Chương ba
Nguyễn thị Thụy Vũ với quyển truyện dài “Khung Rêu”

     hung Rêu” là một truyện dài trong 10 tác phẩm của Nguyễn thị Thụy Vũ, đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc vào năm 1971, đánh dấu thời huy hoàng của các cây bút nữ lưu như Nguyễn thị Vinh, Linh Bảo, Thanh Phương, Minh Đức Hoài Trinh, Minh Quân, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Lệ Hằng, Trần thị NGH (Trần thị Nguyệt Hồng), Nguyễn thị Ngọc Minh, Ngô thị Kim Cúc...
Quyển sách do Kẻ Sĩ xuất bản vào năm 1969. Sau đó, dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, nó được tái bản cùng với quyển truyện dài “Chiều Xuống Êm Đềm”; khi tung ra hải ngoại nó được bán đắt như tôm tươi. Vào năm 2000, nó lại được Văn Nghệ tái bản lần thứ hai, nhưng cách trình bày cẩu thả, sơ sót nhiều lỗi chính tả và nhiều lỗi sơ xuất khác làm cho câu văn hoặc câu đối thoại có ngôn ngữ Bắc Nam ba rọi, đọc lên nghe lố bịch và buồn cười. Cho nên đọc giả sành điệu không còn cảm thấy thú vị nữa khi lao từ trang đầu tới trang cuối. Chúng ta không thể ngờ một nhà xuất bản nổi tiếng ở hải ngoại như nhà xuất bản Văn Nghệ, khi gặp hồi mạt vận, làm việc một cách cẩu thả, tắt trách như vậy.
Bài nhận định này dù vậy vẫn căn cứ vào các ấn bản do Văn Nghệ tái bản.
Đây là câu chuyện tang thương trong một gia đình địa chủ giàu sang tới hồi khánh kiệt, nhưng nó được lồng vào một thời đại nhiễu nhương, khi mà giai cấp địa chủ tới giai đoạn mạt điệp trong cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh. Tác giả lấy một bối cảnh nhỏ lồng vào một vấn đề lớn lao: cảnh ngộ biến suy dập vùi trên lớp sóng phế hưng, trên khúc quanh của thời cuộc, trong sự vận hành của lịch sử. Xin đọc những lời trần tình của tác giả ở mục “Thay Lời Tựa”:
Từ hồi còn nhỏ tôi đã phải chịu đựng một ám ảnh thường xuyên: sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở miền Nam. (Cái thịnh mãn của hạng điền chủ ở miền Nam trước đây đã là tục ngữ...). Nguyên nhân chánh của sự suy sụp bệ rạc này thì ai cũng biết: chiến tranh. Một cuộc chiến tranh dằng dai hai mươi lăm năm, khoảng thời gian gần bằng số tuổi của tôi.
Tôi sanh ra và lớn lên trong một dòng dõi đã đến hồi ly tán. Cái họ của tôi gồm hai chữ có gạch nối có thể sẽ gợi lên những cảnh sống huy hoàng, vương giả của một thành phần xã hội trong trí nhớ ao tù của những ông già bà lão, những cảnh sống mà tôi chỉ nghe kể lại như một chuyện hoang đường trong những lần giỗ chạp.
Bây giờ chỉ còn lại một ngôi nhà thừa tự, cột kèo chạm trổ tinh vi đã mục rệu, và chẳng bao giờ lành những vết thẹo của chiến tranh không tha,những điền sản cò bay thẳng cánh chỉ biết đến qua một đống bằng khoáng vô dụng mà giấy đã ố vàng và dòn tan, một đám bà con xa gần chi chít, nhỏ nhen ích kỷ như sò hến và hoàn toàn vô tích sự.
Tâm lý của hạng ngươi này khá đặc biệt. Đó là những thằng chõng trôi giạt lềnh bềnh trên dòng sông hung tợn, một hạng người khư khư ôm lấy cái quá vãng vàng son (nát dậu cũng còn bờ tre), dở thầy dở thợ dở cu ly, bất lực trước sự biến đổi nhãn tiền của cảnh ngộ, bấu víu vào nhau mà sống sót. Trong ngôi nhà thừa tự đó, mỗi người là một hòn đảo của những thói hư tật xấu... Có phải con người một khi đã mất thăng bằng trong cuộc sống vật chất thường để lộ ra rõ rệt hơn bao giờ hết những xấu xa tàn tệ của mình? Và một giai cấp cũng vậy.
Khi khởi công quyển truyện này, tôi đặt trước cho tôi một chủ định: ghi lại cái ám ảnh từ thời nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần nữa, giải tỏa nó cho xong.
Lẽ hiển nhiên, tôi không hề có ý định làm công việc của nhà xã hội học hay của nhà đạo đức học. Những công viêc này vượt quá sức của tôi. Vả lại, chúng cũng chẳng lợi lộc gì cho tôi.
Tôi cũng không có ý định phân tích các nguyên nhân, và nhất là phê phán một ai hay một điều gì. Cho riêng tôi, tôi chỉ muón dựng lại cái thế giới khốn đốn đã bao trùm tôi cho đến ngày nay. Tôi chỉ muốn mô tả một hiện tượng xã hội hoàn toàn thân thuộc mà thôi.
Tiểu thuyết là tuởng tượng, ai cũng biết vậy, nhưng có tưởng tượng nào không bắt nguồn từ một phần sự thật?
Sở dĩ tôi trình bày như vậy, là để xin những người thân thích của tôi, nếu có dịp ìinh cờ nào đọc quyển truyện nay, hãy rộng lòng tha thứ cho tôi.
Vậy thì chúng ta nên xếp tác phẩm “Khung Rêu” của Nguyễn Thị Thuy Vũ vào loại nào. Hiện thực? Không thể được, vì loại hiện thực chỉ là một sự ghi chép biến động trong gia đình hoặc trong xã hội một cách khách quan, không thêm thắt một nhân sinh quan, một thái độ nào trước cảnh bể dâu hưng phế. Tân hiên thực chăng? Thật ra những nhân sinh quan mà tác giả đưa vào tác phẩm hơi ít, không đủ dung lượng nâng tác phẩm lên hàng tân hiện thực. Nó chỉ ở lưng chừng giữa hai lằn mức hiện thực và tân hiện thực mà thôi. Nhưng chúng ta nắm chắc một điều: tác giả viết về gia đình mình từ thế hệ ông bà đến thế hệ cha chú mình, dĩ nhiên không có tác giả hiện diện trong tác phẩm. Cho nên chúng ta không thể gọi đây là quyển tiểu thuyết tự truyện (roman autobiographique) của tác giả được. Danh sĩ Tào Tuyết Cần khi viết bộ “Hồng Lâu Mộng” còn có thể he hé cho đọc giả biết nam nhân vật chính Giả Bảo Ngọc trong quyển tiểu thuyết tràng giang ấy là bức phóng ảnh của mình. Nhưng Nguyễn thị Thụy Vũ thì không chịu xuất hiện trong tác phẩm nên không làm sống dậy thế hệ thứ ba ( tức là thế hệ lũ cháu nội của ông Phủ trong truyện), trong đó có tác giả.

*

“Hồng Lâu Mộng” bắt đầu với cảnh hưng thịnh của họ Giả và đi lần vào cảnh gia biến lụn bại, nhưng kết cuộc còn vớt vác được chút ít yên vững của nghiệp nhà. Nhưng “Khung Rêu” bắt đầu vào cảnh lụn bại, nhưng bề ngoài gia chủ (tức bà Phủ, vợ kế của ông Phủ) cố tình che giấu để vớt vát thể diện với xóm làng. Rồi vì cha con ông Phủ hư hỏng nên cảnh tái hưng không hề được xảy ra.
Mở đầu câu truyện, tác giả lần lượt giới thiệu gia đình ông Phủ (không được tác giả nêu tên) gồm có: Vợ chồng ông Phủ, ba người con trai riêng của ông Phủ gồm có Canh, Thụ và Tường. Chiêu là con của ông Phủ và bà Phủ kế vốn là kẻ bán nam bán nữ. Ngoài ra còn có cô Tịnh là cháu gái kêu ông Phủ bằng cậu và cô Ngự vốn là cháu gái kêu bà Phủ kế bằng cô. Trong hàng tôi tớ gồm có lãoTự, thằng Mọt (vốn người Miên), cô Ngà và cô Lài. Lại còn thêm nguời nam sinh tên Hoàng ở trọ ăn cơm tháng.
Ông Phủ là một bậc đường quan và điền chủ giàu có. Nhưng khi vào truyện thì ông đã hưu trí và đất đai của ông trong vùng Việt Minh chiếm đóng bị sung công. Bà Phủ trước khi kết hôn với ông đã có một đời chồng. Bà khôn ngoan, khéo léo, ăn ở với ba người con riêng của chồng rất tử tế, lại biết quán xuyến đảm đang trong ngoài để tạo cho chồng một cuộc sống êm ấm. Canh là tên trưởng nam ngỗ nghịch, chỉ muốn cha mình sớm chia gia tài cho mình để được ăn chơi phung phí. Thụ, người thứ nam có cá tánh khá rõ rệt, rất hưởng ứng theo cao trào vào chiến khu của Việt Minh để chống Pháp. Tường là kẻ hời hợt, nhẹ dạ, lười biếng. Tịnh là cô gái lãng mạn, tinh thần yếu đuối, yêu Hoàng tha thiết bằng một mối đam mê oan nghiệt. Ngự là cô gái lòng dạ lỏng lẻo, tâm tính bốc đồng, chuộng vật chất xa hoa. Chiêu thì thích làm con gái, thích sống theo cuộc đời phụ nữ, nhưng bị mẹ o ép phải làm thanh niên nam tử trong khi đó trái tim Chiêu rung động bởi hình ảnh thơ mộng của Hoàng. Lão Tự là người lão bộc trung thành, tình lý đồng cân rất được chủ thương mến. Ngà là cô tớ gái, xinh xắn, nhưng không có cá tính, bị định mệnh chèn ép nhưng không đủ can đảm ngoi lên. Lài và Mọt ưa cà khịa với nhau theo kiểu giỡn bóng đùa trăng nhưng không hề phải lòng nhau. Còn anh nam sinh tên Hoàng cũng chỉ được tác giả tô màu lạt lẽo, không có gì đặc sắc ngoài khuôn mặt hữu tình và tài chơi đàn. Đây là nhân vật phụ, nhưng vẫn là nhân vật then chốt quan trọng: chàng đã làm cho Tịnh say mê đến điên rồ, làm cho Chiêu biết mình không có trái tim của đấng nam nhi mà lại có một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm đối với nam giới. Đã vậy, ả Lài còn đổ đốn say mê thầm lặng Hoàng và khinh rẻ Mọt vốn là kẻ dị chủng (người Cao Miên). Lại có hai nhân vật ở ngoài gia đình ông Phủ, cũng được tác giả nói khá kỹ. Đó là ông Tám, cha của Ngà và Đực, anh chàng nông phu đã từng say mê Ngà và cưỡng bức Ngà.

*

Thảm kịch bắt đấu lúc ông Phủ cuỡng hiếp Ngà và Ngà mang thai. Cả nhà ăn một cái Tết khá hạnh phúc, trừ ông Phủ và Ngà (vì cả hai có tâm sự riêng). Sau Tết, câu chuyện mang thai của Ngà mới được tiết lộ. Để che miệng thế gian, bà Phủ định cho Mọt một ít ruộng đất để y ta cưới Ngà. Nhưng ông Phủ không chịu. Thế là bà Phù dọn ở riêng, dù trong khuôn viên của chồng mình. Bà không thèm coi sóc việc tề gia nội trợ nữa. Còn Canh dù có về nhà an ủi bà Phủ, rồi lại ra đi và không được tác giả nhắc tới nữa. Còn Tường ve vãn Ngự cho tới lúc Ngự mang thai. Rồi cả hai rủ nhau bỏ nhà đi trốn để hưởng hạnh phúc trong môt góc trời quê hẻo lánh. Nhưng cả hai không đào đâu ra tiền, cam sống cực khổ rồi trở về ngôi nhà thừa tự. Tịnh và Hoàng yêu nhau đúng như niềm mong mỏi của Tịnh. Nhưng Hoàng phải ra đi, không hiểu có phải theo giấc mộng đi làm lịch sử mà chính vì ông Phủ cấm chàng dan díu với Tịnh. Còn Chiêu thì dù có yêu Hoàng nhưng biết rằng với cái thân phận bán nam bán nữ, chàng không thể nào hưởng hạnh phúc lứa đôi được nên bỏ nhà ra đi. Cao trào kháng chiến dâng cao, Thụ và luôn cả Tường bỏ vào chiến khu. Từ khi Hoàng biệt vô am tín, Tịnh phát điên lên. Còn ông Phủ bị vợ hất hủi, đâm ra khổ sở và chết vì chứng xung động tim. Ngà sinh con mà không nuôi được nên có ý định trở về quê sống với cha mẹ và nối duyên với anh chàng nông phu tên Đực. Ngà đi học may rồi ngoại tình với một anh chàng lính kín (tức là viên mật thám ngành Tình Báo của Pháp) rồi bỏ nhà ra đi với tình nhân và dấn thân vào cuộc phiêu lưu tình ái không có ngày mai.
Mười năm trôi qua. Chiến tranh kết liễu. Thụ, Tường trở vè thành thị tỉnh Vĩnh Long, chứ không đi tập kết ra Bắc. Bà Phủ và lão Tự đã qua đời. Thụ sống nhờ mẫu vườn cây ăn trái, phần đất hương hỏa còn sót lại. Tường cưới cô thôn nữ xinh đẹp khác, sống bằng nghề chích dạo, chạy ăn muốn hụt hơi vì gia đình đông con. Hoàng cũng cưới vợ khác, sống sung túc nhờ tiệm bán phụ tùng xe gắn máy. Chiêu biệt vô âm tín. Người ta đồn Chiêu bị Tây bắt bắn chết tại Rạch Nước Lạnh nên Thụ dành lấy ngày đi của Chiêu để làm giỗ mỗi năm cho Chiêu. Tác giả không đuợc chu đáo vì không nhắc tới Canh, Ngà, Mọt và Lài. Riêng Tịnh thì sau năm năm ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa đã tỉnh lại trước khi chết. Nàng hỏi thăm người này người nọ và chết một cách sung sướng.

*

Như đã nói, “Khung Rêu” là chuyện biến cố trong gia đình ông Phủ. Từ một đơn vị nhỏ trong xã hội miền Nam vào năm năm cuối của thập niên 40 của thế kỷ 20 cho tới bốn năm đầu của thập niên 50 cũng của thế kỷ này. Nhưng đọc qua những biến cố trong tác phẩm “Khung Rêu”, chúng ta thấy ngay một xã hội toàn vẹn của đất nước Nam Kỳ trong thời chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh. Điều này, chúng ta cũng đã biết trong bộ “Khói Lửa Kinh Thành” (“Kinh Hoa Yên Vân”) của Lâm Ngữ Đường do Vi Huyền Đắc dịch. Cứ nhìn vào gia đình họ Tăng, họ Diêu, họ Ngưu thì chúng ta chẳng những biết ngay cái xã hội ở Bắc Kinh, mà còn ở vùng Hoa Bắc (miền Bắc Nước Tàu) và ở khắp địa lục Trung Hoa trong thời Trung Hoa bị Nhật Bản xâm chiếm. Trong khi đó, bộ “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc không bao giờ hé cho độc giả biết cái xã hội của kinh đô Kim Lăng (Nam Kinh bây giờ) hay của miền Hoa Nam (miền Nam nước Tàu) tức là những cái bên ngoài Ninh Quốc Phủ và Vinh Quốc Phủ của họ Giả. Cũng vậy, bộ “Jalna” của nữ sĩ Mazo de La Roche không bao giờ hé cho độc giả biết cái xã hội ngoài trang trại tên Jalna của dòng họ Whiteoak, từ thế hệ ông cố bà cố cho tới thế hệ cháu chắt. Cho nên cái thành công của Nguyễn thị Thụy Vũ là đã biết dùng cái nhỏ bé làm điển hình cho cái lớn. Chỉ tiếc một điều là chị thiếu nhấn mạnh để làm nổi bật cái xã hội ngoài gia đình ông Phủ bằng những chi tiết chọn lọc và tiêu biểu hơn để tô đậm bức tranh xã hội ấy bằng những nhát cọ sắc nét hơn, bén ngót hơn, có thể cứa mạnh vào ấn tượng của độc giả hơn.
Câu chuyện với nhiều biến cố trong gia đình ông ông Phủ chỉ là một tượng trưng cho sự dằn co giữa hai giai cấp: địa chủ và tá điền. Ông Phủ và bà Phủ điển hình cho giai cấp địa chủ. Ông Tám, Ngà và Đực điển hình cho giai cấp tá điền. Nhưng trong cuộc chiến Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, chủ điền chẳng những mất hết đất đai mà còn mất hết quyền lực. Vậy mà ở một vài địa phương, nhất là ở chốn thị thành, bởi mang cái thành kiến thâm căn cố đế ăn trên ngồi tróc đối với đám dân nghèo (chẳng hạn như bọn tôi tớ dưới tay mình hay những kẻ làm ruộng mướn cho mình), giai cấp địa chủ vẫn hà hiếp những kẻ làm ruộng mướn cho mình. Ông Phủ cưỡng bức Ngà làm cho Ngà phai mang thai. Vậy mà ông Tám, cha của Ngà không dám tỏ lời trách móc và không có một ý nghĩ đi thưa kiện.
Ông Tám vụt co ro như con cuốn chiếu trước cặp mắt sắc bén của ông Phủ mà ông có cảm tưởng lúc nào cũng chong thẳng về ông. Miệng ông lắp bắp:
- Dạ... bẩm quan lớn... lóng rày được mạnh giỏi?
Cái mặc cảm thua thiệt vẫn không rời khỏi tiềm thức ông Tám. Ông khúm núm chưa dám ngồi làm ông Phủ phải nhắc lại:
- Ngồi đi chú Tám. Tôi có câu chuyện muốn nói với chú đây.
Ông Tám như bị thôi miên bởi đôi mắt xếch ẩn dưới cặp chưn mày rậm của ông Phủ. Ông lấy chiéc khăn choàng tắm trải trên mặt ghế và áy náy ngồi lên trên.
Giọng ông Phủ lúc nào cũng oang oang, cái nhìn từ cặp mắt trũng sâu như mũi kiếm phóng về người đối diện làm ông Tám tuởng chừng tay mình dài và dư như tay con mực.
Ông Phủ mở đầu câu chuyện:
- Chú tính lên rước con Ngà về dưới phải không?
Ông Tám đáp nhỏ như không dám xác nhận:
- Dạ.
Ông Phủ châu mày:
- Theo tôi, con Ngà đang lúc bụng mang dạ chửa chú nên để nó ở trên này. Tôi sẽ hết lòng lo cho mẹ con nó được vuông tròn.
Ông Phủ ngừng lại dò xét phản ứng trên mặt nguời đối diện rồi tiếp lời:
- Dầu gì đi nữa, nó cũng là vợ tôi. Đứa nhỏ trong bụng nó là do khí huyết tôi tạo ra, lẽ nào tôi làm ngơ cho đành đoạn. Nếu chú bằng lòng, tôi sẽ sai trẻ nó về rước chú lên ở với anh Tự cho vui. Hai anh em bạn già hủ hỉ với nhau cho có bạn. Ông Tám ngồi yên, miệng cơ hồ bị khóa lại. Ông còn chỉ biết gật đầu vâng dạ về mọi lời đề nghị của ông Phủ và như từ bao lâu rồi, ông thấy mình hèn hạ, bạc nhược, nhỏ nhoi trước con người mà ông đã nung nấu thù hằn. Ông Tám ngồi thừ ra như một khúc củi.
Ông Phủ ngó vào nhà giữa:
- Ngà đâu? Ra đây biểu coi.
Ngà bước ra với chiếc áo bà ba vải phin trắng. Ả nhìn ông Tám, đôi mắt đẫm lệ. Còn ông Tám thấy con mình lệch bệch với cái bụng gần ngày ông cũng không cầm được nước mắt tủi cực. Ông đứng dậy, chắp tay lên ngực:
- Con xin kiếu quan lớn. Xin phép quan lớn cho con nói chuyện riêng với con Ngà một chút.
Ông Phủ lại hỏi:
- Chú chịu lên ở chợ không?
- Dạ bẩm quan lớn để con suy nghĩ lại.
Ông Phủ cười có vẻ cởi mở:
- Nếu chú không thích ở đây thì tôi cho bứt chú phần lúa mỗi năm.
- Dạ cám ơn quan lớn.
Ông Phủ liếc qua Ngà rồi lại nói:
- Bề gì tôi với chú cũng là chỗ thân tình với nhau. Chú đừng ái ngại gì hết.
Ông Phủ day qua lão Tự:
- Hình như trong nhà còn chai rượu đế. Anh nên bắt con vịt cà cuống thật mập nấu cháo cho chú Tám giải lao. Phen này hai ông bạn già nhậu say một bữa.
Ông Tám bước xuống thềm lủi vào bóng tối. Ngà đợi ông ở nhà ngang, tại căn buồng riêng bỏ hoang từ mấy tháng nay của ả. Ả khêu ngọn đèn trứng vịt, rồi ngồi bên chiếc giường đóng bụi lờ mờ, khóc tấm tức tấm tủi. Ông Tám dịu giọng:
- Con tính sao đây? Muốn về với tía hay không?
Ngà hỉ mũi, giọng vẫn còn ướt đẫm nước mắt:
- Con còn mặt mũi nào về dưới xứ nữa? Sống chết, vui buồn gì cũng phải rán chôn chưn ở đây, con nỡ nào báo đời tía hoài.
Ngà ngập ngừng một lát, rồi nói:
- Quan Phủ cũng tử tế với con. Tía đừng lo. Có lẽ gần Tết, con sẽ về thăm tía.
Thật ra, từ lúc bà Phủ giận chồng cho tới nay, ả nào có được một phút an vui? đã leo lên lưng cọp thì phải ở lì nơi đó, rán mà chịu đấm ăn xôi.
Ngà hỏi:
- Tía tính ở lại hay về?
Ông Tám sầu thảm:
- Lát nữa, tía về. Nếu có hưỡn, con nhớ về thăm tía. Chắc từ đây tới chết, tía không còn lòng dạ nào lên đây nữa.
(Các trang 252, 253, 254)
Bởi có những kẻ cường hào ác bá, những tay điền chủ địa chủ ác ôn kia mà bọn Cộng Sản hô hào đấu tranh giai cấp, không phải vì muốn bảo vệ dân nghèo, cũng không phải cốt chống đối bất công trong xã hội mà cốt để dựng lên đảng cấp nguy hiểm và tàn độc hơn giai cấp gấp trăm nghìn lần. Chúng lợi dụng những kẻ thất bại trong xã hội, những đám lê dân ngu dốt vùng lên chống trả giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản, luôn cả giai cấp trí thức tức là những phần tử may mắn hơn bọn nghèo nàn dốt nát. Chúng ta hãy đọc đoạn ông Phủ đi góp lúa do tá điền làm mướn ruộng của ông làm ra:
Ghe đổ vào con kinh trồng dừa nước hai bên. Trời đã xế chiều. Phương Tây nhuộm màu hồng rực rỡ. Ông Phủ xếp quyển sách, kéo kính trắng xuống sống mũi, ngồi bật dậy:
- Mình nên ghé thằng Đực, nhờ nó hướng dẫn đi đường bộ ắt mau hơn đi ghe nhiều.
Mọt cho ghe lủi vào ụ lá và bước lên nhà núp dưới tàn cây vú sữa. Con mèo mun mắt xanh biếc và trong veo nằm dã dượi ngoài sân, nghe tiếng chân Mọt, vụt đứng dậy, nhìn lơ đảng người khách lạ, rồi õng ẹo vào trong.
Mọt hân hoan bước vào hàng ba, lên tiếng:
- Anh Đực đâu rồi?
Đực cởi trần, mình mẩy lực lưỡng và đen đúa, từ nhà bước ra. Gã kềm hãm được sự ngạc nhiên vừa chợt biểu hiện trên khuôn mặt khi đã nhận ra Mọt. Gã chau đôi mày xếch rậm như người lúc bực mình lại bị quấy rầy. Gã hất hàm hỏi:
- Xuống hồi nào đó? Đi với ai đây?
Mọt mỉm cười cầu tài:
- Dớ! Khéo làm bộ hoài, tôi đi với quan lớn... ủa với ông thầy thuốc bắc chớ đi với ai? Không lẽ tôi đi một mình thì ai góp lúa đây?
- Thầy thuốc bắc nào?
Mọt sợ sệt nhìn quanh rồi nói nhỏ:
- Anh đừng có nói lớn. Thầy thuốc bắc tức là quan lớn đó đa anh. Quan lớn sợ mấy ông Việt Minh bắt nên mới biểu tôi kêu là... thầy thuốc bắc.
Mọt bước vào nhà. Căn chính giữa bị bồ lúa cao nghệu choáng cả lối đi. Đực hướng mắt về phía xẻo lá, cười lạt:
- Quan lớn của anh đi cũng chẳng ai thèm đong lúa, chớ nói gì anh hay thầy thuốc bắc.
Mọt trố mắt:
- Dớ! Anh này hỗn ghê! Sao dám ăn nói ngang ngược vậy?
Đực chắp tay sau mông:
- Xuống biểu quan lớn của anh rút lui lẹ đi. Nếu lạng quạng đòi góp lúa nữa thì coi chừng bị bắt quản thúc bây giờ.
Mọt chưa kịp nói thì Đực gằn giọng:
- Anh có biết ruộng đất của quan lớn anh do mồ hôi nước mắt của anh em tá điền tụi tui đóng góp không?
Mọt ngơ ngác nhìn Đực. Có phải đây là một nhân vật mới do thời cuộc tạo nên không? Đực mở hai con mắt gườm gườm nhìn người đối diện, giọng rít lên:
- Bọn chủ điền khốn nạn đã bao đời bóc lột anh em nông dân. Nhưng thời thế đã đổi khác rồi. Ngày nay, nông dân đã giác ngộ quyền lợi, đứng lên tranh đấu, quyết không để bọn chủ điền đè đầu đè cổ nữa...
Đực nói thao thao, càng nói càng say. Những lời lẽ của Đực, đối với Mọt sao mà lạ tai. Mọt chỉ về phía ghe hầu:
- Đó! Anh giỏi xuống dưới mắng quan lớn đi. Tôi đâu có ăn nhậu gì với ruộng đất.
Đực hất hàm:
- Tôi đâu có sợ ai. Anh giỏi học lại quan lớn của anh đi.
Ông Phủ đã leo lên bờ, chậm rãi đi vào sân nhà Đực. Mọt và Đực bắt đầu đấu khẩu với nhau, mặt người nào, người nấy xanh dờn.
Ông Phủ cắt ngang câu chuyện:
- Gì đó Mọt?
Đực quay lạy hỏi xẳng xớn:
- Ông đi thâu lúa ruộng phải không?
Ông Phủ quắc mắt nhìn Đực. Chỉ mới chưa đầy một năm mà hắn đã thay đổi quá nhiều. Trước kia, khi hầu chuyện với ông, hắn co ro như một con cuốn chiếu. Bây giờ hắn đang hất mặt, hách dịch nhìn ông thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống ông. Nhưng ông vẫn giữ thái độ khinh thường.
Đực tiếp, giọng càng lúc càng cao lên:
- Ông hãy quày ghe về ngay, nếu không vị chút tình nghĩa cũ, tôi đã ám hại ông rồi. Tất cả ruộng đất của bọn tay sai cho Tây đều được chia cho dân nghèo hết rồi. Ông đừng có mong còn một hột lúa cho chim ăn, một thẻo đất cho chó ỉa nữa.
Đực chỉ nói như vậy rồi bỏ qua hàng xóm. Một lát sau, ông Phủ chợt thấy một bọn tá điền của mình tụ họp bên kia doi đất, nhốn nháo chỉ trỏ về phía ông. Trái với mọi năm, ông không còn được họ đón rước nồng nhiệt và thưa bẩm vâng dạ ngay khi ghe ông vừa cặp bến nhà Đực.
Ông Phủ thất thần hối Mọt:
- Về mau, Mọt! Bây giờ vô miệt trỏng mà góp được vàng, tao cũng không đi. Chèo mau đi con, tụi nó hạ sát bọn chủ tớ mình bây giờ đa.
(Các trang 274, 275,276, 277)