Phần 3
VI

    
hải khó khăn lắm mới buộc được đại tá Pônamarep ngồi vào bàn chơi pôke. Ông ta nói rằng mình không biết chơi bài này, và nói chung không chấp nhận những trò may rủi, dù là để vui đùa, rằng chỉ thích và chơi khá giỏi loại bài vintơ. Nhưng cuối cùng ông ta không cưỡng nổi những lời nài nỉ và đồng ý ngồi vào bàn.
Lúc đầu mọi người phải bày vẽ, chữa lỗi cho đại tá; nhưng ông ta nắm vững khá nhanh những luật lệ của trò chơi pôke, và chỉ sau hơn nửa giờ tất cả các thẻ điểm đã nằm hết ở trước mặt ông ta.
- Như thế không được! – Anna nói với vẻ mặt phụng phịu một cách hài hước. – Ít ra cũng phải để cho mọi người hồi hộp một tí chứ.
Có ba vị khách - Xpesnicốp, đại tá và viên phó tỉnh trưởng, một người Đức tẻ ngắt, lịch sự và hơi dở tính – là thuộc loại người mà Vêra gần như không biết phải làm gì với họ, phải tiếp đón ra sao. Nàng lấy bộ vintơ cho họ và mời Guxtap Ivanôvich ngồi vào bàn. Từ đàng xa Anna nhìn nàng và khép mí mắt lại tỏ vẻ biết ơn. Vêra lập tức hiểu ngay. Tất cả mọi người đều biết rằng nếu không kéo được Guxtap Ivanôvich ngồi vào bàn chơi bài, ông ta sẽ quanh quẩn bên cạnh vợ, nhe hàm răng thô kệch trên khuôn mặt như chiếc đầu lâu và làm hỏng tâm trạng sảng khoái của vợ.
Còn bây giờ tối vui đang trôi qua dễ chịu, tự nhiên và sôi nổi. Gienni Reite đệm đàn cho Vaxiutrôc hát khe khẽ những bài hát dân ca Italia trữ tình và những bài hát phương Đông của Rubinstein. Giọng của Vaxiutrôc nhỏ nhẹ nhưng chuẩn xác, mềm mại và êm dịu. Gienni Reite là một nhạc sĩ rất khó tính nhưng bao giờ nàng cũng sẵn sàng đệm đàn cho Vaxiutrôc hát. Vả lại người ta còn đồn rằng chính anh đang đeo đuổi Gienni.
Trong góc phòng, ngồi trên chiếc đi văng mềm, Anna đang ra sức làm duyên làm dáng với chàng sĩ quan khinh kị binh. Vêra đi đến gần bên và mỉm cười đứng nghe.
- Ấy không, ấy không, anh đừng cười, - Anna vui vẻ nói và nheo nheo cặp mắt người Tacta đáng yêu và nghịch ngợm của mình nhìn chàng sĩ quan. - Tất nhiên anh cho việc phi như bay trước các chiến đoàn kỵ binh hoặc vượt chướng ngại vật mới là lao động vất vả. Nhưng anh hãy thử xem những lao động của chúng tôi. Đáy, vừa rồi chúng tôi đã kết thúc cuộc dạ hội xổ số. Anh nghĩ là dễ dàng lắm à? Phì! Người chen chúc… khói thuốc lá ngột ngạt… những người quét sân, xà ích, tôi không biết còn những loại người gì gì nữa… Và tất cả đều bám riết với những lời kêu ca, khiếu nại… Suốt cả ngày quay như chong chóng. Mà sắp tới lại còn một buổi dạ hội để giúp những người phụ nữ lao động trí óc túng thiếu, rồi một đêm vũ hội trắng nữa…
- Và ở đó tôi hi vọng rằng chị sẽ không từ chối tôi một điệu nhảy madurka chứ? – Bakhơtinxki nói chen vào, khẽ nghiêng người, khua cựa giầy dưới ghế ngồi.
- Cám ơn anh… Nhưng điều khốn khổ nhất là một cái trại… Anh hiểu không, một cái trại cho những đứa trẻ hư hỏng…
- Ôi, tôi rất hiểu. Có lẽ đấy phải là một cái gì buồn cười lắm?...
- Thôi đi, anh cười những chuyện đó mà không thấy xấu hổ à? Nhưng anh có hiểu điều bất hạnh của chúng tôi là ở chỗ nào không? Chúng tôi muốn tìm chố nương náu cho những đứa trẻ bất hạnh với những tâm hồn đầy rẫy những thói quen xấu xa và những khuyết tật di truyền, muốn sưởi ấm chúng, vuốt ve an ủi …
- Chà!...
- … Và nâng cao đạo đức của chúng, đánh thức dậy trong lòng chúng ý thức về trách nhiệm… Anh có hiểu tôi nói gì không? Và thế là hàng ngày người ta mang đến cho chúng tôi hàng trăm hàng nghìn đứa trẻ, nhưng trong số chúng không có lấy một đưa nào hư hỏng cả. Nếu như hỏi bố mẹ chúng là con họ có hư hỏng không, anh thử tưởng tượng xem, họ lại còn tự ái! Dù có đặt giải thưởng cho người nào mang được một đứa trẻ hư hỏng đến!
- Anna Nicôlaepna, - viên sĩ quan khing kị binh thận trọng và nghiêm trang cắt ngang lời nàng, - giải thưởng để làm gì? Cứ lấy không tôi đây này! Tôi thề thật đấy, không ở đâu tìm ra được một đứa trẻ hư hỏng hơn tôi đâu.
- Anh có thôi đi không! Không thể nào nói chuyện nghiêm túc với anh được, - Anna cười to và ngửa người ra sau thành ghế, mắt ánh lên lấp lánh.
Công tước Vaxili Lơvôvich, ngồi sau chiếc bàn tròn lớn, đang chỉ cho chị gái, tướng Anôxôp và em rể xem cuốn an bom hài hước với những bức tranh do chính tay anh vẽ. Cả bốn người cười rất thoải mái và điều đó dần dần thu hút những người khách không chơi bài cũng đến xem.
Tập an bom này như một sự bổ sung, minh hoạ cho những câu chuyện hài hước của công tước Vaxili. Với một vẻ thản nhiên không gì lay chuyển nổi, anh giở cho mọi người xem, thí dụ. “Lịch sử các câu chuyện tình của tướng Anôxôp gan dạ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari và các nước khác”, “Cuộc phiêu lưu của chàng công tử bột, công tước trẻ tuổi Nicôlai – Bulat-Tuganôpxki ở Môngtê Caclô” và v.v…
- Bây giờ các vị sẽ thấy “Đoản thiên tiểu sử” của bà chị Liutmila Lơvôpna yêu quý của chúng ta, - anh vừa nói vừa ném nhanh một cái nhìn hóm hỉnh về phía chị gái. - Phần thứ nhất - Thời thơ ấu. “Cô bé lớn lên tên gọi Lima”.
Trên tờ an bom là hình một cô bé được cố ý vẽ theo cách thể hiện của trẻ con, mặt nhìn nghiêng nhưng lại có hai con mắt, với những đường gấp khúc thay cho đôi chân thò ra dưới váy và hai bàn tay giăng ra với những ngón xoè rộng.
- Nhưng có ai bao giờ gọi tôi là Lima đâu, - Liutmila Lơvôpna cười.
Phần thứ hai, Mối tình đầu. Chàng kị binh thiếu sinh quân quỳ dâng thiếu nữ Lima bài thơ sản phẩm sáng tạo của chính mình. Trong bài thơ quả có những câu đẹp như châu ngọc:
Ôi đôi chân của em tuyệt đẹp
Là hiện thân nỗi khao khát thiên đường!
Và đây là hình ảnh xác thực của đôi chân đó.
Còn đây là cảnh chàng thiếu sinh quân dụ dỗ tiểu thư bỏ nhà cha mẹ trốn đi. Đây là cảnh đi trốn. Còn đây là khoảng khắc nguy kịch: người cha nổi giận đuổi theo những kẻ chạy trốn. Chàng thiếu sinh quân mất tinh thần đổ mội tội lỗi lên đầu nàng Lima:
Em cứ mải phấn son mất cả hàng giờ.
Nên nay bị đuổi theo trốn đâu cho thoát…
Thôi em muốn làm gì mặc xác
Còn anh, tếch bụi rậm đây.
Sau câu chuyện của tiểu thư Lima, tiếp theo là thiên tình sử mới: “Nữ công tước Vêra và chàng điện báo viên say nàng đắm đuối”.
- Thiên trường ca đầy cảm động này chỉ mới được minh hoạ bằng bút mực và bút chì màu, - Vaxili Lơvôvich tuyên bố với vẻ trang trọng. - Lời còn đang trong quá trình sáng tác.
- Cái này hình như là mới, - Anôxôp nói. - Trước đây tôi chưa được xem.
- Tác phẩm cuối cùng đây. Món hàng mới nhất của thị trường sách báo.
Vêra khẽ chạm tay vào vai chồng.
- Thôi đừng anh, - nàng nói.
Nhưng Vaxili Lơvôvich hoặc là không nghe thấy, hoặc là không cho những lời của nàng có ý nghĩa gì quan trọng.
- Phần mở đầu thuộc về thời kì tiền sử. Vào một ngày tháng năm tuyệt đẹp, nàng tiểu thư tên là Vêra nhận được một bức thư gửi qua bưu điện vẽ hình hai con chim câu hôn nhau ở đầu trang. Đây là bức thư, còn đây là hai con chim câu.
Bức thư chứa những lời tỏ tình cháy bỏng được viết bất chấp mọi mẹo luật chính tả. Nó được mở đầu như sau: “Ôi nàng tiên tóc vàng tuyệt mĩ, nàng là biển lửa sục sôi gào réo trong ngực tôi. Cái nhìn của nàng như một con rắn độc siết chặt lấy trái tim đau khổ của tôi” và v.v… Cuối thư là dòng chữ ký khiêm tốn “Theo nghề nghiệp tôi là điện báo viên khốn khổ nhưng tình cảm của tôi xứng đáng với cảĐức ông Giocgiơ. Tôi không dám để lộ hết tên họ thật của mình – e rằng nó quá sỗ sàng. Tôi chỉ ký bằng những chữ cái đầu: P.P.G. Mong nàng hãy trả lời cho tôi theo bưu điện “poste restante”. Ở đây, thưa các ngài, có thể thấy bức chân dung của chính chàng điẹn báo viên được hoạ lại rất thành công bằng bút chì màu.
Trái tim của Vêra bị xuyên thủng (đây là trái tim, còn đây là mũi tên). Nhưng, như một tiểu thư đoan trang và gia giáo, nàng trình bức thư lại cho cha mẹ đáng kính của nàng, đồng thời cho cả người bạn từ thời niên thiếu, vị hôn phu của mình, là chàng Vaxia Sêin trẻ tuổi đẹp trai. Đay là hình minh hoạ. Tất nhiên, sau này ở đây sẽ có lời đề bằng thơ cho các bức tranh.
Vaxia Sêin vừa khóc vừa đưa trả lại chiếc nhẫn đính hôn cho nàng Vêra. “Ta không dám ngăn cản hạnh phúc của em, - chàng nói, - nhưng cầu xin em hãy đừng có quyết định dứt khoát ngay. Em hãy ngẫm nghĩ, hãy so sánh, hãy tự kiểm tra mình và thử thách anh ta. Ôi, em bé bỏng ơi, em còn chưa hiểu hết cuộc đời và như con bướm sắp lao vào lửa bỏng. Còn ta – than ôi! – ta đã biết cái thế giới này giả dối và lạnh lùng. Em hãy nhớ rằng cái loại người điện báo viên này hấp dẫn thật đấy nhưng đầy xảo trá. Họ rất khoái chí khi bằng vẻ đẹp kiêu hãnh và những cảm xúc giả tạo của mình lừa lọc được một con mồi ngây thơ nào đấy và sau đó sẽ cười nhạo rất tàn nhẫn”.
Rồi nửa năm trôi qua. Trong điệu vũ quay cuồng của cuộc đời, nàng Vêra đã quên đi kẻ ngưỡng vọng mình và lấy chồng là chàng Vaxia trẻ tuổi đẹp trai. Nhưng chàng điện báo viên không quên nàng. Và đây là chàng bôi bồ hóng ăn mặc giả làm người thông ống khói để được vào phòng khách của công tước phu nhân Vêra. Các vị thấy đấy, dấu vết của năm ngón tay và đôi môi để lại khắp nơi: trên thảm, trên gối, trên tường, và thậm chí cả trên sàn nhà.
Và đây là chàng giả mặc làm bà già thôn quê đến xin làm chân rửa bát trong bếp. Nhưng sự tinh ý của lão đầu bếp Luca đã buộc chàng phải tháo chạy.
Và đây, chàng ở trong nhà thương điên. Còn đây, chàng cắt tóc đi tu. Nhưng ngày nào chàng cũng gửi đến cho Vêra những bức thư đắm đuối. Và nơi nào những giọt nước mắt của chàng nhỏ xuống, nơi đó chữ nhoè đi thành những vệt mực loang lổ.
Cuối cùng chàng chết, nhưng trước khi tắt thở, chàng còn di chúc lại chuyển cho Vêra hai chiếc cúc áo của người điện báo viên và một lọ nước hoa đựng đầy những giọt nước mắt của chàng…
- Này các ngài ơi, có ai muốn uống trà không? – Vêra Nicôlaepna hỏi to.

VII
Buổi hoàng hôn mùa thu kéo dài đã cháy lụi. Dải ráng đỏ rực cuối cùng, hẹp như một khe nhỏ loé lên giữa mặt đất và đám mây màu xám biếc ở cuối tận chân trời cũng đã tắt. Bây giờ không còn trông rõ cả mặt đất, cả cây cối, cả bầu trời. Chỉ có những ngôi sao rất to trên đầu nhấp nháy rung rung là mi giữa màn đêm, và luồng ánh sáng màu xanh lam của ngọn hải đăng rọi thẳng lên cao như một cây cột mảnh mai và lan toả trên vòm trời đen thành một vòng tròn sáng đục sóng sánh như sương. Những con bướm đêm đập cánh lao vào mấy chiếc chụp nến bằng kính. Những cánh hoa hình sao của khóm thuốc lá trắng trước vườn toả mùi nồng hơn từ trong bóng tối và hơi đêm mát lạnh.
Xpesnicôp, viên phó tỉnh trưởng và đại tá Pênamarep đã về từ lâu, họ hứa khi đến bến tàu điện sẽ cho ngựa quay lại đón viên tướng chỉ huy trưởng pháo đài. Những người khách còn lại ngồi cả ngoài hiên. Mặc dù Anôxôp ra sức phản đối, hai chị em Vêra và Anna vẫn bắt ông phải mặc áo bành tô và quấn chân bằng một tấm mền ấm. Trước mặt Anôxôp là chai rượu vang đỏ Pômmard mà ông rất ưa thích, còn ngồi hai bên là Vêra và Anna. Họ ân cần chăm sóc viên tướng già, rót đầy thứ rượu vang nặng, đặc sánh vào chiếc cốc cao mảnh của ông, cắt phó mát, đưa diêm cho ông… Viên chỉ huy trưởng pháo đài nheo nheo mắt khoan khoái.
- Chà à… Mùa thu, mùa thu, mùa thu, - ông nhìn ngọn nến cháy đỏ, lắc lư đầu vẻ tư lự, nói. – Mùa thu. Và ông cũng đã đến lúc phải về rồi, ôi tiếc thật! Những ngày đẹp trời vừa mới bắt đầu. Giá như được sống mãi ở đây, trên bờ biển này, yên tĩnh, thanh thản…
- Thì ông sống ở đây với chúng cháu đi, - Vêra nói.
- Không được, cháu yêu ạ, không được. Việc quân mà. Hạn phép hết rồi… Giá được như thế thì tốt quá. Còn phải nói! Cháu xem kìa, mùi hoa hồng mới thơm chứ… Ở đây cũng nghe thấy. Còn mùa hè nóng nực thì không có loài hoa nào thơm cả, chỉ có mỗi cây keo gai trắng… mà nó lại có mùi kẹo quả.
Vêra rút từ trong bình hoa ra hai bông hồng nhỏ, một màu hồng nhạt, một màu đỏ tươi, cài vào khuyết ve áo bành tô của ông.
- Cảm ơn cháu, Vêroska, - Anôxôp nghiêng đầu xuống cổ áo, hít hít bông hoa, rồi bỗng nở một nụ cười già nua đầy cảm động.
- Ông còn nhớ lần đơn vị ông đến Bucarext và chia ra ở trong các nhà dân. Một hôm đang đi ngoài phố ông bỗng nghe mùi hoa hồng rất đậm. Dừng lại, ông trông thấy một lọ pha lê tuyệt đẹp đựng tinh dầu hoa hồng đặt giữa hai người lính. Họ đang bôi nó lên ủng và lên cả ổ khoá nòng súng. “Các anh có cái gì thế này?” – Ông hỏi. – “Thưa ngài, không hiểu một loại dầu gì đấy ạ. Chúng tôi bỏ vào cháo, nhưng không ăn được, cay quá, còn mùi thì lại rất thơm”. Ông cho họ một đồng rúp và họ sẵn lòng đưa lọ dầu cho ông. Dầu chỉ còn chưa đầy một nửa lọ, nhưng theo giá thì ít nhất cũng phải được trên hai mươi đồng tiền vàng. Mấy anh lính rất hài lòng, nói thêm: “Thưa ngài, ở đây còn có một loại đậu Thổ Nhĩ Kỳ nữa, dù có đun nấu bao nhiêu, cái của quỷ quái này cũng không chịu chín ạ”. Thì ra đó là hạt cà phê. Ông bảo bọn họ: “Cái này bọn Thổ Nhĩ Kỳ mới dùng được thôi, chứ với lính ta thì chẳng được ích lơị gì”. Thật may là họ còn chưa ăn thuốc phiện. Ở mấy chỗ, ông thấy nhiều viên thứ thuốc này bị dẵm trong bùn.
- Ông ơi, ông nói thật nhé, - Anna hỏi, - ông có cảm thấy sợ khi vào trận đánh nhau không ông?
- Kể cũng lạ, Annesca ạ, vừa sợ lại vừa không. Mà sợ cũng là điều dễ hiểu thôi. Các cháu đừng tin kẻ nào nói rằng không sợ và tiếng đạn rít đối với hắn ta là bản nhạc du dương nhất. Kẻ đó hoặc là bị bệnh tâm thần, hoặc là ba hoa nói khoác. Ai cũng sợ như nhau cả. Chỉ có điều người này vì sợ mà co rúm mình lại, còn kẻ khác thì biết làm chủ bản thân. Và cháu thấy đấy, cái sợ thì trước sau cũng chỉ là một, nhưng mức độ biết làm chủ mình qua thực tế càng lớn dần lên: và từ đó mà có những người anh hùng, gan dạ. Thế đấy. Nhưng có một lần ông sợ đến suýt chết đấy.
- Ông ơi, ông kể đi. - cả hai chị em đồng thanh nói.
Cho đến tận bây giờ họ vẫn say mê nghe những câu chuyện của Anôxôp như thời còn thơ ấu. Anna thậm chí còn vô tình choãi khuỷu tay lên bàn hệt như một đứa trẻ và kê cằm lên hai bàn tay để ngửa chồng lên nhau. Trong câu chuyện, chậm rãi, thật thà đến thơ ngây của viên tướng già, có một vẻ đẹp thật ấm cúng. Và cả lối nói của ông dùng để kể lại những hồi ức chiến đấu của mình cũng vô tình mang một vẻ vụng về, lạ lẫm, hơi nhuốm sắc thái sách vở. Dưòng như ông đang kể theo một khuôn mẫu cổ xưa và dễ thương nào đó.
- Câu chuyện này rất ngắn thôi, - Anôxôp bắt đầu kể. – Nó xảy ra ở Sipca, vào mùa đông, sau khi ông bị dập thương vào đầu. Bốn người sống trong một căn nhà đất. Và chính ở đấy đã xảy ra cây chuyện khủng khiếp đối với ông. Một buổi sáng, khi ngủ dậy, ông chợt nghĩ rằng mình không phải Iacôp, mà là Nicôlai, và ông không thể nào dứt bỏ cái ý nghĩ đó được. Nhận thấy rằng mình như sắp phát điên lên, ông liền hét gọi mọi người mang nước đến đắp vào đầu, và lúc đó ông mới tỉnh táo lại.
- Cháu cứ hình dung, bác Iacôp Mikhailôvich ạ, hồi đó bác đã chinh phục được bao nhiêu là phụ nữ, - nữ nghệ sĩ dương cầm Gienni Reite nói. - Thời trẻ hẳn bác phải đẹp trai lắm.
- Ô, ông của chúng ta bây giờ cũng còn rất đẹp trai! – Anna kêu to.
- Đẹp trai thì không đâu, - Anôxôp thản nhiên mỉm cười. – Nhưng người ta cũng không chê bỏ ông. Và vẫn ở Bucarext ấy đã xẩy ra một chuyện cảm động. Khi quân đội Nga tiến vào thành phố, dân ở đấy bắn đại bác ở quảng trường để chào đón, và do đó có khá nhiều cửa sổ bị vỡ kính. Nhưng ở những nhà nào trên cửa sổ có đặt các cốc đựng đầy nước thì lại không việc gì cả. Tại sao ông biết được điều đó? đầu đuôi là thế này. Khi đến căn nhà người ta phân cho ông để trú lại, ông trông thấy ở đó có một lồng chim thấp đặt trên bệ cửa sổ, trong lồng là một chiếc bình pha lê lớn đựng nước trong suốt có những con cá vàng bơi lội, còn giữa chúng là một con chim hoàng yến đậu trên thành gỗ bắc ngang. Chim hoàng yến ở trong nước! – ông ngạc nhiên, nhưng xem kỹ thì thấy rằng chiếc bình có đáy rất rộng và lõm sâu vào giữa, đến mức con chim hoàng yến có thể bay vào và đậu thoải mái trong chỗ lõm đó. Sau sự việc này ông mới thấy là mình không nhanh ý tí nào.
Vào nhà, ông trông thấy một cô gái Bungari rất xinh đẹp. Ông đưa cho cô ta giấy phép đến ở nhà, nhân tiện hỏi tại sao kính cửa sổ ở đây vẫn nguyên vẹn sau đợt bắn đại bác. Cô ta giải thích rằng đấy là nhờ nước, rồi giải thích luôn cả chuyện chim hoàng yến nữa – lúc bấy giờ ông quả là người kém thông minh. Và thế rồi giữa câu chuyện ánh mắt đôi bên gặp nhau, giữa hai người như có một dòng điện chạy qua, và ông cảm thấy rằng mình đã yêu, yêu ngay lập tức, nồng cháy, không cưỡng nổi.
Viên tướng già ngừng lời và thận trọng nhấp từng ngụm rượu vang màu sẫm.
- Nhưng rồi bác tỏ tình với cô ta chứ? – Gienni Reite hỏi.
- Hừ -ừm… tất nhiên, tỏ tình… Nhưng không phải bằng lời. Mà việc đó như sau…
- Ông ơi, chắc ông không bắt chúng cháu phải đỏ mặt đấy chứ? – Anna mỉm cười ranh mãnh, nói chêm vào.
- Không, không đâu, câu chuyện hết sức đứng đắn. Các cháu thấy đấy, ở khắp nơi dừng lại trú quân, người thành phố bao giờ cũng có những thái độ dè dặt ít nhiều đối với quân đội Nga, nhưng ở Bucarext dân địa phương lại đối xử rất thân mật, và một hôm khi ông đưa viôlông ra kéo chơi, các cô gái lập tức diện quần áo vào và nhảy múa luôn. Rồi từ đó thành lệ, ngày nào cũng vậy.
Một lần, vào buổi tối, trong khi mọi người đang nhảy múa dưới ánh trăng, ông đi lên mái hiên nhà ngoài, nơi cô gái Bungari của ông vừa vào khuất. Trông thấy ông, cô ta làm bộ như đang chọn xếp lại những cánh hoa hồng khô mà dân ở đó thu trữ hàng bao tải. Nhưng ông đã ôm lấy cô ta, ghì sát vào ngực mình và hôn liền mấy cái.
Từ đó, cứ mỗi lần mặt trăng hiện lên trên bầu trời sao là ông lại vội đến với người yêu của mình và quên đi tất cả những bận rộn lo toan ban ngày. Cho đến khi đơn vị phải rời khỏi đó, hai người thề nguyền sẽ yêu nhau suốt đời, rồi chia tay nhau mãi mãi.
- Chỉ có thế thôi ạ? – Liutmila Lơvôpna thất vọng thốt lên.
- Thế các cháu còn muốn gì nữa nào? – Viên tướng già hỏi lại.
- Không, Iacôp Mikhailôvich ạ, ông tha lỗi cho cháu, nhưng đấy chưa phải tình yêu, mà chỉ là chuyện quan hệ ngẫu nhiên của một sĩ quan quân đội…
- Ông cũng chẳng biết nữa, cháu yêu quý ạ, thật đấy, ông không biết đó là tình yêu hay một tình cảm gì khác…
- Ôi không… Ông ơi, ông nói đi… thế chẳng lẽ ông chưa bao giờ yêu bằng một tình yêu thật sự sao? Một tình yêu, ông biết không, mà…mà… tóm lại… một tình yêu thiêng liêng, trong trắng, mãi mãi… không trần tục… Chẳng lẽ ông chưa yêu sao?
- Chà, đúng là ông không biết trả lời các cháu ra sao đây, - viên tướng già lúng túng đứng dậy khỏi ghế. – Có lẽ là ông chưa yêu. Hồi đầu thì không có lúc nào để yêu cả: tuổi trẻ, chơi bời, cờ bạc, chiến tranh… Lúc đó ông thấy dường như cuộc đời, tuôỉ trẻ, sức khoẻ sẽ vô tận, không bao giờ kết thúc… Đến khi nhìn lại, thì thấy mình đã là một đống hoang tàn rồi… Còn bây giờ, Vêrôsca, cháu đừng giữ ông lại nữa, ông về đây… Này chàng khinh kị binh, - ông quay sang gọi Bakhơtinxki, - trời ấm, ta đi bộ ra đón xe của chúng ta đi.
- Để cháu đi cùng với ông, ông ạ, - Vêra nói.
- Và cháu nữa, - Anna tiếp thêm.
Trước khi đi, Vêra bước đến bên chồng và nói khẽ:
- Anh vào xem… trên bàn em, trong hòm ấy, có một chiếc hộp đỏ, trong đó có bức thư.
Anh đọc đi.