Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Phần III (B)

     rong lúc Karl và Sharon coi chừng Regan, thì họ ngồi trong văn phòng, Chris trên trường kỷ, Karras trên một chiếc ghế cạnh lò sưởi. Rồi Chris kể lại bệnh sử của Regan, dù nàng đã thận trọng không đề cập gì đến các hiện tượng có liên quan đến Dennings.
Vị linh mục lắng nghe, nói rất ít: thỉnh thoảng một câu hỏi, một cái gật đầu, một cái cau mày.
Chris thừa nhận rằng lúc đầu, nàng đã cứu xét đến việc đuổi quỷ như một phương cách trị liệu cơn sốc. “Bây giờ thì tôi cũng không biết nữa”. Nàng nói, lắc đầu. Mấy ngón tay đầy tàn nhang chắp lại, co quắp đặt trên lòng nàng. “Quả thật tôi không biết”. Nàng nhướng mắt nhìn vị linh mục trầm ngâm kia. “Cha nghĩ thế nào, thưa cha?”
“Có lẽ một hành vi bị cưỡng ép phát sinh do tội lỗi cộng chung với chứng tâm thần phân liệt”.
“Thưa cha, tôi đã chán ngấy mấy thứ rác rến đó rồi! Làm sao cha có thể nói như thế sau khi cha đã chứng kiến mọi sự đó?”
“Nếu bà đã từng gặp nhiều bệnh nhân trong những Khu Tâm thần như tôi, thì bà có thể nói như thế rất dễ thôi”. Ông trấn an nàng. “Bây giờ hãy nghe tôi đây. Quỷ ám, được rồi: ta cứ giả thiết như đó là một sự thật của cuộc đời, rằng nó có xảy ra đi. Nhưng ở đây con gái bà không nói là quỷ nhập vào nó, nhưng nó cứ nằng nặc bảo rằng nó chính thị là con quỷ, và điều đó cũng hệt như bà xưng mình là Napoléon Bonaparte thôi! Bà thấy chứ?”
“Thế thì hãy giải thích các tiếng gõ và mọi điều đó xem”.
“Tôi không nghe thấy mấy tiếng đó”.
“Hừ, nhưng mà người ta đã nghe thấy chúng ở Barringer, thưa cha, như vậy không phải điều đó chỉ có xảy ra ở mỗi ngôi nhà này”.
“Chà, có lẽ thế, nhưng chúng ta cũng không cần gì đến một con quỷ để giải thích mọi việc đó”.
“Vậy thì hãy giải thích đi”, nàng đòi hỏi.
“Hiện tượng thần kích”.
“Cái gì?”
“Sao, bà đã từng nghe về các hiện tượng yêu quái rồi, phải không?”
“Lũ ma quái ném bát dĩa đồ đạc ấy chứ gì?”
Karras gật đầu. “Điều đó cũng chẳng có gì bất thường, và hay xảy ra nơi một kẻ thiếu niên bị rối loạn tình cảm. Rõ ràng, sự căng thẳng thái quá của tâm trí đôi khi có thể phát sinh một năng lực vô danh nào đó khả dĩ di chuyển được các đồ vật ở một khoảng cách xa. Chuyện ấy thì chẳng có gì là siêu phàm cả. Giống như sức mạnh khác thường của Regan vậy. Xin nhắc lại, trong bệnh lý học, điều đó là bình thường. Cứ gọi đó là sức mạnh của tinh thần chi phối vật chất, nếu bà muốn”.
“Tôi gọi điều đó là kỳ quặc”.
“Dù gì đi nữa, điều đó cũng xảy ra ngoài phạm vi quỷ ám”.
“Trời đất, xem có hay không cơ chứ”, nàng nói mỏi mệt. “Ở đây, tôi là một người vô thần, còn cha là một linh mục vậy mà...”
“Lời giải thích tốt nhất cho bất cứ hiện tượng nào”, Karras bất chấp lời nàng, “luôn luôn là lời giải thích đơn giản nhất sẵn có, nó bao hàm tất cả mọi sự kiện”.
“Chà, có lẽ là tôi ngốc nghếch quá”, nàng trả đũa lại, “Thế nhưng bảo tôi rằng một bộ phận lạ lùng trong đầu người ta có thể ném bát dĩa lên trần nhà thì cầm bằng như chẳng bảo tôi cái gì hết. Vậy thì nó là cái gì? Cha có thể bảo cho tôi biết nó là cái gì được chứ?”
“Không, chúng ta không hiểu...”
“Tâm thần phân liệt là cái quái gì thưa cha? Cha nói điều đó, tôi nghe nó. Nó là cái gì? Có phải thật tôi ngu đến mức đó không? Cha vui lòng bảo cho tôi nghe nó là gì, bằng cách nào để cho rốt cuộc cái đầu đần độn này có thể vỡ lẽ ra được không?” Trong đôi mắt chằng chịt gân máu đỏ là một lời khẩn cầu cực cùng bối rối.
“Coi kìa, trên thế gian này chẳng một kẻ nào dám mạo nhận là mình hiểu được điều ấy cả”. Vị linh mục hòa nhã bảo nàng. “Chúng ta chỉ được biết là điều đó có xảy ra mà thôi, còn bất cứ điều gì vượt quá tự thân hiện tượng đó thì chỉ thuần túy là điều ức đoán thôi. Nhưng nếu muốn, bà cứ suy nghĩ như thế này: bộ óc con người chứa đựng, cứ gọi là, mười bảy tỷ tế bào”.
Chris nghiêng người ra trước, cau mày chăm chú.
“Nhìn vào những tế bào não này”, Karras tiếp tục, “ta thấy chúng xử lý ngót một trăm triệu thông điệp mỗi giây đồng hồ: đó là con số những cảm giác dồn dập tấn công vào cơ thể chúng ta. Các tế bào não chẳng những tổng hợp các thông điệp đó, mà chúng còn quán xuyến việc đó một cách đầy hiệu quả, chúng làm việc đó mà không hề vấp váp hay cản trở lẫn nhau. Như vậy thì làm thế nào chúng có thể làm được việc ấy mà không có một hình thức thông tin nào đó? Vâng, có vẻ như rằng chúng không làm được thật. Do đó rõ ràng là mỗi một tế bào ấy phải có một ý thức, có lẽ thế, của riêng nó.. Bây giờ ta hãy tưởng tượng như cơ thể con người là một thương thuyền viễn dương khổng lồ, được chứ? Và tất cả các tế bào não của anh ta là thủy thủ đoàn. Một trong các tế bào não ở mãi trên cầu tàu. Y là thuyền trưởng. Nhưng y không thể nào biết chính xác được là đám thủy thủ còn lại kia ở dưới boong tàu đang làm gì. Y chỉ biết được rằng con tàu vẫn chạy đều, rằng công việc được hoàn tất chu đáo. Bây giờ viên thuyền trưởng đó là bà, đó là cái ý thức tỉnh táo của bà. Và việc xảy ra nơi một bản ngã nhị trùng - có lẽ vậy - chính là một trong những tế bào thủy thủ đoàn ở dưới các boong tàu kia xông lên trên cầu tàu và chiếm quyền chỉ huy. Nói một cách khác, nổi loạn. Sao? như thế có giúp cho bà hiểu sự việc không?”
Nàng nhìn trừng trừng, không chớp mắt, trong vẻ ngờ vực. “Thưa cha, điều đó quá trừu tượng cho đến nỗi tôi nghĩ là tin vào ma quỷ hầu như lại còn dễ hơn nhiều”.
“Chà...”
“Cha xem, tôi không biết gì về tất cả mớ lý thuyết này”, nàng ngắt lời bằng một giọng khe khẽ mãnh liệt. “Nhưng tôi xin thưa với cha một điều, cha cứ chỉ cho tôi thấy đứa bé song sinh giống hệt như Regan: cùng khuôn mặt đó, giọng nói đó, mùi đó, giống hệt đến cả cái cách con bé chấm chữ ‘i’ nữa, tôi vẫn nhận ngay ra được đó không phải là con bé! Tôi biết ngay điều đó! Tôi biết điều đó từ trong ruột biết ra và tôi xin thưa với cha rằng tôi biết cái vật trên lầu kia không phải là con gái tôi! Tôi biết điều đó! Tôi biết quá!”
Nàng dựa ra sau, kiệt quệ. “Bây giờ, cha hãy bảo tôi phải làm gì đi”, nàng thách đố. “Nào, cha hãy bảo tôi rằng cha biết rõ mười mươi là không có gì trục trặc với con gái tôi hết trừ ra trong cái đầu của nó, rằng cha biết rõ mười mươi là nó chẳng cần gì đến phép đuổi quỷ, rằng cha biết việc đó chẳng giúp ích được gì cho nó. Nào! Cha nói đi! Cha nói cho tôi biết phải làm gì đi chứ!”
Trong mấy giây đồng hồ đầy bối rối, dài dặc đó, vị linh mục vẫn lặng thinh. Sau đó, ông nhỏ nhẹ đáp “Vâng, thật là ít có điều gì trên thế gian này mà tôi được biết rõ mười mươi”. Ông tư lự, lọt thỏm trở lại chiếc ghế. Rồi ông nói tiếp. “Có phải Regan có một giọng nói trầm không? Lúc bình thường ấy?”
“Không. Sự thực tôi phải nói là giọng cháu rất thanh”.
“Bà có cho rằng cháu khôn trước tuổi không?”
“Khoảng trung bình”.
“Cháu quen đọc sách báo gì?”
“Đọc tác giả Nancy Drew và các truyện vui bằng tranh, hầu hết là thế”.
“Còn phong cách nói năng ngay lúc này đây: theo bà thì nó khác với lối nói năng bình thường của cháu đến mức nào?”
“Hoàn toàn khác. Con bé chưa bao giờ dùng đến một nữa các từ ấy”.
“Không, tôi không định bàn đến nội dung từ ngữ, tôi muốn nói đến phong cách cơ”.
“Phong cách?”
“Cách mà cháu phối hợp các từ với nhau ấy”.
“Chà, tôi cũng không dám chắc là tôi hiểu được ý cha muốn nói gì”.
“Bà có thư từ gì của cô bé viết không? Các bài tập làm văn? Một đoạn ghi âm giọng nói cháu cũng...”
“Có, có một cuốn băng ghi lời con bé với bố nó”, nàng ngắt lời. “Nó cho thu băng đó để gởi cho bố nó, như một bức thư, nhưng nó chưa bao giờ thu xong cả. Cha cần cuốn băng đó không?”
“Vâng, tôi cần, và tôi cũng cần có - những hồ sơ bệnh lý của cháu, nhất là hồ sơ của y viện Barringer”.
“Kìa cha, tôi đã đi con đường đó và tôi...”
“Vâng, vâng, tôi biết, nhưng tôi vẫn cần đích thân xem xét các hồ sơ đó”.
“Ra thế là cha vẫn chống lại việc đuổi quỷ”.
“Tôi chỉ chống lại một dịp chỉ có thể làm hại con gái bà hơn là giúp ích”.
“Nhưng cha đang nói thuần túy với tư cách một bác sĩ tâm thần, đúng?”
“Không, lúc này đây tôi cũng đang nói với tư cách một linh mục nữa. Nếu tôi đi đến văn phòng Bí thư Đức Giám Mục hay bất cứ nơi nào tôi phải đến để xin phép họ cho cử hành một nghi lễ đuổi quỷ, thì việc đầu tiên tôi phải có sẵn chính là một sự biểu thị khá quan trọng cho thấy tình trạng của con gái bà không phải chỉ đơn thuần là một vấn đề tâm thần. Sau đó, tôi cần đến chứng cớ để Giáo hội có thể chấp nhận là những dấu hiệu của người bị quỷ ám”.
“Chẳng hạn như cái gì?”
“Tôi không biết. Tôi còn phải đi tra cứu về điều đó”.
“Cha đùa chăng? Tôi cứ nghĩ cha hẳn là một chuyên gia ấy chứ”.
“Ngay bây giờ có thể bà biết nhiều điều về chuyện quỷ ám hơn cả hầu hết các linh mục. Lâm thời, lúc nào thì bà có thể lấy cho tôi những hồ sơ ở Barringer đây?”
“Nếu cần thiết, tôi sẽ thuê bao một chiếc máy bay!”
“Còn cuốn băng kia?”
Nàng đứng lên. “Để tôi đi xem có tìm thấy không”.
“Và thêm một thứ nữa thôi”, ông thêm. Nàng dừng lại cạnh ghế ông. “Cuốn sách mà bà đề cập đến có chương viết về quỷ ám: bà nghĩ là bà có thể cho rằng Regan đã từng đọc nó trước khi đột phát chứng bệnh này không?”
Nàng tập trung tư tưởng, mấy ngón tay cào cào trên bờ răng. “Chà, hình như tôi nhớ là nó có đọc một cái gì đó trước khi cái đồ chết tiệt... trước khi chuyện rắc rối này thực sự xảy ra”. Nàng bổ sung. “Nhưng quả thực tôi cũng không dám chắc nữa. Mà quả cháu có đọc nó một lúc nào đó, tôi nghĩ vậy. Tôi muốn nói là tôi chắc vậy. Khá chắc chắn”.
“Tôi muốn xem quyển sách ấy. Được chứ ạ?”
“Cuốn sách đó của cha mà. Nó mượn đã quá hạn ở thư viện của cha. Tôi đi lấy đây”. Nàng rời văn phòng. “Cuốn băng kia chắc là ở tầng hầm. Tôi sẽ đi xem. Tôi sẽ trở lại ngay”.
Karras thờ ơ gật đầu, nhìn chăm chú một dạng hoa văn trên tấm thảm, rồi sau đó mấy phút, ông đứng dậy, thong thả bước ra hành lang lối vào, và đứng bất động trong bóng tối, đứng không một nét biểu lộ nào, trong một chiều cạnh khác, nhìn chăm vào cõi hư vô, với hai bàn tay thủ vào túi kịp lúc ông nghe thấy tiếng ủn ỉn của một con heo trên lầu, tiếng sủa ăng ẳng của một con chó rừng, tiếng nấc, tiếng huýt như rắn.
“Ủa, ra cha đứng đó! Thế mà tôi lại đi tìm trong văn phòng”.
Karras quay lại thấy Chris đang bật đèn lên.
“Cha đi sao?” Nàng trờ tới trước với cuốn sách và băng ghi âm.
“Tôi e rằng mình còn phải soạn một bài giảng cho ngày mai”.
“Ồ! Giảng ở đâu ạ?”
“Ở trường Y khoa”. Ông nhận sách và băng từ tay nàng. “Tôi sẽ cố đến đây vào khoảng xế trưa hay chiều mai. Lâm thời, nếu có chuyện gì khẩn cấp xảy ra, bà cứ việc gọi tôi, bất luận vào giờ nào. Tôi sẽ dặn tổng đài ở cư xá chuyển đường dây của bà cho tôi ngay”. Nàng gật đầu. Vị linh mục mở cửa. “Còn bây giờ ba cái vụ thuốc men bà đã sắp xếp ra sao rồi?” Ông hỏi.
“Ổn cả”, nàng đáp. “Cứ toa cũ bổ lại thôi ạ”.
“Bà không mời bác sĩ đến nữa sao?”
Người nữ diễn viên nhắm mắt lại và lắc đầu rất khẽ.
“Bà biết đấy, tôi không phải là bác sĩ đa khoa đâu”. Ông lưu ý.
“Tôi không thể”, nàng thì thầm. “Tôi không thể”.
Ông có thể cảm nhận được nỗi xao xuyến của nàng đập dồn dập như những đợt sóng vỗ lên một bãi bờ xa lạ.. “Chà, bây giờ thì sớm muộn gì tôi cũng phải trình với một bậc bề trên về việc tôi đang làm, nhất là trong trường hợp tôi còn phải lui tới đây vào những giờ giấc bất thường khác nhau trong đêm hôm”.
“Có cần thiết phải làm như thế không?” nàng cau mày, nhìn ông, lo lắng.
“Kìa, nếu tôi không làm thế thì sự việc xem ra có vẻ khá kỳ dị đấy, bà thấy thế không?”
Nàng nhìn xuống. “Vâng, tôi hiểu cha muốn nói gì”, nàng thì thào.
“Bà có phiền không? Tôi chỉ trình với bề trên những gì cần thiết thôi. Đừng lo”, ông quả quyết với nàng. “Câu chuyện không bị đồn đại đâu”.
Nàng ngước khuôn mặt đau đớn, vô vọng về phía đôi mắt buồn thảm, mạnh mẽ kia, nàng thấy được sức mạnh, thấy được niềm đau.
“Được thôi”, nàng nói yếu ớt.
Nàng tin cậy ở niềm đau đó.
Ông gật đầu. “Bây giờ ta nói chuyện đi”.
Ông khởi bước ra ngoài, nhưng rồi lại nấn ná ở ngưỡng cửa chốc lát, suy nghĩ một tay đặt trên môi. “Con gái bà có biết là một linh mục lui tới đây không?”
“Không, không, không một ai biết, ngoại trừ tôi”.
“Bà có biết mẹ tôi vừa mới mất ít lâu nay thôi không?”
“Vâng. Tôi rất lấy làm tiếc”.
“Regan có biết điều đó không?”
“Sao cơ?”
“Cháu bé có biết điều đó không?”
“Không. Tuyệt không”.
Ông gật đầu.
“Sao cha lại hỏi thế?” Chris lặp lại, đôi mày nàng khẽ nhíu lại vì hiếu kỳ.
“Không có gì quan trọng”. Ông nhún vai. “Tôi chỉ thắc mắc thôi”. Ông nhìn kỹ nét mặt nàng với thoáng vẻ lo âu. “Bà có ngủ được chút nào không?”
“Chút đỉnh”.
“Vậy thì uống thuốc đi. Bà có dùng Librium không?”
“Có”.
“Bao nhiêu?” Ông hỏi.
“Mười miligam, ngày hai lần”.
“Vậy hãy thử dùng hai mươi miligam, ngày hai lần. Lâm thời, cố tránh xa con gái bà. Bà càng chứng kiến hành vi hiện tại của cháu bao nhiêu, những tình cảm của bà với nó càng có cơ bị tác hại vĩnh viễn bấy nhiêu. Hãy tránh cho xa. Và hãy bình tâm, thong thả trở lại. Bà phải biết là bà không thể giúp ích gì được cho Regan với tình trạng thần kinh suy sụp của bà đâu!”
Nàng gật đầu chán ngán, mắt cúi thấp.
“Bây giờ xin bà hãy đi ngủ cho”, ông dịu dàng bảo. “Bà có vui lòng đi ngủ ngay cho không?”
“Vâng, được”, nàng nhỏ nhẹ nói. “Được, tôi hứa”. Nàng nhìn ông với một nét cười. “Chúc cha ngủ ngon, thưa cha. Cảm ơn. Cảm ơn cha rất nhiều”.
Ông nhìn nàng chăm chú hồi lâu không chút biểu lộ gì, rồi quày quả bỏ đi.
Chris tựa cửa trông theo. Lúc ông băng qua đường, nàng chợt nhớ ra chắc ông đã lỡ mất bữa ăn tối. Rồi trong thoáng chốc, nàng lại lo là ông có thể bị lạnh lắm. Ông đang buông tay áo xuống.
Tại góc phố Prospect và Đại lộ Ba Mươi Sáu, ông đánh rơi quyển sách và cuối nhanh xuống nhặt lên, xong rẽ quanh góc phố và mất dạng. Lúc nhìn ông đi khuất, Chris chợt nhận thức được một cảm giác nhẹ lâng lâng. Nàng không nhìn thấy Kinderman đang ngồi một mình trong chiếc xe không mang phù hiệu cảnh sát.
Nàng đóng cửa lại.

*

Nửa giờ sau, Damien Karras vội vã trở về phòng riêng trong Khu cư xá Dòng Tên với một số sách và tạp chí lấy ở thư viện Đại Học Georgetown. Ông hối hả ném chúng xuống bàn giấy rồi lục lọi các ngăn kéo tìm gói thuốc lá. Tìm thấy nữa gói Camel đã mốc thếch, ông đốt một điếu, rít thật sâu và ém khói trong phổi, vừa mãi suy nghĩ về Regan.
Chứng loạn thần kinh ít-tê-ri rồi. Ông biết chắc chắn là chứng ít-tê-ri, không chạy đâu cho khỏi. Ông phà khói, móc hai ngón tay vào dây thắt lưng và nhìn xuống mớ sách báo. Ông đang có trong tay các tác phẩm: Quỷ Ám của Oesterreich, Những Con Quỷ Ở Loudun của Huxley, Chứng Loạn Thức Trong Trường Hợp Haizman Do Freud Nghiên Cứu cũng của tác giả Huxley, Quỷ Ám Và Phép Đuổi Quỷ Trong Buổi Ban Sơ Của Thiên Chúa giáo Dưới Ánh Sáng Các Quan Điểm Hiện Đại Về Bệnh Tâm Thần của McCasland, cùng các trích đoạn từ các nhật ký tâm thần học của Freud như: “Chứng Loạn Thần Kinh Chức Năng Trong Hiện Tượng Quỷ Ám Ở Thế Kỷ XVII Và Ngành Nghiên Cứu Về Quỷ Trong Tâm Thần Học Hiện Đại”.
“Xin cha hãy giúp đỡ cho một thằng bé giúp lễ ngày xưa, cha ơi!”
Vị linh mục Dòng Tên sờ chân mày, rồi nhìn mấy ngón tay, vừa chùi một giọt mồ hôi dính dáp giữa mấy ngón tay đó. Lúc đó ông nhận thấy cửa phòng ông mở ngỏ. Ông băng ngang phòng đóng cửa lại, rồi đến kệ sách lấy cuốn Nghi Lễ La Mã bọc bìa đỏ, một pho trích yếu các nghi lễ và kinh bổn. Ngậm chặt điếu thuốc, ông liếc qua làn khói thuốc lúc lật đến “Các Quy Tắt Chung” dành cho các thầy đuổi quỷ, tìm các dấu hiệu của người bị quỷ ám. Ông lướt nhanh rồi bắt đầu đọc chậm hơn.
..... “Thầy đuổi quỷ chớ nên quá dễ tin rằng một người bị tà linh ám, ông ta cần phải xác định được các dấu hiệu bằng vào đó một người bị quỷ ám có thể phân biệt được với một kẻ mắc một chứng bệnh nào đó, đặc biệt là một hội chứng có tính cách tâm lý. Các dấu hiệu quỷ ám có lẽ như sau đây: Khả năng nói khá lưu loát một thứ tiếng lạ và hiểu được thứ tiếng ấy khi có ai khác nói nó, quyền năng tiết lộ được tương lai và các biến cố kín dấu, sự thi thố các năng lực vượt quá tuổi tác và điều kiện tự nhiên của nạn nhân, và nhiều điều khác, mà khi nhập chung làm một, củng cố thêm chứng cớ ấy.....”
Suốt một lúc Karras cứ trầm ngâm, xong ông tựa vào kệ sách và đọc phần còn lại của các mục chỉ dẫn. Lúc đọc xong, ông bắt gặp mình nhìn ngược lên mục chỉ dẫn số tám.
... “Một vài dấu hiệu cho thấy một tội ác đã phạm và những hung thủ gây nên tội ác đó...”
Ông ngước lên nhìn cửa lúc ông nghe có tiếng gõ. “Damien?”
“Vào đi”.
Đó là cha Dyer. “Này, Chris MacNeil đã gọi điện nằng nặc đòi gặp cha cho bằng được ấy. Bà ấy đã tiếp xúc được với cha chưa?”
“Khi nào? Cha muốn nói là... tối nay?”
“Không, hồi xế trưa”.
“À, vâng, tôi đã nói chuyện với bà ấy rồi”.
“Tốt”, Dyer đáp. “Tôi chỉ muốn biết chắc là cha đã nhận được tin ấy thôi”. Vị linh mục nhỏ thó kia lúc này đi rảo khắp phòng, cầm lên hết món này món kia như một con quỷ nhỏ trong tiệm bán đồ cũ.
“Cha cần gì, Joe?” Karras hỏi ông ta.
“Có kẹo chanh không?”
“Gì cơ?”
“Tôi đã lùng sục suốt cả cái cư xá này để tìm ít viên kẹo chanh. Chẳng ai có cả. Trời đất, tôi thèm một viên kẹo muốn chết”. Dyer trầm ngâm, vẫn tiếp tục lùng sục. “Có dạo suốt một năm trời, tôi ngồi nghe lũ trẻ con xưng tội, rốt cuộc tôi đâm ra ghiền món kẹo chanh. Mấy cái thằng lỏi tì chúng cứ đều đều phả vào mặt mình cái hơi thở nồng cái mùi ma túy đó. Thế là chỉ giữa hai buổi xưng tội, tôi đã hóa ra một anh nghiện kẹo”. Ông mở nắp một chiếc hộp đựng thuốc hút ống điếu, trong đó Karras dự trữ một ít hạt hồ trần. “Những thứ quái gì đây?”
Karras quay lại kệ sách tìm một tựa sách. “Này, Joe, tôi đang phải...”
“Chris khả ái thật đấy chứ?” Dyer ngắt lời, thả rơi mình xuống giường. Ông duỗi thẳng người, hai tay chắp lại thoải mái ra sau đầu. “Một người phụ nữ khả ái. Cha đã gặp bà ta chưa?”
“Chúng tôi có nói chuyện rồi”, Karras trả lời, rút ra một pho sách bọc bìa xanh lục tựa là “Satan”, một tuyển tập các bài viết và các công trình biên khảo theo quan điểm Công giáo của các nhà thần học Pháp. Ông mang bộ sách về bàn giấy. “Này, thú thật lúc này tôi phải...”
“Giản dị. Thực tế. Không kiểu cách”. Dyer nói tiếp. “Bà ấy có thể giúp ích chúng ta trong chương trình của tôi khi hai chúng ta bỏ đời tu sĩ”.
“Ai định bỏ đời tu sĩ?”
“Bọn đồng tính luyến ái. Từng đàn từng lũ. Màu đen căn bản đã lỗi thời rồi. Bây giờ tôi...”
“Joe, tôi có bài giảng cần phải chuẩn bị cho ngày mai”. Karras nói lúc ông đặt mớ sách lên bàn.
“Vâng, được rồi. Chương trình của tôi bây giờ là thế này, ta đi đến gặp Chris MacNeil, hiểu chứ? Với cái ý niệm tôi vừa có về một kịch bản dựa trên cuộc đời Thánh Ignatius Loyola. Tựa đề phim là Các Tu Sĩ Dòng Tên Dũng Cảm Tuần Hành, và...”
“Cha có vui lòng xéo khỏi đây không, Joe?” Karras giục, vừa dụi mẩu thuốc lá vào chiếc gạt tàn.
“Chuyện này làm cha chán chăng?”
“Tôi còn phải làm việc”.
“Con quỷ ma nào cấm cản cha đâu?”
“Thôi, đi đi, tôi nói thật đó”, Karras bắt đầu cởi áo sơ mi. “Tôi nhảy vào tắm một cái rồi ra làm việc liền”.
“À này, không thấy cha ở buổi ăn tối”, Dyer nói, miễn cưỡng đứng dậy khỏi giường. “Cha ăn ở đâu?”
“Tôi không ăn”.
“Thế là điên rồ. Tại sao phải kiêng khem khi cha chỉ mặc mấy cái áo dòng?” Ông ta đã đến bàn giấy và đang hít hít một điều thuốc lá. “Mốc thếch”.
“Trong cư xá có chiếc máy ghi âm nào không?”
“Ở cái cư xá này đến một viên kẹo chanh còn không có nữa là. Cứ sử dụng phòng thính thị ấy”.
“Ai giữ chìa khóa? Cha Viện trưởng chăng?”
“Không, cha Quản lý. Cha cần nó tối nay à?”
“Vâng tôi cần”, Karras nói, lúc ông máng chiếc áo sơ mi vào lưng ghế ở bàn giấy. “Kiếm cha Quản lý ở đâu được bây giờ”
“Muốn tôi lấy chìa khóa cho cha không?”
“Cha giúp cho được chứ? Tôi đang kẹt lắm”.
“Đừng sợ, hỡi vị Bác Sĩ Phù Thủy Tên Vĩ Đại Đầy Ân Phúc kia”. Đến đầy Dyer mở cửa và bước ra.

*

Karras tắm hoa sen xong, mặc một chiếc áo thun và quần dài. Ngồi xuống bàn làm việc, ông khám phá ra một tút thuốc Camel không đầu lọc, bên cạnh là chiếc chìa khóa có đeo nhãn “Phòng Thính Thị” và một chiếc chìa khác đeo nhãn “Phòng lạnh Nhà ăn”. Đính vào chiếc chìa khóa sau là một mảnh giấy nhỏ đề chữ: Thà Là Cha Còn Hơn Lũ Chuột Nhắt. Karas mỉm cười nhìn chữ ký trên đó: Thằng Bé Kẹo Chanh. Ông dẹp mảnh giấy sang bên, tháo đồng hồ tay ra đặt trước mặt, trên bàn làm việc. Lúc đó là 10 giờ 58 phút tối. Ông bắt đầu đọc. Freud. McCasland. Satan. Công trình nghiên cứu toàn diện của Oestereich. Khoảng hơn bốn giờ sáng, ông đọc xong. Ông dụi mắt. Dụi mắt. Hai mắt buốt nhức. Ông nhìn chiếc gạt tàn. Tro và những mẩu thuốc lá nhúm nhó. Khói bàng bạc đặc quánh trong không khí.
Ông đứng lên, mệt mỏi bước ra cửa sổ. Đẩy cửa sổ mở ra. Ông nuốt lấy sự mới mẻ của không khí buổi sáng ẩm ướt và cứ đứng đó suy nghĩ. Regan đã có hội chứng quỷ ám về mặt thể chất. Bao nhiêu đó thì ông biết. Về điều đó thì ông không còn nghi ngờ gì nữa. Vì hết trường hợp này đến trường hợp khác, bất kể khu vực địa dư hay thời kỳ lịch sử nào, các triệu chứng quỷ ám về thực chất vẫn bất biến. Còn một vài điều Regan vẫn chưa biểu hiện ra: những dấu hiệu lạ hiện trên da, thói thèm thuồng những thức ăn ghê tởm, tính không nhạy cảm với sự đau đớn, tiếng nấc lớn thường xuyên và không kiềm chế nổi. Còn những điều khác thì cô bé đã biểu hiện tỏ tường: sự kích thích cơ vận động ngoài ý thức, hơi thở hôi thối, lưỡi đóng đầy tưa cáu, cơ thể kiệt nhược hẳn, bao tử sưng tấy, bị rát ngứa ở da và màng nhầy. Và hiện diện một cách đầy đủ nhất là những triệu chứng căn bản của những trường hợp chính yếu mà Oestereich đã đặc tả là hội chứng quỷ ám chính cống: sự thay đổi khủng khiếp về giọng nói và nét mặt, thêm đó là sự hiển lộ của một bản ngã mới.
Karras ngước lên, buồn rầu nhìn xuống phố. Xuyên qua những cành cây, ông trông thấy được ngôi nhà ấy với cánh cửa sổ lớn nơi phòng ngủ của Regan. Khi sự ám ảnh có tính cách tự nguyện, như trường hợp những kẻ lên đồng thiếp, thì bản ngã mới thường là hiền lành. Giống như Tia... Karras trầm tư. Đó là hồn một phụ nữ ám vào một người đàn ông. Một nhà điêu khắc. Ngắn ngủi thôi. Mỗi bận chỉ có một tiếng đồng hồ. Cho đến khi một người bạn của nhà điêu khắc nọ đem lòng yêu Tia mê mệt. Anh ta van xin nhà điêu khắc cho nàng Tia được cư trú vĩnh viễn, được ám thường trực, trong cơ thể ông ta... Nhưng trong con người Regan, không hề có một nàng Tia, Karras suy nghĩ một cách khốc liệt, cái bản ngã xâm nhập vào cô bé gái ở đây rất đổi xấu xa, độc ác. Đó là điển hình của các trường hợp quỷ ám, trong đó bản ngã mới tìm cách hủy diệt thân xác chủ nhà của nó. Và thường là đạt được điều ấy.
Với tâm thái ủ ê, vị linh mục Dòng Tên quay trở lại bàn giấy, nhặt lên một gói thuốc, đốt một điếu. Thế là đúng. Cô bé đã bị hội chứng quỷ ám. Bây giờ làm sao chữa đây? Ông vẩy tắt que diêm. Điều đó còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng đó là gì. Ông ngồi trên mép bàn. Cân nhắc, đắn đo. Các nữ tu sĩ ở tu viện Lille. Bị quỷ ám. Hồi đầu thế kỷ XVII tại Pháp. Họ đã thú nhận với các thầy đuổi quỷ là trong lúc tuyệt vọng giữa cơn quỷ ám, họ đã đều đặn tham gia các buổi hành lạc tập thể của quỷ xa-tăng, đã đều đặn thay đổi các tiết mục dâm loạn... Vị linh mục Dòng Tên lắc đầu. Như với trường hợp ở tu viện Lille này, ông nghĩ, các nguyên nhân của nhiều vụ quỷ ám là một phức hợp của trò trá ngụy và chứng thích cường điệu. Tuy nhiên còn có những trường hợp khác nữa dường như do bệnh tâm thần gây ra: hội chứng pa-ra-noi-a, tâm thần phân liệt, suy nhược thần kinh, suy nhược tâm thần; và chính đây là lý do - ông biết rõ - mà giáo hội trong hàng bao nhiêu năm nay đã khuyến cáo người đuổi quỷ nên làm việc với sự hiện diện của một bác sĩ tâm thần hay một bác sĩ thần kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp quỷ ám đều có những nguyên nhân rõ ràng như vậy. Nhiều vụ đã khiến cho Oestereich đi đến chỗ đặc tả chứng quỷ ám như một hiện tượng rối loạn hoàn toàn độc lập của riêng nó, gạt bỏ các nhãn hiệu tâm thần học có tên là “bản ngã phân liệt” thường dùng để giải thích nó, coi cái nhãn hiệu đó cũng chẳng hơn gì một từ thay thế mang tính huyền bí ngang hàng những ý niệm về “quỷ” và “linh hồn người chết” đó thôi.
Karras cọ một ngón tay lên vết nhăn cạnh mũi. Những chỉ dẫn ở Barringer, Chris đã bảo ông, cho thấy sự rối loạn của Regan có thể gây ra do ám thị, do một cái gì đó có liên quan đến chứng loạn thần kinh ít-tê-ri. Và Karras nghĩ rằng rất có thể như vậy. Ông tin rằng đa số các trường hợp ông từng nghiên cứu đều gây ra bởi chính xác hai yếu tố này. Chắc chắn. Vì một lẽ, hầu hết nó tấn công vào phụ nữ. Thứ hai, tất cả những đợt bộc phát của cái bệnh dịch quỷ ám đó. Rồi đến các thầy đuổi quỷ, Karras cau mày. Thường thì chính các thầy đuổi quỷ lại thành nạn nhân của chứng quỷ ám. Ông nghĩ đến vụ Loudun ở Pháp. Đến nữ tu viện Ursuline. Trong bốn thầy đuổi quỷ được cử tới đó để đối phó với một trận dịch quỷ ám, ba vị - các cha Lucas, Lactance và Tranquille - chẳng những đã bị quỷ ám, mà lại còn chết ngay sau đó, rõ ràng là chết vì cơn sốc. Còn vị thứ tư, cha Surin, được ba mươi lăm tuổi vào lúc bị quỷ ám, đã hóa điên suốt hai mươi lăm năm còn lại trong đời ông.
Ông gật gù với mình. Nếu cơn rối loạn của Regan là chứng loạn thần ít-tê-ri, nếu việc phát sinh chứng quỷ ám là sản phẩm của sự ám thị, thì nguồn gốc của sự ám thị đó chỉ có thể là chương sách trong tác phẩm viết về thuật phù thủy đó thôi. Chương luận về quỷ ám? Cô bé có đọc chương đó hay không?
Ông đã, nghiền ngẫm các trang sách đó. Phải chăng đã có những sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa bất cứ một chi tiết nào trong chương sách đó với hành vi của Regan? Điều đó có lẽ chứng tỏ được sự việc. Nó có thể.
Ông đã tìm được những mối tương quan: