CẬU BÉ THỢ NỀ ỐM NẶNG

     hứ ba 28.
Cậu bé thợ nề tội nghiệp đang ốm nặng; thầy giáo bảo chúng tôi đến thăm và ba đứa chúng tôi: Garônê, Đêrôtxi và tôi hẹn nhau cùng đến. Chúng tôi có mời cậu Nôbitx kiêu ngạo để xem cậu ta trả lời thế nào. Cậu ấy chỉ trả lời cộc lốc: “Không”. Vôtini cũng xin vắng mặt, có lẽ sợ đến đấy dây phải vôi bẩn mất áo đẹp.
Tan Học, khoảng bốn giờ chiều, chúng tôiđến nhà bác thợ nề. Trời đổ mưa rào. Garônê đứng lại ngoài phố, mồm đầy bánh mì bảo chúng tôi: “Ta sẽ mua quà gì cho cậu ấy bây giờ? “ mồm nói, tay cho vào túi lắc hai đồng xu kêu lèng keng. Chúng tôi góp nhau mỗi người hai xu và mua ba quả cam to. Vào nhà, chúng tôi trèo lên gác xép. Đến trước cửa phòng, Đêrôtxi bỏ huy chương ra đút vào túi. Tôi hỏi tại sao mà làm như vậy. Cậu đáp: “Chẳng biết nữa, để khỏi có vẻ... có vẻ không đeo thì phải hơn”.
Chúng tôi gõ cửa, bố cậu ra mở, người cao lớn như ông khổng lờ, vẻ mặt đầy lo âu. “Các cậu là ai?” bác ấy hỏi. Garônê đáp: “Chúng cháu học cùng lớp với Antôniô, chúng cháu mang cam
lại cho bạn ấy”.
- Ôi, thằng Tôniô tội nghiệp của tôi, - bác vừa kêu lên vừa lắc đầu. - Tôi e nó không còn có thểăn được cam của các cậu nữa.
Và bác đưa tay áo lên lau nước mắt. Bác để chúng tôi đi trước, bước vào một cái phòng trần rất thấp, ở đấy cậu bé thợ nềđang ngủ trên một cái giường sắt.
Mẹ cậu ấy quỳ bên giường, trán gục vào hai bàn tay; nghe chúng tôi vào,cũng chỉ khẽ ngoảnh lại, nhìn chúng tôi một tí thôi.
Trên tường treo mấy cái bàn chải to, một cái cuốc chim và một cái rây để rây vôi. Cái áo dài của bác thợ nề, trắng những vôi, đắp lên hai chân người ốm.
Cậu bé tội nghiệp, gầy gò, xanh xao, mũi dài ra, thở một cách khó nhọc. Cậu Tôniô thân mến ấy, cậu bạn nhỏ của tôi, đáng yêu như thế, vui tính như thế, dù có phải hy sinh cái gì để lại được trông thấy cậu làm cái trò sứt môi tôi cũng không từ, tội nghiệp, cậu bé thợ nề!
Garônê để một quả cam lên gối, cạnh má cậu. Mùi thơm làm cậu thức giấc.
Cậu cầm lấy quả cam, nhưng lại để nó rơi xuống, và nhìn Garônê không chớp. “Mình đây, Garônê đây, có nhận ra mình không?” Garônê nói. Một nụ cười thoáng qua dôi môi người ốm, cậu cố lấy sức chìa một bàn tay ra, Garônê nắm lấy giữa hai bàn tay mình, cúi xuống hôn và nói:
“Antôniô này, can đảm lên, can đảm lên! Cậu sẽ khỏi ngay thôi mà; cậu sẽ lại đi học và thầy Pecbôni sẽ xếp cậu ngồi cạnh mình. Cậu bằng lòng chứ?” Cậu bé thợ nề không trả lời. Mẹ cậu khóc nức nở: “Ôi? Tôniô, tội nghiệp của mẹ, con tốt thế, con ngoan thế, con không sống được nữa hay sao?”
- Thôi thôi, - bác thợ nề kêu lên, tuyệt vọng, - thôi thôi bà làm tôi điên đầu lên mất.
Rồi bác nói với chúng tôi: “Cám ơn, cám ơn các cháu. Thôi các cháu về đi nhé, ở đây buồn lắm”. Cậu bé lại nhắm mắt lại, trông như chết. Cháu có thể giúp bác được việc gì không ạ? - Garônê hỏi.
- Không,. cám ơn, cháu thân mến ạ! - Bác thợ nề trả lời. Nói xong, báe tiễn chúng tôi ra và đóng cửa lại. Nhưng xuống chưa được một nửa cầu thang, chúng tôi đã nghe tiếng gọi: “Garônê, cháu Garônê”. Cả ba chúng tôi vội vàng chạy lên.
- Garônê? - Bác thợ nề kêu lên, mặt mày rạng rỡ, - Tômô vừa gọi cháu dấy?
Đã ba hôm liền, nó không nói gì cả thế mà nó vừa gợi cháu hai lần. Ôi? Mong sao đó là một dấu hiệu tốt lành!
- Các cậu về nhé, - Garônê nói với chúng tôi, - mình ở lại đây. Rồi cậu ấy theo bác thợ nề vào nhà. Đêrôtxi không cầm được nước mắt. Tôi hỏi: Cậu thương Tôniô à?... Đã nói được rồi, thế là cậu ấy sẽ khỏi!
- Mình cũng tin như vậy, - Đêrôtxi trả lời, nhưng mình không nghĩ đến cậu ấy... mình nghĩ đến Garônê kia. Thật Garônê tốt quá, có một tâm hồn tốt đẹp quá.