Chương 35
Một Lên Thiên Đường Một Xuống Địa Ngục

    
ếu họ quyết giữ ký ức cho riêng mình thì có khi nào đến phút cuối mới nhận ra, thực ra đó hoàn toàn là những cảnh tượng khác hẳn nhau.
Hướng Viễn cũng chẳng có thời gian để bực bội chuyện này vì ngày khai trương khu nghỉ mát suối nước nóng đã gần kề trước mắt. Cô và Đằng Vân, hai người phụ trách chính, ngày nào cũng bận tối mắt tối mũi, trong đầu dày đặc những chuyện phải chuẩn bị cho ngày khai trương, những việc khác đều không chứa nổi.
Đêm trước hôm khai trương, họ làm một cuộc tổng kiểm tra lần cuối. Hướng Viễn và Đằng Vân đều là những người cầu toàn, đã làm việc thì phải dốc cạn tâm huyết mà làm nên hạng mục này đã hao phí của họ rất nhiều tiền của và tâm huyết, nay tên đã lên cung, bắt buộc phải bắn theo quỹ đạo đã vạch ra, nhắm trúng hồng tâm, tuyệt đối không được sai lệch.
Đến khi đã xác định nhân viên, vật tư của mỗi chi tiết đều đúng vị trí, không còn vấn đề gì nữa, chỉ đợi ngày đại các khai môn hôm sau thì đã khuya lắm rồi. Hướng Viễn không sốt ruột về nhà ngay mà thong thả dạo bộ ở con đường nhỏ thiết kế theo kiểu Lãnh Nam Viên Lâm, Đằng Vân cũng đi theo bên cạnh. "Anh cũng mệt quá rồi, mau về nhà nghỉ đi, ngày mai còn nhiều việc phải làm lắm", Hướng Viễn cười đuổi anh về.
Đằng Vân đẩy gọng kính trên sóng mũi lên, đáp: "Câu này cũng dùng được với cô đấy chứ. Sao, vẫn cãi nhau với Diệp thiếu gia à? Hướng Viễn mà tôi quen không phải người so đo tính toán những chuyện vặt vãnh".
Hướng Viễn cười bảo: "Rõ thế à? Tôi nên nói là do tâm sự tôi quá mỏng hay là do anh quan sát tinh tế đây?"
"Tôi chỉ cảm thán, cho dù trái tim một người to lớn đến đâu thì cũng bị những chuyện nhỏ nhặt hành hạ đến mệt mỏi."
"Chuyện to, chuyện nhỏ?". Hướng Viễn lẩm bẩm, sau đó đột nhiên hỏi một câu: "Đằng Vân, anh có tin Giang Nguyên sẽ trở thành một công ty lớn thật sự không? Như những công ty lớn như Vĩnh Khải, Trung Kiến ấy"
"Tin chứ", Đằng Vân nói với vẻ khẳng định, "tôi tin cô thôi".
Hướng Viễn cười khổ: "Tôi… tôi cũng chẳng qua là làm cho người ta thôi. Giang Nguyên họ Diệp, tôi họ Hướng, rõ ràng quá rồi còn gì? Nực cười là tôi lại tưởng mình vốn sống là người họ Diệp, chết là ma họ Diệp chứ. Gần đây, khi nghe ngừơi ta nói những lời ấy tôi mới giật mình tỉnh mộng".
Đằng Vân chần chừ nhưng vẫn tỏ ra bình thản đáp: "Thực ra chỉ cần cô muốn thì họ Diệp hay họ Hướng cũng sẽ được định đoạt trong tích tắc mà thôi".
Hướng Viễn sững sờ, quay sang nhìn anh, Đằng Vân đang nhắm mắt, lắng nghe âm thanh lạo xạo khi gió thôi qua những khóm trúc hai bên đường.
Phải rồi, đều trong tích tắc thôi. Một lên Thiên đường, một xuống Địa ngục.
Trái tim Hướng Viễn như con mèo hoang nhưng lại bị buộc chặt bởi một sợi dây thừng, buộc rất chặt.
Lúc này, đa số những nhân viện làm việc trong khu nghỉ mát đã yên giấc, chỉ còn đợi những bận rộn ngày mai. Cả một khuôn viên rộng lớn chìm trong tỉnh lặng, chỉ có tiếng thì thào của gió và lá cây, lúc cao lúc thấp như gần như xa… Hồi lâu sau, Hướng Viễn mới cảm thấy trái tim mình yên phận hơn trong khung cảnh tĩnh mịch này, cô nhìn Đằng Vân nói: "Đó không phải nỗi lo lắng của tôi".
Đằng Vân mở mắt, khoanh hai tay lại, cười mà không nói gì.
Hướng Viễn lại cùng Đằng Vân đi tiếp, một vầng trăng non treo trên đỉnh ngôi chùa gần đó - xa vời, cô đơn như một giấc mộng.
Hướng Viễn chuyển chủ đề vào lúc thích hợp: "Nhìn kìa, mặt trăng xuất hiện rồi… Tôi đã kể với anh về ánh trăng ở quê tôi chưa nhỉ? Đã lâu rồi tôi chưa trở về. Thứ khiến tôi nghĩ đến nhiều nhất vẫn là ánh trăng quê nhà, lúc nằm mơ cũng nhớ, lúc tỉnh cũng không quên được… Nó sáng quá, sáng đến nỗi tôi không tìm được nơi nào để trốn. Nhưng nghĩ mãi, nghĩ mãi tôi cũng không rõ ánh trăng trong ký ức và ánh trăng đời thật có giống nhau không? Tại sao tôi chỉ nhớ những ngày tôi và Khiên Trạch còn ở Vụ Nguyên? Lúc đó, tôi luôn nghĩ ánh trăng lúc nào cũng tròn đầy không khuyết nhưng thực tế thì mỗi ngày nó đều thay đổi. Đằng Vân, anh nói đi, thứ tròn đầy kia có phải là mặt trăng không hay chỉ là hồi ức của tôi? Là hồi ức của tôi đã làm cho nó đẹp hơn".
Đằng Vân cười rồi bắt chước Hướng Viễn, ngẩn cao đầu nhìn thật lâu như một đứa trẻ. Anh nói: "Dù là cùng một ánh trăng nhưng trong lòng mỗi người mỗi khác. Tôi còn nhớ lần hẹn đầu với người ấy, đó là một buổi tối, chúng tôi thuê một chiếc thuyền ra biển câu cá. Cô biết đấy, người ấy làm trong một cơ quan trọng yếu của chính phủ, chuyện gì cũng phải nghĩ đến có ảnh hưởng hay không, đối với quan hệ của chúng tôi, trước kia cũng cứ do dự không quyết định được… Chỉ có đêm hôm đó, mọi thứ đều thay đổi". Lúc Đằng Vân nói, nụ cười bên khóe môi rất dịu dàng và ấm áp, đương nhiên Hướng Viễn biết "người ấy" mà Đằng Vân nhắc đến chính là người yêu đồng tính vô cùng thân mật của anh.
Đằng Vân nói tiếp: "Rất lâu về sau, mỗi khi nhắc đến đêm ấy, tôi thường nói, tôi nhớ rõ là vào một đêm trăng, ánh sáng khi tỏ khi mờ nhưng anh ấy lại khẳng định chắc chắn rằng đêm ấy không có trăng, biển còn có mưa nhỏ. Giờ tôi cũng không biết ký ức của tôi và anh ấy ai thật hơn. Có lẽ lúc ấy tôi hạnh phúc đến nỗi trời mưa cũng nhớ thành trăng sáng gió nhẹ hoặc cũng có thể hôm ấy anh ấy có tâm sự nên ký ức cũng thấm ước. Đương nhiên, có khả năng nhất là có trăng và cũng có mưa, có điều là thời tiết thay đổi. Ký ức chúng tôi là thế, luôn lựa chọn ghi nhớ những điều mà mình muốn nhớ, chẳng ai quan tâm đến sự thực như thế nào".
Hướng Viễn lắng nghe hồi ức mang theo nụ cười của Đằng Vân rồi nói: "Thực ra, tôi rất hâm mộ anh".
Tình yêu của Đằng Vân mới là trong sáng nhất, không màng danh lợi, địa vị, thậm chí cũng chẳng cần kết quả.
Cô nghĩ, không biết trong ký ức của Diệp Khiên Trạch, những đoạn có cô xuất hiện thì ánh trăng có đẹp như trong ký ức của cô không. Nếu họ quyết giữ ký ức cho riêng mình thì có khi nào đến phút cuối mới nhận ra, thực ra đó hoàn toàn là những cảnh tượng khác hẳn nhau? Nếu vậy thì chẳng thà quên đi nhưng trí nhớ của cô vốn xưa nay vẫn tốt như vậy.
Khu nghỉ mát suối nước nóng được chuẩn bị gần hai năm, cuối cùng đã khai trương vào một ngày đầu thu. Mọi việc đã được sắp xếp hoàn chỉnh nên hôm ấy chỉ việc vận hành theo kế hoạch. Nói như Hướng Viễn thì vở kịch hoàn hảo hay không cần phải xem lần công diễn đầu tiên có thành công hay không, nếu phút trên sân khấu xảy ra sơ suất sẽ khiến công lao chuẩn bị trước đó xem như lãng phí hoàn toàn. Trước đó cô đã bảo Đằng Vân sắp xếp chi tiết từng công việc cho những người phụ trách, từ chuyện lớn là tiếp đón những nhân vật quan trọng đến chuyện nhỏ là trang trí lọ hoa đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng, mọi việc đều có người phụ trách. Hôm ấy mà thành công thì mọi người đều có thưởng, còn ai lơ là sẽ bị phạt. Bận nhưng không loạn, mọi thứ đều có trình tự mới là điều cô cần.
Mãi sau này, sự hoành tráng hôm khai trương khu nghỉ mát suối nước nóng của Giang Nguyên vẫn được dân trong ngành nhắc đến. Không cần nói đến cảnh tượng lộng lẫy hôm ấy ra sao, khách quý đến tham quan nườm nượp như thế nào mà chỉ cần nói đến lúc cắt băng khánh thành do Thư ký viện kiểm sát họ Kỷ và Phó thị trưởng phụ trách kinh tế của thành phố G thôi cũng đủ khiến mọi người ấn tượng. Những phóng viên được mời đến rất đông, những hoa chúc mừng kéo dài khắp một con phố, trên mỗi tấm thảm đỏ ở mọi nơi đều có những vị khách quý ăn mặt rất sang trọng, lộng lẫy khiến Diệp gia chưa bao giờ có ngày nào huy hoàng như vậy. Lúc Hướng Viễn bỏ tiền ra đầu tư cảm thấy ruột đau như cắt, giờ đây đã có được sự an ủi thỏa đáng nhưng không bỏ tiền ra thì làm sao thu tiền vào được? Nếu đã muốn chơi thì phải chơi cho đáng đồng tiền.
Lúc đích thân tiễn vị lãnh đạo lớn ra về, Hướng Viễn khom lưng đóng cửa xe cho họ, cười vẫy tay nhìn theo chiếc xe chạy xa dần rồi mới đứng ở đó nhìn về phía cổng lớn của khu nghỉ mát, cô chỉ thấy dưới bầu trời mùa thu cao xanh vô cùng, người người nô nức, huyên náo không ngừng.
Cô vẫn nhớ rõ, qua khỏi cổng lớn rồi qua một sảnh khuất, trên chiếc cột bên góc phải hành lang có đề mấy chữ triện rất tao nhã - Cựu Thời Minh Nguyệt Hữu Vô Trung. Khi ấy, Đằng Vân đã đề nghị đổi câu khác cho phù hợp hơn nhưng Hướng Viễn đã nói: "Thôi, bỏ tiền đó ra để làm gì, thế này được rồi". Cô rất rõ, dưới sự ồn ào náo nhiệt như thế, dù có ánh trăng năm xưa thật thì "vô" cũng sẽ thắng "hữu".
Khi yến tiệc bắt đầu, Hướng Viễn và Diệp Khiên Trạch lần lượt đi chào hỏi khách mời, đêm nay khách quý đến rất đông nhưng người nhà lại vắng mặt nhiều. Bà Diệp nằm trong bệnh viện đấu tranh giữa sự sống và cái chết đã lâu, hai tháng trước đã qua đời, theo căn dặn của Diệp Bỉnh Lâm, hậu sự được làm rất đơn giản. Diệp Bỉnh Lâm thậm chí còn không để các con ở lại mà mình ông ngồi bên hộp tro cốt của người vợ vắn số, sau đó đích thân đưa chiếc hộp lên chùa Lục Dung.
Vì chỉ có Diệp Linh mới là cốt nhục của bà Diệp nên cô đã được đưa về thọ tang mẹ. Khí sắc của cô khá hơn trước nhiều, thần trí xem ra cũng tỉnh táo, lúc nhìn thấy vợ chồng Diệp Khiên Trạch còn nở nụ cười với họ. Hôm ấy, Diệp Khiên Trạch tỏ ra đau buồn vì người mẹ kế xem anh như con ruột đã qua đời, không còn tâm trạng nào lo những điều khác. Hướng Viễn thấy Diệp Linh vuốt ve bên di ảnh của mẹ, sau đó thắp hương, cô không có kinh nghiệm nên làm mãi đến chảy nước mắt mà vẫn không thắp xong. Hướng Viễn bước đến giúp một tay, lúc đó Diệp Linh đã nói: "Cảm ơn".
"Khách sáo làm gì, xem ra, em khá hơn nhiều rồi", Hướng Viễn nói với Diệp Linh.
Diệp Linh cắm hương vào lư, mỉm cười vừa nói vừa chỉ vào di ảnh của bà Diệp: "Khỏe cũng ích gì, rồi cũng ốm mà chết, ai cũng sẽ có ngày này, chỉ là sớm hay muộn mà thôi".
Tuy cô chỉ vào hướng di ảnh của Diệp thái thái, Hướng Viễn biết Diệp Linh nói đúng nhưng trong lòng vẫn có một cảm giác quái kỳ lạ. Cô đầu cảm thấy ngờ vực, rốt cuộc Diệp Linh đã khỏe hay là bệnh càng nặng thêm?
Diệp Bỉnh Lâm nãy giờ vẫn đứng một bên không trách móc gì, yên lặng một lúc rồi gật gù: "Đi trước là có phúc".
Sau tang lễ, cuộc sống của Diệp Bỉnh Lâm càng lặng lẽ hơn, mỗi ngày nếu không ở trong viện điều trị đóng cửa đọc sách thì sẽ bảo người đưa ông đến chùa Lục Dung nghe tăng lữ giảng kinh, ông cũng ít chơi cờ hơn, chuyện công ty giao hết cho con trai và con dâu, rất hiếm khi hỏi đến. Nói bằng ý tứ trong quyển sách gối đầu giường của ông là, "Tuổi già chỉ cần yên, vạn sự không quan tâm". Đến cả ngày khu nghỉ mát cắt băng khánh thành, ông cũng không xuất hiện, chỉ dặn Hướng Viễn: "Các con làm thì có gì mà bố không yên tâm, gặp mấy người bạn cũ thì thay bố hỏi thăm họ là được rồi".
Tuy Diệp Linh nhìn có vẻ bình thường nhưng cũng chỉ có mặt một lúc khi yến tiệc bắt đầu. Diệp Khiên Trạch sợ Diệp Linh mệt quá sẽ xảy ra chuyện gì, lại biết Diệp Linh không thích xuất hiện ở chốn đông người nên bảo người đưa về. Diệp Quân tuy bảo nhất định sẽ đến khi anh và chị dâu một mực căn dặn nhưng vốn là học viên cảnh sát, hôm nay trường có việc nên cậu cũng không đến được.
Hướng Viễn hàn huyên một lúc với Trương Thiên Nhiên, lúc quay lại đã gặp ngay Diệp Bỉnh Văn. Ông ta vẫn áo mũ chỉnh tề, phong độ không giảm, khoác tay một cô gái trẻ nhìn mặt rất quen. Cô nghe Trương Thiên Nhiên nói đó là một "tiểu minh tinh" đã từng quay quảng cáo vài lần.
Đã gặp mặt nhau rồi nên Hướng Viễn tươi cười nghênh đón: "Lúc nãy cháu còn nói với Khiên Trạch, sao vẫn chưa thấy chú Hai đâu, thì ra có giai nhân kế bên, cố ý tránh xa bọn cháu".
Diệp Bỉnh Văn cười tươi: "Sao lại không đến được, khu nghỉ mát này cũng có phần của tôi mà. Tốt lắm, cháu dâu à, lại lần nữa khâm phục mắt nhìn người của ông anh. Có cháu rồi thì cần đàn ông như Diệp Khiên Trạch làm gì nữa? Haha".
Giọng cười ông ta không nhỏ nên rất nhiều người xung quanh đều quay lại nhìn. Hướng Viễn không hể tức giận, đảo mắt nhìn qua cổ tay của Diệp Bỉnh Văn, kinh ngạc kêu lên như phát hiện ra châu lục mới: "Chú Hai bắt đầu tin Phật từ khi nào vậy? Chẳng lẽ chú đã làm gì có lỗi nên sợ gặp báo ứng?", Trước khi sắc mặt Diệp Bỉnh Văn sa sầm, cô đã cười nói tiếp: "Cháu nói đùa thôi, chú Hai không để bụng chứ? Có điều nói đi nói lại thì vòng hạt gỗ trên tay chú, cháu thấy quen mắt lắm, giống như đã nhìn thấy ở đâu rồi".
Kỳ thực đâu chỉ nhìn thấy, vòng hạt gỗ này là vật tùy thân của bà Diệp khi còn sống, từ khi ốm nặng phải vào viện bà chưa bao giờ cởi ra. Hướng Viễn nghe Diệp Khiên Trạch nói, đeo lên người có thể hóa vận xấu thành may mắn, bệnh sẽ biến mất, nhất định nó sẽ bảo vệ chủ nhân vượt qua hiểm nghèo. Kết quả là chiếc vòng lẫn tín ngưỡng đều không giúp được bà Diệp. Sau khi tế bào ung thư lan rộng ra, bà Diệp gầy đi rất nhanh, chiếc vòng vốn vừa cổ tay bà giờ đã có thể trôi xuống khuỷa tay. Hướng Viễn sợ bà Diệp thấy sẽ kinh hãi nên nhân lúc bà thiếp đi sau khi tiêm thuốc giảm đau, cô đã len lén gỡ vài hạt trên chiếc vòng ra để nó vẫn có vẻ vừa vặn với cổ tay bà. Chiếc vòng gỗ có hai mươi bốn hạt tròn giảm xuống còn hai mươi hai hạt, rồi hai mươi… Cuối cùng khi bà Diệp hấp hối, chiếc vòng chỉ còn lại mười sáu hạt. Khi thuốc giảm đau hết hiệu nghiệm, bà Diệp đau đớn khôn xiết, đã dùng răng cắn mạnh lên chiếc vòng gỗ trên tay, tuy không sâu lắm nhưng nhìn rất nổi bật. Khi bà Diệp qua đời, đích thân Hướng Viễn thay quần áo cho bà. Lúc đó Hướng Viễn đã lắp lại sáu hạt gỗ mà cô đã tháo ra vào chiếc vòng rồi đặt trong túi áo bà Diệp. Cô vốn ngỡ nó cũng theo chủ nhân hóa thành cát bụi nhưng bây giờ lại nhìn thấy trên tay Diệp Bỉnh Văn thì cô không thể không ngạc nhiên.
Diệp Bỉnh Văn vô thức đưa cổ tay lên, mân mê mấy hạt gỗ trên đó rồi đáp lại với vẻ lơ đãng: "Chắc cháu nhìn nhầm. Đây chẳng qua là loại vòng gỗ rất tầm thường, thấy quen cũng chẳng có gì là lạ, đeo nó là do thíc thú với sự mới mẻ mà thôi".
Hướng Viễn cười gằn trong bụng, chiếc vòng này đã qua tay cô không biết bao lần, hạt thứ mấy trên đó bị mẻ, hạt thứ mấy có dấu răng, cô đều rõ mồn một. Nực cười là Diệp Bỉnh Văn còn cố trấn tỉnh để nói dối, lừa được người khác chứ là sao lừa nổi cô? Có điều Hướng Viễn không có ý định vạch mặt mà chỉ vỗ vỗ vào trán mình, nói với vẻ bất lực: "Có lẽ gần đây nhiêu việc quá làm cháu mụ mị cả đầu óc nên cứ nhìn nhầm, nghe nhầm, nhớ nhầm suốt. Nhắc mới nhớ, đêm trước khi nhìn mẹ chồng cháu qua đời, khoảng hơn ba giờ sáng, cháu không yên tâm nên đến xem thế nào, lại phát hiện ra sau cánh cửa an toàn có người đang co rúm lại khóc ở đó. Mắt hoa đầu váng thế nào mà suýt nữa cháu tưởng người đang khóc đó là chú Hai nữa đấy".
Diệp Bỉnh Văn không nói gì nữa, chỉ nhìn Hướng Viễn chằm chằm. Khóe môi Hướng Viễn thấp thoáng nụ cười châm biếm khiến ông cảm thấy mình như một con khỉ, tự cho là mình có bảy mươi hai phép biến hóa thần thông quảng đại nhưng thực tế lại không che giấu nổi cô.
Ông ta cố kiềm chế, ra hiệu cho cô gái trẻ kia đi lấy đồ uống. Sau khi cô gái xinh đẹp kia đi rồi, ông ta lập tức sa sầm mặt, nghiến răng nói với Hướng Viễn: "Chuyện của tôi không đến lượt cô lo. Cô đừng tưởng mọi người trong Diệp gia đều bị cô nắm thóp".
Hướng Viễn dồn sự chú ý lên chiếc vòng cổ trên tay Diệp Bỉnh Văn với vẻ thú vị, điềm nhiên nói: "Đương nhiên, tôi không hề có hứng thú với những chuyện xa xưa cũ rích. Có điều nể tình chúng ta là người một nhà mà nhắc nhở chú Hai rằng chiếc vòng này đeo trên tay chú, e rằng không phải là ý nguyện của người đã khuất. Mẹ chồng tôi sinh thời không muốn nhìn thấy chú, bà mất rồi chú lén lấy di vật theo bên mình, không sợ gặp ác mộng ư?"
"Cô hiểu cái gì?" Diệp Bỉnh Văn như ý thức được tâm trạng mình đã quá mất bình tĩnh, không nên như vậy vào lúc này nên cố gắng kiềm chế rồi quay đầu đi, mấy giây sau hạ giọng nói, song vẫn không thể khống chế được tâm trạng của mình: "Cô chẳng hiểu gì hết, tôi và bà ấy…"
"Chỉ là tôi hiểu chuyện gì với phụ nữ là hành động thú vật nhất, không thể tha thứ được nhất".
"Tôi đã làm, nhưng tôi hối hận… rất hối hận rồi…". Giọng Diệp Bỉnh Văn mỗi lúc một thấp, ông ta như đang lảm nhảm một mình, như đang tự nhủ, cũng như đang nói với một người đã không còn: "Tôi đã cầu xin cô ấy, về sau, tôi nguyện để cô ấy kiện tôi, nguyện ngồi tù, nguyện kết hôn với cô ấy, mãi mãi không bao giờ hỏi cô ấy đứa trẻ ấy có phải con của tôi hay không, nguyện làm người đàn ông tốt chăm sóc mẹ con cô ấy suốt đời… Nhưng cô ấy không hề cho tôi một cơ hội, một lần cũng không. Cô ấy thà bị gả cho anh tôi, gả cho một người đàn ông đã vứt bỏ cô ấy về nông thôn cưới vợ sinh con, cũng không chịu cho tôi lấy một lần, đến chết cũng không. Nếu không phải do tôi cố ý lừa cô ấy, dọa sẽ nói mọi chuyện trước kia cho anh trai nghe thì cô ấy sẽ chẳng chịu nói chuyện với tôi. Cùng một sai lầm nhưng cô ấy có thể tha thứ cho anh tôi, chăm sóc con của anh ta và người khác mà không chịu tha thứ cho tôi. Có công bằng không, cô nói xem?"
Hướng Viễn vừa uống nước trong cốc vừa nghe Diệp Bỉnh Lâm lảm nhảm như đang tận hưởng từng câu từng chữ trong lời tâm sự của ông ta, nhưng cô chẳng có hứng thú trả lời, chứ đừng nói là tranh cãi.
Chí khí, phong độ và vẻ từng trải của Diệp Bỉnh Văn lúc này đã biến mất. Lúc này, trước mặt Hướng Viễn chỉ là một người đàn ông thất bại, ông ta nói rồi ngừng, ngừng rồi nói mà vẫn không thấy thoải mái hơn, cho đến khi ánh mắt khi bỉ của Hướng Viễn như một gáo nước lạnh tạt vào mặt, ông ta mới ý thức được việc mình bị cô gái này chọc giận là điều hết sức ngu ngốc. Trước khi cầm cốc nước mà cô gái đi cùng mang về, ông ta đã kịp thu dọn hết những nét thê thảm trên gương mặt cười lạnh một tiếng, nói: "Tôi quên mất, cô là người máu lạnh đến không thể máu lạnh hơn, nói những lời này cô không hiểu được đâu".
Hướng Viễn gật đầu tán đồng: "Cũng may là tôi không hiểu được".