Chương 17
ĐI THÁM HIỂM ĐỒNG CỎ - SA MẠC -
GẶP ĐÀ ĐIỂU - CHIẾN CÔNG CHIM CẮT -
GẤU - ĐẤT SÉT TRẮNG -
PHRE-ĐÊ-RÍCH , RUÝT-LY, PHRIT THĂM ĐỒNG CỎ -
DÊ RỪNG VÀ THỎ ĂNG-GÔ-LA -
LẠI TRỞ LẠI ĐỒNG CỎ - BẮT ĐƯỢC ĐÀ ĐIỂU -
RÈN LUYỆN ĐÀ ĐIỂU - LÀM MŨ - XƯỞNG ĐỒ SỨ.

    
áng sớm chúng tôi lên đường. Đi được độ hai giờ đồng hồ, tôi ra lệnh nghỉ lại, cách con đường hẻm chừng một tầm súng. Địa điểm này thật là vừa ý: rừng thông và núi đá dựng lên một bức lũy thiên nhiên che chở cho chúng tôi hạ trại. Nơi đây là một đỉnh cao, đứng trên đó có thể nhìn xuống rất xa và bao khắp cánh đồng bên dưới. Phre-đê-rích nói:
- Ồ đây là một địa thế rất tốt, giúp chúng ta chống cự hiệu quả mọi sự tấn công hoặc xâm nhập của kẻ thù. Bố ạ, nếu bố đồng ý, chúng ta sẽ dựng ở đây một chốt gác.
Cả buổi sáng trôi qua với những công việc lặt vặt để thu xếp trong trại. Sau bữa cơm trưa, trời nóng nực quá, chúng tôi không thể nào ra ngoài được, đành phải hoãn lại hôm sau mới đi thăm đồng cỏ.
Đêm yên tĩnh. Mờ đất, chúng tôi thức dậy, sắp xếp rất nhanh và đầy đủ mọi thứ cần thiết để đi đường. Tôi cho ba đứa lớn đi theo, còn mẹ chúng nó thì ở lại với Phrit.
Chúng tôi đi qua con đường hẻm hôm trước đã bịt một đầu bằng một bức rào tre và những cây cọ có gai. Nhưng bức rào không còn nữa, bao nhiêu cọc đều bị quật lên vứt lung tung, và chúng tôi đã nhận thấy rất dễ dàng dấu vết con trăn trên cát. Do đó, chúng tôi có thể kết luận rằng con quái vật đã từ đồng cỏ vượt qua con đường hẻm này tiến vào miền đất chúng tôi ở. Chúng tôi đi suốt con đường hẻm rồi bước chân vào miền đất xa lạ.
Ruýt-ly nhận ra ngay chỗ chúng tôi bắt được con nghé. Con sông ngăn đôi cánh đồng, hai bên bờ um tùm cây cỏ xanh tươi. Chúng tôi men theo bờ sông một lúc lâu và gặp lại cái hang trong đó Ruýt-ly đã bắt được con chó rừng nhỏ. Nhưng càng xa bờ sông, hình thái miền đất càng thay đổi rõ rệt. Cây cỏ thưa dần và chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đứng giữa một đồng bằng mênh mông xa tít mù tắp, không hy vọng sang tới phía bên kia được. Nắng rọi thẳng xuống đầu, cát dưới chân nóng bỏng. Nói tóm lại đây là sa mạc, một dải sa mạc vắng bóng râm, đầy cát; thỉnh thoảng mới gặp mấy bông hoa dại héo quắt trên cành xác xơ và một vài cây loại "lá dầy" nổi bật lên một cách trái ngược giữa đám đất cằn cỗi. Qua suối, chúng tôi đã múc nước ngọt đầy bầu, nhưng dưới ánh nắng gay gắt, nước đã nóng bỏng lên không thể uống để giải khát được nữa.
Sau hai giờ đồng hồ cất bước rất mệt nhọc, chúng tôi tới chân một ngọn núi đã trông thấy từ đằng xa. Ngọn núi đá đứng trơ trọi giữa sa mạc, đỉnh núi nhô cao che ánh nắng cho chúng tôi. Mấy cha con mệt quá, đến nỗi lúc đầu không còn đủ can đảm trèo lên sườn núi mà ngắm qua miền đất một chút cho biết. Chúng tôi nằm dài trong bóng núi, mệt vô cùng. Ngay mấy con chó cũng không chịu đựng nổi mà cũng mò đến nằm bên cạnh chủ. Ai nấy đều ngoái nhìn lại chặng đường vừa đi qua và thấy mình bị cô độc ở giữa một bãi sa mạc. Con sông lớn còn trông thấy xa xa, vẽ lên chân trời một dòng chỉ bạc giữa đám cây cối xanh tươi ở hai bên bờ, đứng trên đỉnh núi nhìn xuống trông chẳng khác sông Nin chảy trong miền đồng bằng nóng bỏng xứ Nay-bi.
Chưa nghỉ được đến mươi phút thì tiên sinh Cơ-rúp, cũng được đi theo đoàn thám hiểm, bỗng bỏ chúng tôi chạy đi, nhăn nhó đến tức cười. Nó theo con đường lên núi và mất hút. Chúng tôi đoán có lẽ nó cảm thấy gần đây có một đàn khỉ nào đó hoặc nhờ vào bản năng tham ăn, nó đã đánh hơi món gì đây! Chúng tôi để mặc nó muốn đi đâu thì đi. Thế rồi lũ chó và con chó rừng nhỏ của Ruýt-ly cũng chạy theo nó.
Chúng tôi thấy đã quá mệt nhọc vì ánh nắng gay gắt nên cũng chẳng buồn chạy theo mấy con vật nữa. Khát nước quá, tôi lấy trong túi dết ra mấy đẵn mía chia cho lũ trẻ nhai. Món giải khát đó càng kích thích dạ dày, chúng tôi bèn cùng ăn mấy miếng thịt lợn đất quay, thấy ngon lắm.
Phre-đê-rích vốn tinh mắt, luôn luôn có thể nhìn rõ những điểm ở rất xa, bỗng vùng dậy có vẻ kinh sợ
- Cái gì kia nhỉ? - Nó bảo chúng tôi- Hình như có hai kỵ sĩ đương phi nước đại về phía chúng ta! Và đây nữa, lại là người thứ ba cũng đang theo họ, cùng tiến thành hàng ngang. Chắc hẳn là những người Ả-rập ở sa mạc.
- Ô, em lại thấy khác - Ruýt-ly nói tiếp - Em thấy rõ đó là những đàn súc vật đương gặm cỏ, rồi như là có những chiếc xe chở đầy cỏ khô đi từ phía dòng nước lại, hoặc đi trở về đó. Đến đây thì em không còn phân biệt được là cái gì nữa.
Tôi bèn lấy kính viễn vọng ra và sau khi đã nhìn kỹ, tôi bảo Ruýt-ly:
- Này những người Ả-rập ở sa mạc, những đàn súc vật đương chạy, những chiếc xe đi lang thang của con, con có muốn biết đó là cái gì không?
- Lũ hươu cao cổ, chắc thế.
- Không phải! Mặc dầu con tìm danh từ cũng giỏi! Đấy là những con đà điểu! Quả là một cuộc săn bắt tuyệt thú mà không ngờ chúng ta lại gặp được! Bố rất tán thành là ta quyết không làm thinh để cho những cư dân khoẻ đẹp này của sa mạc đi qua mà không đón tiếp và không mời cho được ít nhất là một vị cùng về...
Trong lúc đó lũ đà điểu đã chạy tới gần và đến lúc phải tìm ngay cách chặn bắt chúng nó. Theo tôi thì tốt nhất và đơn giản nhất là chờ chúng đến gần mà tấn công bất ngờ. Tôi bèn bảo Phre-đê-rích và Ruýt-ly đi tìm mấy con chó và con khỉ về, còn tôi và Éc-nét thì trốn kín, tránh không cho mấy con chim khổng lồ trông thấy. Chúng tôi nấp sau một đám cây rậm mọc giữa những tảng đá và tôi nhận ra là một loại xương rồng. Chính loại cây này được những người hái thuốc gọi là Sâu chó sói, nhựa nó là một chất độc rất mạnh vẫn dùng ở châu Mỹ.
Lũ đà điểu đã tiến lại gần, vừa tầm mắt, và tôi phân biệt rất rõ ràng một gia đình gồm bốn con cái và một con đực. Con đực thì dễ phân biệt nhờ những chiếc lông trắng và dài phất phơ sau đuôi. Chúng tôi vội trốn kín sau hàng rào cây lá, giữ chặt lũ chó lại, sợ rằng cái tính hăng hái xằng của chúng nó có thể làm lỡ kế hoạch săn bắt.
Gia đình bọn đà điểu vẫn tiến lên và chúng tôi bàn nhau về cách người ta thường dùng để bắt chúng.
- Chuẩn bị cho con chim cắt sẵn sàng - Tôi bảo Phre-đê-rích - Nếu chân chúng ta và cẳng những con vật để cưỡi không đủ sức nhanh rượt theo đà điểu thì ta sẽ nhờ đến đôi cánh của nó. Các con có biết rằng bọn đà điểu có thể chấp cả ngựa phi nước đại không?
- Thế thì làm thế nào mà săn bắt được? Con vẫn được xem những bức tranh về cuộc săn bắt đà điểu và trong đó những người thợ săn đều cưỡi ngựa.
- Đúng, nhưng thực ra là nhờ mưu trí người thợ săn nhiều hơn là nhờ tốc độ ngựa phi nước đại để bắt con mồi. Người ta đã hiểu rằng không thể tấn công đà điểu đằng trước hay đằng sau, mà chỉ có thể từ bên cạnh. Khi con đà điểu bị đuổi, nó chạy theo đường vòng, rộng hẹp không nhất định rồi cứ thu dần lại, cuối cùng là nó lại trở về đúng chỗ bắt đầu. Tất cả tài giỏi của người thợ săn là làm thế nào bắt nó thu hẹp đường vòng lại. Muốn thế người ta kèm sát lấy nó, mà đuổi theo, thúc ép, quấy rối và chỉ có vì thế mà cuối cùng con vật mệt quá phải rơi vào tay người thợ săn thôi. Nhưng thực ra cái đường vòng nó chạy nhiều lúc rộng vô kể, một con ngựa không đủ sức quần cho nó mệt lử thì nhiều người thợ săn sẽ thay nhau tiếp sức để giữ vững cuộc săn đuổi. Cũng đã có những lúc chỉ một con đà điểu đã quần cho mệt lữ cả một đoàn người ngựa theo săn bắt nó.
Nhưng tôi cảm thấy mấy con đà điều này đã bắt được hơi chúng tôi. Trước hết, chúng có vẻ ngập ngừng trong dáng đi, nhưng vì chúng tôi đứng im như phỗng sau bụi cây kín đáo nên chúng tưởng đó chỉ là những tảng đá và định tiến thẳng tới. Chẳng dè mấy con chó, kìm giữ rất khó khăn, đã tuột ra và nhảy xổ tới lũ chim khổng lồ đang rụt rè mà sủa lên dữ dội! Mấy con đà điểu vội chạy trốn vùn vụt, nhanh như một trận gió lốc thổi vù vù đằng trước một đống lông chim. Hai chân chúng như không dính đất, đôi cánh giương lên và hơi cong xuống như kiểu những chiếc buồm tàu thuỷ, đón gió lồng vào giúp cho chúng chạy trốn càng nhanh thêm một cách kinh khủng. Tôi vội bảo Phre-đê-rích tung con cắt lên. Con chim bay vút lên không trung và chẳng mấy chốc đã đuổi kịp con đà điểu đực. Nó nhào xuống đầu con vật và ốp đánh dữ dội đến nỗi chỉ một lúc là từ xa chúng tôi thấy con vật khổng lồ lảo đảo muốn ngã chúi xuống cát. Mấy con chó lồng lên trước chúng tôi và khi chúng tôi tới nơi thì không còn hy vọng cứu sống con đà điểu nữa. Con chim khổng lồ đã tắt thở vì bị quá nhiều vết thương nặng do mấy ông bạn hung dữ của chúng tôi gây ra.
Chúng tôi ngán ngẩm trước kết quả thảm hại của cuộc săn bắt này. Hết phương cứu chữa, chúng tôi đành vớt vát lấy những gì còn vớt vát được. Con cắt và con chó rừng bị đưa ra khỏi trận địa ngay, coi như là những kẻ chiến thắng nguy hại nhất. Sau đó, chúng tôi nhổ hết những chiếc lông đuôi trắng và dài của con đà điểu cắm một cách kiêu hãnh lên mũ.
Ruýt-ly, Éc-nét đi với con chó rừng và chẳng mấy chốc đã nghe tiếng chúng gọi. Từ xa, chúng vẫy rối rít cái mũ cắm lông trắng có ý giục chúng tôi tới mau.
- Một cái tổ - Chúng kêu lên - Tổ đà điểu! Mau lên!
Quả thế, trước mặc chúng nó là một cái tổ đà điểu - nếu bất đắc dĩ người ta phải gắn danh từ "tổ" cho một cái hố bới sâu trong cát - trong đó có khoảng hai mươi lăm đến ba chục quả trứng xếp thành hàng lối quả nào cũng to bằng đầu trẻ con.
Bọn trẻ con muốn lấy trứng mang về, chúng định sẽ cho ấp theo cách ban ngày phơi nắng, ban đệm ủ nóng được chừng nào tốt chừng ấy. Tôi bèn bảo cho Phre-đê-rích - vì ý kiến đó do nó gợi ra - biết rằng mỗi quả trứng ít ra cũng nặng đến ba cân, cả ổ trứng như thế xấp xỉ trăm cân, xe chẳng có, ngựa cũng không, làm thế nào mang theo được trên bãi cát nóng bỏng mà bản thân mỗi người cũng đã rất khó nhọc mới đi qua được với khí giới và túi dết trên người? Sau nữa, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn thay tác dụng của chim mẹ đối với ba chục quả trứng bằng một sức nóng nhân tạo. Nhưng lũ trẻ cứ xoắn xuýt lấy những vật lạ mới tìm được đó, tôi đành nhân nhượng đôi chút, và cuối cùng thì mỗi người xách về một quả trứng bọc trong khăn tay. Chẳng mấy chốc đã tới một đầm lầy nhỏ có lẽ là chỗ gặp nhau của nhiều ngọn suối từ trong núi đổ ra rồi nhập với nhau thành một dòng ở xa xa phía dưới. Chúng tôi dừng lại bên bờ đầm, ăn bữa trưa, và sau khi hóng mát một lúc, chúng tôi múc nước ngọt đầy bầu.
Nghỉ ngơi thoải mái trên bờ đầm xong, chúng tôi lại lên đường. Đáng lẽ quay về chỗ cũ, chúng tôi men theo một con suối nhỏ đi ngược một đoạn từ đầm trở lên hòn núi, nơi nghỉ chân đầu tiên trong đồng cỏ. Đây là một chặng đường thích thú so với con đường đi suốt cả ngày, lại gặp những cây cối xanh tốt rồi tất cả đám cây cỏ mọc um tùm như ở hai bên bờ sông, đúng là một ốc đảo trong sa mạc. Chúng tôi vui thích quá đỗi, đặt ngay tên cho nơi đó là Thung lũng xanh. Nhưng chẳng mấy chốc bóng cây xanh đã khuất và chúng tôi lại dấn bước vào trong sa mạc. Cũng may, trời đã thấy bớt nóng, và có lẽ được nghỉ ngơi thoải mái nên chúng tôi đã lấy lại sức. Nhưng cũng có thể nghĩ rằng mình đương trên đường trở về một chốn nghỉ chân chắc chắn, nên chúng tôi có cảm giác là đường đi có bớt khó khăn.
Tới gần cái hang Con chó núi, Ruýt-ly và Phre-đê-rích dừng lại một lúc để đổi vai. Tôi cũng dừng lại với chúng nó, còn Éc-nét thì cứ lẳng lặng đi vượt lên trước. Phôn, một con chó loai choai đi theo Éc-nét.
- Nhà thông thái quá vội đi tìm bóng mát - Ruýt-ly vừa nói vừa cười - Anh ấy đi trước chúng ta như vậy chỉ là để được nghỉ ngơi trước nhất đó thôi.
Ruýt-ly vừa dứt câu nói bông đùa thì chúng tôi đã nghe tiếng kêu thất thanh, tiếp đó là tiếng gầm thét dữ dội và tiếng mấy con chó sủa báo động vang ầm. Éc-nét quay trở lại ngay lúc đó, chạy bán sống bán chết, mặt xám ngoét, tiếng nói giật giọng vì sợ hãi:
- Gấu! Có gấu! - Nó kêu tướng lên - Có gấu! Chúng nó kia kìa!
Thằng bé đáng thương ngã nhào vào lòng tôi, bảy vía còn ba, và tôi cũng rùng mình khi nhìn thấy hai con gấu lớn hiện ra trước mắt. Mấy con chó nhảy xổ tới, Phre-đê-rích vội bước lại đứng bên cạnh tôi, giơ súng lên và may mắn sao, mấy phát súng đầu tiên đã quật ngã hai con gấu xuống, chết thẳng cẳng.
Chúng tôi đứng ngây người ra một lúc vì ngạc nhiên và sợ hãi trước những kẻ địch khủng khiếp đó, khắp mình đầy máu me và thương tích, vẫn còn hăng hái nhảy xổ vào hai cái xác mà cắn xé. Lúc đó, Éc-nét mới thú thật, nước mắc rưng rưng, rằng nó có ý định đi nhanh lên để đến cái hang trước nhất rồi trốn kín, bắt chước tiếng gấu gầm mà doạ cho Ruýt-ly sợ.
Nó nói tiếp:
- Con tí nữa thì chết vì sợ khi thấy gậy của mình quay lại đập lưng mình như thế!
Trời đã quá chiều rồi, chúng tôi đành phải kéo xác hai con gấu vào trong hang đá và cũng để lại mấy quả trứng đà điểu ở đó luôn, sợ mang nặng quá thì lại chậm bước. Mặt trời lặn vừa lúc chúng tôi về tới lều gặp mẹ con Phrit. Một bếp lửa đỏ và bữa tối ngon lành giúp chúng tôi lấy lại tinh thần và sức khoẻ. Cả nhà bàn tán sôi nổi về những sự việc xảy ra ngày hôm nay rồi cùng đi ngủ.
Trong khi chúng tôi đi vắng, hai mẹ con cũng chẳng hề ngồi không. Họ đã tìm thấy bên bờ suối một thứ đất dẻo trắng và mịn, tôi nghĩ đó có thể là loại đất sét tốt. Hai mẹ con lại cưa được khá nhiều ống tre chứa đầy nước để cho gia súc uống. Cuối cùng, nhờ làm việc rất cần cù và kiên nhẫn, hai mẹ con đã chuyển được lại chỗ con đường hẻm những vật liệu cần thiết nhất để dựng cái chốt như đã định.
Tôi cảm ơn bà nội trợ đảm đang về những sự săn sóc đó.
Chúng tôi đốt một đống lửa lớn. Mấy con chó bị thương được vợ tôi tắm rửa sạch sẽ và băng bó bằng bơ tươi, đã đến nằm dài quanh đống lửa. Trước khi đi ngủ, tôi muốn thí nghiệm thứ đất trắng xem có triển vọng sẽ dùng làm đồ sứ hay không: tôi nắn hai hòn to rồi ném vào trong đống lửa. Tôi đốt thêm mấy bó đuốc đề phòng lửa tàn thì đã có đuốc soi sáng và đuổi thú dữ nếu chúng bén mảng đến. Ban ngày đi mệt nên chui vào lều vừa đặt mình xuống là tôi ngủ say ngay lập tức.
Sáng hôm sau, phải cố gắng hết sức mới mở được mắt và rời khỏi nệm. Tôi ra xem và thấy những hòn đất ném vào lửa đã được nung cứng lại, đúng là loại đất dùng làm đồ sứ như tôi đã đoán. Bây giờ thì thấy chưa được mịn và trắng lắm, nhưng nó có thể đẹp và tốt hơn, qua một sự chế biến không mấy công phu.
Chúng tôi ăn lót dạ qua loa rồi dóng xe bò dong tới hang gấu. Chúng tôi đến đã sớm thế mà một xác gấu đã bị lũ kên kên rỉa thịt hết một nửa, còn cái xác kia thì bị moi sạch ruột gan: như thế này càng nhẹ việc cho chúng tôi. Phre-đê-rích bắn rơi một con phượng hoàng đất đại cồ đang lượn trên không, ngay trước cửa hang, có lẽ nó cũng đang kiếm cách ghé vào dự tiệc.
Chúng tôi mất cả ngày hôm đó để làm thịt gấu. Sau khi lột da gấu rất cẩn thận, chúng tôi cắt thịt ra từng thỏi dày, dài chừng một tấc theo kiểu những người săn bò rừng ở châu Mỹ thời trước, rồi đem sấy trên một đám khói thật dày. Mỡ thì đun lên rồi rót vào những ống bương để dành nấu ăn dần.
Xác con phượng hoàng đất thì góp phần vào kho bảo tàng, sau khi lóc hết thịt và rắc bột hạt tiêu vào mé trong lớp da nó, chúng tôi lấy bông và rêu khô nhồi cứng. Sau này sẽ uốn nắn cho thành hình dáng và tư thế thích hợp.
Thế nhưng những công việc tĩnh này không còn được lũ trẻ ưa chuộng nữa. Tôi bèn gợi ý cho chúng nó tự mình tổ chức một chuyến đi vào đồng cỏ không cần ai hướng dẫn ngoài tập thể mấy anh em. Chú Éc-nét vốn thích yên tĩnh nên từ chối ngay, nhưng Phre-đê-rích, Ruýt-ly và Phrit thì vội vàng đóng yên cương rồi nhảy lên lưng lừa rừng, bò mộng, trâu rừng mà hớn hở xông thẳng về phía sa mạc. Tuy thế, chúng cũng không quên trịnh trọng chào chúng tôi và hứa sẽ hết sức thận trọng.
Chiều tối chúng mới trở về, từ xa đã thét lên những tiếng reo chiến thắng. Ruýt-ly và Phrit đều quàng trên cổ một con dê rừng nhỏ đã buộc chặt bốn chân; từ trong túi săn của Phre-đê-rích nhô ra hai chú thỏ Ăng-gô-la lông dài trắng mượt.
- Chưa hết đâu - thằng cả nói thêm - chúng con còn giam cả một đàn dê rừng và dồn được chúng vào khu vực chúng ta. Chúng ta sẽ có thể săn bắt hoặc chăn nuôi chúng, tùy ý.
Chúng tôi chăm chú nghe câu chuyện sôi nổi của ba anh em. Thế rồi đến lúc phải lo thu xếp cho cặp thỏ và dê rừng non. Tôi đan một cái lồng bằng cót, che vải buồm để nhốt chúng mà đưa về Nhà trong động cho tiện. Lũ trẻ có ý muốn nuôi chúng ở gần nhà nhưng tôi lại định sẽ thả chúng ở Đảo cá mập. Ở đó vừa yên ổn lại không bị tù cẳng trong chuồng, chúng được hưởng tự đo nhiều hơn và sởn sơ hơn ở Nhà trong động.
Sau bữa tối, chúng tôi đốt lửa lên rồi chui vào lều, ngủ ngon lành cho tới sáng sớm.
Tinh mơ hôm sau, tôi đã dậy và gọi bọn trẻ con dậy. Mọi việc của chúng tôi đã gần xong xuôi: thịt gấu đã sấy khói xong, mỡ gấu đã chứa đầy mấy ống bương, và mùa mưa sắp tới cũng nhắc chúng tôi mau chóng trở về nhà. Còn biết bao nhiêu công việc lớn nhỏ đương chờ. Tuy nhiên tôi cũng chưa muốn trở về nhà trước khi đi thêm một chuyến thám hiểm sa mạc mới. Vì muốn đi thật nhanh chúng tôi dùng ngựa. Phre-đê-rích nhường con lừa rừng cho tôi, nó cưỡi con lừa con, còn Ruýt-ly và Phrit thì cưỡi những con thú của chúng. Về phần tiên sinh Éc-nét thì càng ngày càng muốn nghỉ ở nhà và nó trở thành người gác đồ đạc hàng ngày cùng với mẹ; bởi thế, thấy chúng tôi ra đi, nó cũng chẳng hề thắc mắc. Nó thay thế Phrit giúp việc bếp núc, trong khi ấy thì thằng em nó lại rất tự hào được dự vào những cuộc mạo hiểm của người lớn.
Phrit và Ruýt-ly thả cương phi nước đại. Tôi cũng để mặc cho chúng tùy thích. Tôi giữ Phre-đê-rích lại, cùng tôi lấy nhựa xương rồng rơi xuống từ những vết rạch hôm qua và đã đông lại dưới ánh nắng. Chúng tôi nhặt những hòn nhựa cứng nho nhỏ bỏ vào một cái ống tre đem theo.
Hai kỵ sĩ nhỏ đã xông tít tắp vào trong đồng cỏ. Khó khăn lắm mới nhận ra bóng chúng nó mờ mờ qua đám bụi mù cuốn lên.
Bỗng nhiên chúng tôi thấy từ đống đá cát bụi bay mù hiện ra bốn con đà điểu khá lớn. Việc đầu tiên của Phre-đê-rích là chuẩn bị cho con chim cắt sẵn sàng xông trận. Nhưng để ngăn nó giở lại cái trò ác hiểm lần trước thằng bé buộc chặt mỏ con chim, khiến nó gần như bất lực nếu muốn mổ. Cũng với mục đích ấy, mấy con chó cũng bị ràng mõm. Chúng tôi đứng dừng lại để khỏi kinh động đến lũ đà điểu đang tiến tới. Có ba con cái với một con đực, con này đi trước một chút như để mở đường và cũng để phát hiện những sự nguy hiểm. Những chiếc lông đuôi nó bay phất phơ một cách đường bệ và chúng tôi nhận thấy ngay là chúng tôi có trước mắt một con mồi vào hạng "ngon" nhất. Đã đến lúc phải tấn công chúng. Tôi cầm dây thòng lọng hòn chì và tập trung hết tâm trí với tài khéo của hai cánh tay cùng sự chính xác của đôi mắt tôi ném vào con chim đực. Nhưng đáng lẽ phải quấn chặt lấy chân con vật như đã định thì sợi dây lại cuốn lên mấy vòng quanh thân nó, và tôi chỉ đạt được mục đích là bó chặt đôi cánh sát vào người nó. Như vậy cũng đã giảm bớt được rất nhiều hy vọng trốn thoát của nó. Tuy nhiên, cuộc chiến chưa phải đã kết thúc. Con đà điểu hoảng sợ quay ngay về một phía khác và với đôi cẳng dài lêu đêu, nó chạy vùn vụt, nhanh như gió. Mấy con kia không theo nó mà chạy lung tung sang phải, sang trái. Chúng tôi để mặc bọn này, chỉ riêng con đực cũng đã thừa cho chúng tôi bở hơi tai rồi! Tôi thúc con lừa rừng. Phre-đê-rích giục con lừa nhỏ, cùng kèm sát nó và cũng đã mệt lử với nó rồi! May mắn sao, Ruýt-ly và Phrit đã quay trở về, vừa kịp để chặn đầu con đà điểu. Lúc này Phre-đê-rích mới thả con chim cắt hướng vào con mồi, và thế là bắt đầu một cuộc chiến đấu ác liệt giữa con đà điểu với tất cả lực lượng của chúng tôi tung ra. Ruýt-ly và Phrit một bên, tôi và Phre-đê-rích một bên, cùng quần cho nó mệt lử và thúc không cho nó nghỉ; tuy vậy chiến sĩ có tác dụng nhất trong trận này cũng vẫn là con chim cắt. Con đà điểu kinh hoảng rõ ràng khi thầy đối thủ này xuất trận. Nó cảm giác thấy con chim oai hùng ấy trên đầu và nghe rõ tiếng đập cánh của kẻ thù. Bản năng báo trước cho nó biết rằng, bên trên vòng chạy của nó đương bị chúng tôi o ép khắp các phía, còn có một kẻ địch khác đương lượn theo, mỏ và móng vừa cứng vừa sắc, không bao giờ để hụt mồi. Về phía con chim cắt thì rõ ràng nó cũng tỏ vẻ bực tức khi nhận ra mỏ đã bị sợi dây buộc chặt. Những cử chỉ của nó lại càng hung hản đến nỗi sau một cái đập cánh dữ dội vào đầu con đà điểu, con vật to lớn và khoẻ mạnh này bỗng lảo đảo như một người say rượu. Ruýt-ly lúc đó đứng vừa tầm thòng lọng, bèn ném ra rất chính xác sợi dây quấn luôn mấy vòng vào hai cẳng con đà điểu,khiến con vật khổng lồ ngã nhào xuống. Mọi người reo lên vui sướng. Phre-đê-rích gọi con cắt về và chụp cái mũ da lên đầu con chim, không cho nó hoạt động được nữa. Tất cả chúng tôi chạy ồ lại chỗ con vật thua trận, đương vùng giẫy dữ dội. Phải kềm chế cho được con chim khổng lồ này trước khi nó gỡ tung những vòng dây đã ràng buộc nó. Tôi ném trùm lên đầu nó cái túi đi săn, cái áo ngoài và tất cả những thứ gì có trong tay. Cuối cùng, như thế là đã tìm được cách bọc kín đầu nó lại. Tôi đã nắm được bí mật sức lực con đà điểu. Khi nó không thể mở mắt ra được thì tự nhiên nó dịu lại và trở nên dễ bảo. Nó để mặc cho chúng tôi tha hồ quấn quanh người nó không biết bao nhiêu là dây da, dây thừng và các thứ dây cần thiết khác để hạn chế sức hung hăng của nó. Trước hết tôi buộc quanh người nó một sợi dây bằng da chó bể, và mỗi bên lại có hai dây da khác như kiểu dây cương. Tôi lại ràng vào hai cẳng nó một sợi dây thừng vững chãi, nới hơi rộng vừa đủ cho nó đi bước một, nhưng lại cũng khá chật để nó không thể chạy thoát.
- Bây giờ thì ổn quá rồi! - Ruýt-ly kêu lên khi mọi việc đã hầu như xong xuôi - Thế là bắt được con đà điểu rồi! Nhưng bây giờ làm thế nào mà đưa nó về, và nhất là làm thế nào để nuôi dạy thuần thục cái anh chàng khổng lồ này?
- Hãy bình tĩnh - Tôi bảo nó - Bản tính độc dữ nhất vẫn phải chịu phục tùng sự giáo dục. Còn không biết những người Ấn Độ thường tập luyện những con voi hoang ngay từ cửa rừng nó vừa bị bắt và họ chỉ dùng một phương pháp rất đơn giản hay sao? Họ đưa con voi hoang vào giữa hai con voi nhà đã thuần phục. Họ trói chặt vòi nó lại không cho cử động, sau đó buộc chặt nó giữa hai con voi nhà. Đôi voi này có trách nhiệm kềm cặp cho con voi bạn còn ương bướng và còn hoang dã biết dịu nết dần. Một ông nài, tay cầm giáo nhọn, giúp đỡ hai con voi nhà, nếu con voi hoang giở chứng thì được nếm ngay những mũi giáo trừng phạt đích đáng.
- Thú quá nhỉ - Ruýt-ly nói trong một chuỗi cười như nắc nẻ - Nhưng mà bố ạ! Muốn làm như thế, ít nhất mình cũng phải có ngay một đôi đà điểu đã thuần thục, và theo ý con thì anh Phre-đê-rích hay là con đều không thuộc vào cỡ có thể thay thế chúng được.
- Thì bố cũng không nghĩ khác con! - Tôi trả lời nó - Nhưng không có đà điểu, chúng ta vẫn có kẻ giúp việc đắc lực khác thay thế rất tốt. Con bò mộng và con trâu chẳng hạn, theo ý bố, chúng rất có thể gánh trọng trách kèm chặt hai bên con chim bị bắt. Con với anh con, mỗi người một roi thay cây giáo nhọn, đóng vai hai ông nài rất thích hợp để tập cho con đà điểu phải đi vào hàng lối cùng hai con vật kia.
- Đúng quá, đúng quá! Thế thì thú quá và nhất định sẽ thành công tốt đẹp!
Nói là làm ngay. Tôi cho dắt con bò và con trâu lại, choàng vào mình chúng những sợi dây da buộc hai bên con đà điểu. Khi mọi việc đã xong xuôi, hai kỵ sĩ trẻ đã lên yên và tay cầm roi vững vàng, tôi bỏ ra tất cả những thứ còn bưng kín đầu con đà điểu.
Thoạt đầu, con vật đứng sững một lúc như tượng, có vẻ hoàn toàn mê mẩn vì lại thấy ánh sáng đập vào mắt. Sau đó, nó vùng vẫy, quật cường. Nhưng nó lại không tính đến những dây da kiên cố đã buộc nó vào hai ông bạn đứng cập kè bên nó; bởi thế, nó bị giữ rịt lại và ngã chúi xuống gần như quỳ. Nó giở quẻ luôn mấy lần như thế nhưng chẳng lần nào được như ý muốn. Mỗi lần vùng dậy, nó lại vướng phải sức kìm giữ ở hai bên sườn vững mạnh hơn nó, còn hai con trâu và bò kia thì chẳng hề để ý mảy may đến những cái cựa quậy của nó. Cuối cùng, vùng vằng mãi mà chẳng nước non gì, và hình như cũng đã cảm thấy có sự chênh lệch sức lực quá rõ, nó đành phải thay đổi ý định: nó đứng thẳng dậy và chịu nhận sự kèm cặp của hai bạn hai bên, nó cùng hai con kia phi nước đại. Ruýt-ly và Phre-đê-rích đều ngồi vững trên mình "ngựa" và cái bộ ba này có vẻ rất thích hợp với cái thú mạo hiểm của chúng. Chúng la hét vang ầm khắp cánh đồng cỏ và con đà điểu khi nghe những tiếng la hét này thì rất hoảng sợ, lại chạy nhanh hơn nữa. Nó cứ chạy thục mạng như thế suốt nửa tiếng đồng hồ, cho tới khi hai con vật bạn kèm hai bên, ít quen chạy trên cát bằng nó, bắt nó phải dừng chân lại và đi thong thả hơn.
Khi con đà điểu đã dịu đi đôi chút, tôi nhảy lên con lừa rừng và Phre-đê-rích lên con lừa con, còn Ruýt-ly và Phrit thì đi trước cùng kèm con đà điểu. Thỉnh thoảng chúng tôi vụt roi khá mạnh lên lưng nó và đã bắt nó phải tuân theo dần những thói lề mới. Chúng tôi đi suốt qua Thung lũng xanh không gặp việc gì mới lạ và về tới trại thật là vui vẻ. Éc-nét và mẹ nó đón chào chúng tôi với một sự ngạc nhiên chỉ có thế thấy chứ không sao tả được.
- Trời ơi - Vợ tôi kêu lên khi thấy con đà điều - Các người định đem cái con chim bồ tượng này về đây làm gì thế? Các người tưởng rằng lương ăn của chúng ta đã thừa thãi đến nỗi cần phải lặn lội vào tận trong đồng cỏ bắt về tất cả cầm thú để nhờ chúng ăn giúp cho cạn bớt đi hay sao đấy? Nghe nói đà điểu ăn cả sắt cũng tiêu được, vậy thì các người định bảo tôi nuôi nó thế nào bây giờ? Nào, thế các người định đưa nó về để làm cái nghề ngỗng gì?
- Một tuấn mã hoả tốc, mẹ ạ! - Ruýt-ly trả lời - Nếu mẹ tin lời con nói thì con ngựa mang thư này phải mang tên là Bay trước gió. Chẳng một con vật nào chạy nhanh bằng nó cả! Bởi thế con chỉ muốn cưỡi cái con vật có đôi cẳng lêu đêu này và xin nhường con Bão táp anh dũng cho anh, anh Éc-nét ạ, anh chưa có gì để cưỡi mà!
Nhưng Phre-đê-rích không đồng ý và thế là tôi lại phải lên tiếng. Cuối cùng thì đứa nào cũng xin rút lui nguyện vọng riêng và tất cả đều muốn coi đó là một thắng lợi chung.
Bây giờ mà lên đường trở về nhà thì đã quá muộn. Tôi bèn buộc chặt con đà điểu vào giữa hai thân cây rồi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để hôm sau có thể lên đường sớm sủa. Còn phải thu dọn biết bao nhiêu của cải để đưa về bởi vì chúng tôi không muốn để mất hoặc phải bỏ lại một chút gì.
Sáng hôm sau, cả nhà lên đường. Con đà điểu vẫn bị con trâu và con bò kèm hai bên.
Vô cùng nóng ruột muốn về tới Nhà trong động sớm để mau được nghỉ ngơi trong cái dinh cơ thoải mái và đầy tiện nghi, chúng tôi quyết định không dừng lại ở đâu nữa cả. Thế mà mãi đến xế chiều, chúng tôi mới về tới nơi, mệt lử vì con đường dài, dưới chân cát bỏng, trên đầu nắng thiêu. Phải cố gắng lắm mới có đủ can đảm đứng dậy lo liệu cho lũ gia súc những việc cấp thiết nhất.
Ngày hôm sau, vợ tôi cùng hai đứa nhỏ liền bắt tay vào các công việc nội trợ: mở cửa sổ, quét tước, lau chùi và sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp. Ba mẹ con đã làm công việc đó thật tận tình và say sưa. Còn tôi thì cùng hai đứa lớn dỡ tất cả những thứ vừa đưa về.
Hôm qua thì con đà điểu tạm đứng ở dưới cây, một chân bị buộc chặt vào gốc cây. Nhưng hôm nay, chúng tôi thu xếp cho nó một chỗ khác, gần nhà, giữa hai cột tre rất chắc chắn chống vào trần động để giữ chặt con vật cho tới khi nó hoàn toàn thuần phục. Việc rèn luyện nó quả là một công trình đòi hỏi rất nhiều kiên trì và sáng kiến... Tôi đóng cho nó một bộ yên cương khá lạ kiểu. Nhưng mặc dầu công trình sáng chế ấy của tôi có khá nhiều ưu điểm, tôi cũng phải thú thật rằng con chim khổng lồ này đã gây nhiều khó khăn trước khi quen được với lệ bộ yên cương ấy.
Sáng kiến đáng chú ý nhất là bộ cương: thay cho hàm thiếc, tôi may một cái mũ bằng da trùm kín đầu con đà điểu, chỉ hở hai con mắt và có nắp đóng vào mở ra được; dây cương nối liền với hai cái nắp ấy. Dựa vào đặc tính của loài chim này hễ không thấy ánh sáng là đứng yên, chúng tôi điều khiển nó bằng bộ cương này rất tốt: kéo dây đóng cả hai mắt che kín mắt nó lại thì nó sẽ đứng yên, muốn rẽ qua bên nào thì để hở mắt bên ấy. Cách điều khiển này dễ dàng hơn là dùng kiểu cương ngựa. Mấy đứa trẻ tập chẳng mấy chốc là thành thạo.
Qua nhiều lần thử thách cũng khá vất vả, chúng tôi hài lòng thấy con "tuấn mã" này đã phần nào chịu đựng yên cương và phi nước đại từ Nhà trong động đến Tổ chim ưng, trước sự hoan hỷ của mọi người. Nó chạy suốt chặng đường ấy nhanh gấp ba lần những con vật nhanh nhất mà chúng tôi vẫn cưỡi.
Sau khi đã luyện tập thành thục con vật, vấn đề phải bàn bạc lại xoay quanh việc giao nó cho ai dùng! Ruýt-ly thì khoẻ mạnh, nhanh nhẹn hơn Phrit và cũng không nặng cân hơn em mấy tí, cho nên tôi giao cho nó trông coi con đà điểu với điều kiện là cả nhà đều có quyền dùng con vật. Hơn nữa con "tuấn mã hoả tốc" này phải dùng vào những chuyến đi có lợi chung cho cả nhà hơn là chạy rông vô ích theo ý thích của từng người.
Suốt hai tháng trời, con đà điểu được chúng tôi tập trung vào thường xuyên chăm nom chu đáo. Bây giờ, chúng tôi lại quay về những công việc thường ngày. Những công việc này tuy không quan trọng bằng công trình luyện tập gian khổ và liên tục vừa qua, nhưng đều cần thiết để góp phần tăng thêm tiện nghi và phương tiện nâng cao đời sống của chúng tôi tại dinh cơ Nhà trong động.
Khi lương thực đã được gặt hái đưa về gần hết, thừa thãi để đối phó với mùa mưa, không còn sợ bị đói giữa chừng, chúng tôi bắt tay vào những việc ít gấp hơn nhưng cũng khá cần thiết. Trước tiên, trong khi chờ mùa mưa tới, chúng tôi nghiên cứu làm mũ.
Tôi làm một cái khuôn bằng gỗ,giống hình cái đầu và có thể tách đôi ra được, rồi trộn keo da cá với lông chuột nước thành một thứ bột dẻo quét tráng một lớp lên trên khuôn. Bột khô và giữ nguyên hình cái khuôn, gỡ ra là thành một cái mũ nồi đơn giản. Sau đó đem nhuộm bằng nước gỗ vang, chiếc mũ ngả màu đỏ tía và bóng lên trông rất đẹp. Nắn lại vành đôi chút rồi cắm hai chiếc lông đà điểu vào, cái mũ nom cũng đã ra vẻ lắm.
Nhất là khi vợ tôi lấy trong túi thần kỳ ra những mảnh lụa màu, khâu cho một vòng ruy-băng bên ngoài, cái mũ trông lại càng duyên dáng. Thế là cái mũ mới ở khuôn ra thì bị chê bai hết lời, bây giờ trở thành ước muốn của mấy đứa trẻ cứ tranh nhau đòi được đội thử. Thiếu nguyên vật liệu, chúng kéo nhau đi bẫy chuột đem về lấy lông. Và trong suốt mười ngày bận rộn, xưởng mũ của chúng tôi đã chế tạo được đầy đủ số mũ, tốt hơn và đẹp hơn lứa đầu tiên, đủ dùng cho cả cư dân trên đảo.
Kết quả tốt đẹp ấy khuyến khích chúng tôi hăng hái bắt tay vào nhiều nghề thủ công khác. Hiện nay chúng tôi đang thiếu những đồ dùng nhà bếp thích hợp và cần thiết, thế là nghành đồ gốm ra đời.
Tôi biết rất ít về cái nghề mới mẻ này và lúng túng nhất trong việc nhào trộn đất. Chúng tôi lại áp dụng phương pháp quen thuộc là cứ làm thử và rút kinh nghiệm; thế là xưởng gốm được thiết lập ngay trong một góc động.
Tôi đắp một cái lò nung, bên trong chia làm nhiều ngăn để xếp đặt mỗi loại đồ dùng định nặn và nung. Tôi lại đặt một hệ thống ống đất để dẫn hơi nóng đi cho đều khắp trong lò. Vừa làm vừa mò mẫm sáng tạo nên mất nhiều thì giờ và công sức lắm. Xong lò, tôi bắt tay vào luyện đất. Tôi dùng thử đất sét trắng tìm thấy ở ngoài cửa động, trộn với một ít bột đá "tan" mà tôi đã cùng Éc-nét phát hiện ra cả một tảng lớn trong động. Bột "tan" này sẽ làm cho đất chắc lại hơn và bền hơn. Trong khi chờ đợi đất hong khô, tôi chuẩn bị một cái bàn xoay thợ gốm đơn giản với một cái bánh xe và một mặt bàn nối liền với nhau bằng một cái trục. Với nguyên liệu và dụng cụ như thế, tôi đã nặn thành công mấy thứ đồ dùng sau nhiều lần làm thử và bị thất bại: đĩa lớn, đĩa nhỏ, dăm chiếc liễn, rồi đến chén,đĩa chén, bát lớn, nhỏ đủ cỡ. Tôi xếp các thứ ấy vào lò, đốt lửa thật to nung lên, nhiều cái bị vỡ hoặc nứt nẻ, hoặc méo mó nhưng cũng còn lại được già nửa số là những đồ dùng bằng sứ đẹp và lên nước men rất bóng. Vợ tôi vui mừng hết sức khi thấy trong bếp đã được thêm biết bao đồ dùng các loại. Để cảm ơn vợ tôi hứa sẽ chế biến cho cả nhà ăn thoả thích đủ thứ mứt và bánh ngọt trước nay đành phải nhịn vì không có đồ dùng thích hợp.
Hết nặn thì đến đúc bằng khuôn. Tôi làm nhiều kiểu khuôn gỗ, xẻ đôi ra, dùng để rập những bình sứ, chén đĩa đựng hoa quả...và trang trí nhiều hình mỹ thuật hoặc những đường viền rất đẹp. Vợ tôi và lũ trẻ kiêu hãnh bày những thứ đó lên trên những giá ván bắc ngang, thay cho tủ bát đĩa. Một vài lọ cắm hoa, hàng ngày có hoa tươi, trang điểm cho ngôi nhà thêm duyên dáng và tươi vui. Về phần tôi thì rất vui sướng được thấy các con tôi đã biết thấy vinh quang trong sự tự túc cuộc sống và biết coi như là một chiến thắng lớn tất cả những gì do óc sáng tạo và sự cần thiết của chúng tôi mà có.