Chương XXVI
TRÂU GỖ NGỰA MÁY

    
râu gỗ ngựa máy là nhằm đối với nước Thục không đủ sức ngựa, vùng núi Tần Lĩnh nhiều đường sàn đạo, vận chuyển lương thực rất không thuận tiện, do đó Gia Cát Lượng đã chỉ đạo thợ cả Phổ Nguyên thiết kế ra.
1. Lần thứ ba khởi binh, sách lược là bám rễ.
Liên tục hai lần không được gì mà phải rút quân, Gia Cát Lượng nung nấu quyết tâm, kiểm điểm toàn bộ những được mất về chiến lược và chiến thuật mà mình đã vận dụng vừa qua.
Hiển nhiên hai lần trước đều là chiến thuật đột kích, đánh thẳng vào vị trí quân sự quan trọng của địch. Lần thứ nhất tuy giành được thành công khá lớn, nhưng do thâm nhập quá vào đất địch, đường tiếp vận không ổn định, sau chiến bại ở Nhai Đình, bởi lo bị cắt mất tuyến sau, không thể không vội vã rút quân.
Lần thứ hai bởi về tình báo lúc đầu phán đoán đã có nhầm lẫn, mà chẳng thể phát huy hữu hiệu chiến thuật đánh tập kích.
Thất bại cả hai lần, đều do vội vã cầu thắng.
Sau khi triệt để kiểm điểm, Gia Cát Lượng quyết định thi hành phương pháp thực tiễn, trước tiên xây dựng lũy đầu cần tấn công, lại thu thập tin báo về trung tâm ở đó, rút ngắn chiến tuyến, khiến cho việc tiếp cận không đến nỗi khó khăn, sau khi thấu hiểu địch tình, sẽ có kế hoạch tiến thêm một bước, nói cách khác Gia Cát Lượng có ý lựa chọn sách lược trường kỳ tác chiến.
Hai lần trước đều bắt đầu từ phía quân địch có biến động lớn, một lần là Tào Phi mới mất, lần khác là Tào Hưu vừa thua, nhưng người kế thừa là Ngụy chủ Tào Tuấn lại có biểu hiện xuất sắc, về chính trị thì đối phương chẳng thể thừa cơ, hiện tại chỉ có thể dựa vào nỗ lực tích lũy lực lượng của mình dần dần.
Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 7, Gia Cát Lượng phát động cuộc bắc phạt lần thứ ba, lần này hoàn toàn chọn lựa sách lược sâu rễ bề gốc chỉ cần giành được thành công nhỏ cũng được.
Mục tiêu tiến công là Vũ Đô và Âm Bình phía nam Kỳ Sơn, hai địa phương này đều sát biên giới Ngụy - Thục, tuy là vị trí quân sự quan trọng, là địa phương của người thiểu số cách xa đầu não Lương Châu, ví như có bị đánh chiếm, đối với chính quyền Tào Ngụy mà nói chỉ là bệnh nhỏ ngoài da mà thôi, nên không đến nỗi có phản ứng rất lớn. Hành động bắc phạt lần này, nghiêm chỉnh mà nói, chỉ có thể kể là một trò... chơi nhỏ trong canh bạc lớn mà thôi.
Song để chấn hưng tinh thần binh sĩ quân Thục sau hai lần thất bại, Gia Cát Lượng vẫn quyết định dốc toàn lực thực hiện. Tác giả “Tam quốc diễn nghĩa” đã khoa trương chiến công lần này, miêu tả Gia Cát Lượng chẳng những tự mình vây hãm Trần Thương, nạt chết Hác Chiêu, mà còn địa chiến ở Âm Bình với Tư Mã Ý và Trương Cáp, thu được thắng lợi rất lớn.
Đây hiển nhiên là tình tiết hư cấu của nhà viết tiểu thuyết. Trần Thương cách Âm Bình, Vũ Đô vài trăm dặm đồng thời xử lý cục diện chiến trường ở hai bên. Huống chi, cứ theo sử liệu ghi chép, Gia Cát Lượng chưa đánh đến Trần Thương và chiến sự năm Kiến Hưng thứ 7, chẳng cần nói đến Tư Mã Ý đang ở tận phía đông, đến như Trương Cáp ở tây chiến tuyến, cũng chưa từng đến vùng đó. Gia Cát Lượng huy động đội quân bắc phạt rất ít. Ví như hổ tướng Ngụy Diên thường làm tiên phong, thời gian này cũng ở Hán Trung, sắp xếp và bổ sung đội quân của ông ta, cũng chưa lao vào cuộc chiến này.
Đạo quân bắc chinh được huy động lần này cũng giống như cuộc bắc phạt lần thứ hai, ước chừng chỉ có hơn hai vạn binh lính. Đợt thứ nhất, do tướng quân Trần Thức dẫn đầu (có sách gọi là Trần Thành) từ Vũ Hưng xuất phát, trực tiếp đánh quận Vũ Đô và Âm Bình.
Đợt thứ hai, Gia Cát Lượng tự mình dẫn hơn một vạn quân chủ lực, ngầm tiến về phía tây, chuẩn bị tiếp ứng cho Trần Thức. Hai quận Vũ Đô và Âm Bình (nay thuộc tỉnh Cam Túc), lúc đó đều thuộc Ung Châu cai quản, bởi thế Thái thú Ung Châu là Quách Hoài tự mình dẫn quân đến chuẩn bị tập kích đội tiên phong của Trần Thức.
Quách Hoài tên chữ là Bá Tế, người Thái Nguyên. Trong chiến dịch Hán Trung làm tham mưu trưởng đạo quân Hạ Hầu Uyên, trước trận đánh ở Thiên Đãng Sơn, Quách Hoài đang bị bệnh nặng nên không tham dự. Hạ Hầu Uyên tử trận, quân Tào rơi vào sự nguy cấp, Quách Hoài gượng bệnh đứng ra thuyết phục tướng lĩnh trong quân, cùng ủng hộ lập Trương Cáp tạm thời làm Tổng tư lệnh, ổn định tình thế quân Tào, cũng ngăn cản hữu hiệu cuộc tấn công của Lưu Bị. Bởi thế rất được Tào Tháo mến mộ, phong làm quan nội hầu, lại đề bạt làm Trấn tây trưởng sử.
Trong chiến dịch Nhai Đình, Quách Hoài đánh chiếm Liễu Thành, ngăn cản đường rút của Gia Cát Lượng, bức quân Thục không thể không khẩn cấp rút lui toàn thể, Quách Hoài nhờ công lao ấy mà được đề bạt làm Uyên Châu thứ sử.
Từ đó có thể thấy, Quách Hoài là viên tướng trí dũng song toàn cũng không dễ đối phó. Bởi thế bố trí đợt hai của Gia Cát Lượng là ẩn dấu thực lực đạo quân chủ lực; hành động ngấm ngầm, là đã có sự dụng tâm của ông ta. Quả nhiên Quách Hoài chưa phát hiện được quân sĩ chủ lực của Gia Cát Lượng, chỉ đem toàn lực đón đánh cuộc tấn công của quân Trần Thức, hai bên mấy lần giao tranh ở quận Vũ Đô. Đang lúc quân lính của Quách Hoài dần dần nắm được ưu thế, quân chủ lực của Gia Cát Lượng lại đột nhiên xuất hiện ở quận Kiến Uy phía tây bắc Vũ Đô có khả năng lại ra Kỳ Sơn đánh Tây huyện và Nhai Đình. Quách Hoài nghe tin cả kinh, chẳng có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng, bèn hạ lệnh vứt bỏ Vũ Đô, Âm Bình vội vã rút về Nhai Đình, bố trí lại phòng tuyến. Gia Cát Lượng với hành động đột kích lần này, không đánh mà nạt được đạo quân của Quách Hoài. Gia Cát Lượng để quân Trần Thức đóng ở đấy, sau khi vỗ về đầy đủ đối với các tộc Đê, Khương, lại thu quân rút về Hán Trung, tiến hành công việc huấn luyện quân đội. Từ đó Vũ Đô và Âm Bình chính thức sát nhập vào bản đồ của chính quyền Thục Hán, cùng sự cai quản chung.
2. Triệu Vân từ giã cõi đời, Gia Cát Lượng được phục chức.
Dựa vào sự thành công về chiến thuật này, Hậu chủ Lưu Thiện lập tức hạ chiếu, khôi phục chức Thừa tướng cho Gia Cát Lượng. Nội dung chiếu thư như sau:
“Chiến dịch Nhai Đình thất bại, thực ra lỗi ở Mã Tắc, tướng công lại tự nhận lỗi mà từ chức, tự xin giáng xuống làm Hữu tướng quân, bởi không muốn trái ý tướng công tự trách để biểu hiện rõ đại nghĩa của pháp luật, trẫm đã miễn cưỡng đồng ý.
Song năm trước, tướng công lại làm vinh dự quân Hán chúng ta, chém chết danh tướng nước Ngụy là Vương Song. Cuộc viễn chinh lần này, lại bức rút đại quân của Quách Hoài, hàng phục được các tộc Đê, Khương, thu phục hai quận Âm Bình, Vũ Đô, uy danh vang động, công trạng hiển hách; nay thiên hạ nhiễu nhương chưa định, kẻ tội lỗi đầu sỏ là Tào Ngụy còn chưa bị trừng trị, tướng công chịu trách nhiệm phục quốc, là cột trụ quan trọng nhất của triều đình ta, lại đã lâu ngày ở địa vị ủy khuất, thực tế chẳng phải là hiện tượng tốt biểu dương tinh thần quân ta trung thành yêu nước. Bởi thế hiện tại phải khôi phục chức Thừa tướng cho tướng công, xin chớ chối từ”.
Chiếu thư này việc tự nhiên đầu tiên là đã trưng cầu sự đồng ý của Gia Cát Lượng, bởi thế tiếp được chiếu thư không lâu, cũng là vào tháng 2 cùng năm, Gia Cát Lượng xây dựng phủ Thừa tướng ở Nam Sơn (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), cùng xây dựng doanh trại thành lũy ở Hán Thành và Lạc Thành (đều ở tỉnh Thiểm Tây), hoàn toàn làm xong sự chuẩn bị tác chiến lâu dài.
Không may cùng lúc ấy, lão tướng Triệu Vân đứng hàng đầu của Thục Hán, người bạn lâu dài dựng sự nghiệp cùng Gia Cát Lượng ngã bệnh từ trần. Đối với Gia Cát Lượng và Hậu chủ Lưu Thiện mà nói, đấy là tin xấu lớn khiến người người rất đau xót. Triệu Vân ở chiến trường vẫn dũng mãnh, có thể hưởng thọ đến 72 tuổi, cũng xem là quý hiếm.
Song trong số các đại thần nguyên lão của Lưu Bị, Triệu Vân rất ủng hộ Gia Cát Lượng, hơn nữa ông ta còn lo cho toàn đại cục, yêu mến thuộc hạ, chiêu cố nhân dân, sinh hoạt cần kiệm, lại không để lãng phí quân trang, là tấm gương cho các lão tướng.
Người bạn già cùng là đồng sự 23 năm với nhau, lại có khí chất cao quý đã từ trần, tự nhiên khiến Gia Cát Lượng rất lấy làm thương cảm.
Đối với Hậu chủ Lưu Thiện mà nói, Triệu Vân càng là đại ân nhân, trước sau hai lần một mình cứu chúa, lòng trung thành khiến người ta mãi tưởng nhớ. Ba mươi hai năm sau, Lưu Thiện khi truy tôn cho các tướng lĩnh nguyên lão thời đại Lưu Bị như Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Bàng Thống, Hoàng Trung, cũng đặc biệt truy tôn cho Triệu Vân.
Theo đề nghị của Khương Duy, đánh giá sự nghiệp Triệu Vân như sau:
“Tướng quân xưa kia từ đầu đã theo Tiên đế, trải nhiều nhọc nhằn, sửa sang thiên hạ, tuân thủ phép tắc, công tích đáng ghi vào sách vở. Trận Đương Dương, nghĩa như vàng đá, tận trung với chúa, vua nhớ ban thưởng; chữ lễ đầy đặn, làm kẻ bầy tôi quên mình; dẫu biết phải chết, cũng không từ nan làm việc ra ơn, chẳng nghĩ đến mình. Nay đặt tên Thụy, ân huệ ấy rằng Thuận, làm việc thuận ngôi thứ ấy rằng Bình, trị loạn lạc ấy rằng bình, nên đặt tên Thụy là Thuận - Bình - hầu”.
Sắc phong Thụy nhấn mạnh Triệu Vân là người hiền tài vỗ về dân tình yêu mến trăm họ. Hiện nay trong đền thờ Vũ Hầu ở Thành Đô, đặc biệt thấy Triệu Vân được tạc tượng như một văn thần đầu tóc bạc trắng hiền từ, chất phác, nghĩ rằng đấy là biểu hiện cụ thể phong thái nho tướng mà ông ta vẫn có.
3. Tôn Quyền vội vàng xưng đế, điều chỉnh quan hệ Thục Ngô.
Mùa hạ cùng năm, tình hình chính trị phương đông phát sinh biến động rất lớn.
Sau khi đánh bại đại quân của Tào Hưu, quan hệ Đông Ngô và Tào Ngụy hoàn toàn xấu đi, Tôn Quyền chẳng chịu yên, cũng vội vã xưng làm Hoàng đế, ông ta đổi năm hiệu là Hoàng Long, truy tôn cho người cha là Tôn Kiên, làm Vũ liệt Hoàng đế, người anh cả Tôn Sách làm Trưởng Hoàn Vương, phong con trai Tôn Đăng làm Hoàng thái tử, lại lấy Gia Cát Khác là con Gia Cát Cẩn làm Tá phụ thái tử, Trương Hưu làm Hữu bật, lại lấy Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh) làm Kinh Đô, quốc hiệu vẫn gọi là Ngô, lịch sử gọi Tôn Quyền là Ngô Đại đế.
Tôn Quyền phái sứ giả đến Thành Đô yết kiến Lưu Thiện yêu cầu từ nay về sau hai nước lấy danh nghĩa hoàng đế bình đẳng mà quan hệ. Các văn vũ đại thần triều đình Thục Hán đều râm ran nghị luận, phần lớn cho rằng Tôn Quyền xưng đế, không nghi ngờ gì phủ nhận địa vị chính thống của chính quyền Thục Hán kế thừa vương triều nhà Hán, tuyệt đối chẳng thể thừa nhận, lại chủ trương lập tức cắt đứt quan hệ với Đông Ngô, có người thậm chí còn yêu cầu xuất chinh thảo phạt nữa.
Đại thần Tưởng Uyển, phái thực tiễn đương nhiên tô vẽ thêm kịch liệt, bởi như vậy chẳng những làm suy yếu lực lượng thảo phạt Tào Ngụy, mà còn hai đầu gặp địch, có thể nguy hiểm cho sự ổn định của vương triều Thục Hán.
Bởi thế cho rằng nên mời Gia Cát Lượng đang huấn luyện quân sự ở Hán Trung về triều để quyết đoán rõ ràng.
Tôn Quyền xưng đế, đối với Gia Cát Lượng vẫn “giữ quan điểm chính thống” với lập trường của phái “Thanh Lưu”, đấy là sự khiêu chiến nghiêm trọng, sau khi suy nghĩ kỹ, bèn phái sứ giả dâng thư lên Lưu Thiện nói rõ:
“Tôn Quyền sớm đã có dã tâm thoán nghịch, chúng ta vẫn chẳng kể đến, lại còn giúp đỡ họ mà tạo ra thế ỷ giốc. Nếu hiện nay chúng ta công khai cự tuyệt họ, đoạn tuyệt liên minh ắt sẽ dẫn đến sự nhìn nhận thù địch cũng sẽ bức chúng ta phải dẫn quân đánh Ngô, với họ liều mình một trận, chỉ có sau khi thôn tính được lãnh thổ Đông Ngô, mới có đủ lực lượng tiến binh bắc phạt Trung Nguyên vậy.
Song Tôn Quyển có thủ hạ hiền tài rất nhiều, văn võ đại thần đều hoà thuận với nhau, chẳng phải một sớm một tối có thể bình định được. Nếu cứ kéo dài nhì nhằng ở đấy ắt chỉ có lợi cho Tào Ngụy, đấy chẳng phải là thượng sách.
Hiến Văn đế lấy lời lẽ khiêm nhường mà đối phó với Hung Nô, Tiên đế cũng chủ trương hoà hiếu với Đông Ngô, đấy đều là đạo lý quyền biến, suy nghĩ xa xôi, xét đến đại kế sách quốc gia lâu dài mà chẳng phải sự phẫn nộ nhất thời của kẻ thất phu vậy.
Cũng có người cho rằng Tôn Quyền lấy ba chân đỉnh lớn làm mục tiêu sẽ không cùng với chúng ta nỗ lực bắc phạt Tào Ngụy, huống chi họ đã mãn nguyện, sẽ chẳng dự tính vượt sông đánh Tào Ngụy nữa. Cách nói như vậy, đều là lẫn lộn phải trái, vì sao vậy?
Tôn Quyền thực ra là có thừa tâm niệm mà không đủ sức lực, cho nên chỉ nghĩ hạn chế ở Trường Giang mà tự bảo vệ. Tôn Quyền chẳng có thể vượt quá Trường Giang cũng như Tào Ngụy chưa có thể vượt qua sông Hán Thủy, đều chẳng phải là có thừa lực lượng mà thấy lợi không tranh giành.
Nếu chúng ta dẫn đại quân bắc phạt, lại bảo với họ nếu thành công sẽ cùng chia lãnh thổ Tào Ngụy, cùng cai quản quân dân, tôi nghĩ Tôn Quyền dứt khoát sẽ chẳng ngồi yên. Còn ví như ông ta bất động, chỉ cần hai bên vẫn giữ thái độ hữu hảo, để khi chúng ta bắc phạt không phải lo nghĩ đến phía đông, khiến cho đại quân của Tào Ngụy đang ở Hoàng Hà không dám tập kết hoàn toàn về phía tây, như vậy đối với chúng ta đã là sự dễ chịu rất lớn. Bởi thế với Tôn Quyền mắc tội dám xưng đế, nghĩ rằng cũng không nên công khai tỏ thái độ ngay”.
Gia Cát Lượng chẳng những thừa nhận sự thực đã có này, lại chỉ lấy lợi ích thực tế quốc gia trước mắt để tập trung suy nghĩ, ông kiên trì mục tiêu chiến lược của mình là tập trung đánh vào kẻ địch hàng đầu là Tào Ngụy, đối với nước Ngô “chẳng phải là địch mà là đồng chí” chọn lấy nguyên tắc thông biến, mới là người có trí tuệ sáng suốt. Bởi thế phát biểu giải thích công khai để thuyết phục những đại thần triều đình Thục Hán đang có bất đồng đứng về phía mình.
Gia Cát Lượng lại phái Vệ uý Trần Chấn làm sứ giả đến Kiến Nghiệp chúc mừng Tôn Quyền xưng bá.
Hai bên cùng bàn bạc, ước định sẽ cuối cùng là chia đôi lãnh thổ Tào Ngụy, các châu phía tây sẽ thuộc Thục Hán, các châu phía đông sẽ thuộc nước Ngô, cùng biểu thị rõ: “Một lòng diệt giặc, cùng thảo phạt Tào Ngụy; nếu có kẻ làm hại Thục Hán sẽ đánh các nơi biên giới, không xâm phạm lẫn nhau”.
Nghiễm nhiên đó là bản hiệp ước hữu hảo an toàn thời cổ đại. Quan hệ Thục Hán và Đông Ngô, bởi thế mà duy trì, phát triển ổn định lâu dài.
4. Làm yếu thế lực quân Ngụy, ổn định cơ sở quốc phòng.
Gia Cát Lượng khi công khai đàm thoại sự kiện Tôn Quyền xưng đế có nhắc đến “Tôn Quyền không đủ sức vượt Trường Giang, cũng như Tào Ngụy không đủ sức vượt Hán Thủy” thì mùa xuân năm sau, lại gặp phải sự khiêu chiến mới.
Tháng 6 năm Kiến Hưng thứ 6, Tào Chân kế tục Tào Hưu làm đại tư mã, đề nghị với Tào Tuấn chủ động đánh Thục Hán, để giải quyết vấn đề phòng thủ phía tây.
Sự sắp xếp đạo quân nam chinh lần này rất lớn, đối với Thục Hán đích xác là sự khiêu chiến chưa từng có:
Tổng tư lệnh quân trung lộ: Tào Chân
Kế hoạch là từ Tà Cốc: vượt qua Cơ Cốc tiến vào Hán Trung, sau lại đổi từ Tràng An qua đường Tý Ngọ đánh thẳng vào Hán Trung.
Tư lệnh quân đông lộ: Tư Mã Ý
Ngược sông Hán Thủy mà lên, từ Tây Thành tiến vào đất Thục, hội quân với Tào Chân.
Tư lệnh quân tây lộ: Quách Hoài từ Kỳ Sơn tiến xuống phía nam, đánh các quận Vũ Đô và Kiến Uy.
Tào Chân nói với Tào Tuấn: Người Hán mấy lần vào đất giặc, đều từ Tà Cốc mà tiến đánh, cùng với mấy đạo chư tướng tiến công có thể thắng được. Tào Chân có ý dùng chiến thuật biển người dốc toàn lực tiến đánh Thục Hán, một lần có thể triệt để đánh bại, bởi thế phải động viên binh lực rất lớn. Số người ở đạo quân Tào Chân vượt quá 5 vạn, Tư Mã Ý cũng có 3, 4 vạn, quân Quách Hoài do các đạo quân nhỏ của các tướng lĩnh hợp thành số người cũng có 1, 2 vạn người.
Đây cũng là lần đầu tiên Tư Mã Ý tham dự chiến sự với Thục Hán, Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý sau này là những địch thủ lão luyện ở chiến trường phía bắc, lần đầu chính thức giao chiến ở đây.
Song Hán Trung và Ích Châu đều là vùng địa thế hiểm yếu nổi tiếng, Gia Cát Lượng về mặt phòng thủ, đã có chú ý và lợi thế, huống chi Gia Cát Lượng vẫn ở tiền tuyến Hán Trung, Thục Hán vẫn ở trạng thái chuẩn bị chiến đấu, cho nên quân địch kéo đến tuy nhiều, song áp lực tâm lý của Gia Cát Lượng lại không đáng kể.
Kế hoạch tác chiến của Gia Cát Lượng khá đơn giản, ấy là binh đến thì ngăn, nước đến thì dùng đất mà lấp. Binh lực của Thục Hán ít hơn lại không thiếu đại tướng độc lập tác chiến, lại thêm cậy hiểm mà giữ, đánh ngay ở đất mình, có ưu thế địa lợi và nhân hoà.
Ông ta tự mình dẫn quân lính chủ lực, đóng đồn ở Lạc Thành phía đông khu thành cũ, để ngăn cản Tào Chân từ đường Tý Ngọ tiến vào Hán Trung, lại ngăn cản Tư Mã Ý hợp quân với Tào Chân.
Đồng thời ông ta hạ lệnh cho Lý Nghiêm từ Giang Châu dẫn 2 vạn binh mã đến Hán Trung chi viện, lại phong con trai của Lý Nghiêm là Lý Phong làm Đô đốc Giang Châu, thay thế việc trấn thủ Giang Châu của cha mình, cẩn thận đề phòng động tĩnh của Đông Ngô. Giữ nghiêm trận địa đã hơn một tháng, lại chẳng thấy một con chuột hoặc một con kiến càng nào, rốt cuộc đại quân Tào Ngụy đi đâu nhỉ?
Gia Cát Lượng hằng ngày đều phái nhiều tình báo, thu thập tình hình quân địch, đều chưa phát hiện quân Tào vượt núi mà đến.
Tào Chân trong tháng 6 đã đến Tràng An, đầu tiên là đợi quân Trương Cáp kéo đến, ông ta lệnh cho Trương Cáp theo đường Tà Cốc tấn công, còn mình thì theo đường Tý Ngọ mà tiến nhất định sẽ hợp quân ở Nam Trịnh.
Đại quân Tào Chân vào tháng 3 bắt đầu xuất phát, mới tiến vào vùng núi Tý Ngọ thì gặp phải mưa rào kéo dài liên tục hơn 30 ngày, bị mắc ở trong khe núi đối mặt với sương mù dày đặc không thấy đường mà đi. Lại thêm đường sàn đạo mới xây dựng bị nước lớn cuốn trôi, làm rồi lại hỏng, hỏng rồi lại làm, rốt cục là công trình lãng phí hơn một tháng trời, mấy vạn đại quân của Tào Chân phấn đấu với mưa to, lại thành ra anh hùng không có đất dụng võ.
Quân Trương Cáp cũng không hơn Tào Chân bao nhiêu, đường Tà Cốc địa hình hiểm trở, trời mưa nói chung chuyển động không được, lại mất liên hệ với Tào Chân.
Trương Cáp già dặn kinh nghiệm phán đoán trời mưa khó giao đấu, vội vã rút về Mi huyện đóng trại đợi cơ hội hành động. Tư Mã Ý từ phía đông ngược Hán Thủy mà lên, gặp phải nước lũ mùa mưa nói chung không tiến lên được, đành phải đóng mãi ở Dự Châu đợi thời tiết tốt hơn.
Đại thần triều đình Tào Ngụy phản đối hành động quân sự lần này là Trần Quần. Với vai trò đại thần phụ tá, ông ta can rằng, “năm xưa Thái Tổ từ Dương Bình tấn công Trương Lỗ, là nhân đang được mùa, thu hoạch xong, nhưng chưa đánh được Trương Lỗ, chúng ta đã bị thiếu lương thực vận chuyển đến. Nay chưa thu hoạch mùa màng đã xuất binh, vấn đề lương thực lại càng nghiêm trọng, hơn nữa Tà Cốc hiểm trở rất khó tiến thoái, việc vận chuyển rất hao phí thời gian nhân lực, chẳng thể không suy nghĩ kỹ vậy”.
Thái uý Hoa Hâm cũng lo nghĩ chuyện mưa lớn, không nên phát động chiến tranh, nhọc dân lại thương tổn binh lính, dứt khoát chẳng phải là đạo trị quốc. Thiếu phủ Dương Phụ cũng dâng biểu thưa rằng: “Mang đại quân vào vùng sơn khê khó khăn, tiến không được, thoái không được, chẳng phải đạo dùng binh cẩn thận vậy”.
Tán kỵ thường thị Vương Túc cũng đề nghị, thời tiết sắp tới chẳng thể tạnh ráo, kẻ địch lấy nhàn đợi mỏi, đấy là chỗ lo của binh gia vậy.
Tào Tuấn sau khi suy nghĩ cân nhắc, hạ lệnh cho Tào Chân rút quân về Tràng An.
Sau khi Tào Chân rút quân, Trương Cáp và Tư Mã Ý cũng đều rút quân về doanh trại của mình. Trái lại quân Quách Hoài ở phía tây triển khai thuận lợi hơn ông ta chia làm hai đường đánh Vũ Đô và Âm Bình, khiến quân Thục Hán phòng bị ở đấy đều phải đưa tin khẩn cấp xin chi viện.
Gia Cát Lượng xác định Tào Chân đợi rút quân, bèn lập tức lệnh cho Ngụy Diên và Ngô Ý tiến quân vào Tây Khương, quấy nhiễu hậu phương vận chuyển lương thực của Quách Hoài. Quách Hoài bất đắc dĩ phải rút quân về nghênh chiến, hai bên giao chiến ở Dương Cốc (phía nam Lũng Tây). Nguỵ Diên đánh bại quân Quách Hoài, chứng minh thực lực quốc phòng của Thục Hán là đáng kể.
Ngụy Diên và Ngô Ý đánh bại được Quách Hoài song bởi đại quân tiến sâu vào Lũng Tây, việc phòng vệ và bổ sung gặp rất nhiều khó khăn, không dám ở lâu, lại phải rút về phía nam quận Vũ Đô. Quách Hoài tuy bị đánh bại vẫn mau chóng giữ được phòng tuyến Kỳ Sơn.
Gia Cát Lượng xét chiếu công dâng biểu đề bạt Ngụy Diên làm Tiền quân sự, Trấn tây đại tướng quân, lại phong làm Nam Trịnh hầu. Ngô Ý làm tả tướng quân, Cao Dương Hương hầu.
5. Trâu gỗ, ngựa máy ra đời, bổ trợ vận chuyển lương thực
Bởi Tào Chân thế đang hùng hổ, Gia Cát Lượng không dám chủ quan, phải bắt đầu bầy ra tư thế trường kỳ kháng chiến, bởi thế việc chuẩn bị lương thực khá quan trọng.
Với mùa mưa gần hai tháng, đại quân Gia Cát Lượng đều ở trong núi, việc vận chuyển trở thành vấn đề nghiêm trọng. Để khắc phục khó khăn ấy, Gia Cát Lượng lần đầu sử dụng một loại công cụ vận chuyển gọi là trâu gỗ.
Đường sàn đạo ở đây là đặc điểm riêng của vùng Tần Lĩnh, đi lại rất khó khăn, phương tiện vận chuyển mới được thiết kế, trong hành động bắc phạt lần thứ 4 được vận dụng rộng rãi. Đợt bắc phạt lần đầu tiên đối trận với Tư Mã Ý ở gò Ngũ Trượng, dựa vào mấy khuyết điểm của trâu gỗ, cải tiến thêm trở thành ngựa máy vận chuyển nhiều và nhanh hơn.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, tô vẽ tính thần kỳ của trâu gỗ và ngựa máy giống như là “Trâu cơ khí và ngựa cơ khí” ngoại hình đều giống trâu, ngựa. Đến như thời hiện đại cũng chẳng có kỹ thuật này, huống chi là thời đại Tam quốc khoa học còn chưa phát triển? Tam quốc chí cũng khen ông ta “giỏi hiểu biết công nghệ, có sở trường phát minh và sáng tạo các loại công cụ, cũng tức là rất có đầu óc khoa học”, đương nhiên kỹ thuật thời hiện đại Tam quốc chẳng thể so sánh với khoa học hiện đại bây giờ.
Trung Quốc từ xưa đã có không ít người có sở trường phát minh các công cụ khoa học. Mặc Tử và Công Tôn Bàn thời Chiến quốc, nhờ phát minh đánh thành và công cụ phòng thủ mà nổi tiếng, nghe nói còn làm được con diều gỗ có thể bay được. Trương Hành thời nhà Hán đã có phát minh về dự trắc thời tiết và động đất truyền lại cho đời sau.
Tương truyền người vợ của Gia Cát Lượng là Hoàng phu nhân cũng là một cao thủ về mặt này, hai người rất tâm đầu ý hợp, tin rằng khí cụ trong nhà riêng ắt có không ít thiết kế tinh vi.
Nỏ liên châu là một vũ khí có sức sát thương rất mạnh, nghe nói là Gia Cát Lượng đã cải tiến loại nỏ đương thời, lại gọi là nỏ Nguyên nhung. Nỏ này là một loại binh khí lợi dụng lực cơ giới để bắn tên; gồm các bộ phận cánh cung, tay nỏ và máy nỏ. Phần kim loại để bắn tên ra lắp sau tay nỏ được gọi là máy nỏ, một lần có thể bắn ra được nhiều mũi tên bịt sắt nên nỏ ấy được gọi là nỏ liên châu. Nỏ đã được sử dụng ở thòi Chiến quốc, thời nhà Hán phải đối kháng với đội kỵ binh Hung Nô có hành động hoả tốc, thế rồi phát minh ra nỏ liên châu. Quân Tào Ngụy bởi Tào Tháo có truyền thống chuyên dùng kỵ binh, nhờ đánh kỵ binh mau chóng mà thành nổi tiếng, có thể Gia Cát Lượng phải đối phó với đội kỵ binh xung kích Tào Ngụy, đã tăng cường sức sát thương của mình, mới phát minh ra loại nỏ liên châu này. Căn cứ vào ghi chép của Bùi Tùng Chi, nỏ liên châu của Gia Cát Lượng, lấy sắt làm tên, tên dài 8 tấc, mỗi nỏ cùng bắn ra 10 tên, còn gọi là nỏ Thôi Sơn, uy lực rất mạnh mẽ, đương thời được coi là thứ binh khí hàng đầu. Trong chiến dịch bắc phạt lần thứ tư danh tướng Trương Cáp của nước Ngụy đã phải chết do mưa tên của nỏ liên châu này.
Năm 1964, nhà khảo cổ học đại lục ở vùng công xã Thái Bình thuộc Ti huyện gần Thành Đô đã khai quật được máy nỏ bằng đồng được chế tạo vào ngày 30 tháng 2 năm Cảnh Diệu thứ tư thời hậu chủ Lưu Thiện, tức là sau 27 năm Gia Cát Lượng từ trần, thuộc loại nỏ liên châu mà Gia Cát Lượng đã cải tiến.
Máy nỏ này, nếu dùng tay để keo dây cung thì không được, khi bắn ra phải dùng chân đạp, sau khi kéo máy, lẫy nỏ sẽ hạ xuống, khi dây cung bật ra, mũi tên sẽ bắn đi, do có bộ phận lấy chuẩn, nên rất trúng đích.
Bát trận đồ bao quát nhiều vấn đề, phần sau xin dành hẳn một chương để đề cập, ở đây không nói đên..
Thực ra, đáng kể nhất vẫn là chuyện trâu gỗ, ngựa máy. Đối với nước Thục bấy giờ bò ngựa không đủ, núi Tần Lĩnh nhiều đường sàn đạo, vận chuyển lương thực chỉ đạo thợ cả Phổ Nguyên thiết kế ra. Sử liệu có chép: trâu gỗ là loại xe một trục bốn chân, ngựa máy là loại xe hai trục, trục gắn liền với bánh xe, chân là cột gỗ để đỡ. Cũng tức là nói, trâu gỗ và ngựa máy chẳng phải là trâu hoặc ngựa cơ khí mà là loại xe có một bánh hoặc bốn bánh, Trương Chú người đời Thanh khi biên soạn cuốn “Gia Cát vũ hầu cố sự” có chép: “Trong nước Thục có một loại xe nhỏ, một người đẩy có thể tải đồ nặng 8 thạch, phía trước hình như đầu trâu; lại có một loại xe lớn, có thể dùng bốn người vận chuyển, chở được vài chục thạch, đại khái đấy là trâu gỗ, ngựa máy mà Gia Cát Lượng đã phát minh”.
Song căn cứ vào sử liệu ghi chép, thời Gia Cát Lượng trâu gỗ chỉ có thể chở được số lương thực cho một người dùng một năm, còn ngựa máy thì chở được hơn nhiều. Từ đấy có thể thấy, những ghi chép trên là loại trâu gỗ, ngựa máy qua cải tiến đã chở được nhiều hơn.
Loại xe nhỏ một bánh chế bằng gỗ, thực ra trước đó ở đời Hán, đã được dân gian sử dụng gọi là “triển xa”. Trâu gỗ của Gia Cát Lượng là từ nhu cầu đặc thù của đường núi khúc khuỷu và tương đối bằng phẳng mà thiết kế ra để vận chuyển.
Trong một bức vẽ xe kéo thấy được ở ngôi mộ cổ đời Hán ở Dương Tử Sơn gần Thành Đô, ở góc bên phải có người đẩy xe một bánh, cho thấy loại xe này khá phổ biến.
Trâu gỗ mỗi lần có thể chở được số lương thực cho một người trong một năm, ước được hơn 100 cân, mỗi người mỗi ngày có thể chở 20 dặm đường tuy không quá vất vả, song tốc độ khá chậm chạp. Ngựa máy được thiết kế sau này, chẳng những chở nặng hơn rất nhiều, tin rằng cải tiến tốc độ là phần chủ yếu nhất, cho nên mới gọi là ngựa máy.
Trâu gỗ, ngựa máy có thể vận chuyển lương thực, bản thân nó không cần ăn uống gì, đối với cuộc viễn chinh trường kỳ đích xác đã giúp đỡ rất lớn.
 
Lời bình của Trần Văn
Úy Lạo có đề ra biện pháp cụ thể khích lệ tinh thần binh sĩ. Ông ta nói: “Biện pháp khích lệ tinh thần binh sĩ ắt nên làm cho đời sống nhân dân ổn định, đủ ăn đủ mặc. Đời sống của mọi người đã chẳng có vấn đề, thì các binh sĩ ở tiền tuyến mới có thể yên tâm chiến đấu được.
Cho nên, bậc vua hiền tài, khi chiến tranh phải nỗ lực nắm lấy ba việc quan trọng:
1. Đất đai là để nuôi dưỡng dần, ví như có chiến tranh, cũng không ảnh hưởng đến cầy cấy của nông dân, như vậy nhân dân mới không bị thiếu đói.
Thành lũy là để bảo vệ đất đai nhân dân, thành lũy kiên cố mới có thể bảo vệ an toàn cho nhân dân.
Chiến lược là để bảo vệ thành lũy, tùy lúc duy trì chiến lược, là đảm bảo tốt nhất không bị xâm lược.
Để tăng cường chiến lược, bảo vệ tài sản của nhân dân, lại phải làm tốt 5 công việc dưới đây.
Phải có đầy đủ lương thực và vật tư tác chiến, nếu không binh sĩ nói chung chẳng thể vận động được.
Chu cấp cho binh sĩ đầy đủ mới có thể tùy lúc duy trì được tinh thần binh sĩ cao độ.
Phải luôn chú ý cất nhắc nhân tài, thiếu nhân tài lãnh đạo quân sĩ chẳng thể mạnh được.
Vũ khí trang bị phải đầy đủ, nếu không sức tác chiến nhất định sẽ bị suy yếu.
5. Thưởng phạt nghiêm minh khiến thuộc hạ vui vẻ thành phục, mới có thể phát huy ý chí mọi người vững như thành lũy.
Chiến tranh bắt đầu xảy ra, thường kéo theo thời gian dài, tuy binh pháp Tôn Tử chủ trương đánh nhanh “việc binh cần vội vàng chang nên kéo dài”.
Song đã giao tranh nói chung “người ở sông hồ, thân chẳng do mình muốn đình cũng không đình lại được ngay.
Gia Cát Lượng lấy thế yếu đối lại kẻ địch mạnh, càng cần phải nhẫn nại mà đánh. Củng bởi vậy ắt phải đánh kéo dài, duy trì hữu hiệu tinh thần quân dân là công việc quan trọng nhất, để nhận rõ sự lao khổ của quan dân thời chiến, Gia Cát Lượng ở ngôi cao tể tướng tự mình đóng doanh trại ở tiền tuyến, cùng sinh hoạt lâu dài trong thời chiến. Úy Lạo Tử cho rằng “quân tính chịu gian lao, tướng phải đi đầu vậy. Trời nắng không che lọng, trời rét không mặc nhiều áo, nơi nguy hiểm ắt phải bước đến; đào giếng thì uống sau, cơm chín thì ăn sau, doanh trại làm xong thì ở sau, nhọc nhằn thì cùng chia sẻ!” Gia Cát Lượng có thể nói là đã hoàn toàn làm được, bởi thế “quân tuy ở lâu mà không mệt mỏi” vậy.
Quân lương vẫn là vấn đề Gia Cát Lượng rất đau đầu cũng rất quan tâm. Ích Châu tuy nói là xứ sở thần tiên, song từ khi Lưu Bị dựng nước đến giờ vẫn không ngừng có chinh chiến. Gia Cát Lượng từ lúc đầu điều hành nước Thục đã rất xem trọng phát triển kinh tế dân sinh khiến nước Thục trở thành một trong ba chân đỉnh lớn, là một quốc gia có kinh tế thịnh vượng, song Thục Hán lấy một Ích Châu để đối phó với Tào Ngụy có thực lực chín châu và Đông Ngô có thực lực ba châu, nếu đánh kéo dài thì vấn đề cung cấp lương thực là khá vất vả.
Phát minh trâu gỗ ngựa máy, tuy mục đích là bổ sung lương thực thông suốt triệt để, khiến vật tư được lo liệu chu đáo trong khâu vận chuyển, thực đã phát huy được tác dụng.
Sử liệu có chép Gia Cát Lượng tự mình xem xét sổ sách, chỉnh lý ghi chép về lương thực. Tuy bị phê bình là quá sát sao với công việc, song đích xác cũng là nỗi khổ tâm bất đắc dĩ của ông ta.