Lời Người Viết
(thay cho lời tựa bản in lần thứ nhất, tháng 6-1973 tại Sài Gòn)

     ồi ký là một thể văn ghi lại những sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ của người viết.
Những người viết hồi ký thường thường là những nhân vật có liên hệ mật thiết đến một giai đoạn lịch sử của dân tộc, hoặc họ đã tham dự, hoặc họ đã có ảnh hưởng đến một biến cố chung xẩy ra trong quá khứ. Đọc quá khứ của họ, có thể những dữ kiện lịch sử được làm cho sáng tỏ hơn, những tình tiết xẩy ra trong một biến cố chung sẽ được phơi bầy, và như vậy, một tác phẩm hồi ký có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà khảo cứu về Lịch Sử, Địa Lý, Văn Học, Khoa học Nhân Văn hay Khoa học thuần túy..v…v….
Trong phạm vi của loạt bài nhỏ bé này, và nhất là trong cương vị khiêm nhường của người viết, tôi không có cao vọng viết một hồi ký. Lý do dễ hiểu là tôi không thuộc về bất cứ một loại nhân vật danh tiếng nào có ảnh hưởng mật thiết đến một giai đoạn nào trong quá khứ.
Viết loạt bài này, tôi chỉ có một ước vọng nhỏ bé là nhắm vào các độc giả tý hon của tuần báo Thiếu Nhi đang phát hành, những độc giả vốn đầy nhiệt thành và thiện chí mong ước trở thành những bàn tay tiếp nối công trình xây dựng văn hóa của những đàn anh đi trước.
Nhân dịp trông nom tòa soạn tuần báo Thiếu Nhi, qua những bài vở, thư từ gửi về tòa soạn trong suốt một năm, tôi đã nhìn thấy những mạch nhựa căng phồng đang chuyển mình mạnh mẽ để sửa soạn cho một giai đoạn nẩy hoa, kết trái trong tương lai gần gũi. Tuổi các em là là tuổi nhiều mơ ước. Tâm hồn của các em là tâm hồn trong sáng, nhiệt thành và rất giầu thiện chí. Rất tiếc là trong sinh hoạt văn chương hiện nay (thời điểm năm 1972), ngoại trừ các bài giáo khoa giảng dạy cho các em ở nhà trường, các em không còn một môi trường nào khác để hướng dẫn và dìu dắt một cách chặt chẽ để tài năng của các em có cơ hội phát triển mạnh mẽ và mau chóng.
Một bài văn các em gửi đi, nếu không đăng được, các em không hiểu vì lý do gì. Một tác phẩm khác được đăng lên, các em không thấy hết được vẻ hay của chính mình. Các em lại rất nồng nhiệt tham gia các sinh hoạt bút nhóm, các thi văn đoàn, các nhóm viết nhỏ mà hiện nay có thể tính được hàng ngàn rải rác trên toàn quốc. Nhưng sinh hoạt bút nhóm của các em cũng không phát triển được đúng mức vì thiếu hướng dẫn và dìu dắt. Mạch nhựa dồi dào sức sống vì nguyên do đó cứ chuyển vận quanh quẩn trong thớ gỗ mà ít có cơ hội trổ hoa, kết trái. Đó là một sự thiệt thòi đáng tiếc của truyền thống tiếp nối văn hóa trong liên tục lịch sử. Đành rằng trong quá khứ, thuở ban đầu của các bậc anh đi trước cũng không có điều kiện phát triển hơn gì của các em hiện tại. Họ đã mầy mó trong kiên nhẫn và thiện chí như một con tằm âm thầm tìm cách cắn kén chui ra. Có người đã thành công, nhưng cũng có người đã thất bại, bỏ cuộc nửa chừng.
Ước vọng của tôi là mong góp phần dù rất nhỏ bé vào công việc gửi đến các em những kinh nghiệm của người đi trước, những điều các em nên tránh, những việc mà các nên làm, với hy vọng các em có thể trau giồi được dễ dàng hơn khả năng sáng tạo của mình, ngoài thiện chí mầy mò một mình trong nỗ lực cô đơn.
Đáng lẽ những dữ kiện phải được trình bày dưới hình một tác phẩm biên khảo tương tự như tác phẩm "Viết và Đọc Tiểu Thuyết" của cố văn hào Nhất Linh đã làm (dưới một tầm mức đơn giản hơn và cho một đối tượng giới hạn hơn). Nhưng để phù hợp với đường lối linh động của tờ báo, tôi phải trình bày dưới hình thức một Tiểu Thuyết Hồi Ký, dẫu sao đối với các em nó sẽ trở nên bớt khô khan, buồn nản hơn.
Đặt chữ Tiểu Thuyết bên cạnh chữ Hồi Ký là một dụng ý cần thiết. Điều đó chứng tỏ các em không cần đối chiếu những sự kiện có thực đã xẩy ra trong quá khứ của người viết. Cái quá khứ ấy đã được tiểu thuyết hóa đi để tăng phần linh động và giảm phần nhàm chán vì bắt độc giả cứ phải nghe quá nhiều về một cái tôi bình thường của một cá nhân bình thường trong tập thể.
Vấn đề chính yếu là các em sẽ tìm thấy ở đây nhiều dữ kiện. Những dữ kiện rất gần gũi với các em, những dữ kiện có nhiều lợi ích thiết thực cho vấn đề sáng tác mà các em đang theo đuổi.
Bởi lý do rất dễ hiểu là nhân vật xưng tôi trong tác phẩm này, cũng như các em, tất cả đều đã gặp nhau ở một thuở có nhiều ước mơ vốn đầy thiết tha và dồi dào cảm hứng, đó là Thưở Mơ Làm Văn Sĩ…
Nhật Tiến
Sài Gòn tháng 7 năm 1972
Đã do nhà xuất bản Huyền Trân ấn hành
lần đầu vào tháng 6 năm 1973,
với giấy phép số 1905 PTUDV/PHBCNT/KSALP
ngày 4-6-1973