Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Phần I (F)

    
hris quay lại phòng khách. Những người còn lại bày tỏ sự thương cảm lúc nàng trình bày sơ lược về bệnh tình của bé Regan. Lúc nàng kể đến những tiếng gõ và những hiện tượng gây chú ý khác, bà Perrin nhìn nàng đăm đăm, chăm chú. Có lúc Chris nhìn bà, mong bà bình luận, nhưng bà không nói gì cả, nên Chris lại tiếp tục.
“Cô bé có hay đi lại trong khi ngủ thường không?” Dyer hỏi.
“Không, đêm nay là lần đầu tiên. Hay ít nhất cũng là lần đầu tiên mà tôi biết được, cho nên tôi đoán đây là chứng tăng vận động, cha có nghĩ thế không?”
“Chà, thực sự tôi cũng không được rõ”, vị linh mục đáp. “Tôi nghe nói chứng mộng du thường xảy ra ở lứa tuổi dậy thì, ngoại trừ...” Nói đến đây ông nhún vai rồi bỏ lửng. “Tôi cũng không biết nữa. Bà nên hỏi bác sĩ thì tốt hơn”.
Trong suốt phần còn lại của cuộc thảo luận, bà Perrin cứ ngồi lặng yên nhìn ngọn lửa nhảy múa trong phòng khách. Cũng ủ dột như thế. Chris nhận thấy, là nhà phi hành, người mà theo chương trình dự định, sẽ lên mặt trăng nội trong năm đó. Ông nhìn đăm đăm cốc rượu, thỉnh thoảng lầu bầu mấy tiếng ngụ ý rất quan tâm và chăm chú đến đề tài. Hầu như do sự mặc nhiên thông cảm, không ai đề cập gì đến điều Regan đã nói với ông ta.
“Chà, đã đến giờ làm lễ của tôi rồi”, rốt cuộc, vị khoa trưởng lên tiếng, đứng lên để cáo từ.
Thế là mọi người cùng đứng lên cáo biệt. Họ ngỏ lời cám ơn về bữa tiệc và về buổi tối hôm ấy.
Ở cửa, Cha Dyer cầm tay Chris và sốt sắng thăm dò đôi mắt nàng. “Bà nghĩ xem có vai nào trong các cuốn phim của bà thích hợp với một linh mục rất lùn, biết chơi đàn dương cầm không?” Ông hỏi.
“Ồ, nếu không có đi nữa” - Chris cười - “thì tôi cũng cho viết riêng một kịch bản dành cho Cha đóng, thưa Cha”.
“Tôi đang nghĩ đến em trai tôi kia”. Ông trang trọng bảo nàng.
“Cái ông này!” Nàng lại cười, rồi ngỏ với ông lời chúc ngủ ngon thật trìu mến và nồng hậu.
Người cáo biệt cuối cùng là Mary Jo Perrin và con trai bà. Chris lưu họ lại ở cửa, tán gẫu cho vui. Nàng có cảm tưởng là Mary đang suy nghĩ đến một điều gì đó, nhưng muốn dấu kín. Để cầm chân bà, Chris hỏi ý kiến bà về việc Regan tiếp tục chơi cầu cơ và sự ám ảnh không rời về Đại úy Howdy. “Theo chị thì việc ấy có tai hại gì không?” nàng hỏi.
Những tưởng bà ta sẽ điệu bộ gạt qua điều đó cho phải phép, Chris ngạc nhiên xiết bao khi thấy bà Perrin nhíu mày và nhìn xuống bậc cấp ở cửa. Có vẻ bà ta đang suy nghĩ, và vẫn trong dáng vẻ ấy, bà bước ra ngoài, đến với cậu con trai đang đợi ngoài cổng.
Rốt cuộc, lúc bà ngẩng lên, thì đôi mắt bà đã chìm trong bóng tối.
“Nếu là tôi, tôi sẽ dẹp ngay cái bàn cơ khỏi chỗ con bé”. Bà lặng lẽ nói.
Bà trao chìa khóa công tắc xe cho con trai. “Bobby, con mở máy đi”, bà bảo con. “Trời lạnh quá”.
Cậu trai cầm chìa khoá, bảo với Chris rằng cậu rất yêu thích nàng trong mọi phim nàng đóng, rồi e lệ bước ra chiếc xe Mustang tả tơi, cũ mèm đậu dưới đường.
Đôi mắt bà Perrin vẫn ở trong bóng tối.
“Tôi không biết chị nghĩ gì về tôi”, bà nói thong thả. “Nhiều kẻ gán ghép tôi với thuật siêu linh, đồng bóng. Điều ấy sai. Đúng, tôi nghĩ tôi có một năng khiếu”. Bà nhỏ nhẹ nói tiếp. “Nhưng đó không phải là một cái gì sâu kín, huyền bí cả. Thực vậy, đối với tôi điều ấy có vẻ tự nhiên, hết sức tự nhiên thôi. Là một người Công giáo, tôi tin rằng tất cả chúng ta đều dính chân trong cả hai thế giới. Cái chân mà chúng ta ý thức được là thời gian. Nhưng thỉnh thoảng, một kẻ kỳ dị đồng bóng như tôi lại thấy được một tia lóe lên từ cái chân kia, và cái chân đó, tôi nghĩ... là cõi vĩnh cửu. Vâng, sự vĩnh cửu không có thời gian. Ở đó tương lai chính là hiện tại. Do đó, đôi khi, lúc mà tôi cảm thấy được cái chân kia, thì tôi tin rằng mình phải thấy được tương lai. Ai mà biết được. Có lẽ là không. Có lẽ tất cả điều đó chỉ là chuyện trùng hợp đó thôi”. Bà nhún vai. “Nhưng tôi vẫn nghĩ là tôi thấy được. Và nếu sự thể là như thế, thì tôi vẫn cho rằng điều đó thật tự nhiên, chị thấy đó. Nhưng bây giờ, điều huyền bí...” bà dừng lại, chọn lọc ngôn từ. “Điều huyền bí là một cái gì khác hẳn. Tôi không dính líu gì đến điều ấy. Tôi nghĩ, đùa giỡn với chuyện ấy có thể là nguy hiểm. Điều đó gồm cả việc chơi trò cầu cơ nữa”.
Cho đến lúc đó, Chris vẫn nghĩ bà ta là một phụ nữ cực kỳ thông minh. Thế mà một cái gì đó nơi cử chỉ của bà ta bây giờ lại băn khoăn đến điều. Nàng cảm thấy có một điềm gở rởn gai ốc mà nàng cố xua đi.
“Thôi mà, Mary Josephine”. Chris mỉm cười. “Chị không biết mấy cái bàn cơ ấy hoạt động ra sao ư? Nó chả là cái gì khác hơn là tiềm thức của con người, thế thôi”.
“Vâng, có lẽ thế”, bà trả lời lặng lẽ. “Có lẽ thế. Có thể tất cả chỉ là chuyện ám thị. Nhưng hết thảy những chuyện tôi được nghe về các buổi cầu cơ, hết thảy, dường như bao giờ cũng trực chỉ đến việc mở ra một cánh cửa vào một cõi nào đó. Không, không phải vào thế giới của hồn linh đâu, có lẽ thế, chị không tin điều đó đâu. Thế thì, có lẽ là một cánh cửa dẫn vào một cõi mà chị gọi là tiềm thức. Tôi không biết. Tôi chỉ biết là những điều ấy dường như có xảy ra. và bà chị thân mến ạ, trên khắp thế giới này, không thiếu chi những nhà thương điên đầy ắp những kẻ đùa giỡn với trò thần bí ấy đâu”.
“Chị đùa chăng?”
Có một khoảng khắc yên lặng. Rồi giọng nói nhỏ nhẽ đó lại cất lên đều đều trong đêm tối. “Chris ạ, có một gia đình ở Bavaria, vào năm 1921. Tôi không nhớ rõ tên, chỉ nhớ đó là một gia đình gồm mười một người. Chị có thể kiểm chứng điều đó trên báo chí. Chỉ một thời gian ngắn sau buổi cầu cơ, cả nhà đó đều hóa điên. Tất cả. Đủ mười một người. Họ hè nhau vào đốt nhà chơi, rồi khi đã đốt hết mọi đồ đạc gia dụng, họ bắt đầu ra tay trên đứa hài nhi mới ba tháng tuổi, con của người con gái thứ trong gia đình. Chính lúc đó hàng xóm đã can thiệp và chặn đứng họ lại”.
“Toàn thể gia đình đó”, bà kết thúc, “đều được đưa vào nhà thương điên”.
“Ôi trời”. Chris thở mạnh, liên tưởng đến chàng Đại úy Howdy. Lúc này, gã đã mang một màu sắc đe dọa. Bệnh tâm thần. Cái gì thế nhỉ? Một cái gì đó rồi. “Chắc tôi cần phải mang cháu đến khám một bác sĩ tâm thần”.
“Ôi lạy Trời”, bà Perrin nhô ra ngoài sáng, “chị để ý đến lời tôi làm gì. Chỉ cần nghe theo bác sĩ của chị là đủ”. Giọng nói của bà cố chuyên chở một sự trấn an, khích lệ không mấy sức thuyết phục. “Tôi rất sở trường về chuyện tương lai” - Bà Perrin mỉm cười - “Nhưng còn chuyện hiện tại thì tôi hoàn toàn bó tay”. Bà sờ soạng trong ví. “Ủa, cặp kính tôi đâu rồi kìa? Đó, chị thấy chưa? Tôi để lạc chúng đâu rồi. À, chúng ngay đây rồi”.
Bà tìm thấy cặp kính trong túi áo khoác. “Ngôi nhà duyên dáng thật”, bà tấm tắc lúc đã mang kính vào và ngước nhìn lên chính diện ngôi nhà. “Nó cho ta một cảm giác ấm cúng”.
“Lạy Chúa, tôi nhẹ hẳn người đấy! Trong một giây khắc, tôi cứ ngỡ rằng chị sắp nói với tôi là ngôi nhà có ma đấy chứ!”
Bà Perrin cúi xuống nhìn nàng. “Tại sao tôi lại phải nói với chị một điều như vậy chứ?”
Chris đang nghĩ đến một người bạn, một nữ diễn viên nổi danh ở Beverly Hills đã phải bán nhà vì cô ta cứ khăng khăng cho là nhà cô ta có một con yêu tinh trú ngụ. “Tôi không biết nữa”, nàng cười uể oải. “Chắc có lẽ vì chị là ai. Tôi nói đùa đấy thôi”.
“Ngôi nhà thật lịch sự”. Bà Perrin trấn an nàng bằng một giọng điềm đạm. “Chị biết không, trước kia, tôi có ở đây rồi, nhiều lần rồi”.
“Thật sao?”
“Thật, một vị đô đốc từng làm chủ nó, ông ta là bạn tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư của ông ấy. Tôi cũng không biết là thực ra tôi nhớ ông ta hay là nhớ ngôi nhà này nữa”. Bà mỉm cười. “Nhưng có lẽ rồi chị còn mời tôi đến đây nữa mà”.
“Ồ, Mary Jo, rất mong là chị sẽ trở lại đây. Thực tâm đó. Chị quả là một người đáng say mê”.
“Ít ra tôi cũng là mẫu người dễ cau có, nóng nảy nhất mà chị được biết”.
“Thôi đi. Nghe này, xin chị hãy gọi điện cho tôi. Chị vui lòng gọi điện cho tôi tuần tới nhé?”
“Được thôi, tôi muốn được nghe tin tức con gái chị ra sao”.
“Chị biết số rồi chứ?”
“Vâng, có trong niên giám điện thoại ở nhà rồi”.
Có cái gì trật chìa vậy kìa? Nghe ra trong giọng nói của bà có nét gì đó hơi lạc điệu.
“Thôi, chúc ngủ ngon”, bà Perrin chào, “và một lần nữa, xin cảm ơn về một buổi tối tuyệt vời”. Trước khi Chris kịp đáp lời, bà đã bước nhanh xuống đường.
Chris nhìn bà mất một lúc, rồi nàng đóng cửa trước lại. Một nỗi rã rời chất ngất bủa chụp lấy nàng. Thật là một đêm khác thường! Nàng nghĩ.
Nàng bước vào phòng khách, đứng cạnh Willie lúc đó đang quỳ gối bên cạnh vệt nước tiểu. Chị ta đang dùng bàn chải đánh bóng lại lớp tuyết trên tấm thảm.
“Tôi đã đổ dấm trắng lên”. Willie lẩm bẩm. “Hai lần rồi”.
“Ra không?”
“Có lẽ bây giờ sẽ ra thôi”, Willie đáp. “Tôi cũng chẳng biết nữa. Ta chờ xem”.
“Không đâu, phải đợi đến lúc cái của thổ tả ấy nó khô đi rồi mới nói chắc được. Thôi, bây giờ hãy để yên đó đã, Willie, đi ngủ đi”.
“Không, tôi phải làm cho xong cái đã”.
“Thôi được, xin cảm ơn. Chúc ngủ ngon”.
“Chúc bà ngủ ngon”.
Chris đăm đăm nhìn dãy cầu thang với những bậc thang chán chường.
“Món cà ri tuyệt thật, Willie ạ. Ai cũng khoái”.
“Vâng, xin cám ơn bà”.
* * * * *
Chris nhìn chừng Regan, thấy con vẫn ngủ say. Thế rồi nàng nhớ đến bàn cơ. Nàng có nên giấu nó đi không? Vất nó đi! Chà Perrin quả rất cay cú khi bàn đến vụ đó. Tuy nhiên, Chris vẫn ý thức được rằng cái người bạn trong cõi tưởng tượng kia thật là bệnh hoạn và không lành mạnh chút nào. Ừ có lẽ ta nên vất quách nó đi.
Thế nhưng Chris vẫn còn do dự. Đứng bên giường nhìn Regan, nàng nhớ lại một vụ xảy ra lúc con gái nàng mới lên ba: vào cái đêm Howard quyết định là con bé đã lớn rồi, không thể cứ cho nó ôm bầu sữa mà ngủ nữa, mà con bé thì đã đâm quyến luyến bầu sữa không dứt ra được. Đêm đó, chồng nàng giằng bình sữa khỏi tay con bé, thế là Regan hét tướng lên đến bốn giờ sáng, rồi làm kinh suốt mấy ngày ròng rã. Bây giờ Chris cũng sợ một phản ứng tương tự. Cứ đợi đến khi ta tham khảo ý kiến một bác sĩ tâm thần đã. Hơn nữa, nàng nghĩ, chất Ritalin cũng chưa đủ thời gian tạo tác dụng.
Rốt rồi, nàng quyết định chờ xem.
Chris lui về phòng riêng, uể oải chui vào giường, và gần như lập tức, ngủ mê mệt. Rồi nàng bừng tỉnh trước tiếng thét hãi hùng, cuồng loạn ngay bên riềm ý thức nàng.
“Mẹ ơi, đến đây, đến đây, con sợ quá!”
“Ừ. mẹ đến đây, đến ngay đây, con!”
Chris chạy bay biến xuống hành lang, đến phòng ngủ của Regan. Có tiếng khóc thút thít. Tiếng kêu la. Những âm thanh giống như tiếng lò xo đệm giường.
“Ôi, bé con của mẹ, có chuyện gì vậy?” Chris kêu lên lúc nàng vói tay bật đèn.
Ôi, lạy Chúa!
Regan nằm ngửa, căng cứng, mặt đẫm lệ, nhúm nhó vì hãi hùng, hai tay ghì chặt hai bên thành giường nhỏ.
“Mẹ ơi, tại sao nó lại lắc?” Con bé kêu la. “Bảo nó ngừng đi! Ôi, con sợ quá! Bảo nó ngừng đi! Mẹ ơi, làm ơn bảo nó ngừng đi mẹ!”
Chiếc nệm giường lắc lư dữ dội, tới lui.