Trong Miền Gió Bụi

     ột, hai, ba, bố... Một, hai, ba, bốn...
Việt Nam, Việt Nam, nghe từ vào đời...
Một, hai, ba, bố... Một, hai, ba, bốn...
Đoàn người trở về từ bãi tập vừa đi vừa hát vang bài đồng ca quen thuộc của đại đội. Giọng ca thật trầm hùng vang dội trong buổi chiều yên lặng. Dù gần năm giờ rồi nhưng nắng Quang Trung vẫn như đổ lửa trên đầu, như cháy sém lớp da sạm đen lớp nhớp mồ hôi. Nắng như muôn ngàn mũi kim nhọn châm chích vào da thịt. Sức nóng hừng hực bên ngoài cộng với hơi nóng hâm hấp bên trong là cho mọi người mệt rã rượi.
Lẫn trong hàng quân nón sắt lụp sụp trên đầu, ba lô nặng trĩu sau lưng và súng M-1 nâng niu trên tay, tôi vừa gạt mồ hôi đang chạy tràn xuống mắt, vừa cố đọc những hàng chữ nhảy múa loạn cuồng. Tờ cour quấn quanh ống nhựa che tay cứ di chuyển nhịp nhàng theo bước đi làm tôi gục gặc đầu như thằng người máy. Tôi nương theo đám đông, miệng lầm bầm ca như đọc thần chú, chân chạy như mắc kinh phong.
Đại đội đi theo con đường chính của trung tâm tiến về liên đoàn A. Tôi vào đây đã hơn hai tháng rồi. Biết bao trang cour đã được xé ra quấn quanh ống nhựa che tay, và mấy lít mồ hôi ứa ra khỏi thân thể tả tơi này. Tôi đã bị mang ra khỏi thành phố yêu dấu và bị ném vào đây nhanh đến nỗi tôi không thể ngờ được. Đi trong lòng trung tâm huấn luyện Quang Trung, tôi vẫn ngỡ ngàng như thấy phong cảnh Sài Gòn trước mắt. Bên này vòng kẽm gai, rào sắt tôi còn mơ hồ thấy bóng giảng đường hàng me xanh và hoa điệp vàng. Bây giờ quả thật những điều mơ ước của tôi không bao giờ đạt được và cả những điều dự tính cũng không thành. Đi quanh quẫn một thời chẳng về được chốn cũ mà chui tọt vào chốn quân trường này. Hỡi Tuyết của một thời si ngông bán đời không tiếc. Ôi! Châu của những ngày thả mộng bay qua nóc giảng đường. Làm sao tôi có thể quay lại con đường cũ đếm bước chân đi để nhớ lại một thuở dại khờ. Có người hỏi mưa bên chồng có làm em khóc hay mưa bên người lạnh lắm không em. Tôi chẳng cần hỏi làm chi. Mưa nơi đây mịt mù bãi tập, trắng cả đồng hoang. Mưa nơi đây mặn thấm mồ hôi, lạnh điếng lòng rồi còn hỏi đến mưa nơi khác làm gì.
Đoàn người dừng lại trước cổng liên đoàn chờ an ninh kiểm soát quân số. Từng hàng tư lần lượt đi qua cổng. Tôi xếp trang cour đút vào tút quần, giữ súng ngang ngực, thẳng lưng đi vào bên trong trại. Phải chi ngày xưa tôi đi ngay đơ như vậy, đừng liếc dọc, liếc ngang, đừng thả lòng bay tứ tung để tận cùng tanh bành như xác pháo. Có lẻ tôi đã đi vào một cổng khác chứ không phải cổng trại lính như kiểu này. Thế thì đâu có chuyện xé bài ra từng trang quấn quanh nhựa che tay M-16 như hôm nay. Nhưng mọi chuyện đã qua rồi. Tôi cứ tưởng cuộc đời ở đâu cũng vậy, sẽ êm xuôi cho mình thả hồn bay theo mộng tưởng. Cứ vào học đường làm thơ trên bài học và xem mọi sự trên đời không còn gì đáng kể ngoài em. Tôi đã nghĩ đến chuyện chui vào bánh xe lăn hay gieo mình xuống từ tầng cao chót vót. Đến nước đó thì không còn gì là quan trọng nữa. Nói chi chút nhỏ nhoi như cổng trường y khoa. Rồi chuyện xảy ra như người xưa Hữu Loan đã gặp. Tin đồn quân đến trước và kết quả vào y về sau. Không có ai chết cả, không có Tuyết hay Châu rủi mạng trượt chân, té cắm đầu xuống cầu, nhủi bên sông mà thác. Chỉ có tôi suýt chết thôi. Xét ra Hữu Loan vẫn còn may mắn hơn tôi nhiều.
Qua khỏi cổng trại, đoàn người như con rắn uốn khúc tiến về phần đất tiểu đoàn Gia Long. Đại đội vào vũ đình trường, bụi tung mù mịt dưới ánh nắng gay gắt. Đoàn người dừng lại trong sân đại đội. Từng trung đội tách ra thành bốn toán đứng xếp hàng yên lặng. Tiếng hô thao diễn nghỉ cùng lúc với tiếng thở hồng hộc. Một hồi còi ré lên. Tan tành. Đoàn quân tức khắc được xé tan ra từng mảnh vụn. Mọi người chạy tứ tán về phòng như đàn ong vỡ tổ.
Tôi đứng dựa vào thành cửa sổ, mệt lả. Ngoài kia nắng trải dài suốt khoảng sân rộng. Ánh sáng vàng vọt còn yếu ớt bám trên những cây bả đậu sần sùi, gay góc. Những đốm tối loang lổ trên màu cây nâu sậm như những bóng mắt u buồn chịu đựng. Mọi vật im sửng sốt dưới nắng gắt làm buổi chiều trở nên khô khan hơn. Thỉnh thoảng vài cơn gió thổi qua sân làm bốc xoáy lên những đám bụi mù. Trong khoảnh khắc yên lặng, tôi thấy lại rõ hơn về những ngày đã qua. Tuyết và Châu đã làm tôi mòn mỏi chí anh tài và tiêu tan bao ước vọng. Tôi đã quay lưng với tuổi vàng son của thời mới lớn để đối diện với khoảng tối mịt mù trong tương lai. Bây giờ tôi chẳng còn muốn giết ai cả và càng không muốn giết chính bản thân mình. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, tôi không muốn bị giết bởi một người nào khác. Tôi phải trở về thành phố tôi đã sống. Tôi phải trở về trường Quân Y. Đó là con đường thoát cuối cùng.
Người ta đã đưa tôi vào một nơi tôi không vừa ý chút nào và tôi không có quyền lựa chọn. Đó là trung tâm ba nhập ngũ. Tôi cảm thấy ngột ngạt quá giữa hàng ngàn người chen chúc. Trong cảnh không có chỗ nằm, không có nước uống, trong khi thức ăn tập thể không thể nuốt được. Tôi lại là kẻ tự chui ra ngoài đám đông đáng ghét. Mọi người vẫn quay cuồng trong cảnh hỗn loạn và ngột ngạt ấy. Họ gởi thư đi, cho địa chỉ, và đợi quà về. Họ xôn xao như tự bao giờ họ vẫn vậy. Tôi đứng lặng yên một mình bên hàng rào kẽm gai, thèm được như cánh chim bay thong thả trên cao. Thèm như con dế mèn, con trùn đất đào lổ chui ra khỏi chốn ngục tù này. Tôi không màng tới chuyện người nhộn nhịp trong kia. Dù tôi có màng cũng không được. Tôi không còn ai để trông ngóng, không còn gì để gởi, và chẳng mong nhận được gì.
Sáng Chủ Nhật tôi đi lang thang trong vườn Tao Ngộ. Ai cũng có người đến thăm. Vài mẹ già vừa chấm nước mắt, vừa an ủi cho thằng con dại. Mấy cặp tình nhân ôm nhau hôn đằm thắm. Vài người làm chuyện lục đục dưới tấm áo mưa khuất sau mấy bụi rậm. Tôi đi quanh quẩn trong khu tiếp tân. Tôi cảm động cho những giọt nước mắt của người. Tôi vui vẻ vì những nụ cười hay tiếng xôn xao của kẻ khác. Tôi mong mỏi được mấy giọt nước mắt ấy. Tôi ngơ ngẩn tưởng những nụ cười vừa ban phát cho mình và những nụ hôn đó vừa đặt lên môi mình. Nhưng không có ai cho tôi điều gì cả và chẳng ai ngó ngàng đến tôi.
Tôi đi quanh quẩn hoài trong khu tiếp tân, đi mà không tìm lại được chút gì của ngày xưa. Không có dáng Tuyết thong thả trong chiều. Không có bóng em đứng nghiêng bên cầu nhìn xuống dòng sông buồn yên lặng. Không còn những con đường hoa điệp vàng và dãy hành lang buồn sâu hút. Không còn quán cà phê im lìm trong sương lạnh. Cũng chẳng còn khu vườn thực vật nhỏ nhoi với vài nhóm cây khép nép bên vách tường cao thẳng. Hôm nay chỉ còn xôn xao của người với lòng tôi nặng trĩu.
Tôi gặp An trên chiếc băng cây mục đã gãy sụp một góc. Hắn trông thật trẻ, gương mặt trắng bệt vì thiếu ngủ, pha lẫn chút ngỡ ngàng sợ hãi. Hắn ngồi yên lặng nhìn ra phía trước. Trông dáng hắn cứng đờ với nước da trắng tái, tôi cảm giác như đụng phải một pho tượng hay xác chết đã đóng băng. Tôi chỉ nghĩ băng cây này là một nơi nghĩ chân tạm như bao nơi khác. Tôi ngồi một chút rồi sẽ đi. Không gì đáng quan tâm về một thanh niên yếu ớt và chiếc băng cây tầm thường. Thấy tôi đến gần, hắn nép qua một bên nhường chỗ. Đôi mắt hắn nhìn xuống mảnh ván gãy ngụ ý bảo tôi nên cẩn thận rồi quay lại ngồi yên như pho tượng. Hắn hút thốc thật chậm rãi và cẩn thận. Cung cách hắn giống như một ông già nhàn rỗi không có việc gì làm. Tôi ngồi yên hút thuốc như hắn, cũng một kiểu mơ màng nhìn ra chung quanh. Dáng điệu giống nhau nhưng lòng tôi cảm thấy bức rức không yên. Thỉnh thoảng, tôi liếc sang nhìn hắn bắt gặp hắn đang mĩm miệng cười. hắn mời tôi một điếu thốc với vẻ tự nhiên như quen thân tự lúc nào. Tôi đón lấy, lâu quá rồi không rớ đến thứ này. Hắn cười nhe hàm răng trắng nuột trông thật ngây thơ.
An vừa đúng mười tám tuổi. Đậu xong tú tài đôi, hắn cảm thấy cuộc đời nhàm chán, rỗng tuếch. Không thèm thi vào trường đại học nào cả. Đi lang thang, uống cà phê, nghe nhạc, hút thuốc lá, nuối tiếc về một mối tình trong những năm trung học. Hắn cũng như tôi, rất thương cha mẹ, nhất là mẹ, nhưng bỏ mẹ mà đi bất chấp bà buồn thảm, khóc lóc.
Buổi trưa từ vườn Tao Ngộ trở về trại, chúng tôi được lệnh tập trung chụp hình, làm giấy tờ đề phân tuyến đi. Có lẽ chưa có nơi nào trên thế giới đoạt kỷ lục về chụp hình nhanh như ơ nơi này. Từng đoàn người được chia toán theo ngày vào trại, xếp hàng một, uốn quanh co không biết đuôi dài đến đâu. ban chụp hình tập trung trước văn phòng bộ chỉ huy. Đoàn người nối đuôi nhau bị đẩy tới đó. Một người hạ sĩ đứng đầu hàng xô tôi bổ nhào tới trước. Tôi chưa kịp định thần, tên thứ hai cầm áo treillis xanh có dấu chuẩn úy choàng qua vai tôi. Mắt chưa kịp mở, tôi đã cảm thấy ánh sáng lòa trước mắt. Thế là xong tấm hình dùng để dán quân bạ cho một đời lính. Buổi chụp hình diễn ra như thế đến hai giờ khuya mới xong.
Đêm, An và tôi trở về chỗ ngủ ngồi bó gối nhìn ngọn đèn cầy chao đảo như hồn mình đang lắc lư trên vách. Tiếng xe Honda về khuya rên xiết như thân phận mình kêu gào trong giông bão cuộc đời. Bây giờ Tuyết đang làm gì trong mái nhà yên ấm với hạnh phúc gia đình. Châu có lẽ đang học bài chuẩn bị ngày vào trường y khoa. Nguyệt có lẽ vẫn bán cà phê, đã tìm được người tình cho cuộc đời trống trải. Lan còn tưởng tôi đang dùi mài trong thiên đường đại học ngụy tạo. Còn cha mẹ tôi, có lẽ ông bà đang thấp thỏm không biết thằng con bất hiếu ra sao.
Buổi sáng bừng tỉnh dậy với từng đoàn xe GMC đổ suốt từ văn phòng bộ chỉ huy ra đến cổng trại. Loa phát thanh tập họp mọi người ra sân chờ lệnh phân phát tuyến đi. Đa số được trả về nhà hai tháng chờ giấy gọi tái trình diện, vì tất cả các trại trên toàn quốc không còn chỗ chứa nữa, số còn lại được chuyển đi Thủ Đức và Long Thành. Tôi chờ mãi đến trưa cũng chẳng có ai gọi đến tên mình. Hỏi ra mới biết có mười tên trong tổng số mười ngàn người bị hư hình phải chụp lại. An cũng cùng chung số phận với tôi.
Tôi đứng tần ngần trước cửa văn phòng chỉ huy. Mặt trời đã lên quá cao khỏi hàng cây bả đậu, chiếu chói chang xuống vũ đình trường. Đoàn xe lần lượt rời trại, bụi bay mịt mù.
Tôi với An trở về trại. Đến chiều, từng đoàn xe khác vào trại đổ xuống không biết bao nhiêu người. Hỗn loạn lại bắt đầu, buổi chụp hình lại tái diễn như cũ. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bị tập trung ra vũ đình trường. Lần này chẳng kịp chờ đợi. Tôi và An bị gọi tên trong toán đầu tiên và bị chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ban chỉ huy biết sự lo lắng của chúng tôi về nơi trước đây chỉ để đào tạo hạ sĩ quan và binh sĩ. Họ giải thích vì nhu cầu chiến trường, trung tâm bắt đầu nhận đào tạo sĩ quan, đương nhiên sẽ có nhiều ưu đãi và thoải mái.
An và tôi được đưa về trung tâm ngay buổi trưa hôm đó. Hai trăm người được sắp xếp ngay vào thành một đại đội. Quân trang được bổ túc đầy đủ hơn. Buổi hớt tóc diễn ra nhanh như chớp. Các tay thợ hớt tóc như các tay lái máy ủi hạng nặng, cứ lướt càn không chút ngập ngừng. Ôi thôi bao nhiêu mái tóc xanh hoa mộng đổ từng đống dưới đất. Từng mảng tóc đen rơi lả tả như từng phần xuân xanh của đời mình bị cắt phăng đi. Tôi thấy mình như lăn lông lốc xuống dốc thảm của cuộc đời. Trên màu vài trắng tôi cố bám víu một cách yếu ớt, gượng gạo trong bản năng sinh tồn. Rồi một cơn gió thoảng qua, tôi thấy mình bị tung bay đi tơi tả.
Chiều đó, đại đội lũ lượt như đoàn ma trơi, hướng dẫn bởi trung úy đại đội trưởng Trần Giao và trung sĩ phụ tá Thanh kéo về liên đoàn A. Đoàn quân lằn nhằn kéo vào cổng trại, mới ra quân mà giống như tàn binh bại hơn trăm trận.
Chúng tôi được đưa về tiểu đoàn Gia Long và được phân chia đội ngũ. Có lẽ do số mệnh, tôi và An ở cùng tiểu đội một, trung đội hai, đại đội C, thuộc tiểu đoàn Gia Long, liên đoàn A.
Một, hai, ba, bốn... Một, hai, ba, bốn...
Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng.
Đại đội trở về sau một ngày đoạn đường chiến binh mệt lả. Nhưng hôm nay, tiếng ca đại đội vẫn vang dội và bước chân vẫn oai phong, kiêu dũng. Không có gì lạ, hôm nay là ngày đi phép, hai mươi bốn giờ phép.
Ngày xưa lang thang mãi, ngày qua ngày chẳng có gì là quan trọng. Nhưng bây giờ khác, tôi đã quá ngộp thở trong cái cảnh tù túng của quân trường, trong kỷ luật sắc thép tưởng chừng muốn gãy xương ói máu. Tôi chỉ muốn nhìn thấy cảnh đường phố nhộn nhịp, đám đông đáng ghét ngày xưa. Tôi thèm được ngồi lại trên vỉa hè, một góc phố. Tôi muốn thấy người qua lại. Tôi sẽ vẫy tay với mọi người. Tôi sẽ chăm chú nhìn tất cả, ai cũng được. Tôi không cần một dáng áo dài thanh thoát, một thân thể mập ú cũng cam lòng.
Tôi nhìn An, thấy trong mắt hắn cả một kế hoạch hai mươi bốn giờ của tôi trong đó. An hỏi, còn giữ được bùa hộ mệnh không? Tôi gật đầu cười, xài bung đến đâu cũng được nhưng đến đó phải dừng. Tôi dò mắt hỏi lại, An gật đầu cười thoải mái. Lần trước hai đứa phải ở lại đến bảy giờ tối với lý do súng dơ. Mảnh giấy nhỏ xíu của ông thượng sĩ già quản thủ kho súng có sức mạnh kỳ lạ. Danh số mười lăm và hai mươi mốt súng dơ. Thế là giấy phép bị giữ lại. Hai đứa lau chùi súng, thông nòng, vô dầu, chùi lại. Thật là từ thuở cha sanh mẹ đẻ ra tới giờ chưa có lúc nào hai đứa làm việc tận lực như vậy. Nhưng súng dơ vẫn hoàn dơ. Ông thượng sĩ già cứ lắc đầu không thể ngừng lại được. Hai tên chỉ còn nước nhào lên bóp cổ và nắm đầu ông gật một trăm cái. Cuối cùng, chúng tôi xuống nước năn nỉ ông chỉ cho cách là sao chùi súng cho sạch. Ông nói dễ ợt, chầm chậm lấy đầu nhựa điếu thuốc se nhỏ lại cắm vào đầu súng. Thế là từ đó chúng tôi biết đến bùa hộ mệnh.
Tan hàng, buổi chiều đi phép như muốn bay lên mây. Không cần ăn uống, không cần tắm rửa. Đồ đạc bỏ trong túi xách từ đêm hôm qua. Chỉ cần nhấc lên và chạy thẳng ra cổng trại. Bên ngoài xe cộ chờ đón dập dìu, xe hơi, Jeep, Honda... Chúng tôi không cần để ý làm gì cho mất thì giờ, làm thân con bà phước lâu ngày không thấy bà phước đâu cả, quen rồi. Chúng tôi chạy nhanh đến một chỗ, họ đang chờ đợi chúng tôi. Xe lam.
Buổi tối mát mẻ. Buổi tối với bộ quần áo dân sự nhẹ nhàng. Buổi tối sau khi bòn rút tiền cha mẹ cùng nhau sống đời bất hiếu. Hỏi han cha mẹ qua loa, xong chạy tuôn ra đường như bị ma đuổi. Có phải chúng tôi muốn như vậy không? Tôi không biện minh cho mình một điều gì cả. Tôi chỉ biết có một điều, trong cuộc sống hôm nay, tôi không làm gì khác hơn được. Ngày thi vào quân y đã gần kề. má tôi đã làm hết mọi việc cho tôi. Bà đau khổ với nổi đau của tôi. Bà lo lắng trước và nhiều hơn tôi lo nghĩ. Ba tôi vẫn yên lặng với những nổi đau của ông trong dĩ vãng. Tôi sờ tập cours xếp lại còn nằm trong túi quần sau. Như tự trấn an lòng mình.
 Chiếc xe Honda vẫn giữ tốc độ nhanh trong đêm. An ngồi yên lặng phía sau. Gia đình An đều ở Long Xuyên. Hắn chỉ ghé tạt ngang nhà bà dì lấy tiền do cha mẹ hắn gởi lên. Hỏi qua loa mấy câu lấy lệ xong phóng nhanh ra khỏi nhà. Tôi chạy như ma đuổi chứ hắn chạy nhanh như bị chằn tinh rượt. Bây giờ hắn ngồi đây, sau lưng tôi, không nói gì. Tôi tôn trọng sự yên lặng của hắn cũng như sự yên lặng của chính mình. Có lẽ đây là giờ phúc tụng kinh của những tên quỷ sứ.
Chúng tôi vào một quán cà phê, chọn bàn trong góc. Bản nhạc đang hát là một tình khúc của Trịnh Công Sơn nói về cuộc chiến, về trận đánh Pleime, Đồng Xoài, về nạn nhân chết hai lần trong thảm cảnh chiến tranh. Chúng tôi ngồi với nhau như thường lệ với cà phê, thuốc là và nghe nhạc. Thường nhạc từ máy cassette, có khi chúng tôi dự các buổi nhạc sống của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, Từ Công Phụng và Từ Dung, Lê Uyên và Phương. Chúng tôi thường ngồi yên không nói một lời nào. Mỗi tên ngồi như thiền, ngấu nghiến sự suy tưởng của chính mình hoặc để nó đi lang thang không hướng định như cuộc sống của chủ nhân nó. Tôi phiêu lưu trong những tình khúc xa vời và phiêu lãng của Trịnh Công Sơn, những ngày tháng xanh xao, dài tay năm ngón, nỗi chết tình yêu và nắng thủy tinh vỡ vụn. Tôi bàng hoàng ngơ ngác về thảm cảnh chiến tranh của chính tác giả này và Phạm Duy, những mìn nổ tan da nát thịt, đàn bò vào thành phố, người cụt chân trở về trên nạn gỗ. Tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng trong diễn biến ngoài xã hội và trên đất nước này. Tôi cảm thấy như bị nhận chìm xuống, chơi vơi trong dòng nước, muốn tìm lấy bám víu một cái gì không rõ, có thể mang tôi đi thoát.
Tôi nhìn An đang ngồi dựa ngửa đầu vào thành ghế, mắt hắn không còn nét thiên thần nữa. Với cái đầu tóc ba phân, da đen như lọ chảo, hai mắt sâu hút nhắm nghiền như hai hố thẳm. Nếu phải suy nghĩ thêm chỉ là đi tìm cái tên quỷ sa tăng nào thích hợp với hắn thôi. Chúng tôi đi phép, chạy ra khỏi trại huấn luyện xúm nhau vào quán cà phê, ngồi đó, yên lặng, không nói gì cả. Tôi không biết phải làm gì cho tôi trong hiện tại. Nhạc chuyển hết bản này đến bản khác, thuốc đốt hết từ điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, cà phê chẳng còn một giọt trong ly, bình trà châm nước sôi không biết đến lần thứ bao nhiêu. Chủ quán chẳng lấy làm lạ gì trước cảnh thiền kỳ lạ đó.
An mở mắt ra hỏi, mai có đi đâu không? Tôi gật đầu. Tôi bắt gặp thoáng tinh anh vừa lóe lên từ đôi mắt ấy. An mở mắt ra hỏi, mai đi hả?. Ừ!
Quần áo treillis lại khoát lên, vài món thức ăn, vật dụng cần thiết bỏ trong túi xách mang theo đi thẳng lên quân trường bị ngưng lại dọc đường. An cột hai sợi dây lại, máng đôi giày qua vai. Các em đã đứng sẵn ngoài đầu ngõ. Các cô mặc quần áo, phấn son sặc sỡ. Các cô mặc váy ngắn cũn cỡn, khoe da thịt trắng muốt lên gần tới háng. Có cô mặc quần bó sát lấy đùi phơi cá hình tam giác thiên nhiên lồ lộ.
Chúng tôi đi sâu vào con hẻm, các cô đứng dài theo hai bên đường cười nói vui vẻ. Chúng tôi trông oai phong hơn cả tướng chỉ huy trưởng đi duyệt binh. An đi đầu với chiếc giày đung đưa trước ngực. An đã trải qua những ngày buông xuôi không hướng định. Phá trinh hắn là một em đại hạ giá một trăm năm mươi đồng. Nằm bên dưới hắn, cô vừa ăn cóc vừa ca Lan và Điệp. Cũng may mắn cho hắn, cô ta không chấm mắm ruốc. Hắn vừa run, vừa quạu cứ nằm yên không nhúc nhích được. Cô đẩy hắn ra, toan đạp hắn xuống giường nhưng sợ mất toi tiền lại lôi hắn lên. Lần này cô không ăn cóc nữa, nhưng nằm chán lại ca Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Tôi thấy tội nghiệp hắn cũng như cho chính bản thân mình.
Ảo mộng của một cuộc tình rốt cuộc rồi cũng tàn rụi như bọt bèo. Ngày tan nát cõi lòng với bao nhiêu ảo vọng và ngày trây trúa trên thân thể của một em có xa là bao. Chỉ mong ngày sau tôi còn giữ được những gì êm đẹp của buổi ban đầu.
Một, hai, ba, bốn... Một, hai, ba, bốn...
... núi cây rừng đã khuất xa hình bóng...
Đại đội như con rắn dài từ từ trườn ra cổng trại. Hôm nay là ngày đi hành dã trại, chúng tôi phải đi một đoạn đường rất dài suốt cả một ngày. An đi trước mặt tôi, lấy thân che mắt trung sĩ Thanh. Tôi đi sau lưng hắn, cố đọc cho hết phần cuối của xấp bài. Ngày mai thi quân y rồi. Giấy phép đi thi cũng chưa về tới. Đây là lần thứ tư tôi làm lại giấy phép. Lần thứ nhất, chờ cả tuần lễ, cuối cùng đơn trả về với lý do tôi quên gạch dưới chữ kính gởi. Lần thứ hai đơn lại trả về với lý do hàng Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng không ngay với lề chữ. Lần thứ ba, An viết lại giùm tôi trong ngày hắn trực nhà bàn, đơn lại trả về với lý do dấu mực đỏ đóng lem luốc, sợ vô lễ và bất kính với chỉ huy trưởng. Lần cuối cùng này đơn gởi cả tuần rồi mà biệt vô âm tính. Hôm qua tôi trực nhà bàn, lẻn qua văn phòng tiểu đoàn hỏi thăm cũng chẳng biết được gì khá hơn. An cố gắng giúp tôi trong mọi hoàn cảnh để tôi có thì giờ ôn bài cho kịp. Hắn chà láng phần giao thông hào của tôi, rửa nhà cầu giùm tôi trong ngày trực, canh chừng cán bộ cho tôi. Hắn thấy quá nhiều lần tôi học đứng dưới ngọc đèn mù như chân nhang trong phòng về khuya khi mọi người đều yên giấc, hoặc ngủ gục khi đi tiểu hay đang di chuyển trong hàng quân.
Buổi chiều sau khi di hành dã ngoại, cả đại đội đều mệt lả. Tiếng còi của trung sĩ Thanh khẹt khẹt như người bị bóp cổ. Đại đội ca thều thào như sắp đứt hơi. Tôi trở về trong cơn đồng thiếp, bước đi theo chút hơi tàn còn sót lại trong người. Sau khi tan hàng, tôi chỉ còn biết chui ngay vào giường với nguyên bộ đồ treillis và giày lấm lem bùn đất.
An chui qua hàng rào nhà bàn trộm mớ cơm và cá mối đem về. Tôi không thể nuốt bất kỳ thứ gì trừ ra nước lã. Sáng mai là ngày thi vào quân y rồi. Giấy phép xuất trại cũng vẫn chưa về. Đã bảy giờ tối trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. An lôi tôi dậy, cả hai đi lên văn phòng đại đội. Trung úy Giao đang hút thuốc bên bàn giấy. Thấy chúng tôi chào, ông không buồn đứng dậy. Ông đã biết chuyện giấy phép của tôi. Bây giờ hơn bảy giờ tối rồi. Mọi người đã ngưng làm việc từ lúc năm giờ. Ông chỉ nói ngắn ngủn, không có giấy phép của anh ngày hôm nay.