Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Phần IV
“Hãy để cho tiếng kêu cầu tôi thấu đến bên người...”

     rong bóng tối sinh động nơi văn phòng làm việc quạnh quẽ của mình, Kinderman trầm tư trên bàn làm việc.
Ông điều chỉnh tia sáng đèn bàn một nấc. Bên dưới ông là các chồng biên bản, các tang vật, hồ sơ cảnh sát, các bản báo cáo của phòng thí nghiệm hình sự, các ghi chú viết tay. Trong trạng thái trầm mặc, ông tẩn mẩn xếp mớ giấy má đó thành một tấm tranh ghép có hình một bông hồng, như thể đính chính lại cái kết luận tồi tệ mà những thứ giấy má ấy đã đưa ông đến, mà ông đã không thể nào chấp nhận.
Engstrom vô tội. Đúng lúc xảy ra cái chết của Dennings, anh ta đang đến thăm con gái mình, cho tiền cô ta mua ma tuý. Anh ta đã nói dối về hành tung của mình trong đêm hôm ấy để bảo vệ con gái và che giấu mẹ cô gái, người mẹ vẫn tin là Elvira đã chết và đã thoát khỏi mọi nỗi tàn hại và sự suy đồi.
Không phải nhờ Karl mà ông biết được việc này. Vào cái đêm hôm nọ chạm trán nhau nơi hành lang căn hộ của Elvira, người gia nhân ấy vẫn ngậm câm như thóc. Mãi đến lúc Kinderman thông báo cho cô con gái biết sự dính líu của bố cô ta trong vụ Dennings thì Elvira mới chịu khai ra sự thực. Có các nhân chứng xác nhận sự thực đó. Engstrom được vô can. Vô can và lặng lẽ đối với những biến cố xảy ra trong ngôi nhà của Chris MacNeil.
Kinderman cau mày nhìn cánh bông hồng bằng giấy ghép. Có một cái gì không ổn trong bố cục. Ông khẽ di chuyển một chóp đài hoa - góc của một tờ cung khai - chếch xuống dưới và qua phải.
Những đóa hoa hồng. Elvira. Ông đã nghiêm khắc cảnh cáo cô ta rằng nếu nội trong hai tuần lễ mà cô chưa chịu đến đăng ký vào bệnh viện để chữa trị, ông sẽ săn đuổi cô với đầy đủ các lệnh truy nã cho đến khi nào có đủ bằng cớ là ông bắt giữ ngay. Tuy nhiên, ông ta vẫn không hẳn tin là cô ta sẽ chịu đi. Đã có lắm lúc ông đã trơ mắt ra nhìn không chớp vào luật pháp như kiểu ông ngó lên mặt trời lúc chính ngọ với hy vọng là nó sẽ tạm thời làm lóa mắt ông, để cho một con mồi - một kẻ phạm pháp nào đo - chuồn đi.
Engstrom vô tội. Thế thì còn lại gì đây? Kinderman, vừa thở khò khè, vừa chuyển sức mạnh thân mình qua một vị trí khác. Rồi ông nhắm mắt tưởng tượng ra mình đang ngụp lặn trong bồn tắm nước nóng bập bềnh. Bán đại hạ giá món tâm thần đây! Ông giương khẩu hiệu ra với chính mình: Nhất định mọi việc phải chuyển! Trong một lúc ông cứ chờ đợi, không mấy tin chắc. Thế rồi. Nhất định mà! Ông nói thêm một cách nghiêm khắc.
Ông mở mắt ra và kiểm tra lại một lần nữa các dữ kiện đầy rắc rối đó.
Mục: Cái chết của đạo diễn Burke Dennings dường như có liên quan thế nào đến phép phù thủy và kẻ phạm thánh xảy ra tại Giáo đường Ba Ngôi. Cả hai đều dính líu đến phép phù thủy và kẻ phạm thánh vô danh đó dễ dàng có thể là kẻ đã giết Dennings.
Mục: Một chuyên gia về vấn đề phù thủy, một linh mục Dòng Tên, đã được trông thấy lui tới ngôi nhà của gia đình MacNeil nhiều lần.
Mục: Tờ giấy đánh máy mang nội dung báng bổ thần thánh gắn trong tấm thẻ bàn thờ tìm thấy ở Giáo đường Ba Ngôi đã được kiểm tra để tìm vết dấu tay. Các dấu vết được tìm thấy ở cả hai mặt. Một vài dấu vết là do Damien Karras lưu lại. Nhưng còn có một bộ dấu tay khác cũng được khám phá ra mà xét theo kích thước của chúng, đã được suy đoán là của một người có đôi bàn tay Rất Nhỏ, Hoàn Toàn Có Thể Là Một Đứa Trẻ Con.
Mục: Chữ đánh máy trên tấm thẻ bàn thờ đã được phân tích và so sánh với nét chữ trên bức thư dang dở mà Sharon Spencer đã lôi ra khỏi máy chữ, vò viên rồi ném vào giỏ rác, nhưng lại ném hụt lúc Kinderman đang hỏi Chris. Ông đã nhặt bức thư ấy và lén đem ra khỏi nhà. Nét chữ đánh trên bức thư này và nét chữ đánh trên tờ giấy gắn trong tấm thẻ bàn thờ kia đã được thực hiện Trên Cùng Một Bàn Máy Chữ. Tuy nhiên theo bản báo cáo, lực tiếp xúc máy của hai người đánh máy lại khác nhau. Người đánh máy bản văn phạm thánh Có Sức Chạm Máy Mạnh Mẽ Hơn Hẳn Sharon Spencer. Hơn nữa, vì dạng chữ đánh máy trên thẻ bàn thờ không phải là loại được đánh kiểu “mò mổ” nhưng lại được thực hiện khá khéo léo, có kỹ thuật, điều đó khiến ta nghĩ rằng người đánh máy vô danh thực hiện nội dung văn bản trên tấm thẻ bàn thờ kia là Một Người Có Sức Mạnh Phi Thường.
Mục: Burke Dennings - ngoại trừ trường hợp ông ta chết vì tai nạn - đã bị giết bởi một người có sức mạnh phi thường.
Mục: Engstrom không còn là kẻ bị tình nghi nữa.
Mục: Cuộc kiểm tra danh sách những người giữ chỗ trên các hãng hàng không quốc nội cho thấy Chris MacNeil đã từng đưa con gái bà đến Dayton, bang Ohio. Kinderman đã biết con gái bà bị bệnh và được đưa đến một y viện. Nhưng cái y viện ở Dayton đó hẳn phải là Barringer rồi. Kinderman đã kiểm chứng và y viện đó đã xác nhận là cô bé đó đã được đưa vào bệnh viện để theo dõi. Mặc dù y viện từ chối tiết lộ tính chất bệnh, rõ ràng đó là một tình trạng rối loạn tâm thần trầm trọng.
Mục: Những rối loạn tâm thần trầm trọng lắm khi tạo ra sức mạnh phi thường.
Kinderman thở dài và nhắm mắt lại. Cũng thế thôi. Ông cũng trở về với một kết luận đó thôi. Ông lắc đầu. Rồi ông mở mắt, nhìn đăm đăm vào tâm của bông hồng giấy: một tờ tạp chí tin tức toàn quốc cũ, đã phai màu. Trên bìa tạp chí là ảnh Chris và Regan. Ông nghiên cứu cô con gái: gương mặt đầy tàn nhang, khả ái, với những lọn tóc tết đuôi ngựa cột nơ, chiếc răng cửa bị sún giữa cái cười toét miệng.
Ông trông qua cửa sổ, nhìn vào vũng tối. Một cơn mưa phùn bắt đầu lún phún rơi.
Ông xuống nhà xe, leo vào chiếc xe đen đã ngụy trang kỹ, rồi lái xe băng qua những con đường bóng nhẫy loang loáng mưa, đến khu vực Georgetown. Đến nơi, ông đậu xe ở phía đông phố Prospect. Và ngồi đó suốt mười lăm phút. Cứ ngồi yên như thế, nhìn đăm đăm vào cửa sổ phòng Regan. Ông có nên gõ cửa, đòi gặp cô bé không đây? Ông cúi đầu. Dụi chân mày. William F. Kinderman ơi, mi bệnh rồi! Mi bị đau yếu rồi! Về nhà đi! Uống thuốc. Đi ngủ!
Ông lại ngước nhìn cửa sổ và buồn bả lắc đầu. Chính đây là nơi mà cái luận lý đầy ám ảnh của ông đã dắt ông đến.
Ông đảo tia nhìn lúc một chiếc tắc xi chờ tới ngôi nhà. Ông mở máy xe, bật cần gạt nước mưa.
Từ trên tắc xi bước xuống một ông già cao lớn. Áo mưa đen, mũ và một chiếc va-li cũ mèm. Ông trả tiền xe, rồi quay lại đứng yên, nhìn đăm đăm ngôi nhà. Chiếc tắc xi lao đi, rẽ qua phố Ba Mươi Sáu. Kinderman liền phóng xe theo. Lúc ông rẽ quanh góc phố, ông nhận thấy ông già cao lớn kia không đi tới mà cứ đứng yên dưới ánh sáng đèn đường, trong sương mù như một người lữ hành u sầu. Nhà thám tử nhá đèn mấy lượt vào chiếc tắc xi.
Cùng lúc đó, bên trong nhà, Karras và Karl đang kềm chặt tay Regan để Sharon chích Librium cho cô bé, nâng tổng số lượng thuốc được chích trong vòng hai giờ qua lên đến 400 miligam, liều lượng đó, Karras biết rõ, thật đáng kinh hãi. Nhưng sau thời gian lắng dịu mấy tiếng đồng hồ, con quỷ đã đột ngột thức giấc, trong một cơn giận hoảng điên cuồng cho đến nỗi cơ thể suy yếu của Regan không còn có thể kham nổi được mấy đỗi nữa.
Karras mệt nhoài. Sau khi đến Tòa Bí thư Giám mục sáng hôm đó, ông trở lại ngôi nhà thuật lại tự sự cho Chris biết. Kế đó, ông lắp đặt dụng cụ truyền dịch vào tĩnh mạch cho Regan, trở về phòng riêng ở cư xá và ngã người xuống giường. Tuy nhiên, mới ngủ đây đó được một tiếng rưỡi, điện thoại đã lôi ông dậy. Sharon. Cô gái cho biết Regan vẫn còn mê man và mạch cô bé đang từ từ tụt xuống. Karras liền tức tốc xách túi y khoa đến ngay nhà và véo vào vùng gân Achilles của Regan, dò xem phản ứng đau đớn. Không có phản ứng gì. Ông bấm mạnh lên một móng tay cô bé. Vẫn không có phản ứng gì. Ông đâm lo ngại. Mặc dù ông biết trong chứng loạn thần ít-tê-ri và trong những trạng thái ngủ sâu, đôi khi bệnh nhân không còn nhạy cảm với sự đau đớn, nhưng giờ đây, ông lo sợ là chứng hôn mê, một trạng thái mà từ đó Regan dễ dàng có thể trôi luôn vào cõi chết. Ông đo huyết áp cho cô bé: 90 trên 60, rồi nhịp mạch: 60. Sau đó ông đợi trong phòng, và cứ mười lăm phút một, lại kiểm soát huyết áp và nhịp mạch trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi ông mới thấy hài lòng là huyết áp và nhịp mạch đã ổn định, điều đó chứng tỏ là Regan không phải bị sốc, mà là đang trong trạng thái sững sờ. Ông căn dặn Sharon tiếp tục thăm mạch mỗi giờ. Rồi ông về phòng riêng ngủ tiếp. Nhưng một lân nữa, điện thoại lại gọi ông dậy. Thầy đuổi quỷ, phòng Bí thư Giám mục thông báo cho ông biết, sẽ là Lankester Merrin, Karras sẽ phụ lễ.
Tin ấy khiến ông bàng hoàng cả người. Merrin! Nhà triết học - nhà cổ sinh vật học! Một bậc trí thức vĩ đại, cao vời! Những tác phẩm của ông đã làm rúng động Giáo hội, vì chúng đã minh giải trên tinh thần khoa học, xem đó như một thể vật chất vẫn còn đang tiến hoá, được định sẵn để trở nên tinh thần và hòa nhập với Chúa.
Karras lập tức điện thoại cho Chris, để thông báo tin tức đó, nhưng khám phá ra là nàng đã được đức Giám mục trực tiếp thông báo điều đó rồi. Đức Giám mục đã cho nàng biết là Merrin sẽ đến vào ngày hôm sau. “Tôi đã thưa với đức Giám mục là cha Merrin có thể lưu lại nhà tôi”. Chris nói. “Công việc chắc chỉ một ngày là xong thôi, phải không?” Karras ngập ngừng rồi mới trả lời: “Tôi không biết”. Rồi lại ngập ngừng nữa, ông nói: “Bà chớ nên hy vọng cho lắm”. “Nếu việc ấy có hiệu quả thì tôi hy vọng chứ”, Chris đáp. Giọng nàng đã dịu lại. “Tôi không hề có ý ám chỉ là việc ấy không hiệu quả”. Ông trấn an nàng, “Tôi chỉ muốn nói là việc ấy có thể mất nhiều thời gian”. “Bao lâu?” “Không nói trước được”. Ông biết rằng một cuộc đuổi quỷ thường mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng; biết rằng việc đó thường là thất bại hoàn toàn. Ông mong là nó sẽ thất bại, mong là cái gánh nặng đó, cái lối cứu chữa bằng cách ngăn chận xuyên qua phép ám thị đó, rốt ráo sẽ sụp đổ một lần nữa lên người ông. “Con bé phải chịu đựng bao lâu, thưa cha Karras?” “Có thể mất vài ngày hay vài tuần”. Ông bảo nàng.
Gác máy xong, ông cảm thấy nặng nề, ray rứt. Duỗi thẳng người trên giường, ông nghĩ đến Merrin. Merrin! Một niềm phấn khởi và hy vọng len lách vào người ông. Theo sau đó là một nỗi băn khoăn se sắt. Theo lẽ tự nhiên đúng ra chính ông mới là kẻ phải được chọn để làm thầy đuổi quỷ, thế mà Đức Giám mục đã lờ ông đi. Sao vậy? Có phải vì Marrin đã từng đuổi quỷ rồi hay không?
Lúc nhắm mắt lại, ông nhớ rằng các thầy đuổi quỷ được tuyển chọn trên căn bản “đạo hạnh” và “các phẩm chất đạo đức cao quý”, ông nhớ một đoạn trong sách phúc âm Thánh Mathieu đã kể lại đấng Kitô khi được các môn đồ hỏi lý do tại sao họ lại thất bại khi đuổi quỷ, đã trả lời họ: “... bởi vì các ngươi ít đức tin”.
Vị linh mục Giám tỉnh đã biết rõ vấn đề của ông, cha Viện trường cũng thế. Karras suy nghĩ. Có vị nào trình lên Đức Giám mục chăng?
Lúc đó, ông đã trăn trở trên giường, nản lòng, thối chí, ông cảm thấy một cách nào đó mình bất xứng bất tài, bị loại bỏ. Điều đó làm ông đau nhói. Vô lý, nhưng mà sao vẫn đau nhói. Thế rồi cuối cùng, giấc ngủ tràn đến rót đầy nỗi trống rỗng, đong đầy các hang hốc, các vết nứt rạn trong trái tim ông.
Thế mà một lần nữa, chuông điện thoại lại réo ông dậy. Chris gọi đến cho ông hay Regan đang lâm vào một cơn điên loạn mới. Trở lại ngôi nhà, ông bắt mạch cho Regan. Mạch mạnh quá. Ông chích Librium, chích nữa. Rồi lại chích nữa. Cuối cùng, ông lần lối xuống bếp, ngồi xuống bàn uống cà phê với Chris trong chốc lát. Nàng đang đọc sách, một tác phẩm của Merrin mà nàng đã đặt hiệu sách giao đến tận nhà cho nàng. “Cao quá, tôi không hiểu nổi”, nàng nhỏ nhẹ bảo ông, tuy nhiên, trông nàng bối rối và cảm động sâu sắc. “Nhưng có vài đoạn thật hay, thật tuyệt diệu”. Nàng lật nhanh trở lại qua các trang, đến một đoạn nàng đánh dấu và trao quyển sách qua bàn cho Karras. Ông đọc:
“... Chúng ta đã kinh nghiệm quen thuộc về trật tự, về tính bất biến và sự đổi mới bất tuyệt của thế giới vật chất chung quanh ta. Mong manh và phù du là bản chất của mọi thành phần trong thế giới ấy; xao động và biến đi là bản chất của các nguyên tố cấu thành nó, vậy mà nó vẫn trường tồn. Nó được cố kết lại bởi mọi luật trường cửu, và mặc dù cho nó từng chết, nó vẫn hằng sống lại. Sự phân hủy chỉ là để khai sinh cho các mô thức cấu tạo mới, và một cái chết là cha đẻ của hàng ngàn sự sống...... Chúng ta than khóc cho những bông hoa tháng Năm vì chúng tàn héo; nhưng chúng ta biết rằng tháng Năm chắc chắn có ngày rửa được thù vào tháng Mười một, bởi sự xoay chuyển của vòng tuần hoàn uy nghi không hề ngưng nghỉ ấy, điều đó dạy dỗ chúng ta đang lúc ở đỉnh cao của hy vọng phải hằng biết điều độ, và trong trũng sâu của sầu muộn chớ hề thất vọng”.
“Vâng, hay thật”, Karras nhỏ nhẹ nói. Mắt ông vẫn dán lên trang sách. Cơn giận hoảng của con quỷ trên lầu càng thêm huyên náo.
“... Đồ con hoang... cặn bã... đồ đạo đức giả!”
“Nó vẫn hay đặt một bông hồng trên khai ăn của tôi... buổi sáng... trước khi đi làm”.
Karras ngước lên với đôi mắt hỏi han. “Regan”. Chris bảo ông.
Nàng nhìn xuống. “Vâng, đúng thế đấy. Tôi quên, cha đâu đã gặp con bé bao giờ”. Nàng hỉ mũi và chấm chấm mắt. “Cha muốn dùng chút rượu mạnh với cà phê không? Thưa cha Karras?” Nàng hỏi.
“Cám ơn, không ạ”.
“Cà phê nhạt nhẽo quá”, nàng run giọng thầm thì, “tôi phải đi lấy chút rượu mạnh. Xin lỗi”. Nàng nhanh chóng rời bếp.
Karras ngồi một mình, rầu rĩ nhấm nháp cà phê. Ông cảm thấy hâm hấp nóng trong chiếc áo len ông mặc bên dưới áo chùng. Cảm thấy yếu đuối vì đã không an ủi được Chris. Rồi một hồi ức về thuở ấu thời lung linh sống dậy đầy u buồn, một hồi ức về Ginger, con chó lai của ông, gầy trơ xương và mê mụ trong một chiếc hộp trong căn hộ; Ginger run lên vì sốt và cứ mửa thốc tháo trong lúc Karras lấy mấy chiếc khăn lông đắp lên người nó, cố ép nó uống sữa nóng, mãi đến khi một người hàng xóm trờ tới và nhận thấy nó bị sốt ho, lắc đầu bảo: “Con chó của cháu cần phải chích thuốc ngay”. Rồi một buổi xế trưa tan học... đi ra đường... theo từng nhóm xếp hàng hai một ra góc phố... mẹ ông đã ở đó đón ông... thật bất ngờ... mặt buồn hiu hắt... rồi nắm lấy tay ông dúi vào đó một đồng nữa đô la sáng nhoáng... phấn khởi... nhiều tiền quá thế này!... Rồi giọng bà nhẹ và âu yếm, “Ginger chết rồi...”
Ông nhìn xuống chất nước men đắng, bốc hơi nghi ngút trong chiếc tách và cảm thấy đôi tay ông trống vắng cả niềm an ủi lẫn sự chữa lành.
“... đồ con hoang sùng tín kia!”
Con quỷ đó. Vẫn điên cuồng giận hoảng.
“Con chó của cháu cần phải chính thuốc ngay...”
Ông vội quay về phòng Regan. Đến nơi, ông giữ cô bé cho Sharon chích Librium, nâng liều lượng tổng cộng lên đến 500 miligam.
Sharon xoa cồn vào vết chích trong lúc Karras nhìn Regan bối rối. Những lời tục tĩu cuồng dại kia dường như không nhằm vào ai trong phòng, mà là vào một người nào đó vô hình hoặc không hiện diện.
Ông gạt bỏ ý nghĩ đó qua một bên. “Tôi sẽ quay lại”, ông bảo Sharon.
Lo âu về Chris, ông xuống bếp, ở đó ông lại gặp nàng đang ngồi một mình nơi bàn. Nàng đang rót rượu mạnh vào cà phê. “Cha có chắc là cha không muốn dùng chút đỉnh không, thưa cha?” nàng hỏi.
Lắc đầu, ông bước đến bên bàn, mệt mỏi ngồi xuống. Ông nhìn đăm đăm sàn nhà. Nghe những tiếng lách cách của muỗng quấy cà phê chạm vào tách sứ. “Bà đã thảo luận với bố cô bé chưa?” ông hỏi.
“Có. Có, anh ấy đã gọi tới”. Một lúc ngập ngừng. “Anh ta muốn nói chuyện với Rags”.
“Và bà đã bảo ông ấy những gì?”
Một lúc ngập ngừng. Rồi thì, “Tôi đã bảo anh ta là con bé đi dự tiệc rồi”.
Yên lặng. Karras không nghe thấy những tiếng lách cách nữa. Ông ngước lên, thấy nàng đang nhìn đăm đăm trên trần nhà. Thế rồi chính ông cũng nhận thấy điều đó, những tiếng la hét trên lầu rốt cuộc đã chấm dứt.
“Tôi nghĩ là thuốc Librium đã ngấm”. Ông nói đầy vẻ biết ơn.
Tiếng chuông cửa ngân vang. Ông liếc về phía âm thanh đó, rồi về phía Chris, nàng bắt gặp tia nhìn đầy ức đoán của ông với một nét nhướng mày âu lo, han hỏi.
Kinderman chăng?
Những giây trôi qua. Tic-tac. Hai người chờ đợi. Willie đã ngủ yên. Sharon và Karl vẫn ở trên lầu. Không ai ra mở cửa. Căng thẳng. Chris đứng bật dậy khỏi bàn, đi ra phòng khách. Quỳ gối trên một trường kỷ, nàng khẽ hé màn len lén nhìn vị khách qua cửa sổ. Không phải Kinderman. Thay vào đó, nàng trông thấy một ông già cao lớn trong chiếc áo mưa cũ sờn, đầu ông lão cuối xuống một cách nhẫn nại trong màn mưa. Ông xách một chiếc va-li cổ lỗ sĩ, cũ mèm. Trong một thoáng, một chiếc móc khóa ngời lên dưới ánh đèn đường lúc chiếc va-li khẽ chao đảo trong tay ông.
Tiếng chuông cửa lại ngân vang.
Ai thế nhỉ?
Bối rối, Chris tụt xuống trường kỷ, đi ra hành lang. Nàng mở hé cửa, nheo mắt nhìn ra ngoài trời tối lúc một cơn mưa bụi lất phát rơi trên mặt nàng. Vành mũ che khuất mặt ông khách. “Vâng, chào ông. Tôi giúp gì được ông đây ạ!”
“Bà MacNeil?” Một giọng nói cất lên từ bóng tối. Giọng nói dịu dàng, lịch sự, nhưng đầy ấm áp như mùa gặt.
Lúc ông đưa tay lên giở mũ thì Chris đang cúi đầu, thế rồi đột nhiên nàng nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt tràn ngập chan chứa cả người nàng, đôi mắt sáng ngời trí tuệ và niềm cảm thông ân cần; với một vẻ thanh thoát, từ đôi mắt ấy nó rót vào người nàng giống như nguồn nước của một con sông chữa lành và ấm áp.
“Tôi là cha Merrin”.
Trong một thoáng, nàng lộ vẻ lúng túng lúc nàng ngắm khuôn mặt khổ hạnh gầy guộc ấy, ngắm đôi lưỡng quyền như được đẽo tạc, bóng láng như đá xà phòng, thế rồi nàng nhanh chóng mở toang cửa. “Ôi Chúa! Xin mời vào! Ôi, xin mời vào. Chà, tôi thật... Thú thật, tôi cũng không biết trí khôn tôi để đâu”.
Ông bước vào và nàng đóng cửa lại.
“Ý tôi muốn nói là tôi ngỡ đến mai cha mới đến cơ!”
“Vâng, tôi biết”, nàng nghe ông nói thế.
Lúc nàng quay lại đối diện với ông, nàng thấy ông đang đứng mà đầu nghiêng ngó, liếc lên phía trên như thể ông đang lắng nghe - không phải, đang cảm nhận thì đúng hơn, nàng nghĩ thế - về một sự hiện diện nào đó ngoài tầm mắt... một sự rung động xa vời nào đó đã quen và đã biết. Bối rối, nàng nhìn ông. Làn da ông như dãi dầu nhiều với nắng gió của đường xa xứ lạ, bởi một vầng mặt trời chiếu sáng ở một nơi khác, một nơi tít tắp xa cách thời gian và không gian nàng sống.
Ông ta đang làm gì nhỉ?
“Để tôi đỡ chiếc va-li cho cha. Bây giờ chắc nó phải nặng hàng tấn”.
“Không sao”, ông khẽ nói. Vẫn cảm nhận. Vẫn thăm dò. “Nó giống như một phần cánh tay của tôi rồi, rất già cũ... rất tả tơi”. Ông nhìn xuống với một nụ cười mỏi mệt nồng nàn trong ánh mắt. “Tôi đã quen với gánh nặng... Cha Karras có ở đây không?” Ông hỏi.
“Vâng, có ạ. Cha ấy ở trong bếp. À, mà cha đã dùng bữa tối chưa, thưa cha?”
Ông bắn tia nhìn lên lúc có tiếng cửa mở. “Rồi, tôi đã dùng bữa trên tàu hỏa”.
“Cha chắc là minh không muốn dùng thêm chút gì khác chứ ạ?”
Một khoảng khắc. Rồi có tiếng cửa đóng. Ông nhìn xuống. “Không, cám ơn bà”.
“Chà, mưa gì mà mưa mãi”, nàng phản đối, vẫn còn bối rối. “Giá biết cha đến, tôi đã ra ga đón rồi”.
“Không sao”.
“Cha có phải đợi tắc xi lâu không?”
“Vài phút thôi”.
“Để tôi đỡ nó, thưa cha”.
Đó là Karl. Anh đã xuống thang lầu rõ nhanh, đỡ chiếc va-li từ tay vị linh mục và xách nó xuống hành lang.
Vị linh mục Dòng Tên thong thả tiến tới quên cả Karl, quên cả Chris đang há hốc mồm vì kinh ngạc, cả Karras đang từ bếp bối rối lộ diện trong khi những tiếng nện ầm vang và những tiếng ồm ồm như ác mộng vẫn tiếp tục. Ông bình thản bước lên cầu thang, bàn tay mảnh khảnh giống như thạch cao lướt lên thành cầu thang.
Karras trờ tới bên Chris, cả hai cùng đứng dưới nhìn lên lúc Merrin bước vào phòng Regan và đóng cánh cửa lại phía sau lưng. Trong một lúc, hoàn toàn yên lặng. Thế rồi con quỷ bỗng phá lên cười gớm ghiếc và Merrin bước ra. Ông đóng cửa lại và bắt đầu đi xuống hành lang. Phía sau ông, cánh cửa phòng ngủ lại mở và Sharon nhô đầu ra, nhìn sững theo ông, nét mặt cô trông thật kỳ lạ.
Vị linh mục Dòng Tên thoăn thoắt bước xuống cầu thang, đưa tay ra cho Karras đang chờ đợi.
“Cha Karras”.
“Chào cha”.
Merrin cầm tay vị linh mục kia trong hai bàn tay ông, vừa siết chặt vừa dò xét khuôn mặt Karras với vẻ nghiêm trang và lo lắng trong lúc trên lầu tiếng cười đã biến thành những lời tục tĩu xấu xa nhắm vào Merrin. “Trông cha quá đỗi mệt mỏi”, ông nói. “Cha có mệt không?”
“Không hề. Sao cha lại hỏi vậy?”
“Cha có đem theo áo mưa đấy không?”
Karras lắc đầu nói. “Không ạ”.
“Thế thì lấy áo mưa của tôi đây”. Vị linh mục tóc hoa râm nói, vừa cởi cúc áo. “Damien, tôi muốn cha trở về cư xá soạn cho tôi một áo chùng, hai áo lễ ngắn, một khăn choàng cổ tím, ít nước thánh và hai bổn sách Lễ Nghi La Mã”, ông trao áo mưa cho Karras lúc đó đang bối rối. “Tôi tin là ta cần khởi sự ngay”.
Karras cau mày. “Cha muốn nói là bây giờ ư? Ngay lúc này ư?”
“Phải, tôi nghĩ vậy”.
“Thế cha không muốn nghe lai lịch về vụ này trước hay sao, thưa cha?”
“Tại sao?”
Chân mày Merrin nhíu lại trong dáng điệu hết sức nghiêm chỉnh.
Karras nhận ra rằng ông không trả lời được. Ông tránh nhìn vào đôi mắt đang làm ông lúng túng kia. “Vâng”. Ông đáp. Ông mặc áo mưa vào và quay đi. “Tôi sẽ đi lấy các thứ”.
Karl lao nhanh qua phòng, vượt lên trước Karras và mở cửa cho ông. Hai người trao đổi cho nhau những cái nhìn ngắn ngủi, rồi Karras bước ra ngoài đêm mưa. Merrin nhìn trở lại Chris. “Bà không phiền nếu chúng ta bắt đầu ngay chứ?” Ông khẽ hỏi.
Nàng nhìn ông, ngời lên vẻ nhẹ nhõm trước cái cảm giác về sự quả quyết, về quyền uy và ban lệnh, đang tuôn ào ạt, tràn vào như một tiếng reo hò giữa thanh thiên bạch nhật. “Không, tôi rất lấy làm sung sướng”, nàng nói với niềm biết ơn. “Mặc dù như thế thì hẳn cha phải mệt nhọc lắm, thưa cha”.
Ông thấy tia nhìn lo âu của nàng thoắt nhướng về phía cơn thịnh nộ của quỷ.
“Cha dùng một tách cà phê nhé?” Nàng mời. “Cà phê mới pha xong”. Giọng nàng cố nài. Thoáng chút khẩn khoản. “Nóng hổi. Cha dùng một chút chứ, thưa cha?”
Ông trông thấy đôi bàn tay nàng khẽ chắp, rồi lại buông, đôi mắt nàng như hai chiếc hang sâu hoắm. “Vâng, xin bà”, ông ân cần nói. “Cám ơn bà”. Một cái gì đó nặng trĩu đã được gạt khẽ qua một bên, đã được bảo hãy chờ đó đã. “Nếu bà chắc là không có gì phiền”.
Nàng đưa ông đến nhà bếp và ngay sau đó, ông đã dựa vào lò bếp với một ca cà phê trên tay.
“Cha dùng chút rượu mạnh với cà phê không, thưa cha?” Chris chìa chai rượu ra.
Ông cúi đầu nhìn xuống ca cà phê không chút biểu lộ gì. “Chà, bác sĩ bảo tôi không được dùng rượu”, ông nói. Thế rồi ông đưa chiếc ca ra. “Nhưng tạ ơn Chúa, ý chí tôi yếu đuối lắm”.
Chris ngập ngừng một lúc, do dự, rồi trông thấy nụ cười trong ánh mắt ông lúc ông ngước đầu lên. Nàng rót rượu.
“Bà có một cái tên thật là khả ái”, ông bảo nàng. “Chris MacNeil. Đó không phải là một cái tên sân khấu đấy chứ?”
Chris nhỏ từng giọt rượu mạnh vào cà phê của nàng và lắc đầu. “Không ạ. Thực sự tôi không phải là Esmerelda Glutz”.
“Tạ ơn Chúa về điều đó”, Merrin lầm thầm.
Chris mỉm cười và ngồi xuống. “Thế còn Lankester là gì, thưa cha? Cái tên nghe rất lạ lùng. Có phải cha được đặt theo tên một người nào đó không?”
“Theo tên một con tàu chở hàng”. Ông thì thầm lúc ông nhìn thẩn thờ và đưa cà phê lên môi. Ông nhấp nháp. “Hay một chiếc cầu. Phải tôi nghĩ đó là một chiếc cầu”. Ông có vẻ phiền muộn. “Bây giờ đến cái tên Damien, tôi ao ước có được một cái tên giống như Damien biết mấy. Thật vô cùng khả ái”.
“Nó xuất phát từ đâu vậy, thưa cha? Cái tên ấy?”
“Damien ấy à?” Ông nhìn xuống chiếc ca của mình. “Đó là tên một vị linh mục đã dâng hiến trọn đời mình để săn sóc những kẻ bị phong cùi trên đảo Molokai. Bản thân ông ta rốt cuộc cũng bị nhiễm bệnh ấy”. Ông ngập ngừng nói. “Một cái tên đáng yêu. Tôi tin rằng với một cái tên như Damien, tôi sẵn sàng hài lòng với ngay cả cái họ là Glutz”.
Chris cười khúc khích. Nàng cảm thấy bớt căng thẳng. Cảm thấy dễ chịu hơn. Và trong nhiều phút, nàng và Merrin nói toàn những chuyện trong nhà vặt vãnh. Cuối cùng, Sharon xuất hiện trong bếp, mãi lúc đó Merrin mới dợm đi. Cứ như thể ông đã mãi chờ đợi cô gái đến, vì ngay tức khắc ông mang ca cà phê ra bồn, rửa sạch sẽ rồi úp nó cẩn thận vào giá để chén bát. “Cà phê rất ngon, đúng là thứ tôi cần”, ông bảo.
Chris đứng dậy nói. “Tôi sẽ đưa cha đến phòng riêng”.
Ông cám ơn nàng rồi theo nàng đến cửa văn phòng. “Nếu cha có cần điều gì, thưa cha”, nàng bảo, “xin cha cứ cho tôi biết”.
Ông đặt tay lên vai nàng siết chặt, đầy khích lệ. Chris cảm thấy một nguồn sức lực và sự ấm áp tuôn chảy vào người nàng. Sự bình an. Nàng cảm thấy bình an. Và một cảm giác kỳ lạ như sự... an toàn? Nàng tự hỏi.
“Bà thật hết sức ân cần”. Đôi mắt ông mỉm cười. “Cám ơn bà”.
Ông rút tay về và nhìn nàng bước đi. Ngay lúc nàng đi khuất, một cơn đau căng nhói như xoắn lấy khuôn mặt ông. Ông vào văn phòng và đóng cửa lại. Ông rút túi quần lấy ra một hộp thiếc nhỏ in nhãn hiệu Bayer Aspirin, mở nắp, trút ra một viên nitroglycerin, và cẩn thận đặt viên thuốc dưới lưỡi.
Chris bước vào bếp. Ngừng tại cửa, nàng nhìn Sharon lúc đó đang đứng bên bếp lò, lòng bàn tay tựa trên chiếc bình lọc cà phê chờ cà phê nóng trở lại.
Chris trờ tới bên cô gái, đầy vẻ quan tâm. “Này cưng”, nàng nhỏ nhẹ bảo, “sao em không đi nghĩ một lát đi?”
Không trả lời, Sharon có vẻ trầm tưởng. Rồi cô gái quay lại nhìn Chris, thẩn thờ. “Xin lỗi. Chị vừa nói gì phải không?”
Chris nhìn kỹ nét căng thẳng trên khuôn mặt cô gái, cái vẻ xa vắng ấy. “Chuyện gì xảy ra trên đó vậy hở Sharon?” nàng hỏi.
“Xảy ra ở đâu?”
“Lúc cha Merrin bước vào phòng trên lầu ấy”.
“À, vâng...” Sharon cau mày. Cô đảo tia nhìn xa vắng về một không gian giữa nỗi nghi ngờ và sự hồi tưởng. “Vâng. Ngộ thật đấy”.
“Ngộ à?”
“Lạ lắm. Họ mới chỉ...” Cô gái ngập ngừng. “Vâng, họ mới chỉ nhìn nhau có một lúc, thế mà Regan - cái vật ấy - nó nói là...”
“Nói gì?”
“Nó nói: Lần này thì mi thua đến nơi rồi”.
Chris nhìn chăm cô gái, đợi chờ. “Rồi sao nữa?”
“Thì thế đó”. Sharon đáp. “Cha Merrin quay lại và bước ra khỏi phòng”.
“Lúc đó trông ông ta ra sao?” Chris hỏi cô gái.
“Ngộ lắm”.
“Ôi, lạy Chúa, Sharon, cô nghĩ giùm cho một tiếng nào khác đi!” Chris đốp chát và định nói điều gì nữa thì kịp nàng nhận thấy Sharon nghiêng ngó đầu về một bên, như thể lắng nghe điều gì.
Chris nhìn lên và nàng cũng nghe thấy điều đó nữa: sự yên lặng, sự chấm dứt bất thần cơn giận hoảng của quỷ, vậy mà có một điều gì đó nữa... một cái gì đó... đang dâng lên.
Hai người phụ nữ liếc nhìn nhau.
“Chị cũng cảm thấy điều ấy chứ?” Sharon khẽ hỏi.
Chris gật đầu. Ngôi nhà. Một cái gì đó trong ngôi nhà. Một nỗi căng thẳng. Không khí càng lúc càng đặc quánh lại. Một vẻ giần giật, giống như những năng lượng dần dần tích tụ lại.
Tiếng chuông cửa ngân vang những âm thanh như không thật.
Sharon quay lưng. “Để cho em”.
Cô gái bước ra hành lang và mở cửa. Karras. Ông mang một chiếc hộp các tông đựng quần áo đã giặt ủi. “Cám ơn cô, Sharon”.
Karras đi nhanh đến văn phòng, khẽ gõ cửa rồi cầm hộp bước vào. “Xin lỗi cha”, ông nói. “Tôi có hơi...”
Karras ngừng ngang. Merrin mặc áo thun quần tây, đang quỳ gối cầu nguyện bên giường, trán ông cúi thấp trên đôi tay chắp chặt. Karras đứng mọc rễ một lúc, cứ như thể ông đang tình cờ rẽ quanh một góc phố thì chợt bắt gặp lại chính mình thời thơ ấu với chiếc áo chùng của thằng bé giúp lễ phủ trên một cánh tay, đang tất tả đi ngang qua mà không hề có một cái nhìn tỏ ra nhận biết nhau.
Karras đảo tia nhìn sang chiếc hộp quần áo mở ngỏ, sang những vết mưa lấm tấm trên lớp hồ cứng. Thế rồi thong thả, tia nhìn vẫn đảo sang phía khác, ông di chuyển đến trường kỷ và xếp các thứ trong hộp ra, không một tiếng động. Xong xuôi, ông cởi áo mưa, vắt cẩn thận lên một chiếc ghế. Lúc nhìn trở lại hướng Merrin, ông thấy vị linh mục đang làm dấu thánh giá. Ông vội quay đi chỗ khác, với xuống lấy chiếc áo lễ vải trắng cỡ lớn hơn. Ông bắt đầu mặc áo lễ lên trên áo chùng. Ông nghe tiếng Merrin đứng dậy, rồi, “Cảm ơn cha, Damien”. Karras quay lại đối diện ông, tay kéo chiếc áo lễ xuống trong lúc Merrin trờ tới trước trường kỷ, mắt ông khẽ lướt trên các thứ đặt trên đó.
Karras với lấy một áo len. “Tôi nghĩ cha có thể mặc chiếc áo len này bên dưới áo chùng, thưa cha”. Ông bảo Merrin lúc trao chiếc áo. “Căn phòng ấy lắm lúc lạnh lắm”.
Merrin khẽ rờ chiếc áo len bằng cả hai tay. “Cha thật rất chu đáo, Damien ạ”.
Karras nhặt chiếc áo chùng của Merrin ở trường kỷ lên, nhìn vị linh mục chui đầu qua chiếc áo len và chỉ lúc đó, vẻ rất bất ưng, lúc nhìn cái động tác dung tục, thân thuộc này, Karras mới cảm nhận được tác động mạnh mẽ vô biên của con người đó, của giây phút đó, của vẻ tĩnh mịch trong ngôi nhà đó đã đè bẹp ông xuống, đã khiến ông ngạt thở.
Ông tỉnh người lại với cảm giác chiếc áo chùng bị giật khỏi đôi tay ông. Merrin. Ông ta đang vội mặc chiếc áo chùng lên người. “Cha đã quen với những quy tắc của lễ đuổi quỷ rồi chứ, Damien?”
“Vâng, tôi đã quen”. Karras trả lời.
Merrin bắt đầu cài nút áo chùng. “Đặc biệt quan trọng là lời cảnh cáo phải tránh nói chuyện với quỷ...”
“Quỷ!” Ông ta nói tiếng đó thật hết sức là đương nhiên, Karras nghĩ. Điều đó làm ông gai hết cả người.
“Chúng ta có thể hỏi điều gì thích hợp”, Merrin nói, lúc ông cài nút cổ áo chùng. “Nhưng bất cứ điều gì vượt quá phạm vi đó đều nguy hiểm. Cực kỳ”. Ông đỡ lấy chiếc áo lễ trên tay Karras rồi mặc nó lên trên áo chùng. “Đặc biệt là không được nghe bất cứ điều gì nó nói. Quỷ là dối trá. Nó sẽ nói dối để khuấy rối tâm trí ta, nhưng nó cũng pha trộn những điều dối trá chung với sự thật để tấn công chúng ta. Sự tấn công đó mang tính chất tâm lý, Damien ạ. Và mạnh mẽ. Chớ nghe. Hãy nhớ điều đó. Chớ có nghe”.
Lúc Karras trao cho ông chiếc khăn choàng, nhà đuổi quỷ nói thêm. “Cha có bất cứ điều gì muốn hỏi bây giờ không, Damien?”
Karras lắc đầu. “Không. Nhưng tôi nghĩ có thể giúp ích nếu tôi trình bày với cha đôi nét về lai lịch của các bản ngã mà Regan đã biểu lộ. Cho đến nay, dường như có đến ba bản ngã”.
“Chỉ có một mà thôi”. Merrin khẽ nói, khoác chiếc khăn choàng quanh vai. Trong một thoáng, ông cứ ghì chặt dải khăn, đứng bất động, lúc một vẻ ám ảnh xuất hiện nơi mắt ông. Rồi ông với lấy mấy bổn Nghi Lễ La Mã và trao một bổn cho Karras. “Chúng ta sẽ bỏ qua đoạn kinh Cầu Các Thánh. Cha có nước thánh chứ?”
Karras rút trong túi ra lọ nước thánh gọn, nhỏ, đậy bằng nút bấc. Merrin cầm lấy lọ nước, rồi gật đầu cách thanh thản về phía cửa. “Xin cha dẫn đường cho, Damien”.
Trên lầu, cạnh cửa phòng Regan, Sharon và Chris đứng căng thẳng, chờ đợi. Hai người bó mình trong chiếc áo len và áo vét dày cộm. Lúc nghe tiếng cửa mở ra, họ quay lại nhìn xuống dưới, trông thấy Karras và Merrin đang đi xuôi hành lang đến chân cầu thang trong cung cách một đám rước long trọng. Cao, họ thật là cao, Chris nghĩ. Và Karras: cái gương mặt đen đúa như đá tạc ấy ở bên trên màu trắng của chiếc khăn choàng vai của cậu bé giúp lễ hồn nhiên vô tội ấy. Nhìn họ đều bước trèo lên cầu thang, Chris cảm thấy xúc động sâu sắc, lạ lùng. Đây, người anh lớn của ta đang đến để đánh vở óc mi ra đây, đứa quấy rầy ạ! Đó là một cảm tưởng, nàng nghĩ, rất giống như thế. Nàng cảm thấy được tim mình khởi sự đập nhanh hơn.
Tại cửa phòng, hai vị linh mục Dòng Tên dừng lại. Karras cau mày nhìn áo len và áo vét Chris mặc. “Bà định vào sao?”
“Vâng, tôi thực tâm nghĩ là tôi cần phải vào”.
“Xin đừng vào”, ông thuyết phục nàng. “Đừng. Bà sẽ phạm một sai lầm lớn đấy”.
Chris quay lại Merrin, ánh mắt han hỏi.
“Cha Karras biết rõ hơn ai hết”. Nhà đuổi quỷ khẽ bảo.
Chris lại nhìn Karras. Nàng gục đầu. “Thôi được”, nàng chán nản nói. Nàng dựa người vào tường. “Tôi sẽ đợi ngoài này”.
“Tên lót của con gái bà là gì?” Merrin hỏi.
“Teresa”.
“Một cái tên thật khả ái”, Merrin nồng nhiệt nói. Ông nhìn trả nàng hồi lâu vẻ khích lệ. Rồi ông nhìn cánh cửa, và một lần nữa, Chris lại cảm thấy điều đó, sự căng thẳng đó, sự cô đặc lại của cõi đen tối cuộn khúc đó. Ở trong đó. Trong cái phòng ngủ đó. Bên kia cánh cửa đó. Karras cũng cảm thấy điều đó, nàng nhận thấy, và Sharon nữa...
Merrin gật đầu. “Được rồi”, ông khẽ nói.
Karras mở cửa và suýt dội bật lại vì cái mùi xú uế và cái lạnh băng giá phả vào người.. Trong một góc phòng, Karl ngồi thu lu trên một cái ghế. Anh ta mặc một chiếc áo vét đi săn màu xanh ô liu đã bạc màu và quay về Karras, vẻ mong ngóng. Vị linh mục liền ném tia nhìn về phía con quỷ trên giường. Đôi mắt lập lòe của nó nhìn trừng trừng qua người ông về phía hành lang. Đôi mắt đó dán lấy Merrin.
Karras di chuyển đến chân giường, còn Merrin cao và lừng lững, thong thả bước sang cạnh giường. Đến đó ông dừng lại và nhìn xuống cõi thù ghét kia.
Một sự tĩnh lặng ngột ngạt bủa vây căn phòng. Rồi Regan lia chiếc lưỡi đen kịt như lưỡi chó sói liếm ngang đôi môi sưng vếu, nứt nẻ của mình. Nó phát ra âm thanh như tiếng một bàn tay vuốt trên tờ giấy bằng da nhúm nhó. “Hừ, đồ cặn bã kiêu căng!” Con quỷ giọng ồm ồm. “Rốt cuộc! Rốt cuộc mi đã đến!”
Vị linh mục cao niên đưa tay lên làm dấu thánh giá trên giường, rồi lặp lại cử chỉ đó về khắp phía trong phòng. Quay trở lại, ông rút nút lọ nước thánh.
“À, phải rồi! Nước đái thánh đây rồi!” Con quỷ giọng rin rít. “Tinh khí của các thánh đây!”
Merrin đưa chai nước thánh lên và mặt con quỷ trở nên xám xịt, nhăn nhúm. “À, mày dám hả, thằng con hoang kia?” Nó sôi sục lên với ông. “Mày dám hả?”
Merrin bắt đầu vẩy nước thánh.
Con quỷ giật phắt đầu lên, những cơ bắp ở cổ và miệng run lên vì giận hoảng. “Phải, rảy đi! Rảy đi! Merrin! Làm ướt chúng tao đi! Nhận chìm chúng tao dưới mồ hôi của mày đi! Mồ hôi của mày được thánh hóa rồi mà! Thánh Merrin! Hãy khom người xuống và phơi cái mông đít thánh khiết ấy ra cho chúng tao tôn thờ, sùng bái đi chứ! Cho chúng tao hôn nó! Liếm nó, cái...”
“Im mồm!”
Mấy tiếng ấy ném ra như sấm sét. Karras co rúm người lại, hất đầu ra sau bàng hoàng nhìn Merrin, vị linh mục cao niên lúc ấy nhìn trừng trừng Regan, đầy vẻ truyền khiển. Con quỷ yên lặng. Nhìn trả lại ông. Có điều đôi mắt nó lúc đó đầy do dự. Chớp chớp. Cảnh giác.
Merrin đậy nút lọ nước thánh lại cách chiếu lệ rồi trao nó lại cho Karras. Nhà tâm thần học bỏ lọ nước vào túi và nhìn Merrin quỳ gối xuống bên cạnh giường, nhắm mắt lại, thì thầm cầu nguyện. “Lạy cha chúng tôi...” ông ta bắt đầu.
Regan khạc ngay vào mặt Merrin một bãi đờm vàng khè nhầy nhụa. Bãi đờm từ từ nhỉ xuống trên má người đuổi quỷ.
“... Nước cha trị đến...” Đầu vẫn cuối, Merrin tiếp tục bài cầu nguyện, không hề gián đoạn, trong lúc tay ông rút túi ra một chiếc khăn tay và thong thả lau lớp đờm dãi. “... Xin chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ”. Ông dịu dàng kết thúc.
“Bèn cứu chúng tôi cho khỏi sự dữ”, Karras đáp.
Ông thoáng nhìn lên. Đôi mắt Regan trợn ngược hẳn vào hai hốc mắt, chỉ còn trơ lại mỗi tròng trắng. Karras cảm thấy bất an. Cảm thấy một cái gì đó trong phòng đang đông đặc lại. Ông trở lại với sách lễ để theo dõi lời cầu nguyện của Merrin.
“Lạy Thiên Chúa là cha của Chúa Giê su Kitô Chúa chúng tôi, tôi kêu cầu danh thánh ngài, xin ân ban cho chúng tôi sự cứu giúp để địch lại loài tà linh đang hành hạ một vật thọ tạo của ngài lúc này đây, nhờ Đức Kitô Chúa chúng tôi”.
“Amen”, Karras họa lại.
Lúc đó, Merrin đứng lên và thành kính cầu nguyện. “Lạy Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa và kẻ che chở loài người, xin hãy đoái thương đến kẻ tôi tớ của ngài đây là Regan Teresa MacNeil, hiện đang bị hãm trong vòng vây của kẻ thù xưa của con người, kẻ địch truyền kiếp của chúng tôi, kẻ...”