Dịch giả: Vũ Liêm
Hiệu đính: Sơn Chi
Chương XX
Cuộc khám nghiệm tử thi được tiến hành trong nghĩa địa.
Thân tàn ma dại, Nghê Đại kể chuyện mình.

     hìn đám đông khổng lồ lũ lượt kéo nhau đi về hướng Bắc môn, ta phải tự hỏi có phải đó là một cuộc di dân của đất Phối Châu.
Khi chiếc kiệu của Tái Công đi qua dưới cổng lớn, mọi người dãn ra trong  yên lặng bất bình, nhưng chiếc cáng nhỏ bịt kín bên trong có mụ Lỗ thì được đám đông chào đón hoaan nghênh rầm rộ.
Dòng dài những kẻ hiếu kỳ khom người leo dốc phủ tuyết trắng đưa tới một cao nguyên phía tây – bắc trấn thành, ở đó tọa lạc nghĩa địa chính.
Sau khi theo một lối đi nhỏ ngoằn ngoèo giữa những nấm mộ, họ tập trung lại xung quanh một ngôi mộ đã đào và được những vệ binh che tạm bên trên bằng một mái ghép bằng những cây sậy.
Bước xuống kiệu, Tái Công nhìn thấy một chiếc bàn lớn chắc là để thay thế cho chiếc bàn trong công đường. Ngồi sau một chiếc bàn nhỏ hơn, viên Thừa chỉ đang hà hơi vào ngón tay để sưởi cho đỡ cóng.
Một quan tài to đặt trên đôi mễ trước ngôi mộ đã mở. Người thầu việc chôn cất cùng hai người giúp việc đứng lui vào một chút. Một chiếc chiếu cói đã được trải trên tuyết, và ngồi xổm cạnh chiếc hỏa lò là người khám nghiệm tử thi đang nhóm cho lửa cháy to hơn nữa.
Gần ba trăm con người quay một vòng rộng xung quanh ngôi mộ. Tái Công ngồi vào sau chiếc bàn lớn. Mã Tôn và Tào Can đứng hai bên cạnh ông. Tào Can tới gần chiếc quan tài tò mò ngắm nghía.
Phu khiêng đặt cáng mụ Lỗ xuống và viên vệ úy đi tới kéo chiếc màn che. Y hoảng hốt lùi ra và kêu lên. Nữ tù nhân nằm bất tỉnh trong đó.
Đám đông chen tới với tiếng lào xào giận dữ.
- Ông thử tới xem có gì xảy ra! – Tái Công bảo A Quốc và rỉ tai hai phụ tá hộ vệ - Cầu trời cho người đàn bà này không chết trong tay chúng ta!
A Quốc thận trọng nâng đầu mụ lên. Một lát sau, đôi mi mắt mụ chớp chớp, mụ thốt ra một tiếng thở dài. A Quốc mở then ngang nâng mụ lên, dìu mụ đi tới ngôi mộ.
Khi nhìn thấy cỗ áo quan, mụ lùi lại và lấy tay áo che mặt.
- Lại muốn giở trò gì nữa đây? – Tào Can càu nhàu vẻ chán ngấy.
- Nhà ngươi nói đúng – Tái Công chua chát – Nhưng đám đông lại thích thế.
Ông đập mạnh búa gỗ xuống bàn, nhưng chẳng mấy ai nghe được trong khoảng rộng lộng gió này.
- Bây giờ chúng ta chứng kiến cuộc khám nghiệm tử thi của Lỗ Minh đã quá cố! – Ông cất cao giọng.
Nghê thấy thế, mụ Lỗ ngẩng đầu lên và vẫn chống gậy, mụ chậm rãi nói:
- Đại nhân là cha mẹ dân. Sáng nay, kẻ tiện phụ này đã thốt ra trước công đường những lời thiếu suy nghĩ nên vô cùng hối hận. Người đàn bà khốn khổ này chỉ tìm cách bảo vệ danh dự của mình và của võ sư Lan đáng kính. Và tiện phụ đã bị trừng phạt đích đáng vì sự thất kính của mình. Nhưng lúc này tiện phụ xin quỳ gối trước đại nhân xin ngài đừng xúc phạm tới thân thể của người chồng khốn khổ đã khuất của tiện phụ!
Vừa nói những câu cuối này mụ vừa đặt gối quì xuống lạy ba lạy.
Tiếng xì xào đồng tình nổi lên trong đám đông. Đề xuất của mụ có vẻ hợp tình hợp lý. Đối với những dân thường ở Phối Châu thì hòa giải là biện pháp tối ưu để giải quyết mâu thuẫn.
Tái Công đập mạnh búa gỗ xuống bàn để lấy lại trật tự.
- Bản chức, pháp quan của huyện – Ông tuyên bố giọng rắn rỏi – Sẽ không bao giờ hạ lệnh cho làm cuộc khám nghiệm tử thi này, nếu đã có những chứng cứ đầy đủ về cái chết của Lỗ Minh. Mồm mép của mụ đàn bà này cũng không ngăn cản được ta làm tròn nhiệm vụ mà chức trách ta đang đảm nhiệm đòi hỏi. Mở nắp áo quan ra!
Thấy người nhà thầu chôn cất đến gần cỗ quan tài, mụ Lỗ vụt vươn người lên. Quay nửa người về phía đám đông, mụ lớn tiếng:
- Dựa vào quyền gì mà một pháp quan dám áp bức tàn tệ nhân dân đã tín nhiệm y như vậy? Chắc là dựa vào cái mà y nói là làm nhiệm vụ theo chức trách! Ngài kết tội tôi đã giết chồng, nhưng dựa trên chứng cứ nào? Ai là người đã phát đơn kiện tôi? Có thể ngài là pháp quan của huyện nhưng chưa phải đã là người có quyền lực bao trùm! May thay lại còn có những nhà chức trách cao hơn có trách nhiệm sửa những bất công mà cấp dưới sai phạm! Khi một pháp quan kết án nhầm một người vô tội thì pháp luật sẽ xử người đó phải chịu hình phạt mà ông ta đã buộc cho nạn nhân. Tôi chỉ là một góa phụ thân cô thế cô nhưng sẽ không chịu ngơi nghỉ chừng nào mà cái mũ kim sa kia chưa rời khỏi đầu ngài, thưa ngài pháp quan tôn quý!
“Bà ta nói rất phải”, tiếng của một vài người trong đám đông kêu lên.
- Trật tự! – Tái Công thét – Nếu cuộc khám nghiệm chứng tỏ cái thân thể này không hề chịu một sự bạo lực nào, ta thề là sẽ tự trói mình lại chịu sự xét xử của cấp trên. Hình phạt mà ta dành cho người đàn bà này sẽ là hình phạt ta phải chịu.
Mụ Lỗ vừa định mở miệng nói thì ngài pháp quan vội chỉ tay vào cỗ quan tài nói tiếp:
- Lời giải đáp mà các ngươi chờ đợi là ở đó – Rồi ngoảnh lại phía người nhà thầu chôn cất ông ra lệnh – Mở nắp quan tài!
Người chủ thầu luồn cái đục dưới nắp áo quan trong khi những người giúp việc y làm bật những chiếc đinh đóng phía trên. Nâng tấm ván thiên lên, họ thận trọng đặt xuống một bên. Rồi lấy khăn bịt từ mũi trở xuống, họ nhấc xác chết đặt trên chiếu cói. Một vài kẻ tò mò đứng gần, sợ hãi lùi ra xa.
A Quốc tức thì đặt hai cái bình cắm đầy que hương phía hai bên xác chết. Ông ta lấy một mảnh vải thưa che lên mặt xác chết và lấy đôi bao tay bằng da xỏ vào hai bàn tay. Rồi ông ngửng đầu lên đợi lệnh Tái Công.
Ngài pháp quan hoàn tất một vài thủ tục rồi bảo người thầu khoán việc chôn cất:
- Trước khi tiến hành việc khám nghiệm, ta muốn nhà ngươi trình báo về công việc đào nấm mồ này.
- Tuân theo lệnh Ngài – Người chủ thầu bắt đầu – Kẻ hạ dân cùng với những người giúp việc đã mở ngôi mộ này vào lúc quá trưa. Chúng tôi thấy tảng đá mồ vẫn ở nguyên vị trí như cách đây năm tháng sau khi chôn cất người quá cố.
Tái Công ra hiệu cho người chuyên khám nghiệm tử thi bắt đầu công việc.
Sau khi lau rửa toàn thân xác chết bằng một cái khăn thấm nước ấm, A Quốc bắt đầu xem xét một cách có phương pháp. Tất cả mọi người có mặt đều im lặng theo dõi từng cử chỉ của ông.
Khi đã xong phần phía trước, ông lật sấp xác chết và xem xét phía sau hộp sọ. Ông sờ nắn khá lầu phần sau gáy rồi chuyển xuống thân trong khi đó da mặt Tái Công mỗi lúc lại tái xanh hơn.
Xong việc A Quốc đứng lên nói:
- Sau cuộc khám nghiệm thật tỉ mỉ tử thi, tôi bắt buộc phải nhận xét là không có một dấu hiệu bạo lực nào trên thân thể có thể đưa đến cái chết.
Tiếng huyên náo dữ dội nổi lên trong đám đông: “Pháp quan đã dối trá!”. "Trả tự do cho người đàn bà này!" nhưng những người dự khán ở hàng đầu ngăn những người ở phía sau lại, bảo hãy lắng nghe nốt lời trình bày của người khám nghiệm.
- Vì vậy – A Quốc tiếp – Bây giờ tôi xin phép Đại nhân được khám nội tạng của người chết để biết rõ hơn người này có bị đầu độc không.
Tái Công chưa kịp cho ý kiến của mình thì mụ Lỗ lại nhảy dung lên hét lớn:
- Như thế còn chưa đủ hay sao? Các người còn muốn xúc phạm tới mức nào nữa đối với cái xác chết khốn khổ này?
- Hãy để cho tên pháp quan này tự chui đầu vào dây thòng lọng! – Một người đàn ông đứng ở hàng đầu kêu lên – Chúng tôi biết rõ là bà ta vô tội.
Bàng quan với tất cả những gì xảy ra, Tái Công bảo A Quốc tiếp tục cuộc khám nghiệm bằng một cái gật đầu.
Công việc phức tạp và mất nhiều thời gian. Bằng những tấm mỏng nhỏ bằng bạc mài sắc ông kiểm tra những cơ quan nội tạng chủ yếu và xem xét rất kỹ những đầu các ống xương trồi lên trên xác chết đang trong thời kỳ phân hủy. Rồi ông thong thả đứng lên, ném về phía Tái Công một cái nhìn tiu nghỉu. Một sự im lặng chờ đợi lúc này bao phủ lên đám đông. Người chuyên khám nghiệm tử thi lưỡng lự một giây trước khi tuyên bố:
- Cuộc khám nghiệm không phát hiện ra một dấu vết nào của sự đầu độc. Với sự hiểu biết có hạn, tôi xin khẳng định là người đàn ông này đã qua đời vì cái chết tự nhiên.
Tiếng kêu của mụ Lỗ chìm trong những tiếng la của đám dân chúng đang xô về phía ngài pháp quan với những tiếng thét: "Hãy giết chết tên pháp quan chó má này đi!". "Hãy giết chết cái tên đào mồ cuốc mả này đi!".
Tái Công từ sau bàn đứng dậy, bước về phía đám đông đang gầm gào. Triệu Thái, Mã Tôn nhảy vội đến đứng chắn trước mặt người thầy của họ, nhưng ông gạt hai người hộ về ra.
Trước vẻ mặt nghiêm nghị, quả quyết của ông, đám người đang xông lên tự nhiên dừng bước, lùi lại và câm lặng.
Khoanh tay vào ống áo rộng, ngài pháp quan dõng dạc nói to:
- Ta hứa với mọi người là sẽ từ quan và ta sẽ làm như thế nhưng chỉ sau khi đã kiểm tra lại một điểm cuối. Ta nhắc các ngươi là lúc này ta vẫn là một vị pháp quan của các ngươi. Giết ta đi nếu các ngươi thấy cần, nhưng làm như vậy là các ngươi đã đánh lại chính triều đình và sẽ phải hứng chịu hậu quả hành động điên rồ của các ngươi! Các ngươi hãy quyết định đi, ta đợi.
Một sự sợ hãi đầy kính trọng trùm lên bọn người đang huyên náo vì a dua. Lợi dụng giây phút lưỡng lự đó của họ, ngài pháp quan hạ lệnh:
- Các trùm phường, hội có mặt ở đây hãy tiến lên! Ta ủy thác cho họ đặt lại thi hài Lỗ Minh xuống huyệt mộ.
Lừng lững một tên khổng lồ, trùm phường thịt lợn bước ra khỏi đám đông, Tái Công bảo y:
- Nhà ngươi sẽ trông coi bọn người nhà thầu trong lúc họ đặt thi hài vào quan tài và đưa quan tài xuống huyệt. Sau đó, ngươi đặt tảng đá mồ và niêm phong lại.
Nói đoạn, Tái Công quay lưng lại đám đông và bước lên kiệu.
Một sự yên lặng rùng rợn đêm đó ngự trị trong thư phòng Tái Công. Ông ngồi sau án thư, đôi lông mày rậm cau lại. Trong lò sưởi chỉ còn lại một đống than nhỏ. Nhưng cả pháp quan, cả những phụ tá hộ vệ của ông cũng chẳng đếm xỉa tới cái khí lạnh tràn ngập dần khắp phòng.
Khi cây nến to đặt trên bàn bắt đầu lụi, Tái Công cuối cùng cất tiếng:
- Chúng ta vừa bàn thảo là phải tìm ra mọi biện pháp để chấm dứt vụ án này một cách hoàn hảo và đã nhất trí trên một điểm: Nếu không tìm ra được một yếu tố nào thì ta đi đứt. Vậy, hãy cố mày mò tìm ra bằng được một chứng cứ cụ thể! Và phải mau lên mới được!
Trong lúc Tào Can châm một cây nến khác thì có tiếng gõ cửa. Một nha lại đi vào và rất xúc động báo có Nghê Bình và Nghê Đại xin được tiếp kiến.
Vô cùng kinh ngạc, Tái Công ra lệnh cho đưa họ vào.
Nghê Bình dìu người em vào thư phòng. Đầu và hai tay tên này quấn đầy băng và mặt mày tái nhợt. Hắn khó nhọc đặt bước.
Sau khi dìu người em ngồi xuống chiếc ghế dài có Mã Tôn và Triệu Thái giúp sức, Nghê Bình cất tiếng:
- Buổi trưa này, thưa Đại nhân, có bốn thôn dân ở phía bên kia Đông môn khiêng tới nhà thằng em khốn khổ của tôi trên một chiếc cáng. Tình cờ họ thấy em tôi bị vùi dưới tuyết, đầu mang một vết thương thật khủng khiếp, những ngón tay cứng đờ vì băng giá. Họ đã mang nó về nhà chăm sóc, sáng nay nó tỉnh và nói được với họ mình là ai, ở đâu.
- Cái gì đã xảy ra với nó vậy? – Tái Công sốt ruột hỏi.
- Điều duy nhất mà tôi nhớ được, thưa Ngài – Nghê Đại thều thào nói – Là cách đây hai ngày, trên đường đi về nhà ăn bữa tối với ông anh thì tôi bị một đòn đánh mạnh vào đầu.
- Đó là Chu Đại Nguyên – Tái Công nói – Hắn đã kể với nhà ngươi chuyện của Nghi Cương và tiểu thư Lưu đã bí mật gặp nhau trong chính nhà hắn vào lúc nào?
- Nhưng Chu chưa bao giờ nói với tôi về chuyện đó, thưa Đại nhân – Nghê Đại đáp – Một hôm đứng đợi trước thư viện của hắn, bỗng tôi nghe tiếng Chu nói rất to như đang cãi nhau với ai đó. Tôi dán tai vào cánh cửa. Bằng thứ ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhất, Chu nổi giận lôi đình, mắng chửi Nghi Cương và cô nương họ Lưu như tát nước vào mặt là đã dám cả gan làm tình với nhau ngay dưới mái nhà hắn! Giữa lúc đó thì tên quản gia của hắn tới gõ cửa. Chu tức thì im lặng và, lúc tôi vào thì chỉ có mỗi mình hắn và hắn hoàn toàn thản nhiên như không có gì xảy ra cả.
Quay lại phía các phụ tá hộ vệ, Tái Công bảo:
- Đó là cái làm sáng tỏ điểm cuối cùng còn nằm trong bóng tối trong vụ tiểu thư Lưu bị sát hại. Rồi nói với Nghê Đại:
- Tình cờ nắm được bí mật của Nghi Cương, nhà ngươi đã triệt để lợi dụng để tống tiền chàng trai đáng thương này. Nhưng trời cao có mắt đã nghiêm khắc trừng phạt ngươi đó!
- Thế là những ngón tay tôi bị liệt hết rồi! – Nghê Đại cất tiếng than vãn.
Tái Công ra hiệu cho Nghê Bình. Tức thì, có sự trợ giúp của Mã Tôn và Triệu Thái, y xốc nách thằng em đưa ra cửa.