt đến những việc lớn ngay trong lúc bối rối nhất.
Huy nói:
- Tôi đã tăng thêm người cho bốn đội Nhưng, Kiệu, Khuông, Dực canh gác ngày đêm rồi...
Đặng Thị Huệ bước ra... Quận Huy cố tình xoay người để cánh vai mình chạm vào ngực Tuyên Phi. Phi ngước mắt nhìn Quận Huy rồi bước vào nơi quàn thi hài của Chúa... Nàng lại khóc và mê đi trong mùi trầm, mùi nhang khói mù mịt cả trong phòng.
Dương Phi, mẹ của Trịnh Tông, biết viên tướng trẻ Thuỳ Trung hầu, trước đây ở kinh đô vẫn thường được Thế tử giao du, chơi đá cầu, và cùng nhau thí võ. Khi Thuỳ Trung hầu được Quận Huy tin cẩn, Trịnh Tông bị giam ở nhà Tả Xuyên, ngay cạnh Phủ Chúa, Tạ Danh Thuỳ vẫn thường bảo đám quân canh giữ để mắt, nếu có ai đến ám hại thì bảo. Thánh mẫu Thái Tôn biết Thuỳ có tình cũ nghĩa xưa với Thế tử cũ, liền cho người thân tín đến cảm ơn và ban quà tặng. Tạ Danh Thuỳ rất cảm kích...
Khi Đặng Thị Huệ bắt Quận Huy giam lỏng Thế tử Tông, Tạ Danh Thuỳ cho gọi mấy tay đội trưởng của mấy đội cận vệ đến dặn dò, do đó, Thế tử vẫn được an toàn. Thế tử Tông là người phóng túng, lại biết cho quà cáp bọn lính canh. Tuyên Phi lại bấn bíu về nhiều chuyện khác, không để mắt đến được, do đó Trịnh Tông vẫn được xổng xểnh, có hôm còn được bí mật đưa về cung cũ chào mẹ và bà nội... Mấy bà cháu, mẹ con ôm nhau khóc, đám lính Khuông, Dực, Nhưng, Kiệu thấy vậy cũng đâm ra thương hại. Chúng cho rằng Trịnh Tông dù sao cũng chân tình thẳng thắn. Còn Tuyên Phi Đặng Thị Huệ thì lúc nào cũng gò vào khuôn phép, lưu ý đến lính thì ít mà mưu lợi riêng thì nhiều. Khi Trịnh Sâm chết, Đặng Thị Huệ lại kiềng Trịnh Tông, do đó, lại đòi Quận Huy lo chuyện ráo riết giam giữ Thế tử cũ. Thánh mẫu Thái Tôn và Dương Phi rất lo sợ, Thánh mẫu bảo Dương Phi:
- Ta già rồi, mọi việc Thị Huệ kết liên với Quận Huy thao túng hết. Ta chưa biết lòng dạ Quận Huy ra sao? Không biết nó có chịu phò nhà Trịnh ta hay lại đem lòng kia khác. Còn Tiên chúa, Quận Huy còn nể mặt. Nay di chúc đã có tên nó, nó lại cầm đầu cả bảy vị quận công, hầu tước, chịu cố mệnh, giết ai chẳng được, muốn cướp ngôi Chúa, giành quyền thâu tóm thiên hạ, nào có khó gì!
Dương Phi bảo mẹ:
- Con xin sang chịu lụy gặp Quận Huy nhờ cậy hắn che chở cho Thế tử Trịnh Tông, có được không mẹ.
- Nguy hiểm lắm, con ơi. Ngộ nó buộc con vào tội rồi vu cho chuyện nọ, chuyện kia thì làm sao?
- Mẹ đừng sợ. Trước dân chúng, con vẫn là mẹ đích của Trịnh Cán, còn Tuyên Phi là mẹ đẻ thôi. Dù sao bây giờ con cũng là Thái phi ở phủ Chúa này, hại con thì đám cựu thần thân với nhà Trịnh cũng chẳng để yên đâu...
Thánh mẫu Thái Tôn thở dài nói:
- Ừ, con cứ thử sang xem, nhưng phải giữ gìn đừng cho con đĩ Đặng Thị Huệ biết đấy!
Dương Thái Phi nhờ người sang nói với Quận Huy, Quận Huy lúc đầu lưỡng lự, sau suy tính lại, liền chịu tiếp Thái phi.
Dương Ngọc Hoan đem sang 30 lạng vàng, một mâm bạc, một chiếc đồng hồ của viên linh mục vào yết kiến Thánh mẫu thuở trước biếu bà, Thánh mẫu bảo Dương Thái phi đem cho Quận Huy...
Quận Huy thấy Thái phi đến với lễ vật quá hậu, bèn từ tạ:
- Bẩm Thái phi, tôi là thần tử, đáng lý phải sang hầu bên cung chứ đâu dám để Quốc mẫu đến tận nhà, lại cho tặng vật nhiều thế!
Dương Thái Phi nói:
- Con tôi là đứa hư hỏng, gây ra tội tày trời. Tiên Chúa giận truất ngôi Thế tử, thật cũng đáng đời. Đáng lý tôi là mẹ cũng bị truất quyền, nhưng nhờ lượng trời bể mà không nỡ quở trách tình xưa nghĩa cũ. Quận công nghĩ thương tình cũng đã hết lòng che chở cho... Nay, phụ vương của nó chết rồi, nó bị giam trong ngục cũng biết ăn năn hối lỗi. Dám mong Quận công hết lòng đùm bọc tiếp, để mẹ con tôi sớm tối được nhìn mặt nhau là đủ rồi, không dám điều gì kia khác.
Quận Huy nói:
- Thưa Thái phi, tôi là con rể của họ Trịnh, lại phò Tiên chúa hết lòng. Việc xử sự trưởng thứ là do thời thế tạo ra, Chúa nổi giận mà làm, tôi chỉ biết tuân theo ý Chúa. Trịnh Tông là Thế tử cũ, cũng là con của Chúa. Chúa để lại không giết, tức là lòng cũng còn thương. Tôi đâu dám làm sai ý tiên Chúa, nhất là di hài của Tiên chúa vẫn còn quàn ở trong nội điện. Thái Thi đã có lòng nhờ cậy thì Tố Lý này xin nhận lời, mong Thái phi yên lòng không phải lo ngại...
Dương Ngọc Hoan mừng lắm, về thưa với Thánh mẫu. Thánh mẫu nói:
- Thằng giặc ấy chính là người làm mất họ Trịnh ta đấy, tin làm sao Đặng Thị Huệ. Chẳng qua bây giờ qua sông thì phải lụy đò thôi! Con phải cẩn thận kẻo nó nói một đằng làm một nẻo đấy!
Dương Thái phi không nói gì.